Lý thị cũng nói: “Đúng vậy, ông mấy đứa nói phải, chúng ta tích cóp thêm một chút hẵng nói tới chuyện xây nhà.”
Người nhà đều gật đầu, Nữu Nữu thì mất mát nói: “Ông nội, cháu không biết kiếm tiền!”
Đại Bảo nhanh chóng an ủi nàng: “Ấy, Nữu Nữu cũng kiếm tiền đấy, chẳng qua muội không để ý thôi.”
Nữu Nữu lập tức chớp mắt và vội vàng nhìn ca ca thế là Đại Bảo cười nói: “Nữu Nữu giúp bà nội làm việc nhà, giúp đỡ nhị thẩm trông Tiểu Ngọc Nhi, về sau còn phải giúp đỡ mẹ trông em bé, những việc này nhà giàu trong trấn đều phải bỏ tiền ra thuê người về làm đó!”
“Thật sao?” Nữu Nữu hỏi.
“Đại ca đã gạt muội bao giờ nào?!” Đại Bảo cười và chọc chọc búi tóc của Nữu Nữu.
Nữu Nữu lập tức vui vẻ, đôi mắt cười híp lại.
Mấy thằng anh cũng cười híp hết cả mắt, nhìn qua một đám trẻ con trong nhà bộ dạng giống hệt nhau.
Trương thị nhìn nhìn Tiểu Ngọc Nhi trong lòng thì thấy hơi mất mát.
Kỳ thực nàng ta muốn một đứa con gái mắt hai mí, ai biết Tiểu Ngọc Nhi lại có đôi mắt một mí giống nàng ta như đúc, khóe mắt còn hơi xếch lên.
Đúng lúc này Tiểu Ngọc Nhi lại nở nụ cười với Trương thị, đôi mắt như hai con cá nhỏ khiến chút mất mát trong lòng nàng ta lập tức tan biến.
Trương thị lắc lư con gái, trong lòng thích đến mê say.
Người một nhà cứ thế trải qua ngày tháng bình yên, Đào Tam gia thì quản lý tính toán việc đồng áng còn Lý thị thì sắp xếp việc nhà.
Mỗi ngày tình hình lại tốt dần lên, tuy không phải phú quý nhưng so với trước kia thì khá hơn nhiều.
Tới đầu tháng 10 Lưu thị sinh một thằng nhóc béo, mẹ tròn con vuông.
Đào Tam gia cực kỳ vui vẻ, cái tên ‘Ngũ Bảo’ cuối cùng cũng được sử dụng.
Lý thị cũng chạy trước chạy sau bận rộn, vừa sắp xếp Trường Phú đưa lễ tạ cho bà mụ vừa để Trường Quý đi giết gà bồi bổ cho bà đẻ lại để Tam Bảo và Tứ Bảo tới lạch nước bắt cá.
Đào gia thôn có một con sông nhỏ, bởi vì thôn dân xưa nay sợ nước nên không có mấy người xuống sông bắt cá.
Ngẫu nhiên có vài ba người chống thuyền đi ngang qua thế là bọn nhỏ sẽ gọi nhau tới xem người ta bắt cá.
Đa phần bọn họ đều quăng lưới, có người lại đặc biệt nuôi rái cá để nó bắt cá cho mình.
Lưới vừa quăng ra là rái cá sẽ thuần thục bơi xuống bắt cá.
Bắt được cá rồi nó sẽ bơi lên, chủ nhân gỡ cá ra khen thưởng cho nó mấy miếng cá vụn thế là nó lại đắc ý chui đầu xuống bắt cá tiếp.
Đương nhiên cũng có người nuôi chim ưng để bắt cá, mười con chim ưng đậu theo thứ tự ở mép thuyền, cổ buộc dây thừng đề phòng tụi nó nuốt cá.
Đương nhiên người đánh cá như thế không nhiều.
Nông dân chân chính cũng không có nhiều thời gian rảnh rỗi đi câu cá.
Chờ tới mùa đông thực sự không có việc gì thì trời lại giá rét, chẳng ai dở hơi chạy ra sông làm gì.
Có vài thôn dân sẽ tới lạch nước chỗ tiếp giáp với bờ sông đặt mấy cái nơm.
Nhưng như thế cũng chỉ bắt được ít cá con, còn cá trích hay cá chép thì mơ đi, nghĩ cũng đừng nghĩ.
Tam Bảo và Tứ Bảo vừa nghe nói tới bắt cá thì cực kỳ hưng phấn, không đợi Lý thị nói xong bọn họ đã vội vàng vác nơm đi ra cửa.
Cho dù gió lạnh thổi vù vù tụi nó cũng vẫn nhiệt tình chạy tới chỗ lạch nước sau đó vội vàng đặt một cái nơm ở đầu lạch nước chờ con cá tự động bơi vào trong đó.
Cá con bơi thành đàn trên mặt nước, mỗi con phải to tầm 10 cm, nhưng phản ứng của tụi nó cực nhanh, hơi có chút động tĩnh là lập tức chạy ngay, muốn vớt được thì phải nhanh hơn tụi nó cơ.
Tam Bảo và Tứ Bảo phí bao nhiêu công sức cũng chỉ vớt được 5 con.
Hai đứa không cam lòng mà thử hết lần này tới lần khác, quần áo trên người đều ướt đẫm.
Qua một canh giờ Nữu Nữu tới gọi hai đứa về ăn cơm nhưng Tam Bảo và Tứ Bảo vẫn kiên trì muốn vớt thêm một lát.
Nữu Nữu thấy quần áo hai đứa ướt hết thì kiên quyết không cho sau đó nàng lôi kéo nơm đi về nhà.
Tam Bảo và Tứ Bảo bất đắc dĩ đành phải xách theo 5 con cá con đi theo nàng.
Cá này vừa rời nước là chết, cả người toàn xương, căn bản không thích hợp nấu canh, chỉ có thể dùng dầu rán giòn.
Tam Bảo và Tứ Bảo rất thất vọng, không nghĩ bắt cá lại khó như thế.
Vừa đến nhà Nữu Nữu đã đẩy hai đứa vào phòng thay quần áo tránh cảm lạnh sẽ nguy hiểm.
Lý thị thì mang 5 con cá kia ra rán vàng, lại thêm nước vào nấu thành canh.
Vì cá đã rán qua nên canh nấu ra cũng không quá tanh.
Dù thế Lưu thị vẫn thấy khó ngửi, có điều để thúc sữa nàng cũng không nói hai lời đã một hơi uống hết bát canh cá.
Đứa nhỏ rất ngoan, rất ít khi khóc nháo, ăn no là lăn ra ngủ, đói bụng mới rì rầm một chút.
Lý thị cũng không nhịn được khen: “Tiểu Ngũ Bảo thật đúng là ngoan, lúc Tiểu Ngọc Nhi ở cữ đêm nào cũng quấy, ta còn phải nhờ Tam Bảo viết một cái sớ an ủi dán bên đường nhờ người ta đi qua đọc!”
Lưu thị cười nói: “Nương, sao con không biết việc này nhỉ, thế sớ ấy viết sao?”
Lý thị nói: “Tiểu nhi khóc đêm, nhờ người đọc giúp, đứa nhỏ quên khóc, tạ người vạn phúc.”
Lưu thị nói: “Thế cái ấy có tác dụng không?”
“Ta quên mất lại viết tiểu nhi ở trong sớ thay vì tiểu nữ cho nên chắc là không có hiệu quả!” Lý thị giải thích.
Lưu thị cười nói: “Đứa nhỏ khóc đêm là chuyện bình thường, ngài