Kỳ nghỉ Tết Đoan Ngọ ngắn ngủi qua đi, mọi người lại bắt đầu vội vàng trồng bắp và cao lương.
Chờ đến khi lúa mạch phơi khô nỏ và được thu dọn bỏ vào kho lúa thì Đào Tam gia mới cười tủm tỉm tuyên bố với người nhà năm nay tuy hạn nhưng sản lượng lúa mạch không giảm so với năm ngoái.
Đây cũng là nhờ công lao bọn họ vất vả tưới nước khi lúa mạch còn non và lúc lên đòng.
Không gì có thể so sánh với sự vui vẻ của người nông dân khi thu hoạch lương thực.
Đào Tam gia tính toán thuế má và tộc lương thì trong lòng cũng kiên định hơn.
Ông ta dặn Lý thị chọn chút lúa mạch mới mang đi xay bột và làm chút bánh hoắc hương để tế ông trời.
Bánh hoắc hương và bánh rau hẹ có cách làm giống nhau, chỉ là nguyên liệu đổi từ rau hẹ thành hoắc hương thôi.
Lý thị ra vườn rau ở hậu viện nhìn thấy mấy cây hoắc hương đã cao tới đùi, từng phiến lá xanh mướt thì hái mấy mảnh lá hoắc hương rồi rửa xạch và thái nhỏ.
Bột được cán thành một miếng thật lớn sau đó bôi dầu lên trên, rải rau hẹ thái nhỏ, thịt khô thái hạt lựu, tỏi băm và muối, cuối cùng là lá hoắc hương đã thái nhỏ.
Sau đó bà sẽ cuốn bột lại, thái miếng, áp thành viên dẹt và rán bằng lửa nhỏ.
Bọn nhỏ bị mùi bánh hấp dẫn tới nhà bếp.
Mỗi lúc trong nhà làm bánh rau hẹ thì chỉ cần quanh quẩn ở bếp là có thể được ăn chút vụn bánh thế nhưng hôm nay tụi nó le ve nửa ngày cũng không được miếng nào mà chỉ có thể nuốt nước miếng.
Lý thị bưng một rá bánh hoắc hương tới tiền viện.
Lúc này ở sân trước bày hai băng ghế dài, Lý thị đặt cái rá bánh lên một cái ghế.
Đào Tam gia đứng ở bên cạnh lải nhải với đống bánh.
Người nông dân vốn như thế, dù phải vất vả lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng vẫn cảm kích ông trời đã cho bọn họ thu hoạch, đồng thời mang theo kính sợ với ông trời nên trước khi hưởng thụ lương thực bọn họ vẫn muốn cúng lên cho các vị thần tiên thưởng thức trước.
Nghi thức rất đơn giản, sau một lát Lý thị đã bưng bánh đi vào nhà chính.
Trên bàn cơm, người một nhà thỏa mãn ăn lương thực bọn họ vất vả làm ra.
Bột lúa mạch làm bánh hoắc hương đúng là ngon, mùi vị rau hoắc hương hòa với thịt khô còn ngon hơn bánh rau hẹ.
“Lúa mạch đã vào kho vậy còn khoai lang đỏ thì làm sao?” Đào Tam gia lẩm bẩm nói: “Dây khoai lang đã mọc dài quá rồi.”
“Cha, trước tiên chúng ta vun luống khoai cho tốt, chờ mưa xuống là có thể trồng cây con.” Trường Phú nói.
“Aizzz, nhưng nước mưa ở đâu? Ruộng đều nứt thành khe, lúc cắt mạch côn con cũng thấy rồi đó!” Đào Tam gia sầu khổ.
Trường Quý nói: “Cùng lắm thì con và đại ca gánh nước tưới, dù sao cũng phải trồng được khoai lang xuống.”
“Nước sông chỉ còn một nửa, ta thấy nếu còn không mưa thì chẳng thu hoạch được cái gì đâu.”
“Ăn cơm trước đi! Nói mấy cái thứ đó làm gì?” Lý thị ngắt lời chồng.
Đào Tam gia cũng không nói nữa mà chậm rãi ăn bánh hoắc hương trong tay.
Sau cơm trưa người một nhà đều nghỉ ngơi, gần một tháng ngày mùa bọn họ đã bận rộn, nay có mấy ngày rảnh nên mọi người cũng tranh thủ nghỉ ngơi một lát.
Lý thị và hai cô con dâu ngồi dưới gốc cây lê trong góc sân đóng đế giày.
Đúng lúc ấy Đại Tần thị mang một tay nải nhỏ tới.
“Tam tẩu tử đang đóng đế giày à?! Đã ăn cơm chưa?” Đại Tần thị vui tươi hớn hở đi vào sân.
Lưu thị vội vàng lấy một cái ghế cho bà ta ngồi, mà Đại Tần thị cũng không hề khách khí đặt mông ngồi luôn.
“Ăn rồi, lúa mạch thu xong nên chúng ta làm một mâm bánh để tế thiên.” Lý thị vừa nạp đế giày vừa đáp.
“Ta ngại phiền toái nên trực tiếp dùng bột làm màn thầu để tế thiên luôn,” Đại Tần thị cười nói sau đó quay qua nhìn bốn phía và hỏi: “Sao không nhìn thấy Nữu Nữu nhỉ?”
Lưu thị đang thêu hoa trên mặt giày nghe thế thì ngẩng đầu cười nói: “Ngũ thẩm, Nữu Nữu và mấy thằng anh đang ở trong phòng chơi ú òa!”
Đại Tần thị đưa tay nải nhỏ cho Lưu thị sau đó cười tủm tỉm nói: “Hầy, ta đã bảo Nữu Nữu là đứa nhỏ có phúc khí mà.
Quả thực bị nàng nói trúng rồi, con dâu nhà ta có thai rồi, ai u, đúng là khiến cả nhà ta vui mừng hoan hỉ quá.
Vì thế ta vội vàng làm hai bộ quần áo làm quà cảm tạ Nữu Nữu.”
“Thật sao, nha đầu Nữu Nữu này đúng là linh!” Lý thị cũng vui vẻ vỗ đùi, “Đây đúng là việc vui!”
Mẹ chồng nàng dâu nhà Đào Tam gia đều cười nói chúc mừng.
Thấy Đại Tần thị đưa bọc nhỏ qua Lưu thị khách sáo từ chối: “Ngũ thẩm, lễ này cháu không nhận được đâu.
Vợ Trường Phương có hỉ là phúc phận của nàng đã tới, Nữu Nữu chỉ là đứa nhỏ bằng cái mắt muỗi thì làm được gì mà nhận lễ.
Lúc trước chẳng qua nàng chỉ vô tâm nói một câu kia thôi!”
Đại Tần thị cười không khép miệng được, tay thì vẫn nhiệt tình nhét cái bọc vào lòng Lưu thị và nói, “Đây cũng không phải quà quý trọng gì, chỉ có hai bộ quần áo của trẻ con thôi.
Hơn nữa mấy năm nay ta bị uất nghẹn không ít, nhờ lời may mắn của Nữu Nữu mà hiện tại coi như ta cũng được giải tỏa rồi.”
Lưu thị cảm tạ mãi mới nhận lấy.
“Ta thì nghĩ là thuốc bốc đúng bệnh ấy.” Lý thị nói