Ăn xong cơm trưa và nghỉ tạm một lát Đào Tam gia mang theo Ân Tu Trúc đến cửa thôn xem khu vực ở đó.
Tam Bảo đương nhiên phải đi theo, còn Trường Phú và Trường Quý mang theo Đại Bảo và Nhị Bảo, còn có cả Tứ Bảo đi xới đất chuẩn bị cày bừa vụ xuân sắp tới.
Bọn họ phải lật xới đồng ruộng trước khi mưa xuân tới để chuẩn bị sẵn sàng cho việc trồng rau và lương thực.
Lúa mạch cũng đã lên xanh mơn mởn, cần được bón thúc và tưới nước gấp.
Việc ruộng đồng đều bày ra đó, nhất thời cũng không làm xong nên chỉ có thể tính toán mỗi ngày hoàn thành một chút.
Mấy năm nay Đại Bảo và Nhị Bảo đều ở trấn trên làm việc, rất ít khi xuống ruộng nên màu da đã sớm cởi bỏ màu lúa mạch và biến thành trắng nõn.
Nhưng việc ruộng đồng bọn họ vẫn không quên, lúc vung cái quốc lên vẫn mạnh mẽ oai phong.
Dù sao hai đứa đều đang lúc trẻ tuổi trai tráng nên tốc độ cuốc ruộng cũng không kém Tứ Bảo mấy.
Tứ Bảo khen: “Đại ca, nhị ca, không ngờ các huynh cuốc đất còn nhanh hơn đệ!”
Đại Bảo đắc ý: “Đệ còn tưởng ta và Nhị Bảo không làm ruộng mấy năm thì sẽ quên ư? Nói cho đệ biết những thứ này đã khắc vào trong máu rồi, không thể quên được.”
Nhị Bảo gật đầu: “Đại ca nói phải, thu hoạch lúa mạch, cấy mạ, cuốc đất và gánh phân ta đều làm được! Ta cũng là lao động chính trong nhà!”
Tứ Bảo không chút hoang mang nói: “Nói thì cũng chỉ là nói thôi! Chờ ngày mai xem sao, nếu ngày mai cánh tay các huynh còn có thể nhấc lên thì đệ cõng các huynh chạy quanh sân 5 vòng!”
Nhị Bảo đồng ý ngay: “Quân tử nhất ngôn!”
Tứ Bảo tiếp lời: “Tứ mã nan truy! Hê hê, cũng may đệ học được mấy năm chứ nếu không là chịu không nói tiếp được!”
Trường Phú chờ Nhị Bảo nói xong mới chậm rãi lên tiếng: “Nhị Bảo, lần này về trấn trên cháu tới Bách Thảo Dược Hành chào hỏi Lý chưởng quầy một câu.
Tam Bảo sẽ không tới chỗ ông ấy làm việc nữa, lời này ta không nói thì sớm hay muộn ông nội mấy đứa cũng sẽ nói.”
Nhị Bảo gật đầu: “Cháu biết rồi đại bá! Cháu hiểu phải làm thế nào!”
Trường Phú thở dài: “Tam Bảo mà có được công việc giống cháu và Đại Bảo, mỗi ngày ở trấn trên không cần chạy ngược chạy xuôi thì ta cũng chẳng cấm cản.”
Đại Bảo nói: “Cha, để con để ý xem có nhà ai thuê người giúp việc rồi sẽ để Tam Bảo đến làm thử!”
Trường Phú lắc đầu: “Năm nay chưa nói tới chuyện này vội.
Ông nội con khẳng định sẽ không cho Tam Bảo rời đi nửa bước đâu!”
Tứ Bảo vui vẻ hét lên: “Tốt quá! Trong nhà có thêm một lao động thế là con có thể lười một chút!”
Trường Quý cười mắng: “Thằng nhóc con! Ngày thường con không lười biếng sao?”
Tứ Bảo cười mỉa nói: “Cha, đó là lúc nông nhàn cơ mà.
Lúc ngày mùa con không kém con lừa nhà mình tí nào đâu nhé!”
Đại Bảo gợi ý: “Cha, nhà ta lại mua thêm con lừa nữa đi! Về sau mọi người đừng dùng cuốc nữa mà để hai con lừa cùng cày ruộng cho nhàn!”
Trường Phú không đồng ý: “Lừa làm hết việc rồi thì ta và nhị thúc con làm gì?! Hơn nữa năm nay con và Nhị Bảo đều đón dâu, chuyện cần dùng tiền quá nhiều, tạm thời đừng nghĩ tới chuyện mua lừa nữa!”
Đại Bảo đáp vâng.
Tứ Bảo lau mồ hôi và muốn uống nước mới phát hiện quên mang nước thế là hắn hét lên: “Á, đi vội quá nên quên mang nước rồi!”
Ai biết lúc này bọn họ lại thấy Tiểu Ngọc Nhi cõng sọt mang theo ấm nước đi trên con đường bờ ruộng nhấp nhô, vừa đi vừa hét lớn: “Tứ ca tìm cái gì đó? Có phải cái này không?” Phía sau Tiểu Ngọc Nhi là Ngũ Bảo.
Tộc học vẫn giữ quy củ cũ, chỉ học buổi sáng còn buổi chiều cho bọn nhỏ về nhà giúp gia đình.
Tứ Bảo bước nhanh tới bờ ruộng đón lấy ấm nước rót một chén uống ừng ực nhưng vì gấp quá nên hắn ho sặc sụa, cả khuôn mặt đỏ bừng.
Ngũ Bảo lắc đầu, bất đắc dĩ nói như ông cụ non: “Tứ ca thật sự 17 tuổi rồi sao?”
Tứ Bảo đỏ mặt trợn mắt nhìn Ngũ Bảo sau đó giơ tay túm lấy búi tóc nhỏ trên đầu hắn và bắt đầu giải hận.
Hắn rút rút búi tóc em hắn như rút củ cải khiến Ngũ Bảo bất đắc dĩ nói với Tiểu Ngọc Nhi: “Nhị tỷ tỷ xem tứ ca đi!”
Tiểu Ngọc Nhi che miệng cười còn Tứ Bảo thì tức giận mang theo ấm nước đi ra ruộng.
Tiểu Ngọc Nhi lập tức hét lên với mọi người: “Con đưa nước tới rồi, giờ con và Ngũ Bảo đi cắt cỏ heo đây!”
Tứ Bảo đáp lại: “Mau lôi thằng nhóc Ngũ Bảo kia đi đi!”
Bởi vì nhà Đào Tam gia ở đầu thôn tây nên bọn nhỏ trong nhà có thói quen tới Tây Sơn cắt rau ngổ.
Tiểu Ngọc Nhi và Ngũ Bảo đưa nước xong là đi về phía Tây Sơn.
Dưới chân núi có một mảnh núi rừng, đất mỏng, chất đất cũng không phì nhiêu nhưng lại có nước suối từ trên núi chảy xuống thấm ướt cho đám rau ngổ tươi tốt.
Sức sống của đống rau này cũng ngoan cường, không khó hầu hạ như hoa màu nên chỉ cần ít đất, ít nước là chúng có thể sinh trưởng um tùm.
Đào Tam gia chỉ vào mảnh đất dưới chân Tây Sơn và nói: “Phan chưởng quầy mua mảnh phía đông, còn mảnh phía tây gần sông thì chưa có ai mua.
Nhưng mảnh phía tây này ta không thích, bởi vì nơi ấy địa thế thấp, vào mùa lũ sẽ gặp nguy hiểm.”
Ân Tu Trúc gật đầu.
Tam Bảo nói: “Ông nội, vậy dưới chân núi này không có chỗ nào thích hợp để xây nhà ư?”
Đào Tam gia lại quay đầu nhìn quanh sau đó ánh mắt ngừng ở giữa sườn núi và nói: “Kỳ thật, trên lưng chừng núi có một mảnh đất bằng, nơi ấy thích hợp xây nhà ở.
Tầm nhìn ở đó trống trải, địa thế cũng cao, đã thế còn có suối nguồn.
Sở dĩ rau ngổ ở đây tươi tốt như thế là vì có nước suối kia nuôi nấng.”
Ân Tu Trúc ngẩng đầu nhìn theo ánh mắt Đào Tam gia chỉ thấy Tây Sơn cây cối xanh um, nhưng trong đó có một chỗ cây cối thưa thớt hẳn.
Nói thật thì chỗ ấy cũng không phải ở sườn núi mà là dưới sườn núi một chút.
Ân Tu Trúc lập tức tán thành nói: “Gia gia, cháu thấy chỗ đó tốt đấy!”
Đào Tam gia nhẫn nại khuyên nhủ: “Đừng gấp gáp, cháu nghe ta nói xong hẵng.
Chỗ ấy không tồi nhưng không có đường lên xuống.
Nếu cháu muốn xây nhà ở đó thì đầu tiên phải