EDITOR: GOBLIN
—
Trương Thịnh Đức nói Hoàng thượng hy vọng hắn mau chóng hồi triều, nhưng lại không nói rõ thời gian cụ thể cho nên Sở Tỷ trái kéo phải kéo, rề rề rà rà từ đông nguyệt[1] đến tận lạp nguyệt[2].
[1] Đông nguyệt (tháng Tý): tháng 11, [2] Lạp nguyệt (tháng Chạp): tháng 12
Hoàng thượng bên kia cũng không nói gì, chỉ là thi thoảng phái người đến hối thúc vài câu mà thôi.
Tiểu viện này cách cấm cung nói xa không xa, chỉ mất một buổi cả đi lẫn về.
Mà nếu nói gần thì cũng không gần, đây là vùng hẻo lánh khó tránh đường sá gập ghềnh, tuy các công công mỗi lần đến thúc giục không nói gì, nhưng phỏng chừng trong bụng đã oán hận ngút trời.
Sở Tỷ không thể làm gì khác hơn, dẫn theo Vương Nhị và vài gã sai vặt thông minh lanh lợi vào kinh.
Đoàn người khởi hành từ rất sớm, khi cách cửa thành chừng vài dặm, xa xa đã thấy vài bóng người đứng chờ ở đấy.
Đợi xe ngựa lộc cộc đến cổng mới vỡ lẽ, hoá ra là Trương công công mang người tới nghênh đó.
“Sở đại nhân.” Trương Thịnh Đức hiện tại là thái giám được hoàng thưởng sủng ái nhất, dù gánh cái danh hoạn quan nhưng văn võ trong triều thấy gã cũng không dám mỉa mai châm chọc, ngược lại rất chi là nể mặt gọi một tiếng ‘Trương công công’.
Con người Trương Thịnh Đức cũng rất biết điều, chưa bao giờ cậy quyền phách lối trước mặt ai, điển hình như đối mặt với Sở Tỷ, gã vẫn tuân theo lễ nghi chào hỏi.
“Hoàng thượng hay tin hôm nay Trương đại nhân khởi hành hồi cung nên sai nô tài đến đây chờ, đón ngài hồi cung.”
“Vất vả cho Trương công công quá.” Sở Tỷ không cảm thấy có gì không ổn, tuỳ ý để người của Trương Thịnh Đức giúp mình xách hành lý.
Trương Thịnh Đức lại nói: “Hoàng thượng còn căn dặn, ngay sau khi ngài đến cung thì mời ngài đến gặp bệ hạ phục chỉ.”
Sở Tỷ lấy làm kinh ngạc: “Gấp vậy sao?” Song sau đó lại nghĩ, bản thân kéo dài lâu như vậy Thiệu Cảnh sốt ruột cũng là lẽ thường tình, gật đầu: “Được rồi, mời dẫn đường.”
Dứt lời, nghiêng đầu dặn dò Vương Nhị vài câu rồi lên cỗ kiệu được Trương công công chuẩn bị từ sớm, hai nhóm người rẽ thành hai hướng vội đi về mục tiêu đã định sẵn.
Sở Tỷ sống ở nơi hẻo lánh, sau khi về hưu do sức khoẻ sa sút nên không hay ra ngoài dạo chơi, phạm vi hoạt động chỉ vỏn vẹn trong tiểu viện của mình cũng như ngọn núi nhỏ lần trước Vương Nhị tìm thấy hắn.
Mỗi ngày có thể leo núi, ngắm cảnh, phẩm trà, đọc sách an nhàn khôn cùng.
Một cuộc sống thanh tĩnh thong dong khiến người ta quên hết hồng trần ba nghìn phồn hoa, chẳng còn mặn mà những thứ xô bồ ngoài kia nữa.
May mắn gia sản Sở Tỷ có chút sung túc lại có lão nô trung thành vì hắn chuẩn bị mọi thứ, không cần lo nghĩ chi tiêu ăn mặc, cuộc sống tu tâm dưỡng tính này cứ thế bất giác đã qua năm năm.
Sở Tỷ ngồi trong kiệu, nghe tiếng người cười nói rôm rả trên đường, khi vắng vẻ lúc náo nhiệt rồi lại trở về sự vắng vẻ ban đầu, Sở Tỷ biết cấm cung đã gần ngay trước mắt.
Cả đoạn đường hắn chỉ im lặng ngồi trong kiệu, chẳng thiết vén màn nhìn ngắm cảnh vật kinh thành lấy một lần, Trương Thịnh Đức cố ý đi gần cỗ kiệu bắt chuyện hai câu thế nhưng Sở Tỷ lại chẳng hề hiếu kỳ về kinh đô nhiều năm không gặp, dọc đường không nói tiếng nào, Trương Thịnh Đức sợ mình lắm lời mạo phạm Sở Tỷ cũng liền ngậm miệng.
Cả một đội ngũ chìm trong không khí kỳ dị như thế chậm rãi vào cung.
Kiệu phu hạ kiệu xuống, đế kiệu bằng gỗ va chạm với nền đá cẩm thạch phát ra âm thanh nặng nề.
Trương Thịnh Đức vén màn kiệu lên, nói: “Sở đại nhân, kiệu chỉ có thể đi tới đây, Hoàng thượng đang xử lý chính vụ tại điện Văn Đức.
Mời ngài.”
Sở Tỷ xuống kiệu, đáp: “Làm phiền Trương công công.”
Sở Tỷ ngẩng đầu, cung vũ[3] cao ngất năm năm không gặp hiện tại đang sừng sững đứng nơi xa ấy.
Dãy tường hồng, ngói lưu ly, lan can cẩm thạch điêu khắc tinh xảo – hết thảy thật thân thuộc, hệt như hai năm qua hắn chưa từng rời đi nơi này mà chỉ là một kỳ nghỉ phép ngắn hạn.
Sở Tỷ thở dài, chậm rãi bước từng bước về phía điện Văn Đức.
[3] Mái cung đình
“Hoàng thượng, Sở đại nhân đến phục chỉ.”
Thiệu Cảnh đang xem tấu chương, chấm bút lông vào nghiên mực đỏ phê vài chữ trên tấu chương, mắt thấy một nét tròn hoàn mỹ sắp sửa hoàn thành tay lại đột nhiên run lên, nét chữ chệch ra ngoài.
Thiệu Cảnh bất động thanh sắc khép tấu chương lại để sang một bên, nói với thái giám: “Truyền.”
Sở Tỷ đứng chờ ngoài điện nghe bên trong lên tiếng xác nhận mới khom người cúi đầu tiến vào.
Đứng trước mặt Thiệu Cảnh, hắn trực tiếp quỳ xuống, nói: “Vi thần thỉnh an Hoàng thượng, ngô hoàng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế.”
Một lạy, hai lạy, ba lạy.
Đứng dậy, quỳ xuống rồi lại dập đầu ba cái.
Như thế lặp lại ba lần.
Lần cuối cùng, Sở Tỷ để trán mình tiếp xúc với nền đá rồi cứ vậy quỳ sấp ở đó.
Thiệu Cảnh nhìn Sở Tỷ ba quỳ chín lạy, cuối cùng giữ nguyên tư thế đầu rạp xuống đất trước mặt mình, nhưng không lên tiếng gọi y đứng dậy chỉ chăm chú nhìn chằm chằm.
Sở Tỷ cũng không nhúc nhích, dứt khoát quỳ bất động nơi đó.
Quân thần hai người cứ thế giằng co.
Trương Thịnh Đức đi vào hầu hạ, thấy cả hai như thế dự định nói gì đó phá vỡ sự lúng túng này, nào ngờ chưa kịp mở miệng Thiệu Cảnh đã hạ lệnh: “Trương Thịnh Đức, mang toàn bộ người lui xuống đi, giữ lại hai cung nhân ngoài cửa hầu hạ.”
“Vâng.” Trương Thịnh Đức bất đắc dĩ đành phải tuân lệnh kéo một đám cung nữ thái giám ra ngoài.
Thời tiết tháng chạp rất lạnh, địa long ở điện Đồng Đức đốt hết công suất, trên đất còn được trải một lớp thảm dày nên Thiệu Cảnh mới không lo Sở Tỷ bị lạnh.
Giận thì giận, nhưng Thiệu Cảnh vẫn đau lòng Sở Tỷ, tựa như nhận thua nói: “Đứng lên đi.”
“Tạ ơn Hoàng thượng.” Sở Tỷ đứng dậy, ngoan ngoãn đứng đấy không nói nhiều một câu.
“Thôi thôi thôi, trẫm thua ngươi rồi đó! Vừa gặp đã hành đại lễ, còn không buồn liếc mắt nhìn trẫm một cái.” Thiệu Cảnh vòng qua ngự án, “Không muốn gặp trẫm đến thế ư?”
Sở Tỷ cúi đầu, thấy đôi giày thêu kim long đã đến trước mặt mình, vội đáp: “Hoàng