Năm Dân quốc thứ 26, Bắc phạt đã kết thúc được gần chín năm, Chính phủ
Dân quốc Nam Kinh thành lập được mười năm. Để đón mừng ngày kỷ
niệm đóng đô Nam Kinh, những buổi lễ, buổi triển lãm cứ nối đuôi nhau
không dứt. Chỉ riêng tại Thượng Hải đã có tới không dưới mười buổi “triển
lãm thành tựu” với cả chục nghìn lượt người tham dự, các thành phố lớn
khác cùng lần lượt tổ chức hoạt động chúc mừng quy mô lớn.
Năm ấy, công xưởng của tay cự phách của ngành công nghiệp hóa chất –
Phạm Húc Đông – đã sản xuất ra lô acid sulfuric đầu tiên của Trung Quốc.
Nước nhà thành công sản xuất loại hóa chất công nghiệp quân sự trong thời
điểm quân địch đang ngấp nghé dòm ngó khiến người dân trong nước vô
cùng phấn khởi. Hai nhân vật đi đầu ngành dệt may và bột mì của Trung
Quốc là anh em Vinh Tông Kính, Vinh Đức Sinh cuối cùng cũng vượt qua
đợt suy thoái kéo dài ba năm như địa ngục để gầy dựng lại công ty, tìm
được đường sống. Năm ấy, Trịnh Ngân Xuyên dõng dạc tuyên bố tại Hán
Khẩu rằng nhà họ Trịnh đã nắm trong tay 55% cổ phần của Hiệu buôn Tây
Phổ Huệ chi nhánh Hán Khẩu, khiến Hiệu buôn Phổ Huệ thực sự trở thành
một hãng buôn vốn Hoa, mài mòn nhuệ khí của doanh nhân Anh, nâng cao
ý chí cho thương nhân Hoa. Năm ấy, địa vị của Hãng thuyền Đại Quân vẫn
sừng sững giữa dòng trung – hạ du Trường Giang. Năm ấy cũng là kỷ niệm
10 năm thành lập của Công ty Dân Sinh, người sáng lập Lư Tác Phù lần đầu
đứng lên phát biểu trong buổi kỷ niệm, ông nói: “Ta cần có những con
người vượt muôn khó khăn hiểm trở để làm trụ cột cho sự nghiệp, vì sự
nghiệp mà quên cả bản thân, vì gây dựng sự nghiệp mà tự nuốt gian khổ
vào bụng. Nếu cả công ty chúng ta sở hữu tinh thần ấy, ta có thể tạo nên
một sự nghiệp kiên cố, nếu cả dân tộc có tinh thần ấy, ta có thể xây dựng
một quốc gia vững bền.”
Rất nhiều những hạng mục sản xuất và kiến thiết dần được triển khai, một
lượng lớn máy móc mới được đưa vào sử dụng, nguồn vốn cuồn cuộn đổ
vào thị trường, xã hội Trung Quốc giờ đã mang dáng dấp của sự phồn vinh
êm ả. Vạn vật không ngừng tuần hoàn, thịnh cực tất suy, giờ phút huy
hoàng chính là khởi đầu của sự suy bại. Cái xác phồn vinh êm ả ấy chẳng
mấy chốc sẽ bị nghiền nát bởi sự đời vô thường. Sự kiện cầu Lư Câu (*) nổ
ra, kéo theo đó là một cuộc chiến tranh thay đổi vận mệnh của toàn bộ
những người dân Trung Quốc, cả dân tộc Trung Hoa đã bước vào thời khắc
nguy cấp nhất.
(*) Sự kiện cầu Lư Câu: Sự kiện quân Nhật Bản tập trận không thông báo
trước tại cầu Lư Câu dẫn đến việc phía Trung Quốc nổ súng cảnh cáo,
khiến một cuộc đấu súng xảy ra giữa hai bên. Sau đó do một người lính
Nhật không trở về doanh trại, quân đội Nhật Bản yêu cầu được tiến vào thị
trấn Uyển Bình tìm kiếm binh sĩ mất tích. Hai bên giằng co về vấn đề này
dẫn đến cuộc tấn công cầu Lư Câu của Nhật Bản. Sau đó tuy đã có thỏa
thuận ngừng bắn nhưng quân Nhật tiếp tục tấn công, chiếm cầu Lư Câu, thị
trấn Uyển Bình và là ngòi nổ cho trận Bắc Bình – Thiên Tân sau này.
Bình Tân rơi vào tay giặc, Hasegawa Kiyoshi – tư lệnh hạm đội 2 của hải
quân Nhật Bản dẫn chiến hạm chỉ huy “Xuất Vân” thần tốc tiến đánh sông
Hoàng Phổ, chiến đội số 10 và thủy lôi chiến đội số 5 thuộc hạm đội này
lần lượt đổ bộ cửa Trường Giang và duyên hải Hoa Nam Trung Quốc. Đầu
tháng Tám, các tàu chiến khảo sát của Trung Quốc gồm tàu “Cam Lộ”,
“Hạo Nhật”, “Thanh Thiên” cùng pháo hạm “Tuy Ninh”, “Uy Ninh” hủy
hoại các phao tiêu chủ chốt, khiến quân Nhật mất đi ký hiệu dẫn đường, các
tàu chiến “Dật Tiên”, “Trung Sơn”, “Kiến Khang”, “Vĩnh Tích” được tư
lệnh hạm đội 1Trần Quý Lương chỉ huy, từ Hồ Bắc tụ họp với chủ lực hạm
đội 2đến từ Hạ Quan tại Giang Âm, 49 chiếc tàu chiến tiến vào Trường
Giang đợi lệnh, mang sứ mệnh “bảo vệ kinh kỳ”.
Trận chiến ngăn sông đằng đẵng oanh liệt đang lặng lẽ khai màn. Khu vực
có nền tài chính và công thương nghiệp thịnh vượng nhất Trung Quốc, miền
đất gấm vóc sung túc của Trung Hoa đã bị bao trùm bởi rặng mây đen hủy
diệt. Song, trước khi ma quỷ vươn dài nanh vuốt, trước khi thời khắc thật sự
phải đối mặt với chiến tranh thảm khốc ập đến, bách tính sống trong cảnh
thái bình hoàn toàn không biết rằng cả những cá thể bé nhỏ lẫn quốc gia
khổng lồ, rằng món tài sản tích lũy được sau muôn gian khó hiểm trở sắp bị
hủy diệt chỉ trong nay mai.
Những ngày cuối tháng Tám, đầu tháng Chín, Nam Kinh hừng hực thiêu
đốt con người ta trong tiết hè oi ả. Phong trào kiến thiết thủ đô mới vẫn
chưa qua, cả thành phố còn đang ngập trong không khí xây dựng nô nức, từ
ải Hùng Cứ cao nhất đất Tây Bắc cho đến Long Bàn, từ Bắc đến Tây rồi lại
hướng sang Nam, đường hẹp điểm mấy khóm trúc, nhà cửa kiểu tân thời
mọc san sát nhau. Tại khu vực sầm uất trong trung tâm thành phố, băng rôn
chúc mừng ngày đóng đô còn chưa kịp gỡ xuống đã bị lớp biểu ngữ yêu
quốc chống giặc phủ lên.
Đã mấy ngày liên tiếp trời khô hanh không mưa, cho tới tận một ngày mây
dày mang tiếng sấm cuồn cuộn ùa lên từ dãy núi bao quanh thành phố.
Sắc trời thoáng vẻ đáng sợ bí ẩn tới lạ kỳ, nền trắng điểm khói xám, trong
khói lại tản mát vệt đen. Mùi lưu huỳnh ngập trong bầu không khí, lại thấy
thêm cả thứ hương khó phân biệt trộn lẫn từ thực vật và bùn đất, dường như
mọi tế bào của mặt đất đều bị trận lôi đình giận dữ sắp ập tới này đâm cho
rách tan. Rừng cây ngoài xa cũng như đang lấp lánh một thứ ánh sáng nhạt
màu hô ứng cùng. Cảnh tượng kỳ lạ này đã bắt đầu từ lúc 2, 3 giờ và kéo
dài đến tận hoàng hôn, đến khi vầng dương trốn sau dãy núi, mọi thứ lại
quay về với tăm tối, chỉ thi thoảng lại có tiếng sấm rền vang. Mọi người đã
có thể tạm yên lòng trong bầu không khí bất an này, nhưng tâm trạng vẫn
cứ thấp thỏm lo âu vì trông mãi chẳng có giọt mưa nào chịu buông.
Khoảng 8 giờ tối, những tia chớp bắt đầu sát phạt nơi đỉnh núi và đường
chân trời, tiếng gió phập phồng như sóng sông, những đụn mây cuồn cuộn
bao lấy màn đêm đen kịt, ánh chớp chăng kín màn trời, cứ mỗi tích tắc lại
có tới cả chục tia chớp cùng lóe lên trong chớp nhoáng rồi biến mất, sau đó
lại bất chợt kéo về, nhảy múa trên tầng mây. Cuồng phong cuốn theo bụi
đất, trời và đất đột ngột biến sắc, sấm rền nổ vang cuồng nộ như xé toạc thế
giới thành từng mảnh.
Trong phòng hóa trang tại cánh gà Hội trường Đại học Trung ương, có mấy
đứa bé chừng bốn, năm tuổi đang run rẩy bịt lấy tai, đứa to gan hơn chút
đỉnh tò mò ngẩng đầu nhìn cửa sổ thủy tinh to lớn, rồi khi có tia sét xẹt qua,
nó lại sợ hãi thét toáng lên.
“Đừng sợ.” Có giọng nói dịu dàng vang lên bên tai đứa bé, rồi lại nhanh
chóng bị vùi lấp bởi tiếng sấm. Đứa trẻ lập tức lao vào vòng ôm đem lại cho
nó cảm giác an toàn, ấm áp. Thấy nó làm vậy, mấy đứa khác cũng ghé lại,
lúc nhúc thành đám.
Cảnh Ninh vươn tay, để tất cả những đứa bé này có thể chạm vào mình. Cô
dịu dàng an ủi chúng một hồi rồi khẽ khàng lùi ra sau, chỉnh trang lại áo
quần cho chúng. Bé trai mặc sơ mi, quần đen, thắt nơ, bé gái cùng diện váy
liền trắng, tay áo có đăng ten xếp nếp. Đám trẻ được trang điểm nhẹ, gương
mặt hây hây hồng, cũng có đứa đổ mồ hôi trôi cả lớp phấn, trông lại càng dễ
thương hơn. Cảnh Ninh mang phấn son ra trang điểm lại cho chúng. Đứa bé
giật thót bởi tiếng sấm ban nãy thấy cô bình tĩnh như vậy bèn nhút nhát hỏi:
“Cô Phan ơi, Thiên Lôi có vào bắt chúng con đi không ạ?”
Cảnh Ninh phì cười: “Ai bảo với con là trên đời có Thiên Lôi?”
“Bác Vương ở phòng sưởi ạ.”
“Được rồi, nếu thật sự có Thiên Lôi thì ông ấy chỉ bắt người xấu thôi,
không bắt em bé ngoan đâu. Phi Phi là bé ngoan nên không phải sợ, Thiên
Lôi sẽ không bắt con.”
Mấy đứa khác nhao nhao hô to: “Thế còn con ạ?”
“Con nữa!”
“Cô Phan ơi con có phải bé ngoan không?”
Cảnh Ninh trịnh trọng gật đầu: “Tất cả các con đều là bé ngoan, nhưng em
bé ngoan thì phải dũng cảm, nghe tiếng sấm cũng không được sợ đâu!”
Cô lôi vài món đồ ra từ trong túi xách, cười tinh nghịch: “Các con đoán
xem đây là gì?”
Mấy cái đầu dễ thương xúm vào, Cảnh Ninh cười khanh khách xòe tay, hóa
ra là một vốc kẹo sữa.
“Ban nãy cô lén lấy trong lúc ăn cơm đấy, giờ đây sẽ là phần thưởng của
các bé dũng cảm, ai là bé dũng cảm nào?”
Đám trẻ reo hò vươn tay, tranh nhau hô: “Con! Con ạ!”
Giọng chúng vang dội, mọi người trong phòng nghỉ bật cười quay sang nhìn
chúng. Cảnh Ninh đang phát kẹo cho đám trẻ, một nữ sinh chạy vào, hô to:
“Cô Phan ơi, chuẩn bị lên sân khấu rồi!”
Đám trẻ lập tức cảm thấy rất căng thẳng, Cảnh Ninh bỏ lại kẹo vào túi, dịu
dàng cười: “Biểu diễn xong mình sẽ ăn kẹo nhé!”
Sở Giáo dục tổ chức một buổi trình diễn tổng kết tại Đại học Trung ương,
mời những nhân vật nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực tại Nam Kinh tham dự,
vừa để kỷ niệm mười năm định đô Nam Kinh, vừa nhằm quyên góp cho
tiền tuyến. Đây là hội trường thường được dùng để tổ chức vũ hội và diễn
kịch nói, không phải là hội trường lớn nhất, khách khứa tới đông đâm ra hơi
chật chội. Tấm màn đỏ ngăn cách không gian, tạm tạo thành sân khấu.
Chiếc dương cầm đặt ở một góc khuất sáng, đèn đóm được thiết kế tập
trung ở trung tâm hội trường và chỗ ngồi của khách mời. Ban tổ chức chuẩn
bị hoa quả, điểm tâm cùng rượu, thức uống. Khách khứa hầu như đều mặc
lễ phục chỉnh tề, nếu không phải ngoài trời còn đang sấm rền chớp giật, có
khi người không biết chuyện lại cho rằng đây chỉ là một đêm ca múa mừng
cảnh yên vui trong thời đại phồn vinh.
Quan chức chính phủ đang phát biểu, dường như họ đã đẩy âm lượng của
mình lên cao nhất để lấp đi âm thanh của cơn bão táp ngoài kia, giọng nói
hùng hồn mạnh mẽ. Cứ chốc chốc lại có tràng vỗ tay nồng nhiệt vang lên
dưới sân khấu, Cảnh Ninh dắt đám trẻ đứng im lặng ngoài cửa vào, dặn
chúng lát nữa phải bình tĩnh bước lên sân khấu, rồi lại nắm chặt tay từng
đứa bé một. Có lẽ trừ cô ra, chẳng một ai sẽ đi quan tâm tới sự sợ hãi của
đám trẻ này. Bài phát biểu của vị quan chức kết thúc, ông bước xuống sân
khấu, hòa vào đám đông, thời cuộc đương lúc nguy cấp, dường như mọi
người đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho chiến tranh, nhưng họ vẫn cứ hoang
mang bối rối, bèn vội ùa tới hỏi han viên quan nọ. Đám trẻ lặng lẽ bước lên,
ánh đèn rọi theo gương mặt căng thẳng của chúng. Đây là lần đầu chúng
biểu diễn trên sân khấu, hơn nữa đây còn là tiết mục mở màn, chắc hẳn
chúng phải căng thẳng lắm. Thật ra Cảnh Ninh cũng rất lo, càng lúc tiếng
trò chuyện dưới sân khấu càng lớn, rõ ràng đây chẳng phải sự cổ vũ với
những đứa bé nhạy cảm nhút nhát.
Góc khuất nơi cô ngồi khá tối tăm, chỉ có phím dương cầm trắng muốt tỏa
ra ánh sáng nhè nhẹ. Cô vươn tay nhưng không có ý đứng dậy chào hỏi
quan khách, cũng chẳng ra bất cứ ký hiệu nào, cổ tay khẽ buông, ngón tay
cô nhẹ nhàng đặt lên phím đàn, tiếng đàn bắt đầu bay bổng.
Tiếng nói chuyện ngưng bặt. Những nốt nhạc ấy không buông tha cho họ,
không cho họ một quãng nghỉ để hít thở, tiết tấu dồn dập, như những sợi tơ
trong suốt mà sắc bén chăng tứ phía bỗng chợt căng chặt.
Cô biên Love’s Sorrow và Long, long ago thành một khúc. Đây là tính toán
của Cảnh Ninh. Cô đã cố gắng hết sức để trình diễn và biên soạn khúc nhạc
vì lũ trẻ. Giai điệu khi thì nhẹ nhàng, lúc lại sôi nổi, sau những nốt nhạc rực
rỡ tươi sáng, họ lại trở về với khúc dạo đầu nguyên bản của Long, long ago,
lúc nào đám trẻ đã được tiếng đàn xoa dịu. Phi Phi ưỡn ngực, bắt đầu lĩnh
xướng khúc ca dao đẹp đẽ xưa cũ, tiếng trẻ con bay bổng trong veo như
thủy tinh, ngâm nga những nốt hy vọng và tình thương, hồi tưởng lại quãng
thời gian quá khứ hạnh phúc.
Trừ tiếng nhạc du dương và giọng hát trẻ con như vọng từ cõi thiên đàng ra,
cả hội trường không còn một tạp âm nào khác. Khúc nhạc kết thúc, tiếng vỗ
tay vang dội như sấm, Cảnh Ninh cuối cùng cũng chậm rãi ngẩng đầu, đôi
mắt sáng rực như ánh sao long lanh. Đám trẻ con cúi chào khách khứa, xếp
hàng bước xuống sân khấu, nở nụ cười thoải mái với cô. Cảnh Ninh cũng
mỉm cười. Cô đứng dậy, đi theo sau đám trẻ bước vào cánh gà, rồi chợt
bước chân cô khựng lại.
Cô nhìn thấy một người.
Người đó đứng bên hộp đèn, sát gần hành lang dẫn ra cánh gà. Ánh đèn
sáng như tuyết sau lưng khiến anh hóa thành một bóng đen cao lớn. Anh
mặc lễ phục tinh xảo, tay cầm ly rượu thủy tinh, nước uống bên trong nhỏ
giọt xuống đất, chiếc ly nghiêng ngả. Gương mặt anh tái xám, run rẩy như
phát sốt. Đội hợp xướng Đại học Trung ương phải lên sân khấu, mỗi người
bước qua đều sẽ đụng phải anh, anh mặc cho họ xô, đứng đó như một bức
tượng.
Dáng vẻ anh vẫn hệt như ba năm trước, hàng mày thanh tú, đường nét như
chạm khắc, đôi mắt trong, nhìn cô với tình yêu và khát vọng cuồn cuộn.
Nếu nói anh có gì đó thay đổi thì đó chính là thần thái đã trở nên cố chấp,
cương quyết hơn cả khi xưa.
“Bé Hạt Dẻ!” Anh gượng cười với cô nhưng lại như chực khóc.
Cảnh Ninh binh tĩnh lại, cô nghiêng người nhường đường cho các sinh viên
rồi tiếp tục bước nhanh ra cánh gà. Lúc đi ngang qua Ngân Xuyên, cô
không hề đưa mắt nhìn anh. Đám trẻ đang đứng chờ Cảnh Ninh ngoài
phòng trang điểm, thấy cuối cùng cô cũng xuất hiện, chúng ào tới đòi ăn
kẹo. Cô mỉm cười phát kẹo cho đám trẻ, khen ngợi: “Hôm nay các con đều
làm rất tốt, còn hay hơn khi luyện tập!”
Đám trẻ ngó nghiêng nhìn ra sau lưng cô, thấy người đàn ông
với gương
mặt trắng bệch, bám riết sau lưng cô Phan, còn vươn tay kéo cánh tay cô.
Chúng chưa từng thấy cô Phan tức tới độ đỏ gay cả mặt như vậy, đến mắt
cô cũng đỏ hoe, trông như đang rất giận, rất đau lòng.
“Buông ra!” Cô nói.
“Đi với anh,” Ngân Xuyên sốt sắng, “Mạnh Tử Chiêu cũng tới rồi, anh đưa
em đi tìm cậu ta! Đi ngay bây giờ!”
Cảnh Ninh không ngờ anh sẽ nói vậy, cô ngơ ngác, trong tích tắc ánh mắt
hai người giao nhau, những buổi sớm chiều tan tành vụn vỡ cùng bao cảm
xúc ngổn ngang không diễn tả được thành lợi chợt ùa vào lòng cô.
Tia chớp lóe lên ngoài cửa sổ, sau một đợt sấm nổ vang, cuối cùng mưa
cũng trút như thác đổ.
Phi Phi ngồi trong chiếc xe hơi lăn bánh trở lại học viện, tức giận chỉ Ngân
Xuyên đang ngồi cùng lũ trẻ, thét: “Sao chú cứ kéo tay cô Phan mãi thế?”
Ngân Xuyên ngó lơ thằng nhóc, càng siết chặt tay Cảnh Ninh, Cảnh Ninh
có giằng thế nào cũng không được, anh vẫn không chịu buông. Anh đã thề
nếu trời cao cho mình cơ hội gặp lại cô, anh sẽ không buông tay cô nữa,
không bao giờ.
Cảnh Ninh hạ giọng: “Anh đừng làm em khó xử trước mặt đám trẻ.”
Anh nhìn cô: “Mình đưa bọn trẻ về trước rồi anh sẽ dắt em đi gặp Mạnh Tử
Chiêu. Cậu ta đang ở Nam Kinh, anh biết địa chỉ của cậu ta.”
“Em không gặp bất cứ ai hết. Anh buông em ra, anh làm em đau đấy!” Cô
cao giọng, Phi Phi nghe cô bảo đau bèn nhoài tới cạy tay Ngân Xuyên, mấy
đứa bé trai khác cũng xông tới: “Buông cô Phan ra! Buông cô Phan ra!”
Ngân Xuyên ngồi im không nhúc nhích. Mấy đứa bé gái thấy, cũng muốn
cứu cô Phan nhưng không giúp được gì, thế là sốt ruột khóc òa lên.
Ngoài trời đổ mưa lớn, xen lẫn với tiếng sấm chớp. Tài xế và nhân viên
trường học trong buồng lái không nghe thấy tiếng ồn ào, xe cứ lao phăm
phăm trên con đường núi. Cảnh Ninh sợ lũ trẻ va người, bèn vừa giãy giụa
vừa dặn chúng ngồi yên, cố gắng kiềm chế cơn giận mà xin Ngân Xuyên
buông tay. Ngân Xuyên vẫn không chịu buông.
“Chú là ai! Chú buông cô Phan ra đi!” Đám trẻ la hét, những nắm đấm nhỏ
rơi xuống người Ngân Xuyên như mưa. Cảnh Ninh vừa sốt ruột vừa khó
chịu, không biết vì sao còn thấy hơi tức cười. Vừa định năn nỉ thêm lần nữa,
Ngân Xuyên đã chợt lớn tiếng: “Chú là chồng của cô Phan! Cô Phan là vợ
chú!”
Phi Phi đang chuẩn bị há miệng ngoạm tay anh, nghe vậy tức khắc đần ra,
thằng bé ngẩng đầu lên: “Chồng? Vợ?”
Ngân Xuyên chẳng buồn chớp mắt, giải thích như lẽ đương nhiên: “Nếu các
cháu coi cô Phan là mẹ mình thì chú cũng chính là cha các cháu!”
“Mẹ? Cha?!”
Đám trẻ tròn xoe mắt nhìn anh.
Cảnh Ninh run lẩy bẩy, thét lên: “Trịnh Ngân Xuyên, anh là đồ vô liêm sỉ!”
Cô chợt tắt tiếng, hóa ra anh đã ôm cô vào lòng.
Anh run run nói: “Bé Hạt Dẻ, anh rất vui, đây là lần đầu tiên em gọi tên
anh.”
Gương mặt cô áp lên lồng ngực anh, tiếng tim anh đập vang dội bên tai cô,
thứ hương thoang thoảng quen thuộc vấn vít bên chóp mũi, đó là mùi bạch
đàn và cỏ hương lau anh thích nhất.
Từ nhỏ tới lớn cô chưa từng thấy anh lưu manh như vậy. Cảnh Ninh sắp tức
tới phát ngất, cô siết tay nện xuống người anh mấy cái, anh mặc cho cô
đánh, mặt không biến sắc, anh nhìn thẳng về phía trước, ngực áo đã thấm
ướt nước mắt cô, rồi anh ghì chặt cánh tay, ôm siết lấy cô.
Nước mưa chảy xiết trong rãnh nước dưới mái hiên, những đụn mây mỏng
dần, màn trời đêm như tấm phông nền xanh sẫm sau sân khấu, oi bức bị
quét sạch, bầu không khí dính dấp ẩm ướt, từng hơi thở tràn ngập hơi lạnh.
Cảnh Ninh thay quần áo ngủ cho bọn trẻ trong ký túc. Ngân Xuyên đợi
ngoài hành lang, mặt và vai anh ướt đẫm nước mưa nhưng anh chẳng hề
nhận ra. Tiếng sấm vẫn không yếu đi, nhưng cô đã trở lại thế giới của anh,
anh đã có nơi nương tựa. Cái nhìn của anh với vạn vật, tình cảm và xúc giác
của anh đều đã biển đối. Mưa rền gió dữ với anh lúc này cũng chính là sự
bình yên nghìn vàng khó đổi.
Đèn ngủ trong phòng đã tắt, tim Ngân Xuyên đập thình thịch, anh vô thức
tiến về phía trước nhưng cửa phòng còn đang đóng chặt, Cảnh Ninh vẫn
chưa bước ra.
Cây cối trong trường học sum suê rậm rạp, mưa gió tan đi, sương mù phủ
khắp, trời dần sáng. Anh đợi ngoài hành lang một đêm, lòng ngập trong
niềm vui tìm lại được điều mình đánh mất. Đời này gặp được người mình
thật lòng yêu mới khó làm sao, nhưng anh đã gặp được cô, anh thật may
mắn vì đã gặp được cô từ rất sớm. Giờ đây cô đang ở bên anh.
Không yêu chính là không yêu, quay lưng có thể quên ngay được, sấm rền
chớp giật cũng có thể lập tức chấm dứt trong tích tắc.
Yêu chính là yêu, biến thành lửa, cháy thành tro, hóa bướm cũng muốn
được bên nhau.
“Rốt cuộc anh muốn gì?” Cô nói.
Khi trời sắp sáng, cuối cùng cô cũng bước ra. Ngân Xuyên ngồi trong góc
tường sực tỉnh, anh đứng bật dậy. Do đứng lên vội vàng nên mắt anh tối
sầm, anh vịn tường, lúng túng nở nụ cười.
Đường nét mờ ảo của cô dần rõ nét, cao gầy thướt tha, gương mặt vẫn xinh
đẹp như xưa nhưng lại thêm phần tiều tụy, bực bội.
Cảnh Ninh bất lực nhìn Ngân Xuyên, sự xuất hiện của anh đảo lộn tất cả,
như lưỡi rìu nặng nề sắc nhọn, cố chấp xẻ tan những chuyện quá khứ được
niêm phong nơi đáy lòng. Vậy cô sẽ để anh cho cô một lời xác nhận, ít nhất
như vậy cũng giúp cô chắc chắn được một điều, một điều mơ hồ chẳng có
dáng hình, nhưng có lẽ lại vô cùng quan trọng với đời cô.
“Rốt cuộc anh muốn gì?” Cô chất vấn.
Ngân Xuyên dụi mắt, cương quyết nói: “Ninh Ninh, anh muốn ở bên em.”
“Không thể.”
“Anh sẽ bám riết lấy em đến khi em đồng ý mới thôi.”
Cô phát điên: “Vậy sao anh còn bảo đưa em đi gặp Mạnh Tử Chiêu!”
Câu nói ấy đã đánh thức anh, anh lập tức cất lời: “Đúng rồi, em phải đi gặp
cậu ta. Giờ anh sẽ đưa em đi.”
Không biết là may mắn hay bất hạnh, đây quả thực là thời đại tràn ngập
mâu thuẫn và nhiệt huyết.
Người quân tử dễ kết giao mà khó kết thân, gần gũi sự đời nhưng lại ôm
hoài bão riêng, Trịnh Ngân Xuyên trên thương trường vô cùng kiêu ngạo cô
độc, anh có đồng minh lợi ích nhưng không có bạn bè tri kỷ. Nhưng hiện
giờ, tất cả mọi người đều đang giữ mối liên hệ mật thiết nhất với vận mệnh
quốc gia, chung tay giúp nước nhà thoát cơn nguy khốn đã trở thành lựa
chọn và trách nhiệm tất yếu.
Nhà công nghiệp Phạm Húc Đông từng hợp tác với Hiệu buôn Vĩnh Hòa
trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sở hữu một xưởng hóa chất với trình độ tiên
tiến bậc nhất Á Châu tại Nam Kinh. Người Nhật Bản sớm đã nhăm nhe,
nghĩ bao cách cướp mất công xưởng từ tay họ Phạm. Phạm Húc Đông thà
ngọc nát đá tan cũng không chịu để công xưởng rơi vào tay kẻ thù. Sau sự
kiện câu Lư Câu, Phạm Húc Đông lập tức ra chỉ thị cho nhân viên tháo dỡ
máy móc thiết bị, chuyển toàn bộ bản vẽ, vật liệu và mô hình đi, những
thiết bị cỡ lớn không thể mang theo thì phải tháo rời phá hỏng, thậm chí là
ném xuống sông. Máy móc cùng bản vẽ trong công xưởng được bốc lên tàu,
vận chuyển từng phần theo hướng Tây tới Trường Sa và Vũ Hán, quá trình
này đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của Hiệu buôn Vĩnh Hòa nhà họ Trịnh cùng
Hãng thuyền Đại Quân nhà họ Mạnh.
Lần này Ngân Xuyên tới Nam Kinh không chỉ vì chuyện công xưởng của
Phạm Húc Đông. Ngay từ tháng Tư, Ngân Xuyên đã tìm đến Nam Kinh vài
lần để hưởng ứng lời hiệu triệu của chính phủ, anh cùng nhiều nhân vật
trong giới kinh doanh, ngân hàng họp mặt tại thủ đô, thảo luận xem có nên
đồng loạt nhận mua hơn mười triệu “công trái yêu nước” để phục vụ cho an
ninh quân sự hay không. Đây không phải một con số nhỏ, với rất nhiều
những thương nhân cần cù thận trọng, đây chính là bát nước hắt đi không
tìm lại được. Nhưng hiện giờ họ không thể không rút hầu bao. Tổ rơi trứng
cũng chẳng còn, nước sắp mất, dân biết sống sao? Trong hơn chục năm nay
Ngân Xuyên đã làm giàu nhờ kinh doanh, anh bày mưu tính kế, một khi đã
ra tay ắt sẽ có kẻ trầm trồ, điềm nhiên như không hốt núi vàng núi bạc. Đây
là lần đầu tiên trong đời anh không cò kè giá tiền, không có bất cứ toan tính
nào, cứ thế hoàn toàn chấp nhận sự sắp đặt của tình hình vận mệnh quốc gia
với sự nghiệp của bản thân.
Anh gặp Mạnh Tử Chiêu ngay từ lần đầu tới Nam Kinh, dù về cơ bản mục
đích chuyến đi của hai người là giống nhau, nhưng Tử Chiêu tận tay nhận
được thông báo khẩn cấp của chính phủ, cậu không nói rõ Hãng thuyền
Mạnh Quân được giao nhiệm vụ cụ thể gì. Trước kia chia tay, cậu đã cho
Ngân Xuyên hay địa chỉ của mình tại Nam Kinh.
Sau đêm mưa bão, Trịnh Ngân Xuyên đưa Phan Cảnh Ninh đi tìm Mạnh Tử
Chiêu. Còn Mạnh Tử Chiêu đang từng bước tiến về phía điểm kết của đời
mình.
Gió biết, mưa biết, trời biết.
Còn họ lại chẳng hay