Cô Thành Bế

Hồi phục


trước sau

Ngày kế, Văn Ngạn Bác cho gọi hai tay quan viên Ty thiên vào nhà hông mé tây Đại Khánh Điện hỏi đáp, không biết ông đã nói gì với hai người họ mà lúc đi ra, cung nhân ngoài điện thấy vẻ mặt họ kinh sợ, cơ hồ là vắt giò lên cổ mà chạy.

Sau đó, Văn Ngạn Bác lại triệu tập quan viên lưỡng phủ ở đại điện, công bố đơn tường thuật của hai người, chư quan viên ngang hàng vừa đọc đã nổi giận, cao giọng chất vấn, vang dội trong ngoài: “Ngữ chuột nhắt dám vọng ngôn đại sự quốc gia, tội đáng chém sao còn chưa chém?”

Văn Ngạn Bác đáp: “Chém chúng sẽ khiến sự việc lan rộng, trong ngoài lời ra tiếng vào sẽ gây bất an cho trung cung.”

Lúc này chúng tể chấp đã biết thái độ của trung cung, chắc hẳn cũng có hảo cảm với bà, bèn cùng gật đầu nói phải.

Cuộc thương thảo ấy không tránh né người hầu trong điện nên rất nhanh đã truyền tới hậu cung, đương nhiên, cũng rất có thể là tể chấp cố tình làm vậy. Sau đó, họ lại cho gọi quan viên Ty thiên vào điện, ngay trước mặt chúng đô tri và người hầu trong ngoài, Văn Ngạn Bác tuyên bố công khai quyết định xử phạt hai người: “Trước đây triều đình đào sông để nước sông từ sông Thương Đồ Thiền Châu xuyên qua kênh Lục Tháp đổ vào dòng Hoành Lũng cũ. Các anh nói đó là xuyên sông phương chính bắc, khiến thánh thể bất an, vậy giờ làm phiền hai anh trắc lượng xem vị trí của Lục Tháp so với kinh sư có đúng là chính bắc không.”

Đây là mượn danh trắc lượng vị trí cách chức hai người điều ra ngoài. Quan viên Ty thiên nghe mà biến sắc, liên tiếp đánh mắt sang Võ Kế Long, mong y có thể cầu tình thay mình. Võ Kế Long lấy lí do sự vụ thiên văn trong cung còn cần hai vị quan Ty thiên này chủ trì, khẩn xin Văn Ngạn Bác giữ họ lại.

Văn Ngạn Bác hỏi vặn: “Cái chúng muốn dây máu ăn phần chỉ e chẳng riêng gì sự vụ thiên văn thôi đâu, phải không? Chức quan hai tên này thấp nhỏ, vốn không dám can thiệp vào quốc sự mà giờ lại ăn nói vượt quyền như vậy, tất là có người xúi giục.”

Võ Kế Long im bặt không dám đáp lại. Thế là, hai tay quan viên Ty thiên bị trục xuất khỏi kinh sư, điều đi trắc lượng kênh Lục Tháp.

Chuyện Văn Ngạn Bác xử lý việc “mưu nghịch” và quan viên Ty thiên làm người trong cung tấm tắc bảo lạ. Vốn khi trước có vụ gấm đèn lồng, mọi người đều cho rằng ông là người phe Ôn Thành, lại chẳng ngờ ông sẽ bảo vệ trung cung đến thế.

“Cậu nói xem liệu có phải Văn tướng công biết việc hoàng hậu cấm cung nhân hát bài ‘Phấn hồng trong cung nhớ nịnh thần’ nên mới có qua có lại vậy không?” Trương Thừa Chiếu hỏi ta.

Ta không nghĩ đó là nguyên nhân chính. Thực ra tài năng và tác phong hành sự của Văn Ngạn Bác kỳ thực khá giống hoàng hậu. Theo ta lý giải, trước đây ông vãng lai với Trương quý phi là do Trương thị chủ động lấy lòng, huống hồ còn có nhân tố thế giao bên trong, ông cũng không tiện khước từ, nhưng về bản thân hai vị hậu phi này thì hẳn hoàng hậu rộng lượng cơ trí dễ chiếm được sự tán thưởng và tôn trọng của ông hơn. Hai con người trí tuệ tính cách gần nhau thường sẽ cùng chung chí hướng, nhất là khi có bất đồng giới tính xóa nhòa đi quan hệ cạnh tranh.

Mặt khác, ngay từ đầu ông đã chẳng coi chuyện hoàng hậu liên hệ với thái tử tương lai là mưu nghịch, khả năng là bởi chính ông cũng cảm thấy lúc này suy xét về vấn đề thái tử là thỏa đáng, hoàng hậu cũng không làm sai. Sau, trong cung truyền nhau lời đồn rằng thực ra Văn tướng công cũng đang kín đáo chuẩn bị, vốn đã bàn bạc xong xuôi với Phú tướng công, kim thượng mà có gì bất trắc sẽ đưa Thập Tam Đoàn Luyện lên ngôi, thậm chí, ông còn bảo hàn lâm học sĩ thảo sẵn chiếu thư đăng cơ, mang theo bên người, phòng khi bất thường.

Sau nữa, tin đồn này cũng chẳng thể chứng thực, bởi bệnh tình kim thượng rốt cuộc cũng khởi sắc.

Từ khi công chúa bằng lòng ăn cơm, sức khỏe mỗi ngày một tốt lên, không bao lâu đã có thể xuống giường đi lại. Một lần nọ, nàng lưỡng lự mãi rồi thấp thỏm hỏi Miêu thục nghi, nếu bây giờ nàng đi thỉnh an phụ thân thì liệu ngài có ngó lơ mình không.

Vẫn chưa có ai nói cho nàng hay bệnh tình của kim thượng, bởi mọi người đều phải tuân lệnh hoàng đế, cũng sợ tin kim thượng ốm bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến công chúa. Tình hình công chúa khi đó cũng chẳng lấy gì làm tốt đẹp, hơn nữa, bệnh của kim thượng kể ra cũng có chút liên quan tới nàng.

Thấy tinh thần công chúa dần tốt lên, nước mắt Miêu thục nghi nín nhịn hồi lâu rốt cuộc cũng bật ra, nức nở nói cho con gái tình hình của kim thượng.

Công chúa nghe xong vừa khiếp sợ vừa đau lòng, lập tức chạy đến Phúc Ninh Điện thăm phụ thân. Khi ấy kim thượng đang nhắm mắt ngủ, công chúa quỳ gối trước giường bệnh ngài, khe khẽ gọi: “Cha.”

Kim thượng từ từ mở mắt, mơ màng nhìn chằm chằm con gái một lát mới nhận ra, vươn tay về phía nàng, thì thào: “Huy Nhu…”

Hai tay công chúa nắm lấy tay ngài, dịu dàng đáp: “Cha, Huy Nhu ở đây.”

Kim thượng trở tay nắm ngược lại tay con gái, gân xanh trên mu bàn tay khô gầy nổi lên, siết chặt như thể muốn bắt lại điều duy nhất có thể giữ sinh mạng cho mình. Đôi môi khô róc tái nhợt chậm rãi giật giật, ánh mắt ngài nhìn công chúa mơ hồ mà bi thương: “Huy Nhu, cha chỉ có con…”

Công chúa hơi ngửa đầu lên như muốn để nước mắt chảy ngược về tim, lại gắng nén tiếng khóc, cố sức cười với phụ thân: “Cha, hoa ở Quỳnh Lâm Uyển, Nghi Xuân Uyển lại nở rồi, cha mau khỏe lại đi, dẫn con gái đi xem.”

Kể từ đó, hằng ngày, phần lớn thời gian của công chúa đều là ở bên cha, cẩn thận phụng dưỡng ẩm thực sinh hoạt của ngài cùng Thu Hòa và những tần ngự khác. Sau, tâm trạng của kim thượng dần ổn định, nhưng tinh thần trước sau vẫn uể oải, song không còn xảy ra tình trạng thi thoảng lại ngất nữa.

Văn Ngạn Bác và mấy vị chấp chính mỗi ngày đều vào Phúc Ninh Điện, bẩm tấu sự vụ trước giường bệnh khi tinh thần kim thượng thanh tỉnh rõ ràng. Kim thượng nói năng rất trắc trở, đại để chỉ gật đầu.

Văn Ngạn Bác thấy hiệu quả liệu pháp của thái y quá nhỏ, bèn đích thân tham dự vào việc trị liệu chi tiết, nhiều lần nghiên cứu liệu pháp đơn thuốc cùng thái y và hoạn giả Ngự dược viện. Có lần, ông nhợt nhớ tới chuyện Trương tiên sinh châm cứu, sau khi hỏi kỹ quan điểm của Trương tiên sinh về tác động cụ thể của châm cứu đối với bệnh tình kim thượng, ông lại gọi chúng thái y đến, thương thảo với họ tính khả thi nếu tiếp tục sử dụng thuật châm cứu chữa trị cho kim thượng.

Chúng thái y dè dặt tỏ ý châm cứu hẳn là hữu hiệu, song huyệt vị vốn nhỏ, không được sai một ly, cần người tinh thông thuật này hành châm. Họ đùn đẩy lẫn nhau, đều không muốn đứng ra chủ trị, cuối cùng, Trương tiên sinh một lần nữa chủ động nhận việc về mình: “Nếu tướng công tín nhiệm Mậu Tắc, Mậu Tắc ắt sẽ làm hết sức, chỉ mong chúa thượng sớm ngày hồi phục lên triều.”

Sau khi cân nhắc thận trọng, Văn Ngạn Bác chấp nhận lời thỉnh cầu của thầy, nhưng lại gặp phải vấn đề lớn nhất là kim thượng có bằng lòng phối hợp hay không.

Vì thế, Trương tiên sinh cầu kiến công chúa, nhất nhất báo lại tình huống, khẩn cầu nàng thuyết phục kim thượng đồng ý trị liệu.

Bấy giờ, công chúa đã biết việc kim thượng nói hoàng hậu và Trương Mậu Tắc “mưu nghịch”, thế nên rất do dự, cũng không dám chắc có thể thuyết phục được kim thượng. Ta hiểu nỗi lo lắng của nàng, bèn đề nghị: “Mỗi ngày sau mặt trời lặn, quan gia đều sẽ buồn ngủ, tinh thần ngẩn ngơ, không nhận biết rõ được ai với ai. Nếu Trương tiên sinh che mặt vào châm cứu cho ngài lúc ấy, chưa chắc ngài đã biết là thầy. Trong khoảng thời gian đó, công chúa canh giữ bên quan gia, thỉnh thoảng nói đôi câu dỗ dành, hẳn là có thể khuyên ngài chấp nhận trị liệu.”

Việc này bèn tiến
hành như thế. Trước khi Trương tiên sinh vào gác ngủ của kim thượng, công chúa đã nhỏ nhẹ khuyên phụ thân cho phép lương y dân gian nàng tìm về chữa trị, nói người nọ dùng liệu pháp đốt ngải, nhưng cần đâm nhẹ hai kim sau đầu, chỉ như muỗi đốt thôi, sẽ hơi sưng nhưng không quá đau. Kim thượng mơ mơ màng màng, thuận miệng bằng lòng, công chúa bèn gọi Trương tiên sinh vào.

Trương tiên sinh che mặt, quỳ xuống thỉnh an. Sau bận thắt cổ tự tử, giọng thầy vẫn chưa hồi phục, khàn khàn trầm thấp, kim thượng không nghe ra là thầy nhưng thấy thầy che mặt thì tỏ vẻ nghi hoặc.

Công chúa lập tức giải thích với ngài: “Cha, nhiều năm trước người này từng phạm chút tội vặt trong quân doanh, bị phạt thích chữ, trên mặt có sẹo, để tránh cha thấy bất an, con gái đã bảo y che mặt lại.”

Kim thượng gật đầu, nghe theo lời công chúa thỉnh cầu, cúi người nằm sấp, nhắm mắt.

Lúc Trương tiên sinh găm kim vào sau đầu ngài, kim thượng bỗng chấn động, mở to mắt vẻ sợ hãi, thân mình giật giật như muốn xoay người ngồi dậy.

Công chúa kịp thời ghìm ngài xuống, một tay xoa lưng ngài, một tay nắm tay ngài, ôn hòa dỗ dành: “Cha, con gái ở đây, con gái ở đây…”

Dưới sự trấn an của nàng, hô hấp kim thượng dần bình ổn lại, công chúa tiếp tục nhỏ nhẹ: “Không sao đâu, một lúc là ổn thôi, cha sẽ khỏe ngay thôi…”

Trong bầu không khí yên bình do giọng công chúa tạo nên, kim thượng một lần nữa nhắm hai mắt lại, yên lặng nằm sấp, phối hợp với liệu pháp của Trương tiên sinh với trạng thái tốt nhất mà một bệnh nhân có thể biểu hiện.

Sau đó, thời gian như ngừng lại trong gác ngủ, gần như tất cả mọi người đều duy trì tư thế bất động, bao gồm cả hoàng đế trên giường bệnh và người hầu hạ ngài, cùng với tể chấp và hoàng hậu ngồi cách đó không xa ngoài bức rèm châu. Sóng mắt người xem đều tập trung hết lên kim thượng, chỉ có ánh sáng loe lóe của mũi châm trong tay Trương tiên sinh và động tác tay lên xuống của thầy là còn lưu động trong không gian thinh lặng này.

Sau khi rút cây kim cuối cùng ra, Trương tiên sinh lùi ra phía sau, ra hiệu cho công chúa đỡ kim thượng xoay người nằm ngửa lại, kim thượng lại mở mắt trong khoảnh khắc, tự mình chống người ngồi dậy.

Mơ màng ban đầu trong mắt đã tiêu biến, hai mắt ngài trông rõ sáng trong, rất có thần thái. Sau một lượt nhìn quanh sự vật trong phòng, ngài mỉm cười nói với công chúa: “Tỉnh táo ra thật.”

Ý câu này chỉ tai mắt rõ ràng, đầu óc minh mẫn. Người trong ngoài rèm châu nghe vậy đều mừng rỡ ra mặt, sôi nổi hạ bái chúc mừng, chỉ duy Trương tiên sinh không nói một lời, thừa dịp mọi người nói cười lặng lẽ lui ra ngoài.

Hôm kế, thánh thể kim thượng an khang, đứng dậy đi lại thậm chí còn không cần người đỡ. Tể chấp vào yết kiến, ngài cũng có thể ung dung mở miệng ứng đối, cơn bệnh nặng kéo dài suốt bao ngày nay như thuyên giảm được phân nửa.

Vài ngày sau, công chúa vẫn phụng dưỡng bên phụ thân. Một buổi sớm nọ, kim thượng uống xong bát thuốc công chúa dâng, đột nhiên hỏi nàng: “Tay lương y chịu hình thích mặt chữa khỏi bệnh cho cha ngày đó đi đâu rồi? Có thể triệu đến được không, cha muốn thưởng cho hắn vài thứ.”

Công chúa chần chừ, đáp: “Hiện giờ y đã không còn trong cung…”

“Ồ, thế y ở đâu?” Kim thượng truy vấn, lại nói: “Bất kể y ở đâu cũng phải tìm bằng được. Lập được công lớn như vậy, không thể lười biếng coi khinh y được.”

“Dạ…” Công chúa ưng thuận, nhưng có lẽ là đang nghĩ xem phải ứng phó với yêu cầu này của phụ thân thế nào, vẻ mặt nàng không được tự nhiên cho lắm.

Kim thượng vẫn quan sát nàng đó giờ, không khỏi mỉm cười: “Người ấy là Mậu Tắc đúng không?”

Công chúa kinh ngạc, nhất thời không biết phải trả lời sao. Mà kim thượng cũng chẳng phải thực sự chờ đợi đáp án của nàng, tự mình nói tiếp: “Lúc hắn găm kim vào sau đầu cha, cha đã ý thức ngay ra được người châm cứu là hắn, bởi cha mãi mãi sẽ không bao giờ quên cảm giác bị kim đâm vào cùng một huyệt vị. Cha rất sợ hãi, suýt nữa lại muốn vùng dậy kháng cự, thế nhưng, Huy Nhu, con nói với cha con đang ở bên cha… Con là con gái duy nhất của cha, con nhất định sẽ không hại cha con… Nghĩ tới đó, cha lại an lòng…”

Nói đến đây, ngài lại cười cười như tự giễu, nói: “Thực ra, khi ấy cha còn có một nghi vấn nữa mà bây giờ nghĩ lại cảm thấy rất buồn cười: Lỡ như con theo Trương Mậu Tắc hại cha thì sao? Sau lại nghĩ, nếu đến con cũng muốn hại cha thì cha sống trên đời còn có nghĩa lí gì? Là tốt hay xấu hà tất phải tiếp tục xen vào, chẳng bằng mặc các con thao túng cho rồi. Thế nên, cuối cùng cha hoàn toàn không phản kháng…”

Ngài nói những lời này vẫn một mực mỉm cười, nhưng công chúa nghe vào lại rất bức bối, không khỏi cất tiếng gọi “Cha” như muốn giải thích điều gì, kim thượng đặt ngón tay lên môi ra hiệu nàng đừng nói, cười bảo: “Không phải nói gì hết, điều con muốn nói, cha đã biết cả rồi.”

Công chúa dựa sát vào phụ thân, ôm lấy cánh tay phải của ngài, nhoẻn một nụ cười điềm tĩnh, tựa đầu lên vai ngài.

Kim thượng cũng ngậm cười an hưởng giờ khắc an bình này, lát sau, ngài nghiêng đầu liếc ta, ôn hòa phân phó: “Hoài Cát, ngươi đi mời Mậu Tắc qua đây.”

Đợi Trương tiên sinh tiến vào, kim thượng nói với thầy: “Ngạn Bác khen với trẫm chuyện ngươi phụng dưỡng trông dìu trong lúc trẫm mê ốm, mà ngươi còn dùng kim châm chữa khỏi cơn trọng bệnh này, theo lý trẫm phải luận công ban thưởng. Nay thăng ngươi làm nhập nội nội thị tỉnh áp ban, về sau hầu hạ bên người trẫm khi bách quan vào điện gác yết kiến hoàng đế, quản lý sự vụ, có thể lên điện bẩm tấu…”

Ngài còn chưa dứt lời, Trương tiên sinh đã khấu đầu bái lạy, nói: “Bệ hạ, phụng dưỡng trông dìu là trách nhiệm bổn phận của thần, chưa được bệ hạ cho phép đã châm cứu thì lại là trọng tội phạm thượng, bệ hạ nhân từ rộng lượng, không truy cứu tội lỗi của thần, thần đã cảm động đến rơi nước mắt rồi, sao dám tranh công xin thưởng, yên lòng kề cạnh! Thần vào hầu thiên gia đã hơn ba mươi năm, chẳng làm nên trò trống gì mà vẫn được hưởng ơn nước sâu nặng, liên tiếp thăng chức, thật xấu hổ lắm thay. Thế nên, thần khẩn cầu bệ hạ bổ thần ra ngoài, cho thần một chức ngoại quan mọn, điều khỏi kinh sư. Thần chịu hưởng thánh ân, chắc chắn sẽ kính cẩn tận trung với cương vị quận ngoài, gắng vì quân vương phân ưu được chút nào hay chút ấy.”

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện