Đúng là cái võng Ân Vô Chấp đã làm thoải mái hơn chiếc giường trong chùa nhiều, có lẽ là để dỗ y ngủ nên nó còn được đong đưa nhè nhẹ.
Cảm giác cơ thể lắc lư khiến Khương Ngộ như được quay về trạng thái du hồn trong một khoảnh khắc, về cái ngày y được cơn gió thổi đi khắp đất trời.
Y hẳn rất thích cảm giác này, dù đôi mắt vẫn đang nhìn Ân Vô Chấp nhưng biểu cảm đã dần bình yên hơn.
"Thần còn phải đi canh gác, bệ hạ ngủ ngon nhé".
Khương Ngộ nhìn hắn rời đi, lại nhắm mắt.
Khương Ngộ trong lịch sử và Khương Ngộ trong lời kể của những nhân vật lịch sử có sự khác biệt rất lớn, Ân Vô Chấp trong lịch sử và Ân Vô Chấp mà y gặp cũng có sự khác biệt rất lớn, rốt cuộc là tại sao.
Đây là lần đầu tiên y muốn biết về câu chuyện đằng sau những trang sách sử ấy.
Rằng kẻ nào đã biến Khương Ngộ thành tên bạo quân bị người người thóa mạ trong lịch sử, tại sao tới khi Khương Ngộ đăng cơ tiên đế vẫn ra sức bảo vệ diêu cơ, chẳng lẽ ông ta ngu ngốc đến thế, chỉ vì chút sủng ái mà để mặc cho diêu cơ muốn làm gì thì làm.
Thánh nhân không thất bại vì không có chí, không phải chịu mất mát vì không có chấp niệm.
Tại sao Ân Vô Chấp lại phản bội chính cái tên của hắn; là ai, là chuyện gì, khiến hắn đã đăng cơ nhưng vẫn còn cầu không được mà phải nhờ cậy đến thần linh.
Y cũng không quá tò mò, chỉ là hơi hiếu kì một chút mà thôi.
Chút hiếu kì ấy đúng là nhỏ bé tới mức không đáng kể, vậy nên Khương Ngộ nhanh chóng thiếp đi.
Ngày hôm sau, Khương Ngộ bị người của Thái hoàng thái hậu mời đi tắm rửa và thắp hương lễ Phật, không thể không dùng hai chân bước vào Phật đường.
Hai tay y thõng xuống, Thái hoàng thái hậu bèn tự làm mẫu: "Thế này, chắp hai tay trước ngực".
Khương Ngộ rầu rĩ quỳ, rầu rĩ thõng tay, Thái hoàng thái hậu không thể không tự bước tới cầm hai tay y chắp trước ngực: "Thế này này, chỉ cần giữ nguyên là được".
Bà chỉ vừa buông ra là hai tay Khương Ngộ đã lại thõng xuống, Thái hoàng thái hậu nổi giận: "Hoàng đế thấy chán lắm à?".
Khương Ngộ đáp: "Ừm".
Nếu y có nói dối thì người khác cũng chẳng biết được, dù sao vẫn chỉ có một biểu cảm duy nhất trên gương mặt ấy mà thôi.
Thái hoàng thái hậu thở dài buông tay, quay sang nhìn trụ trì ngồi bên cạnh: "Ai gia và những người khác đã gõ mõ vài lần, giờ để Hoàng đế gõ được chứ".
Trụ trì nói a di đà phật rồi đáp: "Chỉ cần thành tâm là được".
Nếu thành tâm là được thì việc gì phải lôi y tới đây.
Văn Thái hậu và Diêu Thái hậu gật đầu, cùng Thái hoàng thái hậu thành kính khấn vái trước tượng Phật.
Thái hoàng thái hậu nghĩ: Mong cho Hoàng đế một đời khoẻ mạnh, Đại Hạ được yên bình thịnh vượng dài lâu, con cháu họ Khương ngày càng đông đúc.
Văn Thái hậu nghĩ: Mong cho Ngộ Nhi được bình an, quên đi cơn ác mộng ngày bé, cả đời vô lo.
Diêu Thái hậu nghĩ: Mong cho Ngộ Nhi quay lại trạng thái bình thường, trả được mối thù xưa, mẹ con ta cùng nắm tay về nhà, còn những gì ta nợ nó...!sau này sẽ dần dần trả hết.
Họ cung kính dập đầu.
Khương Ngộ cũng dập đầu theo.
Họ đứng dậy, tiếp tục gõ mõ.
Khương Ngộ cứ thế nằm úp sấp mà chẳng thèm nhúc nhích.
A, mệt quá, dưới chân Phật vừa lạnh vừa cứng, muốn Ân Vô Chấp cơ.
Ba người đàn bà cao quý nhất trần gian lần lượt mỗi người dập đầu thêm một lần thay y, xong xuôi, Văn Thái hậu đưa tay đỡ y dậy.
Khương Ngộ tựa vào lòng nàng, nàng bèn nhíu mày hỏi: "Sao thế con?".
"Buồn ngủ".
"Mới được có bao lâu đã buồn ngủ rồi".
Thái hoàng thái hậu vừa xót vừa giận.
"Ngày thường con làm những gì mà thành ra thế này?".
Tang Phê: ".".
Thì tại ngày nào cũng ngủ nên hôm nay mới buồn ngủ vì phải dậy sớm tắm rửa thắp hương đấy.
Sau khi lễ Phật, Khương Ngộ bị hai bà mẹ túm vào thiện phòng phía sau, Văn Thái hậu và Diêu Cơ cùng gập chân y lại trước mặt đại sư.
Lão bắt đầu giảng kinh.
Thái hoàng thái hậu nói: "Đây là Không Văn đại sư, nếu hoàng đế có gì thắc mắc thì có thể nhờ ông ấy giải đáp cho".
Không Văn: "A di đà phật".
Văn Thái hậu nhẹ nhàng nâng cầm Khương Ngộ lên: "Mở mắt ra nào Ngộ Nhi, con nhìn đại sư này, nếu có khúc mắc gì thì hãy nói, bọn ta sẽ chờ bên ngoài nhé".
Diêu Cơ chà ngón tay vào nhau.
Văn Thái hậu thả Khương Ngộ ra, đầu y lại gục xuống.
Nàng chần chừ nhìn thoáng qua Không Văn, lão bèn nói: "Xin quý nhân hãy buông tay, cứ để bệ hạ tùy ý đi thôi".
Văn Thái hậu lo lắng thả Khương Ngộ ra lần nữa, khi nàng đứng dậy, cơ thể y đã nghiêng nghiêng nằm rạp xuống nền thiện phòng.
Cửa phòng bị đóng lại, Không Văn cũng chẳng lay y dậy mà chỉ gọi khẽ: "Bệ hạ, bệ hạ?".
Khương Ngộ đã thiếp ngủ.
Không Văn đứng dậy, lấy một chiếc áo cà sa vừa dày vừa nặng đắp cho y, sau đó lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh mà bắt đầu gõ mõ.
Những tiếng cốc cốc liên hồi trùng điệp nhanh chóng lấp đầy cả giấc mơ của Khương Ngộ, y chỉ ngủ có non nửa canh giờ đã mở mắt, Không Văn đại sư như cảm nhận được điều gì mà dừng tay, quay sang mỉm cười: "Bệ hạ đã dậy rồi".
"Ừm".
"Thái hoàng thái hậu đưa bệ hạ tới để nhờ lão nạp giải thích những băn khoăn của người, xin bệ hạ hãy cứ nói".
Khương Ngộ nghĩ thật kĩ, đúng là y có điều muốn hỏi: "Tại sao trẫm chưa chết".
Không Văn hỏi lại: "Sao bệ hạ lại có ý nghĩ này?".
"Vì trẫm chưa chết".
"Bệ hạ đang sống rất khoẻ mạnh, sao có thể mô tả là chưa chết".
"Trẫm không sống, chỉ là chưa chết thôi".
"Bệ hạ".
Không Văn nói.
"Lão nạp đã đến tuổi này mới gọi là sắp chết hay chưa chết, bệ hạ bây giờ hào hoa phong nhã, sao lại có ý nghĩ này?".
"Bởi vì, trẫm chết là trẫm sống, trẫm thích chết hơn sống".
Không Văn nhìn y chốc lát.
"Ai rồi cũng sẽ chết, nếu bệ hạ chấp nhất với chuyện phải chết ngay bây giờ, sao không nhân lúc còn sống mà làm những chuyện có ý nghĩa?".
"Nếu ai cũng sẽ chết thì sao không chết luôn, sống trên đời là lãng phí rất nhiều lương thực, chẳng phải tội hay sao".
"Có cái chết nhẹ như lông hồng, cũng có cái chết nặng tựa Thái Sơn".
"Nếu dù gì cũng chết".
Khương Ngộ nói.
"Trăm sông đổ về một biển, lông hồng hay Thái Sơn thì có sá gì".
Không Văn: "A di đà phật.
Bệ hạ cố chấp tới mức này, liệu có muốn chia sẻ nguyên do với lão nạp?".
Khương Ngộ: "Trẫm đã nói nguyên do rồi".
Không Văn giật mình: "Từ lúc nào, thưa bệ hạ?".
Khương Ngộ: ".".
Đồ hoà thượng lừa đảo, lão căn bản chẳng biết gì hết.
Khương Ngộ lên kiệu rời đi, Không Văn nói chuyện với Thái hoàng thái hậu mà lòng vẫn còn hoảng hốt: "Bệ hạ chỉ nói muốn chết, lão nạp hỏi nguyên do, bệ hạ nói người thích chết...!Lão nạp khó mà thay đổi sở thích của bệ hạ".
Sắc mặt Thái hoàng thái hậu rất khó coi, Diêu Cơ thì lại quýnh cả lên: "Cái gì mà khó thay đổi cơ chứ, ngươi chỉ cần nói cho nó biết cuộc sống này tốt đẹp biết bao, cái chết thảm thương tới chừng nào, chẳng phải sẽ ổn cả ư?".
Không Văn bị làm khó: "Nhưng lão nạp cũng chưa từng trải qua cái chết".
Thực lòng không thể so sánh được.
Thái hoàng thái hậu cười khẩy: "Đâu phải ai cũng có cơ hội biết cuộc sống này tươi đẹp".
Gương mặt Diêu Cơ trắng bệch.
Thị lảo đảo lùi về sau hai bước, lắc đầu: "Ngộ Nhi còn chưa lấy vợ, chưa sinh con...!Nó vẫn còn chưa kịp hưởng thụ thứ gì, sao có thể nảy sinh ý nghĩ cực đoan tới mức đó được".
Khương Ngộ về phòng, nằm ngủ vùi trong võng.
Y tỉnh dậy đúng lúc Tề Hãn Miểu đang quỳ bên cạnh với gương mặt đầy âu lo: "Bệ hạ, chuyện Thế tử hấp bánh trứng đêm qua bị phát giác rồi, Thái hoàng thái hậu đang phạt ngài ấy".
Thực ra chùa Thịnh Quốc cũng chẳng kiêng khem trứng gà.
Nhưng nay đã khác xưa, người đến tế bái là thiên tử, mọi người không dám phạm phải bất kì điều kiêng kị nào để tránh làm phật lòng hoàng thất, dù sao nghiêm túc mà nói thì trứng gà cũng được coi là món ăn mặn.
Khi Khương Ngộ tới nơi thì hình phạt đã được thực thi đầy đủ, mọi người đều đi hết, y chỉ gặp mỗi Định Nam Vương.
Ông nhìn thấy y thì vội vã cúi chào: "Sao bệ hạ lại tới đây?".
"Ân Thú ở đâu".
"Ân Thú đã phạm phải giới luật, phụng lệnh Thái hoàng thái hậu, nó đã bị giam giữ rồi".
"Hoàng tổ mẫu đâu".
"Thái hoàng thái hậu đã mệt, đang nghỉ ngơi trong viện riêng".
Khương Ngộ sai người khiêng mình tới viện của hoàng tổ mẫu, bà đang dùng trà với Văn Thái hậu, thấy y đến thì nổi giận: "Cớ gì mà vội vội vàng vàng như thế?".
"Trứng gà do trẫm ăn".
Đôi mắt Thái hoàng thái hậu lạnh xuống: "Ai lấy cho con?".
"Trẫm sai Ân Vô Chấp đi lấy".
"Chẳng lẽ hắn không biết trong chùa cấm ăn mặn?".
"Trẫm ép hắn đi lấy".
Bả vai Khương Ngộ bị đè thật nhẹ, Văn Thái hậu đưa cho y một chén trà rồi nói: "Hoàng