Năm thứ tám Nguyên Thuận, thiên hạ thái bình, quốc thái dân an.
Trong nữ học quán yên tĩnh của Quốc Tử Giám, tiếng đọc sách thanh thúy dễ nghe hòa cùng tiếng chim hót ngoài ô cửa, Khương Nhan cả người khoác nho phục trắng bằng lụa mỏng, mái tóc dài dùng dây buộc tóc cùng màu buộc một nửa tóc trên đỉnh đầu, nửa còn lại mềm mại rũ xuống ngang hông, lúc cử động áo bào bay bay, vô cùng phong nhã.
Tay nàng cầm quyển sách gõ vào lòng bàn tay, khóe môi hàm chứa ý cười, đi qua bàn học của các nữ sinh, lúc nàng bước qua ô cửa, ánh sáng bên ngoài chiếu vào phản chiếu qua đôi mắt đen nhánh vẽ ra một đạo bóng vàng xinh đẹp mà trong suốt.
Đây là năm thứ sáu nàng dạy nữ sinh trong Quốc Tử Giám, nữ sinh đang ngồi ngay ngắn trong phòng là đợt thứ ba nàng nhận.
Bây giờ quốc phong khai phóng, quý nữ đến Quốc Tử Giám học ngày càng nhiều, đợt năm nay đã có tận hai mươi lăm người, trong số bọn họ có vài người còn muốn thành nhà thi họa lớn, có một số lại muốn làm một nhà thơ ưu nhã, cũng có người muốn nghiên cứu sách cổ, nhưng đa số cô nương vẫn chọn con đường đi học sau đó khoác lên váy cưới, làm một phụ nhân hiền thục giúp chồng dạy con, trở thành một người bình thường như thế...
Nhưng mà, không có cô nương nào đi trên con đường mà Khương Nhan đi.
Không phải không dám, mà là không thể.
Từ sau khi Trương thái hậu ngã bệnh qua đời, trong triều tuy đồng ý nữ tử nhà quan học hành trong Quốc Tử Giám, lại ra lệnh cấm nữ tử nhập sĩ làm qua, cảnh ba người ban đầu viết thư đề cử Khương Nhan tham gia thi hương tựa như hoa phù dung sáng nở tối tàn, dán chặt trong kí ức.
Đang nghĩ ngợi, bỗng một giọng nói đánh đứt suy nghĩ của nàng.
“Tiên sinh, xin hỏi đọc sách có tác dụng gì ạ?” Người nói là nữ sinh ngồi hàng cuối bên cửa sổ, phỏng chừng mười bốn mười lăm tuổi, đôi mắt sinh động giảo hoạt, cả người được phủ một lớp nắng ấm áp, tựa như tinh linh sinh ra từ trong ánh sáng.
Nàng cười hỏi, “Nữ sinh trước đây đa phần đều đã gả cho người ta, người có thể vào hàng ngũ thánh hiền ít ỏi chẳng được bao người.
Nếu là sớm phải gả đi, chúng ta tại sao phải phí công đến đây đọc sách chứ?”
Khương Nhan nhận ra nàng, đó là con gái của Hàn Tây đại học sĩ của Văn Uyên Các, Hàn Mạn Lâm.
Lúc nhìn thấy nàng, Khương Nhan bỗng nhớ đến mình của mười một, mười hai năm trước.
Tiếng đọc sách xung quanh nhỏ dần, hơn hai mươi thiếu nữ non nớt đưa mắt nhìn Khương Nhan, chờ đợi câu trả lời.
Khương Nhan phì cười, đôi mắt vừa chuyển, nói: “Ta kể một câu chuyện cho các ngươi nghe.”
Nàng dạy học không cứng ngắc như Sầm tư nghiệp, mà thích từ những câu chuyện khác để dẫn vào, để học trò có thể từ đó mà tự ngộ ra.
Quả nhiên, vừa nghe có chuyện kể, các nữ sinh đều ngồi ngay ngắn, nít thở chờ đợi.
“Trong《Đường thi ký sự》từng có lời ký ghi, một vị thi nhân họ Trương của triều Đường say rượu quay về trong đêm, gặp phải kẻ xấu, muốn uy hiếp tiền tài của ông.
Nhưng tiền của Trương thi nhân đều đã tiêu trong quán rượu rồi, trên cả người đều không có một văn tiền, lại không thể hô cứu, sợ kẻ xấu hung ác kia sẽ giết người diệt khẩu, thế phải làm sao đây?”
Các nữ sinh nghe đến tập trung, liên tục lắc đầu, đến hơi thở cũng bắt đầu khẩn trương lên.
Khương Nhan nín cười.
Từ sau khi làm quan tiến sĩ của nữ học quán, Khương Nhan liền càng lúc càng thích chức quan này, có thể thoải mái trêu chọc những học trò nhỏ tuổi vô tri này, có thể gạt các nàng đến đờ cả người, vô cùng thú vị.
Dừng chút, nàng lấp lửng, tiếp: “Dưới tình thế khẩn cấp, Trương thi nhân cố gắng trấn định nói: ‘Ta là thánh thơ Trương Kí’.
Kẻ xấu nghe xong, vô cùng kinh ngạc bảo: ‘Nghe danh thánh thơ Trương Kí đã lâu, thế, không cần cướp giật, cứ thế đi đi.’ Dứt lời, kẻ xấu kia liền vái lạy, thả Trương Kí quay về.
Các ngươi xem, tác dụng của đọc sách chính là ở đây.”
Khương Nhan giả giọng Trương Kí ưu nhã cùng với giọng thô quánh của kẻ xấu mô phỏng rất sống động, các thiếu nữ nghe nửa hiểu nửa không, đều cười rộ lên.
Không lâu sau, giọng đọc sách lại liên tục vang lên, so với trước đó càng thanh thúy nghiêm túc hơn.
Khương Nhan vô cùng hài lòng, chắp tay đi lên bục giảng phía trước, định ngồi xuống nghỉ ngơi một lúc, uống một chung trà thơm.
Nào biết vừa ngồi xuống, liền nhìn thấy một chiếc đầu nhỏ ngoài ô cửa chạy ngang qua, búi tóc nhỏ xiêu xiêu vẹo vẹo trùm một chiếc khăn lông xanh mực.
Khương Nhan nhướng mày, nhàn hạ nhìn ra ngoài cửa, lòng nghĩ đa phần là tiểu tử Phù Tư Ngạn kia lại lén lút trốn ra ngoài chơi rồi.
Quả nhiên không sai, chiếc đầu nho nho kia chậm rãi trốn dưới ô cửa sổ, giống như ngồi xổm xuống, sau đó, đôi tay nhỏ như bạch ngọc, ngó sen từ bệ cửa vươn ra, đặt một bó hoa đế nữ vừa hái lên, lại đưa một ngón tay chỉ chỉ hoa trên bệ cửa, lại chỉ chỉ hướng của Khương Nhan, tỏ ý hoa này là tặng cho nàng.
Bó hoa đế nữ rực rỡ xinh đẹp kia nhìn rất quen.
Nếu nhớ không lầm, cả Quốc Tử Giám này chỉ có hai chậu mà Sầm tư nghiệp trồng, hơn nữa còn vô cùng trân quý...
Hay lắm, Cún Con lại tạo nghiệt rồi.
Hôm nay không che chở nó, để cha nó giải quyết, chắc chắn sẽ bị Sầm tư nghiệp mắng xối xả.
Trong lòng tính toán xong mọi thứ, Khương Nhan chậm rãi chắp tay đứng dậy, bước ra ngoài học quán liền nhìn thấy Cún Con đang dán sát tường di chuyển, lúc đứng thành chữ ‘|’, lúc lại đứng thành chữ ‘人’...
“Phù Tư Ngạn, đứng yên.” Khương Nhan nheo mắt, nhẹ tênh gọi.
Phù Tư Ngạn lập tức không nhúc nhích, ngẩng đầu nhìn nàng: “Nương!”
Bé trai sáu bảy tuổi, tựa như điêu khắc từ bạch ngọc mà thành vậy, da trắng môi đỏ, mi mắt như mực, cười lên khóe môi cong cong, đôi mắt cong cong sinh động hoạt bát, đây rõ ràng là phiên bản nam của ‘Tiểu Khương Nhan’.
Ổ Miên Tuyết không ngừng cảm thán, nhóc con này lớn thêm bảy tám tuổi nữa, nhất định là một đại họa thủy của Kinh Sư.
“Hoa hái từ đâu?” Khương Nhan hỏi.
Phù Tư Ngạn lắc lắc đầu không trả lời, ánh mắt lơ đãng.
Khương Nhan kéo dài giọng nói: “Con còn nhỏ, mà ánh mắt cũng chuẩn lắm, lại chọn trúng chậu hoa Sầm tư nghiệp quý nhất.”
“Tiên sinh bớt giận, Tư Ngạn không có ý hái hoa của Sầm tư nghiệp đâu, mà là hai người Trình An và Tưu Thủy lúc nghịch ngợm bất cẩn làm vỡ một chậu hoa đế nữ.
Dù sao hoa cũng đã gãy rồi, nếu để nó khô héo cũng rất đáng tiếc, Tư Ngạn liền nói muốn tặng cho người!” Bỗng có một giọng thiếu niên trong trẻo truyền đến.
Khương Nhan quay đầu vừa nhìn, người đến lại là một thiếu niên mười hai mười ba tuổi.
Thiếu niên này còn nhỏ nhưng dáng người khá cao, mày kiếm mắt sao, khoác cả người quần áo của Thái Học Quán, vái lạy với Khương Nhan nói: “Học trò Lý Phục, bái kiến tiên sinh.”
Lý Phục, con trai của Lý Quảng Anh, năm nay mới vào làm học trò của Thái Học Quán.
Vì Lý Phục còn nhỏ, tính tình tốt, lại biết đọc sách, múa kiếm, nên trẻ con đều thích chơi với hắn, Khương Nhan bận giảng bài, liền để Phù Tư