Con Gái Gian Thần

Chương 113: Người qua đường giáp trịnh diễm


trước sau

DÙ VÔ TÌNH HAY CỐ Ý THÌ TỪ THIẾU QUÂN CŨNG LÀ GIAN XẢO TRỜI SINH, ĐÚNG KHÔNG?

Trịnh An Quốc tới, cũng như Từ Lương, mang cả nhà theo cùng, Trịnh Tĩnh Nghiệp để Trịnh Văn Bác chạy đến trạm dịch đón cha.

Trịnh Văn Bác đã thành thiếu niên, là người có tính ôn hòa, nhẹ nhàng. Gặp cha mẹ, em trai em gái, mẹ cậu nhìn chằm chằm vào con trai. Trịnh An Quốc đẩy Vương thị: “Con trai mình mà cũng không nhận ra sao?” Vương thị sụt sịt: “Có ông mới không nhận ra! Con ta, lúc nào cũng nhận ra!” Đưa tay kéo Trịnh Văn Bác đang quỳ dưới đất đứng dậy.

Trịnh Văn Bác muốn nhào vào lòng mẹ, có điều phải quỳ, đây mới đúng là hình ảnh của mẹ con xa nhau lâu ngày gặp lại! Không ngờ Vương thị lại kéo cậu vào lòng, mặt mũi lập tức đỏ ửng. Vương thị cũng không để ý, kéo con tới xoa xoa, tóc tai, mặt mũi, cổ, ngón tay…

Trịnh An Quốc tằng hắng bên cạnh: “Sau này còn gặp nhiều, đầu tiên để bọn Nhị lang được gặp anh cả đã, bao lâu không gặp rồi?”

Vương thị nói: “Đúng đúng! Đại lang còn nhận ra tụi Nhị lang không con?” Sau đó kéo tới giới thiệu cho Trịnh Văn Bác. Trịnh Văn Bác cười nói: “Mẹ còn nhận được con, đương nhiên con cũng nhận ra được các em.” Lần lượt chỉ ra, khiến tụi em rất vui.

Anh chị em nhà cậu đều cùng một mẹ, chênh tuổi nên dễ nhận ra qua chiều cao, hơn nữa mọi người đều có những đặc điểm bề ngoài. Nhị đệ Trịnh Văn Uyên thì mập, Tam đệ Trịnh Văn Kỳ có tai vểnh. Vẻ ngoài ba cô em gái không có thay đổi gì đặc biệt, chiều cao theo thứ tự. Đại muội Trịnh Duyệt năm nay mười ba, tuy tướng mạo trung bình, nhưng có hàng lông mày rất đẹp, không cần tô vẽ, đẹp tự nhiên. Nhị muội Trịnh Di có nốt ruồi son ngay chính giữa chân mày, rất dễ nhận ra. Tam muội Trịnh Duy năm nay vừa bảy tuổi, xinh xắn nhất trong ba chị em, có nốt ruồi mỹ nhân dưới cằm.

Trịnh An Quốc mừng rỡ nói: “Cả nhà hòa thuận, thế mới tốt. Được rồi, để mẹ và các em con đi nghỉ đi, ta có điều muốn hỏi.”

Vương thị mang các con đi xuống.

Trịnh An Quốc hỏi Trịnh Văn Bác: “Thằng con Từ Lương ở kinh thành có an phậm không?”

Trịnh Văn Bác đáp: “Vẫn rất ổn.”

Trịnh An Quốc cười lạnh: “Thấy nó làm loạn cả nhà, thằng ranh Từ Liệt vẫn còn cái bộ nửa sống nửa chết sao?”

“Từ khi Từ thúc phụ vào kinh, câu ta cũng có khá hơn nhiều.”

“Thằng lỏi đó thiếu được dạy dỗ! Thấy cứng cáp rồi liền muốn lên chức cao sao?”

Trịnh Văn Bác nghĩ bụng, điều này thì cha sai rồi, trước đây cậu ta cảm thấy lưng mình có chỗ dựa vững chắc, muốn làm chức cao, không thức thời nên như đổ dầu vào lửa. Cậu cũng không thích Từ Liệt, phong tục khi ấy, con người không được quên gốc gác, cha mình được người ta giúp đỡ, bản thân cũng được người ta che chở, thế mà tên nhóc con nhà ngươi lại vong ân bội nghĩa, chả phải thứ gì hay ho. Xuất thân của Trịnh Văn Bác và Từ Liệt giống nhau, đáng ra là bạn tốt, cuối cùng chỉ có Trịnh Văn Bác và Trương Lượng trở nên thân thiết với nhau.

“Cậu ta cũng đã ngoan ngoãn hơn, đó là thật, Từ thúc phụ cũng là người hiểu biết.”

“Từ Lương mà biết cái gì?” Trịnh An Quốc không khách khí chỉ trích, “Làm cha mà không dạy nổi con thì đúng là thất bại. Năm đó Tướng công từng nói, thà để con cái ngu dốt một chút, cũng không thể dạy sai, có cái có thể dạy, có cái không. Vẽ hổ không thành lại ra chó, cái không thể học thì lại học. Con nhìn các binh sĩ tướng phủ, rồi xem Từ Liệt đi, không rõ sao? Lúc Đại lang chưa làm nên chuyện gì, tính cách hơi bảo thủ, nhưng con người đáng mến không phạm quy củ, dù bọn khác ghen tức nói thế nào, cũng không thể bảo Đại lang có gì không tốt. Còn thằng ranh Từ Liệt, mặt dài trắng trẻo bộ dáng thông minh, nhưng con xem sau này ai dám dùng nó, có dùng thì cũng phải đề phòng. Từ Lương không dạy con, không có bản lĩnh làm lớn, thì đừng gây chuyện. Tướng công chính là Tướng công!”

(*) Hình như Đại lang này là Trịnh Tú (?), nhưng cũng có thể là Trịnh Văn Bác.

Trịnh Văn Bác nở nụ cười, cha cậu lúc nào cũng vậy, hễ nói là sẽ gọi Tướng công mãi: “Hai vị tiểu nương tử Từ gia rất thân thiết với Thất nương.”

Trịnh An Quốc hừ mũi: “Xảo quyệt! Tướng công không mắc lừa đâu!”

Giọng điệu này, chua khiếp! Trịnh Văn Bác tiếp: “Con trai Từ gia cũng có qua lại với các lang quân. Chỉ là tính tình Từ Liệt hơi cao ngạo, nhưng cũng không có ý xấu.”

“Vong ân phụ nghĩa, nói chung cũng không phải người tốt. Không nói tới tên súc sinh đó nữa, con vừa nhắc tới Thất nương, muội ấy vẫn khỏe chứ? Tướng công có mấy người con, chỉ có muội ấy là nhỏ nhất, ta ít được gặp. Mấy tháng trước có gặp một lần, rất giống Tướng công, Trì lang thì sao? Có khỏe không?”

“Đều khỏe cả. Trì lang được phái đến phụ giúp Hồng Lư tự, làm chung với Lý Thần Sách.”

Trịnh An Quốc lại hỏi kỹ về tình hình cả nhà lão ân chủ, biết mọi người đều khỏe cả mới chuyển sang tình hình trong kinh: “Lần thuyên chuyển này, có lẽ vì lập tân trữ, con ở kinh thành có nhận thấy điều gì dị thường không?”

Trịnh Văn Bác cẩn thận ngẫm lại: “Lần này, Tướng công điều không ít người vào quân đội, cả Lục lang cũng được đưa đến Ngự lâm.”

“Chuyện này ta cũng biết, điều ở kinh cả.” Muốn duy trì ổn định sao?

Hai cha con cùng nói chuyện với nhau một chập nữa, mãi đến Vương thị đến giục: “Còn trách ta, chính ông cũng chuyện trò lâu thế, ăn cơm trước đã, có chuyện gì cơm nước xong hãy nói tiếp.”

Cả nhà Trịnh Văn Bác đi ăn cơm, kế thừa phong cách của Trịnh Tĩnh Nghiệp, mọi người vừa ăn vừa nói chuyện. Trịnh An Quốc hỏi Vương thị: “Quà quê tặng lên cho Tướng công đã chuẩn bị ổn thỏa cả chưa? Thất nương sắp làm đám cưới, có để làm một phần để tặng không? Sang năm tới, Ngũ nương cũng sắp sinh…”

Vương thị cắn đũa: “Ông hỏi lần thứ tám trăm rồi đấy, đều đầy đủ cả. Sau khi sắp xếp xong ta đã kiểm tra lại, trên đường bị thất thoát hư hỏng cũng thay thế rồi.”

Ăn xong một bữa, Trịnh An Quốc lại dặn dò các con: “Nhất định phải cung kính.” Từ nhỏ bị cha tẩy não vậy đã thành thói quen, lịch sử đau thương của nhà họ đã được Trịnh An Quốc kể suốt mười mấy năm nay.

Trịnh An Quốc, là thư đồng đầu tiên của Trịnh Tĩnh Nghiệp, lớn hơn anh cả của Trịnh Diễm – Trịnh Tú, mấy tuổi, từ khi được Trịnh Tĩnh Nghiệp mua về, lớn lên ở Trịnh gia. Lúc ấy ông bảy tuổi, bộ dạng không phải xinh xắn đẹp đẽ gì, bình thường mà thôi, trong nhà không cố nổi, bị mẹ ghẻ mang bán. Lúc ấy Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng chẳng có tiền, mẹ ghẻ của Trịnh An Quốc lại đòi giá cao, bộ dạng Trịnh An Quốc xấu xí, nói đơn giản là, không tới giá đó.

Cứ tưởng chuyện đến đấy là xong, Trịnh Tĩnh Nghiệp không phải người tốt, cũng chẳng có vốn liếng đâu mà làm người lương thiện. Tuy rằng van xin năn nỉ mãi mới được làm học trò Quý Phồn, nhờ đó mà công việc cũng ổn thỏa hơn, vẫn có thu nhập, nhưng ông còn phải kết hôn, sinh con, nuôi vợ, chăm sóc mẹ già, dù cần một thư đồng thì Trịnh An Quốc cũng không nằm trong tiêu chuẩn của ông. Nhưng lúc đó mẹ ông còn sống, Trịnh mẹ, Hà thị là một người rất tốt bụng nghe nói thấy Trịnh An Quốc rất đáng thương – lúc này tên ông không phảiTrịnh An Quốc – thương cảm hỏi con trai, có thể giữ cậu bé đáng thương này không.

Trịnh Tĩnh Nghiệp bất đắc dĩ, đành phải bỏ gấp hai lần tiền mua Trịnh An Quốc về. Trịnh An Quốc nơm nớp lo sợ, không ngờ Trịnh Tĩnh Nghiệp lại bảo vợ tìm quần áo, sắp xếp phòng ở, còn lấy sách dạy chữ cho. Trịnh An Quốc hoang mang, Trịnh Tĩnh Nghiệp hung dữ nói một câu: “Mua thì đã mua rồi, phải nuôi cho đàng hoàng, không được để ta mất mặt, biết không?”

Trịnh An Quốc còn ngây ngô hỏi lại: “Vì không mua, nên mới không nuôi đàng hoàng phải không ạ?” Chẳng hạn như người cha ruột của ông. Trịnh Tĩnh Nghiệp: “…” Chả trách mẹ ông nhất định bắt ông mua về, căn bản vì lối tư duy y như mẹ ông vậy.

Lần đầu tiên Trịnh Tĩnh Nghiệp làm chủ người ta, chẳng sai khiến gì nhiều, Hà thị là người hiền lành. Thật ra Đỗ thị thoải mái hơn, nhưng với một đứa bé bảy tuổi, mua về làm thư đồng, phải dùng thế nào, là một vấn đề lớn, đành ném cho Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Trịnh An Quốc hạnh phúc, Trịnh Tĩnh Nghiệp xem ông như con nuôi, cha ruột không cho đi học, sau khi nghe lời vợ thì bắt mang đi bán. Ở Trịnh gia tuy phải làm việc vặt, nhưng dạy dỗ căn bản thì không thiếu, sau này có Trịnh Tú, ngoại trừ khi còn bú tí được săn sóc chu đáo (trong nhà lúc đó nhà có ba phụ nữ (gồm Đỗ thị, mẹ Đỗ thị, mẹ Trịnh Tĩnh Nghiệp)), lớn hơn một chút thì không còn được chăm nom đầy đủ vậy nữa. Có thể nói, Trịnh An Quốc cũng giống Vu Nguyên Tề, dung nhập thành người Trịnh thị. Thậm chí bản thân Trịnh An Quốc không phải họ Trịnh, ông chủ động xin sửa họ, tên được Trịnh Tĩnh Nghiệp đặt cho. Hà thị mất, ông lén mặc áo tang đi theo, Trịnh Tĩnh Nghiệp biết cũng không nói gì, coi như ngầm cho phép.

Sau này, Trịnh An Quốc nằm mơ cũng không ngờ, Trịnh Tĩnh Nghiệp lại rảnh rỗi sửa hộ tịch cho, để ông được ra làm quan, nay làm tới Thái bộc, một trong Cửu khanh.

Thế giới tình cảm của Trịnh An Quốc chỉ quy về một mối: phụng dưỡng Trịnh Tĩnh Nghiệp như cha, chỉ đông thì không dám đi tây, bảo không được thua kém thì sẽ không nhụt chí. HẾT.

Mục tiêu sống của Trịnh An Quốc chỉ có hai điều: Một, nghe lời Trịnh cha, đi theo Trịnh cha; Hai, xây dựng gia đình nhỏ thật tốt. Đúng là một Trịnh đảng đáng tin đến không thể đáng tin hơn, có thể nhìn ra từ việc con cái được dạy dỗ thế nào. Con trai ông, bạn trẻ Trịnh Văn Bác, vào kinh đưa tới chỗ Trịnh cha, dù ở tuổi nổi loạn cũng không hề có dấu hiệu hai lòng phản Trịnh, hoàn toàn không giống thế giới quan của con trai Từ Lương.

Nói thế không phải có ý bảo Từ Lương không đáng tin, nhưng mà đáng tin của Trịnh An Quốc không giống cái đáng tin của Từ Lương, chẳng hạn Trịnh An Quốc bỏ họ gốc, đi theo Trịnh Tĩnh Nghiệp, còn Từ Lương vẫn họ Từ. Hai người đều xuất thân là nô tài Trịnh gia, thế mà Từ Lương được lên chức nhanh hơn Trịnh An Quốc, sự khác biệt nho nhỏ trong chuyện này, có ý nghĩa thật sâu xa.

Chẳng những Trịnh An Quốc một lòng nhiệt huyết hướng về Trịnh cha mà còn dạy con rất ngoan. Từ Lương cũng khá trung thành với Trịnh Tĩnh Nghiệp, nhưng trong việc giáo dục con cái, khụ khụ, đúng là không giống Trịnh An Quốc. Đương nhiên bạn có thể bảo Trịnh An Quốc ‘bản chất làm nô ăn sâu vào máu’, nhưng không thể không nói, cả hai gần như là người nhà, nhưng trong lòng Trịnh Tĩnh Nghiệp có phân cao thấp riêng.

Bạn trẻ Từ Liệt thà chết không chịu khuất phục, tự chuyển ra ngoài ở, khi cậu chuyển đi thì anh bạn Trịnh Văn Bác sắp tới tuổi trưởng thành được Trịnh Tĩnh Nghiệp đích thân dạy dỗ, Trương Lượng ăn theo được đưa tới nhờ Vu Nguyên Tề chỉ bảo. Thảo nào Từ Lương vừa vào kinh, liền đập thằng con trai ngốc một trận – đời làm gì có thuốc chữa bệnh ngu!

Mùa thu Trịnh An Quốc có về kinh một lần, lần đó là báo cáo công tác Thứ sử. Vì bổ nhiệm, bây giờ lại trở về lần nữa để nhận công tác, mang cả nhà theo cùng. Chỉ vài tháng mà chạy đi chạy lại ba chuyến, càng có nhận thức sâu sắc về sự rộng lớn của lãnh thổ thiên triều.

***

Hôm sau, Trịnh An Quốc vào kinh, đầu tiên phải bệ kiến. Người khác gặp Hoàng đế thì rất kinh sợ, còn đồ ngốc này đứng giữa triều mà tâm trạng rất thoải mái – lão ân tướng đang ngồi trên triều, liếc mắt một cái là được tiếp thêm can đảm. Ở ngự tiền, trả lời trôi chảy, lưu loát. Hoàng đế rất thích tuýp người đơn giản thế này: “Tốt tốt! Khanh làm Thái bộc, cũng giống ở Dự Châu vậy, ta rất yên tâm.”

Trịnh An Quốc thiếu điều vỗ ngực: “Thánh nhân yên tâm, chỉ cần có thể phát huy mười phần sức lực, thần sẽ không ra chín phần rưỡi.” Nói xong cười khờ ra. Hoàng đế cũng không rớ tới nữa.

Trên mặt Trịnh Tĩnh Nghiệp mỉm cười, nhưng trong lòng thì đen mặt chảy nước mắt, quả nhiên, dù bao nhiêu năm trôi qua, ngốc vẫn hoàn ngốc.

Từ Lương vào kinh, dành thời gian dạy dỗ con cái, Trịnh An Quốc vào kinh thì được Trịnh Tĩnh Nghiệp dành thời giờ giáo huấn. Vì dạy dỗ tên ngốc này, Trịnh Tĩnh Nghiệp giảm tụ tập kết bè đảng, cố ý để thời gian nói chuyện với Trịnh An Quốc. Trịnh An Quốc không ngốc, ngốc thì đã bị Trịnh Tĩnh Nghiệp loại hết rồi, nếu ngốc thì chẳng thể làm nhậm chức Thứ sử một châu trong khoảng thời gian dài như thế.

Mã nghênh ở cửa chính tiến lên đón: “Tướng công, Trịnh Thái bộc phu nhân đã đưa tiểu lang quân tiểu nương tử tới rồi.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp gật đầu: “Đã biết.”

Trịnh An Quốc nghe vợ con đều đã tới, cũng thấy hài lòng, lại còn lên tiếng chào hỏi mã nghênh.

Vào thư phòng, Trịnh An Quốc vẫn một phong cách như trước, dập đầu bái lạy, đầu chạm trên thảm mà còn vang tiếng rất lớn. Trịnh Tĩnh Nghiệp gặp ông, trong lòng cũng rất vui: “Còn không mau đứng lên, muốn nằm trên đất ấp trứng sao?”

Trịnh An Quốc già thế rồi mà lại khóc òa lên: “Tướng công, con muốn chết, cuối cùng cũng có thể ở chung một chỗ với Tướng công rồi.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp khinh bỉ ném cho một cái khăn tay: “Lau đi.”

“Vâng.”

“Ngồi đi.”

“Vâng.”

“Dọc đường có ổn cả không?”

“Ổn cả, chỉ hơi lạnh thôi. Có tuyết rơi nhẹ, sang năm sẽ được mùa lắm.”

“Bây giờ con đã nhận chức Thái Bộc, lúc trước Lục lang cũng làm ở Thái bộc, biết chút nội tình, lát nước ta sẽ gọi nó vào nói chuyện với con.”

“Vâng.”

“Có mang hết gia quyến theo không?”

“Dạ, có bà nhà với mấy đứa con.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Cùng ăn bữa cơm đi.”

“Vâng! Vâng!” Trịnh An Quốc đáp liền.

Vừa đúng lúc, Đỗ thị cho A Thành tới hỏi: “Phu nhân hỏi muốn trò chuyện tới lúc nào, đang muốn cùng dùng bữa đấy ạ.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp cười nói: “Vừa khéo! Bên phu nhân ổn cả chứ?”

A Thành cũng cười theo: “Trò chuyện ăn ý lắm, Thất nương nhà ta còn bắt các tiểu nương tử gọi mình là cô cô nữa kìa.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp vui vẻ nói với Trịnh An Quốc: “Phải thế mới được chứ.”

Dọc đường, Trịnh Tĩnh Nghiệp hỏi A Thành tình hình bên phu nhân. A Thành cũng theo đó mà báo cáo lại từng việc lớn nhỏ.

Trước đó Đỗ thị đã báo Trịnh Diễm để trống ngày này, ở nhà để gặp gia đình Trịnh An Quốc, đương nhiên hôm nay già trẻ lớn bé của Trịnh gia đều tập trung đông đủ – ngoại trừ Trì Tu Chi ‘chưa qua cửa’.

Vợ của Trịnh An Quốc, Vương thị là một người không có vẻ ngoài xuất chúng gì, theo lời Đỗ thị, trong chuyện này có nguyên do. Mẹ kế của Trịnh An Quốc rất đẹp, khiến cha ông mê đắm quên cả đường đi lối về, đến nỗi mang con đi bán. Từ đó về sau có bóng ma tâm lý với người dẹp, lúc cưới vợ thì Trịnh Tĩnh Nghiệp đã chuẩn bị cho ôngmột chức quan, cũng có nói, thiếu nữ xinh đẹp con nhà giàu nào đó thì đừng nghĩ tới, nhưng nếu coi trọng con gái nhà ai thì Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn có thể giúp một tay. Trịnh An Quốc sống chết không chịu cưới người đẹp, cuối cùng lấy con gái nhà nông trung hậu hiền lành.

Cũng là phúc phận của Vương thị, Trịnh An Quốc một đường theo Tướng công nhà mình lên làm quan, mãi đến khi làm Thứ sử một châu, quan lớn một phương. Vương thị cũng theo đó trở thành Cáo mệnh phu nhân, đúng là vận số, không ngăn được.

Vương thị mặc bộ áo dài màu da sóc, trên đầu cài châu ngọc, không giống giàu xổi nhưng vẫn có chút dáng vẻ bà chủ. Đầu tiên mang con tới khấu đầu, Đỗ thị cho bà ngồi, nhưng bà không dám ngồi đối kiện Đỗ thị, đến khi A Thành đỡ ngồi lên sạp.

Các con bà, ngoại trừ Trịnh Văn Bác đều có mặt đủ cả. Trịnh Văn Bác theo cha đi làm, cha cậu đi gặp vua, cậu có thời gian nghỉ, ở ngoài cung Đại Chính chờ đón cha mình.

Các bà bác thường thích mấy nhóc mập, Đỗ thị vừa thấy Trịnh Văn Uyên tròn trĩnh thì cưng lắm: “Ôi, đến ta xem nào, đây là Nhị lang phải không? Tướng có phúc quá. Nhìn cái tướng này này, sau này lớn lên chắc chắn sẽ rất oai phong!” Nói đến mức tiểu mập mạp phát ngượng, mặt đỏ như trái táo (Đây là tả thực, cái đầu của nhóc này trông như trái táo), bị Vương thị giục mới ngượng nghịu tới để Đỗ thị ngắt véo một hồi. Đỗ thị ôm cậu không buông, nói mãi không ngừng: “Ngoan quá ngoan quá.” Nói xong lại còn vươn tay tới túm lông viền trên cổ áo Trịnh Văn Uyên, sờ sờ.

Mặt Trịnh Diễm tái mét: Mẹ, đừng để Tam lang chờ lâu.”

Trịnh Văn Kỳ vẫn còn chờ được tiếp kiến, ngày thường cậu vui vẻ, cặp tai vểnh kia càng gợi cảm tình, Đỗ thị cười toe toét, nói với Vương thị: “Ta thấy mấy đứa con nhà con đều rất có phúc.”

Vương thị đáp: “Ngài nói có phúc thì chính là có.”

Đỗ thị mỗi tay ôm một đứa, ôm con nhà người ta mãi không chịu buông, mắt nhìn ba chị em Trịnh Duyệt. Vương thị chỉ tay vào các con giới thiệu: “Đây là Đại nha đầu, đầy là Nhị nha đầu, đây là Tam nha đầu.” Ba cô bé đều cùng bước tới dập đầu.

Trịnh Diễm chạy xuống kéo lên, nói với Đỗ thị: “Tiếc quá, mẹ chỉ có hai cái tay, không kéo hết.” Đây không phải vì bị giáo trình làm thục nữ áp bức nên muốn bùng nổ, ra vẻ giễu cợt, mà quả thật thực lòng thích ba cô bé này. Kéo lại giữ rịt không chịu thả.

Đỗ thị cũng trêu, gần đây ép con gái quá nên cũng thoải mái hơn: “Con cũng chỉ có hai tay, có bản lĩnh thì kéo hết đi.”

Triệu thị mím môi nhìn mẹ chồng và em chồng đấu võ mồm, định tới giải vây thì thấy Trịnh Diễm kéo người này lại kéo người kia, đi tới dắt tay Trịnh Duyệt: “Không phải đã xong rồi sao?”

Đỗ thị nói: “Thôi ngồi cả đi, Tam nương và Thất nương chào hỏi các tiểu nương tử nhé.” Vương thị liên tục bảo không dám: “Sao lại bảo là chào hỏi được ạ.” Đỗ thị nói: “Sao lại không thể? Để tụi nó chơi với nhau đi, ăn ý thế mà.”

Không cần biết có dung mạo như tiên hay không, còn nhỏ thì vẫn là con nít, rất đáng yêu, Đỗ thị càng thích. Chuyện này cũng có liên quan đến xuất thân, Đỗ thị, ngày trẻ thuộc tầng lớp dân thường, tiếp xúc với những người chẳng có tướng mạo xuất chúng gì. Sau đó khi gặp gỡ tầng lớp thượng lưu, nhất là thế gia, đã qua bao nhiêu đời cải tạo nòi giống, tỉ lệ trai xinh gái đẹp rất nhiều, nên dù diện mạo bình thường, nhưng trắng trẻo sạch sẽ, lại biết ăn mặc giữ gìn, nhìn thoáng qua là thấy độ xinh đẹp được tăng thêm tám cấp.

Bấy giờ nhìn ba cô con gái của Trịnh An Quốc, trong lòng bỗng trào lên một cảm giác thân thiết: “Rất ngoan, ta cũng thích.”

Vương thị mừng rõ: “Vậy thì tốt quá, vậy thì tốt quá.”

Trịnh Diễm đang trò chuyện với ba cô bé, chị em Trịnh Duyệt gọi Trịnh Diễm là ‘Thất nương’. Trịnh Diễm vỗ tay nói: “Các người tới rồi, chúng ta lại có thêm bạn. Trong kinh có mấy người chơi được đâu, mọi người xấp xỉ tuổi với nhau, sẽ có chuyện để nói thôi. Hai ngày nữa các người sắp xếp ổn thỏa rồi chúng ta sẽ tập trung lại, để mọi người được làm quen nhau. Sẽ ăn ý lắm đây, các người rảnh rỗi cũng có thể tự mời bạn tới chơi, rất tiện.”

Trình Duyệt nói: “Làm phiền Thất nương, chị em chúng ta không quen thuộc với trong kinh, chỉ biết đi theo Thất nương thôi. Có gặp hay không cũng không sao, sắp sang năm mới, Thất nương sẽ bận rất nhiều việc.”

Trịnh Diễm nói: “Năm nay ta đã bận đủ rồi.” Lại hỏi những điều mà ba chị em chứng kiến trên đường đi.

Trịnh Di nói: “Trên đường lạnh lắm, chúng em chỉ ngồi trong xe, cũng không thấy nhiều cảnh lạ, ngày giá rét, cây bên ngoài rụng lá, cỏ hoa cũng héo úa, nhìn xơ xác tiêu điều.”

Trịnh Diễm thở dài: “Đúng là đất trời bao la!”

Trịnh Duy nhỏ tuổi nhất, không hiểu hết những chuyện các chị nói, khi nghe Trịnh Duyệt bảo: “Lúc đó em xuống đi bộ, ở trạm dịch…”

Trịnh Duy nghĩ, nguy rồi, lúc đó là lúc cô bé tò mò nên chạy lung tung, khiến cả nhà đổ đi tìm, vội la lên: “Không phải em cố tình chạy lung tung đâu mà!” Chỉ là thấy con thỏ, nên tò mò thôi. Chớp chớp mắt nhìn Trịnh Diễm, òa khóc.

Trịnh Duyệt buồn cười nhìn em gái, đồ ngốc, ta không nói chuyện này, chính muội tự khai.

Trịnh Diễm thấy thế, sao lại không đoán ra? Dịu dàng hỏi: “Vậy là em có ý làm thế à?” Trịnh Duy gật đầu thật mạnh, lại thấy không đúng, Trịnh Diễm lại nở nụ cười tiếp: “Thế tại sao lại chạy ra ngoài? Bên ngoài lạnh lắm.” Trịnh Duy biết bị nàng dẫn dắt, đành nhỏ giọng thưa: “Tại có con thỏ!”

“Trông nó thế nào?”

“Màu xám”

“Có bắt được không?”

“Không…” Giọng nói rất tủi thân. Lúc trả lởi còn liếc qua các chị, giọng của bé vẫn còn con nít, mềm mại non nớt, Trịnh Diễm nhìn vào đầu bé con, không nhịn được mà vỗ nhẹ.

Trịnh Duyệt bất đắc dĩ liếc qua em gái, nói xin lỗi với Trịnh Diễm: “Muội ấy còn nhỏ, nghe bảo hôm nay có thể nhìn thấy kinh thành, cao hứng đến hơn nữa đêm không ngủ, hôm nay hơi mơ mơ màng màng.” Trịnh Diễm nhìn hai hàng lông mày của Trịnh Duyệt mà hâm mộ: “Đẹp quá đi mất.” Trịnh Duyệt mỉm cười: “Thất nương mới đẹp.” Quách thị ở bên nghe thấy bật cười: “Thất nương khen người ta, là cố tình để được khen lại phải không?”

Trịnh Diễm nói: “Muội nói thật đấy chứ, vừa gặp bọn họ đã cảm giác thân thiết mãi. Mà có thể để người thấy thuận mắt, chính là nhờ dung mạo xinh đẹp. Nhìn lông mày bọn họ có một vẻ dịu dàng, càng thấy thân thiết,” sờ lên mặt mình, thấp giọng nói, “Muội cảm thấy thật kì lạ, sao hai ngày nay mẹ lại răn dạy muội mãi, chẳng lẽ vì càng lớn càng đáng ghét sao?” Quách thị biết rõ chuyện bên trong, ôm bụng nói: “Khoan khoan, muội bớt nói đi, bây giờ ta không thể cười to được, chẳng trách mọi người bảo hễ gặp muội là tâm trạng rất tốt.” Thì ra vừa mở miệng là có thể chọc cười.

Đỗ thị nói với Vương thị: “Để tụi nó cười đến thế, lại là Thất nương bày trò đây,” cất giọng hỏi, “Đang nói gì thế?”

Trịnh Diễm trả lời: “Nói chuyện thôi ạ.”

Tiêu thị đập bàn.

Đỗ thị nói với Trịnh Diễm: “Con đừng bắt nạt người ta. Con nhà người ta ngoan ngoãn là thế, không giống như con, y như khỉ vậy. Nhớ kĩ, con là trưởng bối, không được bày trò đùa giỡn đâu đấy.”

Trịnh Diễm bảo: “Theo lời mẹ thì, bọn họ đã gọi con là… ây da, nên gọi là cô cô chứ nhỉ?”

Đỗ thị gật đầu: “Thế mới được chứ.”

Vương thị đã đứng bật dậy, xua tay liên hồi: “Làm vậy sao được?” Không phải Vương thị bảo Trịnh Diễm không phải trưởng bối. Mà vốn bắt nguồn chủ tớ, là nô bộc cho nhà người ta, để con trẻ gọi chủ nhân bằng gia, nương là tỏ ý tôn kính. Nay gọi ‘cô cô’, tức xem như nửa người nhà rồi, Vương thị không thể ngồi yên.

Đỗ thị quả quyết: “Cứ quyết định vậy đi.” Đánh tay vào nhau ra hiệu, Vương thị bị khí thế ấy khiến
kinh hãi, không dám phản đối nữa. Chuyện cứ thế mà quyết, Đỗ thị lại giục Trịnh Diễm tặng quà gặp mặt, Trịnh Diễm nói: “Vừa hay, ta đang có vài món trang sức mới làm, trang sức của các cháu vẫn mang kiểu dáng ở vùng khác, dù sao thì Dự Châu cũng không hợp thời mới mẻ như trong kinh được.”

Vương thị muốn từ chối thì Trịnh Diễm đã kéo ba cô bé đến chỗ mình. Trịnh Văn Bác đi theo Trịnh Tĩnh Nghiệp, Trịnh An Quốc về nhà, hai người lớn nói chuyện, cậu bị đẩy tới chỗ Đỗ thị, tới nơi, chẳng thấy đám em gái đâu, chỉ có em trai, đầu tóc của hai cậu em bị vần vò đến rối tung, nhìn rất tội nghiệp, Trịnh Văn Bác thấy cũng muốn nhào tới xoa mấy cái.

Vương thị nói: “Con đứng ngây ra đó làm gì?”

Trịnh Văn Bác nghiêm túc bước vào: “Con chào phu nhân, Tướng công đã về, đang nói chuyện với cha ở thư phòng, bảo con tới báo trước phu nhân một tiếng.”

***

Cả nhà Trịnh An Quốc vào kinh, cũng có nhà riêng, dù Hoàng đế không nhớ thì Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng nhắc để ngài cho ông một căn. Trịnh Văn Bác cũng chuyển đi, vốn Trịnh An Quốc muốn để con cả ở lại để tiếp tục hầu hạ Trịnh Tĩnh Nghiệp, nhưng Trịnh Tĩnh Nghiệp lại nói: “Sắp sang năm mới rồi, cả nhà sum họp mới tốt.”

Tháng giêng, các tiểu cô nương đều mặc đồ đỏ. Cô bé nào có thân phận thì đều thích áo đỏ, váy thêu hoa văn vàng lấp lánh, đỏ vàng rực rỡ. Trịnh Diễm lục lại bộ trâm Như ý năm ngoái, ướm lên đầu hồi lâu, buồn bực bảo: “Coi như tóc đã mọc nhiều hơn, nhưng sao vẫn không cài trâm được? Thế này thì bao giờ mới dùng được chứ?” Bộ trâm ấy có N cây, phải cài nguyên bộ, dùng một hai cây thì cũng được, có điều không đúng kiểu.

Vì A Tiếu muốn thử trâm mà làm đầu nàng rối lên, sau đó búi lại: “Bộ trâm này còn rất mới, nếu Thất nương thích thì sau này bỏ vào của hồi môn, xuất giá mang cùng là được mà.”

Trịnh Diễm oán hận: “Ta muốn làm một trâm nhỏ để cài! Cài trong năm nay cơ!”

Cuối cùng tìm được một cây trâm nhỏ hình phượng hoàng và vài cây hình lá cài lên, soi gương, cũng khá rực rỡ.

Cuộc họp mặt chúc tết của Trịnh đảng tổ chức ở Trịnh gia, Trịnh Tĩnh Nghiệp cùng đám đàn em tập trung ở tiền thính, Đỗ thị và các bà vợ ở hậu thính, Trịnh Diễm mời các tiểu cô nương đến hoa thính (cả ba đều là phòng khách, diện tích, quy mô khác nhau). Váy áo đỏ rực, ríu rít cả phòng. Trong phòng đặt vài chậu than lớn, dùng than Ngân Sương loại thượng hạng, không có khói.

Trịnh Diễm giới thiệu chị em Trịnh Duyệt cho mọi người, lại lo bọn họ không chú ý, mang ba người theo cùng, nhất là Trịnh Duy, vì cô bé còn nhỏ quá. Lý Hoàn nương nói: “Thất nương có mới nới cũ, thật là nhẫn tâm,” Lấy tay áo che mặt, “Số thiếp thật là khổ.” Chọc Vu Vi vừa cười vừa vỗ vào lưng: “Lưu manh, đừng dọa các tiểu nương tử chứ.” Cả phòng đều cười.

Trịnh Diễm nói: “Không câu nệ thế mới tốt, mọi người đều đùa cả, nếu giống đang dâng tấu chương thì còn gì hay nữa?”

Đường Ất Tú nói: “Nói đến tấu chương, mọi người có tin trên triều còn náo nhiệt hơn cả chỗ chúng ta không?” Cha của cô ưa hóng chuyện, tính cô cũng hao hao thế, “Nghe cha ta nói, trên triều không có năm nào mà đại thần không đập thẳng vào mặt nhau.”

Các cô bé lại cười hi hi h ha, kể về các tin hay ho, Trịnh Diễm giải thích cho chị em Trịnh Duyệt: “Chuyện thế nào thì nói thế ấy, nhưng ở trên triều có một số việc không đồng quan điểm nên thành ra cãi nhau. Tranh cãi không có kết quả thì quấy lên, có đập hốt bản, cũng có động tay động chân. Như có lần chọn hai người ai đi sứ, thế mà lại tung quyền.” Cuối cùng đều bị Thừa tướng dùng bạo lực trấn áp.

Bỗng Lâm Dung lên tiếng: “Tạp kỹ tới rồi.”

Mọi người cùng kéo nhau đi xem tạp kỹ, các tiểu cô nương nhìn theo dõi ảo thuật biến hóa mà kinh ngạc thốt lên. Trịnh Diễm thì thích xiếc hơn, ảo thuật gì chứ, ở thời đại thông tin đại chúng, được giải thích bí quyết cả rồi. Quay qua thấy Vu Vi nhiệt tình giải thích cho Trịnh Duy: “Cái này ấy hả, chút nữa có thể biến ra con chim đó.”

Lý Hoàn nương và Trịnh Duyệt đang trên đà làm thân, Trịnh Di thì trò chuyện với Từ Hân. Thân phận của Từ Hân và Trịnh Di gần giống nhau, có cảm giác gần gũi, chị em Trịnh Di không đủ xinh đẹp, cũng chẳng có tính cạnh tranh gây hấn, con gái thích tuýp ‘bạn thân’ như thế này nhất. Lý Hoàn nương bỏ bình dấm với Trịnh Duyệt xuống, gọi chị chị em em đến là thân thiết.

Trịnh Diễm nhìn sang chỗ ngồi bên cạnh Từ Hân.

Nhìn sang Từ Thiếu Quân, Trịnh Diễm thở dài, cũng không biết nên làm thế nào, nàng có ý né tránh với Từ Thiếu Quân. Đang suy nghĩ, nhấp một ngụm rượu trái cây. Trịnh phủ không thiếu rượu, nhưng các tiểu cô nương chỉ được uống rượu trái cây, mà lại là li nhỏ, hai ngụm là hết.

Trịnh Duyệt nói chuyện với Lý Hoàn nương: “A Lý hay thật, những chuyện này ta không hề biết, cám ơn đã nói cho ta, sau này ở chung với Thất nương, cũng biết ít nhiều.” Lý Hoàn nương: “…” Rõ ràng mình đang khoe khoang, hòng muốn đối thủ thấy khó mà lui, sao lại thành chỉ bảo cho đối phương thế này?

Trịnh Duyệt tranh thủ nói với Trịnh Diễm: “Thất nương, uống ít thôi, thích vị đó thì cũng nên ăn chút gì lót dạ trước rồi hẵng uống.”

Trịnh Diễm gật đầu: “Đúng là hơi khát, đổi thành trà vậy.” Uống thêm một li trà thì lại muốn đi vệ sinh. Lặng lẽ đứng dậy, Trịnh Duyệt, Lý Hoàn nương cũng đi theo: “Thất nương có chuyện gì thế?”

Trịnh Diễm xua tay: “Ta đi vệ sinh một chút, các cô cũng mấy ngày không gặp rồi, để mọi người không thấy chúng ta thì không hay.” Hai người thấy Trịnh Diễm đã có người đi cùng, lúc này mới thôi.

Nhà vệ sinh không xa, trang trí sang trọng, đặt thêm chậu than, nước ấm để rửa tay. Ra ngoài còn xông hương, đảm bảo không có mùi hôi.

Trịnh Diễm xả xong, chỉnh trang ổn thỏa rồi ra ngoài, thấy Từ Thiếu Quân đang ở dưới hiên. Từ Thiếu Quân toàn thân đỏ thẫm, rất nổi bật. Trịnh Diễm không muốn thấy cũng không được, suy nghĩ một chút, tiến tới bắt chuyện. Nàng không biết Từ gia xảy ra chuyện gì, khiến Từ Thiếu Quân biến mất trong vòng xã giao của các tiểu cô nương một thời gian (chương 77), chỉ là cảm thấy, nếu Từ gia đã đi theo nhà mình, thì tốt nhất Từ gia đừng để xảy ra chuyện gì không hay. Đàn ông thường xem chuyện sau bếp là việc nhỏ, phụ nữ không nghĩ thế, ít ra Trịnh Diễm không vậy. Chẳng hạn cụm từ ‘con dâu phá của’ có thể nói rõ phần nào. Nói chuyện với Từ Thiếu Quân một chút, là điều Trịnh Diễm thấy nên làm.

Thế nên nàng đi ra bắt chuyện: “Sao Tứ nương lại ra ngoài này? Bên ngoài lạnh lắm.”

Từ Thiếu Quân cười khẽ: “Bên trong hơi náo nhiệt, ta ra ngoài hít thở không khí một chút.”

“Năm mới thì phải tưng bừng sôi nổi chứ? Nếu cô thấy ầm ĩ thì cũng không nên ở ngoài này, kẻo bị đông lạnh mất.”

Từ Thiếu Quân tỏ vẻ băn khoăn: “Thất nương ở đây, có nơi nào yên tĩnh chỉ ta với được không?” Lại đưa mắt nhìn Trịnh Diễm.

Trịnh Diễm đưa cô ta tới một phòng bên, Từ Thiếu Quân giúp nàng cởi áo choàng. Trịnh Diễm mời cô ngồi, nhấp một ngụm trà, chỉ qua: “Nếm thử đi, vị trà này không tệ đâu.” Lúc này Từ Thiếu Quân mới bưng lên, khẽ nhấp một ngụm, lại đặt xuống. Cúi đầu, nhìn chằm chằm vào đầu ngón tay mình. Trịnh Diễm càng cảm thấy kì lạ: “Cô sao thế? Không thích náo nhiệt cũng không thích thanh tĩnh sao?” Nói xong lại tới ngồi bên cạnh Từ Thiếu Quân.

Từ Thiếu Quân bất an khẽ nhích người: “Không phải. Chỉ là hơi đa cảm mà thôi, thật là, Thất nương lo lắng như thế, làm ta thấy thật áy náy.”

Trịnh Diễm kéo tay của cô ta: “Cô có gì không vừa lòng thì nói đi, nếu không nói thì ai mà biết được? Cứ giấu trong lòng, rốt cuộc không phải tự làm mình khó chịu sao? Có chuyện gì thế, nói ra sẽ ổn thôi.”

“Hôm nay rất vui, không có gì không vừa lòng cả.”

“… Vậy đừng lộ vẻ đau khổ đó được không?”

Hai hàng nước mắt trong suốt lăn dài trên má Từ Thiếu Quân: “Hôm nay tất cả mọi người đều rất vui vẻ náo nhiệt, nhưng mà ta… càng lớn, càng nghĩ, nếu mẹ ruột vẫn còn, không biết sẽ thế nào. Ta… chưa gặp bao giờ, cũng không biết trông bà thế nào, giọng nói của bà ra sao.”

Trịnh Diễm trầm mặc, nàng nhớ tới Cố Ích Thuần, tìm suốt mười mấy năm, cũng chẳng tìm được mẹ ruột của mình, dần cảm thấy thương cảm, thấy Từ Thiếu Quân thuận mắt hơn: “Đã hỏi cha cô chưa?”

Từ Thiếu Quân lắc đầu: “Phu nhân bán mẹ ta, cha ta cũng không biết bán đi đâu, dẫu muốn tìm cũng chẳng thể nào tìm được.”

Trịnh Diễm nói: “Cô ở bên mẹ nhiều, năn nỉ bà đi, cô đã lớn rồi, chẳng lẽ bà lại làm khó dễ cô,” Từ Thiếu Quân gọi Đồ thị là ‘Phu nhân’? Trịnh Diễm chỉ đành ngầm thừa nhận họ là mẹ con, “Ở nhà cô gọi mẹ mình là phu nhân?”

Như thế cũng chẳng hay ho gì, có lẽ nếu mẹ cô ta là hoa tàn ít bướm, không lượn lờ trước mặt cha cô hô gió gọi mưa, hẳn có thể chứa chấp. Bản thân Đồ thị có con trai, một nô tỳ được mua đi bán lại không làm cho bà có cảm giác bị uy hiếp, chỉ cần không tiếp cận Từ gia, cuộc sống bình ổn sẽ không thành vấn đề. Nay cô lại tỏ ra giận dỗi với bà chủ gia đình thế này, muốn chết sớm thì cứ nói đi.

Từ Thiếu Quân buồn bã nói: “Thất nương thật tốt số, không biết nỗi khổ của con vợ lẽ. Ta cũng không dám nói gì, phu nhân chứa chấp ta lớn tới nhường này, cũng là đủ lắm rồi.”

“Bà ấy ngược đãi cô? Coi cô là nô tỳ, không cho cô gọi mình là mẹ sao?” Trịnh Diễm kinh ngạc.

Từ Thiếu Quân vội vàng lắc đầu: “Không có không có, phu nhân đối xử với ta tốt lắm. Nhưng dù sao vẫn không phải là con ruột, thế nên, không thể sánh bằng Tam nương (Từ Hân).”

Trịnh Diễm rất muốn hộc máu. Không phải nàng không có tình cảm, nhưng cảm thấy chuyện mẹ con chia cắt là bình thường. “Đường do người đi mà thành, chỉ cần cô muốn, dù có khó đến mức nào, hãy cứ bước về trước. Nếu quan hệ tốt với trong ngoài nhà thì cũng đường về sẽ rộng hơn, không phải sao? Bây giờ cô khóc thế thì được cái gì chứ?”

“Thân phận khác biệt, ta nào dám quên. Trước mặt cha, Tam nương nói gì cũng được, nhưng ta rất ngốc, cuối cùng lại chọc giận Tam nương. Nếu ta có thể thành Thất nương thì hay quá, sẽ dám nói chuyện.”

Lời kịch này hơi bị quen tai! Trịnh Diễm nắm tay Từ Thiếu Quân: “Mọi người đều đã trưởng thành, trong nhà sẽ tiến hành nghị hôn, thành thân, lại bắt đầu một cuộc sống mới. Cha cô sẽ không để cô làm thiếp, chắc chắn sẽ làm vợ cả, đích thứ gì đó, đừng nhắc tới nữa. Đến khi ấy, cô muốn tìm mẹ đẻ hay làm gì cũng được, đều rất dễ dàng. Đừng khóc nữa nhé.”

“Không dễ vậy đâu, thiên hạ rộng lớn, nào biết đã bán đi đâu, nhà ai mà có khả năng tìm kiếm khắp nơi vậy chứ. Người ta dễ dàng, chứ nào đến phiên mình. Hơn nữa, dù có người trong sạch cũng sẽ để Tam nương chọn, ta không có con đường được trải sẵn như Tam nương đâu. Cuộc đời này ta sẽ không thể gặp mẹ ruột được nữa.”

“…” Trịnh Diễm càng lúc càng thấy không thể hợp tính, “Tuy cô là thứ xuất, nhưng cũng là con gái Từ gia, phu nhân đã đồng ý cho cô nhập tịch, ấy là đã coi cô như con. Đàn ông tốt trên đời đâu chỉ có một, chẳng lẽ chỉ có một người có thể giúp cô sao? Cần gì phải khóc lóc như thế.”

Từ Thiếu Quân lau nước mắt nói: “Cám ơn Thất nương đã nghe ta lải nhải nhiều như vậy, không làm hỏng tâm tình của người chứ? Ta cũng biết đây là nói vớ vẩn nhưng vẫn không thể kiềm chế suy nghĩ, người mẹ sinh ra mình rốt cuộc đang ở đâu? Sẽ dịu dàng với ta chứ? Lúc phu nhân ôm Tam nương, nếu bà có ở đó, có che chở cho ta hay không?”

Trịnh Diễm nói: “Trước hết đừng lo lắng như vậy nữa, đợi khi nghị hôn rồi sẽ có cơ hội tìm mẹ ruột thôi. A Khánh, múc nước tới đây, mặt cô ấy nhòe nhoẹt cả rồi.” Người không biết sẽ cho rằng bị ta bắt nạt mất.

Về lại chỗ ngồi, nhiều người nhìn qua, Từ Thiếu Quân lại cúi đầu. Vẻ tức giận trên khuôn mặt Từ Hân vẫn chưa nguôi, hỏi: “Muội đi đâu thế?” Từ Thiếu Quân sợ hãi liếc mắt về phía Trịnh Diễm, nàng đỡ lời: “Chúng ta gặp nhau ở ngoài, nên nói chuyện một lát.”

Lý Hoàn nương khẽ nhíu mũi nhìn hai chị em bọn họ, cười đon đả với Trịnh Diễm: “Thất nương đi lâu quá.”

***

Hội họp ngày tết đã hạ màn, Trịnh Diễm hỏi A Tiếu, người ở lại phòng khách ban nãy: “Ta thấy Từ Tam nương có vẻ không vui, rốt cuộc là có chuyện gì vậy?”

“Là tiểu nương tử Lý gia nói với Từ Tam nương rằng, ta thấy em gái cô có vẻ hơi u ám? Thế là Tam nương nổi giận, nói em gái cô ấy trầm ổn, không giống một ít người cứ tíu ta tíu tít, phiền phức.” A Tiêu bắt chước theo giống như đúc.

A Khánh ngạc nhiên nói: “Từ Tam nương bảo vệ em gái mình thật sao?” Chần chờ nhìn qua phía Trịnh Diễm.

Trịnh Diễm nghĩ bụng, nhà chúng ta không có đích thứ cũng chẳng có Tiểu bạch hoa (*), chị không biết những chuyện này là đương nhiên. Nếu không phải ta đọc nhiều tiểu thuyết, sẽ không nhìn ra Từ Thiếu Quân có vấn đề.

(*) Chỉ những người có bề ngoài mỏng manh điềm đạm, xinh đẹp, nhưng trong lòng lại âm hiểm thâm độc, dựa vào vẻ yếu ớt của mình mà được sự cảm thông, yêu thương.

Theo góc độ khoa học mà nói, chỉ cần đã đọc ngàn quyển truyện thì dù là ‘được bẻ’ hay ‘cong tự nhiên’, các hủ nữ có thâm niên nhìn qua là biết.

Tương tự, là đáng thương thật hay tiểu bạch hoa, cũng có thể dễ dàng nhìn ra. Ít tiếp xúc thì không nhận ra, nhưng bạn cứ thử nói chuyện với cô ta thì biết, hễ gặp ai không sánh bằng, nói gì cũng tỏ ra thấp hèn. Trịnh Duyệt rất quan tâm Trịnh Diễm, cũng tỏ vẻ nhún nhường, nhưng không hề làm Trịnh Diễm chán ghét, chỗ khác biệt là ở đâu?

Là từ ánh mắt, ánh mắt của Từ Thiếu Quân luôn mang vẻ u sầu, vẻ sợ hãi, tựa như muốn nói rằng ‘Ta đáng thương lắm, tới hỏi ta bị ai bắt nạt đi’.

Chị hai à, muốn bắt đầu màn trạch đấu phải không?

A Khánh thấy Trịnh Diễm không ngăn cản, tiếp tục kể chuyện cho A Tiếu nghe, lặp lại từ câu từng chữ Từ Thiếu Quân đã nói. A Tiếu thở dài: “Từ Tứ nương này cũng thật đáng thương, tuổi còn nhỏ thế mà, khổ thật. Một tiểu nương tử hiểu chuyện như thế, không biết nhà nào có phúc đây, những người từng trải qua đau khổ rồi sẽ được sống hạnh phúc thôi. Chỉ mong cô bé cũng có thể gặp được nhà tốt, coi như đắng cay trôi qua, ngọt ngào mới tới.

Trịnh Diễm cười nhạt: “Tin cô ta thì đúng là đồ ngốc! Ta sờ vào tay cô ta, nhỏ nhắn mềm mại, có mấy vết chai mỏng, từ vị trí đó là biết do cầm bút đánh đàn để lại, xem mạch đập mặt mày thì thấy cơ thể khỏe mạnh, không bị thua thiệt. Đến gần hơn, huân hương trên người, loại một đồng vàng một lạng. Quần áo trên người vừa vặn, có thể thấy là của chính cô ta. Trang sức trên người hẳn cũng được làm ra cùng chỗ như Từ Hân, có vẻ phân lượng nhẹ hơn một chút, nhưng cũng chẳng có gì khắc khe. Con người không phải cứ ăn no mặc ấm là được, trong lòng phải cảm thấy dễ chịu thoải mái. Luật pháp bổn triều, con do nô tì sinh, phải theo mẹ. Từ phu nhân giữ cô ta, chẳng phải không là ân đức dành cho hay sao? Cô ta lúc nào cũng tỏ vẻ bị bắt nạt, chuyện gì cũng so sánh với Từ Tam nương, còn hôn nhân chưa thành cũng nhất định không chịu thua.”

A Khánh A Tiếu trợn mặt há hốc, Trịnh Diễm cười hỏi: “Sao các chị không nghĩ đi, cô ta dựa vào gì mà lại nói chuyện xấu trong nhà với người ngoài như thế?! Giấu cho kĩ còn chưa xong! Ta và cô ta thân thiết sao? Các chị nghe xong có cảm thấy cô ta rất đáng thương, muốn ra mặt giúp phải không? Muốn cô ta được gả cho người tốt, tốt nhất là phải tuyệt vời hơn nhà chồng Từ Hân gặp một trăm lần? Nếu ta cũng nghĩ vậy, nóng đầu, đi tìm Từ thị lang nói chuyện, hoặc đi làm mai rồi, không phải sao?”

Dù vô tình hay cố ý thì Từ Thiếu Quân cũng là gian xảo trời sinh rồi đúng không?

Đa số truyện trạch đấu luôn có một ‘Quý nhân’ như vậy, không rõ về thế giới bọn họ, ân oán tình cừu thế nào chẳng hay, chỉ có một tác dụng, đều vì thương xót của cảnh ngộ của nữ chính, nổi giận đùng đùng đòi ra mặt, sau đó dẫn vào tầng lớp xã hội thượng lưu. Sức mạnh ngang ngửa siêu nhân, nhân vật chính gặp vấn đề gì khó giải quyết, chỉ cần tìm một quý nhân là coi như xong. Nếu nữ chính muốn có chồng, làm mai; gặp tình địch, giúp đuổi đi; bị khi dễ, đánh hộ. NPC thiểu năng, gặp gỡ nhân vật chính xong liền thấy núi mở đường, thấy sông bắc cầu, nói gì tin đó, hùng hổ xung phong như đồ ngu.

Bị người ta coi là NPC, Trịnh Diễm cảm thấy áp lực như núi. Có phẫn nộ không?! Bị lợi dụng thế được không? Đang tết nhất, chạy ra ngoài khóc lóc cái đếu! Nếu quả đang oán cmn trách xã hội bất công, có giỏi thì hãy tự phấn đấu đi! Trịnh Diễm không thích như thế, như cha nàng, bị người trong tộc bắt nạt, đã làm thế nào? Như nàng, bị Đông cung coi thường, đã làm thế nào?

Tác phong của nàng và Từ Thiếu Quân không giống nhau, không thể hợp.

Quan trọng nhất Trịnh Diễm có một người để so sánh, Cố Ích Thuần, là người rất không bằng lòng với gia tộc. Đây là dân bản địa đó? Lại còn bị bắt nạt thê thảm nữa? Thấy gia tộc không vừa mắt, nhưng nên chăm sóc thì vẫn làm đúng không? Chẳng hề có cảnh đón gió rơi nước mắt, ngắm trăng lòng rưng rưng, khóc rấm rứt: ‘Cải trắng nhỏ, lá vàng vàng, hai ba tháng, không có mẹ’ (*), đúng không? Dẫu bảo nam nữ khác biệt, nhưng các em gái thời này không phải cũng hung hãn lắm sao?

(*) Dân ca Trung Quốc, kể về cô bé con mất mẹ, bố lấy mẹ kế, bị ngược đãi.

Cố Ích Thuần không có mẹ ruột, đau khổ để trong lòng; Từ Thiếu Quân không tìm được mẹ ruột, thống khổ trở thành ham muốn.

Về phần phúc khí, trong đầu Trịnh Diễm bỗng sực nhớ một câu nói nổi tiếng “Nếu bạn có một kẻ thù…” (*)

(*) Câu Trịnh Diễm nhớ tới là: Nếu bạn có con trai, không dạy nó cho tốt, nó sẽ hại cả nhà bạn; nếu bạn có con gái, không dạy nó đàng hoàng, thì sẽ đi hại nhà người khác. Nếu bạn có một kẻ thù, hắn lại có con trai, hãy làm hư con gái mình, gả cho con trai hắn, thế thì cả nhà hắn coi như xong, thù của bạn đã được trả. – Ý nói vì trả hù mà bất chấp tất cả.

“Nếu một người không biết ơn, tính tình sẽ trở nên u ám, tiếp xúc với cô ta, sớm muộn cũng không có kết cục tốt,” Trịnh Diễm nói quả quyết, “Lúc nào cũng oán giận, con ghẻ màlại muốn thành con vợ cả, trách chức quan của cha mình không đủ cao, gặp con gái đại thần thì như thể người ta ép cô ta cười theo người khác. Nếu chức quan cha cô ta đủ cao thì có khi lại mong cha mình là Hoàng đế ấy chứ. Kinh khủng! Không có tiền đồ đâu!”

Từ Thiếu Quân, cô đi sai đường rồi!

Quả thật Trịnh Diễm đã không nhìn lầm, Từ Thiếu Quân đúng là người không có tiền đồ – nhưng chuyện này sẽ kể sau

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện