Sau sinh nhật của Hà Điền, một tuần nữa lại trôi qua, ngày Đông chí sắp đến.
Trước ngày Đông chí một tuần là thời gian nắng ngắn nhất trong năm.
Sau ngày Đông chí, ánh nắng sẽ dần dần dài hơn, mặc dù sẽ có bão tuyết trước thềm năm mới, nhưng thời gian khó khăn nhất của mùa đông đã gần kết thúc.
Vào mỗi dịp Đông chí, nhà của Hà Điền đều sẽ ăn sủi cảo.
Năm nay, Hà Điền dự định làm món sủi cảo khác với những năm trước.
Tất nhiên là có sủi cảo truyền thống, bởi vì trong nhà có thịt heo và bắp cải nên Hà Điền làm sủi cảo nhân thịt heo và bắp cải, cùng Dịch Huyền gói một mâm sủi cảo trắng mềm như những chiếc thuyền nhỏ, đặt ở hiên nhà cho đông cứng lại.
Sau đó, cô lại nhào bột một lần nữa.
Lần này cô không dùng bột mì, đầu tiên là cho một cốc tinh bột khoai lang vào chậu, cho nước sôi vào trộn đều rồi từ từ cho một phần tinh bột khoai tây vào, sau khi khuấy cho bột nguội dần thì đã có thể nhào bằng tay.
Bột nhào bởi hai loại tinh bột này sẽ đều và mịn hơn bột nhào bằng bột mì thông thường.
Dịch Huyền tò mò: "Bột này trông không khác gì bột làm sủi cảo mà."
Hà Điền ra vẻ cao thâm: "Chỉ là tạm thời không sai biệt lắm mà thôi, anh cứ chờ một lát thì sẽ biết."
Nhào bột xong rồi, Hà Điền tạm thời để qua một bên để cho bột nghỉ, cô bắt đầu chế nhân bánh.
Hôm qua cô ngâm một quả bắp, bây giờ bắp đã được ngâm mềm, đem hấp trong một cái tô nhỏ trên nồi hấp.
Đồng thời, Hà Điền để cho Dịch Huyền xẻ một con cá, lóc thịt ra, băm nhuyễn rồi rây qua một lần, tiếp đó lại để anh băm một củ cà rốt, lần này không băm nhuyễn bằng thịt cá.
Lúc này, bắp cũng đã được hấp chín, sau khi để nguội, Hà Điền và Dịch Huyền dùng tay tách bắp ra khỏi cùi, cắt nhỏ, trộn với cá và cà rốt, rồi nhổ hai cây hành lá trồng ở trong nhà đem cắt nhỏ, thêm một chút gừng, nêm đường và muối, trộn đều để làm nhân.
Lúc này bột cũng đã được rồi, cô nhào chúng thành dải dài, cắt thành từng cục nhỏ, cán dẹt ra cho tròn rồi gói nhân thịt vào.
Đến đây, món sủi cảo này vẫn không khác gì những chiếc sủi cảo bình thường.
Tuy nhiên, khi Dịch Huyền nhìn thấy Hà Điền đặt từng cái sủi cảo vào nồi hấp, anh đã hiểu ra: "Là sủi cảo hấp!"
Hà Điền hé miệng cười: "Đúng vậy!"
Sủi cảo nhỏ được hấp một lúc, Dịch Huyền nhấc nắp lên, cuối cùng nhìn ra sự khác biệt giữa nồi sủi cảo này và sủi cảo thông thường - nồi sủi cảo hấp này trong veo.
Những chiếc sủi cảo này có màu trong như pha lê, có thể nhìn thấy tất cả các hạt bắp vàng dưới lớp vỏ, cà rốt đỏ cam, cá trắng và hành lá thái nhỏ.
"Anh đã làm một nhà kính bằng pha lê, nên em cũng sẽ làm sủi cảo pha lê." Hà Điền cười tủm tỉm gắp sủi cảo ra và đặt chúng trên một chiếc dĩa gốm.
Lồ ng sủi cảo hấp này rất hấp dẫn, vừa nhìn là đã phải ch ảy nước miếng ngay, hương vị cũng rất ngon.
Cả hai loại sủi cảo đã làm xong, sau bữa tối, Hà Điền và Dịch Huyền cùng nhau làm hương.
Hương làm trong ngày Đông chí là để dành cho đêm giao thừa.
Giống như năm ngoái, nó được làm từ lá linh sam được thu hái vào mùa thu và cây xô thơm trắng được thu thập hồi cuối mùa hè.
Hà Điền lấy hai loại nguyên liệu này từ trong kho ra, nghiền mịn, nhào bằng chất kết dính, sau đó nhỏ một giọt thuốc màu hồng bí mật vào, cùng với Dịch Huyền, nặn chúng thành mười viên hình nón nhỏ, đặt ở trên một nia tre nhỏ đem phơi khô.
Bắt đầu từ hôm nay trở đi, mỗi ngày đều phải lật các nón nhỏ trên nia tre để chúng khô đều.
Vào ngày thứ hai sau ngày Đông chí, một trận bão tuyết đã đến đúng như dự định.
Dịch Huyền lo chuồng của vịt và thỏ không thể chịu được gió tuyết, còn Hà Điền thì lại càng lo lắng về nhà kính hơn.
Cũng may là họ đã có chuẩn bị từ trước.
Trên con đường từ nhà gỗ đến chuồng của vịt thỏ và nhà kính có hai hàng cọc gỗ được cắm ở trong tuyết, chúng được phủ thêm tuyết và tưới nước lên để cố định lại, thẳng đến mùa xuân thì băng mới tan ra.
Sau đó cột một sợi dây thừng to vào giữa các thanh gỗ để dù có gió tuyết lớn xảy ra thì chỉ cần nắm và đi theo sợi dây thì sẽ không bị lạc đường.
Mặc dù đã nhìn thấy uy lực của bão tuyết hồi năm ngoái, nhưng khi nhìn thấy tuyết rơi không ngừng trên bầu trời, Dịch Huyền vẫn cảm thấy không thể nào tin nổi.
Trong quá trình rơi xuống, những bông tuyết kết lại với nhau, rồi bị gió mạnh thổi bay, lúc đập vào đầu người, dù có đội nón lông dầy cộp nhưng vẫn sẽ cảm thấy da đầu tê dại.
Trong tầm mắt, tất cả những gì có thể nhìn thấy chính là một mảnh màu trắng xám, đi từ điểm này sang điểm kia, cứ như thể đang đi qua một bức màn hạt của vô số lớp bông tuyết lạnh giá, hết lớp này đến lớp khác.
Khi bông tuyết rơi trên quần áo sẽ phát ra tiếng "lộp bộp", vào đến nhà rồi, phủi quần áo, tuyết trên người rơi xuống mặt đất, ngay lập tức thấm ướt một mảng sàn nhà.
Trong thời tiết khắc nghiệt như vậy, mấy con thỏ mà Hà Điền và Dịch Huyền đã nuôi được vài tháng đã mang đến cho họ một điều bất ngờ.
Nói là bất ngờ, nhưng ở trong mắt Hà Điền thì nó lại là chuyện phiền phức.
Sáng sớm lúc họ đi dọn phân, cho thức ăn và thêm củi thì Dịch Huyền bổng la lên, sau đó anh kéo Hà Điền đến chuồng thỏ, hào hứng chỉ cho cô xem: "Thỏ con kìa em!"
Một con thỏ xám đã sinh ra tám con thỏ con, có một số con màu đen trắng, một số màu nâu vàng, còn có con chỉ toàn màu trắng, không biết con nào là con ba.
Nhìn những con thỏ nhỏ lông xù còn chưa mở mắt này, Hà Điền cảm thấy rất là bất đắc dĩ.
Biết làm sao được.
Dù sao chúng cũng là những sinh mạng nhỏ bé, nhưng phải chăm sóc chúng như thế nào đây?
Họ vội vàng chuẩn bị một cái lồ ng khác, chuyển thỏ mẹ và thỏ con qua.
Dịch Huyền còn cố tình cho vào chuồng một ống tre lớn, cũng như vài cành cây nhỏ, mùn cưa và dăm bào.
Đến tối, khi họ đi xem lại thì thấy thỏ mẹ đã rất khôn khéo làm ổ trong ống tre đó, nó ngậm cỏ khô, sợi lông, dăm bào này nọ lót vào trong ống tre, mấy bé thỏ con của nó đều đang nằm gọn trong đó.
Dịch Huyền đang nhìn chúng mỉm cười một cách tràn đầy yêu thương thì nghe thấy Hà Điền quái gở hỏi: "Ngày nào anh cũng đi xem thỏ, vậy mà không nhìn ra con nào đang mang thai hết hả?"
"Ừ thì......"
Hà Điền luôn chê thỏ hôi nên chỉ cho chúng ăn và dọn phân cho chúng chứ không bao giờ ôm từng con kiểm tra xem chân chúng có bị ghẻ không, tình trạng răng của chúng ra sao và có bị những con khác cắn bị thương hay không như Dịch Huyền.
Nhìn thấy vẻ mặt của Dịch Huyền, cô đã hiểu ra, cô không vui mở nắp lồ ng thỏ, lần lượt bắt mấy con thỏ đực ra: "Vừa lúc sắp Tết, làm thịt hết."
Dịch Huyền không muốn, đem từng con thỏ bỏ lại vào lồ ng: "Để qua mùa đông rồi hãy giết.
Bây giờ không thiếu thịt.
Lúc trước anh muốn săn nai em cũng thuyết phục anh như thế mà?"
"Hừ.
Chờ đến mùa xuân hả? Chỉ cần anh đừng có ở luôn trong chuồng là được." Hà Điền bĩu môi, về nhà trước.
Một lúc sau, Dịch Huyền chạy về nhà, cười nịnh nọt với cô: "Chờ đến mùa xuân, chúng ta sẽ nuôi thỏ kiểu thả rong nhé, được không em? Em không thích chúng chủ yếu là vì chúng có mùi mà đúng không? Anh sẽ làm chuồng nuôi thỏ.
Một nửa là hàng rào, còn một nửa là mấy cái chuồng nhỏ.
Khi thời tiết ấm áp rồi thì để chúng tự tìm thức ăn, tự xử lý chất thải của mình."
Lúc này Hà Điền mới dịu đi một chút, thêm một câu: "Nếu chạy hết thì sẽ không nuôi lại nữa."
"Ừ mà."
Hai ngày sau, mấy con thỏ lại làm Hà Điền bất ngờ.
Lần này, Dịch Huyền không dám lôi kéo Hà Điền đi xem thỏ con mới sinh nữa, thay vào đó, anh cười nịnh nọt: "Ừm ừ...!Để anh đi lấy thêm hai cái lồ ng."
Thu xếp xong cho hai con thỏ mẹ mới và đàn con của chúng, Hà Điền cảm thấy thật là mệt mỏi.
Lúc hè, họ bắt một vài con thỏ để làm thức ăn dự trữ, sau vài tháng, chưa được ăn con nào hết, mà số lượng thỏ đã tăng gấp ba lần rồi.
Mặc kệ như thế nào thì việc những con vật nuôi ở nhà sinh con đẻ cái luôn là điềm lành, hơn nữa cũng sắp đến Tết rồi.
Hà Điền có thể nhận ra rằng Dịch Huyền thật sự thích nuôi động vật nhỏ, mặc dù cô vẫn lo lắng về sự gia tăng của thỏ, nhưng cũng không nói gì.
Bão tuyết rơi liên tục suốt mấy ngày, cuối cùng dừng lại trước năm mới một ngày.
Tuyết đã ngừng rơi, nhưng bầu trời thì lại không trong xanh, vẫn u ám như cũ.
Ngay cả buổi trưa cũng không thể nhìn thấy mặt trời.
Độ dày của tuyết do trận bão tuyết này mang lại là gần một mét.
Trên những con đường thường xuyên đi lại thì không sao.
Nhưng trước mấy nhà kho không thường xuyên lui tới thì tuyết lại rất dày.
Lúc mở lại đường, tuyết đông lại cứng ngắt, thật sự không thể nào dùng xẻng xúc được, con đường như trở thành một chiến hào, còn phải