Năm sau Nhị Bảo thương lượng với Đào Tam gia sửa sang lại hai gian phía tây của nhà cũ để làm dược phòng và phòng khám bệnh.
Trên cửa phòng khám bệnh có một cái bảng gỗ, trên đó là bốn chữ to “Đào thị y xá”.
Mấy chữ này đơn giản mang theo mềm mại nhưng không hề nhu nhược, có lực lại không quá cứng nhắc.
Chữ quả là như người, Ân Tu Trúc cực kỳ vừa lòng với chúng, bởi vì đó là do hắn viết.
Cha vợ của Nhị Bảo là Lý chưởng quầy nghe nói hắn về Đào gia thôn mở y quán thì rất vui mừng tài trợ một quầy thất tinh đấu (quầy thuốc), ngoài ra còn có các loại dược liệu.
Đương nhiên, Lý chưởng quầy sẽ không kiếm tiền của con rể mà chỉ cần đúng giá mua vào.
Nhị Bảo cũng vô cùng cảm kích, hắn nghĩ giá thảo dược thấp thì các thôn dân tới khám bệnh sẽ được lợi.
Phùng lang trung ở thôn bên cạnh đã qua đời được hai năm, thôn dân mà có đau ốm đều sẽ phải tới tận trấn trên trị bệnh.
Thậm chí có người vẫn cứ nhịn, chờ đến khi Nhị Bảo được nghỉ phép mới tìm đến cửa nhờ khám cho.
Hiện tại thấy Nhị Bảo mở ‘Đào thị y xá’ thế là thôn dân vội truyền tai nhau, các thôn xung quanh cũng nhanh chóng biết tin.
Ở cái thời đại lạc hậu, tin tức chỉ truyền miệng mà có thể truyền nhanh như thế chứng tỏ mọi người vô cùng sợ hãi bệnh tật đồng thời rất kính trọng thầy thuốc.
Nhị Bảo trở về khiến cả nhà Đào Tam gia vô cùng vui mừng.
Đương nhiên người vui nhất chính là tiểu Lý thị.
Nàng ta sinh ra ở dược hành, từ nhỏ đã tiếp xúc với dược liệu nên quen thuộc chúng như lòng bàn tay.
Lúc này hai vợ chồng phu xướng phụ tùy cùng xử lý dược phòng một cách ngăn nắp.
Nhị Bảo cũng tự mình cầm bút viết tên lên nhãn dán cho các loại dược liệu còn tiểu Lý thị sẽ dựa theo sơ đồ quầy mà dán lên quầy thất tinh.
Quầy này trên dưới trái phải đều có bảy ngăn, tầng chót có ba hàng với 4 ngăn mỗi hàng, trong đó đều là thảo dược.
Những dược liệu hay dùng thì để ở giữa, tính chất nhẹ nhưng ít dùng thì để ở tầng cao.
Dược liệu có tính mạnh lại dễ đổi màu sẽ được đặt ở tầng dưới, còn những dược liệu nhẹ lại phồng và phải dùng số lượng lớn thì đặt ở một ngăn lớn ở tận tầng chót.
Vợ chồng Nhị Bảo mất ba ngày mới thu dọn xong cái quầy và bỏ dược liệu vào từng ngăn.
Lúc này lục tục có người tới xem bệnh, Nhị Bảo lấy tiền khám không cao, tiền thuốc cũng vừa phải nên người bệnh đều chấp nhận được.
Hơn nữa hắn đã được Hồ lang trung dạy bảo tận tình nên y thuật rất tốt, nhanh chóng được thôn dân ở làng trên xóm dưới khen ngợi.
Hiện tại công việc yêu thích của Đào Tam gia chính là canh bên ngoài Đào thị y xá, thấy ai tới trị bệnh là vội vàng tiếp đón, nhiệt tình cực kỳ.
Nếu có người bệnh nặng tới mời Nhị Bảo tới khám tại nhà thì Đào Tam gia sẽ là người đầu tiên cõng hòm thuốc, dắt lừa hộ tống hắn ra cửa.
Nhị Bảo cười nói: “Ông nội, xa lắm, ông đừng đi nữa!”
Đào Tam gia lại cố chấp không nghe mà dắt lừa đi ở phía trước.
Nhị Bảo lắc lắc đầu đuổi theo rồi đỡ ông ngồi lên lừa còn mình thì cầm dây dắt lừa.
Người nào không quen biết Nhị Bảo thì còn tưởng ông già râu tóc bạc phơ ngồi trên lưng lừa mới là Đào lang trung.
Chuyện này gây ra không biết bao nhiêu màn dở khóc dở cười.
Sau khi trở về Đào Tam gia thỏa mãn dắt lừa tới chuồng, còn Lý thị thì cười nói: “Nhìn bộ dạng đắc ý của ông kìa, hay là để Nhị Bảo cũng dạy ông mấy năm đi, có lẽ 70 tuổi là ông xuất sư đó!”
Đào Tam gia lập tức thổi râu trợn mắt với vợ: “Làm gì có nhà ai ông nội đi học cháu đâu, bà đúng là ngày càng không đàng hoàng!”
Lý thị vẫn đúng lý hợp tình nói: “Thế Nhị Bảo đến khám bệnh tại nhà thì ông đi theo làm gì?”
Đào Tam gia đúng lý hợp tình nói: “Đường núi cong cong, ta không yên tâm về Nhị Bảo mới đi cùng.
Bà là bà nội mà không đau lòng hắn, còn không cho ta đau lòng cháu ta à?”
Lý thị trợn trắng mắt: “Thời gian không đợi người, con cháu đều đang bận cày bừa vụ xuân, lúa mạch non còn cần tưới nước, sao không thấy ông lo cái gì! Cả ngày ông cứ lẽo đẽo đi theo Nhị Bảo như đứa nhỏ lên ba ấy!”
Đào Tam gia đuối lý thì hừ hừ vài tiếng và tới sân trước.
Đúng lúc này đám con cháu từ ngoài ruộng về, Tam Bảo ném cái cuốc trong tay cho Tứ Bảo và nói: “Cất cái cuốc cho huynh!”
Tứ Bảo đón lấy cái cuốc thì lẩm bẩm: “Lười quá!”
Tam Bảo cười hê hê: “Ta không lười, chẳng qua ta muốn vác cuốc thay cha và nhị thúc thôi!” Nói xong quả nhiên thấy hắn đón lấy cuốc trong tay Trường Phú và Trường Quý rồi cùng em hắn đi tới sân sau.
“Cha, nhị thúc, mau uống nước!” Ngũ Bảo vội bưng trà ngon tới.
Trường Phú nhìn bùn đất trên tay mình thì nói: “Con để ở kia đã, ta còn chưa rửa tay đâu!”
Ngũ Bảo vội nhón chân đề nghị: “Cha cúi đầu uống đi, con cầm chén cho.”
Trường Phú thấy con út hiếu thảo như thế thì vui vẻ khom người uống hai ngụm.
Sau đó Ngũ Bảo lại đút cho Trường Quý uống mấy ngụm.
Lúc này Lưu thị bưng một chậu nước ấm tới thì thấy Ngũ Bảo đang nhón chân cầm chén cho Trường Quý uống nước nên cười nói: “Nước đây, mau tới rửa tay!”
Trường Phú ừ một tiếng và tiến lên đón lấy chậu nước bưng tới bên cạnh Trường Quý để hai anh em cùng rửa sạch tay chân.
Lưu thị lại đưa khăn mặt cho hai người lau khô mới ngồi xuống nghỉ tạm.
Ngũ Bảo tuy nhỏ nhưng rất tinh tường, hắn vội vàng bưng chậu nước bẩn đi đổ ra vườn rau.
Lưu thị thấy thế thì cười đón lấy cái chậu và nói: “Đưa đây nương cất, con đi đọc sách đi!”
Thấy Tam Bảo và Tứ Bảo kề vai sát cánh đi ra thế là Lưu thị nói: “Nước đổ mất rồi, hai đứa tới sân sau rửa đi!”
Thế là hai đứa đi