Sau cơn mưa nặng hạt này, mùa thu lặng lẽ đến.
Thời gian ban ngày càng dài hơn, kéo dài từ sáu bảy giờ sáng đến bảy tám giờ tối, nhưng sau một trận mưa thì hầu như ve sầu đều đồng loạt ngừng kêu.
Khu rừng trở nên yên tĩnh hơn rất nhiều.
Chẳng bao lâu sau khi tiếng ve sầu biến mất, lá cây cũng dần đổi màu.
Đầu tiên chuyển sang màu vàng là lá cây bạch dương và cây dương.
Những chiếc lá rụng lúc đầu có màu xanh, sau chuyển sang màu vàng xanh, về sau nữa, cả những chiếc lá trên cành cũng chuyển sang màu vàng xanh.
Cái nắng nóng cũng theo tiếng ve tan biến.
Ngay cả vào buổi trưa cũng không còn bị đổ mồ hôi vì ánh nắng mặt trời.
Khi mặc quần áo mỏng và đi vào nơi có bóng râm còn sẽ cảm thấy lạnh.
Cùng lúc đó, các loại rau màu trong lòng đất dường như cũng biết được rằng hơi ấm quý giá và ánh nắng mặt trời sắp biến mất, đang tuyệt vọng hấp thụ chất dinh dưỡng cuối cùng này.
Mỗi ngày Hà Điền đều thu hoạch một số loại rau củ, rửa sạch rồi phơi khô, để riêng ra cất.
Năm nay, cô trồng hai loại cà chua, một là cà chua chùm, quả đỏ, mỗi quả chỉ to bằng lòng đỏ trứng gà nhưng có vị chua ngọt, có thể cắt đôi ăn cùng các loại rau khác, hoặc cũng có thể hái thành từng chùm, phơi cho đến khi quả teo lại rồi đem cất, hoặc là hái thêm một ít ớt đỏ đem phơi cho đến khi khô, cắt khúc, cho ít muối vào cùng với cà chua rồi xóc đều, cho vào hũ thủy tinh hoặc niêu đất, đổ mỡ vào bên trong ngâm.
Sau khi để vài ngày, ớt và cà chua chìm xuống đáy hũ, màu mỡ cũng thêm chút đỏ.
Loại cà chua ngâm trong mỡ này có thể được lấy ra khi nấu ăn và thêm vào các món ăn để tăng thêm hương vị, hoặc có thể lấy chúng ra trộn với rau và thịt.
Một loại đồ ngâm khác là ngâm nước muối.
Cho cà chua vào chậu, đổ nước sôi vào ngâm một lúc, vớt ra bóc bỏ vỏ rồi cho vào hũ ngâm nước muối, đậy kín nắp để bảo quản.
Khi lấy những quả cà chua ngâm như vậy ra, quả cà chua vẫn tròn, tuy có vị mặn hơn một chút nhưng đến mùa đông thì lại là của hiếm, dù là nấu mì hay hầm, chỉ cần thêm một hai quả, lập tức làm tăng khẩu vị ngay.
Một loại cà chua khác được Hà Điền trồng có thể cho trái rất lớn.
Năm nay, quả cà chua to nhất phải cỡ bằng hai nắm tay.
Nó nặng đến mức gần như muốn chạm mặt đất.
Từ khi nó vẫn còn xanh, mỗi lần Hà Điền và Dịch Huyền đi đến vườn rau cũng đều đặc biệt chú ý đến nó, lần nào cũng phải thảo luận một phen: "Trời, nó vẫn còn lớn nữa hả?", "Có khi nào còn chưa chín thì đã rụng luôn rồi không? Nó lớn lắm rồi."
Sau khi quả bắt đầu chuyển sang màu đỏ, mỗi buổi sáng Dịch Huyền sẽ chạy đến xem nó trước, sau đó chạy về báo cáo: "Nó vẫn đang phát triển!"
Khi quả cà chua này chín, màu sắc không phải là màu đỏ tươi của cà chua nho mà là màu hồng, gần đầu quả có một lỗ nhỏ, da ở đây đặc biệt mỏng, gần như có thể nhìn thấy thịt quả bên trong, và còn nổi lên một viên thịt quả nhỏ như hạt sạn.
Hương vị cũng rất ngọt ngào.
Cà chua to chín hầu như không có vị chua, có màu hồng trong mờ, trên cuống chỉ có một chút màu vàng xanh, sau khi rửa sạch có thể ăn trực tiếp như trái cây, cắn một miếng thì nước trong miệng cũng ngọt.
Khi ăn loại cà chua này, hãy cố gắng hấp thụ nước quả càng nhiều càng tốt trong miếng đầu tiên, nếu không, nước chua ngọt sẽ chảy ra khắp nơi.
Trong nước quả còn kèm theo những hạt cà chua xanh vàng, hạt không cứng mà hơi dai.
Nếu cho cà chua vào chén, rắc một muỗng đường, rồi cẩn thận dùng muỗng cắt nhỏ ra, ăn cùng với đường, ngon đến mức không thể dừng lại được.
Lần đầu tiên nhìn thấy Hà Điền ăn cà chua như thế này, Dịch Huyền cảm thấy rất mới lạ, trước đây anh không nghĩ cà chua có thể ăn được như trái cây, nhưng sau khi ăn một quả, suốt mấy ngày liền anh đều ăn cà chua để tráng miệng.
Đáng tiếc là cà chua ngon như vậy nhưng lại không dễ bảo quản.
Đem phơi khô, quả to quá, phơi còn chưa khô thì thường đã bị hỏng mất, nếu cắt thành miếng hoặc lát thì không giữ được chất nước như cà chua nho nữa.
Còn đem đi ngâm nước muối thì kích thước lớn quá không dễ ngâm, một hũ không đựng được hai quả.
Cách duy nhất là chế biến nó thành nước sốt cà chua.
Cho cà vào nước sôi một lúc, lột bỏ vỏ, dùng tay tách bỏ cuống, bỏ cùi rồi cho vào nồi, không thêm một giọt nước nào, nấu trên lửa nhỏ, rắc muối, đường và các hương liệu tùy thích, đun sôi cho đến khi nước bay hơi hết, cà chua sền sệt thì có thể đổ vào hũ thủy tinh.
Sau khi nguội thì đậy kín rồi đem cất vào trong hầm, ăn được đến tận mùa xuân hè năm sau.
Đem nấu mì hoặc xào với nước sốt thịt, hương vị sẽ thay đổi khác hẳn đi.
Khi làm bánh mì yến mạch cũng có thể cho vào bột, thêm một ít quả óc chó nghiền vào để khi ăn có mùi thơm dịu.
Dịch Huyền nếm thử một miếng sốt cà chua và đề nghị thêm một số nấm dại và nấm hương vào.
Hà Điền ăn thử thì thấy nó ngon hơn, vì vậy cô đã làm vài hũ nước sốt này.
Đậu đũa cũng là một loại rau dễ bảo quản.
Ngoài việc phơi khô, nó cũng có thể được lên men như cải muối, khi ăn thì vớt ra, ngâm với nước trong một lúc, để ráo rồi cắt thành từng miếng vuông nhỏ, cho thịt đã thái hạt lựu vào xào cùng, hương vị rất ngon.
Hà Điền cũng ngâm một ít dưa leo.
Sau khi thời tiết chuyển lạnh, dây leo mất sức, dưa leo cũng không lớn thêm được nữa.
Hà Điền hái những quả dưa leo dài bằng ngón tay và ướp chúng với đường và muối rồi cho vào hũ.
Dưa leo muối chua giòn ăn sống là món ăn kèm rất ngon miệng, ăn kèm với cháo rau củ và bánh bao gạo tạp rất là ngon.
Hoặc cũng có thể cắt thành từng khối vuông nhỏ, cho hỗn hợp trứng vào xào, trứng bông lên còn dưa leo thì giòn, ăn với cơm hoặc là khi ra ngoài thì bọc trong cơm nắm.
Nếu dưa leo muối được ngâm trong hũ, đậy kín cẩn thận thì có thể để được khoảng sáu tháng.
Năm ngoái, Hà Điền không có nhiều sức lực và thời gian để chăm sóc cây trồng, cà chua và dưa leo đều không thể bảo quản trong hũ được.
Đây là một điều rất đáng tiếc.
Cho nên năm nay cô sẽ làm nhiều hơn một chút.
Bí đỏ to nhất cũng đã nặng gần bằng một con vịt.
Hà Điền và Dịch Huyền không biết những quả bí đỏ này sẽ lớn đến mức nào.
Họ để lại bốn năm quả để quan sát, số còn lại thì hái về thái mỏng để làm rau khô.
Bí đỏ phơi nắng nhàu nát, lên màu cũng không được đẹp.
Vì năm nay mới trồng lần đầu nên họ cũng không biết mùi vị của loại rau khô này để lâu sẽ như thế nào.
Suốt tháng tám, khoảng không gian trống trải trước căn nhà gỗ đầy những dãy kệ, những mẹt tre được đặt trên hai chiếc ghế đẩu để phơi nhiều loại rau củ quả trên đó.
Những quả táo trên cây giờ đã to bằng nắm tay, những cây táo tàu và cây hồng cũng trĩu quả, chỉ cần một hai tuần nữa là có thể hái được.
Ngoài những loại trái cây này, thực phẩm chủ yếu của nhà Hà Điền là kê cũng sai hạt trĩu cành.
Mùa thu rất ngắn ngủi, trời sẽ có mưa to bất chợt hoặc có thể có tuyết rơi bất ngờ.
Hà Điền và Dịch Huyền mỗi ngày đều bận rộn, vội vàng chuẩn bị cho mùa đông.
Mặc dù bây giờ vẫn có thể mặc quần áo đơn và mang giày rơm, nhưng có lẽ sau một trận mưa, trời sẽ lạnh đến mức họ cần phải mặc quần áo da.
Hà Điền có quần áo và giày cũ từ những năm trước, nhưng Dịch Huyền thì không.
Giày mùa hè rất dễ làm.
Nhà Hà Điền cũng như những người dân miền núi quanh đây đều đi giày rơm vào mùa hè.
Cắt lá hương bồ dọc những ao đầm về, phơi khô rồi vê cho mềm, sau đó làm giày rơm.
Tuy nhiên, giày mùa hè hoàn toàn khác với giày mùa đông.
Giày rơm mùa đông sử dụng phần thân to sát gốc, mỗi thân to đến nửa centimet, sau khi phơi khô rất cứng.
Còn giày rơm mùa hè thì chỉ cần bện bằng lá cây tươi, lá sau khi phơi khô và vê cho mềm, một sợi chỉ dày cỡ hai ba li, bện thật chặt thật kỹ làm đế giày, để lại sáu sợi dây.
Đặt đế trên trụ gỗ rồi dùng chùy gõ nhẹ, sau đó bện phần trên.
Gót giày là một đoạn, dùng hai sợi còn lại ở gót kéo dài sợi dây rơm lên, bện cao đến mắt cá chân thì ngừng, thắt lại đường bện, từ mũi chân đến mu bàn chân là một đoạn nữa, cả hai đoạn đều bện và thắt lại, sáu sợi dây vừa vặn gom lại ở mắt cá chân, làm khóa thắt dây giày.
Dây giày được cắt theo độ dài thích hợp, khóa giày thì được làm phức tạp hơn một chút, một bên thì bện thành một sợi dày có lỗ, bên còn lại bện thành một nút nhỏ, vừa đủ để nhét qua lỗ bên đầu dây kia.
Những đôi giày mà Hà Điền mang khi còn nhỏ có những chiếc nút được ông bà cô cắt bằng gỗ, có khi được cắt thành hình bông hoa nhỏ, có khi được cắt thành hình