Ba người nhà họ Chu gặp chuyện vẫn có chút ảnh hưởng tới nhà họ Mạnh.
Thế giới bên ngoài đáng sợ như thế khiến Chu Diễm và Dư Linh đều cảm thấy rúc mình trong chốn nhỏ này cũng rất tốt. Ban đầu khi thấy Chu Phương có tương lai xán lạn, cứ thế đón bố mẹ mình ra ngoài, Chu Diễm và Dư Linh đều cực kỳ kích động.
Chu Diễm và Dư Linh bị kíc.h thích bèn khuyến khích lũ trẻ nhà mình, nói tóm lại là trong khoảng thời gian đó Mạnh Chí Thư và Mạnh Chí Cầm đều bị mẹ mình căn dặn bằng tần suất có thể lấy mạng người ta là phải cố gắng học hành.
Chỉ có Mạnh Chí Dũng và Mạnh Chí Cường được tự tại hơn. Hết cách thôi, hai đứa này đã được công nhận là không có khiếu học rồi, mọi người vốn không đặt hy vọng vào chúng.
Lúc này Chu Diễm lại càng lo lắng, Mạnh Chí Thư sắp lên cấp hai rồi, hai năm nữa chắc chắn còn phải học cấp ba, lên cấp ba thì phải học trên huyện, nếu gặp chuyện gì thì làm sao?
“Hay là Chí Thư cũng học xong cấp hai rồi thôi, đừng học cấp ba nữa, vừa xa vừa không ai chăm sóc…”
Chu Diễm còn chưa nói hết thì đã bị Mạnh Đại Vĩ quát: “Nói vớ vẩn gì đấy, tự mình dốt lại còn muốn ngăn cản đường của con trai, còn nói mấy lời thế này nữa tôi không tha cho mình.”
Dưới sự giáo dục của Mạnh Hữu Lương, ngoại trừ ba cô cháu Mạnh Y Y, Mạnh Chí Dũng và Mạnh Chí Cường bị giáo dục thất bại, những đứa trẻ khác đều có sự tôn sùng với việc học từ tận đáy lòng. Mạnh Đại Vĩ và Mạnh Tiểu Vĩ tự bỏ lỡ, không thể học hành, nên với mấy đứa con, họ càng mong chúng có thể phấn đấu bên ngoài nhờ vào việc học.
Chu Diễm sợ sệt, chị chỉ cảm thấy bên ngoài nguy hiểm thôi mà, giống năm xưa thì ầm ĩ biết bao nhiêu!
Hồi ấy họ đều tưởng bọn cướp vào thôn khiến mọi người sợ mất mật, chúng xông vào nhà lục rương hòm lấy đồ đạc, cũng bắt gà vịt mọi người đang nuôi, một vài người già tiếc những thứ đồ đó bèn đuổi theo, kết quả là bị đè xuống đất cho ăn đòn.
Advertisement
Thôn Song Khê không chịu thiệt hại gì, dưới sự dẫn dắt của Mạnh Hữu Lương, đàn ông tụ tập lại, chỉ cần có người ngoài vào thôn thì cứ thấy là đánh, xem ai còn dám đến cướp đồ.
Sau đó họ mới biết những người đó là học sinh, thật sự là không nhìn ra được.
Chu Diễm và Dư Linh nghĩ thế nào cũng không thông suốt, tại sao học sinh lại làm ra chuyện như thế. Nếu đã nghĩ không thông thì sẽ bất giác cảm thấy chắc chắn là bị một vài người ảnh hưởng nên mới học theo những điều xấu rồi.
…
Người nhà họ Mạnh vừa thảo luận về chuyện của nhà họ Chu vừa bàn tán về chuyện lúa thóc, rất náo nhiệt.
Đợi khi cơm nước được bưng lên, khuôn mặt mỗi người đều tươi cười. Hôm nay nấu cơm trắng, còn chẳng nấu cháo, thức ăn cũng toàn là món ngon: thịt mỡ xào mộc nhĩ, gan xào ớt ngâm, thịt nạc thái sợi nấu cùng bột khoai lang trong canh nấm, chỉ ngửi mùi hương đã thèm chảy nước dãi rồi.
Sau khi các món ăn được bưng lên, mọi người không hẹn mà cùng nuốt nước bọt.
Mạnh Chí Cường: “Cứ như Tết ấy ạ.”
Mạnh Chí Thư liếc anh hai mình. “Tết có gà.”
“Anh mày cảm thấy là Tết đấy thì sao.” Mạnh Chí Cường cười hì hì.
Sắp phải gặt lúa rồi, ăn một bữa cơm ngon thì sẽ càng có sức mà làm việc.
…
Sau khi bắt đầu bữa ăn, tuy không nói là tranh đoạt nhưng mọi người gắp thức ăn với tốc độ nhanh hơn nhiều so với bình thường, chủ yếu là vì không nhịn được khi thức ăn tỏa hương thơm phưng phức.
Tô Thanh Dật ăn vẫn dè dặt, cũng chỉ gắp mấy món phụ.
Trước khi ăn, Mạnh Y Y gắp mấy đũa cho Tô Thanh Dật. “Ăn nhiều vào, anh xem anh chậm chạp như thế, đợi lát nữa thức ăn đều bị mấy cái thùng cơm này đoạt hết rồi.”
Mạnh Chí Dũng và Mạnh Chí Cường không phục. “Cháu không phải thùng cơm.”
Mạnh Y Y: “Thùng phuy.”
Còn chẳng bằng làm thùng cơm ấy chứ!
Tô Thanh Dật không lên tiếng, nghe Mạnh Y Y và tụi Mạnh Chí Cường cãi nhau người này một câu người kia một câu, trong lòng có cảm giác không nói rõ được.
Lúc Mạnh Y Y gắp thức ăn cho anh, cô còn chưa ăn, đũa rất sạch sẽ.
Chi tiết nhỏ này, không biết vì sao lại khiến lòng anh khẽ rung động.
“Mấy đứa mày ăn quá nhanh.” Mạnh Y Y hậm hực nhìn mấy đứa cháu, đứng dậy khỏi bàn ăn, vào bếp lấy hai cái bát, dùng thìa múc thịt trong canh nấm thịt ra, một bát đặt trước mặt Tô Thanh Dật, một bát đặt trước mặt mình.
Mạnh Chí Dũng và Mạnh Chí Cường nhìn đống thịt rời xa mình thì trái tim rỉ máu.
Tô Thanh Dật nhìn chiếc bát ở trước mặt mình, miệng mím lại, anh hơi muốn nói với cô rằng thực ra anh không câu nệ vậy đâu, không cần phải gắp bằng đũa khác.
Cô gắp bằng đũa mà cô chưa ăn, lại cố ý múc canh bằng thìa sạch, nếu anh còn không hiểu thì thật sự là tên ngốc rồi.
Mạnh Chí Dũng bĩu môi. “Còn chưa đi lấy chồng đã thế này rồi…”
Mạnh Đại Vĩ gõ mạnh đầu con trai mình. “Không muốn ăn thì cút xuống.”
Mạnh Chí Dũng lập tức cúi đầu ăn cơm. Ơ kìa, sao có thể không muốn chứ, muốn điên lên đây này, muốn ăn hết thịt, nhưng lý trí nói cho cu cậu biết là không thể như thế.
Mạnh Chí Cầm cười trộm nhìn anh cả bị đánh, anh cả càng ngày càng to gan lớn mật rồi.
Ăn cơm xong, Tô Thanh Dật chưa ra về ngay mà chủ động bàn bạc chuyện tiếp theo với Mạnh Hữu Lương.
Ngày mai phải gặt lúa rồi, Tô Thanh Dật muốn nhân buổi chiều nay dẫn hội trí thức đến hợp tác xã mua bán lấy chỗ sách họ mang về. Quá nhiều đồ, họ cũng quá cực nhọc, Tô Thanh Dật cũng chỉ lấy về hai bộ sách mà thôi.
Mạnh Hữu Lương gật đầu. “Cháu tự quyết định là được.”
Nét mặt Mạnh Hữu Lương hơi vi diệu. Ông có thể cảm nhận được thái độ của Tô Thanh Dật đã thay đổi, chẳng hạn như chuyện nhỏ này, vậy mà Tô Thanh Dật còn bàn bạc với mình.
Nửa tháng nay, thái độ của Tô Thanh Dật với Mạnh Hữu Lương đều khá tôn trọng song lại rất xa cách, cậu ta thể hiện thẳng thừng rằng trong lòng cậu ta vẫn kháng cự.
Nhưng bây giờ, Tô Thanh Dật lại chủ động…
Mạnh Hữu Lương sờ cằm, chẳng lẽ con gái đã nói gì đó với Tô Thanh Dật khiến cậu ta thay đổi thái độ ư?
…
Lúc rời khỏi nhà họ Mạnh, Tô Thanh Dật cầm túi đựng sách, bất lực thở dài một hơi.
Anh không có ác cảm với Mạnh Hữu Lương, thậm chí còn vô cùng khâm phục.
Nhớ năm xưa, thôn Song Khê này chỉ là một nơi khỉ ho cò gáy, núi nhiều nước nhiều, ruộng đất lại ít, ở đây chuyện đánh nhau ẩu đả nhiều không đếm xuể, nhưng những người đó lại lười biếng, không thích trồng trọt.
Là Mạnh Hữu Lương đã nghiêm khắc xử lý nhóm người lười đó sau khi ông trở thành đội trưởng đội sản xuất.
Có người lười, đương nhiên cũng có người siêng. Tất cả chỗ hoa màu đó đều do những người siêng năng làm ra. Chỉ là mọi người thấy hội người lười vẫn chưa chết đói thì càng ngày càng nhiều người gia nhập liên minh người lười, muốn lười thì mọi người cùng lười, không có lương thực thì tìm nhà nước, thực sự không được thì vào núi kiếm đồ ăn, dù sao cũng không chết đói được.
Năm đầu tiên Mạnh Hữu Lương cứ để mặc những người đó, về cơ bản là không quan tâm đến họ, khiến những người đó đều tưởng Mạnh Hữu Lương giống trưởng thôn trước, chỉ là đồ trang trí mà thôi.
Kết quả là sang năm thứ hai, lúc phải trồng hoa màu, Mạnh Hữu Lương không phát hạt giống. Nơi này chủ yếu trồng ngô và thóc, Mạnh Hữu Lương không phát hạt giống ngô, cũng chẳng có ý sẽ phát thóc giống.
Chiêu đó của Mạnh Hữu Lương khiến những người muốn làm việc sợ hết hồn, chạy đến nhà
Mạnh Hữu Lương vô số lần. Ban đầu Mạnh Hữu Lương chẳng buồn để ý, sau đó mới nói ẩn ý, nếu mọi người đều không làm việc thì đừng làm nữa, khỏi phải nuôi ra một đám người nhàn rỗi lãng phí lương thực.
Muốn lười mọi người cùng lười, muốn chết thì cùng chết, ai sợ ai?
Bấy giờ, mọi người bỗng nhiên nhớ ra Mạnh Hữu Lương này là người từng giết người trên chiến trường, đâu phải người dễ dây vào.
Mạnh Hữu Lương được đồn là có người chống lưng phía sau, nghe bảo trên chiến trường ông đã từng cứu được người cực kỳ vượt trội nên chân ông mới bị thương, nhờ vào việc này ông trở thành ân nhân cứu mạng của người chống lưng phía sau, cả đời này đều được đối phương cảm kích.
Những người muốn làm việc tìm Mạnh Hữu Lương khổ sở xin xỏ, nhất là khi thấy thời cơ tốt nhất để trồng lương thực đã sắp trôi qua.
Khi ấy đám người này hoàn toàn tuyệt vọng, họ không dám gây phiền hà cho Mạnh Hữu Lương, bởi hồi Mạnh Hữu Lương trở về thôn này thì được một nhóm lính đưa về, cảnh tượng ấy gây ra cơn chấn động sâu sắc với thôn dân, sau bao năm vẫn chẳng phai mờ.
Không thể trồng hoa màu, không thể trách trưởng thôn, vậy thì có thể trách ai?
Đừng thấy những người siêng năng tốt tính, cũng chịu khó làm việc mà nhầm, họ cũng có ý kiến với những người lười trong thôn. Lúc làm đồng không thấy bóng dáng đâu, lúc trồng ra được lương thực thì lại mặt dày đòi ăn, không cho thì mắng người khác ác muốn khiến họ chết đói.
Những người siêng năng cực kỳ ấm ức, họ lao động vất vả nhất nhưng vẫn ăn không no mặc không ấm, còn phải chu cấp cho những người lười trong thôn. Cũng không thể không cho được, đám người đó có rất nhiều chiêu, ban đầu là xin xỏ, xin không được thì mắng, mắng xong thì phá hoại, quá đáng hơn là còn có thể đến nhà đoạt lương thực.
Để không chuốc thêm nhiều rắc rối, mọi người chỉ có thể ấm ức chia lương thực cho đám người đó.
Nhưng bây giờ, không thể trồng lương thực nữa, trưởng thôn đã nói là muốn chết đói thì mọi người cùng chết đói rồi.
Những người chăm chỉ nín nhịn đã bao ngày, cuối cùng có một ngày hoàn toàn bùng nổ. Buổi tối họ xông thẳng vào nhà của tận mấy người lười, túm lấy đàn ông mà đánh, phụ nữ mà nhào vào thì cũng đánh luôn, những người bị cuộc sống kìm kẹp đó cũng thể hiện ra phương diện dũng mãnh của họ.
Những người ngày đầu tiên bị đánh đi tìm Mạnh Hữu Lương kể khổ, Mạnh Hữu Lương chẳng buồn để ý đến họ.
Thế là mọi người đều hiểu rõ ý của trưởng thôn, nếu đã không để ý đến những người bị đánh thì đương nhiên ủng hộ những người đánh.
Sau đó sang ngày hôm sau, nhóm người chăm chỉ lại bắt đầu phá cửa xông vào đánh người, cả thôn ầm ĩ tiếng khóc tiếng gào.
Những người lười đương nhiên muốn phản kháng, kết quả là trưởng thôn Mạnh Hữu Lương bảo con trai ông đưa lương thực, đưa thịt đến nhà những người chăm chỉ. Hành động đó quá trắng trợn, rõ ràng là cổ vũ thẳng thừng – Đánh hay lắm, đánh tiếp đi, tôi làm chỗ dựa cho mọi người.
Một bên là người ăn no uống đủ, một bên là người được bữa nay phải lo bữa mai, kết quả của trận ẩu đả thế nào đã vô cùng rõ ràng.
Thế là đám người quanh năm ở nhà lười biếng đều ra ngoài, ai nấy mũi tím mặt sưng ra ngoài trồng hoa màu, nếu mà chậm chạp quá thì còn bị đánh.
Cứ như thế, người trong thôn Song Khê cuối cùng mới đi vào cuộc sống mọi người cùng nỗ lực trồng hoa màu, dù là chủ động hay bị động thì cứ có kết quả là được.
Những năm đó, người dân thôn Song Khê chết đói không ít, huống hồ là ăn no mặc ấm.
Còn bây giờ, ở trong đại đội sản xuất, tiểu đội Song Khê này đã từ đội nghèo nhất trở thất đội xếp thứ tư từ dưới lên rồi. Kết quả đó là do Mạnh Hữu Lương mang đến, điều đó khiến người trong thôn sao có thể không nhớ được những việc làm tốt của ông.
Cho dù mọi thứ Mạnh Hữu Lương làm quả thực thô bạo, lấy bạo trị bạo, nhưng chỉ cần có thể khiến mọi người sống tốt hơn, có thể uống no nước thì mọi người cũng thỏa mãn rồi.
Chính vì lần đó, Mạnh Hữu Lương đã hoàn toàn khiến người dân trong thôn tín phục, mọi thứ Mạnh Hữu Lương giao họ đều nghe theo.
Sau đó hội trí thức đến, những cô gái chàng trai trong thành phố này vừa đến đây thì bị thôn dân ức hiếp không ít, thôn Song Khê vẫn còn tốt vì có Mạnh Hữu Lương đàn áp.
Chuyện phải kể từ việc một trí thức nữ trong thôn Song Khê bị bị ức hiếp, trí thức nữ đó bị ức hiếp thì muốn tự sát, kết quả là Mạnh Hữu Lương biết chuyện, Mạnh Hữu Lương đi khuyên trí thức nữ đó.
Sau đó Mạnh Hữu Lương dẫn trí thức nữ đó đi nhận người, chỉ ra tên đàn ông ức hiếp cô ấy. Mạnh Hữu Lương chẳng buồn nghe người kia giải thích, chẳng nói một lời, cứ thế cho người đánh khiến tên kia không chỉ thừa sống thiếu chết mà còn dẫn hắn lên huyện để cảnh sát bắt lại.
Vậy vẫn chưa xong, Mạnh Hữu Lương còn bảo trí thức nữ đó chú ý một chút, xem ai thầm thì chỉ trỏ sau lưng cô ấy, người nào bị chỉ ra thì ông đích thân dẫn người đi đánh.
Sau đó không ai dám làm chuyện đó nữa.
Mạnh Hữu Lương nói với trí thức nữ đó, chuyện thế này người phải hổ thẹn là người khác chứ không phải cô ấy, cô ấy tự tử làm gì, cô ấy không chỉ phải sống mà còn phải sống đường đường chính chính.
Trí thức nữ đó tên Trần Phượng, cả đời này đều ủng hộ Mạnh Hữu Lương vô điều kiện, Mạnh Hữu Lương đã cho cô ấy sinh mạng thứ hai.
Hai chuyện lớn đó khiến Mạnh Hữu Lương được người dân trong thôn yêu quý, cũng được các trí thức kính trọng.
Trong khu vực do Mạnh Hữu Lương quản lý chắc chắn không thể xảy ra chuyện bắt nạt trí thức, bởi vậy có thể nhìn ra được sức uy hiếp của ông. Thậm chí nếu người dân trong thôn bắt nạt trí thức ở đội sản xuất khác, Mạnh Hữu Lương cũng xử phạt không tha, tác phong hành sự quả quyết mà thô bạo.
…
Nghĩ đến những chuyện này, trong tâm trí Tô Thanh Dật xuất hiện một ý nghĩ: Người như Mạnh Hữu Lương, hẳn là con gái ông cũng không quá kém cỏi nhỉ?