Thế rồi hai người nghiên cứu các thế võ của ba sứ giả Ba Tư.
Triệu Minh cũng học được rất nhiều võ của các môn phái, nên thỉnh thoảng cũng tham bác được một vài ý kiến.
Nhưng nói nửa ngày trời, mọi người vẫn không thấy Tạ Tốn nói đến điều cốt yếu của môn võ công mà ba người đã liên hiệp ra tay.
Chờ tới khi mặt trời mọc lên đỉnh đầu, sương mù trên mặt bể tan hết, Vô Kỵ nói:
- Chúng ta ở phía Bắc đi xuống miền Nam bây giờ đang chèo sang Tây Bắc mới phải.
Chàng với Tạ Tốn, Chỉ Nhược, Tiểu Siêu lần lượt chèo.
Lúc tới thì thuận gió, lúc về thì phải nhờ sức người, thật không phải là chuyện dễ.
Cũng may Vô Kỵ với Tạ Tốn có nội lực rất thâm hậu còn Chỉ Nhược với Tiểu Siêu cũng không đến nỗi yếu ớt nên bốn người chèo mấy ngày liền, cứ xông pha sóng bể mà tiến về phía Bắc.
Ði được mấy ngày, Tạ Tốn cau mày nghĩ ngợi những võ công quái dị của ba sứ giả Ba Tư.
Lão anh hùng chỉ thỉnh thoảng lên tiếng hỏi Vô Kỵ vài câu hỏi thôi, ngoài ra không ai nói với ai nửa lời.
Ðến chiều ngày thứ sáu, Tạ Tốn bỗng hỏi Chỉ Nhược những võ công của phái Nga Mi mà nàng đã học được một cách rất cặn kẽ.
Chỉ Nhược cứ theo sự thực trả lời. Hai người một vấn một đáp cho tới khuya mới thôi. Tạ Tốn tỏ vẻ thất vọng cũng nói:
- Võ công của Thiếu Lâm, Võ Ðang và Nga Mi ba phái đều có liên can với Cửu Dương chân kinh, cũng như những võ công mà Vô Kỵ đã học được vậy, đều thiên về mặt dương cương. Nếu Trương Tam Phong chân nhân có ở đây với võ học uyên thâm bao hàm cả Dương cương, Âm nhu của ông ta, liên hiệp với Vô Kỵ. Như vậy âm - dương phối hợp mới có thể thắng nổi ba sứ giả nọ, nhưng nước xa cứu sao nổi lửa gần, còn Hàn phu nhân thì lại bị ba sứ giả ấy kiềm chế rồi, biết làm sao bây giờ đây?
Chỉ Nhược xen lời nói:
- Thưa lão gia, nghe nói trong võ lâm mấy năm trước đây có những cao nhân tinh thông cả Cửu âm chân kinh, chẳng hay chuyện ấy có thực không?
Khi ở trên núi Võ Ðang, Vô Kỵ có nghe Thái sư phụ nói đến tên Cửu âm chân kinh này, chàng mới biết lão hiệp Quách Tỉnh, cha nữ hiệp Quách Tường, tổ sư của phái Nga Mi và Thần Ðiêu đại hiệp Dương Qua các người đều học được võ công của Cửu âm chân kinh đó. Nhưng môn võ công ấy khó luyện. Quách Tường tuy là con gái của Quách Tỉnh mà cũng không sao học hỏi được.
Bây giờ chàng bỗng nghe thấy Chỉ Nhược hỏi đến vấn đề ấy, liền ngẩn người ra nhìn nàng.
Tạ Tốn liền đáp:
- Theo lời bô lão đồn đại như thế, nhưng không ai biết chuyện đó là thực hay hư. Tôi nghe các vị tiền bối nói môn võ công đó lợi hại như phép thần vậy, nhưng tôi chưa được mục kích qua môn võ công ấy. Nếu người nào biết được võ công của Cửu âm chân kinh mà liên hiệp với Vô Kỵ thì thể nào cũng diệt trừ được ba sứ giả kia.
Triệu Minh bỗng xen lời hỏi:
- Chu cô nương, phái Nga Mi của cô nương có ai biết môn võ công ấy không?
Chỉ Nhược đáp:
- Nếu phái Nga Mi chúng tôi mà có biết môn võ công đó thì tiên sư không bao giờ bị mất mạng ở chùa Vạn Pháp như vậy.
Diệt Tuyệt sư thái gián tiếp chết trong tay của Triệu Minh, nên nàng ghét hận Triệu Minh khôn tả, tuy hai người cùng ngồi chung một thuyền và cùng vào sinh ra tử mấy ngày liền như vậy thực, nhưng nàng không hề nói với Triệu Minh lấy nửa lời. Bây giờ nàng bỗng nghe thấy Triệu Minh lên tiếng hỏi, đáng lẽ nàng quát mắng Triệu Minh cho hả dạ, nhưng tính nàng rất hiền hậu, chỉ trợn mắt lên nhìn đối phương thôi chứ không nói năng gì hết.
Triệu Minh thấy Chỉ Nhược không trả lời mình, nàng cũng không tức giận, chỉ tủm tỉm cười thôi.
Vô Kỵ vừa chèo vừa nhìn về phía sau, chàng bỗng la lớn:
- Các người hãy nhìn kia, ở đằng xa có ánh sáng lửa.
Mọi người đều nhìn về phía đó thấy đằng xa quả thật có ánh sáng lấp lánh. Tuy không trông thấy gì, Tạ Tốn nghe thấy tiếng la kinh hãi và mừng rỡ của mọi người, vội chèo nhanh thêm để chóng đến chỗ đó.
Ánh sáng đó trông rất gần, nhưng sự thật thì cách mấy mươi dặm. Hai người chèo nửa ngày trời mới tới gần.
Vô Kỵ đã nhận ra chỗ ánh sáng lấp lánh đó chính là Linh Xà đảo.
Chàng liền nói:
- Chúng ta đã về đến nơi rồi.
Tạ Tốn bỗng thất thanh kêu "ối chà" một tiếng rồi hỏi:
- Tại sao ngọn lửa Linh Xà đảo lại cháy to đến thế? Chẳng lẽ chúng định đốt Hàn phu nhân chăng?
Chỉ nghe thấy kêu đến "bộp" một tiếng, Tiểu Siêu bỗng ngã lăn ra.
Vô Kỵ kinh ngạc vô cùng, vội chạy lại đỡ nàng dậy, thấy hai mắt nàng đã nhắm nghiền lại và đã bất tỉnh rồi.
Chàng vội xoa bóp các yếu huyệt để cứu nàng lại tỉnh, hỏi:
- Tiểu Siêu, cô làm sao thế?
Hai mắt Tiểu Siêu đẫm lệ, đáp:
- Tôi nghe lão gia nói họ định thiêu người, nên tôi sợ lắm.
Vô Kỵ liền an ủi nàng rằng:
- Ðó là Tạ lão gia phỏng đoán đấy thôi, chưa chắc đã là sự thực, dù Hàn phu nhân có bị chúng bắt đi chăng nữa, bây giờ ta đã về đến thì còn hy vọng cứu kịp mà.
Tiểu Siêu nắm chặt lấy hai tay chàng, van lơn:
- Trương công tử, tôi yêu cầu công tử thế nào cũng cứu Hàn phu nhân thoát chết nhé!
Vô Kỵ đáp:
- Tất cả mọi người thế nào cũng hết sức ra tay cứu Hàn phu nhân. Tiểu Siêu hãy yên tâm, chớ nên lo âu gì nữa.
Nói xong, chàng liền tiếp tục chèo thuyền, và chèo nhanh hơn trước nhiều.
Triệu Minh bỗng lên tiếng hỏi:
- Trương công tử, có hai việc này tôi đã nghĩ từ lâu rồi mà chưa nghĩ ra được. Vậy xin công tử chỉ giáo cho.
Vô Kỵ thấy nàng bỗng khách sáo như vậy, ngạc nhiên vô cùng, liền hỏi:
- Việc gì thế?
- Hồi ở ngoài Lục Dương trang tôi sai người tấn công lệnh tổ, Dương tả sứ với các vị đều nghe lệnh của cô nhỏ Tiểu Siêu này để chống đỡ bộ hạ của tôi, quả thật là thủ hạ của cường tướng không có nhược binh, một con sen nho nhỏ của Giáo chủ Minh giáo mà cũng có tài ba như vậy... thật là kỳ lạ...
Tạ Tốn xen lời hỏi:
- Cái gì giáo chủ của Minh giáo thế?
Triệu Minh vừa cười vừa đáp:
- Thưa lão gia, bây giờ cháu xin nói để lão gia rõ: Công tử nghĩa tử của lão gia là đường đường một vị giáo chủ của Minh giáo đấy, trái lại lão gia lại là thuộc hạ của Trương công tử.
Tạ Tốn bán tín bán nghi, nên không nói năng gì hết.
Triệu Minh liền kể chuyện nhận chức giáo chủ như thế nào cho Tạ Tốn hay.
Nghe xong Tạ Tốn liền hỏi Vô Kỵ có phải như thế không.
Bất đắc dĩ, Vô Kỵ đành phải kể cho Tạ Tốn hay sáu đại môn phái vây đánh Quang Minh đỉnh như thế nào, mình ở trong đường hầm tình cờ học được Càn Khôn Ðại Nã Di tâm pháp ra sao.
Tạ Tốn cả mừng, liền đứng dậy và quỳ lạy ngay ở trên thuyền và nói:
- Thuộc hạ Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn tham kiến giáo chủ.
Vô Kỵ cũng quỳ xuống đáp lễ và trả lời:
- Nghĩa phụ khỏi phải đa lễ như vậy, di mệnh của Dương giáo chủ là nhờ nghĩa phụ về tạm nhận chức vị giáo chủ. Con nhận thấy cáng đáng không nổi trọng trách này, may mắn thay trời phù hộ cho nghĩa phụ bình yên về tới nơi, đó cũng là phước của bổn giáo xui nên. Chúng ta về đến Trung thổ rồi, thế nào cũng xin nghĩa phụ tiếp nhận chức vị giáo chủ ấy.
Tạ Tốn buồn rầu đáp:
- Tuy nghĩa phụ con đã về đến Trung thổ nhưng hai mắt đã mù thì làm sao mà phụ trách được những việc nặng nề như thế. Vả lại không ai để cho một người mù như ta làm thủ lĩnh Minh giáo cả. Triệu cô nương, vừa rồi cô nương bảo là có hai việc cô chẳng rõ, vậy hai việc đó là hai việc gì thế?
Triệu Minh đáp:
- Tôi xin hỏi Tiểu Siêu cô nương, ai đã dạy cho cô nương biết thuật Kỳ môn bát quái và Âm dương ngũ hành như thế? Cô ít tuổi như vậy tại sao lại học được bản lĩnh cao siêu đến như vậy?
Tiểu Siêu đáp:
- Ðó là võ công gia truyền của nhà tôi, nhưng đối với quận chúa nương nương thì có ăn nhập vào đâu!
Triệu Minh hỏi:
- Lệnh tôn là ai mà có con gái lợi hại đến như thế? Tất nhiên lệnh tôn phải là cao thủ lừng danh trong thiên hạ.
Tiểu Siêu đáp:
- Gia phụ ẩn tính danh, nên không ai biết tới. Quận chúa hỏi như vậy để làm chi? Chẳng lẽ quận chúa muốn chặt đứt mấy ngón tay của tôi để bắt ép tôi biểu diễn võ công cho quận chúa xem hay sao?
Vô Kỵ không ngờ Tiểu Siêu ít tuổi như vậy, mồm mép lại lợi hại đến thế, nàng nhắc đến chuyện chặt ngón tay khiến Chỉ Nhược càng tức giận Triệu Minh thêm.
Triệu Minh vừa cười vừa quay đầu lại hỏi Vô Kỵ rằng:
- Trương công tử, lần gặp gỡ thứ hai ở trong tửu điếm, Khổ đầu đà Phạm Dao đến từ biệt tôi, y trông thấy Tiểu Siêu cô nương có nói mấy lời gì thế?
Vô Kỵ đã quên hẳn chuyện này rồi, bây giờ bỗng nghe lời Triệu Minh nhắc lại chuyện ấy, chàng nghĩ ngợi hồi lâu rồi mới đáp:
- Phải, cô nương thử đoán xem Khổ đại sư bảo Tiểu Siêu giống ai nào?
Triệu Minh đáp:
- Tôi có nghe đâu mà biết?
Vô Kỵ lại nói tiếp:
- Khổ đại sư nói Tiểu Siêu giống kẻ địch của đại sư, nhưng kẻ địch đó là ai, tôi không nghe thấy Khổ đại sư nói...
Mọi người đang chuyện trò thì chiếc thuyền nhỏ trôi gần đến bờ rồi.
Mọi người thấy ở phía Tây của hòn đảo có rất nhiều thuyền lớn đậu ở đấy. Thuyền nào cũng dương buồm trắng, trên buồm có vẽ nhãn hiệu của Minh giáo và buồm nào cũng có một sợi dây đen đang bay phấp phới.
Vô Kỵ cau mày lại nói:
- Không ngờ Tổng giáo bên Ba Tư lại đem nhiều người vào Trung thổ này đến thế.
Triệu Minh liền đề nghị:
- Chúng ta bơi thuyền tới phía sau đảo, kiếm một chỗ vắng vẻ để đậu và đổ bộ ngay ở nơi đó, đừng để cho chúng trông thấy chúng ta mới được.
Vô Kỵ gật đầu rồi bơi thuyền ra ngoài xa bốn trượng để vòng qua phía sau đảo. Nhưng đột nhiên nghe thấy trên thuyền lớn có tiếng tù và vang động và đại bác trên thuyền bắn tới kêu "ầm ầm" nữa. Một viên đạn rớt xuống bên trái, một viên rớt bên phải làm cho mặt nước nổi lên hai cái trụ nước thật cao, khiến cho thuyền tròng trành như sắp lật úp vậy.
Người trên thuyền lớn tiếng kêu gọi:
- Thuyền kia, có mau chèo lại đấy không, nếu không tuân lịnh, chúng ta sẽ bắn chìm thuyền ngay.
Vô Kỵ biết hai phát đại bác vừa rồi là của thuyền địch bắn ra để thị oai, chúng chỉ cố ý bắn cho chiếc thuyền tròng trành chứ không phải cố ý bắn chìm. Bây giờ càng trôi vào càng gần đại bác của chúng dễ dàng bắn trúng hơn. Chàng biết nếu thuyền mình chỉ bị một phát đại bác bắn trúng thì sáu người trên thuyền sẽ tan xác hết nên chàng đành phải bơi thuyền vào gần chiếc thuyền lớn nọ. Chàng thấy rõ ba khẩu đại bác của chiếc thuyền đang nhắm về phía thuyền mình.
Khi thuyền của chàng ghé vào cận chiếc thuyền lớn, bên trên đã buông một cái thang dây thòng xuống liền.
Vô Kỵ liền nói với mọi người rằng:
- Chúng ta cứ leo lên, và thừa cơ sẽ cướp thuyền của chúng luôn.
Tạ Tốn lần mò đến cạnh thang, liền leo lên trước tiên.
Chỉ Nhược không nói năng gì cả, cúi mình xuống ẳm Triệu Minh và leo lên, tiếp theo đó Tiểu Siêu còn Vô Kỵ thì ẳm Hân Ly lên sau cùng.
Khi mọi người lên tới boong, đều thấy những người trên đó tóc vàng mắt xanh, thân hình vạm vỡ.
Người nào người nấy đều là người Ba Tư cả.
Nhưng không thấy bọn Lưu Vân Sứ ở trên đó, chỉ thấy một người Ba Tư biết Hoa ngữ tiến lại hỏi rằng:
- Các người là ai? Ðến đây làm chi?
Triệu Minh đáp:
- Chúng tôi gặp bão, thuyền bị đắm nên mới trôi dạt tới đây, được các vị cứu giúp cho thật cám ơn vô cùng.
Người Ba Tư ấy bán tín bán nghi liền quay lại nói với người thủ lãnh ngồi ở ghế chính giữa mấy câu tiếng Ba Tư xong, người thủ lãnh lại dặn lại mấy người thủ hạ quanh đó mấy câu.
Tiểu Siêu đột nhiên tung mình nhảy lên múa chưởng nhằm người thủ lãnh tấn công luôn... Người thủ lãnh ấy kinh hãi, vội nhảy sang bên tránh né và chộp luôn cái ghế phản công lại liền.
Vô Kỵ không ngờ Tiểu Siêu lại nhanh đến thế, chỉ thấy nàng xoay người tránh né giơ tay điểm huyệt khiến tên thủ lãnh ấy té ngã liền.
Mấy chục người Ba Tư ở thuyền liền vội rút khí giới bao vây Tiểu Siêu.
Tuy những người đó đều biết võ công hết, nhưng kém ba sứ giả nọ rất xa.
Vô Kỵ dùng tay phải ẳm Hân Ly, còn tay trái điểm Ðông đánh Tây tấn công những người Ba Tư lia lịa.
Tạ Tốn giở Ðồ Long đao ra, Chỉ Nhược múa trường kiếm và thêm Tiểu Siêu với thân hình rất lanh lẹ, chỉ trong chốc lát mấy chục người Ba Tư đã bị bốn người đánh té hết. Mười mấy người bị chém nằm trên boong thuyền, và bảy tám người rớt xuống bể, còn bao nhiêu thì đều bị bốn người điểm trúng yếu huyệt cả.
Giây phút sau, gần đó liền có tiếng hò hét và tiếng tù và nổi lên.
Những chiếc thuyền khác của người Ba Tư liền tiến tới.
Những người ở trên các chiếc thuyền đó cứ muốn nhảy sang thuyền bên này để đấu với bọn Vô Kỵ.
Vô Kỵ đặt Hân Ly nằm ở trên boong thuyền, rồi xách người thủ lãnh nhảy lên trên cột buồm, lớn tiếng kêu gọi:
- Ai dám sang thuyền này, ta sẽ giết chết người này ngay.
Người này có lẽ rất có địa vị trong Tổng giáo, nên những người ở trên mấy chiếc thuyền kia nghe Vô Kỵ nói xong, chỉ kêu la chứ không dám lăm le định nhảy sang thuyền của bốn người như trước nữa.
Vô Kỵ lại nhảy xuống dưới boong, vừa đặt người thủ lãnh nằm xuống, thì chàng bỗng nghe phía sau lưng có tiếng kêu "coong" đồng thời đã có một môn khí giới nhắm chàng tấn công tới.
Chàng vội né mình để tránh và giơ chân ra đá lại luôn. Thẻ bài Thánh hỏa lệnh ấy liền bị chàng đá rớt, phía bên trái lại có một cái thẻ khác tấn công tới.
Vô Kỵ nghĩ thầm:
- Không ngờ Phong Vân Tam sư giả tới chóng như vậy.
Nghĩ đoạn, chàng liền lớn tiếng bảo mọi người rằng:
- Mọi người mau mau rút lui vào trong khoang thuyền.
Chàng lại xách người thủ lãnh lên nghênh đỡ cái thẻ Thánh hỏa lệnh nọ.
Huy Nguyệt Sứ thấy chiếc Thánh hỏa lệnh sắp đánh trúng vai trái của Vô Kỵ rồi, không ngờ chàng đột nhiên xách người thủ lãnh kia lên chống đỡ, Huy Nguyệt Sứ vội thu ngay chiếc thẻ lại.
Nhưng vì đột nhiên thu thẻ lại bên dưới thế nào cũng bỏ trống, nên nàng mới bị chân của Vô Kỵ suýt đá trúng.
Lưu Vân với Diệu Phong hai sứ giả vội xông lại tấn công, bắt buộc Vô Kỵ thu chân lại nên Huy Vân sứ giả mới không bị đá trúng là thế. Ðấu đến hiệp thứ chín, Diệu Phong sứ giả lại giở một thế võ rất quái dị ra tấn công, sắp điểm trúng bụng dưới của Vô Kỵ rồi. Vô Kỵ lại đưa thủ lãnh nọ ra chống đỡ, chỉ nghe thấy kêu "bộp" một tiếng, người thủ lãnh ấy bị chiếc Thánh hỏa lệnh kia đánh trúng vào má liền. Ba người sứ giả đó đều kinh hãi và thất thanh kêu la, mặt thất sắc, rồi chúng nhảy lui về phía sau, rỉ tai nhau thì thầm vài câu.
Ðột nhiên chúng cung kính vái chào người thủ lãnh kia. Thì ra, người thủ lãnh Ba Tư mà Vô Kỵ đang bắt cóc đó là một trong mười hai Bảo Thụ Vương của Tổng giáo tên là Bình Ðẳng Vương.
Mười hai Bảo Thụ Vương ấy là: thứ nhất Ðại Thánh, thứ hai Trí Tuệ, thứ ba Thường Thắng, thứ tư Hoan Hỉ, thứ năm Cần Tu, thứ sáu Bình Ðẳng, thứ bảy Tín Tâm, thứ tám Nhẫn Nhục, thứ chín Chính Trực, thứ mười Công Ðức, mười một Tề Tâm, mười hai Cự Minh, mười hai Bảo Thụ Vương này là mười hai Ðại Kinh Sư, tức là người thân cận nhất của Giáo Vương.
Với địa vị của họ cũng như Tứ đại hộ giáo pháp vương của Minh giáo ở Trung Thổ nhưng mười hai Bảo Thụ Vương này lại chỉ chuyên môn nghiên cứu giáo nghĩa và tinh thông kinh điển thôi, chứ không chú trọng đến võ công, vì vậy chỉ có người thứ nhất là Ðại Thánh Bảo Thụ Vương, người thứ ba là Thường Thắng Bảo Thụ Vương và người thứ mười Công Ðức Bảo Thụ Vương là có võ công trác tuyệt thôi.
Còn mấy người kia võ công đều rất tầm thường.
Họ còn kém cả Phong Vân tam sứ giả nữa.
Lần này Tổng giáo bên Ba Tư đi tìm kiếm thánh nữ về thừa kế ngôi giáo chủ, nên cả mười hai Bảo Thụ Vương đều vào Trung Thổ hết. Bình Ðẳng Vương thất thế bị Vô Kỵ bắt cóc.
Phong Vân sứ giả liền nhảy lên thuyền để cứu, trái lại chúng lại đánh một chiếc Thánh hỏa lệnh vào mặt Bình Ðẳng Vương, tuy chúng không cố ý phạm thượng, nhưng dù sao chúng cũng hoảng sợ rồi nên không dám tiếp tục chiến đấu với Vô Kỵ mà phải vái lạy xin lỗi rồi rút lui ngay.
Vô Kỵ nhẹ thở một tiếng để Bình Ðẳng Vương lên trên đầu gối của mình. Lúc này chàng biết người này có địa vị rất cao ở trong Tổng giáo, bọn mình muốn thoát chết và đào tẩu được phải trông mong vào người này.
Chàng cúi đầu xem xét vết thương ở trên má đó không nặng lắm, chàng mới yên tâm. Chỉ Nhược với Tiểu Siêu quét dọn khoang thuyền, đem những xác chết vứt vào phía sau còn những người chưa chết thì hai nàng để họ nằm xếp hàng ở trên boong thuyền. Mười mấy chiếc thuyền của Ba Tư bao quanh chiếc thuyền của bốn người và họ còn chĩa đại bác vào nữa. Chiếc thuyền nào của chúng cũng có nhiều người đứng đầy, lửa của những ngọn đuốc chiếu vào đao, kiếm, dáo mác làm loé mắt và sáng choang một góc trời. Người của họ rất đông, không biết bao nhiêu mà kể.
Vô Kỵ thấy vậy kinh hãi thầm nghĩ:
- Không nói họ cùng bắn đại bác một lúc vào thuyền, họ hàng nghìn hàng vạn người như thế, cứ xông một lúc tấn công dù ta có ba đầu sáu tay cũng không sao chống nổi được. Mà dù ta nhờ có khinh công tuyệt đỉnh mà tẩu thoát được chăng nữa, nhưng còn mấy người kia ta bảo vệ cho họ sao nổi? Hân Ly với Triệu Minh bị thương nặng như vậy lại càng nguy hiểm thêm.
Chàng đang nghĩ, bỗng nghe thấy một người Ba Tư dùng Hoa ngữ lớn tiếng nói:
- Kim Mao Sư Vương hãy nghe ta nói đây! Mười hai Bảo Thụ Vương của Tổng giáo đều có mặt tại đây cả. Mười hai vị ấy vui lòng xá tội thất lễ với Tổng giáo của ngươi, ngươi mau mau trả giáo hữu của Tổng giáo ra đây ngay, rồi ngươi tự lái thuyền đi đi.
Tạ Tốn vừa cười vừa đáp:
- Tạ mỗ không phải là đứa bé lên ba, nếu chúng ta buông tha hết tù binh thì đại bác trên thuyền của các ngươi sẽ bắn chúng ta liền.
Người nọ nghe Tạ Tốn nói xong, liền nổi giận nói tiếp:
- Chẳng hay ngươi có chịu buông tha các người đó hay không? Ngươi tưởng đại bác của chúng ta không dám bắn hay sao?
Tạ Tốn rú lên một tiếng và nói tiếp:
- Thánh nữ Ðại ỷ Ty đâu? Các người hãy trả nàng sang đây rồi chúng ta mới nói sang chuyện khác được.
Người nọ liền thương lượng với mấy người đứng cạnh đó vài lời rồi mới lớn tiếng đáp:
- Ðại ỷ Ty đã phạm lỗi với tổng giáo, thể nào cũng bị hành hình bằng cách thiêu thân. Nàng với tổng giáo của Trung thổ không có liên can gì hết.
Tạ Tốn lại nói tiếp:
- Tôi có ba điều kiện, nếu quý vị nhận lời thì chúng tôi sẽ cung kính đưa các giáo hữu này lên bờ ngay.
Người nọ liền hỏi:
- Những điều kiện của ngươi là những điều kiện gì?
Tạ Tốn đáp:
- Ðiều thứ nhất là phải do Bảo Thụ vương mười hai vị đích thân nhận lời, từ giờ trở đi, tổng giáo với Minh giáo ở Trung thổ phải tương thân, tương kính, không được quấy nhiễu lẫn nhau...
Người nọ lại hỏi:
- Còn điều thứ hai?
Tạ Tốn đáp:
- Các ngươi phải đưa Ðại ỷ Ty sang bên thuyền này, từ giờ trở đi không truy cứu tới tội thất trinh của nàng ta nữa!
Người nọ giận dữ hỏi tiếp:
- Chúng ta không thể nào tiếp nhận điều này được, vậy còn điều thứ ba?
Tạ Tốn đáp:
- Các người không nhận lời điều kiện thứ hai, còn hỏi đến điều thứ ba làm gì?
Người nọ lại nói:
- Ðược, ví như chúng ta nhận điều kiện thứ hai, ngươi cứ nói điều kiện thứ ba đi!
Tạ Tốn lại nói tiếp:
- Ðiều thứ ba dễ lắm. Các ngươi cứ phái một chiếc thuyền nhỏ đi theo sau thuyền của chúng ta ra khỏi đây năm mươi dặm, chúng ta thấy các ngươi không phái thuyền lớn theo đuổi nữa, lúc ấy chúng ta mới thả hết tù binh xuống thuyền nhỏ, trả lại cho các ngươi đem đi.
Người nọ cả giận quát lớn:
- Nói bậy, nói bậy...
Thì ra, người thông ngôn đó chính là Cụ Minh Bảo Thụ Vương, người thứ mười hai. Chỉ thấy y huýt một tiếng còi, y với mười một Bảo Thụ Vương nữa cùng nhảy lên thuyền của Vô Kỵ.
Vô Kỵ liền xông lên dùng chưởng đẩy vào ngực Tề Tâm Vương, ngờ đâu Tề Tâm Vương không chống đỡ thì chớ, mà còn giơ tay trái nhằm đầu Vô Kỵ chộp luôn. Vô Kỵ biết chưởng của mình thể nào cũng đánh trúng người của y trước, nên chàng không đổi thế võ.
Ngờ đâu Cụ Minh Vương ở bên cạnh đã đưa hai tay ra chống đỡ chưởng của Vô Kỵ liền bắt buộc Vô Kỵ phải nhảy về phía trước một bước mới tránh được thế chộp của Tề Tâm Vương.
Lúc ấy chàng mới hay hai người liên tay tấn công, như vậy họ như có bốn tay chân đối địch với mình.
Ba người đấu với nhau nhanh như điện chớp, chỉ thoáng cái đã đấu được bảy tám hiệp liền.
Vô Kỵ kinh hãi thầm và nghĩ:
- Tuy võ công của hai người này không bằng Phong Vân tam sứ nhưng võ công của họ vẫn