Tôi và Lịch Xuyên chậm rãi đi ra cửa lớn, lái xe đã ở đó chờ anh.
Xe Đức vô cùng rộng rãi, Lịch Xuyên mở
cửa xe cho tôi, để tôi ngồi vào trước, sau đó anh cũng ngồi vào, đưa
nạng cho lái xe bỏ vào cốp sau.
Cả người anh tản ra mùi vị trong lành nhưng lạnh lẽo.
“Anh dặn Tiểu Vi đặt đồ chay riêng cho em rồi.” anh nói “Em ăn chay lại rồi à?”
“Cống hiến cho môi trường của thế giới.”
Anh cười khẽ.
“Cười cái gì?”
“Anh vẫn nghĩ, mấy năm nay cái gì em cũng có thể thay đổi, chỉ có thói quen ăn uống là sẽ không thay đổi.”
“Em thay đổi nhiều lắm à?”
Anh quay đầu nhìn tôi : “Không, em không thay đổi gì cả. Anh vô cùng hy vọng em có thể thay đổi dù chỉ một chút.”
“Anh thì sao? Anh có thay đổi không?”
“Em cảm thấy như thế nào?”
“Anh không thay đổi gì cả. Ngoại trừ càng ngày càng xa cách em.”
Chúng tôi lâm vào trầm mặc, rất nhanh tới Hội Tiên Lâu.
Ngoại trừ vài nhân viên cá biệt của
phòng vẽ và phòng hành chính ra, gần như mỗi nhân viên của CGP đều có
xe. Vài thư ký không có xe đều đi nhờ xe của Giang tổng và Trương tổng.
Có thể là vì được ăn bào ngư, hầu như ai cũng gọi người nhà tới. Vừa tới cửa, Lịch Xuyên đã bị hai vị Giám đốc đứng đợi sẵn ở đó ngăn lại nói
chuyên. Tôi nhìn thấy Ngả Tùng và Emma trong sảnh nhà hàng, liền đi lên
chào hỏi.
“Ai, hơi hối hận đó, nếu biết được ăn bào ngư, em sẽ ăn chay trễ mấy tháng.” Tôi cười nói.
“Lịch Xuyên rất biết chăm sóc chị em phụ nữ, biết các tiểu thư tổ phiên dịch đều yêu hải sản điên cuồng. Nếu dựa theo khẩu vị của anh ta, chắc chỉ có nước ăn mỳ Ý. Tiểu Thu, em ngồi
cùng bàn với tụi chị đi!” vì buổi sáng Lịch Xuyên nhặt giầy cho Emma,
nên hôm nay Emma cố hết sức để ca ngợi anh.
“Đương nhiên, để em đi hỏi xem đồ chay để ở đâu.”
“Để tôi đi hỏi, mời các tiểu thư ngồi. Chuyện vặt để các quý ông đi làm.” Ngả Tùng nho nhã lễ độ sắp xếp chỗ ngồi cho chúng tôi.
Các phiên dịch viên trong tổ phiên dịch, người thì dẫn chồng con, người thì dẫn bạn trai, Emma dẫn tới một vị Tô tiên sinh, nghe nói yêu nhau được một tháng. Ngả Tủng dặn dò nhân viên
phục vụ xong, lập tức ngồi xuống cạnh tôi.
Tôi uống một ngụm trà, thấy Lịch Xuyên ngồi ở một chiếc bàn đằng xa.
Sau khi đồ ăn được bưng lên, nhân viên
bưng tới trước mặt mỗi người một chén bào ngư Long Tỉnh. Bưng tới trước
mặt tôi lại là bí chưng đậu hủ. Đồ chay Tiểu Vi đặt cho tôi vừa thơm vừa cay, tôi ăn ngon lành, tảo mắt nhìn mấy người điên cuồng vì hải sản
kia, đang say mê ăn bào ngư tôm hùm, ngay cả Ngả Tùng cũng không ngoại
lệ. Sau đó, Lysa tổ tiếng Đức mở đầu chủ đề người lớn :
“Nhớ hồi tao đi du học ở nước M, đang có mốt khỏa thân. Cụ già 70 tuổi cũng muốn thử. Vài người già đang ngồi
chơi cờ, ông cụ chạy ngang qua bọn họ. Một ông cụ khác nói : “Đúng là
chả ra gì! Quần áo nhăn nheo như vậy cũng không chịu ủi, hai cái túi
quần còn lòi ra ngoài.”
Mọi người cười run rẩy cả người, chỉ có tôi không yên lòng, không thấy hứng thú gì.
Ngả Tùng yên lặng quan sát tôi, tựa hồ
thấy cảm xúc của tôi đang xuống, hỏi tôi có muốn đi đài thiên văn ngắm
sao không. Tôi nói việc phiên dịch hơi bận, dạo gần đây không rảnh.
Giữa những vòng cụng ly, tôi thấy Lịch
Xuyên luôn ngồi tại chỗ ăn cơm thật nhã nhặn, có vẻ như khẩu vị đã khôi
phục lại. Mọi người đều đang uống rượu, lại không có ai mời rượu anh.
Tim tôi dần dần thả lỏng, cảm thấy hơi bỏ rơi Ngả Tùng, liền hăng say
thỉnh giáo anh ta về phổ cập kiến thức khoa học. Ngả Tùng nói một mớ
chuyện về gì mà hạt đen, hạt, lượng tử xong, lại giới thiệu cho tôi một
quyển tiểu thuyết khoa học giả tưởng “Nhật ký lạc vào thế giới Vật Lý”,
nói hồi lâu anh ta đọc được quyển này, đọc đi đọc lại không dưới một
trăm lần, rốt cuộc mới có giấc mơ tương lai phải làm nhà khoa học.
“Quyển sách cô thích đọc nhất là gì?” anh ta hỏi.
“Hồng Lâu Mộng.”
Tôi là sinh viên ban xã hội, vốn dĩ sách là chủ đề nói chuyện tôi thích nhất, trước kia tôi và Lịch Xuyên nằm
trên giường, nói về những quyển sách mà chúng tôi cùng thích, “On the
road”, “Sói hoang”, bi hài kịch của Shakespeare…không chịu đi ngủ. Ai,
nằm trên giường lâu quá, biến Lịch Xuyên từ người làm về kỹ thuật thành
một nam thanh niên đầy văn nghệ.
“Tôi chưa đọc “Hồng Lâu Mộng”.”
“Anh đọc “Tam Quốc Diễn Nghĩa” chưa?”
“Không…mới xem phim.”
“Ngoại trừ sách Vật Lý ra, anh còn xem quyển sách nào dày dày nữa?”
“Hồi ký Einstein”, cái đó có tính không? Rất dày, hơn 600 trang lận.”
Tôi nhìn anh ta, xém nữa bị nghẹn cà tím. Sao giữa hai người lại khác nhau dữ vậy trời.
Khóe mắt liếc thấy Lịch Xuyên ngồi đằng
xa, anh đang đứng dậy, rất khách khí nói gì đó với những người ngồi
chung quanh, từ từ đi ra cửa sau.
Trước khi vào bàn tôi từng đi toilet một lần. Nhà hàng số một, toilet cũng là số một, mặt kệ lát đá cẩm thạch,
bày hoa tươi, mùi nến thoang thoảng, không dính một hạt bụi. Có buồng vệ sinh dành riêng cho người tàn tật và phòng thay quần áo.
Qua gần 30 phút, Lịch Xuyên vẫn chưa trở lại.
Tôi lấy cớ muốn đi toilet, đi ra phía sau, ở đó vừa vặn đứng một nhân viên nam.
“Thật xin lỗi, tiên sinh, có thể phiền anh một chút được không?”
“Tiểu thư, cô cần giúp gì à?” cậu nhân viên trả lời tôi vô cùng trang trọng.
“Tôi có một đồng nghiệp dạo đây sức khỏe không tốt lắm, hay bị xỉu. Anh ấy đi toilet, nhưng qua 30 phút rồi vẫn
chưa về, có thể phiền anh đi vào nhìn hộ tôi thử xem, anh ấy có chuyện
gì không?”
“Xin quý khách chờ.”
Tôi mô tả những đặc điểm bên ngoài của
Lịch Xuyên. Anh ta đẩy cửa đi vào, rất nhanh liền đi ra : “Có lẽ vị tiên sinh kia uống quá chén, đang nôn rất dữ. Tôi hỏi anh ta có cần giúp gì
không, anh ta nói không cần.”
Xem ra trong nhà hàng hay có người say rượu rồi nôn, cậu nhân viên có vẻ mặt thấy nhưng không làm gì được.
“Trong toilet còn ai không?” tôi lại hỏi.
“Không.”
“Anh giúp tôi một việc được không?” tôi
đưa cho anh ta 50 tệ “Nhờ anh đi vào trông anh ấy hộ tôi. Nếu anh ấy
không đi được, phiền anh dìu anh ấy. Nếu tình huống nghiêm trọng hơn,
tôi phải đưa anh ấy đi bệnh viện.”
“Được.”
Tôi vẫn đứng canh ngoài cửa toilet, nhớ
tới hôm chúng tôi đi ăn ở Kunststuben ở Zurich, ăn tới một nửa anh cũng
đi toilet, thời gian rất lâu. Sau khi đi xong, anh không động dao nĩa gì nữa. Có lẽ lần đó anh cũng nôn, nhưng không chịu nói cho tôi biết.
Lại qua 20 phút, cửa rốt cuộc mở, Lịch Xuyên cúi đầu đi ra.
Thấy tôi, không nói chuyện. Lập tức ngồi xuống chiếc sô pha cạnh tôi.
“Lịch Xuyên, một là về nghỉ, hai là đi bệnh viện.”
“Đi lấy một ly nước cho anh được không?” anh thảm thiết nói.
Tôi đi lấy nước khoáng, ngồi xổm trước
mặt anh, rót một ly nhỏ. Anh móc một viên thuốc từ trong túi ra, cố gắng uống một ngụm nước, chưa kịp nuốt xong liền “ọc” nôn ra hết bao gồm cả
viên thuốc, tôi vừa vặn đứng trước mặt anh, liền dính đầy người, may mà
không bắn lên trên mặt tôi.
Tôi nhắm mắt lại. Mặc dù đây là bãi nôn của Lịch Xuyên. Nhưng bãi nôn là bãi nôn, tuyệt đối không đẹp đẽ gì.
“Thật xin lỗi…” anh thò tay vào túi tìm
khăn tay. Tôi ngăn anh lại, đặt anh lên sô pha, lại đưa cho anh một ly
nước : “Uống thuốc, đừng nhúc nhích.”
Tôi cởi áo khoác, ra phòng ăn tìm lái
xe, lại lặng lẽ giải thích một chút cho Giang tổng. Lái xe lấy xe lăn từ cốp xe ra, đưa Lịch Xuyên lên xe.
Trên đường đi tôi gọi điện thoại cho
René, hỏi xem có cần đưa Lịch Xuyên đi bệnh viện không. René nói không
cần, kêu tôi đưa Lịch Xuyên về khách sạn. Xe dừng trước khách sạn Thụy
Sĩ ở Trung tâm Hồng Kông Macao trên đường Đông Nhị Hoàn, René đã đứng
sẵn ở dưới đợi chúng tôi.
Chúng tôi cùng đưa Lịch Xuyên đang mê man về phòng. René giúp anh thay áo ngủ. Lịch Xuyên mơ mơ màng màng chìm vào giấc ngủ.
“Không phải nói một ngày chỉ làm việc 3 tiếng à?” quay lại phòng khách, René hỏi tôi “Sao Alex lại đi cả ngày?”
“Có lẽ hôm nay là ngày đầu tiên, anh ấy không muốn về sớm quá?”
René bưng cà phê, đầu óc rối loạn đi qua đi lại trong phòng khách.
“René, sao Lịch Xuyên cứ nôn hoài vậy? Hôm nay anh ấy nôn hai lần rồi.”
“Hằng ngày Alex đều phải uống một loại
thuốc, loại thuốc đó kích thích dạ dày rất mạnh, cho nên lúc nào cũng
buồn nôn. Ngoài ra, cậu ấy cũng rất dễ mệt, hễ chút là mệt.”
Tôi nhớ tới viên thuốc anh uống hồi sáng : “Là thuốc cứng xương à?”
“Không phải.”
“Vậy không uống loại thuốc kia được không?”
“Không được. Nhưng mà cậu ấy có thể uống Phernergan.”
“Phernergan?”
“Một loại thuốc chống nôn. Cũng có tác dụng phụ, sẽ làm tụt huyết áp, rất dễ xỉu.”
Tôi hít một hơi lạnh : “Vậy chẳng thì chẳng khác gì ngày nào anh ấy cũng phải nôn? Ngày nào cũng ăn không ngon?”
René cười khổ : “Cậu nói đúng.
Alex rất
ương ngạnh, nôn lại ăn, ăn xong rồi nôn, một ngày ăn rất nhiều lần, cho
nên trông cậu ấy còn chưa gầy lắm, đúng không? Nếu không đã thành bạch
cốt tinh từ đời nào rồi.”
“René,” tôi nói “Lịch Xuyên cứ như vậy mình rất lo lắng, tối nay mình phải ở đây với anh ấy.”
“Cái này…Alex sẽ không đồng ý.”
“Alex đang ngủ.”
René nghĩ nghĩ, nói : “Được rồi, mình giao cậu ấy cho cậu. Mình về phòng đọc tài liệu đây, có chuyện gì cậu qua gọi mình.”
Đưa René tới cửa, tôi lại hỏi : “Xem ra
bệnh của Lịch Xuyên chưa tốt hơn bao nhiêu, sao mọi người lại đưa cậu ấy về Bắc Kinh? Ở lại Thụy Sĩ không tốt hơn à? Ở Bắc Kinh nhiều việc, anh
ấy không được nghỉ ngơi. Chữa bệnh có lẽ cũng không kịp.”
“Cả nhà đều phản đối cậu ấy về, là chính Lịch Xuyên kiên trì muốn về.”
Chết. Lịch Xuyên trở về, là vì muốn giữ
lời hứa của mình. Nhưng mà tên ngốc này, giữ lời hứa sao quan trọng bằng con người được hả trời!
Tôi vội vàng nói : “Để mình khuyên anh ấy.”
René nhìn tôi, bỗng nhiên thở dài một
hơi : “Không cần khuyên. Annie. Lịch Xuyên không tính quay lại Thụy Sĩ.
Cậu ấy nói, cậu ấy thích Bắc Kinh, sẽ vĩnh viễn ở lại đây.”
Lúc nói câu này, giọng René hơi run run. Tính nói thêm gì nữa, nhưng lại nuốt lại, đóng cửa.
Lịch Xuyên đang ngủ, nhíu mày, cả người cuộn tròn lại, thật im lặng.
Tôi nhìn nhìn đồng hồ, chưa tới 8 giờ,
trước kia bình thường 12 giờ anh mới ngủ. Tôi đi toilet lấy một chiếc
khăn mặt nóng, lau mặt cho anh. Anh giật mình, xoay người một cái, lại
ngủ.
Lịch Xuyên rất thích sạch sẽ, không tắm
trước khi ngủ, đối với anh mà nói, đúng là chuyện không thể tưởng tượng
được, huống chi hôm nay anh còn nôn hai lần. Tôi vào toilet giặt khăn,
cởi áo ngủ của anh, nhẹ nhàng lau người cho anh. Anh vẫn nằm không nhúc
nhích, vẫn đang nhíu mày, rất mệt mỏi, rất yếu ớt, chậm rãi hô hấp. Có
đôi khi, ngón tay anh bỗng nhiên run lên vài cái. Có khi lại run run
lông mi, giống như muốn tỉnh dậy, nhưng lại không đủ sức, hai mắt lại
nặng nề khép lại. Đùi anh vẫn lạnh cóng, tôi dùng khăn mặt nóng chườm
thật lâu mới ấm lại.
Làm xong tất cả, tôi vặn tối đèn bàn
lại, nắm tay anh, trong ánh sáng mờ nhạt đó, yên lặng nhìn anh. Lịch
Xuyên càng ngủ càng trầm, cặp mày nhíu lại đã giãn ra. Mặt anh vô cùng
bình tĩnh, hơi hơi mỉm cười, giống như đang mơ một giấc mơ đẹp vậy.
Tới 3 giờ sáng, Lịch Xuyên bắt đầu lăn
qua lăn lại trên giường. Tôi chạy tới phòng khách rót sữa, lúc quay lại, anh đã mở mắt ra.
Anh nhìn nhìn tôi, lại nhìn nhìn đồng hồ, nhận sữa, kinh ngạc hỏi : “Tiểu Thu, sao em còn ở đây?”
“Em sợ anh lại nôn tiếp, nên ở lại với anh.”
Anh ngẩng đầu nhìn xung quanh : “Anh…lại nôn nữa à?”
“Không có, anh ngủ suốt, ngủ rất ngon. Đừng uống sữa nhanh quá, coi chừng nôn ra.”
Anh ngồi dậy, ngồi không ổn, dùng một tay chống. Tôi tìm một chiếc gối lót dướt eo anh.
“Em…ở đây tối giờ à?”
“Ừ.”
Sau đó, anh liền hỏi một câu làm tôi dở khóc dở cười : “Ở đây làm gì?”
“Không làm gì. Ngồi.”
“Chúng ta về lúc mấy giờ?”
“8 giờ.”
“Bây giờ là 3 giờ sáng. Em ngồi hơn 7 tiếng đồng hồ?”
“Đương nhiên cũng làm việc khác.” Tôi cười nham hiểm.
Anh vội vàng thò tay vào trong chăn, phát hiện mình vẫn mặc quần áo, thở phào nhẹ nhõm một hơi.
Tôi nhìn anh cười, không nói gì. Anh phát hiện đồ lót đã được thay, vô cùng xấu hổ “Em nhân cơ hội làm chuyện xấu.”
“Hôm nay anh nôn hay lần, nhất định muốn thay một bộ đồ ngủ sạch sẽ một chút, đúng không?” tôi cúi mặt tới trước mặt anh, rung đùi đắc ý.
Anh uống hai ba ngụm liền hết ly sữa, tinh thần rất tốt, xốc chăn đứng dậy mặc đồ.
Vừa mặc vừa hỏi : “Sau đó em có ăn tối không?”
“Không. Bây giờ đang đói bụng nè.”
“Anh cũng đói.”
Anh mặc đồ xong, đeo đồng hồ : “Chúng ta xuống dưới ăn khuya, ăn xong anh đưa em về.”
“Đi đi.”
Chúng tôi đi thang máy xuống dưới, tìm một tiệm cơm phục vụ 24 giờ.
Lịch Xuyên chỉ có thể ăn cháo, loại cháo loãng. Tôi gọi một phần đồ chay, cộng thêm một chén canh khoai tây.
Chúng tôi đều đói bụng, đều tự ăn 10 phút, không nói lời nào.
Có thể nhìn ra được khẩu vị Lịch Xuyên
không tốt lắm, có một muỗng cháo cũng nuốt mất nửa ngày. Nhưng anh rất
cố gắng, ăn hết muỗng này tới muỗng khác.
Một lát sau, rốt cuộc anh cũng ăn hơn
nửa bát, cầm khăn ăn lau miệng, chuẩn bị nói chuyện. Tôi vội vàng ngăn
anh lại : “Đừng nói nữa, Lịch Xuyên. Em biết anh muốn nói gì.”
“Anh muốn nói gì, em nói thử xem.”
“Anh muốn nói,” tôi giả giọng anh :
“Tiểu Thu à, em move on đi. Thằng nhóc tối nay ngồi với em, anh thấy
cũng khá tốt, em và cậu ta rất hấp dẫn. Bọn em phải phát triển cho tốt.”
“…”
“Bây giờ anh bệnh thành như vậy, em cũng thấy rồi. Không phải anh không cần em, mà anh thật sự không có cách nào khác.”
“…”
“Anh đã nói với em bao nhiêu lần rồi, không thể bỏ lỡ cả cuộc đời vì sự say mê nhất thời.”
“…”
“Sau này đừng đi tìm anh nữa. Cho dù
thấy anh chết rồi, em cũng đừng quan tâm tới anh. Anh và em, không có
quan hệ gì cả.” tôi cắn một miếng trái cây, nói “Những gì anh muốn nói,
có phải là mấy cái này không?”
Lịch Xuyên nhìn tôi, thản nhiên nói : “Em đã biết hết rồi thì anh khỏi nói.”
“Lịch Xuyên, nếu như bây giờ anh thật
khỏe mạnh, không hề có việc gì. Anh kêu em đi, em sẽ buông tay. Em đã
trải qua một lần năm năm rồi, chẳng lẽ lại không qua được một lần năm
năm khác sao. Nhưng, anh bị bệnh. Mặc dù em không biết anh bị bệnh gì,
nhưng chỉ cần anh còn bệnh, thì em tuyệt đối sẽ không đi, tuyệt đối sẽ
không bàng quan đứng nhìn anh. Vì với em anh quá quan trọng. Nếu anh
không thấy phiền, thì cứ việc nói đi nói lại mấy câu này. Tóm lại, em
vẫn sẽ vào tai trái, ra tai phải.” tôi liếm liếm môi, mỉm cười : “Với em mà nói, yêu, là một món quà. Không phải anh có thể tặng cho em mới
chứng tỏ là anh có nó. Mà là khi anh tặng nó đi rồi, thì anh vẫn có được nó.”
Lúc nghe câu này, Lịch Xuyên vẫn cúi đầu, tay anh, hơi run lên.
Sau đó, anh đưa tôi về nhà, trên đường không nói một chữ nào.
Tới nhà trọ, tôi hít sâu một hơi, nói : “Lịch Xuyên, anh về Thụy Sĩ đi. Đừng ở đây nữa.”
“Tại sao?”
“Bệnh anh chưa khỏi hẳn. Nếu ở đây lâu, lực miễn dịch của anh sẽ bị giảm, khả năng bị nhiễm trùng sẽ lớn hơn.”
“Không phải nói là anh với em không có quan hệ gì à?” anh châm chọc “Em quan tâm tới bệnh của anh làm gì?”