Sau giờ ngọ ngày hôm sau Đào Tam gia ôm Ngũ Bảo đi tìm Đào đại gia.
Dọc theo đường đi phàm là gặp được người nào bọn họ cũng sẽ nhiệt tình dừng lại trêu chọc Ngũ Bảo.
Hắn béo quay, cực kỳ đáng yêu, cũng không sợ người lạ, ai chọc cũng toét miệng ra cười.
Vì thế thôn dân đều khen Đào Tam gia có phúc khiến ông vui quá thể: “Chúng ta đều là người có phúc! Ha ha!”
Nhà Đào Đại gia cũng là hai nhà cũ và mới.
Con cháu ở nhà ngói mới còn Đào Đại gia và vợ là Vương thị vẫn kiên trì ở nhà cũ bằng tường đất.
Bọn họ nói nửa đời ở đó đã quen rồi, ở sân mới không quen được.
Lúc này Đào Đại gia đang ngồi dưới tàng cây trêu đùa chắt trai, bên cạnh là một bình trà còn tẩu thuốc không biết đã bị ném đi đâu rồi.
Tuy Đào Tam gia chưa có chắt trai mà bế như người ta nhưng hiện tại ôm thằng nhóc béo Ngũ Bảo thì trong lòng cũng vẫn vui vẻ.
Đào Đại gia thấy Đào Tam gia đi vào thì chỉ cái ghế bên cạnh ý bảo ông ấy ngồi xuống và hỏi: “Mấy ngày nay ông vội cái gì đó mà không tới đây chơi cờ?!”
“Bận chuyện xây nhà mới.
Đám con cháu đều lớn cả rồi, sân cũ nhỏ quá không ở được.
Nhân lúc ta còn hơi sức phải vội giải quyết vấn đề cho tụi nó!” Đào Tam gia ngồi xuống chậm rãi nói, Ngũ Bảo ở trong lòng ông thì lập tức xoay người và vừa khéo mặt đối mặt với thằng nhóc béo trong lòng Đào Đại gia.
Ngũ Bảo lập tức chảy nước miếng chủ động chào hỏi: “A ~ a ~ a!”
Thằng nhóc béo kia đã sắp hai tuổi, đối mặt với Ngũ Bảo thúc thúc bối phận cao hơn hẳn một bậc nhưng hãy còn chảy nước miếng hắn cũng nhiệt tình đáp: “Cụ ơi, cụ ơi! Xem tên mập! Xem tên mập!”
Đào Đại gia vừa cười vừa bế thằng nhóc con qua thế là tên béo lập tức duỗi tay sờ mặt Ngũ Bảo sau đó cười khanh khách.
Đào Đại gia dịch ghế tới ngồi bên cạnh Đào Tam gia cho hai tên mập chơi với nhau sau đó ông mới nói: “Cũng nên xây rồi, ăn mặc cần kiệm nhiều năm như thế cũng nên hưởng thụ cảm giác có nhà mới ở cho sung sướng!”
“Ông nói thế nhưng sao ông không dọn tới nhà mới mà vẫn ở trong nhà cũ này!” Đào Tam gia trêu chọc.
“Ha ha, ở cả nửa đời rồi đã sớm quen, cũng tiếc không muốn chuyển! Nhà mới để con cháu ở đi thôi.” Đào Đại gia cười đáp.
“Cảnh giới của ông đúng là cao! Ta không nghĩ được như thế, ta vẫn muốn ở nhà mới mấy năm! Hôm nay ta tới tìm ông là muốn thương lượng chuyện dùng gỗ xây nhà.
Trong rừng của Đào gia thôn có không ít cây gỗ đã trưởng thành, ta muốn đổi ít lương thực để lấy mấy cây gỗ, coi như đóng góp thuế lương cho tộc ông thấy sao?” Đào Tam gia nói.
“Được thôi.
Như thế nào cũng được, dù sao tộc lương là đảm bảo dành cho cả thôn, ta cũng đang định bàn với ông là bán chút tộc lương đi sửa lại kho lúa của từ đường.
Có mấy chỗ bị mưa dột xuống, cả mấy cây xà nhà bị mọt rồi!” Đào Đại gia nói.
“Vậy thì được, hôm nào đó ông gọi mọi người tới họp, ta cũng sẽ nói chuyện đổi vật liệu gỗ cho bọn họ.
Ta muốn làm việc này một cách đường hoàng để tránh mọi người hiểu lầm rồi nói ra nói vào.
Chỉ cần như thế là ta thấy đủ rồi!” Đào Tam gia nói.
“Được, ông làm gì ta cũng yên tâm.
Người trong thôn nhiều, mắt tạp, chuyện gì cũng phải làm công khai thì mới không sợ bị người ta nói!” Đào Đại gia cũng đồng ý.
“Vậy chúng ta chốt rồi đó! Ta cũng coi như an tâm một việc, lại rảnh rang chơi cờ rồi!” Đào Tam gia cười.
“Vậy chúng ta làm mấy ván nhé?” Đào Đại gia hỏi.
“Tới!”
Vì thế hai ông già mỗi người ôm một tên béo bắt đầu chơi cờ.
Trong lúc ấy tên béo lớn cầm quân cờ ném bàn cờ, còn tên béo nhỏ thì duỗi tay cầm quân cờ gặm tràn đầy nước miếng.
Nhưng hai ông già chẳng ai để bụng, vẫn chơi cờ vui vẻ.
Lại qua mấy ngày Đào Đại gia gọi người đứng đầu các nhà tới từ đường mở họp nói tới chuyện bán tộc lương sửa lại từ đường và kho lúa.
Đào Tam gia cũng nhân cơ hội nói chuyện nhà mình dùng lương thực đổi gỗ và mọi người đều tán thành.
Còn việc bao nhiêu lương đổi được bao nhiêu gỗ, cây gỗ lớn hay nhỏ thì còn phải thương lượng định ra tiêu chuẩn.
Xong việc, Đào Tam gia cùng Trường Phú và Trường Quý cõng lương thực trong nhà nộp cho kho lúa của tộc.
Người trong thôn đều nhìn thấy nên lúc bọn họ vào rừng cưa gỗ chẳng ai nói gì.
Những cây bách được chém xuống mang về nhà, sau khi chặt bỏ cành lá làm củi lửa thì thân cây sẽ được vác tới Yển Đường ngâm.
Đây là cách chống mối mọt hiệu quả, gỗ ngâm qua nước vừa bền, ít bị rạn nứt lại vừa kiên cố.
Ngâm gỗ tới qua Tết Trung Thu mới vớt ra rửa sạch rong rêu bám trên đó rồi đặt ở trong sân phơi khô.
Tới cuối tháng 8, vào một buổi sáng sớm Tần thợ mộc cõng một sọt công cụ mang theo đứa con trai 17 tuổi tới Đào gia thôn.
Tần thợ mộc năm nay 40 tuổi, bộ dạng trung thực, con ông ta là Tần Tiểu Hổ lớn hơn Đại Bảo nửa tuổi, thân thể cao lớn, màu da bánh mật, mày rậm, mắt to, nhìn cực kỳ có tinh thần!
Đào Tam gia nhanh chóng pha trà đón tiếp, Lý thị thì vui tươi hớn hở nấu hai bát mỳ thật to cho cha con Tần thợ mộc.
Sợi mì trắng tinh được phủ bằng trứng rán vàng ruộm và rau hẹ xanh mướt.
Cha con hai người ăn cơm xong lập tức bày công cụ ra bắt đầu làm việc.
Bọn họ ngồi ở sân trước làm việc, lúc này đã qua mùa mưa tháng 8 nên mỗi ngày ánh mặt trời đều xán lạn, thời tiết cũng không nóng không lạnh, quả thực phù hợp làm việc bên ngoài.
Tần thợ mộc nhìn ngắm đống gỗ bách trong sân một lần, lại hỏi chiều dài, chiều rộng của nhà mới, hỏi thời gian ngâm gỗ và gật đầu tỏ vẻ hài lòng.
Ông ta bỏ mấy thân cây hợp làm xà nhà và đòn tay ra để riêng một chỗ, còn lại đều cưa xẻ thành tấm ván lót sàn.
Từ lúc cha con Tần thợ mộc tới Tam Bảo đã bị đống dụng cục gọt dũa trong sọt của họ hấp dẫn.
Lúc này hắn đang đứng bên người Tiểu Hổ lôi kéo làm quen, “Tiểu Hổ ca, cái này là cái gì?”
Tam Bảo chỉ vào cái bào gỗ và hỏi.
Tứ Bảo ở bên cạnh thì cười như trộm.
Nguyên nhân là vì tên hắn chính là Đào Vĩnh Hổ, lúc này nghe