Vô Kỵ thở dài rồi đáp:
- Triệu cô nương, tôi thất lễ với cô là do hoàn cảnh bắt buộc, nhưng cô tặng thuốc để tôi cứu Tam sư bá với Lục sư thúc dù sao tôi cũng cám ơn cô nương.
- Lời Giáo chủ có thành ra ngớ ngẩn chăng? Dư Ðại Nham với Hân Lại Hanh đều bị thuộc hạ của tôi hạ độc thủ mà công tử không trách, lại còn cám ơn tôi?
- Tam sư bá tôi bị thương đã ngót hai mươi năm lúc ấy cô chưa ra đời.
- Nhưng những người đó đều là thuộc hạ của cha tôi. Công tử đừng nói lảng sang chuyện khác nữa, tôi hỏi công tử câu này: Nếu tôi giết Chu cô nương của công tử thì công tử đối phó với tôi như thế nào? Công tử có định giết chết tôi để báo thù cho nàng không?
Vô Kỵ ngẫm nghĩ giây lát rồi đáp:
- Tôi không biết!
- Tại sao công tử lại không biết, có phải công tử không muốn nói phải không?
- Cha mẹ tôi bị người ta bức tử, hôm đó tôi có mặt ở tại đó. Tôi đã thề trước xác của cha mẹ là sau này trưởng thành thế nào tôi cũng phải phục thù cho kỳ được. Tôi nhớ kỹ mặt những người đã bức tử cha mẹ tôi. Những người đó là của phái Thiếu Lâm và Không Ðộng v. v... Lúc ấy, tôi còn nhỏ nên trong lòng chứa đầy thù hận, nhưng đến khi tôi lớn lên, hiểu biết sự đời thì lòng thù hận đó đã phai dần. Sự thật tôi vẫn chưa được rõ ai là kẻ thù và ai đã ra tay giết hại cha mẹ tôi.
Tôi không dám bảo là Không Trí Ðại Sư và Thiết Cầm Tiên Sinh, tôi cũng không dám nói là ông ngoại hay cậu tôi, thậm chí tôi cũng không dám vu cáo cho A Ðại, A Nhị, Huyền Minh Nhị lão những bộ hạ của cô nương. Triệu cô nương! Mấy ngày hôm nay tôi chỉ nghĩ chẳng giết ai, cùng hòa khí thân ái, làm bạn với nhau, như vậy phải hơn không?
Triệu Minh thấy Vô Kỵ thành khẩn như vậy im lặng giây lát nàng nói tiếp:
- Ðó là tâm địa nhân hậu của công tử mà nên. Tôi thì không thể nào bắt chước công tử được! Ai giết hại anh và cha tôi, không những tôi giết hại cả nhà tên đó mà tôi còn giết cả những họ hàng bạn bè và cả những mgười quen biết tên đó tôi cũng giết hết!
- Nếu cô nương làm như thế thì thế nào tôi cũng ra tay ngăn cản!
- Tại sao vậy! Công tử định giúp kẻ thù của tôi ư?
- Tôi thiết nghĩ cô giết chết một người đối với cô có hại thêm và mang thêm tội mà thôi. Triệu cô nương! Chẳng hay cô nương đã giết ai chưa?
- Bây giờ thì chưa, nhưng sau này tôi lớn lên tôi sẽ giết rất nhiều người. Ông tổ của tôi là Ðại đế Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt v.v... những vị ấy mới thật anh hùnh hảo hán. Tôi chỉ hận, mình phận gái. Nếu là đàn ông hừ... hừ... tôi sẽ tạo nên một sự nghiệp oanh liệt!
Nói tới đó, nàng rót đầy một ly rượu, rồi cầm lên uống cạn cười nói tiếp:
- Công tử vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi!
- Nếu cô nương giết chết Chu cô nương hay bất cứ một người thủ hạ của tôi thì tôi sẽ không coi cô nương là bạn và sẽ không khi nào trông mặt của cô nương nữa! Và dù thấy mặt nhau tôi cũng không khi nào nói chuyện với cô nương!
- Thế bây giờ công tử coi tôi là bạn không?
- Nếu tôi ghét hận cô thì không bao giờ tôi lại ngồi ở đây uống rượu với cô! Hà!... Tôi nhận thấy muốn ghét hận một người thật là khó. Trong đời tôi người mà tôi ghét hận nhất là Thành Khôn! Nhưng y đã chết rồi, bây giờ tôi lại nhận thấy y chết như thế rất tội nghiệp, tôi lại mong y đừng chết.
- Nếu ngày mai tôi chết thì công tử sẽ nghĩ thế nào? Chắc lúc ấy công tử thế nào cũng nói: Cám ơn trời đất! Con bé đối thủ và hung ác kia đã chết rồi. Từ nay trở đi ta đỡ bị phiền phức nữa!
Vô Kỵ vội lớn tiếng đính chính:
- Không! Không! Vi Bức Vương dọa sẽ dùng rao rạch mặt cô rách nát. Sao tôi càng nghĩ càng lo lắng hộ cho cô. Triệu cô nương! cô đừng gây thù hận với chúng tôi nữa, mau tha cho những tay cao thủ của sáu đại môn phái đó đi, để chúng ta vui vẻ làm bạn với nhau! Như vậy có tốt hơn không?
Triệu Minh mừng rỡ đáp:
- Hay lắm! Tôi cũng trông mong như vậy lắm! Công tử là Giáo chủ của Minh Giáo, lời nói của công tử nặng như chín cái đình. Công tử mau đi bảo các người đầu hành triều đình đi! Ðể cha tôi tâu với hoàng thượng phong cho họ.
Vô Kỵ lắc đầu và thủng thẳng đáp:
- Người Hán chúng tôi tâm nguyện muốn các người Mông Cổ mau rời đất đai của người Hán.
Triệu Minh đứng phắt dậy vội hỏi:
- Sao vậy, sao công tử lại dám thốt ra những lời phạm thượng và phản loạn như vậy? Như thế có khác gì công tử đã công nhiên định làm loạn không?
- Tôi vốn dĩ là người phản loạn, chẳng lẽ đến bây giờ cô mới biết hay sao?
Triệu Minh ngắm nhìn Vô Kỵ một hồi vẻ tức giận và kinh ngạc tiêu tan hết, và thay thế vào bằng vẻ nhu mì nhưng hơi thất vọng, rốt cuộc nàng lại ngồi xuống và nói tiếp:
- Tôi đã sớm biết lòng công tử như vậy, nhưng tôi muốn được nghe công tử nói ra. Bây giờ tôi đã hiểu hết rồi, việc này không thể nào vãn hồi được nữa.
Nói tới đó giọng nói của nàng chứa đầy đau thương.
Hai người lẳng lặng ngồi nhìn nhau một hồi Vô Kỵ liền lên tiếng:
- Triệu cô nương! Bây giờ trời đã khuya lắm rồi, để tôi đưa cô nương về.
- Công tử không chịu ngồi ở đây với tôi một tí nữa hay sao?
- Không! Nếu cô nương thích ngồi ở đây uống rượu nói chuyện thì tôi xin ở lại đây tiếp chuyện với cô nương!
- Tôi ngồi một mình vẫn thường nghĩ: Nếu tôi không phải là người Mông Cổ và cũng không là quận chúa gì hết mà chỉ muốn giống như Chu cô nương hay là một cô bé người Hán tầm thường nào đó thì có lẽ công tử sẽ tử tế với tôi hơn! Trương công tử bảo tôi đẹp hay Chu cô nương đẹp?
Vô Kỵ không ngờ nàng lại hỏi bạo như thế? Dưới ánh sáng đèn, chàng trông thấy nàng đẹp khôn tả, liền buột miệng trả lời rằng:
- Tất nhiên là cô đẹp hơn Chu cô nương rồi!
Triệu Minh giơ tay phải ra nắm lấy tay chàng và nàng lộ vẻ mừng rỡ:
- Trương công tử có muốn gặp tôi luôn không! Và có muốn tôi mời công tử tới đây uống rượu luôn luôn không?
- Tôi không thể ở đây lâu được! Vài ngày nữa tôi sẽ xuôi miền Nam ngay!
- Công tử đi xuống miền Nam làm chi?
- Tôi không nói chắc cô nương cũng đoán ra được và sợ nói ra cô nương bực mình...
Triệu Minh nhìn mặt trăng ở ngoài cửa sổ bỗng lên tiếng hỏi:
- Công tử còn nhớ nhận lời làm ba việc cho tôi không?
- Tất nhiên không bao giờ tôi quên được, xin cô nương cứ cho biết bất cứ việc gì tôi cũng sẽ vui lòng làm ngay!
Triệu Minh quay đầu lại nhìn mặt chàng một hồi rồi nói tiếp:
- Bây giờ tôi mới nghĩ ra được một việc là tôi muốn nhờ công tử cùng tôi đi lấy thanh đao Ðồ Long.
Vô Kỵ cũng biết trước những việc mà Triệu Minh nhờ mình làm thế nào cũng rất khó khăn. Chàng không ngờ việc mà nàng nhờ vả thứ nhất đây lại là một việc tày đình như thế! Chàng cau mày suy nghĩ Triệu Minh thấy vậy vội hỏi:
- Thế nào? Công tử không chịu ư? Việc nảy không trái đạo hiệp nghĩa mà!
Vô Kỵ nghĩ thầm:
- Hiện giờ đao Ðồ Long trong tay nghĩa phụ ta, việc nầy người trên giang hồ ai cũng biết hết. Như vậy ta cũng không cần phải giấu diếm nàng làm chi?
Nghĩ đoạn, chàng liền đáp:
- Ðồ Long đao là báu vật của nghĩa phụ tôi, Kim Mao Sư Vương Ðại Hiệp, khi nào tôi lại phản nghĩa phụ mà lấy đao cho cô được?
Triệu Minh lại nói:
- Tôi không nhờ vả công tử đi lấy trộm, ăn cướp hay lừa dối và tôi cũng không phải muốn lấy được con đao đó, tôi chỉ muốn công tử đi hỏi nghĩa phụ của công tử cho tôi mượn xem và múa chơi một tiếng đồng hồ thôi rồi tôi lại trả cho Tạ Ðại hiệp ngay! Công tử với Tạ Ðại hiệp là nghĩa phụ nghĩa tử như vậy, chẳng lẽ công tử hỏi mượn trong một tiếng đồng hồ cũng không được hay sao? Mượn con đao xem chốc lát chứ có phải là nuốt mất luôn con đao ấy của Tạ đại hiệp đâu? Và tôi cũng không phải mượn nó để giết ntgười cướp của, như thế thì có gì là trái với đạo nghĩa đâu:
Con đao ấy tuy nó lừng danh võ lâm thật, nhưng nó rất xấu xí, nặng nề và không sắc bén gì hết.
Thế sao người ta vẫn nói "Võ lâm chí tôn, bảo đao Ðồ Long, hiệu lệnh thiên hạ" ai cũng phải phục tùng, nếu Ỷ Thiên không ra mặt thì không ai dám tranh sắc bén với nó. Bây giờ Ỷ Thiên Kiếm ở trong tay tôi nên tôi thế nào cũng muốn xem thanh đao Ðồ Long ấy hình dáng như thế nào?
Nếu công tử không yên tâm thì lúc xem đao công tử cứ đứng ở cạnh tôi, với bản lãnh của công tử cao cường như thế thì tôi không thể nào làm bậy cho được!
Vô Kỵ nghĩ thầm:
- Sau khi cứu được những cao thủ của sáu đại môn phái thoát nạn ta đã định đi nghênh đón nghĩa phụ về ngay và mời nghĩa phụ nhận chức vụ Giáo chủ.Triệu cô nương đã nói rõ chỉ mượn đao xem một tiêng đồng hồ thôi tuy ta không dám bảo đảm nàng sẽ không giở quỷ kế ra cướp giựt, nhưng đã có ta đứng đó để đề phòng thì chắc nàng cũng không thể làm gì cho được, nhưng nghĩa phụ ta đã nói, trong đao Ðồ Long có giấu một môn võ công tuyệt học ở bên trong, với thông minh trí tuệ của nghĩa phụ lúc hai mắt chưa mù đã cướp được bảo đao mà bấy lâu nay vẫn chưa biết rõ bí mật ở bên trong thì Triệu cô nương này chỉ xem có một tiếng đồng hồ ngắn ngủi như thế thì nàng làm sao mà biết được sự bí mật của nó, huống hồ ta cách biệt nghĩa phụ đã mười năm biết đâu trong khi ông ta ở trên đảo đã tìm ra sự bí mật của con đao đó rồi?
Triệu Minh thấy chàng yên lặng như vậy, liền vừa cười vừa nói tiếp:
- Công tử không bằng lòng cũng được, nhưng tôi bảo công tử làm việc khác chắc còn khó hơn thế nữa!
Vô Kỵ biết đàn bà điêu ngoa vừa ác độc nếu để cho nàng ta nghĩ ra vấn đề khác, chưa chắc mình đã làm nổi nên chàng vội đáp:
- Thôi được! Tôi nhận lời đưa cô đi mượn con đao Ðồ Long đó, nhưng chúng ta phải nói trước, cô nương chỉ có thể mượn xem một tiếng đồng hồ thôi, nếu cô định tâm cướp đoạt, tôi nhất định không để yên cô đâu!
- Ðược rồi! Tôi có biết xử dụng đơn đao đâu, vả lại con đao nặng chình chịch như thế thì lấy để làm gì? Dù công tử có cung kình mời tôi lấy tôi cũng không thèm. Chẳng hay công tử định bao giờ lên đường thế?
- Vài ngày nữa chúng ta sẽ đi liền.
- Như vậy thì hay! Tôi về sửa soạn hành lý, bao giờ lên đường thì công tử đến rủ tôi đi nhé!
- Theo ý tôi thì cô nương không nên đi, vì đường sá xa xôi và khó đi lắm!
- Nghe nói nghĩa phụ của công tử, hiện đang sinh sống trên một cô đảo hải ngoại, nhất định không chịu trở về Trung Thổ. chẳng lẽ lại bắt công tử dđi hằng vạn dặm để mượn đao về cho tôi xem một tiếng đồng hồ hay sao? Xem xong công tử lại đem đi vạn dặm để trả. Rồi lại đi xa hàng vạn dặm trở về đây. Tôi thiết nghĩ trên thiên hạ này không bao giờ có chuyện kỳ lạ như thế được.
Vô Kỵ cũng thấy việc đi như thế rất viển vông, liền đáp:
- Cô nương nói rất phải, nghĩa phụ tôi ở trên Băng Hỏa đảo đã được hai mươi năm nay rồi, chưa chắc ông ta chịu trở về Trung Thổ. Vả lại trên bể cả sóng gió rất lớn đi lại rất nguy hiểm. Cô nương hà tất phải thân hành mạo hiểm như thế?
- Mặc dầu chỗ đó nguy hiểm đến đâu công tử đi được thì tôi cũng đi được.
- Nhưng cha cô có chịu để cô đi không?
- Cha tôi rất bận. Mấy năm nay tôi đi đâu cha tôi cũng không hỏi tới. Vả lại cha tôi cũng bảo tôi thống lãnh quần hào trên giang hồ, nên tôi muốn đi đâu cha tôi cũng không hỏi tới.
Vô Kỵ nghe nàng nói tới đó liền nghĩ thầm:
- Ta đi Băng Hỏa đảo nghênh đón nghĩa phụ không biết ngày nào mới trở về được. Nếu nàng dùng kế điệu hổ ly sơn nhân lúc ta vắng mặt đem binh đến đánh bổn giáo có phải là nguy không? Chi bằng