Trong xã tôi có một ngôi đền cực kì linh thiêng.
Theo kiến thức lịch sử ít ỏi của tôi thì đền đó thờ thần Phan Đà, một vị tướng đã đóng góp cho chiến thắng của vua Lê Lợi đối với giặc Minh vào thế kỉ XV. Nghe nói, trong các trận chiến, ông luôn mặc áo giáp trụ trắng và cưỡi một con ngựa trắng có tên ngầu lòi tói là "Thiên Lý Mã". Kẻ địch khiếp sợ ông, nhân dân tôn sùng ông, đều gọi chung một tên là Thần Bạch Mã. Vậy nên cái đền đó cũng có tên là đền Bạch Mã. Sau một lần bị phục kích bất ngờ ở bờ bắc Lam Giang, ông thương nặng và được con ngựa Thiên Lý Mã của mình cõng về đến tận quê nhà mới trút hơi thở cuối cùng.
Hồi nhỏ, tôi luôn thắc mắc với mẹ rằng tại sao thờ thần Phan Đà mà lại đặt tên đền là con ngựa trắng của ổng. Lớn lên khi nghe được sự tích này tôi lại thấy đó đúng là một con ngựa đáng gờm, đáng kính trọng nữa. Bao trận chiến sinh tử vậy mà vẫn còn sống sót để sát cánh bên chủ của mình, lúc chủ lâm chung còn hiểu được ý nguyện của người là được chết trên đất nhà nữa cơ.
Đền Bạch Mã ở xã tôi được xem là một trong tứ linh của Nghệ An. Lễ hội của đền tổ chức vào ngày 10/2 âm lịch cũng vô cùng lớn và náo nhiệt. Bao nhiêu hoạt động thi thố thể thao, sắc đẹp được tổ chức thu hút du khách gần xa đến xem.
Nhưng mà tôi chẳng còn ham hố gì với lễ hội đó nữa. Hồi còn nhỏ thì cũng kì kèo mẹ đi xem cho bằng được mặc dù bị mẹ quạt cho tơi tả bảo rằng chẳng có gì hay ho cả, được cái người đông nghìn nghịt thôi. Lớn lên, tự đi được với anh Quân rồi thì năm nào cũng đi, thấy năm nào cũng như năm nào, thế là chẳng còn hứng thú nữa.
Để tôi kể nhé, vào ngày 10/2 âm lịch, trường cấp hai của chúng tôi sẽ được nghỉ học, mặc dù rồi cũng phải học bù. Nhưng ngày 9/2, tức là ngày trước khi lễ hội chính thức diễn ra, trường tôi cũng học chẳng yên ổn nổi.
Lý do? Đơn giản vì trường tôi rất gần ngôi đền đó.
Thế là bao nhiêu hoạt động thi thố như đá bóng, bóng chuyền, kéo co,... giữa các xã với nhau ầm ầm bên cạnh ngôi trường tôi. Quản lí đền thậm chí còn mượn sân bóng đá của trường để tổ chức thi đấu. Vâng, những học sinh như chúng tôi chịu ngồi yên chăng?
Nhất là trong lớp có các thành viên của các xã thôn khác nhau, hú hét ầm ĩ cổ vũ cho các chú bác xã thôn mình. Thậm chí đôi lúc còn xảy ra nội chiến vì một trận bóng đá vớ vẩn có ông trọng tài không công minh. Nhiều đứa còn không chịu nổi không khí háo hức ấy mà trốn luôn tiết học, đi xem, cổ vũ thi đấu của thôn mình.
Các thầy cô thì sao? Nhìn cái lớp sắp lé đến nơi vì một mắt thì bị bắt nhìn lên bảng, một mắt kia không kiềm được tò mò mà nhìn ra ngoài cửa sổ theo dõi tình hình trận đấu, các thầy cô cũng chỉ biết thở dài, buông phấn.
Nói chung là bốn năm học tại cái trường trung học cơ sở sát rạt đền Bạch Mã đó, chưa bao giờ vào ngày 9/2 âm lịch chúng tôi học nên thân cả. Cuối cùng thì cũng thành cả thầy lẫn trò ra xem thi đấu mà thôi.
Vì được hưởng xái kì nghỉ hai ngày đó mà chúng tôi cũng có những trách
Đến thôn nào là thôn nấy đã chuẩn bị bàn thờ vái tạ gì đó, tôi không để ý lắm. Nói chung là chỉ còn nhớ tôi phải vác mấy cái cờ nặng trình trịch vì là con trai, đi xung quanh xã một vòng dưới trời nắng cũng như trời mưa. Rước kiểu đấy mệt kinh hồn bạt vía luôn ấy. Những quãng đi giữa đồng, gió thổi cờ bay phấp phới lại càng thêm nặng, đôi lúc mệt đến nỗi nghĩ gió có thể thổi bay mình lăn kềnh ra đấy.
Nhưng mà bọn học sinh chúng tôi có bao giờ ngoan ngoãn mà đi hết cả quãng đường ấy đâu. Trước cả tuần khi rước lễ, chúng tôi đã bàn mưu tính kế đầy đủ để chuồn êm nhất có thể.
Nào là trên đường đi có nhà đứa này trên mặt đường, lúc cúng bái ở thôn này thì tót vào nhà nó cất hết cờ đi cho dễ chạy. Xong sau đó, giữa đường có thể thình lình nhảy vào bụi cây nào đó, hoặc chạy thẳng xuống bờ ruộng trốn, có thằng còn liều lĩnh trốn sau bia mộ hoang nào đó cơ.
Với tâm thế là dù thầy quản lý có thấy chúng tôi chạy mất và đuổi theo thì cố co giò chạy cho nhanh, tin tưởng thầy chẳng nhớ mặt mình trong sáu trăm học sinh của trường đâu mà sợ. Có những ngày tôi bị ám ảnh bởi khuôn mặt thầy đuổi theo đám chúng tôi chạy tan tác, gào lên sẽ đến từng lớp nhìn mặt từng đứa một để tìm ra chúng tôi.
Nhưng e rằng là thầy sẽ phải phạt gần hết trường rồi. Bởi vì lúc đi một vòng hết xã, quay lại đền thì học sinh rơi rớt gần hết. Sáu trăm đứa mà cuối cùng lèo tèo còn mấy đứa cán bộ mà thầy đã chường mặt ra không trốn được đi đâu. Tất nhiên con nhà bên của tôi - liên đội trưởng "hớ" - nằm trong số học sinh ít ỏi phải đi bộ cả quãng đường gần mười cây số đó.
Dương khốn khổ gào lên vào mặt tôi:
- Mặc dù thầy cô không biết, bố mẹ không biết mày trốn rước kiệu. Nhưng chắc chắn thần Phan Đà ở trên trời biết mày trốn. Nhất định ngài sẽ trừng phạt mày! Nhất định!
Là một đứa cũng khá tin vào tâm linh, trước khi trốn tôi còn cẩn trọng chắp tay tạ tội với thần Phan Đà, mong rằng ngài có thiêng chắc cũng chỉ cười khà khà với những trò trẻ nít của chúng tôi.
Mong là thế.