Hôm nay là Giao thừa. Cô dâu mới của công ty vận chuyển hàng hóa đã
mua sắm đồ Tết từ trước đó, chị ta hỏi ý kiến Diêu Ngạn: “Chị dâu, anh
Nã thích ăn món gì? Em sợ mình mua sai”.
Cô dâu mới lớn hơn Diêu Ngạn nhiều tuổi nhưng gọi “chị dâu” cực kỳ
thuận miệng. Mỗi khi Diêu Ngạn nghe thấy đều không được tự nhiên nhưng
sửa nhiều lần vẫn không có tác dụng.
Diêu Ngạn nói: “Anh ấy thích ăn mấy món béo ngậy như móng giò, xương ống ninh”.
Cô dâu mới ghi lại, đến chợ trung tâm thị trấn mua thịt lợn tươi.
Nồi thịt bò hầm trong bếp tỏa hương thơm phức. Diêu Ngạn mở nắp canh chừng.
Tưởng Nã ở trần đi từ tầng hai xuống. Anh lần theo mùi thơm, bước vào bếp ôm lấy Diêu Ngạn hôn cái chụt: “Dậy sớm vậy?”.
Diêu Ngạn đẩy anh, cất giọng vùng vằng: “Anh còn nói được à? Tối qua, em không về nhà, sáng sớm mẹ gọi điện tìm em đấy”.
Tưởng Nã cười hì hì nhấn người cô xuống tủ bếp: “Người lớn như mẹ em
không cần nói cũng hiểu. Mẹ em đợi đến trời sáng mới tìm còn gì!”.
Hai má Diêu Ngạn nóng ran, cô đẩy vòm ngực nóng hổi của anh: ‘Tiểu
Diễm tới rồi. Chị ấy đang đi mua thức ăn. Chúng ta ăn trưa ở đây, còn
tối về nhà em”.
Tưởng Nã lơ đễnh, anh đáp “ờ” một tiếng, thò tay vào áo Diêu Ngạn sờ
soạng, phát hiện cô mặc trong ba lớp ngoài ba lớp, anh cảm thấy không
vui: “Mở máy sưởi khắp nhà, em mặc kín thế này làm gì!”.
Diêu Ngạn trừng to mắt với anh: “Phòng sói!”.
Tưởng Nã nhếch miệng, anh nhấc Diêu Ngạn ngồi lên tủ bếp. Diêu Ngạn
kêu một tiếng, anh nói: “Cô bé quàng khăn đỏ, tại sao không mặc áo giáp
sắt?”.
Trong bếp tức thì vọng ra tiếng hét và tiếng cười đùa, loáng cái chỉ còn tiếng thở dốc.
Tới buổi trưa, mọi người đều tập trung sang tòa nhà nhỏ đằng sau. Cô
dâu mới nấu mấy món ăn rất ngon, không hề thua kém đầu bếp nhà hàng. Qua trò chuyện Diêu Ngạn mới biết cô dâu mới từng làm việc ở nhà hàng trên
thị trấn, cũng học lỏm được không ít.
Mọi người tấm tắc khen ngon. Cô dâu mới thẹn thùng đỏ mặt, khiêm tốn
nói: “Chị dâu nấu ăn mới ngon. Sáng sớm, chị ấy hầm một nồi thịt bò thơm nức”.
Kết thúc câu nói, cô dâu mới thắc mắc: “Ơ, thịt bò đâu?”.
Diêu Ngạn bối rối giải thích: “Em quên canh lửa, thịt bò cháy khét, không ăn được”.
Cô dâu mới mỉm cười, không ngờ Diêu Ngạn cũng có lúc đãng trí.
Diêu Ngạn liếc Tưởng Nã, anh phớt lờ tiếp tục ăn móng giò. Anh vớt
xương ống trong nồi canh, móc tủy ra muỗng cho Diêu Ngạn, anh nói nhỏ
bên tai cô: “Mệt mỏi cả buổi sáng, bồi bổ đi em!”.
Diêu Ngạn nổi cáu véo anh, mặt cô đỏ ửng. Tưởng Nã nhếch mép, hút hết tủy còn thừa trong ống xương, cả bàn tay anh dính đầy nước canh.
Mọi người cùng nhau ăn uống trò chuyện vui vẻ. Lý Cường nhắc đến Hứa
Châu Vi, Tưởng Nã cầm khăn lau tay, anh nói với vẻ trầm ngâm: “Sắp mở
phiên xử đầu tiên, tình trạng hiện tại của cậu ấy cũng không tệ”.
Tinh thần của mọi người bỗng xuống dốc, ai cũng cảm thấy ngậm ngùi, chẳng còn cảm nhận được mùi vị của món ăn.
Sau khi ăn xong, Tưởng Nã đưa Diêu Ngạn về Trung Tuyển. Trong xe vặn
máy sưởi đến mức cao nhất nên không cảm nhận được sự rét mướt bên ngoài. Diêu Ngạn vẫn nhớ như in lần trước đi thăm Hứa Châu Vi, anh ta lạnh
cóng, hai lỗ tai đỏ bừng.
Hứa Châu Vi vô tâm, miệng cười toe toét. Anh ta biết dù định hình
phạt, tội của anh ta cũng không nặng, cùng lắm ngồi tù vài năm, nhoáng
một cái sẽ hết. Anh ta ở tù nhưng không ngừng an ủi Tưởng Nã và Diêu
Ngạn. Ở tù đối với anh ta cũng giống như cá gặp nước.
Diêu Ngạn nói thều thào: “Hứa Châu Vi không hề đáng ghét”.
Tưởng Nã cười cười: “Gần hết năm rồi, em đừng nghĩ ngợi nhiều nữa.
Anh đã dàn xếp trong đó, cậu ấy sẽ không phải chịu khổ.” Anh nắm tay
Diêu Ngạn, xua tan sự đa cảm giúp cô.
Ở nhà Diêu Ngạn lúc này, ông bà Diêu đang loay hoay chuẩn bị cơm nước trong bếp.
Diêu Yên Cẩn mở cửa cho Diêu Ngạn và Tưởng Nã, rồi vội vàng chạy về
phòng gọi điện, cũng không biết hẹn ai cùng đi đến phòng khiêu vũ. Bà
Diêu ra khỏi bếp, bê trái cây lên cho họ. Ánh mắt như có như không của
bà lướt qua Tưởng Nã, thoáng gợn vẻ cáu kỉnh.
Tưởng Nã hỏi han bà Diêu. Anh ăn trái cây, bất ngờ nói: “Mẹ, có một
khách hàng cho con ba vé máy bay đi Thái Lan, du lịch trọn gói bảy ngày, bao ăn bao ở. Ngặt một nỗi công ty con bận rộn nhiều việc, không có
thời gian đi, vừa phí lại vừa tiếc”.
Bà Diêu làm sao không rõ ý của anh, cũng hiểu “khách hàng” trong
miệng anh là ai, bà chỉ nói: “Tôi thấy cậu lúc nào chẳng bận bịu. Tôi
vào bếp”.
Dứt lời, bà bỏ lại hai người, đi thẳng vào bếp.
Diêu Ngạn và Tưởng Nã nhìn nhau. Cô cười cười trêu anh: “Anh nhìn xem, anh bị hố rồi”.
Tưởng Nã nhét ngay miếng cam vào miệng Diêu Ngạn, chặn không cho cô lên tiếng.
Ngồi được một lúc, Tưởng Nã đứng dậy chỉnh trang quần áo đi vào bếp,
lẽo đẽo theo sau phụ giúp bà Diêu nấu ăn. Anh không giỏi xào nấu nhưng
làm mấy việc lặt vặt cũng không đến nỗi nào. Trong lúc anh nhanh nhẹn
nâng dao thái rau, bà Diêu nhẹ nhàng buông lời: “Quất gậy sắt thành
thạo, hèn chi cầm dao uyển chuyển”.
Tưởng Nã sựng người, vài giây sau anh tiếp tục thái rau, khúm núm lên tiếng: “Dạ không, dạ không”.
Suốt buổi chiều, bà Diêu cứ nói gần nói xa, ám chỉ mỉa mai đủ thứ.
Tuy bà biết ngày trước Tưởng Nã buộc phải làm vậy nhưng bà vẫn vướng mắc hành vi trước đây của anh. Đặc biệt là Tưởng Nã không có bằng cấp, cử
chỉ lại lỗ mãng.
Trong mắt bà, nhân tài tốt nghiệp đại học danh tiếng mới đúng tiêu
chuẩn làm con rể của bà. Chẳng hạn như chuyên gia tài chính, kỹ sư tin
học, hoặc giáo viên, chỉ những người này mới xứng đôi với Diêu Ngạn.
Vậy mà Tưởng Nã không phải cái gì hết. Điều duy nhất có thể khiến
người khác thay đổi cách nhìn về anh chính là bối cảnh gia đình. Tuy
nhiên bối cảnh này không những là chuyện đã qua, mà còn không được kể
ra, bà Diêu không thể khoe khoang với đồng hương. Thi thoảng có người
hỏi về bạn trai Diêu Ngạn, bà cũng chỉ có thể nói đối phương mở công ty
vận chuyển hàng hóa ở Lý Sơn. Một số người từng nghe tên Tưởng Nã đều
hết sức kinh ngạc, bàn ra tán vào sau lưng khiến bà Diêu rất mất mặt.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại con người Tưởng Nã khá được. Anh chăm
chút từng việc lớn nhỏ trong nhà họ Diêu. Sau khi bị mắc kẹt trong hỏa
hoạn, sức khỏe của bà không còn tốt như ngày trước. Tưởng Nã dẫn bà đến
thành phố Nam Giang khám Đông y. Dù là trước khi đi hay sau khi đi, anh
đều mua thuốc, đồ tẩm bổ cho bà. Anh còn giao rất nhiều đơn hàng lớn cho cô họ của Diêu Ngạn chạy. Cô họ Diêu Ngạn kiếm được rất nhiều tiền,
cuối năm tiền thưởng của ông Diêu tăng lên gấp đôi. Một vài người cùng
nghề mới đến gây trở ngại cho nhà họ Diêu, Tưởng Nã dùng thủ đoạn giải
quyết đối phương. Thủ đoạn là thứ khiến bà cực kỳ coi thường nhưng sau
đó bà lại cảm thấy rất hả giận, đến cả nằm ngủ cũng bật cười thành
tiếng.
Bà Diêu âm thầm thở dài nhìn Tưởng Nã đứng trước bồn rửa nhặt rau.
Một người đàn ông cao to đứng chen chúc trong gian bếp chật hẹp, không
hợp mắt chút nào. Bà nói với Tưởng Nã: “Được rồi, được rồi. Cậu và Diêu
Ngạn đi làm chuyện của mình đi, đúng năm giờ ra ăn cơm”.
Tưởng
Nã lập tức thốt lên “Con làm được” nhưng bà Diêu cứ đẩy anh ra
ngoài, ông Diêu đứng cạnh cũng phụ họa, anh đành “bịn rịn” rời khỏi bếp.
Tưởng Nã giày vò Diêu Ngạn suốt một đêm, sáng sớm còn quấn lấy cô mặn nồng trong bếp làm cô mệt rũ người, thiếp đi trên ghế sofa. Tưởng Nã đi đến ngồi xổm xuống vén tóc ra sau tai cô, anh gọi khẽ: “Diêu Diêu, về
phòng ngủ đi em”.
Diêu Ngạn làu bàu ngọ nguậy người. Tưởng Nã cẩn thận bế cô vào phòng ngủ.
Phòng ngủ mở toang cửa sổ, gió lạnh ùa vào. Thường ngày, ông bà Diêu
không dám mở điều hòa, trong phòng ngủ còn rét hơn cả bên ngoài. Tưởng
Nã đặt Diêu Ngạn lên giường, anh mở thảm điện, cởi áo khoác ra giúp cô.
Diêu Ngạn mơ mơ màng màng đẩy anh. Tưởng Nã dịu dàng dỗ dành, cô mới ngoan ngoãn để mặc anh.
Áo khoác vừa cởi khỏi người, Diêu Ngạn lạnh run, cô thoáng tỉnh giấc, ngáp ngắn ngáp dài cuộn mình vào trong chăn. Cô nói với Tưởng Nã: “Em
ngủ một lúc, khi nào ăn gọi em dậy!”.
Tưởng Nã cũng cởi đồ, anh vén chăn, chui vào ôm cô. Hai chân nóng hổi của anh áp lên chân Diêu Ngạn: “Lạnh không? Anh mở điều hòa nhé?”.
Diêu Ngạn đuổi anh ra ngoài: “Có bố mẹ, anh đừng nằm ở đây!”.
“Em đừng lo, bố mẹ em không vào đâu. Anh sưởi ấm cho em. Em cần anh mở điều hòa không?”
“Không cần.” Diêu Ngạn rúc vào lòng anh, cô nói: “Ai lại mở điều hòa vào mùa đông, chỉ có anh mới như vậy”.
Tưởng Nã muốn uốn nắn quan niệm chi tiêu của Diêu Ngạn, tính toán chi li không phải không đúng nhưng cần đảm bảo chất lượng cuộc sống. Khí
hậu miền Nam vốn dĩ ẩm ướt nhưng không ngờ cô lại bị nứt da mỗi khi trời lạnh. Mấy ngày trước, anh phát hiện ngón út của Diêu Ngạn nứt nẻ, mua
thuốc về bôi cũng vô ích.
Tưởng Nã nắm ngón tay út của Diêu Ngạn. Bên trong chăn tối om nhưng
anh có thể thấy đầu ngón tay của cô sưng tấy, anh vừa xoa nhẹ vừa nói:
“Em đừng để mấy đầu ngón tay khác cũng bị như vậy, biến dạng hết cả
rồi”.
Diêu Ngạn giật ngón tay nhưng Tưởng Nã nắm chặt không buông. Diêu
Ngạn nói: “Năm nay chỉ có một đầu ngón tay, đỡ nhiều lắm rồi. Người từng bị nứt ngón tay năm nào cũng bị, chữa không hết”.
Tưởng Nã cau mày: “Tạo sao em lại bị? Anh thấy tay chị em chẳng bị gì”.
Diêu Ngạn cười: “Trước đây, em không chú ý. Mùa đông giặt quần áo rất lạnh, giặt xong em lại ngâm tay vào nước nóng. Em bị nứt da từ hồi học
lớp hai”.
Tưởng Nã xót xa đặt nụ hôn lên ngón út sưng tấy của cô, anh nói rất
nhỏ: “Sau này đừng để anh thấy em làm việc. Mùa đông phải nghỉ ngơi cho
anh!”.
Trong lúc hai người nói chuyện, chăn đã ấm lên, thảm điện rốt cuộc
cũng phát huy tác dụng. Diêu Ngạn lặng lẽ xoay ngón chân, xem ra nó cũng bị nứt luôn rồi. Cô đáp qua loa vài câu, anh cắn cô một cái, thì thầm
ru cô ngủ.
Đến bốn giờ, hai người cùng chui ra khỏi chăn. Tưởng Nã chạy xe đi
đón ông bà nội Diêu Ngạn, gia đình cô họ Diêu Ngạn cũng đến đúng giờ.
Bàn ăn được dọn ra ngoài phòng khách. Trời tối đen cũng là lúc thức
ăn được bày lên bàn. Bà Diêu mượn bàn tròn của hàng xóm, chín người ngồi thành một vòng, ông nội ngồi ở ghế chính.
Bà Diêu vật lộn cả buổi với điều hòa trong phòng khách. Bà không biết chỉnh sao cho ấm lên, bèn gọi hai tiếng, Tưởng Nã vội vàng chạy đến
giúp. Một lát sau, làn gió ấm áp lan toả khắp căn phòng. Ông Diêu bê nồi lẩu lên, đặt ở chính giữa bàn, hơi nóng hừng hực đập tan hoàn toàn
không khí lạnh buốt.
Tưởng Nã rót rượu mời bề trên, anh chúc một tràng dài. Ông nội dấm
dúi đưa bao lì xì cho Tưởng Nã. Biết Diêu Yên Cẩn và em họ chưa từng
được lì xì, anh lén lút nhét vào túi, nhỏ giọng cảm ơn ông nội.
Tưởng Nã rất lễ phép với bề trên. Anh rót rượu châm thuốc, có hỏi ắt
có đáp, hoàn toàn khác dáng vẻ hung tợn ở thị trấn Lý Sơn. Ngoài bà Diêu còn thành kiến với anh ra, tất cả mọi người đều thay đổi cách nhìn về
anh.
Sau bữa cơm, chương trình đón Giao thừa đúng giờ chiếu trrên ti-vi.
Ghế sofa không đủ chỗ, Tưởng Nã bèn dìu ông bà nội ngồi giữa ghế, còn
anh ngồi trên tay vịn cạnh Diêu Ngạn.
Mọi người nói từ chuyện hàng xóm cho đến thành tích học tập của em
họ. Em họ còn một học kỳ nữa là thi chuyển cấp, mọi người rất lo lắng
cho cô bé. Ông nội dạy cô bé phải noi gương Diêu Ngạn, em họ ngồi hí
hoáy nghịch trang sức của Diêu Yên Cẩn, gật đầu đối phó, không rõ có để
vào tai hay không.
Chương trình đón Giao thừa rất dài nhưng mới hơn tám giờ rưỡi, ông bà nội đã cảm thấy buồn ngủ. Tưởng Nã vội đứng dậy đưa ông bà nội về nhà.
Bà Diêu đắn đo một lúc, mới nói với anh: “Cũng gần hết năm cũ rồi, cậu
đừng chạy tới chạy lui nữa. Đưa ông bà về xong thì đừng trở lại Lý Sơn”.
Tưởng Nã vô cùng bất ngờ, mặt anh hiện rõ tia vui mừng.
Có điều Tưởng Nã đã vui mừng quá sớm. Sau khi đưa ông bà nội về, anh
hí hửng chờ đợi chương trình đón Giao thừa kết thúc. Đến lúc chương
trình kết thúc, bà Diêu mới nói: “Cậu mau đi tắm, còn Diêu Diêu tối nay
ngủ với chị, đừng đánh thức nó”.
Bà Diêu ngáp dài quay về phòng ngủ.
Tưởng Nã ai oán nhìn Diêu Yên Cẩn lôi Diêu Ngạn về phòng. Pháo hoa
thắp sáng bầu trời bên ngoài, còn anh một thân một mình ủ ê đi vào nhà
tắm.