Nghe xong câu này, mặt tôi nóng bừng,
giống như lại bị bố tôi tát một cái nữa vậy. Tôi âm thầm cầu nguyện,
Lịch Xuyên và bố tôi, tốt nhất là cả đời không gặp nhau.
Lúc xuống xe tôi không quen đeo chiếc
máy ảnh Nikon lên trên cổ. Đây là máy ảnh Lịch Xuyên dùng để chụp phong
cảnh. Anh thường xuyên chụp ảnh, nhưng chưa bao giờ chụp chính mình.
Nhưng mà hôm nay, tôi nói là muốn chụp cổng chào của Kim Mã Phường, thật ra tôi âm thầm tính, muốn chụp một tấm ảnh chung của tôi và Lịch Xuyên.
Chúng tôi đi quán bar Bướu lạc đà uống
rượu trước, ở trong quán xa hoa trụy lạc, Lịch Xuyên uống bia, lại không cho tôi uống. Nói tôi chưa đủ 20 tuổi, chỉ được uống nước trái cây. Tôi chọn nước dứa, anh lại nói nước dứa rất ngọt, không khỏe mạnh. Nước
chanh tốt nhất. Đợi tới khi chúng tôi uống xong đi ra, trời đã tối. Về
tới cổng chào, tôi gọi một người đi đường, nhờ anh ta chụp cho chúng tôi một tấm.
“Anh ta không biết chụp,” Lịch Xuyên nhỏ giọng nói “Không bằng để anh chụp, cam đoan chất lượng tốt.”
“Anh chụp cho em nhiều rồi, bây giờ em muốn chụp chung.” Tôi cường điệu từ “Chụp chung.”
“Em chụp chung với cái cổng này thôi được không?” anh nhíu mày “Anh không thích chụp ảnh.”
“Không được. Em chỉ muốn chụp chung với anh thôi. Chúng ta – anh và em – đứng cạnh nhau.” Tôi nghiêm mặt, nói từng chữ một.
“Được rồi.” anh bất đắc dĩ gật đầu.
Người đi đường kia bày ra tư thế chuyên
nghiệp, muốn chúng tôi dựa vào nhau gần một chút, sau đó, tách tách tách tách, chụp liên tiếp 5 6 tấm.
Tôi nói : “Làm phiền, anh ơi, chụp một tấm xa ra một chút, tôi muốn chụp cả cổng.”
Anh ta cầm máy ảnh lui ra đằng sau, lui lui, bỗng nhiên xoay người bỏ chạy.
Tôi biết máy ảnh của Lịch Xuyên là máy
ảnh chuyên nghiệp, giá xa xỉ. Chắc là người kia thấy tiền nổi lòng tham, lại thấy Lịch Xuyên đi lại khó khăn, liền nhân cơ hội xuống tay.
“Đứng lại!” tôi quát to một tiếng, liền đuổi theo.
Người kia chạy xuyên qua đám đông, rất
nhanh chạy vào một ngõ nhỏ. Xem ra anh ta cũng không quen thuộc khu vực
này lắm, mỗi khi qua một ngã rẽ đều do dự một chút, nghĩ xem có nên rẽ
hay không. Tôi một đường đuổi theo, qua ngõ nhỏ, tới một ngã tư im ắng,
bóng dáng người kia luôn luôn ở trước tôi khoảng một trăm bước. Tôi ước
chừng mình đã chạy qua hai khu phố, người kia quay đầu lại mấy lần,
tưởng rằng đã bỏ xa tôi, nhưng tôi chạy theo anh ta như cái bóng, hơn
nữa, lại càng ngày càng gần. Anh ta xoay người lại chui vào một ngõ nhỏ. Ngõ nhỏ kia liên tục xuất hiện lối đi thông ra đường cái, dần dần, ngõ
nhỏ giống như càng chạy càng hẹp, đột nhiên, xuất hiện một lối rẽ. Anh
ta do dự một chút, có lẽ đang suy nghĩ xem có nên rẽ hay không. Ngay
trong lúc anh ta đang do dự, tôi đã đuổi kịp anh ta. Anh ta đứng lại,
cầm máy chụp ảnh trong tay, nói : “Mày đừng tới đây, ở đây chỉ có một
mình mày. Có tin tao bẻ gãy cổ mày không.”
Tôi nói “Sao chỉ có mình tôi được, đằng sau anh còn có hai anh cảnh sát.”
Phía sau anh ta có người đi đường, hai
người thanh niên, lại có tiếng bước chân rất lớn, tôi quát to một tiếng : “Bắt ăn trộm!” hai người thanh niên kia liền chạy về phía tôi, trong đó có một người chạy quá nhanh, đạp vỡ một chậu hoa, anh ta nhịn không
được quay lại đằng sau nhìn.
Ngay tại lúc này, tôi nhớ lại một động
tác quan trọng trong Tán Thủ được học trong giờ thể dục, một cước đá
ngay đũng quần anh ta.
Anh ta “A” một tiếng, quỳ trên mặt đất,
đau quá té xỉu. Tôi giật lại máy chụp ảnh, bỏ chạy. Lúc này tôi mới phát hiện chính mình vì vừa rồi chạy một đoạn đường dài, nên cả người đã sớm ướt đẫm mồ hôi, thở hồng hộc. Trái tim kịch liệt nhảy lên.
Chưa chạy được vài bước, đi tới cửa ngõ, một chiếc ô tô màu đen trờ tới, ngừng trước mặt tôi, cửa đồng thời mở
ra, truyền ra giọng của Lịch Xuyên : “Tiểu Thu, vào xe!”
Tôi chui vào, xe ôtô vội vàng chạy đi.
“Có bị thương không? Hả?” Lịch Xuyên kéo tôi tới trước mặt anh, hỏi.
“Không có.”
“Làm sao em cướp máy về được?” anh đưa khăn tay ra cho tôi lau mồ hôi, tiếp tục hỏi.
“Em đá cho anh ta một cước, anh ta té xỉu.”
“Không thể nào? Dễ vậy thôi à? Đá một
cước liền xỉu? Đây là trình độ của ăn cướp ở Côn Minh sao?” anh nói “Vô
dụng như vậy à, ngay cả cái máy chụp ảnh cũng cướp không được?”
“Ê ê, anh đang nói cho ai vậy?”
“Để anh đổi thành khen em là nữ anh hùng.”
“Vậy cũng được.”
Chúng tôi trở lại miếu Kim Mã Phường, chỗ vừa chụp ảnh, cùng nhau xuống xe.
Lịch Xuyên nhìn tôi, nói : “Em chạy có mệt không? Chạy xa không? Cũng khoảng 2000m đi?”
“Khoảng đó.” Tôi còn đang thở.
“Có thể chạy một lần nữa không?” anh nói “Vừa rồi, ở ngay chỗ này, có người trộm ví tiền của anh.”
“A!? Cái gì?! Anh, làm mất ví tiền rồi?” tôi kêu to “Đây là chỗ nào vậy!? Sao nhiều ăn trộm vậy? Trộm ở đâu?
Chạy hướng nào? Còn bị trộm cái gì nữa?”
Tôi nhìn anh, phát hiện anh đang cười thầm.
“Lịch Xuyên, em biết anh không cần tiền mặt. Nhưng thẻ tín dụng và thẻ ATM, người ta có thể quẹt sạch luôn.”
“Chọc em thôi, xem em kìa.” Anh vén mấy
cọng tóc bung ra ra sau tai “Sau này nếu như lại xảy ra chuyện như thế
này, em thà rằng bỏ lại máy ảnh, cũng không thể bỏ lại anh.”
“Dạ, dạ, em sai rồi. Thiên kim chi tử, cẩn thận. Em phải bảo vệ anh trước.”
“Như vậy là được rồi.” anh nhìn tôi, ánh mắt yên tĩnh như anh trăng.
Tôi ôm máy chụp ảnh, đắm chìm trong niềm vui chiến thắng : “Lịch Xuyên, ở trong có hình chụp chung của tụi mình. Em mới không để cho người ta chôm đâu.”
“Nếu như không có ảnh chụp chung thì sao?” anh hỏi.
“Đó là máy của anh, không phải của em,
chôm thì chôm. Cho dù có mắc, anh cũng không phải không chịu nổi, đúng
không? Hơn nữa, mạng của em, cũng rất quý giá, đúng không?” tôi nói liến thoắng.
“Nói em không hiểu chuyện, không ghi
thù trong lòng, không ngờ em lại rất hiểu chuyện, tính toán rất hợp lý.” Anh thở dài “Anh chỉ cầu Thượng Đế phù hộ anh, sau này trăm ngàn không
cần đắc tội em, nếu không cũng sẽ bị em đá một cước.”
Tôi giơ hai tay qua, ôm lấy eo anh : “Ừm, người ta lúc nào cũng dịu dàng mà. Chỉ có lần này thôi, lại bị anh nhìn thấy.”
“Lúc nào cũng dịu dàng? Làm gì có? Lần
đầu tiên gặp em, em đổ đầy cà phê lên người anh. Lần thứ hai, em leo
tường trước mặt anh. Lần thứ ba, em đánh cảnh sát. Anh cảm thấy em là
một cô gái bạo lực, vừa bạo lực vừa háo sắc, thật sự là làm người ta sợ
hãi.”
Lịch Xuyên mặc dù lúc nào cũng khiêm tốn nói mình không biết tiếng Trung. Thật ra, lượng từ của anh rất lớn,
cũng rất thực dụng, nói một tràng tôi nghe xong á khẩu không nói gì
được.
Vì để anh không nói tiếp nữa, tôi vội vàng ngắt lời : “Lịch Xuyên, em đói bụng, muốn ăn bún.”
“Không phải em vừa ăn bánh trẻo xong à? Sao đói bụng nhanh vậy?”
“Người ta lo lắng dì làm anh khó chịu mà, lo tới mức không có hứng ăn. Trước kia em cũng rất thích ăn bánh trẻo.”
“Vậy đi LDW đi.”
“Hương vị Vân Nam.”
“LDW.”
Hương vị Vân Nam nhìn qua có vẻ là doanh nghiệp quốc doanh. Muốn vào ăn phải tới mua vé ở quầy.
Tôi hỏi Lịch Xuyên : “Anh ăn ở đây lần nào chưa?”
“Chưa. Anh xem quảng cáo rồi. Người ta nói hương vị rất chính tông.”
“Bún qua cầu ở tầng 2, cầu thang trơn lắm, chúng mình không cần đi lên.”
“Ở trên ít người, em đi tìm chỗ trước đi.” anh tới chỗ quầy xếp hàng. Một hàng thật dài, khoảng chừng mười người.
Người xếp hàng thấy anh chống nạng, đều nói “Không cần xếp hàng, trực tiếp lên mua đi.”
Không biết ai còn nói thêm một câu : “Ưu tiên người tàn tật.”
Những người đó nói tiếng Côn Minh, tôi
tin rằng Lịch Xuyên nghe hiểu mang máng. Anh bày ra vẻ mặt hờ hững, vẫn
không nhúc nhích xếp ở cuối hàng.
Cầm vé, chúng tôi đi lên lầu, tìm một
chỗ ở bên mé phòng. Chỉ chốc lát sau, nhân viên bưng bún tới, còn bỏ
thêm một nồi nước luộc gà bốc khói. Tôi hỏi Lịch Xuyên : “Chỉ mua một
phần, anh không muốn ăn à?”
“Anh ăn ở nhà dì no rồi.”
“Nếu không, anh ăn chút rau trộn đi?”
“Quá cay.”
Thật ra, trên đoạn đường đi cùng Lịch
Xuyên, cả nam cả nữ, đều quay đầu nhìn anh. Nhìn tới mức khiến cho anh
không được tự nhiên. Cho dù hiện tại anh ngồi xuống rồi, tôi vẫn có thể
cảm thấy sau lưng có rất nhiều ánh mắt đang đánh giá. Tôi không để ý
canh nóng cỡ nào, chỉ muốn ăn bún thật nhanh.
“Đừng ăn nhanh như vậy, coi chừng bỏng. Tối nay tụi mình cũng không có gì làm.” Anh khuyên tôi.
Bún qua cầu rất ngon, ở vài điểm, một là canh phải ngon, hai là đồ ăn phải tươi, ba là bún phải mềm. Quả nhiên
là canh gà tốt nhất, tôi uống một hơi hết nửa bát.
Sau đó tôi nói : “Không được, em uống không được nữa.”
“Vậy cứ để đó đi. Không ai ép em uống hết.”
“Lãng phí rất không tốt, em đi toilet
cái đã, về rồi uống tiếp.” nói xong, tôi đứng dậy tìm toilet. Anh giữ
chặt tôi lại “Đừng đi, để anh uống hết giùm em.”
Anh kéo bát canh thật to tới trước mặt mình, uống từ từ từng muỗng một, uống sạch không còn chút gì.
Tôi nhìn anh cười : “Biết vậy chừa mấy cọng bún cho anh, bây giờ chỉ còn canh.”
“Tiểu Thu, em đi Hạ Môn bao giờ chưa?” anh đột nhiên nói.
“Chưa.”
“Sau Tết anh phải đi Hạ Môn, phía đầu tư có một cuộc họp quan trọng, không đi không được. Đi với anh, được không?”
“Phải ở Hạ Môn bao lâu?”
“Hai ngày. Sau đó, em về Bắc Kinh, anh đi Trầm Dương. Trầm Dương rất lạnh, em đừng đi.”
“Sao phải mang em theo, em cũng không phải thư ký của anh.”
“Thư ký của anh, được mệnh danh là tuyệt đại giai nhân, em có muốn làm quen không?” anh thần bí cười.
“Thư ký của anh là nam.” Tôi nhớ lại lần trước, là nam thư ký của anh báo cho tôi tin anh nằm bệnh viện.
“Đó là trợ lý làm việc. Anh có nữ thư ký, đồng thời kiêm phiên dịch viên.”
“Anh? Còn cần phiên dịch?”
“Lúc bàn nghiệp vụ anh chỉ nói tiếng Anh, để thư ký của anh phiên dịch. Một chữ ngàn vàng, không thể sai lầm.”
Một tuần sau, tôi và Lịch Xuyên bay đi
Hạ Môn. Một tuần đó, anh bị bệnh 3 ngày, cảm mạo, sốt, ngày nào cũng nằm trong khách sạn. Sau khi hết bệnh, anh liều mạng làm việc, vẽ xong 3
bản vẽ.
Lịch Xuyên đem tôi đi công trường, là một miếng đất lớn cạnh bờ biển.
“Ở đây, sẽ xây một khu nghỉ dưỡng rất
lớn, non xanh nước biếc. Đầu tư vài triệu. Chỗ anh nhận thiết kế toàn bộ công trình. Ngoại thất, nội thất, lâm viên.”
“Ừm, có vẻ là chỗ tốt, trống trải thoáng đãng.”
“Ba năm sau em tới đây thử xem, ở đây sẽ đầy là tòa nhà và biệt thự do anh thiết kế.”
“Lịch Xuyên, em thật sùng bái anh!”
“Anh cũng vậy.” anh nói.
Tôi ngạc nhiên nhìn anh.
“Em cho anh rất nhiều linh cảm. Thiết kế cũng giống yếu đương vậy, đều cần kích thích.”
Gió biển rất lạnh, anh ôm eo tôi, chúng tôi quay mặt ra biển, ôm nhau gắt gao.
Từ công trường trở về, trong đại sảnh
của khách sạn, tôi thấy một cô gái cao gầy lẳng lặng ngồi trên sôpha. Áo cashmere, váy lông màu xanh đậm, đôi tai khéo léo, đeo một đôi bông tai ngọc trai tinh xảo. Nửa mặt tuyệt mỹ.
Cô gái thấy chúng tôi, đứng dậy : “Vương tiên sinh.”
Mặt cô gái có một nét đẹp tinh tế, một
nét đẹp trang trọng cổ điển nói không nên lời. Thấy cô, sẽ làm người ta
nhớ tới những câu trong “Kinh Thi” hoặc “Tống Từ”.
“Giới thiệu một chút.” Lịch Xuyên nói
“Đây là thư ký kiêm phiên dịch của anh, Chu Bích Tuyên tiểu thư. Đây là
Tạ Tiểu Thu tiểu thư.”
Chúng tôi bắt tay nhau, mỉm cười.
Trong ánh mắt của Chu Bích Tuyên, có ẩn ẩn nghi ngờ. Lúc Lịch Xuyên nói chuyện, anh vẫn nắm tay tôi.
“Có chuyện gì sao?” Lịch Xuyên hỏi.
“Có mấy giấy tờ cần anh ký tên. Còn nữa, bản phiên dịch cuối cùng của thư đăng ký dự thầu, cần anh xem qua.”
“Tiếng Anh cô xem là được rồi. Tiếng Pháp và tiếng
Đức để lại cho tôi.”
Anh nhận bút, ngồi xuống, nhanh chóng xem giấy tờrồi ký tên.
Tôi và Chu Bích Tuyên, đối diện nhau cười, thật lễ phép.
“Chu tiểu thư học khoa tiếng Anh à?” tôi hỏi.
“Khoa tiếng Anh Bắc Đại. Tạ tiểu thư thì sao? Cũng học tiếng Anh?”
“Đúng vậy. Tôi học đại học Sư phạm S, năm nhất.”
“Giáo sư Phùng Giới Lương khoa cô là chuyên gia về Lawrence, lúc tôi viết luận văn, từng đọc sách của ông ấy.”
(Lawrence : David Herbert Richards
Lawrence, thường gọi tắt là D.H Lawrence, là nhà thơ, nhà tiểu thuyết,
nhà phê bình, họa sĩ nổi tiếng của Anh)
“Ừ, danh tiếng dạy học của thầy vô cùng tốt. Năm sau tôi tính chọn môn của thầy.”
“Tạ tiểu thư thích Hạ Môn không?”
“Rất thích. Chu tiểu thư tới Hạ Môn lần đầu à?”
“Không phải, vì hạng mục này, tôi đi theo Kiến trúc sư trong công ty, đã tới nhiều lần rồi.”
Tôi cảm thấy, bộ dạng lúc Chu Bích Tuyên nói chuyện, mang theo một phong cách vô cùng chuyên nghiệp không tả
được. Chỉ tán gẫu đơn giản, nhưng lại rất cẩn thận, không nói quá kỹ, sợ nói sai. Mà tôi, vừa nói vừa dùng chân cọ cọ thảm, giống một học sinh
tiểu học bị cô giáo phạt vậy.
Lịch Xuyên ký xong rồi, đứng dậy nói : “Tiệc tối của tập đoàn Tấn Đạt, Hà tiên sinh sẽ tham dự giúp tôi.”
“Cái này…bên Kha tổng vừa nhắc, Vương
tiên sinh nhất định phải tới, ông ta muốn đối ẩm ba trăm chén với anh,
không say không về.”
“Vì câu này, tôi mới cho Hà tiên sinh
đi, tửu lượng của cậu ta lớn.” nghĩ nghĩ, anh hít một hơi : “Quên đi,
bữa cơm lần trước tôi không đi. Họ không để ý. Lần này nếu không đi, sẽ
nghi ngờ thành ý của tôi. Vẫn là để tôi đi thôi. Mấy giờ?”
“Bảy giờ.”
9 giờ Lịch Xuyên say khướt trở về, vào cửa liền đi thẳng vào toilet, ghé vào cạnh bồn câu nôn.
Tôi đứng cạnh giúp anh, nói : “Sao anh trọng lời hứa vậy, thật sự uống ba trăm chén với người ta đâu!”
Anh ói ra khoảng 10 phút, sau đó mới đứng dậy đi tắm. Một chân, chống nạng cũng đứng không vững.
“Ngồi xuống, em tắm giúp anh.” Tôi đau lòng muốn chết rồi.
“No.” không biết anh lấy sức ở đâu ra, anh đẩy tôi ra ngoài cửa “Rầm” một tiếng, đóng cửa lại.
Trong chốc lát, tiếng nước vọng ra. Chỉ
tốn có một phút, anh tắm xong, người cũng tỉnh táo, mặc áo ngủ chui vào
chăn, liên tiếp thở dài : “Ai, buôn bán với những người ở đây thật không dễ dàng. Vì một cái hợp đồng, cùng uống thuốc, uống rượu, ăn cơm, thiếu mỗi hy sinh sắc đẹp. Cái nhà hàng cao cấp kia, khu phòng riêng rõ ràng
viết cấm hút thuốc, nhưng mà, người trong đó, ai cũng hút thuốc. Tại sao có thể như vậy!”
“Kiếm được tiền còn oán giận, nghĩ tới trẻ em vùng nghèo khó xem.”
“Năm nào anh cũng quyên góp cho Công trình Hy vọng.”
Anh kéo tôi vào chăn : “Mỗi lần anh uống một chén, trong lòng đều nghĩ, chấm dứt nhanh lên đi, để cho anh về với Tiểu Thu nhanh chút đi.”
“Không thể nào, buồn nôn như vậy luôn à?”
“Anh không đành lòng để em cô đơn một mình trong khách sạn.”
“Em không có cô đơn một mình.” Tôi nói
“Ăn tối xong, em xuống đi bơi, lại đi chơi điện tử, sau đó, còn đi xem
phim, phim chúc mừng, Cát Ưu đóng, rất hay. Vừa về phòng không bao lâu
là anh về.”
Anh nằm eo tôi, nghiêng người lại, tôi nhẹ nhàng vuốt ve anh. Sau đó, anh dùng điều khiển mở TV :
“Bộ phim “Nắm tay” hôm bữa tới tập bao nhiêu rồi?”
Lịch Xuyên có một điểm khác biệt rất lớn so với những người đàn ông khác tôi biết. Anh không thích xem đá bóng,
hoặc xem kênh thể thao. Anh thích xem phim nhiều tập, từ phim tình cảm
tới phim võ trang đều được, loại phim khóc sướt mướt, càng dài càng tốt, phim nào cũng không chê. Lý do của anh là, phim truyền hình có thể giúp anh học tiếng Hán, đặc biệt là đối thoại hằng ngày. Mà kênh thể thao
thì không cần phải xem, chính mình nhớ rõ kiên trì rèn luyện thân thể là được rồi.
Tìm tới tìm lui, đổi mấy chục kênh,
không tìm được. Cuối cùng dừng ở một bộ phim truyền hình Nhật không đầu
không đuôi. Trong phim có nhạc đệm, hát bằng tiếng Nhật, anh nghe xong,
nói : “Anh đổi kênh, bi kịch, không xem.”
Tôi nói “Không phải anh nói anh không biết tiếng Nhật sao?”
“Cho dù là không biết gì, thì cũng biết nhiều hơn em.”
“Ngoại ngữ thứ hai của em là tiếng Nhật.” tôi dùng tiếng Nhật nói.
Sau đó, anh nói một câu tiếng Nhật, tôi
trừng to mắt nhìn anh, không ngờ là nghe không hiểu. Tôi nghĩ, sẽ không
là đồng âm với “Đồ xấu xa” đi.
“Câu trong bài thơ của Matsuo Bashou.” Anh nói “Em tâm phục khẩu phục chưa?”
“Anh khiêm tốn có giới hạn không vậy?”
“Không có. Nếu anh là em, ở trình độ này, chắc chắn anh sẽ không nói cho người khác mình có ngoại ngữ thứ hai.”
Tôi nhảy dựng lên, làm tư thế muốn bóp cổ anh.
Anh giơ tay đầu hàng : “Lần sau có bài
tập tiếng Nhật không biết làm, anh làm giúp em, không thu tiền công.
Thật đó. Em tha anh đi!”
Hôm sau, chúng tôi tạm biệt ở sân bay.
Tôi về Bắc Kinh, Lịch Xuyên đi Trầm Dương. Đợi tới khi anh trở về từ
Trầm Dương, kỳ nghỉ đông đã hết. Tôi vẫn đang đi làm ở chỗ cũ. Bố vẫn
gửi tiền cho tôi, mỗi tháng 100 tệ, gấp đôi trước đây. Ông không viết
thư cho tôi. Tôi viết thư cho ông, ông cũng không trả lời. Tôi cảm thấy, bố tôi hiểu tôi rất rõ, ông biết tôi đang làm gì. Hơn nữa ông biết tôi
sẽ giống ông, cho dù đi trên con đường nào, đều sẽ càng chạy càng xa,
vĩnh viễn không quay đầu lại. Cho nên, ông căn bản không khuyên tôi.
Sau khi Lịch Xuyên trở về, anh ở lại Hoa viên Long Trạch mười ngày. Mười ngày này, mỗi ngày chúng tôi sống cùng
nhau, như keo sơn, mỗi ngày đều thân mật như vợ chồng. Tấm ảnh chung của chúng tôi được treo trên tường. Tên cướp kia mặc dù chôm máy chụp ảnh,
nhưng kỹ thuật chụp ảnh cũng không tồi. Tôi thích nhất một tấm trong đó, cảnh nền là đèn đường ở rất xa, Lịch Xuyên quay đầu, vén một lọn tóc rũ xuống trên mặt tôi. Một khắc kia, anh nhìn tôi, tình cảm yêu thương
biểu lộ hoàn toàn.
Sau đó, anh về Zurich, Thụy Sĩ, quê hương của anh, thăm bà nội đang bị bệnh của anh.
Anh đi một tuần, mỗi ngày gọi điện thoại cho tôi một lần. Sau đó, anh nói, trong nhà có chuyện, cần ở lại thêm
một thời gian. Qua một tháng, anh nói, anh phải đi trượt tuyết với anh
trai. Ở đó không gọi điện thoại được.
Anh ở Thụy Sĩ suốt hai tháng trời.
Thứ 2, tôi tới sân bay đón anh, phát hiện đột nhiên anh gầy rất nhiều. Góc cạnh trên mặt càng rõ ràng hơn.
“Hi!” anh thấy tôi trong đám đông, chúng tôi gắt gao ôm nhau.
“Sao lại gầy rồi?”
“Không thấy nha. Ngược lại còn béo ra đó.”
“Em ăn ngon mà.” Trước khi đi, Lịch
Xuyên nhất định đòi cho tôi tiền. Tôi không muốn. Tôi vẫn làm thêm ở
tiệm cà phê. Học kỳ này tôi không chọn nhiều môn lắm, có thể làm thêm
mấy giờ, cho nên thu nhập khá tốt.
“Tai lành chưa?”
Anh đi tới vỉa hè, kiểm tra lỗ tai mới
bấm của tôi. Tôi thấy bông tai ngọc trai của Chu Bích Tuyên, vô cùng
thích, lúc ở Hoa viên Long Trạch rảnh rỗi không có gì làm, Lịch Xuyên
liền mang tôi tới cửa hàng đồ trang sức dưới lầu bấm lỗ tai. Anh nói da
tôi trắng, đeo ngọc trai không đẹp, đeo ruby mới đẹp. Hồng như hoa hồng
vậy. Cho nên trên tai tôi, có một đôi bông tai ruby. Trước khi Lịch
Xuyên đi, mỗi ngày anh dùng cồn rửa tai cho tôi ba lần, sợ tôi nhiễm
trùng. Kết quả, tai tôi vẫn sưng lên.
“Lành rồi.”
“Không đau?”
“Tuyệt đối không đau. Tự em tháo ra tháo vô vài lần rồi.”
“Không phải nói sáu tuần mới được đeo à?”
“Anh hai ơi, anh đi về hai tháng, sáu tuần qua từ hồi nào rồi.” tôi gõ gõ đầu anh.
Anh cười cười, trong nụ cười giấu một chút buồn bã.
“Hôm nay em mời.” tôi nói “Chúng ta đi ăn sushi. Cửa hàng lần trước.”
Chúng tôi ngồi trên taxi, anh nói “Nếu là em mời, chúng ta đi ăn bún đi. Tiệm sushi kia mắc lắm.”
Dọc theo đường đi, anh không nói gì.
Lúc ăn, anh cũng không nói gì.
Ăn xong, anh lái xe trực tiếp đưa tôi về phòng ngủ.
“Xảy ra chuyện gì vậy? Lịch Xuyên?” lòng tôi nặng trịch.
“Nhà anh có chút chuyện, rất phiền toái, chuyện làm ăn. Ngoài ra, sức khỏe ông nội anh không tốt lắm, bệnh tình nguy kịch.”
Tôi rất ít khi nghe Lịch Xuyên nhắc tới
người nhà mình. Nhưng tôi biết anh ở nhà được cưng chiều vô cùng. Chỉ
cần nhắc tới người nhà mình, trên mặt anh liền tràn ngập tình thân.
“Không phải nói là bà nội anh bị bệnh sao? Thì ra ông nội anh cũng bị bệnh à?”
“Thật xin lỗi, anh nói nhầm. Là bà nội
anh bị bệnh nguy kịch.” anh nói “Có lẽ sắp tới anh còn phải về Thụy Sĩ.
Anh đang đợi điện thoại.”
Anh nhìn tôi, vẻ mặt đầy tâm sự.
“Như vậy,” tôi nắm tay anh, nói “Anh đặc biệt trở về để thăm em?”
Dưới bóng cây ngoài ký túc xá, anh nâng mặt tôi lên, lén lút hôn một cái : “Đúng vậy.”