Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

50: Thịt Thỏ Và Sứt Môi


trước sau


Có đồ nhắm rượu ngon thế là Đào Tam gia đương nhiên để Trường Quý rót ba chén rượu cho cha con cùng uống.

Bọn họ cũng không uống nhiều mà chỉ làm một chén nâng cao tinh thần.
Thỏ hoang béo ú, thịt thỏ nấu kho tàu có màu đỏ hồng, mùi thơm nức mũi, Đào Tam gia gắp nguyên cái đầu thỏ cho Hoàng Hoàng thế là nó vui vẻ nằm dưới bàn cơm vừa vẫy đuôi vừa gặm.

Lúc này Đào Tam gia mới vui tươi hớn hở ra lệnh một tiếng thế là bọn nhỏ lập tức hoan hô ăn.

Dù trong lòng cực kỳ hưng phấn nhưng động tác gắp thịt của tụi nó cũng không hề mất lễ nghĩa.
Người lớn cũng không ăn thịt thỏ mấy mà nhường cho bọn nhỏ ăn.

Lý thị cầm thìa múc cho mọi người ít nước thịt để chấm bánh ăn.

Trương thị thì vẫn nghĩ tới chuyện sứt môi và động kinh nên cũng chẳng có hứng thú với thịt thỏ.

Gần đây nàng ta và Trường Quý cũng gần gũi, lỡ mà có thai rồi lại không biết mà ăn thịt thỏ thì sẽ sinh một đứa con gái sứt môi.

Trương thị càng nghĩ thì trong lòng càng sợ, đũa cũng không dám gắp thịt thỏ nữa, nước thịt trong bát cũng đổ cho chồng ăn.
Lý thị thấy Trương thị không gắp thịt thỏ mà chỉ gắp cải trắng với củ cải đỏ thì hỏi: “Vợ Trường Quý, sao con không ăn thịt?”
Trương thị cười cười nói: “Nương, con không thích ăn thịt thỏ, con cảm thấy có mùi lạ!”
Lý thị nhắc mãi: “Có mùi lạ sao? Hiếm khi nào ta bỏ sai gia vị.” Nói xong bà ta còn cố ý gắp một miếng thịt bỏ lên ngửi và hỏi những người khác: “Thịt thỏ này có mùi lạ sao?”

Mọi người đều lắc đầu thế là Lý thị nói với Trương thị: “Con không ăn quen thì múc canh trứng mà uống!”
Trương thị gật đầu múc cho mình một bát canh trứng.

Lý thị lấy cái muôi chuyên chọn trứng gà múc cho con dâu.

Lưu thị lại đưa cho Trương thị một cái bánh bột ngô và thêm chút cải trắng.
Vì vấn đề tâm lý nên Trương thị không ăn miếng thịt thỏ nào, còn mọi người khác thì ăn đến tận hứng.

Đào Tam gia, Trường Phú và Trường Quý uống xong một chén rượu kia thì cũng cầm bánh bột ngô lên chấm nước thịt ăn.
Ăn xong cơm chiều từng người thu thập và nghỉ ngơi.
Trương thị dựa vào người Trường Quý hỏi: “Thịt thỏ ăn ngon không?”
Trường Quý gật đầu sau đó nghi hoặc nhìn vợ hỏi: “Hôm nay nàng thật kỳ quái, ngày thường nàng thích nhất là đồ ăn ngon, hôm nay sao lại không ăn miếng thịt thỏ nào?”
Trương thị nhéo hắn một cái và oán trách nói: “Còn nói nữa, hôm nay ta hỏi nương có mang cho tiểu Tần thị chút thịt thỏ không thì nương nói nữ nhân có thai không thể ăn thịt thỏ!”
Trường Quý lập tức vui vẻ bật dậy, “Nàng có thai ư?”
Trương thị vui tươi hớn hở nói: “Khoảng thời gian trước nhàn nhã chàng vất vả cày cấy nên ta cũng lo lắng lỡ đâu có thai.

Hơn nữa ta cũng muốn sinh một đứa con gái, mấy miếng thịt thỏ nhịn cũng được, không thể tham ăn để khuê nữ bị sứt môi!”
Trường Quý lại nằm xuống nói: “Cũng đã chắc đâu, nàng chỉ nghĩ vớ vẩn?”
Trương thị tiếp tục véo bả vai Trường Quý và cười mắng: “Đều tại chàng, đều tại chàng, ta đã sớm nói là ta muốn sinh đứa con gái, đến giờ Tứ Bảo đã 4 tuổi rồi mà bụng ta vẫn không có động tĩnh gì!”
Trường Quý siết tay lại ôm Trương thị vào lòng cười nói: “Chính bụng nàng không biết cố gắng còn trách ta là sao? Vì chuyện sinh con gái mà eo của ta sắp gãy rồi đây này, nàng thật không biết đau lòng ta!”
Trương thị tức quá đấm Trường Quý một cái, “Bụng ta không biết cố gắng thì Nhị Bảo và Tứ Bảo nhảy từ cục đá ra à!”

Trường Quý nhanh chóng xin khoan dung sau đó ôm vợ hôn hôn và cười nói: “Được, được, là ta sai, ta sẽ bồi tội với nàng!” Nói xong hắn xoay người lập tức bận việc.

Trương thị thì oán trách vài câu rồi cùng bận rộn việc sinh con gái, đây mới là việc lớn.
Mấy ngày nay cả nhà Đào Tam gia đều bận rộn gieo hạt lúa mạch, lúc sắp kết thúc thì ông trời không chiều lòng người mà cho mưa rơi tí tách thế là bọn họ đành phải khoác áo tơi tiếp tục làm việc.

Đào Tam gia lại nói trời mưa đúng lúc, hạt lúa hút no nước là có thể nảy mầm.
Tộc trưởng Đào Đại gia đi khắp các ruộng trong thôn thấy mọi người đều đang bận rộn gieo hạt trên cánh đồng thì vừa lòng gật đầu.

Thấy ruộng nhà ai mà luống không xân xưng ông ta đều phải nói hai câu.

Một đường đi đến bên cạnh ruộng lúa nhà Đào Tam gia ông ta dừng bước, hơi nâng mũ lên và hô to với người trong ruộng: “Đào lão tam, ông đúng là biết cách hầu hạ hoa màu, luống đâu ra đấy, chỉnh tề, thẳng tắp!”
Đào Tam gia buông cái cuốc và đi tới gần cùng Đào Đại gia đứng một chỗ nhìn ruộng lúa nhà mình hớn hở nói: “Đây chính là mạng sống rồi, hầu hạ không tốt thì đúng là phải xin lỗi bát cơm ăn hàng ngày!”
Đào Đại gia ha hả cười nói: “Sao ông không trồng ít cải dầu? Sang năm thu chút hạt cải ép dầu.”
“Năm trước chúng ta có trồng một chút, dầu hạt cải vẫn đủ ăn ba năm.

Hơn nữa sản lượng của cây cải dầu không cao, dầu cũng là thứ quý giá sao có thể ngày nào cũng ăn được.

Vẫn nên tiết kiệm đất trồng chút lúa mới tốt.” Đào Tam gia trả lời.
Đào Đại gia nói: “Ông ấy, đúng

là kẻ khôn ngoan, cái gì cũng tính kỹ hết rồi!”
Đào Tam gia cười nói: “Làm như Đào lão đại ông thì khác ấy, nhà ông khá giả nhất thôn, năm ấy còn có thể đưa Trường Hiền lên trấn trên đọc sách mấy năm.”

“Hô hô! Ta chính là ăn vào tổ nghiệp, hiện giờ con cháu nhiều đều phải phân gia nên có còn cái gì đâu.” Đào Đại gia nói, “Được rồi, để ta đi xem mấy chỗ khác, ông cứ vội việc của ông đi!”
Đào Tam gia gật đầu, chờ Đào Đại gia đi rồi ông mới lại quay đầu làm việc.
Trồng xong lúa mạch Đào Tam gia mang mấy cái cuốc tới Yển Đường rửa sạch.

Ngâm cuốc vào nước, lấy nhánh cây chọc cho bùn đất rụng ra rồi rửa sạch khiêng về nhà bỏ vào nhà kho.
Lý thị sai hai đứa con trai đi gánh mấy gánh nước về, lại gọi Trương thị vào bếp đun nước tắm.

Mấy ngày nay vội gieo hạt nên không tắm rửa được tử tế, nhân dịp hôm nay kết thúc công việc sớm bọn họ phải đun chút nước nóng tắm rửa một cái cho thoải mái.
Lý thị nói buổi tối ăn bánh canh thế là Lưu thị cầm cái rổ ra vườn rút củ cải trắng đỏ và một búp cải trắng sau đó rửa sạch thái nhỏ.
Bánh canh rất dễ làm vì thế Lý thị cũng không vội làm cơm chiều mà sắp xếp cho một nhà già trẻ thay quần áo bẩn và tắm giặt đã.

Người lớn bận việc trên đồng, bọn nhỏ thì chơi đùa quanh ruộng nên quần áo toàn là bùn.

Lưu thị bỏ quần áo bẩn vào sọt và oán giận nói: “Buổi sáng mới thay quần áo sạch thế mà giờ đã toàn bùn, Tam Bảo, con là quỷ lôi thôi đầu thai hả?”
Tam Bảo bị mẹ mắng thì quen rồi, hắn lựa chọn phương thức đáp lại sáng suốt nhất: cười ngây ngô.

Lưu thị vừa oán giận vừa cầm một miếng vải bông sạch sẽ lau tóc cho hắn, lại hung hăng nhéo vài cái.
“Nương, nhẹ chút, đau quá!” Tam Bảo ôm eo mẹ hắn mà làm nũng, miệng gọi: “Nương, nương.”
Lưu thị lập tức nhẹ tay hơn nhưng miệng vẫn mắng: “Có gì mà đau, không thể thoải mái bằng con lăn lộn trên đất đâu! Nhìn bộ quần áo của con đi, có thể giũ ra ba cân bùn ấy!”
Tam Bảo lại cười hề hề.
Đại Bảo ở bên cạnh tự lau tóc, còn Nữu Nữu thì ngồi trong ổ chăn chớp mắt với Tam Bảo và lêu lêu, “Xấu hổ! Xấu hổ! Tam ca bẩn muốn chết!”
Tam Bảo cũng không vừa mà lè lưỡi ra, thế là Nữu Nữu cùng lè lưỡi đáp.
Lưu thị lau khô tóc cho Tam Bảo lại ôm Nữu Nữu vào lòng nhẹ lau tóc cho đứa nhỏ rồi mặc áo mỏng, thêm áo khoác.


Nút áo không dễ cài nên Nữu Nữu loay hoay một lúc cũng không xong, cuối cùng Lưu thị vừa cười vừa giúp nàng cài xong.
“Đại Bảo, con trông em nhé, nương đi nấu cơm!” Lưu thị đứng dậy cầm sọt quần áo bẩn ra ngoài, vừa lúc thấy Trương thị cũng mang theo quần áo bẩn đi ra khỏi phòng.

Nàng ta đang oán giận, Tứ Bảo lúc này đã thay quần áo sạch sẽ đứng ở cửa phòng đáng thương nhìn mẹ mình.
Hai chị em dâu tập hợp quần áo bẩn lại, vừa làm vừa oán giận mấy đứa con nghịch bẩn quá.

Sau đó cả hai cùng đi tới hậu viện, Tứ Bảo thấy mẹ mình đã đi khuất thì còn đâu bộ dạng đáng thương nữa, hắn lập tức phấn chấn chạy tới phòng phía đông.
Lý thị lấy từ tủ chén một cái bình màu đen mở ra thì thấy chỉ còn ít mỡ heo màu trắng dính ở đáy bình.
“Mỡ heo chỉ còn có chút xíu này, mỡ của một con heo đấy, thế mà cũng chẳng đủ ăn một năm!” Lý thị nhắc mãi.
“Nương, một con heo chỉ đủ mỡ để nấu được một bình này.

Chút mỡ ấy chúng ta cũng phải dùng tiết kiệm chứ không thì hết lâu rồi!” Trương thị vừa nhóm lửa vừa nói.
Lý thị bỏ bình mỡ heo lên bệ bếp, Lưu thị dùng thìa múc một ít mỡ heo bỏ vào nồi, lại bỏ củ cải và cải trắng vào xào lên sau đó thêm nước để đun.

Làm xong nàng ta xoay người lấy ít bột các loại trộn với nhau thêm nước và bắt đầu nhồi.

Chỉ cần chờ nước sôi là cho bột vào, lại thêm chút muối cùng gia vị là xong một nồi bánh canh.
Bởi vì ít được ăn thịt nên chỉ hơi cho thêm chút mỡ heo mà bữa cơm đơn giản đã mỹ vị hơn nhiều.

Bọn nhỏ đều ăn nhiều hơn ngày thường một bát.

Cuối cùng cả một nồi bánh canh tràn đầy đã bị người một nhà ăn sạch.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện