Cuộc Liên Hôn Sai Lầm

64: Mất Tích


trước sau


Như thường lệ, chị Tâm là người thức dậy trước tiên.

Lúc chị quét sân nhặt được chùm chìa khóa, chị cứ nghĩ thành viên nào trong nhà đánh rơi, liền cất vào túi, tự nhủ thầm sẽ hỏi mọi người sau.
Chị tiếp tục dọn dẹp, nấu bữa sáng.

Một lúc sau ông bà Hưng thức dậy.

Nhà ít người nên chị Tâm chẳng bận rộn như mấy người giúp việc nhà khác.

Lúc còn Trúc Khanh, chị có mệt một chút, nhưng giờ rảnh rang hơn nhiều.
Ông bà Hưng không có yêu cầu gì đặc biệt.

Thụy Khanh thì chẳng phiền chị, con bé tự dọn dẹp phòng ốc của mình.

Lâu lắm chị mới giúp lau một lần.

Sau khi Trúc Khanh mất, bà Hưng thích ở trong phòng nhiều hơn.

Khi nào ông Hưng ở nhà, bà mới ra khỏi phòng.
Thụy Khanh thường tránh mặt ba mẹ nên ít ăn cùng hai người.

Cho nên sáng nay không có cô cũng chẳng ai thắc mắc.

Ăn sáng xong, ông Hưng đến công ty, bà Hưng lại lên phòng.
Thấy Thụy Khanh chưa xuống, chị Tâm lên phòng cô gõ cửa.

Chị gõ một lúc lâu, vẫn không ai ra mở.

Chị đành đẩy cửa vào phòng, tìm khắp nơi không thấy cô đâu.

Lòng chị có chút bất an vì liên tưởng mấy lời cô nói hôm trước.
Chị cố nghĩ lạc quan chắc Thụy Khanh ra ngoài sớm.

Trí nhớ của chị không tốt nên không nhớ đến chùm chìa khóa rơi ở sân vườn sáng nay.

Chị cứ đinh ninh Thụy Khanh ra ngoài, nên an tâm xuống nhà dọn dẹp.
Nhưng rồi đến tối mịch cũng không thấy Thụy Khanh về nhà.

Lòng chị bắt đầu hoảng hốt.

Biết bà Hưng không kiên nhẫn chuyện của Thụy Khanh, nên chị nói riêng với ông Hưng.
Ông Hưng nghĩ Thụy Khanh đi chơi đâu đó nên về trễ, nhưng chờ đến mười giờ đêm cũng không thấy cô về.

Chị Tâm gọi vào di động thì không liên lạc được.

Ông Hưng cho là cô qua đêm ở nhà bạn.

Chị Tâm lại không lạc quan như ông.

Đây là điều trước giờ chưa từng xảy ra.
Thụy Khanh luôn về nhà trước 9 giờ tối.

Nếu ngủ bên ngoài, cô sẽ gọi về nhà thông báo.

Giờ trễ như vậy không biết cô đã xảy ra chuyện gì.

Cô không bao giờ vô tình như vậy.
Ông Hưng ở trong phòng với bà Hưng, chị không dám gõ cửa hoài.

Chị tiếp tục gọi cho Thụy Khanh nhưng vẫn không liên lạc được, lòng chị càng bất an.

Đến 12 giờ đêm, chị cố gọi lại vẫn là những tiếng ò e.
Chị căng da đầu đứng trước phòng ông bà Hưng gõ cửa.

Nhưng ông bà đã ngủ, chị thất vọng cho Thụy Khanh, sao ba mẹ con bé có thể vô tình đến mức này.

Thụy Khanh bất hạnh mới đầu thai vào gia đình này.

Cả đêm chị trằn trọc lo lắng cho Thụy Khanh.
Sáng hôm sau ông bà Hưng xuống lầu ăn sáng.


Lúc này ông Hưng mới nhớ đến con gái nên hỏi chị Tâm:
"Thụy Khanh đã về chưa?"
"Dạ chưa."
"Con bé này sao đi đâu mà không gọi về nhà.

Càng ngày càng không ra thể thống gì." Ông Hưng lại bất mãn.
"Nó đi đâu thì kệ nó.

Không cần phải quan tâm nhiều làm gì." Bà Hưng bực bội.
"Bà đừng nói lạnh lùng như vậy.

Con bé là con gái chúng ta."
Bà Hưng bĩu môi không nói gì, như muốn kết thúc vấn đề không có cùng điểm chung giữa hai người.

Ông Hưng ra xe đi làm, bà lại lên phòng nhớ về Trúc Khanh.
Một ngày nữa trôi qua, Thụy Khanh vẫn chưa về nhà, điện thoại cũng không liên lạc được.

Chị Tâm không thể bình tĩnh được nữa.

Chiều ông Hưng vừa bước vào nhà, chị Tâm liền giữ chân ông:
"Thụy Khanh vẫn chưa về nhà ông chủ ơi.

Tôi gọi con bé sáng giờ không liên lạc được."
"Điện thoại tắt luôn hay có kết nối mà không ai nhấc máy?" Ông Hưng hỏi lại.
"Dạ, điện thoại giống như bị tắt nguồn, không liên lạc được ông ơi." Chị Tâm nói đến đây, nước mắt không quản được tự nhiên chảy ra.
Lúc này bà Hưng đã xuống lầu, nghe hai người trò chuyện, giọng bà bực bội: "Nó không muốn ở nhà nữa thì kệ nó, chơi chán rồi sẽ về.

Có gì mà phải lo lắng.

Đâu phải lần đầu nó bỏ nhà đi."
"Bà đừng nói khó nghe như vậy.

Lúc trước Thụy Khanh đi học, ở bên trường với bạn cho tiện việc học.

Đấy không phải là bỏ nhà đi.

Bà thương Trúc Khanh không sai, nhưng đừng vì đứa con gái đã mất mà tuyệt tình với đứa còn lại.

Bà nên nhớ chúng ta chỉ còn đứa con này.

Đừng để mình phải hối hận về sau."
Bà Hưng như bị che mờ lý trí, vẫn khư khư giữ sự cố chấp của mình.

Ông Hưng và chị Tâm lo lắng bất an.

Ông Hưng gọi vào máy Thụy Khanh rồi lại thất vọng vì không kết nối được.
Thêm một ngày nữa trôi qua, ông Hưng vẫn không liên lạc được với con gái.

Lúc này ông không còn giữ bình tĩnh được nữa, bèn gọi cho Minh Hoàng.

Chuông reo chỉ một giây, anh đã nhấc máy.
"Con nghe chú Hưng."
"Thụy Khanh có liên lạc với con không Hoàng?"
"Dạ không chú Hưng."
Sau đám tang Trúc Khanh, anh bận đi công tác nước ngoài cũng không liên lạc với Thụy Khanh.

Thật ra chẳng phải anh bận đến nổi không có thời gian gọi cô, chỉ là anh muốn cho hai đứa thời gian để quên chuyện đau buồn.

Anh chờ Thụy Khanh bình tâm lại, đừng nhớ gì chuyện Trúc Khanh đã từng ở giữa hai đứa nữa.
Anh biết lòng cô đầy phiền muộn, đau xót, xen lẫn cảm giác hối lỗi.

Giờ cô vẫn còn dằn vặt bản thân.

Nếu anh tiếp tục xuất hiện sẽ khiến cô nhớ đến Trúc Khanh, lòng lại không nguôi ngoai được.
Hiện tại không là thời điểm thích hợp cho anh ở bên cạnh Thụy Khanh.

Anh muốn chờ thêm thời gian nữa mới tìm cô.

Anh không tính buông tay người con gái anh yêu quý.

Nhưng mà sự thận trọng này khiến anh phải hối hận khôn nguôi.

"Thụy Khanh bỏ đi đâu đó Hoàng ơi.

Hai ngày rồi không về nhà, điện thoại cũng chẳng kết nối được." Giọng ông Hưng lo lắng: "Chú còn đang hy vọng con bé đã liên lạc với con.

Không biết con bé đang ở đâu mà không mở điện thoại."
Minh Hoàng nghe đến đây lòng anh lập tức bất an, không còn giữ nổi bình tĩnh: "Chú nói Thụy Khanh làm sao?"
"Không thấy con bé về nhà.

Chú không biết nó đi đâu."
Minh Hoàng bắt đầu lo sợ, thầm cầu mong Thụy Khanh không xảy ra chuyện gì.

Anh nhanh chóng gọi cho Hải Băng và Ngọc Linh.

Nhưng Hải Băng đã sang nước ngoài, không thể liên lạc được.

Chỉ còn Ngọc Linh nhận điện thoại của anh, nhưng cô cũng không biết Thụy Khanh đi đâu.
Minh Hoàng cảm thấy giận ông bà Hưng, sao có thể hờ hững đến mức này, hai ngày rồi mới gọi cho anh.

Nếu Thụy Khanh xảy ra chuyện, sao anh có thể chịu đựng nổi.

Lòng anh nóng như lửa đốt.
Ông nội nghe tin Thụy Khanh không về nhà hai ngày, nhưng giờ ông Hưng mới quan tâm và gọi báo cho anh, cũng cảm thấy bất bình:
"Sao ba mẹ nó có thể vô tình như vậy? Chắc xảy ra chuyện gì bên đó nên con bé mới bỏ đi.

Có lẽ mẹ nó vẫn trách móc nó."
"Giờ con sang nhà chú Hưng."
"Ông nội đi với con."
Hai ông cháu vội vàng sang nhà ông bà Hưng.

Thái độ bà Hưng như chẳng có chuyện gì nghiêm trọng.

Ông Hưng dù lo lắng nhưng vẫn cho là Thụy Khanh giận mẹ nên đi chơi đâu đó, vài ngày nữa sẽ về.

Chị Tâm đứng ở góc phòng, nhịn không được bèn bước tới nói chen vào:
"Tôi sợ Thụy Khanh có chuyện.."
Nói mấy lời này tự chị không cầm được nước mắt: "Tôi sợ con bé sẽ không trở về nữa hu hu!"
"Không trở về cũng tốt." Bà Hưng lạnh lùng.
Minh Hoàng và ông nội nghe mấy lời của bà trong lòng rất giận, nhưng không tiện phản ứng, chỉ có ông Hưng cảm thấy chướng tai nên quát lên:
"Bà đừng quá đáng như vậy.

Thụy Khanh có làm gì bà đâu.

Đừng để nửa đời sau sống trong sự dày vò, hối hận."
Nghe ông nói mấy lời này, chị Tâm chợt nhớ ra điều gì đó, rồi chị khóc lớn:
"Hôm bữa tự nhiên Thụy Khanh nhờ tôi mai kia chăm con vẹt giúp nó.

Tôi đã nghi nghi trong lòng.

Thụy Khanh cưng con vẹt này nhất.

Lúc nào nó và con vẹt cũng trò chuyện.

Khi nào ở nhà, nó đều mang con vẹt bên cạnh, hay chọc cho con vẹt nói nhảm rồi cười khanh khách.

Vậy mà Thụy Khanh bảo tặng tôi, con bé nói mấy lời như trăn trối, tự nhiên tôi bất an lắm ông chủ ơi." Chị Tâm khóc nghẹn ngào.
Dù không phải ruột thịt nhưng chị thật lòng lo lắng cho cô, còn mẹ ruột thì dửng dưng khiến người ta bất bình.
"Thụy Khanh còn nói gì nữa không chị Tâm?" Minh Hoàng bàng hoàng đau xót.
"Không có.

Chỉ là những ngày gần đây con bé ít khi ra ngoài.

Mỗi lần Vân Tú qua chơi, nó vui được một chút.

Sau đó ở lì trong phòng, đến bữa ăn cũng không xuống.

Tôi thường lên năn nỉ nó, con bé nể tôi nên ăn được một chút."
Nhắc đến chuyện này chị nhớ lại sinh hoạt mấy lúc gần đây của Thụy Khanh lại rớt nước mắt.


Tự nhiên chị sợ cô nghĩ quẩn, đã quyên sinh rồi.
Minh Hoàng càng nghe chị nói, tâm càng bấn loạn.

Anh tự trách mình đã quá thận trọng, không tìm Thụy Khanh sớm hơn.

Sao anh lại nghĩ nhiều, sợ cô phản đối, ngại ông bà Hưng đánh giá, rồi lại để cô một mình chống chọi với nỗi cô đơn và sự dằn vặt của gia đình.
Anh biết mình đã sai.

Anh là đàn ông mà không thể làm chỗ dựa vững chắc cho người anh yêu.

Nếu Thụy Khanh có mệnh hệ nào, cả cuộc đời còn lại của anh sẽ sống trong nỗi ăn năn.
Nghĩ đến đây tim anh bất giác nhói đau, tròng mắt xốn xang, rồi lắc đầu xua tan ý nghĩ không may mắn.

Thụy Khanh của anh chắc chắn sẽ bình yên.

Cô phải cùng anh sống hạnh phúc bên nhau, không thể ích kỷ để anh cô đơn một mình.

Anh sẽ hận cô suốt đời.
"Sáng hôm trước tôi quét sân, nhặt được chùm chìa khóa, tôi còn tưởng ai đó làm rơi.

Giờ tôi

chợt nghĩ hay là Thụy Khanh cố tình bỏ lại trong sân."
Tiếp tục chờ đợi không phải là cách.

Minh Hoàng không yên lòng, anh đưa ông nội về, rồi chạy đến những nơi Thụy Khanh từng đến, nhưng chỗ nào cũng không có thông tin của cô.

Cả anh Toàn, chị Vân cũng bị anh khuấy động.

Biết Thụy Khanh mất tích hai hôm nay, hai người vô cùng lo lắng, lòng thầm cầu mong cô bình an.
Minh Hoàng trải qua ngày thứ ba không tìm thấy Thụy Khanh.

Anh hầu như bỏ việc, suốt ngày liên lạc khắp nơi, nhờ người tìm kiếm cô.

Nhờ cả cảnh sát vào cuộc, nhưng thời gian cô mất tích chỉ mới ba ngày, cảnh sát từ chối xử lý.

Minh Hoàng phải sử dụng mối quan hệ, nhờ bạn bè để ý khắp nơi cũng chẳng thấy bóng dáng Thụy Khanh.
Minh Hoàng không còn bình tĩnh được nữa.

Sự lo lắng cho Thụy Khanh đã khiến anh không kiểm soát được chính mình.

Bôn ba khắp nơi tìm bóng dáng người con gái anh yêu quý, nhưng cô cứ như bóng chim tăm cá.
Mỗi một ngày trôi qua, Minh Hoàng lại sống trong sự hối hận, dằn vặt, lo lắng, bất an.

Anh lục tung cả thành phố nhưng không hề có tí manh mối nào.

Lòng anh hoảng loạn tăng dần theo cấp số nhân.
Bà Hưng giả vờ không để tâm, nhưng thật ra trong lòng bắt đầu dao động, bất an.

Ngày làm Thụy Khanh bị bỏng, thật ra tim bà cũng rất đau.

Chỉ vì cái tôi quá cao và sự giận hờn làm mất lý trí, nên bà không thể hiện tình cảm của mình với cô.

Lúc đầu nghe tin cô bỏ đi, bà có chút nhẹ nhõm, vì không phải đối diện với cô, khỏi cảm thấy áy náy lương tâm.
Nhưng giờ chờ ngày qua ngày, tuần lại sang tuần, con gái vẫn chưa quay về, điện thoại cũng chẳng liên lạc được.

Cảnh sát đã vào cuộc nhưng chẳng có tin tức gì.

Theo sự phân tích của cảnh sát, Thụy Khanh đã tính trước ngày cô đi, tắt camera an ninh trong sân vườn cũng như trước nhà.

Không biết cô di chuyển bằng phương tiện nào.

Họ đã rà soát các chuyến bay ngày hôm đó nhưng không có tên cô.
Truy thông tin từ các nhà xe những vẫn không có tin tức của Thụy Khanh.

Thành phố này có bao nhiêu nhà xe, không phải nhà xe nào cũng ghi xuống thông tin hành khách.

Mọi người bắt đầu sợ Thụy Khanh đã làm điều nông nỗi, nhưng cảnh sát nói nhiều ngày qua không có thông tin vụ tự tử nào.

Người chết vì nguyên nhân khác cũng không ai giống với đặc điểm của Thụy Khanh.

Manh mối cứ thế đứt đoạn.
Lúc này bà Hưng mới bắt đầu hối hận.

Ông Hưng đã nói hai người chỉ còn một đứa con gái.

Dù bà cố tình gàn bướng nhưng trong thâm tâm bà hiểu, sự ra đi của Trúc Khanh là tốt cho con bé và gia đình.

Mấy chục năm sống trong sự hồi hộp, không biết khi nào con bé phải vào bệnh viện.

Bản thân con bé cũng bị hành hạ vì bệnh tật, người làm cha mẹ cũng đau xót.
Trúc Khanh ra đi, kết thúc sự tra tấn thể xác là điều tốt.

Chỉ tại bao nhiêu năm chăm sóc con, giờ bỗng chốc mất đi nên bà không thể chấp nhận được sự thật.


Nhìn Thụy Khanh lại nhớ Trúc Khanh, bà vừa thương vừa bị ám ảnh.

Bà bị cảm xúc đánh lừa, mất lý trí, tình mẫu tử bị che mờ, nên mới đẩy Thụy Khanh ra xa.
Chiều xuống, chị Tâm lên cho con vẹt ăn và tắm rửa cho nó.

Nhiều ngày rồi không có Thụy Khanh tự dọn phòng, nên bụi bám đầy trên bàn.

Chị Tâm nhìn khung cảnh cũ lại nhớ người.

Chị đứng bần thần một lúc rồi bắt đầu dọn phòng cho cô.
Chị lia chổi lông gà phủi bụi kệ sách, rồi đến bàn học.

Chỗ nào cũng được chị lau sạch.

Khi dọn đến đống sách trên bàn, chị mới thấy phong thơ nằm chễm chệ trên chồng sách.

Chị vội vàng vồ lấy nó rồi chạy nhanh xuống phòng ông bà Hưng.
Bà Hưng là người đầu tiên vươn tay giành lấy phong thơ.

Nhìn thấy dòng chữ mềm mại của con gái, nước mắt bà lập tức rớt xuống.

Sau khi đọc xong bức thư, bà hoàn toàn chết lặng.

Minh Hoàng và ông nội được ông Hưng thông báo vội vàng chạy sang.
Ông Hưng đưa phong thơ cho anh.

Đọc từng dòng chữ được viết trong đó, không ai có thể cầm được nước mắt.

Ông nội dù đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, cảm xúc đã chai sạn, nhưng cũng không ngăn được dòng lệ nóng hổi từ khóe mắt già nua.
"Kính gửi ba mẹ,
Con biết sự có mặt của mình trên cuộc đời này là một sai lầm.

Dù con cố gắng mọi cách cũng không khiến ba mẹ yêu thương được, chỉ làm hai người thêm phiền lòng.

Từ nhỏ đến lớn, con mong được ba mẹ chú ý nhưng dù con có làm thế nào, ba mẹ cũng chưa bao giờ đặt con vào mắt.
Ngày còn nhỏ, con không hiểu chuyện, hay giận hờn khi ba mẹ chỉ tập trung vào Trúc Khanh.

Sau này lớn hơn, con được dạy rằng Trúc Khanh hy sinh để con ra đời trước, nên em chịu hết bệnh tật thay con, nên con phải thương em, nhường nhịn em.

Con đã nghĩ mình có tội, vì con nên em mới khổ, nên con rất thương em.
Con luôn nghe lời ba mẹ, chuyện gì cũng nhường nhịn em, cho em điều tốt nhất.

Nhưng mà sự cố gắng của con chỉ được xem là điều hiển nhiên, là bổn phận và trách nhiệm của con.

Ba mẹ chưa bao giờ quay lại nhìn con lấy một lần, cũng chưa bao giờ đánh giá đúng sự cố gắng của con.
Thật ra con rất ghen tị với Trúc Khanh, vì em có được hết tình thương của ba mẹ.

Đôi lần con ước mình bị bệnh để được ba mẹ yêu thương như yêu thương Trúc Khanh.

Rồi con nhận ra dù con có bị làm sao, ba mẹ cũng không thương xót con.
Và con hiểu rằng sự đối xử lạnh nhạt của ba mẹ đã trở thành bản năng, không bao giờ thay đổi được nữa.

Chờ ba mẹ ban ph át tình thương cho con sẽ viễn vông vô cùng, nên con đã từ bỏ.
Trúc Khanh mất đi lòng con rất đau.

Dù con ghen tị với em nhưng thật ra con rất thương em, vì em là em gái ruột của con.

Cũng như ba mẹ là hai người thân duy nhất trong cuộc đời con.

Biết rằng ba mẹ không yêu con, nhưng con sẽ vẫn yêu ba mẹ.

Sau này dù con ở nơi nào, con cũng sẽ cầu mong cho ba mẹ được khỏa mạnh.
Ba mẹ cho con xin lỗi vì hai mươi mấy năm qua, sự có mặt của con khiến hai người không vui vẻ.

Từ giờ ba mẹ sẽ không phải nhọc lòng vì con nữa.

Con thành thật xin lỗi ba mẹ.

Con kính chúc ba mẹ luôn khỏe và bình an.
Thụy Khanh kính thư!"
Nước mắt Minh Hoàng đã không cầm được nữa.

Thì ra cô gái của anh khổ sở như vậy.

Anh cảm nhận được tâm trạng đau đớn của cô khi ngồi viết bức thư này.

Anh thấy giận ông bà Hưng nhưng vị trí của anh không thể trách móc gì.

Lòng anh vô cùng xót xa và bất bình cho người anh yêu.
(Còn tiếp).


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện