Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

AI CÓ BIẾT BÂY GIỜ LÀ MẤY GIỜ RỒI KHÔNG?


trước sau

Hôm sau thằng Hải cò vác bộ mặt tang thương đến tìm tôi.


    Trông bộ tịch hầm hầm của nó, tôi đoán chắc nó sắp trút lên đầu 

tôi một cơn bão rủa xả về chuyện tôi đã xúi cả bọn phá tanh bành khu 

vườn nhà nó.


    Nhưng khi thấy vẻ mặt te tua không kém của tôi, cơn giận trong lòng nó đột nhiên nguội ngắt.


    - Mày cũng bị ăn đòn à?


    Thằng Hải cò hỏi bằng giọng sung sướng của người đang gặp hoạn nạn chợt thấy kẻ khác gặp hoạn nạn hơn mình.


    - Ờ. – Tôi rầu rĩ, tay mân mê gò má sưng vù – Tối hôm qua ba mày xồng xộc qua nhà tao.


    Hải cò lo lắng nói, trông nó thấp thỏm như đang đứng trên ngọn núi lửa:


    - Nếu vậy thì ba tao không chỉ qua mỗi nhà mày.


    Như để chứng minh cho suy đoán của Hải cò, một chốc sau con Tủn 

và con Tí sún lếch thếch nối nhau tới, mặt mày nhàu nhò như quần áo vừa 

lấy vô từ dây phơi.


    Tôi và Hải cò không hỏi, con Tủn và con Tí sún cũng không nói, 

nhưng nhìn bộ mặt héo úa của hai nhỏ bạn tôi biết tỏng chuyện gì vừa xảy

 ra.


    - Tại sao người lớn lại phạt tụi mình nhỉ? – Tôi than thở bằng 

giọng của người suốt đời gặp toàn chuyện bất công – Bọn mình có làm gì 

sai đâu.


    Hải cò làu bàu:


    - Khu vườn nhà tao…


    Thấy Hải cò chuẩn bị giở giọng bắt đền, tôi nhìn con Tí sún:


    - Bọn mình đâu có cố ý, Tí há?


    Con Tí sún nhanh nhẩu phụ họa:


    - Ờ, bọn mình không cố ý.


    Con Tủn lần này đứng về phía tôi, có lẽ vì nó trót là một trong những đồng-thủ-phạm trong vụ này:


    - Chẳng ai muốn làm chết khu vườn cả.


    Hải cò bất chợt nhận ra nó thuộc phe thiểu số, ngay cả con Tủn 

cũng ở bên kia chiến tuyến, liền thở đánh thượt, lặp lại như cái máy:


    - Ờ, chẳng ai muốn làm chết khu vườn cả.


    Không hiểu sao tôi vẫn tin rằng nếu chúng tôi không bị đuổi khỏi

 khu vườn, nếu công việc đào bới vẫn tiếp tục thì sớm muộn gì chúng tôi 

cũng sẽ tìm thấy kho báu. Dường như mọi đứa trẻ đều tin rằng có một kho 

báu nào đó được cất giấu ở một nơi nào đó trên thế gian này đang chờ đợi

 tụi nó.


    Thông thường, nguời lớn không phủ nhận niềm tin đó của trẻ con. “

 Kho báu à? Có đấy!”, người lớn mỉm cười dễ dãi, nhưng ngay sau đó họ 

lại bảo kho báu của con người là tri thức. Đại khái họ thích nói với con

 cái( như tôi vẫn thích nói với con tôi): “ Con ơi, con phải chăm học. 

Tri thức là một kho báu vô giá. Tri thức là chìa khóa của cuộc sống. Có 

nó, con có thể mở được mọi cánh cửa”. Trong trường hợp này có lẽ người 

lớn nói đúng nhưng trong mắt một đứa trẻ tám tuổi, đã là kho báu thì dứt

 khoát phải có hình thù của một hòm vàng hay bét nhất là một thỏi kim 

cương.


    - Con người ai chẳng thích đi tìm kho báu – Tôi sụt sịt nói – Ba mẹ mình cũng thế thôi. Thế mà mình lại bị phạt.


    Như như bị khoét vào nỗi đau tích tụ lâu ngày, con Tủn ấm ức tuôn trào:


    - Bọn mình luôn luôn bị phạt. Trong khi ba mẹ mình thì chẳng bao giờ bị phạt.


    Hải cò đột ngột bị sự xúc động nhấn chìm. Nó hài tội mẹ nó:


    - Mẹ mình đã năm lần đánh mất chìa khóa xe, mười hai lần đánh mất chìa khóa tủ mà chẳng ai nói gì.


    Con Tí sún không có mẹ. Nó chỉ có ba. Nó thút thít:


    - Ba mình hứa với mình là sẽ bỏ rượu. Nhưng ba mình có giữ lời đâu.


    Tôi đế ngay:


    - Thế mà vẫn không bị đánh đòn roi nào.


    Bị cuốn theo dòng thác cảm xúc mỗi lúc một mãnh liệt, bốn đứa 

tôi thi nhau kể tội ba mẹ. trong vòng vài phút, bọn tôi kinh ngạc nhận 

ra ba mẹ của bọn tôi khuyết điểm đầy rẫy, có lẽ nhiều hơn bọn tôi cả 

chục lần. Sau này tôi vẫn nói với con tôi(như ba mẹ tôi vẫn nói với 

tôi): Con cái không được phán xét ba mẹ, con à. Và thú thật khi nói như 

vậy tôi cũng không rõ tôi đang dạy con tôi cách thức làm người hay vì 

tôi sợ nếu tôi cho phép nó phán xét thì nó sẽ thấy người đáng bị quỳ gối

 nhiều nhất trong nhà là tôi chứ không phải nó. Khỉ thật!


    Thực tế thì sống trên đời ai mà chẳng có khuyết điểm: Trong khi 

bọn trẻ con cố che giấu khuyết điểm của mình trong mắt người lớn thì 

người lớn cũng tìm mọi cách giấu giếm khuyết điểm của mình trước mắt trẻ

 con.


    Nếu làm một cuộc so sánh thì rõ ràng trẻ con làm điều đó tốt hơn

 và khéo léo hơn, đơn giản là trẻ con sợ bị phạt. Người lớn che giấu 

khuyết điểm kém hơn, không phải vì vụng về hơn, mà do họ bất chấp. Trẻ 

con không thể phạt họ và điều đó gieo vào đầu họ cái ý nghĩ tai hại rằng

 phạm khuyết điểm là đặc quyền của người lớn. Một đứa trẻ vô tình đánh 

một phát trung tiện giữa bàn ăn sẽ bị người lớn bợp tai ngay tức khắc 

nhưng nếu một người lớn cũng làm như vậy thì đứa trẻ (và những người 

chung quanh) chỉ biết cười xòa, trong khi thực ra cả hai đều đáng phê 

phán như nhau và nếu phải tha thứ thì đứa trẻ đáng được tha thứ hơn.


    Trẻ con không những thường xuyên bị phạt(bởi với một đứa trẻ thì

 có hàng trăm thứ lỗi lầm để mắc phải, từ chuyện không thuộc bài, làm 

bẩn tập vở đến chuyện mải chơi hay quên ngủ trưa), mà còn thường xuyên 

bị phạt oan.


    Người lớn thường thích cường điệu nỗi cô đơn trong cuộc sống, 

thích ca cẩm rằng biết tìm đâu cho ra một người tri kỷ trong khi chính 

trẻ con mới cảm nhận điều đó sâu sắc hơn ai hết. Đứa trẻ trót lỡ tay 

đánh vỡ một cái tách hay cái lọ hoa, trong đa số các trường hợp đều bị 

cả ba lẫn mẹ xúm vào tấn công, thêm sự phụ họa của anh chị nếu đứa trẻ 

xui xẻo đó không những có anh mà còn có cả chị. Đứa trẻ sẽ thấy mình bị 

hiếp đáp, và chắc chắn sẽ thấy oan ức nếu thủ phạm làm vỡ lọ hoa là con 

mèo hậu đậu nhưng nó không đủ thì giờ để phân bua trước cơn giận dữ của 

người lớn, nhưng ngay cả khi nó có cơ hội nói lên sự thật giữa những 

tiếng thút thít thì cũng chẳng ai tin nó.


    Có lẽ trên cõi đời này không có đứa trẻ nào chưa từng oán trách ba mẹ.


    Sau này khi đã là một ông bố, tôi luôn thận trọng khi quở trách 

con cái để tránh xảy ra những vụ án oan nhưng thú thật xóa nhòa được lằn

 ranh giữa trẻ con và người lớn cũng khó ngang với việc xóa bỏ ranh giới

 giàu nghèo trong xã hội. Về tâm lý, người lớn luôn cho mình đứng về 

phía chân lý, nếu xảy ra một sai lầm nào đó thì phần nỗi đương nhiên 

thuộc về trẻ con.


    Tôi đã cảm nhận được sự bất công đó, ngay vào năm tám tuổi, lúc 

tôi tiếp tục mân mê đôi gò má rát bỏng. Và tôi tin rằng cả khối trẻ con 

trên đời này cũng đang nghĩ rằng không có ai hiểu mình, kể cả những 

người thân thiết nhất và đó là tâm trạng thật sấu khổ, người lớn chưa 

chắc đã sánh bằng.


    Ngay sau khi kể tội các bậc làm cha làm mẹ, chúng tôi cảm thấy cần phải thành lập một phiên tòa.


    Những ngày hôm trước, nếu bốn đứa tôi hăng hái giành nhau làm ba

 mẹ thì bây giờ lại tranh nhau đến khô cả cổ để được làm con cái.


    Phải tranh giành thôi, vì đây là phiên tòa vô tiền khoáng hậu: trẻ con xử người lớn!


    Rốt cuộc, sau một hồi giằng co, Hải cò và con Tủn giật được chiếc ghế quan tòa.


    Tôi và con Tí sún đành phải đóng vai bị cáo.


     


    Hải cò nện lọ mực xuống mặt bàn đánh “cốp”, mặt khó đăm đăm:


    - Ba đi đâu mà giờ này mới về? Ba có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?


    Tôi lí nhí:


    - Ờ, ba gặp mấy người bạn… vui miệng làm mấy ly…


    - Tuần trước ba say rượu, ủi xe vô gốc cây, phải đưa đi cấp cứu, ba hổng nhớ hả?


    Tuần trước ba thằng Hải cò có say rượu ủi vô gốc cây và tỉnh dậy

 ở bệnh viện với cái đầu băng trắng thiệt. Bữa đó ai cũng tưởng ba nó 

tiêu rồi.


    Tôi tặc lưỡi:


    - Nhớ chứ sao không.


    - Nhớ sao ba còn tiếp tục say rượu? Rủi ba có mệnh hệ gì thì vợ 

con bỏ cho ai nuôi? – Hải cò quát lớn nhưng giọng nó chuyển qua nghèn 

nghẹt như ai bị bóp mũi, chắc nó chợt hình dung đến cảnh chẳng may nó 

mồi côi cha.


    Tôi gục đầu xuống:


    - Ba biết lỗi rồi.


    Hải cò nhìn tôi(chắc nó nghĩ nó đang nhìn ba nó nên mắt nó ngân ngấn nước), giọng dài ra:


    - Câu này nghe quen quá, ba.


    - Con yên tâm đi. Đây là lần cuối cùng ba hứa với con. – Tôi 

nói, giọng cảm động, vì tôi cũng đang rùng mình tưởng tượng đến cảnh ba 

thằng Hải cò nằm bẹp trên chiếc băng-ca không bao giờ ngồi dậy nữa.


    Hết ba tới mẹ. Con Tủn nhìn con Tí sún bằng ánh mắt ngán ngẩm:


    - Thiệt tình con không biết nói sao nữa, mẹ à.


    Con Tí sún đổi chân hai, ba lần, mặt lộ vẻ bồn chồn, như thể nó biết nó tội lỗi đầy mình.


    Con Tủn đột nhiên nức nở:


    - Mẹ không bao giờ tôn trọng con hết. Hu hu hu.


    Con Tí sún mặt mày xanh lè:


    - Nín đi con. Con nói sao ấy chứ. Mẹ luôn luôn thương con mà.


    - Con nói mẹ không tôn trọng con chứ đâu có nói mẹ không

thương con.


    Trước ánh mắt ngơ ngác của con Tí sún, con Tủn ấm ức dằn từng tiếng:


    - Thương là khác. Còn tôn trọng là khác.


    Con Tủn bắt đầu kể tội mẹ nó:


    - Hôm trước đi mua áo, mẹ hỏi con thích chiếc áo màu xanh hay 

chiếc áo màu vàng. Con nói con thích áo màu vàng. Tưởng sao, mẹ nói: 

Thôi, mua áo màu xanh đi con. Mặc màu xanh cho mát.


    Con Tí sún nhìn chiếc áo màu xanh con Tủn đang mặc, cố nín cười:


    - Ờ… ờ…


    - Xưa nay chuyện gì cũng vậy. – Con Tủn tiếp tục thút thít – Mẹ hỏi ý con, nhưng rốt cuộc mẹ đều làm theo ý mẹ.


    - Ờ.. ờ…


    - “Ờ” gì mà”ờ” – Con Tủn giận dỗi – Nếu mẹ không tôn trọng con 

thì mẹ còn hỏi ý kiến của con để làm gì. Từ nay trở đi, mẹ thích gì mẹ 

cứ làm, đừng bao giờ hỏi con nữa.


    - Mẹ xin lỗi…


    Con Tủn vừa dứt lời, thằng Hải cò đã nôn nóng tiếp theo ngay, như thể đang chờ sẵn:


    - Mẹ còn cái tật nói dai nữa.


    Con Tí sún tròn xoe mắt:


    - Mẹ mà nói dai á?


    - Chứ còn gì nữa. – Hải cò nhăn nhó – Năm ngoái con lỡ làm mất 

chiếc xe đạp, thế mà mẹ cứ lôi chuyện đó ra nói hoài. Hôm qua mẹ vẫn còn

 nhắc trong bữa ăn, cứ như thể con làm mất cả trăm chiếc xe ấy…


    - Ủa, mẹ có nhắc hả con? Làm gì có!


    - Thế ai vẫn hay nói câu” Xe đạp mà nó còn làm mất được thì cái 

gì mà nó không làm mất”? Đó không phải là câu nói ưa thích nhất trong 

năm của mẹ sao?


    Tôi thở một hơi dài khi nghe thằng Hải cò tố khổ mẹ nó. Ở trên 

bàn công tố viên, con Tủn cũng sụp mặt xuống. Rõ ràng cái tật của mẹ Hải

 cò cũng là cái tật của mẹ tôi và mẹ con Tủn.Mẹ con Tí sún không mắc 

phải cái tật đó chẳng qua do bà mất sớm.


    Phiên tòa hôm đó kéo dài khá lâu và kết thúc trong niềm hân hoan

 của cả bốn đứa tôi. Chúng tôi cảm thấy lấy lại được sự công bằng, đã xả

 được bao nhiêu là ấm ức, đã tưởng tượng ra được cảnh người lớn chân 

thành xin lỗi trẻ con về bao nhiêu là khuyết điểm mà nếu trẻ con không 

vạch ra thì người lớn không bao giờ nhận thấy.


    Hôm đó, chúng tôi sống như trong mơ – một giấc mơ có lẽ mọi trẻ con trên trái đất đều ao ước.


    Chỉ tiếc là giấc mơ đó phù du quá. Từ phiên tòa trở về, tôi vừa đun đầu vô nhà, ba tôi đã đón bằng một tiếng quát:


    - Con đi đâu mà giờ này mới về? Con có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?


    Oái oăm thay, công tố viên Hải cò vừa quát tôi một giống y như thế, chỉ khác một chút ở cách dung các đại từ nhân xưng:


    - Ba đi đâu mà giờ này mới về? Ba có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện