Diêu Ngạn ngơ ngác đứng thừ ra. Cổng bệnh viện vào rạng sáng vắng
hoe, đằng trước là khu khám chữa bệnh, phía sau là khu bệnh nhân nội
trú, hồ nước phẳng lặng ở chính giữa, cây cối hoa cỏ im lìm.
Ánh đèn sáng choang trải dài tới ngoài bậc thang. Diêu Ngạn đứng ở
nơi nửa sáng nửa tối, cô như nhớ đến hình ảnh Tưởng Nã ức hiếp cô tại
bệnh viện, cô nắm chặt điện thoại di động, không hiểu tại sao trái tim
cô đau nhói.
Bỗng nhiên có hai người chạy rầm rầm trên lối đi khu khám chữa bệnh.
Cô họ nhìn thấy Diêu Ngạn từ xa, bà gọi oang oang: “Diêu Diêu!”.
Diêu Ngạn bừng tỉnh, cô đi đến gần bà.
Cô họ lo cháy ruột cháy gan: “Gia đình con không sao chứ? Có bị thương không?”.
Họ vừa nói chuyện vừa đi vào khu bệnh nhân nội trú. Diêu Ngạn vờ như
bình thản nói: “Không sao ạ. Mẹ với chị con hít nhiều khói nên bác sĩ
nói phải nằm viện theo dõi, nếu không có gì bất thường thì có thể về”.
Cô họ thở phào. Bà cảm thấy may mắn vì lúc đó Diêu Ngạn và ông Diêu không ở nhà.
Ông Diêu ngồi bên giường bệnh gặp họ đi vào, vội đứng dậy bắt chuyện. Cô họ xua tay: “Anh ngồi xuống, ngồi xuống”. Cô họ tới hỏi thăm bà
Diêu.
Bà Diêu đã tỉnh lại, cổ họng bà khô khốc, bà buồn rười rượi nói:
“Không sao mà. Tại sợ quá tìm không được cửa nhà, cũng may có người tốt
cứu chị và Yên Yên”.
Khi vụ cháy xảy ra, bà đang ngủ rất say, bà không hề hay biết, bà chỉ cảm thấy hơi nóng hầm hập mà thôi. Nhưng vì bên ngoài cửa sổ phòng ngủ
của bà là góc chết, quanh năm suốt tháng đều kín bưng, không có lấy một
chút gió mát nào, vì vậy bà không hề cảm thấy khác thường. Đến khi không thể thở nổi, bà mới tỉnh dậy, lúc đó lửa đã lan đến cửa phòng ngủ của
bà, dọa bà sợ điếng người.
“May mà gặp được anh chàng đó.” Bà Diêu nói rồi lại cảm thấy kỳ lạ:
“Chị nhớ anh chàng đó là người bên chỗ Lý Sơn thì phải? Tại sao lại xuất hiện trong nhà chúng ta?”.
Diêu Ngạn vội vàng nói xen vào: “Con cũng thấy lạ. Anh ta vào bằng
cửa sổ phòng của con. Chắc là anh ta thấy cháy nên muốn cứu người”.
Diêu Ngạn xem giờ, định sẽ đi sang chăm sóc cho Hứa Châu Vi. Cô kéo
cô họ vào một góc vắng vẻ, nhỏ giọng kể tình hình nhà cửa cho bà nghe.
Cô họ nói không nên lời: ‘Toàn bộ… toàn bộ đều không còn?”.
Diêu Ngạn gật đầu: “Hôm nay, con ở tạm bệnh viện. Cô đến ngõ nhà con quan sát giúp con, xem xem tiếp theo con phải làm gì”.
Cô họ ngân ngấn nước mắt: “Tại sao lại như vậy!”.
Diêu Ngạn cười mệt mỏi, cậy nhờ việc nhà cửa xong xuôi, cô vội vội vàng vàng qua chỗ Hứa Châu Vi.
Vết thương của Hứa Châu Vi đã xử lý ổn thỏa nhưng anh vẫn nằm hôn mê
trên giường. Diêu Ngạn lo lắng hỏi bác sĩ: “Mẹ với chị tôi đã tỉnh. Tại
sao anh ta chưa tỉnh?”.
Bác sĩ nói: “Lúc nãy, anh ta tỉnh rồi mới ngủ lại thôi. Cô đừng gọi anh ta”.
Diêu Ngạn gật đầu, hỏi thăm cặn kẽ về vết thương và khả năng có biến
chứng sau này hay không. Hứa Châu Vi bị bỏng không nghiêm trọng nhưng
anh ta ở quá lâu trong đám cháy, hôn mê cũng do hít nhiều khói dẫn đến
ngạt thở, có lẽ sẽ tổn thương đến đường hô hấp, cần nằm viện điều dưỡng
từ từ.
Diêu Ngạn cố gắng ghi nhớ từng chi tiết, cô đi tìm ông cụ hàng xóm và Thẩm Quan đang chờ bên ngoài, nói cảm ơn họ. Ông cụ hỏi Diêu Ngạn:
“Cháu nói gì lạ vậy? Mọi người làm hàng xóm với nhau bao nhiêu năm trời. Chính ông chứng kiến cả gia đình cháu từ tấm bé cho đến khi khôn lớn
trưởng thành. Mẹ cháu hồi nhỏ nghịch ngợm phá phách, ăn không biết bao
nhiêu roi của ông!”.
Diêu Ngạn mỉm cười, cô nói cảm ơn Thẩm Quan: “Thẩm tổng, vài ngày nữa tôi sẽ gửi tiền thuốc men lại cho anh. Hôm nay, cảm ơn anh rất nhiều”.
“Không cần vội. Em giải quyết việc gia đình trước đã.” Thấy gương mặt cô đỏ gay, giọng nói thì khản đặc, anh ta hỏi: “Em sốt phải không? Cần
khám bác sĩ không?”.
Diêu Ngạn lắc đầu: “Tôi không sao.” Cô còn rất nhiều chuyện phải giải quyết, ho một chút không là gì hết.
Lúc này tại công ty vận chuyển hàng hóa tối om, phòng làm việc trên tầng hai vẫn sáng đèn.
Hiểu Lâm cởi áo ngủ đến phân nửa, cô ta che ngực, e thẹn đứng trước bàn làm việc.
Tưởng Nã rủ mắt chống tay lên trán, anh đè thấp giọng nói: “Cuốn xéo! Nghe không?”.
Hiểu Lâm ra vẻ rụt rè: “Anh Nã, em không ngại thật mà. Em biết mấy
ngày nay tâm trạng của anh không tốt. Diêu Ngạn bỏ bê không quan tâm
anh, không biết chăm sóc anh, em có thể chăm sóc anh, anh Nã!”.
Tưởng Nã cuộn tròn nắm đấm, anh không muốn làm lớn chuyện, khiến anh em mất thể diện. Anh kìm nén cơn giận, nói:
“Đừng tưởng tôi không đánh đàn bà. Đê tiện như cô mà có tư cách nhắc Diêu Ngạn với tôi?”.
Anh ném thức ăn nóng hổi trên bàn vào người Hiểu Lâm.
Hiểu Lâm không ngờ anh làm như vậy, cô ta hoảng sợ hét lớn lùi người
về sau. Nhưng Tưởng Nã hất thức ăn trúng ngực cô ta làm cô ta đau đớn
kêu lên.
Tưởng Nã nhìn cô ta chằm chằm, nói giọng lạnh lẽo: “Cô biến ngay cho tôi. Gói ghém đồ đạc cút về quê!”.
Nhìn Tưởng Nã đã không mắc câu, lại còn hung bạo khác thường, Hiểu
Lâm hoảng hốt, lo sợ xôi hỏng bỏng không. Cô ta ngã lăn ra, mặc cho thân trên lõa lồ, giậm chân thình thịch, khóc lóc la lối: “Em không kiềm chế bản thân được nữa, không kiềm chế được nữa. Anh Nã, tại sao anh đối xử
với em như vậy!”.
Tiếng hét của cô ta khiến mọi người ở tòa nhà phía sau kinh ngạc chạy qua. Một đám người xúm xít ngoài cửa chính tòa nhà văn phòng.
Tưởng Nã cười lạnh, anh tiến đến chỗ Hiểu Lâm, hung ác giơ chân đạp lên ngực cô ta, cô ta kinh hoàng khóc lóc xin tha.
Chân Tưởng Nã lại mạnh hơn: “Cứ la hét thật to vào, đừng ngừng!”.
Mọi người dưới tầng gõ cửa, có người gọi anh Nã, có người kêu Hiểu
Lâm. Nghe có giọng của Tiểu Lưu trong đó, cô ta như gặp được cứu tinh,
khóc đến xé ruột xé gan: “Tiểu Lưu, Tiểu Lưu, anh mau cứu em!”.
Cô ta gào thét, ngực cô ta bỗng đau nhói, ép tiếng la của cô ta mắc
kẹt trong cổ họng. Tích tắc sau, phía trên cô ta nhẹ bẫng, cô ta vừa đau vừa sợ nằm bệt trên đất, run rẩy nhìn Tưởng Nã bước qua đỉnh đầu.
Cửa chính dưới nhà bất thình lình mở ra, tiếng ồn ào của mọi người im bặt.
Tưởng Nã trừng mắt nhìn Tiểu Lưu, mặt anh đanh lại: “Chú giải quyết ngay cho anh!”.
Tiểu Lưu sững sờ, anh ta tái mặt gật đầu. Mặc kệ mọi người xung
quanh, anh ta chạy ào lên tầng hai. Tiếng la hét, tiếng đánh đấm từ tầng hai lập tức vọng xuống. Mắt Tường Nã tối sầm quét quanh một vòng, anh
cáu kỉnh kêu: “Chuẩn bị đồ nhậu!”.
Mọi người vội vã tuân lệnh, cùng Tưởng Nã quay lại tòa nhà nhỏ phía sau, bỏ mặc chuyện diễn ra trên tầng.
Bên này, Diêu Ngạn đã kiệt sức nhưng cô vẫn không nghỉ ngơi, cô tựa
vào cạnh giường bệnh của Hứa Châu Vi, che miệng lại ho. Thẩm Quan bước
vào, anh ta nói: “Lão Lý đưa hàng xóm của em về rồi”.
Diêu Ngạn đứng dậy nói: “Thẩm tổng, anh cũng về đi ạ. Hôm nay làm phiền anh nhiều quá”.
Thẩm Quan cau mày, giơ tay sờ trán Diêu Ngạn. Cô vô thức né người
nhưng anh ta vẫn khăng khăng chạm vào trán cô. Sờ thấy trán cô nóng rực, anh ta nói ngay: “Em đi khám bệnh đi. Tôi tìm hộ lý trông coi giường
bệnh giúp em!”.
Diêu Ngạn khước từ, bướng bỉnh không muốn đi. Thẩm Quan muốn tiếp tục khuyên bảo cô thì điện thoại di động của anh ta đổ chuông. Nghe được
hai câu, anh ta đưa mắt nhìn Diêu Ngạn, nói với đầu dây bên kia: “Tôi về rồi bàn”.
Sau khi dập máy, anh ta nhìn Diêu Ngạn: “Tôi có việc đi trước. Em cần gì, cứ tìm tôi. Nhớ chú ý sức khỏe, em mà ngã quỵ, gia đình em phải
tính sao?”.
Nước mắt của Diêu Ngạn trào ra, cô “ừm” một tiếng đáp lời, nhìn anh ta ra về.
Thẩm Quan xuống dưới, tài xế đã đợi sẵn, hai người cùng bước lên xe.
Tài xế vừa chạy vừa nói: “Dương Khải Hoài điều tra ra trưa hôm qua, có
người đến khu Kiều Tâm ở thành phố Nam Giang gặp bà ta”.
Thần sắc Thẩm Quan lạnh giá: “Sau đó thì sao?”.
Tài xế nhíu mày: “Họ xem hình, khẳng định là bà ta. Thế nhưng sau đó bà ta đi đâu, không ai hay biết”.
Thẩm Quan đăm chiêu: “Tìm người trông coi gần nhà bà ta. Đến Tân Châu, quê của bà ta xem có ở đó hay không?”.
Tài xế gật đầu, hỏi: “Có cần sai người để ý đến động tĩnh của cô Diêu không?”.
Thẩm Quan cong môi nói: “Không cần, tôi làm được rồi”.
Màn đêm lùi lại phía sau, nhường chỗ cho ánh bình minh ló rạng. Mới
khoảng năm giờ mà chân trời đã hửng sáng. Trong bệnh viện bắt đầu có
người ra ra vào vào ăn sáng, đi vệ sinh, âm thanh ồn ào lớn dần lên.
Bà Diêu thức giấc, sực nhớ nhà mình bị cháy, bà xốc chăn xuống đất,
lay ông Diêu dậy: “Lão Diêu, xuất viện thôi. Chúng ta về xem nhà!”.’
Ông Diêu ngơ ngác tỉnh dậy. Nghe bà Diêu nói, ông hốt hoảng: “Ngủ thêm đi. Bà gấp gáp làm gì. Đừng để ồn ảnh hưởng đến Yên Yên”.
Bà Diêu đi vào nhà vệ sinh, nói lẩm bẩm: “Để Yên Yên ngủ, tôi về xem nhà”.
Ông Diêu khuyên ngăn bà nhưng không được, ông nơm nớp lo sợ theo bà trở về.
Diêu Ngạn trông chừng Hứa Châu Vi suốt đêm. Đến bốn giờ sáng, vết
thương hành Hứa Châu Vi đau đớn tỉnh giấc, cô gọi bác sĩ, sau đó loay
hoay mãi mới nhắm mắt thiếp đi. Nhưng cô ngủ không yên, cô chống cằm tựa vào tủ đầu giường. Đầu cô gục lên gục xuống, trái tim cô nặng trĩu
không cách nào nâng lên được.
Hứa Châu Vi thức giấc một lần nữa, anh ta thều thào nói: “Về nghỉ đi. Gọi anh em của tôi tới được rồi”.
Diêu Ngạn xoa mắt, gật đầu: “Tôi đã tìm Tường Nã nhưng anh ấy không gọi lại. Để tôi gọi anh ấy lần nữa”.
Trong lúc cô nói chuyện với Hứa Châu Vi, ông Diêu gọi điện cho cô,
ông cuống quýt nói: “Diêu Diêu, con mau về nhà. Mau tới khuyên can mẹ
con!”.
Diêu Ngạn thở hổn hển chạy về đầu ngõ, đám đông vây kín cửa nhà cháy
rụi. Bà Diêu quỳ rạp dưới đất, khóc xé ruột xé gan: “Mẹ ơi, bố ơi, tại
sao số con khổ thế này…”.
Diêu Ngạn sững người nhìn nhà cô đổi khác hoàn toàn nước mắt cô tuôn trào.
Căn nhà này đã có hơn bốn mươi năm. Ông bà ngoại Diêu Ngạn lam lũ cả
một đời, trước khi về hưu mới được nhà máy để lại cho một xuất đất. Khi
bà Diêu kết hôn, hai ông bà dốc hết tiền để dành, sửa sang tu bổ lại căn nhà khiến hai bác tức tối ganh tị, trở mặt với nhà họ Diêu. Sau khi hai ông bà qua đời, căn nhà cũ này trở thành nơi duy nhất để che nắng che
mưa, gửi gắm nỗi lòng của bà Diêu.
Nhưng căn nhà cũ nát đã cháy rụi trong trận hỏa hoạn đêm qua. Trước
mắt hoang tàn, mặt đất cháy đen, cả di ảnh treo tường phòng khách của
hai ông bà cũng không còn dấu vết.
Hàng xóm không kìm được, khóc theo: “Bỏ đi mà. Sức khỏe quan trọng hơn, đừng để mình bị thương!”.
Bà Diêu khóc thảm thương: “Không có nhà, chúng tôi sống ở đâu, sống ở đâu đây?” Bà gào rát cổ, toàn thân mất hết cảm giác, bà chỉ muốn chết
ngay tại đây.
Diêu Ngạn ngồi xuống, ôm Bà Diêu khóc như mưa.
Hàng xóm khuyên nhủ rồi phụ giúp dọn dẹp nhà cửa. ông cụ hàng xóm
nói: “Đêm qua, cô họ cháu có đến thu xếp. Cô họ cháu khóc quá nên ông
khuyên về nghỉ ngơi”. Ông nói thầm vào tai Diêu Ngạn:”Ông thấy ý của
hàng xóm là muốn nhà cháu đền tiền. Nhưng nhà cháu đáng thương, hàng xóm không đành lòng nói ra. Cháu đến sở cảnh sát đi. Chuyện này rất bất
thường, hàng xóm tìm được can xăng đây này!”.
Trái tim Diêu Ngạn run lên, cô siết chặt tay.
Mọi người dìu bà Diêu đến nhà đối diện, bà khóc đến mức ngạt thở.
Uống trà nóng vào, bà mới tỉnh lại chút ít. Nhìn bà Diêu thất thần thều
thào, ông Diêu lo lắng như kiến bò trên chảo.
Diêu Ngạn nghe ông Diêu gọi bà, cô cũng vội gọi theo. Căn nhà hỗn
độn, phòng của Diêu Ngạn cháy đen, ổ khóa nhỏ trong ngăn kéo mất hết tác dụng, đẩy nhẹ là kéo ra được ngay. Hai sợi dây chuyền vàng vẫn bình yên vô sự nằm bên trong. Diêu Ngạn đắn đo cất chúng vào túi xách.
Cô họ đến bệnh viện đón Diêu Yên Cẩn về nhà mình rồi bảo dượng Diêu
Ngạn qua đây đón họ, bà nói: “Tạm thời ở chỗ cô. Cô chưa nói cho ông bà
nội của con biết, cô sợ họ chịu không nổi cứ sốc này”.
Diêu Ngạn đáp khẽ, cô giữ chặt điện thoại di động, dìu Bà Diêu đang thất thần ra ngoài. Dượng đã chờ ngoài đầu ngõ.
Sau khi sắp xếp ổn thỏa cho Bà Diêu và Diêu Yên Cẩn, Diêu Ngạn cùng
cô họ đến sở cảnh sát. Tối qua, cảnh sát đến điều tra hiện trường, hôm
nay chính thức lập hồ sơ. Thị trấn nhỏ này rất ít xảy ra chuyện nghiêm
trọng. Vụ phóng hỏa này coi như là lần đẩu tiên trong nhiều năm trở lại
đây. Đối với cảnh sát mà nói đây vụ án hình sự không thể coi thường.
Cảnh sát an ủi: “Tạm thời không cần lo lắng chuyện bồi thường. Người nào phóng hỏa, người đó đền bù. Mọi việc cứ chờ đến khi bắt được người gây
án rồi tính”.
Hai người ở sở cảnh sát suốt mấy tiếng đồng hồ. Khi lấy khẩu cung,
Diêu Ngạn có chút ngần ngừ. Một lát sau, cô mới kể chuyện ở Lô Xuyên. Cô họ ngồi bên nghe thấy, bà bần thần cả người: “Tại sao lại vậy? Con với
dượng con cùng giấu mọi người?”.
Diêu Ngạn nhíu mày: “Sợ mọi người lo lắng nên không nói thật”.
Cô họ thở gấp kéo Diêu Ngạn, hỏi: “Vậy ông ta… ông ta không làm gì con thật chứ?”.
Cảnh sát ở xung quanh quay qua nhìn ngay tức thì Diêu Ngạn đỏ mặt: “Không có, thật sự không có!”.
Cô họ cũng thoáng yên tâm nhưng thái độ của bà lại như nửa tin nửa ngờ.
Tới giữa trưa, Tưởng Nã mới biết chuyện. Đêm hôm qua anh ngủ ở tòa
nhà nhỏ phía sau. Lúc nghe anh em nói chuyện anh giật bắn, túm lấy một
người hỏi: “Chú nói cái gì? Nhà họ Diêu cháy?”.
Người đó vội vàng nói: “Vâng, cháy đêm qua. Anh Hứa bị bỏng nằm viện, mới gọi điện cho bọn em!”.
Tưởng Nã đẩy anh ta ra, chạy ngay ra xe Jeep.
Chạy xe tới bệnh viện, anh mới biết cả nhà của Diêu Ngạn đã về. Tưởng Nã cuống cuồng gọi cho Diêu Ngạn nhưng không ai bắt máy, cuối cùng là
không liên lạc được.
Hứa Châu Vi thều thào nói: “Chị ấy nói tìm anh nhưng anh không gọi lại”.
Tưởng Nã ngớ người, anh bỗng nhớ đến cuộc gọi bị anh cắt đứt ngày hôm qua.
Anh bỏ mặc Hứa Châu Vi, chạy xe đến nhà Diêu Ngạn. Hàng xóm dọn dẹp
tàn cuộc bàn tán xôn xao, còn cảnh sát đứng một bên ghi chép. Tưởng Nã
tóm được hai người hỏi chuyện, đối phương nói: “Tôi không biết, sáng nay họ mới đến đây. Vợ lão Diêu khóc lóc thảm thiết, đầu óc hình như không
còn bình thường nữa rồi. Thôi, đừng nhắc nữa!”.
Tưởng Nã hỏi thế nào, họ cũng nói không biết. Không ngờ ông cụ hàng xóm hỏi anh: “Cậu là ai? Tìm họ làm gì?”.
Tưởng Nã đáp: “Cháu là bạn trai của Diêu Ngạn”.
Ông cụ giật mình, ông đánh giá Tưởng Nã một lượt: “Bé ba chưa từng
nhắc đến.” Ông trầm ngâm suy tư rồi nói: “Gia đình họ không còn bà con
nào khác, chắc là đến nhà của em gái Lão Diêu ở tạm thôi. Nhà này cháy
trụi, còn đi được đâu nữa”.
Tưởng Nã hỏi địa chỉ nhà cô họ nhưng ông cụ nói không biết.
Tưởng Nã nghĩ tới công ty nước giải khát, anh hấp tấp chạy đến tìm
đồng nghiệp trong phòng nghiên cứu. Đồng nghiệp cất giọng khó hiểu: “Hôm qua, Diêu Ngạn xin Giám đốc nghỉ ốm. Hôm nay, em ấy không đi làm”.
Khí hậu ngày thu mát mẻ nhưng Tưởng Nã toàn thân mồ hôi ròng ròng.
Anh chạy hết cầu thang ra đến cổng công ty, anh xoa mặt ngửa đầu nhìn
mặt trời chói chang, lòng anh nóng như lửa đốt.
Hôm nay, nhà họ Diêu nghỉ chạy xe tải. Khói thuốc bay khắp phòng
khách. Cô họ kể tình hình bên phía cảnh sát nhưng không nhắc chuyện Diêu Ngạn gặp phải ở Lô Xuyên. Cô họ nấu nhanh một ít đồ ăn, bà mắng: “Đừng
hút thuốc nữa, nhịn đi”.
Dượng vội vàng dập thuốc, vỗ vỗ ông Diêu. Dượng thở dài, không biết khuyên nhủ thế nào, đành kéo ông Diêu đến bàn ăn.
Sau khi bà Diêu rời khỏi căn nhà đã cháy rụi, bà không ngừng lẩm bẩm. Diêu Ngạn chỉ nắm được vài chữ quan trọng, bà Diêu trách trời trách
đất, trách ông Diêu không có tiền đồ. Diêu Ngạn lo lắng ôm bà, nhỏ nhẹ
động viên bên tai bà. Hồi lâu sau, bà Diêu cũng yên lặng nhưng đôi mắt
bà trống rỗng vô hồn.
Diêu Yên Cẩn sợ sệt ngồi ở ghế bên cạnh, cô nghẹn ngào: “Diêu Diêu, lẽ nào mẹ mắc bệnh thần kinh?”.
Diêu Ngạn quát khẽ: “Chị không được nói bậy bạ. Mẹ chỉ bị sốc, ngủ một giấc sẽ không sao”.
Diêu Ngạn đỡ bà Diêu nằm xuống, kêu Diêu Yên Cẩn kéo rèm cửa lại, cô
tựa vào đầu giường. Một lúc sau bà Diêu cũng nhắm mắt thiếp đi.
Diêu Yên Cẩn đói bụng ra ngoài phòng khách cầm bát lên ăn. Ông Diêu
về từ rạng sáng chưa có hạt cơm nào vào bụng nhưng ông nuốt không trôi,
cô họ liền bắt ông ăn hết hai bát cơm mới thôi.
Bệnh cảm của Diêu Ngạn trở nặng. Ăn được vài muỗng thì Diêu Ngạn ho
sặc sụa. Cô bỏ đũa xuống, lục lọi túi xách mới nhớ thuốc cảm rơi trên xe của Thẩm Quan. Gói cafe trong túi khiến tim Diêu Ngạn thắt lại, cô sực
nhớ tối qua cô sơ ý để nó trong xe ô tô.
Diêu Ngạn rút điện thoại di động hết pin trong túi ra mượn cục sạc đa năng. Vài phút sau, cô mở điện thoại lên, hơn mười tin nhắn mới làm di
động rung liên hồi, Diêu Ngạn ngẩn người gọi lại cho người đó.
Tưởng Nã đang lái xe nhìn cái tên sáng trên màn hình di động, anh
phanh gấp, tiếng săm lốp ma sát trên mặt đường như chọc thủng màng nhĩ.
Tưởng Nã lập tức hỏi: “Em đang ở đâu?”.
Diêu Ngạn lí nhí nói: “Tối qua nhà tôi bị cháy. Hứa Châu Vi vào cứu người, anh ta bị bỏng đang nằm viện”.
Tưởng Nã cắt ngang câu nói của cô: “Anh biết. Anh hỏi em đang ở đâu?”.
Diêu Ngạn nhíu mày: “Nhà bà con. Ở bệnh viện không có ai chăm sóc Hứa Châu Vi. Anh nhớ đến chăm sóc anh ta.” Cô thuật lại nội dung dặn dò tối qua của bác sĩ, cô vừa nói vài câu, Tưởng Nã lại xen ngang vào: “Em
đừng nhắc Hứa Châu Vi nữa. Em ở đâu, anh tới ngay”.
Diêu Ngạn ngây ra, nói: “Tưởng Nã, tôi không có tâm trạng cũng không
rảnh. Anh nhớ đến chăm sóc Hứa Châu Vi. Mấy ngày nữa có thời gian tôi sẽ đến cảm ơn anh ta”.
Đúng lúc này, cô họ giục Diêu Ngạn ra ăn cơm, Diêu Ngạn nói nhanh rồi bỏ điện thoại xuống. Sau đó cô gọi đến công ty nước giải khát xin nghỉ
phép, nói sơ sơ nguyên nhân. Giám đốc nói: “Được, được, cô yên tâm giải
quyết việc gia đình. Tôi cho cô nghỉ thêm hai ngày, cộng thêm hai ngày
cuối tuần là bốn ngày. Nếu lúc đó vẫn chưa ổn thỏa, cô lại báo tôi biết. Không đi được hội chợ Canton cũng không sao, tôi không trách cô!”.
Diêu Ngạn biết ơn Giám đốc: “Cảm ơn Giám đốc”.
Kết thúc cuộc gọi, điện thoại di động của cô lại tự động tắt máy. Diêu Ngạn rút pin ra sạc, quay về bàn ăn dùng bữa.
Sau khi ăn xong, cô họ lấy một chiếc chiếu từ trong tủ ra. Nhà nhỏ
chỉ có hai phòng ngủ. Phòng ngủ phụ dành ch ông bà Diêu, em họ và Diêu
Yên Cẩn nằm ở dưới đất. Ghế sofa trong phòng khách bằng gỗ, vừa đủ để
Diêu Ngạn nằm thẳng người. Cô họ lấy đệm xốp dùng vào mùa đông ra trải,
cầm thêm chăn gấp làm hai lót lên trên, bà nói: “Con ngủ tạm đêm nay.
Ngày mai, cô mua đệm lò xo cho con”.
Diêu Ngạn cười nói: “Đừng mua cô, thế này được rồi”.
Diêu Ngạn ho khù khụ nghe cô họ nói: “Hôm nay, con không được làm
việc, vào phòng cô ngủ tạm một giấc. Mẹ con có bố và chị con chăm sóc,
bên cảnh sát để cô lo, con đừng đụng đến gi hết. Yên tâm đi làm là
được”.
Diêu Ngạn lặng im, gật nhẹ đầu.
Rạng sáng, cô chỉ chợp mắt một chút, cả ngày cũng không ngủ được,
người còn bị cảm, đầu nặng trình trịch, cô mệt rũ người, vừa nằm xuống
gối là lả đi ngay. Hôm qua cô viện cớ xin nghỉ bệnh để đi Nam Giang
nhưng bây giờ cô không còn khả năng quan tâm đến Từ Anh. Ác mộng khiến
giấc ngủ của cô chập chờn không yên.
Cô họ đóng cửa, kéo dượng ra ngoài sân chất vấn chuyện xảy ra ở Lô
Xuyên. Nghe xong, bà hết đá lại đánh ông, bà hạ giọng oán trách: “Ông
dám gạt tôi? Lần này chắc chắn bên kia phóng hỏa trả thù. Tất cả đều tại ông, ông nói gia đình anh tôi phải tính sao đây?”.
Cô họ trút bao nỗi bực tức lên người dượng. Trong lòng bà thầm kêu
oan uổng cho anh trai, chị dâu, hận không thể dóc xương xẻ thịt kẻ phóng hỏa.
Ở chỗ của Thẩm Quan lúc này, anh ta bàn bạc chuyện công việc cùng
Trần Lập. Giám đốc cầm tài liệu đi vào, nói với Trần Lập: “Trần tổng, lẽ ra tôi đã chọn được người đến hội chơ Canton, là Tiểu Diêu bên phòng
nghiên cứu nhưng nhà cô ấy xảy ra chút việc, tôi vừa cho cô ấy nghỉ
phép, đến lúc đó có lẽ phải đổi người”.
Trần Lập đang gọi điện thoại quay sang nói với Giám đốc: “Tự ông xem
xét giải quyết. Hội chợ Canton lần này rất quan trọng, cần chọn người
tốt nhất!”.
Anh ta mới nói xong, đầu kia điện thoại đã bắt máy. Trần Lập hỏi: “Anh ở đâu thế? Không họp à?”.
Tưởng Nã ở đầu kia hầm hầm đáp: “Hôm nay bận, nghỉ”.
Trần Lập đành xin lỗi Thẩm Quan: “Hôm nay, Tưởng Nã bận. Chúng ta tiếp tục thôi”.
Thẩm Quan gật đầu, mở tập tài liệu đã soạn sẵn ra họp.
Sau khi họp xong, Thẩm Quan về phòng làm việc, gọi tài xế chở mình đến nhà cô họ Diêu Ngạn.
Lúc trước, anh ta từng cùng Diêu Ngạn đưa em họ về nhà nên cũng nhớ
mang máng địa chỉ. Anh ta chỉ đường, kêu tài xế quẹo trái rẽ phải, anh
ta hỏi: “Lão Hắc làm?”.
Tài xế gật đầu: “Lão Hắc sai một tên mập làm. Tên mập đó là bạn trai cũ của chị gái cô Diêu”.
Thẩm Quan nhướng mày, tài xế nói: “Mấy căn nhà trong ngõ đều chịu ảnh hưởng. Chuyện này khá ầm ĩ, kiểu gì tên mập đó cũng bị túm cổ. E là Lão Hắc sẽ gặp phiền phức”.
Miệng Thẩm Quan nhếch lên: “Ông ta không để mình dính vào đâu”. Anh
ta thu lại nụ cười, nhíu mày: “Rõ là ông ta chẳng coi tôi ra gì. Phóng
hỏa?”.
Tài xế ngước mắt nhìn gương chiếu hậu, ông ta có vẻ đắn đo nói: “Sếp
Thẩm, gia đình cô Diêu rất tội nghiệp. Dương Khải Hoài đang tiến hành
điều tra rồi, cô Diêu cũng không quan trọng, liệu có thể…”.
Thẩm Quan nhìn cảnh vật trước mặt lui dần về sau, anh ta cười: “Ai
nói cô ấy không quan trọng?” Anh ta gõ gõ lên ghế xe, nghiêng đầu nhìn
ra ngoài cửa sổ. Không biết nghĩ tới điều gì, anh ta không tự chủ để lộ ý cười trên mặt, nói thầm: “Cô ấy rất thú vị.” Nhất là khi rơm rớm nước
mắt bất chấp tất cả xông vào đám cháy, thú vị cực kỳ.
Xe chạy tới gần nhà cô họ Diêu Ngạn, Thẩm Quan bảo tài xế ngừng lại,
anh ta nhoài ra ngoài cửa gọi một cô bé đang rảo bước đi phía sau: “Còn
nhớ anh không?”.
Em họ gật mạnh đầu, chạy ào về phía đến xe anh ta: “Em nhớ”,
Thẩm Quan cười: “Anh đến nhà thăm chị em. Lên xe, chúng ta cùng đi”.
Em họ mau chóng ngồi vào xe, nghiêng người hỏi Thẩm Quan đủ thứ, than thở Diêu Ngạn đáng thương, cô bé nói: “Em định tập hợp bạn bè trong lớp góp tiền. Đồ đạc trong nhà chị họ cháy hết, tiền cũng không có, sau này tính thế nào đây?”.
Thẩm Quan xoa đầu cô bé, không nói không rằng.
Cô họ dọn dẹp nhà cửa, bà định sắp xếp lại, vì thế bà bàn với dượng
của Diêu Ngạn: “Ông với anh tôi ngủ phòng nhỏ. Tôi, chị dâu và Yên Yên
ngủ trên giường lớn ở phòng ngủ chính. Còn con gái trải đệm nằm dưới
đất. Mọi người không phải nằm dưới sàn nữa nhưng tội nhất là Diêu Diêu,
giường không đủ chỗ, con bé chỉ có thể ngủ trên ghế sofa”.
Dượng gật gù: “Ngày mai, tôi mua giường lò xo rồi xem xung quanh có phòng cho thuê hay không”.
Cô họ lườm ông: “Gấp cái gì mà gấp. Đi tìm nhà ngay là chị dâu nghĩ
chúng ta ruồng rẫy xua đuổi, để họ ở lại đây thêm một thời gian. Mấy
ngày tới tôi không đi theo xe, ở nhà chăm sóc chị dâu và Yên Yên, để
Diêu Diêu yên tâm đi làm, ổn định rồi tính tiếp”.
Trong lúc hai người nhỏ giọng bàn bạc, ngoài cửa vang lên tiếng gõ cửa ầm ầm, em họ gọi to: “Bố mẹ, mở cửa, mở cửa!”.
Cô họ đi ra dạy bảo cô bé: “Con gọi lớn tiếng làm gì, gia đình bác
con đang ngủ!” Bà mở cửa, nhìn người đàn ông to cao sau lưng em họ, bà
khó hiểu hỏi: “Cậu tìm ai?”.
Thẩm Quan chưa kịp trả lời, em họ đã lên tiếng thay: “Anh ấy là bạn trai của chị, đến thăm chị”.
Cô họ tỏ vẻ ngạc nhiên. Thẩm Quan mỉm cười giới thiệu bản thân, anh
ta nói: “Hình như hôm qua Diêu Diêu bị sốt, cháu đến thăm cô ấy”.
Cô họ mời anh ta vào nhà, bà cười nói rôm rả: “Hôm qua cô đi vội,
không gặp cháu ở bệnh viện. Hôm nay nghe anh cô kể mới biết tiền thuốc
men cũng do cháu ứng ra, không ngờ cháu là bạn trai của Diêu Diêu. Con
bé này, chẳng nói tiếng nào!”.
Thẩm Quan cũng không giải thích, anh ta cầm túi thuốc cảm: “Diêu Diêu để quên trong xe cháu. Không biết cô ấy thế nào rồi ạ?”.
Cô họ nói: “Nó đang ngủ, hôm qua nó không chợp mắt chút nào nên cô để nó ngủ thêm. Cháu vào thăm nó chứ?”. Cô họ dẫn anh ta vào phòng ngủ
chính rồi đóng cửa đi ra ngoài. Bà đẩy dượng Diêu Ngạn đi mua đồ: “Ông
mua thêm ít đồ ăn và bình rượu ngon. Tối nay kêu Tiểu Thẩm ở lại ăn
cơm”.
Dượng cau có: “Chưa chắc cậu ta là bạn trai Diêu Diêu. Diêu Diêu có nói bao giờ đâu. Bà giữ lại sợ không hay”.
Cô họ liếc ông: “Tôi còn không hiểu tính cách Diêu Diêu hay sao? Nó
sống khép kín, chỉ biết mỗi đến trường đi học, việc gì cũng để trong
lòng. Chắc chắn cậu ta là bạn trai của nó. Ông không nghe con ông nói à? Con ông còn chứng kiến hai đứa hẹn hò nữa đây!”.
Dượng muốn vặn lại nhưng hai chữ ”Tưởng Nã” sắp tuôn ra lại lập tức
nuốt vào trong. Từ tận đáy lòng, ông cũng mong bạn trai của Diêu Ngạn là người đàn ông ôn hòa hiền hậu.
Thẩm Quan ngoảnh đầu nhìn cửa phòng, rồi đến bên giường. Nhìn sắc mặt cô ửng hồng, anh ta đưa tay sờ trán cô.
Không biết Diêu Ngạn mơ thấy gì, cô chau mày thều thào, nhìn cô ngủ có vẻ không ngon.
Thẩm Quan cúi thấp xuống môi cô, nghe thấy những tiếng “mẹ”, “chị”
yếu ớt thoát ra từ miệng cô. Thẩm Quan nói khẽ: “Không sao. Gia đình em ở phòng kế bên cả rồi!”.
Có lẽ lời nói của Thẩm Quan có tác dụng, Diêu Ngạn thả lỏng lông mày đang nhíu chặt, cô hít thở đều đều trở lại.
Dượng mua thức ăn và rượu về nhà, cô họ xuống bếp làm cơm mời Thẩm
Quan ở lại ăn cùng. Ông Diêu ra khỏi phòng nhỏ, cô họ giới thiệu: “Bạn
trai của Diêu Diêu, Tiểu Thẩm!”.
Ông Diêu vô cùng kinh ngạc: “Bạn trai?”.
Cô họ cười nói oang oang: “Không ngờ đúng không? Diêu Diêu lén lén lút lút không nói với ai, mà lại để con của em biết!”.
Thẩm Quan lại giới thiệu về mình, lần này anh ta nói rõ với ông:
“Chưa hẳn là bạn trai ạ.” Anh ta vừa nói ra, mọi người đều sáng tỏ trong lòng, mọi người càng niềm nở lôi kéo anh ta hỏi han. Bóng đen của vụ
hỏa hoạn cũng được đẩy lùi trong chốc lát.
Bà Diêu và Diêu Yên Cẩn ngủ say sưa, cô họ để phần đồ ăn cho hai
người. Bà mở rượu, mọi người ngồi quanh bàn ăn, hỏi thăm về công ăn việc làm của Thẩm Quan. Ông Diêu càng lúc càng tỏ ra hài lòng: “Không ngờ
cháu còn trẻ mà tài ba đến vậy. Tối qua không kịp cảm ơn cháu, lát nữa,
bác phải mắng Diêu Diêu, tại sao tối qua không giới thiệu cháu!”.
Thẩm Quan nhấp một ngụm rượu, anh ta chỉ cười, không đáp lời ông.
Đang ăn giữa chừng, phòng ngủ chính vọng ra tiếng ho khan, cô họ vội vào bếp lấy một ly nước nóng. Thẩm Quan tới phòng ngủ rót một thìa sirô trị ho, anh ta đỡ Diêu Ngạn dậy rồi nói: “Em uống một thìa đi”.
Diêu Ngạn không mở mắt ra nổi. Cô ho khụ khụ, mặt mày ửng, li bì nuốt sirô trị ho. Thẩm Quan cầm thêm thuốc cảm đưa đến miệng cô.
Miệng cô ấm áp và mềm mại ngậm ngón tay của anh ta rồi rời ngay đi
khiến anh ta hơi thất thần. Thẩm Quan nhận ly nước nóng cô họ đưa thổi
vài hơi, đưa lên môi Diêu Ngạn. Cô họ lo lắng: “Đến bệnh viện truyền
nước thôi. Bệnh đến thế này rồi!”.
Thẩm Quan đồng ý với cô họ, anh ta lau nước đọng bên môi Diêu Ngạn,
vén tóc rủ trên má ra sau tai cho cô. Nhìn khuôn mặt cô đỏ bừng bừng,
Thẩm Quan cau mày: “Để cháu đưa cô ấy đi”.
Màn đêm buông xuống, trăng sáng lơ lửng trên cao. Mùi khét thoang thoảng trong sắc đêm mông lung.
Tưởng Nã lại bước khỏi con ngõ, ông cụ gọi anh từ đằng sau: “Ở phía đông, hình như là căn nhà mái bằng gần đường Lý Tam”.
Tưởng Nã quay ra sau nói cảm ơn ông cụ. Anh gọi điện cho đàn em, kêu
họ đến đường Lý Tam ở phía đông thị trấn. Đàn em tới đó hỏi chuyện nhưng không ai biết cô dượng của Diêu Ngạn.
Một lát sau, điện thoại của Tưởng Nã đổ chuông, anh nghe bên kia nói: “Mọi người ở trung tâm vận chuyển
hàng hóa đó về rồi. Những người còn lại không biết số điện thoại của nhà họ Diêu, địa chi càng khỏi phải hỏi”.
Tường Nã chán nản ngồi trong xe Jeep, anh day day trán. Đầu kia điện
thoại còn nói: “Anh Nã, hay để ngày mai. Dù sao chị dâu cũng sẽ mở di
động, không chừng hôm nay điện thoại chị ấy hết pin. Không sao đâu
anh!”.
Tưởng Nã làu bàu: “Anh chờ không nổi.” Anh dập máy, nhấn ga chạy đến thị trấn Sĩ Lâm.
Nửa tiếng đồng hồ sau, phía sau xe Jeep của Tưởng Nã có thêm một chú
chó béc giê Đức như từ trên trời rơi xuống. Đàn em làm theo lệnh mang
gối và quần áo nữ trong tủ đồ của Tưởng Nã tới.
Một người khác nhai đi nhai lại: “Anh Nã, em lấy chó nghiệp vụ hiển
hách chiến công đã nghỉ hưu cho anh, anh đừng để nó gặp chuyện, nó chính là mạng sống của em đấy!”.
Tưởng Nã bực mình rút một xấp tiền quăng cho anh ta. Anh ta hí hửng, ngậm miệng ngay tức khắc.
Thị trấn Trung Tuyển có diện tích bảy mươi kilômét vuông, dân số năm
mươi nghìn người với hơn mười thôn. Trong đó phía đông thị trấn có hai
thôn, trừ hai thôn này, khu dân cư ven đường Lý Tam phía đông thị trấn
phân bố thành sáu chỗ. Nhà mái bằng nằm rải rác ở đó từ vài chục năm
trước đã giải tỏa phân nửa, còn lại cho dân vãng lai đến làm việc thuê.
Cơ bản thì người địa phương đã rời khỏi nhà mái bằng, dọn đến chung cư ở Tân Kiến.
Tưởng Nã hối hả chạy tới phía đông thị trấn, dẫn chó nghiệp vụ xuất ngũ tìm kiếm từ chỗ đầu tiên.
Chú chó béc giê Đức này đã giải ngũ được hơn nửa năm. Tưởng Nã ra
lệnh, nó lập tức làm theo, nhanh nhẹn phóng về trước. Vòng khắp khu nhà, nó cũng không có phản ứng, Tưởng Nã bèn dẫn nó đến chỗ tìm kế tiếp.
Mấy anh em lẽo đẽo theo sau thì thầm cằn nhằn. Một người chỉ chú chó
béc giê Đức hăng hái tìm kiếm từ xa: “Dùng đến cả thứ này. Người ngoài
mà biết chắc cười thối mũi quá!”.
Một người khác huých anh ta: “Coi chừng anh Nã nghe thấy đánh chú bây giờ!”.
Hai người đi vào cửa hàng tạp hóa hỏi thăm nhà họ Diêu. Chủ cửa hàng
nói: “Không biết. Chỗ này dân cư đông đúc, biết ai với ai đâu!”.
Phóng tầm mắt ra xa, xung quanh đều là những căn nhà tường trắng ngói xám, cửa sổ mờ mờ hắt sáng leo lét, hơn phân nửa các căn nhà đều đã tối om, Bức tường dọc đường cao quá nửa người hở ra vài viên gạch, rác rưởi chất đống đổ tràn ra ngoài, ruồi nhặng bay vo vo xung quanh. Mấy anh em ngó nghiêng dáo dác, thở dài một hơi.
Chú chó béc giê Đức chạy một hồi thì lười biếng dừng lại. Tưởng Nã
quát nó, loay hoay gọi điện thoại di động cho Diêu Ngạn. Nghe thấy giọng nữ máy móc trả lời, anh cố kìm nén không để bản thân đập nát điện
thoại.
Bên chỗ khác, Diêu Ngạn đã đến bệnh viện một lúc lâu, cô ngồi trên ghế dựa ngoài hành lang.
Ra khỏi nhà cô họ, cô liền tỉnh ngủ. Trông thấy Thẩm Quan cô cứ tưởng mình nằm mơ. Đến khi cô họ và Thẩm Quan dìu cô lên xe, cô mới hoàn hồn
nhưng không còn kịp từ chối.
Cô họ lo Diêu Ngạn bệnh nặng, bà đỡ cô đến chỗ truyền nước, Thẩm Quan cũng đi theo. Diêu Ngạn ỉu xìu nói: “Thẩm tổng, anh về đi. Cảm ơn anh
đưa tôi tới bệnh viện”.
Cô họ cũng khách sáo với anh ta: “Trời tối rồi, để cô ở lại là được. Mấy tiếng nữa mới truyền nước xong!”.
Thẩm Quan mỉm cười: “Cháu không bận, coi như cháu nghỉ ngơi. Một lát, cháu đưa hai người về nhà”.
Thời tiết vừa vào thu, bệnh cảm liền hoành hành, trong phòng đầy bệnh nhân, y tá cắm kim cho Diêu Ngạn. Vóc người Thẩm Quan cao to, anh ta
một tay đỡ Diêu Ngạn, một tay giơ bình nước biển. Cô họ tìm được chỗ
ngồi, gọi họ đi qua.
Diêu Ngạn lề mề bước đến, cô giật cánh tay, có chút bài xích Thẩm
Quan. Anh ta nhận ra nên giữ tay cô chặt hơn, anh ta nói: “Hôm qua, em
để quên thuốc cảm trên xe tôi. Hôm nay, tôi rảnh rỗi mang đến cho em. Em đang bệnh, đừng khiến gia đình thêm lo lắng. Một lúc nữa, tôi đưa em
về”.
Diêu Ngạn nhíu mày im lặng.
Ngồi trên ghế dựa, Diêu Ngạn chỉnh nước biển truyền nhanh hơn. Thẩm
Quan ờ cạnh nhắm mắt nghỉ ngơi. Cô họ rủ rỉ bên tai cô: “Cậu ta theo
đuổi con bao lâu rồi? Cậu ta tốt đấy. cậu ta không nói, mọi người cũng
không biết cậu ta là sếp của con. Cô từng thấy đồ uống cậu ta kinh doanh quảng cáo trên ti-vi. Không ngờ cậu ta trẻ quá!”.
Diêu Ngạn nói giọng khàn khàn: “Cô đừng nói mò. Anh ta không theo đuổi con đâu!”.
Cô họ vỗ vỗ lên tay cô, bà cười nói: “Cô hiểu lớp thanh niên bọn con
bây giờ, cô không phải người bảo thủ”. Bà thì thầm: “Không phải kẻ giàu
có nào cũng xấu. Con sống tốt, hiển nhiên con chọn được người tốt!”.
Diêu Ngạn cũng thấm mệt, cô không tiếp tục phân bua với bà. Trong
khoảng hai tiếng truyền nước, cô họ dìu Diêu Ngạn đi vệ sinh hai lần, bà gọi điện về nhà bảo dượng của Diêu Ngạn nấu cháo: “Chúng tôi sắp về.
Ông nấu cháo rồi để cho nguội đi, hôm nay Diêu Diêu chưa ăn nên đói
lắm”.
Dượng gác máy xong, vội vàng đi nấu cháo. Ông Diêu bưng bát đũa đi
vào bếp, buông tiếng thở dài: “Bà ấy ăn không nổi, lại ngủ tiếp rồi”.
Dượng vừa cắt hành vừa hỏi: “Đỡ hơn buổi trưa không anh? Nhìn chị ấy trưa nay hơi đáng sợ”.
Ông Diêu gật đầu: “Nói chung cũng đỡ. Đầu óc tỉnh táo được chút ít
nhưng trông bà ấy còn bơ phờ lắm”. Ông rửa bát, nói: “Gần khu này có nhà cho thuê phải không? Ngày mai, anh đi tìm nhà, ở đây mãi cũng không
tiện”.
Dượng nói: “Anh nói gì kỳ cục vậy. Người nhà với nhau, làm gì đâu mà không tiện!”.
Huống chi tìm nhà không phải chuyện dễ dàng. Tài sản của nhà họ Diêu
cháy sạch, tiền gừi tiết kiệm lại bị Diêu Yên Cẩn làm mất hết, tiền bạc
kiếm mấy ngày qua cũng không gửi vào ngân hàng, một trận hỏa hoạn đã
thiêu rụi mọi cố gắng của họ.
Nấu cháo trắng xong, dượng dọn rác mang ra ngoài bỏ.
Khu dân cư ở đường Lý Tam phân bố thành sáu chỗ. Tường Nã đã tìm đến
chỗ thứ ba. Căn nhà mái bằng này ở khuất phía trong tường bao, bên ngoài có một cánh cửa sắt, bên dưới chèn một hòn gạch. Cửa sắt đang mở toang, chú chó béc giê Đức
vòng quanh thùng rác cạnh cửa sắt, rồi đột ngột sủa gâu gâu. Tưởng Nã đi lại nhìn vào trong thùng rác, anh chỉ thấy hai túi rác nằm lặng lẽ ở đó.
Anh vỗ đầu chú chó béc giê Đức, hỏi: “Có mùi của Diêu Diêu?”
Chú chó béc giê Đức lại sủa vào thùng rác, coi như trả lời.
Trong cửa sắt có bốn hộ gia đình cửa đóng kín, tối om. Bậc thềm lát
gạch hơi gồ lên, giẫm chân lên cảm giác dưới chân lắc lư nhẹ. Chú chó
béc giê Đức đi thẳng vào căn nhà đầu tiên bên tay trî Tưởng Nã ra hiệu
cho nó đừng lên tiếng, anh đập cửa.
Ông Diêu lúc này đang tắm rửa. Dượng dỗ em họ ngủ xong, nghe có tiếng gõ cửa, ông tưởng Diêu Ngạn về, vội chạy đi mở cửa.
Liếc thấy Tưởng Nã đến, ông ngỡ bản thân hoa mắt. Tưởng Nã nhìn vào trong nhà, anh hỏi ông: “Diêu Diêu ở đây?”.
Dượng không tin được vào mắt mình: “Anh… Anh Nã?”.
Tưởng Nã dừng một chút mới mở miệng: “Dượng gọi tên cháu được rồi. Diêu Diêu ở chỗ của dượng đúng không? Cô ấy ngủ chưa?”.
Dượng nhìn nhà tắm rồi ông bước ra ngoài, khép hờ cửa, ông nói: “Anh Nã, Diêu Diêu đi bệnh viện, gần về tới rồi”.
Tưởng Nã sửng sốt: “Đi bệnh viện?”.
Dượng nói: “Nó bị cảm, cô nó dẫn đi truyền nước, đang trên đường về”. Ông nói thêm: “Bố mẹ Diêu Diêu đang ngủ, không tiện để anh Nã vào nhà.
Một lát nữa, tôi sẽ nói với Diêu Diêu anh Nã đã đến, được không?”.
Tưởng Nã trầm tư trong giây lát, anh gật đầu đồng ý. Dượng thở phào nhẹ nhõm.
Đi tới ngoài cửa sắt, Tưởng Nã bước đến góc tường ngồi xổm xuống, ánh mắt anh nhìn chăm chú về phía con đường dẫn vào nhà. Chú chó béc giê
Đức ngoan ngoãn ngồi cạnh anh, nó nhìn anh trân trân, thỉnh thoảng sủa
vang mấy tiếng, làm cỏ dại cũng lắc lư theo.
Lúc nãy, Tưởng Nã lướt mắt khắp nhà, g đối diện cửa ra vào bày đầy
gối và chăn, hiển nhiên buổi tối có người ngủ ở đó. Anh nhăn mày quan
sát xung quanh, ở đây thua xa ngõ nhà Diêu Ngạn, không biết cô ngủ trên
giường hay ghế sofa.
Diêu Ngạn truyền nước xong, tâm trạng cũng tốt lên. Cô họ sờ trán cô, bà thoáng yên tâm: “Con không được bệnh. Gia đình con còn rất nhiều
việc cần con gánh vác. À, cô chưa nói cho ông bà nội biết, tránh cho ông bà nội buồn phiền”.
Diêu Ngạn hiểu rõ, cô gật đầu: “Con biết, cô đừng lo”.
Thẩm Quan thong thả lái xe, lâu lâu anh ta lại nhìn gương chiếu hậu. Một lát sau, xe đã chạy đến nhà của cô họ.
Cô họ xuống xe, luôn miệng nói cảm ơn. Bà kéo Diêu Ngạn, Diêu Ngạn
cũng đành gượng gạo cảm ơn anh ta. Cô họ nói: “Hôm nào, cô mời cháu ăn
một bữa nhé! Tiểu Thẩm giúp cứu chị dâu của cô, cháu cô; còn ứng tiền
thuốc men; hôm nay lại chở cô cháu cô đến bệnh viện; ngồi với cô cháu cô cả tối, cô không biết cảm ơn thế nào cho hết!”.
Thẩm Quan cũng tỏ vẻ khách sáo. Anh ta nhìn Diêu Ngạn, định nói chuyện với cô thì bỗng một con chó vừa sủa lớn vừa lao tới.
Diêu Ngạn hoảng hốt giật lùi hai bước, cô họ và Thẩm Quan cùng lúc
đưa tay đỡ cô. Ngờ đâu Thẩm Quan còn chưa đụng được vào người cô, con
chó lớn đã tấn công thắt lưng anh ta, nó cắn áo anh ta vừa sủa vừa lôi.
Thẩm Quan chệnh choạng ngã ra sau, gót chân chạm vào lốp xe, may mà có
xe ô tô sau lưng để chống tay, anh ta mới không ngã xuống đất. Con chó
lớn lại tiến đến, Diêu Ngạn và cô họ hét lớn.
Tiếng quát lớn và tiếng bước chân bỗng nhiên vọng tới, Diêu Ngạn ngơ
ngác nhìn qua, cô nghe Tưởng Nã cao giọng: “Con tiểu súc sinh này, đêm
hôm khuya khoắt thấy ma hả!”.
Chú chó béc giê Đức há miệng, nó hướng về phía Thẩm Quan sủa nhặng
lên rồi ngoan ngoãn lui ra sau, cọ cọ vào người Tưởng Nã. Tưởng Nã nhìn
Thẩm Quan, anh vờ như quan tâm: “Sao Thẩm tổng lại ở đây? Không cắn bị
thương anh chứ?”.
Thẩm Quan chống tay lên ô tô đứng thẳng dậy, quần áo anh ta xộc xệch, trông cực kỳ nhếch nhác. Anh ta chỉnh lại comple, nói giọng điềm tĩnh:
“Không sao. Tưởng tổng làm gì ở đây?”.
Cô họ lắp bắp nói: “Anh… anh Nã?” Hai tháng nằm viện của bà là do tên đầu sỏ Tưởng Nã gây ra. Bất thình lình chạm mặt Tường Nã khiến bà không khỏi sợ hãi.
Tưởng Nã cười nói bắt chuyện: “Cháu dẫn chó đi dạo. Lần đầu tiên đến
chỗ này”. Anh nhìn cô họ của Diêu Ngạn, hỏi: “Nhà của mọi người ở đây
à?”.
Cô họ lập tức “ừm” một tiếng. Tưởng Nã nhìn Diêu Ngạn chăm chú, anh nói: “Diêu…”.
Anh vừa gọi được một chữ, Diêu Ngạn đã chặn ngang tức khắc. Cô kéo cô họ vào nhà: “Mình vào thôi cô”. Cô nhìn Thẩm Quan nói: “Cảm ơn Thẩm
tổng, chúng tôi vào nhà đây”.
Thẩm Quan gật đầu, dõi mắt theo hướng hai người Diêu Ngạn vừa rời đi. Sau đó anh ta quay qua nhìn thấy Tưởng Nã mặt mày đen sì, anh ta cười
cười: “Tưởng tổng muốn đi dạo tiếp sao? Vậy tôi về trước đây”.
Khóe miệng Tưởng Nã xếch ngược lên: “Tạm biệt”.
Đợi Thẩm Quan rời đi, Tưởng Nã bắn cái lườm tức tối về phía cửa sắt.
Anh đứng ngớ ra một lúc rồi gọi đàn em lái xe Jeep lại, giao chú chó béc giê Đức cho người đó.
Ánh trăng tắt dần, nền trời cũng hửng sáng. Sáng sớm ở khu dân cư
xung quanh, người thì đẩy xe ba bánh thu mua ve chai, người thì mặc đồ
công nhân đạp xe, vài đứa bé nghịch ngợm bứt cỏ, đá gạch.
Viên đá bay chếch lên cửa xe Jeep rơi xuống đất, lẫn vào đống tàn thuốc màu vàng.
Diêu Ngạn cuộn người cứng ngắc trên ghế sofa suốt đêm. Trời chưa
sáng, cô đã mở mắt, bịt miệng kìm nén cơn ho. Đầu óc cô rối như tơ vò,
giây trước là hình ảnh lửa cháy đỏ rực, giây sau là cảnh Tưởng Nã bất
ngờ xuất hiện trong bóng đêm. Cô yếu xìu trở người ngồi dậy, rút cục sạc pin cắm suốt đêm ra. Diêu Ngạn mở điện thoại, màn hình di động chớp
sáng không ngừng nghi, cô giật bắn mình, lề mề nghe máy.
Tưởng Nã không biết bản thân gọi bao nhiêu cuộc từ tối hôm qua, động
tác của anh trở nên cứng đờ, máy móc. Bất chợt nghe thấy tiếng tút tút
tút, anh không kịp phản ứng, một lát sau mới nói bằng vẻ không chắc
chắn: “Diêu Diêu?”.
Diêu Ngạn khẽ “ừ”. Tưởng Nã khàn giọng hỏi cô: “Bệnh cảm của em đỡ chưa?”.
Giọng nói khô khan của Diêu Ngạn vang lên: “Đỡ rồi”.
Tưởng Nã cười: “Ra đây để anh nhìn em”.
Diêu Ngạn đờ người. Tưởng Nã nói: “Anh ở ngoài cửa, em ra cho anh nhìn em đi”.
Diêu Ngạn rụt người trên ghế sofa, cô ôm chân bất động. Tưởng Nã nói
nhỏ: “Nếu em không ra, anh sẽ điên mất. Hay để anh vào tìm em?”.
Diêu Ngạn lau khóe mắt, tim như có ai buộc chặt, cô cắn môi nói: “Anh lại bắt nạt tôi!” Nói hết câu, cô xỏ dép đi ra ngoài.
Diêu Ngạn vừa tới bên cửa sắt, cánh tay cô bỗng bị tóm lấy, mùi thuốc lá khó ngửi xộc lên mũi cô, cô cau mày nhăn mặt, Tưởng Nã ôm gọn cô vào lòng.
Ngồi vào xe Jeep, Diêu Ngạn lặng thinh nhưng đôi mắt cô long lanh ánh nước, cô cắn môi không cho bản thân bật khóc. Tưởng Nã ôm hôn cô, giọng nói khàn khàn của anh cất lên: “Mình làm hòa nhé!” Anh không hỏi chuyện Thẩm Quan, cũng không hỏi chuyện hỏa hoạn, anh chỉ nói: “Anh đã bảo Lý
Cường đi xem nhà. Bên chung cư Tây Môn có nhiều nhà cho thuê, anh thuê
cho em một căn, được không?”.
Diêu Ngạn cúi đầu cự tuyệt: “Không cần. Tôi tự sắp xếp được”.
Lông mày của Tưởng Nã chau lại: “Em tự sắp xếp thế nào? Em giày vò mình đến bệnh thế này còn chưa vừa lòng à!”.
Diêu Ngạn mím môi, áp trán lên ngực anh. Tưởng Nã vuốt tóc cô, anh
thở dài: “Anh biết em lo sợ chuyện gì nhưng anh xấu xa đến vậy ư?” Anh
mỉm cười: “Nhà chung cư trong thị trấn lạc hậu này không đắt, bảy tám
trăm tệ là thuê được rồi”.
Diêu Ngạn sầu muộn nói: “Ừm, đồ dùng trong nhà, quần áo, một đống thứ linh tinh cộng lại đắt lắm, anh đều sắp xếp hết cho tôi?”.
Tưởng Nã nói chắc nịch: “Sắp xếp hết cho em. Hay nhà em dọn đến chỗ anh. Anh dành nguyên một tòa nhà cho gia đình em!”.
Diêu Ngạn bật cười, cô ngước đầu lên nói: “Tưởng Nã, tôi không muốn
lúc này lại làm bố mẹ phiền lòng những chuyện như vậy. Bố mẹ tôi sẽ
không đồng ý thuê một căn nhà những bảy tám trăm tệ một tháng. Nếu tôi
thuê được chỗ như vậy, bố mẹ tôi sẽ sinh nghi, vì vậy để tôi tự làm từng bước. Nhà ở đường Lý Tam rất rẻ, tôi tự mình thuê đươc.” Ngừng một hai
giây, cô rủ mi nói: “Với lại ai biết trong nhà của anh có bí mật gì
không. Tôi nên tránh anh càng xa càng tốt!”.
Tưởng Nã phì cười, anh vừa mút môi cô vừa thầm thì: “Em đừng giận nữa. Sao nào? Mấy ngày nay nhớ anh lắm đúng không?”.
Diêu Ngạn đánh trống lảng: “Tôi chưa đánh răng!”.
Tưởng Nã ghì đầu cô: “Anh cũng chưa đánh răng. Có qua có lại, công bằng!”.
Hai người rúc vào trong xe thân mật rồi tâm sự cùng nhau, sau đó Diêu Ngạn vội vàng xuống xe.
Tưởng Nã nhìn bóng lưng của cô xa dần. Anh gọi điện đánh thức đám đàn em nói: “Tìm người đến đường Lý Tam ở Trung Tuyển thuê một căn nhà.
Buổi sáng thuê xong, buổi chiều tìm ngay người sửa sang. Mua mới vật
dụng và đồ điện gia dụng”.
Tưởng Nã vừa dứt lời bên kia điện thoại luống cuống, oán trách anh: “Gấp vậy anh?”.
Tưởng Nã giục giã: “Ừ, làm ngay đi. Về sẽ có thưởng!”. Giọng anh đổi
tông nặng trĩu: “Tiếp tục tìm người phóng hỏa. Chú đến sở cảnh sát nghe
ngóng thử, chúng ta phải tìm ra trước họ”.
Anh gọi điện cho Dương Quang, hỏi anh ta tình hình gần đây của Hắc
lão đại. Tưởng Nã cúi mắt nhìn gân xanh nổi lên trên mu bàn tay, nói
giọng hung tàn: “Anh sẽ chơi cùng ông ta!”.
Diêu Ngạn đã lấy lại tinh thần. Cô rửa mặt xong, đi vào nhà bếp nấu
nướng, rồi viết giấy để lại. Cô xem quảng cáo rồi đến mấy nơi quanh đây
tìm nhà cho thuê. Cô hỏi thăm vài người rồi theo họ tới một căn nhà mái
bằng. Bà bác cho thuê nhà mở cửa, nói: “Nhà cửa mấy tháng nay khó tìm
lắm. Đến Tết thì nhiều hơn, còn bây giờ người ta thuê cả rồi. Bác chỉ
còn căn này thôi”.
Cửa nhà mái bằng này có căn bếp nhỏ nằm ngay gần cửa, thẳng vào trong là phòng ngủ, phòng vệ sinh ở kế bên, vừa chật hẹp vừa ngột ngạt. Bà ta nói: “Nhà ở đây toàn như vậy. Một trăm hai mươi tệ một tháng, rẻ vô
cùng. Bác còn lắp cả bình nóng lạnh trong nhà vệ sinh, tiện nghi lắm”.
Diêu Ngạn hỏi: “Có nhà nào hai phòng ngủ không?”.
Bà bác cho thuê nhà cười cười bảo: “Ầy, kiểu đó làm gì còn nữa cháu.
Cháu chạy hết đường Lý Tam cũng tìm không ra. Cháu có thể để một bức
bình phong giữa nhà mà”. Thấy Diêu Ngạn không hài lòng, bà ta nói: “Bác
đảm bảo không có chỗ nào cho thuê rẻ như chỗ bác, cháu có thể đi tìm
hiểu thử. Cả Trung Tuyển chỉ có nhà ở đường Lý Tam là rẻ nhất. Hoặc cháu có thể thuê nhà trong thôn nhưng bác dám chắc không kịp rồi. Cháu có
thấy dãy nhà đang giải tỏa bên Sĩ Lâm không? Nhà sớm đã bị người ta thuê hết rồi, làm gì còn nhà trống nữa. Vả lại người ta ở một mạch hai năm,
chờ chung cư mới xây xong rồi mới dọn sang cơ”.
Diêu Ngạn gật đầu: “Cháu biết. Nhà cô họ của cháu ở đó, họ cũng thuê nhà, chờ năm sau dọn đi”.
Chạy ngược chạy xuôi cả buổi sáng, Diêu Ngạn thất vọng trở về. Cô vào nhà gặp ngay ông bà nội đứng trong phòng khách mắng chửi xối xả. Tiếng
gào thét phát điên của bà Diêu dội khỏi phòng nhỏ: “Đúng, đúng đúng, tất cả đều là lỗi của con. Con là sao Chổi, sinh ra một con khờ, lại làm
nhà cửa cháy rụi!”.
Bà nội khóc lóc mắng nhiếc: “Tôi nói sai sao? Cô lừa con trai tôi,
khiến nó kết hôn với cô. Hai đứa cô là anh em họ, kết quả là ảnh hưởng
đến cả thế hệ sau, đến tận bây giờ vẫn còn chưa hết báo ứng. Nếu không
phải tại cô sinh ra thứ ngu đần báo hại nhà họ Diêu chúng tôi, con trai
tôi đã giàu từ lâu rồi!”.
Cô dượng đứng cạnh hết lời khuyên ngăn. Ông Diêu giữ Diêu Yên Cẩn đang la khóc om sòm lại trong phòng.
Diêu Ngạn đau thắt lòng, cô đột nhiên hét lên: “Không ai được ồn ào! Chị, im miệng!”.
Diêu Yên Cẩn ngừng la thét, nhỏ giọng khóc nức nở. Diêu Ngạn nhìn ông bà nội, cô bình tĩnh nói: “Có kẻ cố tình phóng hỏa đốt nhà, do con
chuốc lấy, con đắc tội với người ta. Con đã báo cảnh sát, sớm muộn gì
cũng tìm ra. Ông bà nội, là con không tốt, con xin lỗi!”.
Ông bà nội hoảng hốt nhìn Diêu Ngạn, họ nắm tay cô, vừa gạt lệ vừa thở dài. Cuối cùng nhà cửa cũng yên ắng lại.
Bà nội rút sổ tiết kiệm đưa cho Diêu Ngạn, bà nói nhỏ: “Đây là tiền
bà để dành cho con. Bà cho con, con cầm lấy mà dùng. Trong nhà thiếu gì
thì mua về. Gia đình này chỉ trông cậy được vào một mình con”.
Diêu Ngạn không cầm được nước mắt, cô nhận sổ tiết kiệm, ôm chầm lấy
bà nội rủ rỉ tâm sự. Rất lâu sau, cô tiễn ông bà nội ra ngoài. Dượng
mượn xe van của hàng xóm chạy tới, cô cẩn thận đỡ ông bà nội lên xe.
Về đến nhà, cô họ quệt đôi mắt sưng đỏ, bà cười nói với Diêu Ngạn:
“Cô nghe nói sáng nay ông bà nội con gặp hàng xóm của nhà con ở ngoài
chợ nên biết tin này. Biết rồi cũng hay, không cần lo sợ giấu giếm nữa”.
Diêu Ngạn gật đầu, cô đi vào căn phòng nhỏ nhìn bà Diêu. Thấy bà đã ngủ, cô về lại phòng khách nói chuyện thuê nhà với cô họ.
Chen chúc trong nhà cô họ mãi cũng không được, huống chi cô cũng đang có một khoản tiền kha khá. Cô dò hỏi ý ông Diêu: “Bố, mình thuê một căn nhà hai phòng ở chung cư đi, môi trường cũng tốt hơn”.
Ông Diêu không đồng ý: “Đừng con. Tiết kiệm được cái gì thì tiết
kiệm, mình thuê nhà ở gần đây, kéo rèm che giữa là được. Cố thêm nửa năm nữa, đợi cuối năm cô con dọn sang nhà mới, mình thuê lại chỗ này. Đến
lúc đó cũng dành dụm được một khoản rồi”.
Cô họ nói phòng ngủ lớn có thể lấy bình phong ngăn ra, chi bằng cứ
sống ở đây. Ba người bàn bạc cả buổi cũng không thống nhất được ý kiến.
Nhưng sang đến ngày hôm sau tia hy vọng lại vụt sáng.
Ở ngã tư Lý Tam có một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Chủ cửa hàng dẫn họ đi
xem một căn nhà mái bằng có hai phòng ngủ. Vừa mở cửa đã ngửi thấy mùi
sơn nồng nặc, tường sơn trắng mới tinh. Chủ cửa hàng nói: “Nhà này vừa
mới sửa sang lại. Đồ dùng trong nhà mới hoàn toàn. Căn phòng nhỏ trong
này vốn để đồ đạc linh tinh, bây giờ cũng đã được sửa chữa lại”.
Chủ cửa hàng nói: “Tôi muốn tìm một gia đình ba người cho thuê, không muốn cho dân vãng lai đến đây làm công thuê. Một ngày nào đó, họ lại
trộm ti-vi, tủ lạnh của tôi đi hết thì toi!”.
Ông Diêu hỏi: “Vậy giá cả thế nào?”.
Chủ cửa hàng nói: “Tôi cho thuê rất rẻ, cho thuê lâu dài. Mỗi tháng hai trăm tệ, ba tháng đóng một lần, thế nào?”.
Ông Diêu mừng rỡ, ký hợp đồng ngay với ông ta, trút bỏ nỗi lo trong lòng.
Tuy nhiên căn nhà này mới sửa, còn nồng mùi sơn, tạm thời chưa thể ở, họ cần sống tạm bên nhà cô họ thêm một tuần.
Cô họ đến đồn công an chờ tín tức từ sáng sớm. Trời gần tối, bà về
nhà ăn cơm, nói qua loa sự tình với Diêu Ngạn nhưng tránh không kể với
ông bà Diêu.
Diêu Ngạn nhíu mày, nóng lòng muốn bắt ngay tên phóng hỏa. Sau khi ăn xong, Tưởng Nã gọi đến hỏi cô: “Buổi tối còn ngủ ở ghế sofa không?”.
Diêu Ngạn “ừm” một tiếng. Tưởng Nã không vui: “Em chưa hết bệnh. Anh đến đón em, nhân tiện nói em biết chuyện hỏa hoạn”.
Diêu Ngạn nóng ruột hỏi: “Anh điều tra ra rồi?”.
Tưởng Nã nói: “Gặp rồi nói!”.
Tưởng Nã đến, Diêu Ngạn viện cớ ra ngoài, theo anh đến công ty vận
chuyển hàng hóa ở thị trấn Lý Sơn. Cô vội vàng hỏi anh: “Anh điều tra ra rồi, đúng chứ?”.
Tưởng Nã nhấn cô ngồi xuống ghế sofa, đưa laptop cho cô, anh cười
cười nói: “Làm gì nhanh vậy được. Hôm nay em ngủ ờ đây, lên mạng, xem
ti-vi, thư giãn tinh thần”.
Diêu Ngạn mắng anh: “Lừa gạt.” Đúng lúc đi động của cô bất ngờ có tin nhắn mới, cô lườm Tưởng Nã, lấy điện thoại ra, đọc tin nhắn đến từ một
dãy số xa lạ. Nội dung vô cùng đơn giản: Lấy giúp sổ tiết kiệm, không có xưng hô, không có tên nhưng cô lại run bắn mình.