Chuyện Thời Hồn Nhiên

Chương 73


trước sau

Mùa đông năm lớp 12 là mùa đông lạnh nhất ở nơi chúng tôi ở trong vòng 50 năm qua, đường ống nước ở nhà đóng băng nứt vỡ, cỏ ven đường phủ lớp tuyết trắng dày, đến cả quả hồng trên cây trước cửa nhà cũng treo những cột băng dài, đi bên ngoài giống như đang đi trong tủ đông khổng lồ.

Để sưởi ấm, nhà nào cũng đốt bếp than, trẻ con mặc áo bông tung tăng chạy nhảy trong ánh nắng khô lạnh, người lớn ngồi trong phòng sưởi ấm đánh bài, thỉnh thoảng lại ném vào bếp lò mấy củ khoai lang đỏ làm cả phòng thơm ngát mùi khoai nướng.

“Tĩnh Tĩnh, con gọi bà nội dậy đi.” Mẹ làm bữa sáng xong bưng đặt lên bàn rồi vào phòng em trai gọi nó dậy.

Tôi tháo tai nghe, tạm dừng nghe bài tiếng Anh đang phát, đi vào phòng nội gõ nhẹ vào cửa: “Nội ơi, dậy ăn cơm, có cháo bắp bà thích đấy ạ.”

Cả buổi sau vẫn không nghe động tĩnh gì, không ngờ nội lại ngủ say như vậy, tôi đành đẩy cửa ra, nhìn thấy bà nằm im trên giường không nhúc nhích. Không khí trong phòng làm tôi sặc ch ảy nước mắt, tôi chạy đến mép giường lay mạnh cánh tay bà nhưng không hề có phản ứng. Tôi dò hơi thở bà theo bản năng, phát hiện còn hơi thở nên vội chạy ra ngoài gọi mẹ.

Đúng lúc ba tôi lại không có nhà, mẹ tôi vừa khóc vừa ôm bà ra ghế sofa phòng khách, bảo tôi chạy ra ngoài tìm người giúp. Nhờ mấy người hàng xóm giúp đỡ đưa bà nội đến bệnh viện gần nhất.

Quãng đường đi tựa như một giấc mơ, tôi siết chặt bàn tay gầy guộc của nội, trong lòng cầu nguyện hàng ngàn hàng vạn lần, hy vọng Bồ tát phù hộ nội bình an vô sự, tôi tình nguyện giảm tuổi thọ của mình đổi lấy sự khỏe mạnh của bà.

Bác sĩ và hộ lý đẩy băng ca đến, bà nội được đưa vào phòng cấp cứu.

Ba mẹ con tôi thấp thỏm lo âu ngồi ở hành lang, mẹ thậm chí còn mang dép lê, quần áo phong phanh ngồi xổm trên đất.

Không lâu sau, bà Hoàng Thục Nhã và bà Lưu mang theo một túi quần áo đến, an ủi: “Đừng lo quá, bà phúc lớn mạng lớn, sẽ không sao đâu.”

“Ôiii! Đều tại tôi sơ ý, nếu có chuyện gì thì tôi biết ăn nói thế nào với ba bọn trẻ đây.” Mẹ ngồi xổm trên đất tự trách mình, sốt ruột lau nước mắt.

Bác sĩ nói bà nội hôn mê là do trúng độc khí than, mẹ vì lo bà nội ban đêm bị lạnh nên đốt lò than để trong phòng bà, mở một cánh cửa sổ nhỏ để thông gió, nhưng mà nửa đêm gió Tây Bắc thổi, cửa sổ bị gió đóng lại…

Tôi và em trai ngồi trên ghế ngoài hành lang, cực kỳ sợ hãi, sợ rằng bà nội cứ thế mà vĩnh viễn rời xa chúng tôi. Tôi còn chưa thi đại học, chưa vào đại học, còn chưa thể kiếm tiền mua đồ cho bà, chưa thể hiếu thảo với bà, chưa đưa bà đến Bắc Kinh xem Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành…

Cô Viên Phương xách một túi thức ăn vội vàng chạy đến, theo sát là chú Trương Phong và Trương Gia Vũ.

“Ăn ít gì đó trước đi.” Cô Viên Phương lấy đồ ăn ra nhét vào tay mỗi người một phần, nhưng không ai có tâm trạng ăn. Mẹ ngồi đó, chắp tay trước ngực không ngừng cầu nguyện, hy vọng bà nội bình an.

Trương Gia Vũ đi tới đưa tôi một ly sữa đậu nành nóng, “Tĩnh Tĩnh, hay là cậu uống một ít sữa đậu nành trước đi.”

Tôi lắc đầu, nước mắt rơi lã chã, tôi thực sự rất sợ. Khi nhìn thấy Trương Gia Vũ, tất cả dũng khí của tôi biến mất, tất cả sự yếu đuối của mình tôi đều bày ra trước mặt cậu ấy. Cậu kiên nhẫn an ủi, nhẹ nhàng vỗ lưng tôi, tôi không kiềm được ôm cậu ấy khóc òa lên.

Nghe tiếng tôi khóc, đột nhiên mẹ bỗng tức giận, mắng: “Khóc cái gì mà khóc, bà nội còn nằm bên trong đó, xui xẻo lắm!”

Tôi nín khóc ngay lập tức, cố kiềm những giọt nước mắt đang tràn ra, còn rất mặt dày mà chùi mặt vào quần áo Trương Gia Vũ, làm dính nước mắt nước mũi lên tay áo cậu ấy.

Không biết qua bao lâu, nói chung là khoảng thời gian rất dài, rất dài, tựa như qua cả nửa thế kỷ, một bác sĩ mặc áo blouse trắng đi ra.

Mẹ tôi gần như quỳ sụp trước mặt bác sĩ: “Bác sĩ, mẹ tôi sao rồi?”

Bác sĩ lắc đầu: “Cũng may là phát hiện kịp thời, nếu không thì tầm mười phút sau chắc sẽ liệt người rồi.”

Sau khi nhận được viên thuốc an thần này, tất cả chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng bác sĩ lại tiếp: “Nhưng lần này bà hít nhiều khí carbon monoxide nên trí nhớ càng suy giảm, bệnh Alheimer có thể sẽ nặng thêm.”

Quả thật khi bà nội mở mắt ra, bà ngẩn ngơ nhìn chúng tôi, tựa như một đứa trẻ: “Mấy người là ai vậy? Sao lại đứng trước mặt tôi?”

Ba từ nơi khác gấp rút trở về, chạy đến bệnh viện, nhìn thấy nội bật khóc: “Mẹ, mẹ đừng làm con sợ.”

Bà nội lấy chăn che đầu, lẩm bẩm: “Này con cái nhà ai, nhận nhầm người rồi à, sao lại gặp người khác thì gọi mẹ vậy.”

Ba nắm tay bà nội, để bà sờ mặt mình: “Mẹ nhìn xem, con là con ruột mẹ mà!”

Bà nội giãy giụa như cô gái nhỏ, rụt tay lại: “Đừng nói
bậy, năm nay tôi mới hai mươi, sao có đứa con lớn như anh chứ.”

“Mẹ, mẹ không nhớ con sao? Con là con ruột mẹ thật mà.”

Bà nội lại lắc đầu, lạnh nhạt: “Không quen.” Còn quay sang nói với bà Lưu bên cạnh: “Cô nói xem người này sao thế, vừa đến thì đã gọi người khác là mẹ, có phải… chỗ này có vấn đề không.” Nói rồi còn chỉ chỉ lên đầu mình.

Bà Lưu không nhịn được cười to: “Đúng vậy. Nhưng mà gọi một tiếng mẹ cũng không sao, xem như nhận đứa con nuôi đi.”

Ngay sau đó mấy cô tôi xách túi lớn túi nhỏ cũng chạy đến, kết quả bị bà nội đuổi ra ngoài rất thảm, còn nói: “Mấy đứa con gái này điên hết thuốc chữa rồi, sau này chắc chắn không lấy được chồng.”

Mấy cô vừa buồn cười vừa ấm ức, đem máy sưởi điện và trái cây bà thích ăn để ngoài cửa bảo ba mang về nhà, còn lén nhét cho tôi với em trai một bao lì xì dày, còn dặn không được nói cho ba mẹ.

Trên đường về nhà, bà nội kiên quyết mình chỉ mới hai mươi mấy tuổi, kể với chúng tôi những chuyện thời còn trẻ của mình. Vô vùng tự tin nói rằng người theo đuổi bà có thể xếp hàng từ cửa nhà đến tận ngoại ô, còn chê bai mẹ tôi và bà Lưu ăn mặc quê mùa, chân lại to, dặn dò hai người phải trang điểm đẹp, phụ nữ phải luôn luôn xinh đẹp, phải có chí khí.

Một chiếc xe không thể chở quá nhiều người, vì vậy tôi với Trương Gia Vũ quyết định đi xe buýt, tiện thể ăn chén hoành thánh nóng ở quán ăn đối diện bệnh viện.

Ăn hoành thánh xong thì đi bộ đến trạm xe buýt. Tôi thấy trên tay áo trái của Trương Gia Vũ có một vệt trắng đông cứng.

“Trương Gia Vũ, trên tay áo cậu có cái gì ấy.” Tôi tốt bụng nhắc nhở.

Cậu ấy kéo kéo tay áo, mặt có vẻ buồn cười.

“Cậu cười cái gì?”

“Không có gì.”

Tôi thò người đến gần nhìn, lập tức đỏ bừng mặt xấu hổ, vật màu trắng đông cứng kia là nước mắt nước mũi tôi cọ vào ban nãy, vì trời bên ngoài lạnh quá nên đông cứng thành băng…

Cậu ấy thấy tôi xấu hổ, chỉ về phía trạm xe buýt phía trước: “Chúng ta nhanh qua đó thôi, xe sắp đến rồi.”

“Ừm.” Tôi lúng túng véo véo ngón tay.

Trời quá lạnh, chúng tôi đứng dưới biển chờ xe buýt, gió Tây Bắc thổi rát mặt, tôi đội mũ, quàng khăn mà vẫn không khỏi run lên bần bật.

Mặt đường kết một lớp băng, xe buýt đã chậm lại càng chậm, chúng tôi đứng tầm mười lăm phút vẫn chưa có xe buýt đến.

“Hay là gọi taxi đi?” Trương Gia Vũ thấy tôi lạnh quá, sờ số tiền còn lại trong túi, vừa đủ để đi một chuyến xe.

Tôi kiên quyết lắc đầu: “Thôi, chúng ta đã đợi lâu vậy rồi, nếu bắt taxi thì uổng công, hơn nữa taxi đắt lắm.”

Trương Gia Vũ nghĩ nghĩ: “Nhưng mà cũng không biết bao giờ xe mới đến, mình sợ… sợ cậu lạnh quá sẽ bị cảm.”

Tôi dậm mạnh chân, vỗ vỗ ngực như đàn ông, tỏ vẻ mình không sợ lạnh, có thể chịu đựng lạnh được.

Trương Gia Vũ nhìn về phía xa, vẫn không thấy bóng dáng xe buýt đâu. Cậu vừa xoa tay vừa hỏi thử tôi: “Cậu có muốn cho tay vào túi mình không, bên trong là lông tơ nên ấm lắm.” Nói rồi còn moi hai túi áo khoác ra cho tôi nhìn, đúng là có vẻ rất ấm.

Tôi đang lo tay lạnh quá không biết để đâu, vui vẻ đồng ý, nhét hai tay lạnh cứng như củ cải vào túi áo bông Trương Gia Vũ.

Thật sự rất ấm áp, tôi cảm nhận được hơi ấm từ túi truyền ra. Không ngờ vừa ngẩng lên thì đụng phải lồ ng ngực Trương Gia Vũ, còn mơ hồ nghe được tiếng tim cậu đập thình thịch thình thịch, chú nai con trong lòng tôi lại bắt đầu nhảy loạn.

Trương Gia Vũ trở nên mất tự nhiên, cậu nhìn thẳng phía trước, cằm chạm đúng vào mũ của tôi, tựa như một tác phẩm điêu khắc cứng ngắc, bất động.

Tôi nín thở, mặt đỏ bừng, tim đập thình thịch, tràn ngập mũi tôi là hơi thở Trương Gia Vũ, đó là sự hòa trộn giữa ánh nắng, sự dịu dàng, hương vị lá cây, nước biển. Trong thoáng chốc tôi quên mất mình đang ở ngoài trời rét lạnh, quên mất tiếng xe cộ ồn ào, cũng quên mất mình đang ở đâu, tất cả những gì tôi có thể thấy, có thể nghĩ đến đều là những điều đẹp đẽ nhất trên đời này…

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện