*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Biên dịch: 1309Chuyện xảy ra đột ngột, sau khi thảo luận, áo thụng đưa nhóm Vệ Lai cùng đi gặp Sầm Kim.
Lúc đến nơi đã là nhá nhem tối. Chị giúp việc theo giờ mở cửa cho họ, trong phòng khách có một người đàn ông đang xách giỏ định ra ngoài.
Đó là người da vàng, mập lùn, mặt tròn, nở nụ cười xã giao “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Áo thụng bắt mắt như thế, ông ta chỉ chăm chăm nhìn Vệ Lai, Vệ Lai cũng nhìn lại: Cùng có cảm giác đối phương là người quê mình.
Khi đến gần, Vệ Lai nghe được mùi vị đặc biệt, là hỗn hợp của hơi khói dầu, nước rửa chén, hành lá, gừng tươi.
“Người Trung Quốc? Đầu bếp?”
Người kia vui mừng quá đỗi: “Đồng hương, tôi cứ bảo sao giống dân Trung thế.”
Vừa nói vừa tranh thủ đưa danh thiếp: “Có rảnh thì đến đây nhé, nói là bạn tôi, sẽ được ưu đãi.”
Đúng là đầu bếp thật, Lâm Vĩnh Phúc, bếp trưởng Thiên phủ Hoa Hạ.
Người Hoa mở nhà hàng Trung ở hải ngoại, đặt tên cứ phải khí thế ngút trời, ví như Long quán, Đại Thượng Hải, lầu Trung Hoa… Nai ghé qua ngó danh thiếp, hỏi rành mạch: “Các bác có sủi cảo chứ?”
Đầu bếp trợn mắt nhìn, chừng như không tin anh giai da đen này nói được tiếng Trung.
Vệ Lai hỏi: “Bác quen cô Sầm à?”
“Cô Sầm từng đến nhà hàng chúng tôi, lần ấy dùng thử mấy món thấy rất hợp khẩu vị nên hẹn ngày để tôi tới nấu tận nhà luôn.”
Vừa nói vừa quơ quơ giỏ đồ, các thứ chai lọ bên trong va xủng xoảng, đại khái là dầu muối tương dấm.
“Bắt đầu từ khi nào thế?”
“Mới gần đây thôi.”
Ở nhà hàng có người chờ thay ca, Lâm Vĩnh Phúc phải về gấp, không tiện trò chuyện lâu, ra đến tận cửa mới sực nhớ điều gì, bèn đứng từ xa vẫy tay với Nai: “Có sủi cảo đấy, cả bánh bao nữa!”
Vệ Lai hỏi thử chị giúp việc, hóa ra không chỉ có Lâm Vĩnh Phúc nấu ăn cho Sầm Kim. Cô thích đồ Tây và đồ Nhật hơn, nên vẫn còn một chuyên gia ẩm thực món Tây và một bếp trưởng món Nhật nhận điện thoại tới nấu tận nhà.
Song, đều là vừa bắt đầu dạo gần đây.
Chị giúp việc dẫn họ vào phòng ăn.
Phòng ăn rất lớn, lát đá cẩm thạch hơi sẫm màu. Chính giữa đặt một chiếc bàn dài thuần trắng, kiểu dáng cách điệu, bốn góc không có chân, nâng bàn là hai hình người nghệ thuật, đầu đội vai khiêng, đỡ lấy cạnh bàn, nhìn qua còn tưởng đang gồng sức vác cả địa cầu.
Trong phòng chỉ mở một ngọn đèn nhỏ ngay trên đỉnh, ánh đèn như phiêu tán, phủ lấy bàn ăn, cũng bao trùm Sầm Kim.
Cô mặc bộ lễ phục satin chéo vai màu xanh biển nhạt, nét xiên không đối xứng ấy toát lên một vẻ đẹp riêng, bờ vai và xương quai xanh uốn thành đường cong tinh tế như họa.
Dây chuyền vẫn không đổi, vẫn là sợi lần trước.
Nghe được tiếng người trò chuyện, cô ngẩng đầu lên, vừa nhác thấy áo thụng liền lập tức đậy ngay bát sứ trắng trên bàn.
Nhưng Vệ Lai đã nhận ra, trong bát đựng từng khối thịt nhỏ đỏ sậm, được buộc dây trắng mỏng để cố định hình dạng, là thịt heo kho Đông Pha.
Trên bàn còn đặt một chén nhỏ đậu phụ xốt thịt cua, một thố đất nhỏ Phật nhảy tường, một đĩa nhỏ măng kho xì dầu, một bát cơm trắng [1].
Tuy ít nhưng tinh túy, đều là các món Trung nổi tiếng, đối với thực khách thông thường thì xem ra đấy đâu chỉ là đại tiệc — Vị bếp trưởng họ Lâm kia đã tốn kha khá công sức rồi.
Áo thụng lặp lại đề nghị của Vệ Lai cho Sầm Kim, cô chẳng có ý kiến gì khác, chỉ đáp “Được”, “Không thành vấn đề”, rồi nhân thể ký hợp đồng vệ sĩ gồm 3 phần giống nhau.
3 bên cầm lại phần của mình, Vệ Lai lật đến trang có chữ ký. Anh và áo thụng đã ký ngay tại khách sạn, Sầm Kim vừa ký xong. Vết mực chưa khô, ký bằng tên tiếng Trung, nhưng nét cuối của chữ “Kim” (今) dừng bút theo thói quen, trông giống chữ “Lệnh” (令).
Hai ngày sau bắt đầu có hiệu lực, cũng là ngày xuất phát.
Bên áo thụng cầm được hợp đồng vào tay, chắc nghĩ gần hoàn thành công việc rồi nên thần thái sáng láng nhẹ nhõm hẳn ra. Vệ Lai lại tương phản, hỏi: “Hai ngày tới các anh có sắp xếp vệ sĩ ở chỗ cô Sầm chưa?”
Yanus hơi sửng sốt, lắc đầu.
“Vì con tàu kia, tôi nghĩ nên bố trí thêm vài người đi. Chị giúp việc làm 4 tiếng mỗi ngày, ban đêm ở đây chỉ có mình cô Sầm, rất dễ xảy ra chuyện.”
Yanus ý thức được sơ sót của mình, chợt toát mồ hôi, vội giao cho Sa’ad mau chóng thu xếp.
Vệ Lai lại quay sang Sầm Kim: “Có thể xem qua phòng ngủ của cô chứ?”
Sầm Kim không từ chối, đứng dậy dẫn anh đi nhìn thử.
Phòng ngủ cũng rất lớn, Vệ Lai bước tới cửa sổ quan sát bên ngoài, rồi quay đầu nhìn giường của cô.
Đằng xa có lắm chỗ rất thích hợp để ẩn mình bắn tỉa, vị trí đặt giường này không an toàn. Đêm khuya vắng vẻ, chỉ cần chọn đúng góc độ, mỗi một phát bắn ra đều ghim trúng được vào người trên giường.
Vệ Lai kéo rèm cửa, cho cô vài lời khuyên.
— Đừng mở rèm nữa, ban đêm vẫn vào phòng như thường, nhưng sau khi tắt đèn thì qua phòng khác ngủ.
— Cửa ra vào biệt thự thì chỉ chừa cửa trước, còn lại khóa kín hết.
— Nếu được thì hai ngày này tăng lương cho chị giúp việc, nhờ chị ta ở lại cùng.
Sầm Kim chỉ đáp “Được”, “Có thể”, nhưng nhìn thái độ của cô, cứ thấy đang trả lời qua loa chiếu lệ.
Lúc rời đi, Vệ Lai hỏi câu cuối: “Hôm nay cô Sầm có khách đến thăm à?”
“Nào có, tôi không nghĩ các anh lại tới vào giờ này.”
Trên đường về, Vệ Lai thắc mắc với Nai: “Sao cứ cảm giác cô Sầm này hơi khác thường nhỉ?”
“Đúng đấy.” Nai nhịn mãi, chỉ chờ ai đó giật van để xả cho bằng hết, “Lúc vô phòng ăn đã thấy ngồi im lìm, đèn trần nhập nhoạng chiếu lên mỗi cô ấy, làm tôi giật nảy mình.”
Trong tích tắc đấy có ảo giác: Cô như một linh hồn thật an tĩnh, hư ảo, không chân thực, thiếu một chút “sức sống”.
Xe dừng lại chờ đèn giao thông. Nai nhìn dòng người đi bộ trên vỉa hè, có cô bé tóc vàng đang khóc oang oang quấy mẹ, có anh chàng vừa ra khỏi siêu thị, ôm lỉnh kỉnh túi lớn túi nhỏ, một cái vấp chân, đồ đạc rơi vãi đầy đất, đành chán nản ngồi xổm xuống nhặt nhạnh từng món.
Đúng vậy, con người nên sống thế kia, xấc bấc xang bang, vội vàng, nôn nóng. Cô Sầm đấy, đang sống mà tưởng chừng chẳng còn liên quan tới thế gian này nữa.
Vệ Lai nói: “Hai lần gặp, cô ấy đều mặc lễ phục dạ hội, anh không thấy kỳ quái sao?”
Kỳ à? Ngược lại Nai thấy cực kỳ đẹp mắt.
“Không chỉ lễ phục, trên mặt cũng trang điểm kỹ lưỡng, mà đây nào phải dịp gì quan trọng. Lần đầu cần phỏng vấn rất nhiều người thì còn miễn cưỡng hiểu được. Nhưng xem hôm nay, chính cô ấy đã thừa nhận mình vốn không hẹn gặp ai.”
“Chẳng phải có ông đầu bếp kia à?”
Phụ nữ đâu bao giờ sửa soạn tỉ mỉ để gặp đầu bếp. Vệ Lai thấy Erin thường luôn như thế, chưa cần ra khỏi cửa thì rất lười trang điểm, cứ mặc kệ tóc rối đầu bù.
Nai nghĩ ngợi: “Hoặc là cô ấy có khách tới thăm thật, nhưng không muốn nói cho cậu biết?”
Cũng có khả năng này.
Vệ Lai thật tò mò: Dạng khách gì sẽ khiến cô ăn mặc cầu kỳ tiếp đón?
Hẳn là một người đàn ông rồi.
***
Trong hai ngày sau, Vệ Lai không còn hỏi han bất cứ tin tức gì bên phía Sầm Kim nữa, toàn bộ giao cho Nai thay mặt liên lạc — Đây là thói quen của anh, ngày hợp đồng bắt đầu có hiệu lực thì lập tức sẽ phải sống cảnh “người ngậm tăm,
ngựa bọc móng, tên căng trên dây”, cho nên trước lúc đó, anh muốn hoàn toàn thả lỏng.
Anh quét dọn nhà trọ trước.
Rồi đến nhà thờ Đá [2], đứng hồi lâu dưới bức tường đắp trên nền đá granite lởm chởm sau vụ nổ, cứ cảm giác nó sẽ đổ ập chôn sống anh bất cứ khi nào, nhưng thực tế không xảy ra.
Vào khu chợ trời ở bến cảng Nam Helsinki, ăn cá tươi muối và dăm bông xông khói cắt lát, mua táo và xuân đào [3].
Ngồi phà sang pháo đài trên biển [4], đến mùa này thì hải đảo khá lạnh lẽo, hoang vu.
Sau đó tạt qua Thiên phủ Hoa Hạ dùng bữa.
Nhà hàng xây bằng vật liệu giá rẻ, trang trí sặc sỡ bắt mắt, tô đậm ấn tượng lộng lẫy, tráng lệ. Trên hộp đèn bảng hiệu có sơn nhũ vàng một con rồng Á uốn lượn, bên trong đặt bàn thờ Quan nhị gia mặt đỏ. Nơi cửa ra vào là hòn giả sơn bằng đá Thái Hồ, trên núi có hai ông lão đánh cờ, bao quanh chân núi là hồ nước chừng hơn 1/3 mét vuông, dưới đấy thả dăm ba con cá chép gấm.
Vài nhân viên đang bày biện chậu cây cảnh thường xanh vừa được đưa tới vào cạnh hòn giả sơn.
Sơn, thủy, cây xanh, ngụ ý căn cơ, tài vận không ngừng sinh trưởng, nhằm trông mong công việc làm ăn phát đạt, phát lộc phát tài.
Vệ Lai gọi đậu phụ Ma Bà, gỏi sợi tam vị, tôm xào Thượng Hải, và bánh bao rán hấp [5]. Chưa đến giờ cơm nên còn vắng vẻ, Lâm Vĩnh Phúc nhiệt tình ra tận bàn đón khách.
“Đồ ăn hợp khẩu vị chứ? Có rảnh nhớ ghé thường xuyên, nếu thấy được thì hoan nghênh quý khách dẫn bạn bè đến cùng. Chờ qua ít lâu nữa sẽ nhập thêm rất nhiều trứng, thịt, rau tươi, khi đó có thể làm các món theo mùa, quý khách nhất định phải đến thưởng thức hương vị tươi ngon.”
Vệ Lai tiếc nuối: “Sắp tới không được rồi, tôi phải đi xa nhà một chuyến.”
Lâm Vĩnh Phúc còn thấy tiếc hơn: “Thật không khéo, các món đặc dầu đỏ tương [*] thì quanh năm suốt tháng đều có, đồ tươi đúng mùa chỉ ăn được một thời gian ngắn thôi.”
[*] Thường để chỉ món Thượng Hải, dùng nhiều dầu ăn và nước tương, có màu đỏ hay nâu, vị đậm đà.Khi tính tiền đúng là có giảm giá, còn tặng anh một chậu lan ý [6].
Đấy là chậu hoa nhỏ bằng sứ Thanh Hoa. Cây trồng trong đất, phiến lá biếc xanh, ngay giữa lớp lá là nhành hoa vươn thẳng lên cao. Hai bông mo trắng sứ hơi cuộn lại, trông như tấm khăn lụa choàng trên mũ Vô Lượng Thọ của Quan Âm Bồ Tát [7].
Lâm Vĩnh Phúc nói: “Tặng thêm, chẳng đáng bao nhiêu, nhưng đem lại may mắn. Cậu sắp đi xa nhà mà nhỉ? Nhìn đóa lan ý này xem, y hệt cánh buồm, tức là thuận buồm xuôi gió, đảm bảo cả đường bình an.”
Vệ Lai nhận lấy, hơi dở khóc dở cười: “Thứ này không tiện đem theo đâu.”
“Ai bảo đem theo chứ, phải để trong nhà, nhờ bạn bè chăm hộ cậu. Cây cối linh lắm, nếu cậu bình an thì nó sẽ mọc rất khỏe.”
Ông ta khẽ giọng: “Người đi xa nhà cũng giống như thả diều bay cao, trong nhà nên có thứ gì giữ chặt sợi dây, cứ níu lấy, phải thế cậu mới ngóng trông ngày về.”
Vệ Lai cám ơn ông ta.
Chậu hoa rất nhỏ, Vệ Lai đặt gọn trong lòng bàn tay. Trước tiên anh ngồi một đoạn có tàu điện, sau đó đi bộ về lầu trọ.
Do vừa nghe vài lời của Lâm Vĩnh Phúc, rất nhiều suy nghĩ lướt qua trong đầu.
— Năm xưa cũng là đi xa nhà, theo chiếc thuyền vượt biên phiêu dạt giữa đại dương. Dây diều thả ra khi ấy, chắc là đã sớm đứt mất giữa đường, thế nên anh không nhớ nhà, nhà cũng chẳng cần anh.
— Có lẽ thật sự là duyên phận, chuyến đi này có hai người, lan ý vừa đúng trổ ra hai đóa hoa.
Trở lại quán bar, Erin nhận lấy chậu lan ý, nhìn trái ngó phải: “Nhờ tôi chăm? Tôi chả biết trồng hoa đâu, lỡ chết mất thì sao?”
“Nó chết tôi cũng toi mạng đấy, cô tính làm thế nào thì làm.”
Erin giận: “Phỉ phui cái mồm.”
Cô ấy đặt lan ý cạnh bể sứa, ngồi chống cằm cẩn thận ngắm nghía. Bông mo được ánh sáng từ bể sứa hắt lên xanh lơ, hai con sứa mặt trăng đến tuổi hưu nhàn, lề rề bơi loanh quanh.
Vệ Lai nói: “Trồng hoa đơn giản lắm, cô cứ nuôi sứa thế nào thì chăm nó thế nấy thôi.”
~♥~♥~♥~
Ghi chú:
[1] Thịt heo kho Đông Pha:
Đậu phụ xốt thịt cua:
Phật nhảy tường:
Măng kho xì dầu:
[2] Nhà thờ Đá (Rock Church, Nhà thờ Temppeliaukio): Nhà thờ nằm tại thủ đô Helsinki, được xây chính giữa khối đá khổng lồ sau khi đã cho nổ từ bên trong tảng đá. Nơi này có vòm bằng đồng, vách đá để nguyên sơ, ánh sáng tự nhiên đổ xuống từ 180 cửa kính trên trần nhà.
[3] Chợ trời truyền thống Kauppatori:
Cá tươi muối (tuoresuolattu kala, graavikala): Món ăn truyền thống của Phần Lan, thông thường là dùng fillet cá hồi tươi, rắc muối, đường, thì là hay các loại rau gia vị khác, bọc ướp từ vài tiếng đến 3 ngày là có thể ăn ngay.
Xuân đào:
[4] Pháo đài Suomenlinna: Quần thể pháo đài xây trên 6 hòn đảo nằm giữa biển ở Helsinki, là pháo đài trên biển lớn nhất thế giới, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nơi này cách Kauppatori khoảng 20 phút đi phà.
[5] Đậu phụ Ma Bà: Nguyên liệu chính là đậu phụ non và thịt bằm ướp dầu với xì dầu, đem xào cùng tỏi ớt, tương đậu cay, gia vị.Gỏi sợi tam vị:
Tôm xào Thượng Hải:
Bánh bao rán hấp: Bánh bao có nhân, sau khi nhồi bột, tạo hình thì rán sơ rồi đổ thẳng nước vào chảo, đậy vung hấp chín.
[6] Lan ý (peace lily): Còn gọi là bạch môn, buồm trắng, bạch hạc, vỹ hoa trắng, huệ hòa bình.
[7] Quan Âm Bồ Tát với mũ Vô Lượng Thọ dạng khăn trùm: