Ba ông cháu đi nhanh nên trước buổi trưa đã tới trấn trên.
Hôm nay không phải ngày họp chợ nên ở đó cũng không đông như mọi khi.
Đào Tam gia tới nhà Vương Thuận bỏ hành lý xuống rồi theo Vương Thuận tới Hồ thị y quán trước.
Thật khéo là Hồ thị y quán ở ngay con đường phía sau Duyệt Lai Phạn Quán, Đại Bảo và Nhị Bảo thấy hai nơi nơi gần nhau thì cực vui vẻ.
Hồ thị y quán là một cửa hiệu có hai gian thông thành một gian lớn, bên trên có bảng hiệu chữ đỏ nền đen ghi bốn chữ ‘Hồ thị y quán’ thật to.
Vừa vào đại sảnh thì cái đầu tiêp đập vào mắt chính là bốn chữ ‘hành y tế thế’, bên dưới lắp một cái bàn vuông.
Một vị lão giả mày rậm, râu tóc hoa râm đang ngồi ngay ngắn phía trước, một tay vuốt râu một tay bắt mạch, người bệnh ngồi đối diện cũng lẳng lặng chờ.
Trong đại sảnh thường có tiếng ho khan truyền tới, Nhị Bảo nhìn quanh một vòng lại phát hiện bên trái có người bệnh đang ngồi chờ, phía bên phải có một loạt quầy nhỏ đựng thuốc.
Trên mỗi ngăn có viết tên các loại thuốc bằng thể chữ khải, một nam tử trung niên đang cầm cân nhỏ phối thuốc theo đơn, một người khác đang thêm thuốc vào bàn cân.
Vương Thuận đứng một bên nhìn Hồ lang trung viết xong phương thuốc giao cho người bệnh ở đối diện sau đó mới cung kính tiến lên khom người chắp tay nói: “Hồ lang trung, hôm nay ta mang đứa nhỏ ta có nhắc tới mấy hôm trước để ra mắt.”
Hồ lang trung gật đầu sau đó cũng chào hỏi ba ông cháu nhà Đào Tam gia và mời bọn họ qua nói chuyện.
Hai đứa nhỏ đều cung kính hành lễ với Hồ lang trung, ông ta thấy hai đứa đều khá tốt thì hỏi Vương Thuận mang đứa nào tới.
Vương Thuận lập tức nháy mắt ra hiệu cho Nhị Bảo.
Nhị Bảo hơi hoảng, nhưng hắn nhẹ cắn môi lấy dũng khí đứng lên trước cung kính hành lễ.
Hồ lang trung hỏi: “Ngươi tên gì? Bao nhiêu tuổi? Nhà ở đâu?”
Nhị Bảo chắp tay cung kính đáp: “Vãn bối họ Đào tên là Vĩnh Lân, năm nay 12 tuổi, nhà ở Đào gia thôn.”
Hồ lang trung gật đầu và lại hỏi: “Có biết đọc và viết không?”
Nhị Bảo nói biết thế là ông ấy cười và hỏi tiếp: “Học y cực kỳ vất vả, ngươi có thể chịu khổ không?”
Nhị Bảo kiên định gật đầu nói: “Có thể!”
Hồ lang trung vừa lòng gật đầu sau đó gọi với về phía quầy thuốc: “Khánh Hoa, lại đây đi!”
Nam tử trung niên đang thêm thảo dược ở quầy nghe thấy thế thì vội vàng bỏ việc đi qua.
Hồ lang trung nói: “Con mang đứa nhỏ này đến hậu viện, giải thích quy củ ở đây cho hắn.
Mấy ngày trước Lý Tam và Vương Ngũ Lượng đã đi rồi nên nhà ấy cũng trống, để đứa nhỏ này ở đó đi!”
Hồ Khánh Hoa gật đầu nói với Đào Tam gia: “Lão nhân gia, mời theo ta!”
Đào Tam gia chắp tay với Hồ lang trung rồi mang theo Đại Bảo, Nhị Bảo và Vương Thuận cùng nhau đi tới hậu viện.
Hậu viện rất lớn, có mười gian nhà vuông vức, ở giữa sân là một cây hoa lựu đang độ nở rộ, bốn góc sân cũng có trồng cây, đúng là lúc xanh um tươi tốt.
Hồ Khánh Hoa mở một gian nhà bên, trong đó đã thu dọn sạch sẽ, lại có hai cái giường, một cái bàn vuông, bốn cái ghế vuông, cạnh tường còn có một cái tủ gỗ.
“Ở đây! Trước kia nơi này có hai đứa nhỏ ở nhưng tụi nó không chịu được khổ và đã cùng nhau thôi việc mấy ngày trước.” Hồ Khánh Hoa nói, “Đại thúc, Vương Thuận huynh đệ, mau mời ngồi.
Hiện tại thiếu người nên có nhiều việc chúng ta không lo liệu hết, tới việc pha trà cũng không ai làm!”
Đào Tam gia và Vương Thuận ngồi xuống, Đại Bảo thì giúp đỡ Nhị Bảo trải giường chiếu.
Hồ Khánh Hoa nhìn thoáng qua sau đó nói với Đào Tam gia: “Đại thúc, tình huống của cháu ngài Vương Thuận huynh đệ đã nói với cha ta.
Vậy hôm nay ta cũng nói rõ tình huống trong y quán cho ngài biết thêm, chúng ta biết ngài để đứa nhỏ ở đây thì người trong nhà cũng lo lắng.
Vừa rồi ta cũng đã nói, mấy ngày hôm trước có hai học đồ đã bỏ đi, đều là vì không chịu được khổ.
Y quán của chúng ta có nhiều người tới xem bệnh, vì thế việc cũng nhiều.
Cha ta lại cực kỳ nghiêm khắc, tính tình của ông ấy đến con cháu như chúng ta cũng không chịu nổi.”
Đào Tam gia cười nói: “Nghiêm sư xuất cao đồ cơ mà! Hơn nữa, chịu không được khổ thì dù có về nhà trồng trọt sợ là cũng sớm chết đói!”
Đại Bảo và Nhị Bảo thu dọn xong thì cung kính đứng bên cạnh Đào Tam gia.
Hồ Khánh Hoa gật đầu nói tiếp: “Y quán của chúng ta phát cho học đồ 500 văn tiền công một tháng, bao ăn ở, quần áo bốn mùa, một tháng được nghỉ ngơi hai ngày.
Sau ba năm tiền công sẽ gấp đôi, cha ta cũng sẽ tự truyền y thuật cho, còn khi nào có thể xuất sư thì phải dựa vào năng lực của từng cá nhân.”
“Phải đợi ba năm sau mới được truyền thụ y thuật sao?” Vương Thuận giật mình hỏi.
“Phải, đây là quy củ của cha ta, ba năm là quá trình đòi hỏi để làm quen với thảo dược và nâng cao kiến thức.
Nếu không thể kiên trì ba năm thì không cần học y làm gì, miễn sau này hại mạng người! Mọi người cũng thấy rồi, mỗi ngày y quán đều kín chỗ, những việc pha trà, quét dọn, chạy chân đưa nước linh tinh sẽ không thiếu, đây cũng là việc học đồ phải làm!” Hồ Khánh Hoa nói.
Đào Tam gia quay qua nói với Nhị Bảo: “Vĩnh Lân à, con nghe rõ chưa? Nếu không chịu được khổ thì nhân lúc còn sớm theo ông nội về nhà trồng trọt.
Nếu đã chọn ở lại thì không thể bỏ dở giữa chừng đâu! Nếu giữa đường mà con bỏ về thì ông không còn mặt mũi nào ở Đào gia thôn nữa!”
Nhị Bảo gật đầu nói: “Ông nội, cháu sẽ không khiến ông mất mặt đâu!”
Đào Tam gia xoa đầu