Hàn Lâm Nhi thấy Vô Kỵ với Bành Doanh Ngọc đi khỏi, liền nói với Chỉ Nhược rằng:
- Chu cô nương nên nghỉ sớm thì hơn.
Y không dám nói thêm nửa lời, vội quay trở về phòng mình liền.
Chỉ Nhược mỉm cười, vội hỏi:
- Hàn đại ca sợ tôi hay sao? Sao không dám ngồi trước mặt tôi trong chốc lát như thế?
Lâm Nhi mặt đỏ bừng đáp:
- Không... không...
Nhưng y mới trả lời được hai chữ, đã rảo chân chạy luôn về phòng mình, cài chặt then lại, trống ngực đập rất mạnh, định thần giây lát rồi mới nằm lên trên giường, nhưng vừa nằm xuống y đã thấy hình bóng đẹp như hoa nở của Chỉ Nhược hiện ra trước mặt và tai lại vẳng nghe thấy tiếng nói thỏ thẻ của nàng, rất êm ái và mềm mại, nên y nghĩ thầm:
- Sau này Chu cô nương trở thành giáo chủ phu nhân, ta sẽ theo cạnh giáo chủ, trung thành và chăm chỉ làm việc, cố hết sức lập công trạng. Chu cô nương thế nào cũng vui lòng mà bảo ta rằng: "Hàn đại ca, phen này đại ca vất vả lắm". Lúc ấy Lâm Nhi này mới thực không uổng sống ở trên đời.
Y nằm ở trên giường, nghĩ vơ nghĩ vẫn, ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Ngủ đến nửa đêm, bỗng nghe thấy cửa phòng có mấy tiếng gõ rất khẽ.
Y vội ngồi dậy và hỏi:
- Ai đó?
Chỉ Nhược bên ngoài trả lời:
- Tôi đây, đại ca mở cửa đi, tôi có vài lời muốn nói với đại ca đây.
Lâm Nhi vội trả lời:
- Dạ... dạ...
Thế rồi y để nguyên chân đất mà chạy ra mở cửa, y thấy Chỉ Nhược hai mắt đỏ và sưng húp, sắc mặt lạ thường, liền giật mình kinh hãi, vội hỏi:
- Chu cô nương, làm...
Y ngừng lời ngay vì không dám nói tiếp, giây phút sau, y bỗng nghĩ ra một kế, chạy luôn ra bên ngoài và nói:
- Ðể tôi đi lấy nước rửa mặt cho cô nương.
Một lát sau, chàng vẫn hai chân đi đất, Chỉ Nhược thấy vậy, gượng cười một tiếng, dùng tay chống má, ngẩn người ra nhìn ngọn nến.
Lâm Nhi lại nói tiếp:
- Cô nương, rửa mặt đi...
Chỉ Nhược vẫn không nói năng gì cả, chỉ lắc đầu thôi, rồi nước mắt nhỏ ròng xuống má. Lâm Nhi thấy vậy hoảng sợ đến đờ người ra, buông xuôi hai tay đứng cạnh đó. Y không biết tại sao bi thảm đến thế, và cũng không biết nàng đến phòng mình để làm gì. Hai người để yên lặng, bỗng có tiếng "bốp" rất khẽ, ngọn lửa trên cây nến nổ tung, người của Chỉ Nhược run cầm cập, lúc ấy nàng mới thức tỉnh, khẽ thở dài một tiếng rồi đứng ngay dậy.
Lâm Nhi lớn tiếng hỏi:
- Chu cô nương ai làm cho cô buồn thế, cô cứ cho biết, tôi sẽ rút dao ra tấn công tên đó liền. Cô nói đi, người đó là ai thế?
Chỉ Nhược rầu rĩ lắc đầu đi ra ngoài, và trở về phòng mình. Hình như nàng có tâm sự gì muốn nói với ai vậy, nên nàng vừa vào trong phòng được giây phút lại bước ra ngay khiến Lâm Nhi cứ ngơ ngác, không hiểu tại sao nàng lại có thái độ lạ lùng đến thế. Rồi y cứ đứng ngẩn người ra, vò đầu dập ngực luôn luôn. Y tự biết mình là người thô lỗ, không hiểu tâm sự người đàn bà, nên đành đứng yên, không biết nói năng sao cho phải. Bỗng y nghe từ đằng xa trống đổi canh vừa nổi lên ba tiếng "tung, tung, tung" liền nghĩ thầm:
- Sao khuya thế này mà giáo chủ vẫn chưa về?
Y lại lên giường nằm ngủ, đang lúc mơ mơ màng màng, thì bỗng nghe thấy có tiếng kêu "đùng đùng". Y nhận ra hình như phòng bên phía Ðông có ghế rớt xuống mặt đất vậy. Phòng đó chính là phòng của Chỉ Nhược đang ở. Y vội chạy luôn ra bên ngoài. Dưới ánh sáng trăng, y thấy trên cửa của Chỉ Nhược có cái bóng đen lơ lửng trên không.
Y giật mình kinh hãi lớn tiếng kêu người:
- Chu cô nương! Chu cô nương!
Y vừa kêu gọi, vừa đưa tay lên đẩy cửa. Thấy cửa phòng đóng chặt, y dùng sức hút mạnh một cái, cửa bắn tung ra, rồi vội vào bên trong thắp sáng ngọn nến lên. Y liền thấy Chỉ Nhược thòng cổ vào sợi dây treo lơ lửng trên sàn nhà. Y hoảng đến mất hồn vía dùng sức kéo đứt dây đó, rồi đặt Chỉ Nhược lên giường, sờ tay lên mũi, thấy nàng đã tắt thở, vội lớn tiếng kêu gọi:
- Chu cô nương, Chu cô nương, sao cô nương lại dại dột, giở cái trò hạ sách này ra thế?
Y càng gọi, tiếng nói của y càng nghẹn ngào, sau cùng y không gọi ra tiếng nữa, thì bỗng ngoài cửa phòng có người lên tiếng hỏi:
- Hàn đại ca, có việc gì đến thế?
Người đó vừa hỏi vừa bước vào, và người đó chính là Vô Kỵ chứ không phải ai xa lạ. Chàng thấy cảnh tượng ấy không khác nào sét đánh ngang tai. Hai tay run run, chàng vội cởi sợi dây thừng ở cổ nàng ra, và sờ lên ngực nàng thử xem. May mắn thay, tim nàng vẫn còn đập yếu ớt, chàng mừng rỡ vô cùng, vội nói:
- Không việc gì đâu, có thể cứu chữa được.
Thế rồi chàng xoa bóp huyệt đạo ở sau lưng và bụng dưới nàng mấy cái, đồng thời còn dồn Cửu Dương chân khí sang người nàng nữa.
Chỉ trong chốc lát, Chỉ Nhược đã khóc oà lên liền.
Lâm Nhi thấy vậy cả mừng, vội nói:
- Hay lắm, hay lắm, Chu cô nương đã sống lại rồi.
Chỉ Nhược mở mắt trông thấy Vô Kỵ vừa khóc vừa trách mắng:
- Ðại ca còn lý đến tôi làm gì nữa, để mặc cho tôi chết có hơn không?
Nàng bỗng thấy môi trên của Vô Kỵ có máu ứ, lại càng tức thêm liền giơ tay ra tát mạnh vào chàng một cái.
Lâm Nhi giật mình kinh hãi và nghĩ thầm:
- Chết chưa, sao Chu cô nương lại đánh giáo chủ như thế?
Nhưng y lại coi Chỉ Nhược như một thiên thần, nên nhất thời y cảm thấy đầu óc bối rối không biết nói như thế nào cho phải.
Rồi đột nhiên có người khẽ vỗ vai chàng hai cái.
Y vội quay đầu lại nhìn, mới hay người đó là Bành Doanh Ngọc, liền mừng rỡ và nói:
- Bành đại sư đã về đấy à? Mau lại đây khuyên Chu cô nương đi.
Doanh Ngọc vừa cười vừa đáp:
- Khuyên cái gì? Chúng ta ra ngoài kia đi.
Lâm Nhi vội nói tiếp:
- Không, không được đâu, nhỡ hai người đánh nhau thì Chu cô nương làm sao đánh lại?
Doanh Ngọc cười ha hả và nói tiếp:
- Chú em này hồ đồ thực, chẳng lẽ hai chúng ta giúp Chu cô nương để đánh lại Trương giáo chủ hay sao? Tôi nói cho chú biết giáo chủ địch không nổi Chu cô nương đâu.
Nói xong, hòa thượng đưa mắt ra hiệu rồi kéo Lâm Nhi ra ngoài phòng. Anh chàng quê mùa ngốc nghếch vẫn còn quay đầu lại nhìn tỏ vẻ lo âu vô cùng.
Chỉ Nhược thấy vậy không sao nhịn được, liền cười khì một tiếng rồi lại gục đầu nức nở khóc.
Vô Kỵ ngồi bên cạnh giường an ủi:
- Chỉ Nhược, cô nương chớ hiểu lầm, không phải là tôi hẹn với cô ta tới đó đâu, chỉ ngẫu nhiên gặp gỡ cô ta đấy thôi.
Chỉ Nhược vừa khóc vừa đáp:
- Tôi không tin, tôi không tin, từ giờ trở đi, tôi không còn tin lời của đại ca nữa.
Vô Kỵ biết mình có lỗi, nhưng sự thực lại oan uổng, bây giờ chàng có nói thế nào chăng nữa thì Chỉ Nhược cũng chẳng tin. Chàng cúi đầu xuống định hôn nàng, nhưng Chỉ Nhược vội quay đi và lớn tiếng quát mắng:
- Thôi đừng có động đến tôi nữa.
Vô Kỵ vội nắm chặt lấy hai tay nàng, không để cho nàng cử động, rồi cúi đầu hôn luôn vào má nàng một cái. Chỉ Nhược cũng nguôi cơn giận dần.
Vô Kỵ nhận thấy mình với nàng tuy đã đính hôn rồi, nhưng chưa kết thành vợ chồng. Ðêm khuya ở trong một phòng như vậy, tuy không bậy bạ nhưng cũng bất tiện nên chàng vội thề độc với nàng rồi định đi ra, nhưng Chỉ Nhược vẫn không tin cứ khóc hoài. Sau nàng vừa khóc vừa hai tay bịt mặt và nói:
- Tôi biết số phận tôi hẩm hiu, tôi không dám oán trách đại ca đâu.
Vô Kỵ nói tiếp:
- Lúc chúng ta còn nhỏ, cả hai ta đều đau đớn khổ sở, quân Mông Cổ ở trong nước chúng ta, tác oai tác quái, nên ai ai cũng bị khổ bị đau hết. Sau này chúng ta kết thành vợ chồng, đuổi quân Mông Cổ ra khỏi đất nước, lúc ấy chúng ta chỉ có sung sướng chứ không đau khổ như bây giờ đâu.
Chỉ Nhược ngửng đầu lên, nghiêm nét mặt nói:
- Tôi biết đại ca thực lòng thương yêu tôi, nhưng con yêu nữ Triệu Minh nó cứ dụ dỗ đại ca hoài. Không phải là đại ca đa tình mà lại là tại tôi không xứng làm phu nhân của đại ca đấy thôi. Hà, tôi chỉ muốn chết quách đi cho rảnh, ngờ đâu Hàn Lâm Nhi lại ngớ ngớ ngẩn ngẩn, ra tay cứu tôi, tôi chỉ có can đảm chết một lần thôi, chứ không có can đảm chết lần thứ hai nữa. Bây giờ tôi... muốn bắt chước sư phụ cắt tóc đi tu, như vậy là người chưởng môn của phái Nga Mi chúng tôi rốt cuộc cũng không có một người nào lấy chồng cả.
Vô Kỵ lại nói tiếp:
- Thế là nghĩa lý gì, có phải cô em tức hận Triệu cô nương đã vu khống cô giết hại nghĩa phụ tôi phải không?
Chỉ Nhược nhìn thẳng vào mắt chàng và hỏi lại:
- Ðại ca có tin không?
- Tất nhiên tôi không tin.
- Ðại ca không tin thì hay lắm, chẳng lẽ ai cũng không tin cả hay sao?
- Nếu vậy... chớ tại sao?
Chỉ Nhược nghiến răng mím môi và trả lời:
- Chỉ vì... chỉ vì.
Nàng nói hai câu chỉ vì, rồi bỗng quay lưng đi mới dám nói tiếp:
- Vô Kỵ đại ca, đại ca cứ coi như là không thấy tôi bao giờ cả, từ nay đừng có nhớ đến con người bạc mệnh này nữa. Anh lấy Triệu cô nương cũng được hoặc lấy người khác cũng thế. Tôi... tôi cũng không can thiệp tới nữa.
Ðột nhiên nàng dậm chân một cái, người đã xuyên phi thẳng lên nóc nhà liền.
Vô Kỵ thấy vậy ngạc nhiên và nghĩ thầm:
- Không ngờ thân pháp và dáng điệu của nàng vừa nhanh vừa đẹp đến thế, khinh công như vậy cao siêu thực.
Chàng không kịp nghĩ ngợi đến vấn đề đó, liền nhảy theo ra đuổi ngay. Chàng thấy Chỉ Nhược chạy về phía Ðông, chàng chỉ nhảy nhót ba cái đã đuổi kịp nàng và đưa tay ra ngăn cản. Chỉ Nhược không kịp thâu đà chân lại, liền ngã quay vào lòng chàng. Chàng giơ hai cánh tay ra ôm chặt vào lòng, nơi đấy là trên bờ một con sông nhỏ ở trong nội thành của Kinh đô. Chàng liền đặt nàng lên một tảng đá, rồi cả hai cùng ngồi sát cạnh nhau.
Vô Kỵ giọng rất nhu mì, khẽ nói:
- Chỉ Nhược, chúng ta hai vợ chồng đã thành một khối, em có việc gì nan giải thì cũng như việc của tôi vậy, cứ việc nói ra để đại ca này giải quyết cho. Hà tất cô em cứ phải tấm tức trong lòng mãi như vậy?
Chỉ Nhược vừa khóc vừa trả lời:
- Tôi... bị người ta hãm hiếp... thân này không còn thanh bạch, bụng tôi đã có nòi giống của nghiệp chướng, như vậy... còn kết vợ chồng với đại ca sao được?
Vô Kỵ thấy nàng nói như vậy không khác gì trời tạnh mà nghe thấy tiếng sấm, nên chàng cứ ngồi thừ ra, không nói năng được nửa lời.
Chỉ Nhược từ từ đứng dậy nói tiếp:
- Số của tôi như thế, biết làm sao được, thôi đại ca đừng nhớ đến tôi nữa rồi dần dần sẽ quên tôi đi liền, có khó gì đâu. Vô Kỵ vẫn ngồi ngẩn người ra như trước, nhiều không tin lời nói của Chỉ Nhược là thật. Chỉ Nhược thở dài một tiếng và quay mình đi luôn. Chàng vội đứng dậy nắm lấy tay nàng, giọng run run hỏi tiếp:
- Có phải... có phải tên giặc Tống Thanh Thư không?
Chỉ Nhược gật đầu ứa nước mắt và đáp:
- Trong khi ở Cái Bang, tôi bị chúng điểm huyệt, nên không còn hơi sức để chống cự.
Vô Kỵ ôm chặt lấy nàng và nói tiếp:
- Việc này có phải lỗi tự cô em đâu, việc đã rồi, dù có tức giận cũng vô ích. Chỉ Nhược, càng thấy cô em không may mắn như vậy tôi càng yêu thương cô em thêm. Từ nay trở đi chúng ta trở về hoài Tứ báo cáo cho tất cả anh em bổn giáo hay tôi sẽ thành hôn với cô em liền. Còn đứa trẻ... trong bụng cô em coi như là của tôi, như vậy cô em không còn bị tai tiếng gì nữa.
- Ðại ca hà tất phải an ủi như vậy, tôi đã là người mất trinh rồi, làm sao làm được giáo chủ phu nhân cơ chứ?
- Cô... coi tôi thường quá, Vô Kỵ là một hào kiệt chứ có phải là một tiểu nhân đâu mà lại có ý nghĩ thiển cận như thế, dù cô em có dại dột, lỡ bước lỡ làng, Vô Kỵ này cũng không chấp nhất, huống hồ đó là một sự tai bay vạ gió.
Chỉ Nhược cảm động nói tiếp:
- Vô Kỵ đại ca, có thực đại ca đối xử với thiếp tử tế như thế không, thiếp... chỉ sợ đại ca đánh lừa thiếp thôi.
- Tôi tử tế với cô em hay không, sau này cô em sẽ rõ.
Chỉ Nhược vội gục đầu vào ngực chàng, cảm động đến ứa nước mắt ra, mãi một hồi lâu mới lên tiếng nói được:
- Vậy đại ca hãy cho thiếp uống thuốc để đẩy cái nòi giống oan nghiệt này ra.
- Không nên, việc phá thai không những có tội mà lại rất ảnh hưởng đến sức khoẻ của cô em.
Nói tới đó, chàng liền nghĩ thầm:
- Nàng bị bắt vào Cái Bang, trước sau không đầy một tháng sao nàng lại biết đã mang thai rồi? Chưa biết chừng nàng nghĩ vớ nghĩ vẫn cũng nên.
Nghĩ đoạn, chàng vội nắm lấy cổ tay nàng để xem mạch, thấy nàng không có triệu chứng gì là mang thai cả, nhưng nghĩ đến việc ấy, chàng không dám hỏi thêm nữa, tuy y thuật của chàng rất cao siêu. Nhưng chàng chỉ chuyên môn chữa thương cứu độc thôi, chớ phụ khoa thì không biết mấy, chàng đang suy nghĩ thì Chỉ Nhược lại nói tiếp:
- Nếu đứa con là gái thì cũng không sao, chứ nó là con trai sau này mà được như nguyện vọng, đại ca được lên làm vua chẳng lẽ lấy đứa con hoang đó làm thái tử hay sao? Theo ý thiếp thì nên cho nó ra để khỏi di hoạ sau này.
- Cô em đừng nhắc nhở đến hai chữ hoàng đế nữa, tôi là một kẻ quê mùa thất phu không bao giờ có ý định dòm ngó đến ngôi báu ấy đâu. Hơn nữa tôi không muốn cô em nhắc nhở tới chuyện đó nữa vì để cho các sư huynh sư đệ nghe thấy, lại tưởng tôi ham mê phú quý thì người nào người ấy đều chán nản, công việc của chúng ta sẽ hỏng hết ngay.
- Thiếp có muốn đại ca làm hoàng đế đâu, nhưng số trời đã định thì dù đại ca có từ chối cũng không được. Ðại ca đối xử với thiếp tử tế nư vậy, thiếp thế nào cũng cố sức đền bù lòng tốt của đại ca. Thiếp tuy là một thiếu nữ yếu ớt, nhưng gặp dịp may, thiếp có thể giúp đại ca làm được vua liền. Cha thiếp không may bị thất bại, bị kẻ địch giết chết, số của thiếp không được làm công chúa nhưng biết đâu số của thiếp được làm hoàng hậu.
Vô Kỵ thấy nàng ta nói một cách khẩn khoản như vậy, liền vừa cười vừa đáp:
- Hoàng hậu chưa chắc đã tôn trọng bằng người trưởng môn của phái Nga Mi. Thôi được, ngày mai chúng ta còn phải lên đường xin mời hoàng hậu của trẫm hãy hồi cung trước để sửa soạn.
Thế là bao nhiêu mày sầu sương thảm đều bị bay tan bằng một cái cười của hai người. Sáng sớm ngày hôm sau, Vô Kỵ dặn Doanh Ngọc tiếp tục ở lại kinh đô thêm ba ngày nữa để dọ thám tin tức của Tạ Tốn rồi chàng cùng Chỉ Nhược và Hàn Lâm Nhi đi xuống miền Nam trở về Hoài Tử ngay.
Khi đi tới tỉnh Sơn Ðông đã thấy suốt dọc đường quân Mông Cổ bại trận, bỏ cả khí giới, mũ mãng và áo giáp mà cắm đầu chạy.
Vô Kỵ các người phải tránh đường mà đi. Sau gặp một tên lính đang chạy chơ vơ một mình, chàng liền túm cổ y xét hỏi mới biết Hàn Sơn Ðông ở hoài Bắc đã thắng luôn mấy trận lớn, đánh cho quân Nguyên thất bại liên miên.
Vô Kỵ cùng các người thấy vậy mừng rỡ vô cùng vội rảo cẳng đi luôn.
Vừa tới biên giới tỉnh Sơn Ðông và hoài Bắc đã thấy nơi đây thuộc dưới quyền chỉ huy của Minh giáo.
Trong nghĩa quân, có người nhận ra được Hàn Lâm Nhi vội về soái phủ báo tin ngay. Khi Vô Kỵ sắp đi tới Hào Châu, Hàn Sơn Ðông đã biết Vô Kỵ tới, liền dặn Nguyên Chương, Từ Ðạt, Ngộ Xuân, Ðằng Dư, Khang hòa các tướng ra tận ngoài xa ba mươi dặm để nghênh đón. Mọi người cách biệt lâu ngày, bây giờ được trùng phùng nên ai nấy đều vui vẻ vô cùng. Sơn Ðồng thiết tiệc và thân chinh rót rượu mời giáo chủ uống.
Chỉ Nhược khi cưỡi ngựa theo Vô Kỵ vào thành thấy nghĩa quân và dân chúng ra đón rước, tuy không hoa lệ huy hoàng như vua và hoàng hậu được đón rước ở đại lộ, nhưng nàng cũng cảm thấy vẻ vang và an ủi lắm rồi.
Tối hôm đó, trong thành Hào Châu, đâu đâu cũng có tiệc tùng để mừng giáo chủ giáng lâm.
Sơn Ðồng nghe thấy con mình kể lại chuyện bị Cái Bang bắt giữ và nhờ giáo chủ cứu giúp như thế nào y cám ơn Vô Kỵ luôn mồm.
Vô Kỵ ở trong thành nghỉ ngơi vài ngày. Dương Tiêu, Phạm Dao, Thiên Chính Dã Vương, Thiết Quang đạo nhân, Nói Không Ðược, Chu Ðiện, Ngũ hành kỳ, các Trưởng kỳ sứ hay tin đều lần lượt tới Hào Châu để gặp giáo chủ, vì vậy trong thành ngày nào cũng có tiệc tùng không ngớt.
Vài ngày sau, Bức Vương Nhất Tiếu với Doanh Ngọc cũng tới nốt.
Vô Kỵ hỏi đến tin Tạ Tốn thì không ai hay biết cả, riêng có Nhất Tiếu nói với chàng rằng:
- Thuộc hạ gặp Trưởng bản Long đầu của Cái Bang ở Hà Bắc, thuộc hạ thấy y định hại bổn giáo nên mới đùa giỡn y một phen. Có lẽ Cái Bang cũng chưa biết tới Kim Mao Sư Vương bị ai bắt. Vì lúc ấy thuộc hạ chưa biết Tạ huynh đã về tới Trung Nguyên, bằng không thể nào cũng tới Cái Bang dò xét liền.
Vô Kỵ lại kể cho mọi người hay Tạ Tốn bị Cái Bang bắt cóc rồi sau mất tích luôn. Dương Tiêu, Phạm Dao, Thiên Chính các người đều là những kẻ đa mưu túc trí, nhưng họ nghĩ đi nghĩ lại mà không ai nghĩ ra được một kế nào hết.
Phạm Dao bỗng lên tiếng nói:
- Không hiểu thiếu nữ áo vàng kia là người như thế nào, chưa biết chừng tìm ra được nàng ta sẽ biết được hành tung của Tạ huynh ngay.
Thiên Chính cũng lên tiếng nói:
- Người vẽ dấu hiệu khiến giáo chủ chạy quanh một vòng lớn chắc thế nào cũng có liên can đến việc biệt tích của Kim Mao Sư Vương.
Quần hào tuy kiến thức rộng, nhưng không ai nghĩ ra được thiếu nữ áo vàng đó là ai cả. Nhưng ai ai cũng khuyên Vô Kỵ nên khoan tâm và cùng nói rằng:
- Theo lời lẽ và hành sự của thiếu nữ áo vàng đó thì nàng ta không có ác ý gì với giáo chủ cả, nếu Kim Mao Sư Vương mà lọt vào tay nàng ta thì cũng bình yên vô sự. Xem như vậy, chắc thiếu nữ ấy chỉ muốn biết thanh đao Ðồ Long ở đâu thôi, chứ không định tâm phản lại chúng ta và giết hại Kim Mao Sư Vương đâu.
Vô Kỵ thấy mọi người nói như vậy mới yên tâm phần nào, chàng liền phái Ngũ hành kỳ đi các nơi dò xét. Tuy đại thắng mấy trận, nghĩa quân của Minh giáo cũng tổn thất rất nặng, nên phải nghỉ đợi ba tháng để chỉnh đốn lại lực lượng và chiêu mộ tân binh, không có thì giờ khởi quân để đại chiến với quân Nguyên vội, Doanh Ngọc nói chuyện Chỉ Nhược tự tử cho mọi người nghe.
Tuy không ai hiểu tại sao nàng lại tự tử như thế, nhưng người nào cũng nói chắc là không thoát khỏi chữ ghen!
Còn Phạm Dao các người biết Vô Kỵ vẫn còn yêu Triệu Minh, nếu để giáo chủ của Minh giáo kết hôn với quận chúa của Mông Cổ thì thế nào cũng phản ứng đến đại sự kháng Nguyên phục quốc, tai hại rất lớn. Vì những lẽ trên, nên ai ai cũng khuyên Vô Kỵ sớm kết duyên với Chỉ Nhược.
Vô Kỵ thấy Chỉ Nhược đã mang bầu nên việc này không thể trì hoãn được liền nhận lời ngay. Thế rồi Hân Thiên Chính chọn ngày hoàng đạo là mười lăm tháng ba sẽ làm lễ thành hôn cho hai người. Người của Minh giáo hay tin đó đều mừng rỡ hết sức, lúc bấy giờ thanh thế của Minh giáo thật là oai trấn thiên hạ, đâu đâu cũng có tin thắng trận gửi về. Hỉ tin của giáo chủ kết hôn truyền ra, các nhân sĩ của võ lâm đem đến mừng đông như kiến cỏ. Phái Côn Luân và Không Ðộng, tự cho mình là danh môn chính phái và xưa nay có hiềm thù với Minh giáo, nhưng sau khi được Vô Kỵ ra tay cứu giúp ở chùa Vạn Pháp tại Kinh đô từ đó trở đi, không riêng gì hai môn phái ấy mà các môn phái khác cũng đều bỏ hết ân oán cũ, không thù hằn Minh giáo nữa, vì vậy môn phái nào cũng có đem lễ vật tới mừng.
Chỉ Nhược là chưởng môn của phái Nga Mi, nên chưởng môn của các phái khác cũng sai người đem lễ vật đến mừng nốt. Trương Tam Phong của phái Võ Ðang tuy không thân chinh tới mừng, nhưng cũng có đích bút viết bốn chữ "giai nhi giai phụ" vào sau một cuốn Thái cực quyền kinh rồi sai Tống Viễn Kiều, Dư Liên Châu, Hân Lợi Hanh ba đệ tử mang đi mừng.
Lúc ấy Bất Hối đã kết hôn với Lợi Hanh rồi cũng theo chồng đi Hào Châu.
Vô Kỵ vừa tiến lên thỉnh an.
Chàng lớn tiếng kêu gọi nàng Bất Hối:
- Lục sư Thẩm.
Bất Hối xấu hổ vô cùng, mặt đỏ bừng, nắm lấy tay chàng và nghĩ đến chuyện xă.
Trong lòng nàng vừa mừng rỡ vừa thương cảm.
Vô Kỵ sợ Hữu Lượng, Thanh Thư chưa nguôi lòng giận, thừa cơ tới hãm hại, liền phái Nhất Tiếu làm tạ lễ đi Võ Ðang.
Vô Kỵ còn kể lại chuyện Thanh Thư định giết hại Thanh Cốc và Trương Tam Phong như thế nào, kể cả cho Nhất Tiếu hay và dặn Nhất Tiếu khi lên tới núi Võ Ðang bái kiến Trương Tam Phong xong nếu gần gũi Ðại Nham với Tòng Khê luôn, đề phòng bị gian mưu của Hữu Lượng. Chàng còn dặn Nhất Tiếu ở lại đó cho đến khi Viễn Kiều các người quay trở về Võ Ðang rồi hãy cáo biệt.
Nhất Tiếu nghe Vô Kỵ nói việc đó do Hữu Lượng với Thanh Thư tạo nên, tức giận đến mặt xám xanh, hậm hực đỡ lời:
- Từ khi tuân lệnh giáo chủ dẫn dụ, Nhất Tiếu tôi không dám hút máu người nữa, nhưng lần này tôi gặp hai tên gian tặc ấy thế nào cũng phải hút máu chúng tới khi chúng khô héo chỉ còn da với