Cuộc Sống Sâu Gạo Của Mọt Sách Ở Thanh Triều

Chương 86: Hạnh thôn tinh thế


trước sau

Cuối năm đến gần, khu vườn giáp với phía bắc của Viên Minh viên khánh thành, Thập Tam bối lặc, chủ nhân của khu vườn, cũng tự nhiên mang theo thê thiếp băng vườn tới nơi ở của Dận Chân để thắt chặt “tình láng giềng hữu hảo”. Dận Chân đương nhiên rất cao hứng, trước tiên dẫn một nhà Dận Tường đi dạo khắp các nơi trong viện của mình. Cửu Châu Thanh Yến là nơi đặt phòng ngủ của Ung thân vương, ở phía bắc của hồ; Thượng Hạ Thiên Quang phía tây bắc của hồ là một khu lầu hai tầng, lên tới đây có thể mặc sức ngắm nhìn cảnh hồ sắc nước, hiện tại đang là nơi ở của phúc tấn Ô Lạt Na Lạp Thị; Song Hạc trai phía bắc nhìn ra hồ lớn, cảnh trong vườn in bóng xuống nước tựa như hai thế giới song song, hiện tại chủ nhân là trắc phúc tấn Lý thị; còn có Thi Vịnh đường, Lăng Hà Thâm Xử là nơi ở của hai vị trắc phúc tấn Nữu Hỗ Lộc Thị và Cảnh Thị mới được tấn phong. Mẫu Đơn đình của Niên thị nằm ở góc đông nam của hồ, được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, mái phủ ngói lưu ly hai màu, thấy trong viện trồng hàng trăm gốc mẫu đơn đủ sắc, Niên trắc phúc tấn liền đích thân đề danh là “Mẫu Đơn đình”. Chỉ tiếc giờ đang là trời đông giá rét, không thể tận mắt chiêm ngưỡng cảnh sắc muôn hoa đua nở.

Đi dạo đến gần ngư đường, thấy trên cửa viện có treo tấm biển “Thản Thản Đãng Đãng”, Dận Tường lập tức nhận ra đây chữ Tứ ca tự tay viết, hắn cười quay sang nói với Triệu Giai Thị: “Chỗ này chắc là nơi ở của thứ phúc tấn Đông Giai Thị. Cũng chỉ bác học phu nhân mới có thể nghĩ ra cái tên đặc biệt như vậy.”

“Làm người thì nên bình thản dong chơi. Có thể thấy chủ nhân khu viện này là một người có cá tính, cũng là kì nữ.” Triệu Giai Thị cười đáp.

“Thập Tam phúc tấn quá khen rồi, Thục Lan hổ thẹn không dám nhận.” Từ trong đoàn người, Đông Thục Lan vội vàng đi ra, khẽ cúi người.

“Thứ phúc tấn không cần khiêm tốn.”

“Thập Tam đệ muội cũng đừng khen nàng làm gì, Thục Lan nhà chúng ta nhìn vậy thôi nhưng rất hay xấu hổ.” Ô Lạt Na Lạp Thị cười giải vây, mọi người lại tiếp tục tiến về phía trước.

Bởi vì một số viện chưa có người dọn vào ở nên tên viện chưa được xác định, có vài nơi thì được gọi tên qua loa đại khái. Ung Vương phúc tấn Ô Lạt Na Lạp Thị đề nghị sao không nhân cơ hội này để định ra tên các viện. Đương nhiên đề nghị này được nhất trí thông qua. Nhất thời không khí trở nên sôi nổi hẳn, cứ đi qua một khu viện là bao nhiêu cách thức đặt tên từ ngâm thơ đề từ đến trích dẫn kinh điển đều được mang ra dùng, còn náo nhiệt gấp mấy lần khi Giả Bảo Ngọc đề thơ lấy tên cho đại quan viên khắp các nơi trong Hồng lâu mộng. Tài nữ hai nhà thi nhau thể hiện mình, đương nhiên trong số này không có Đông Giai Thị, nàng rất ý thức được trình độ thơ văn của bản thân ở mức nào. Vì vậy nàng chỉ ở một bên nhìn nhân sinh trăm dạng một cách hăng say, có vài thục nữ bình thường nhìn qua nhã nhặn là vậy, đến lúc tranh thơ luận văn cũng có thể trở nên vô cùng sôi nổi hoạt bát. Hai vị a ca tất nhiên chỉ đứng một bên quan sát tán gẫu, phúc tấn hai nhà cũng thỉnh thoảng mới nói chen vào hai câu, người sôi nổi nhất không ai khác ngoài Ung vương trắc phúc tấn Niên thị, Lý thị mặc dù không cam lòng nhưng sự thật thì thi từ của nàng còn kém Niên thị một bậc.

Ở phía tây của Thượng Hạ Thiên Quang có một khu nhà hai mặt hướng ra hồ, vì phía tây trồng mơ nên nơi này tạm thời được gọi là Hạnh Hoa thôn, trước nhà còn có một khu đất để trồng rau. Đến nơi đoàn người dừng lại, Dận Tường có chút ngạc nhiên: “Vườn rau sao? Có ngư đường vì Đông thứ phúc tấn thích ăn cá sống thái lát, Tứ ca để khu đất này chẳng lẽ để tự trồng rau?”

“Ừ.” Dận Chân không muốn nói nhiều trước mặt mọi người.

Ô Lạt Na Lạp Thị thấy thế vội tiếp lời: “Chỗ này hình như vẫn chưa được đặt tên, các vị muội muội có ý kiến gì hay không?”

“Nơi này vừa có hoa mơ vừa có vườn, vốn dĩ tên Hạnh Hoa thôn là thích hợp nhất. Thế nhưng bây giờ Hạnh Hoa thôn đã được dùng, nhất thời cũng không nghĩ ra được cái tên nào cho đúng. Vương gia cũng giúp mọi người nghĩ tên xem sao. Thi từ các triều đại khi miêu tả cảnh trí đầu mùa xuân đều nhắc đến hoa mơ vậy nên dùng từ ‘thái phố’ (vườn rau) cũng không ổn.” Niên thị ra vẻ nũng nịu.

Lý thị đứng bên cạnh nhìn đến phát chua, nói xen vào: “Ta thấy gọi là Hạnh Hoa thôn xá, Hạnh Hoa thôn ốc hay Hạnh Hoa thôn quán đều được cả.”

“Như vậy sao được, lẽ nào lại gọi vườn rau kia là vườn rau Hạnh Hoa thôn?”

Cả gia đình Thập Tam bối lặc không nói xen câu nào, giữ yên lặng tuyệt đối để xem cuộc vui.

“Thục Lan có ý kiến gì?” Dận Chân nhìn sang một đỉnh đầu đang lấp ló trong đám người.

Hắn lại đưa mắt nhìn thân mình của người kia, hình như vừa bị sặc một cái, nàng vội vã lấy khăn che miệng lại, từ từ ngẩng đầu, dùng khuôn mặt ai oán tiếp nhận ánh mắt tò mò của mọi người. Thục Lan đang lúc ăn vụng mứt lại bị Dận Chân bất thình lình gọi tên, kết quả là giật mình đến sặc, cũng không biết Tứ gia là mở lời đúng lúc hay là mắt quá tinh?

“Thục Lan muội không sao chứ?” Ô Lạt Na Lạp Thị quan tâm hỏi.

Đông Thục Lan vội lắc đầu: “Thiếp thân đang mải nghĩ tên viện, do quá nhập tâm nên mới bị giật mình.” Nói dối đến trình độ mặt không đỏ, thở không gấp.

“Vậy muội có nghĩ được tên nào không?” Ô Lạt Na Lạp Thị hỏi, đương nhiên nàng cũng không muốn tiết mục “lưỡng thiếp tương tranh” bị người ngoài trông thấy rồi làm mất thể diện của Vương gia.

Thục Lan lại lắc đầu. Ai hơi đâu mà động não suy nghĩ mấy thứ nhàm chán như vậy, dù sao chỗ này cũng không phải là của nàng, ai ở thì người đó tự phụ trách đặt tên đi. Đáng
tiếc có người cứ nhất định không chịu bỏ qua cho nàng.

“Đông thứ phúc tấn thân là bác học phu nhân do Hoàng thượng đích thân phong tặng, bây giờ cả Vương gia và phúc tấn đều hỏi ngươi tên của khu nhà này, ngươi lại lắc đầu nói không biết thì thật khó chấp nhận. Với lại từ trước tới giờ thứ phúc tấn vẫn chưa đề tên cho khu nhà nào thì phải.” Những lời Niên thị nói làm cho phúc tấn Ô Lạt Na Lạp Thị nhíu mày.

“Chi bằng đặt tên là Hạnh Thôn Tinh Xá, mọi người thấy sao?” Không thể không nói Thập Tam bối lặc là một người hiền lành.

Ô Lạt Na Lạp Thị gửi qua một cái nhìn cảm kích, thế nhưng nàng chưa kịp nói câu tán thành thì đã nghe thấy mỗ nữ nhân kích động hô lên: “Hạnh Thôn Tinh Thị(*)?!” Thục Lan choáng váng đến ngây người. Chẳng lẽ Thập Tam a ca cũng là người xuyên không tới triều đại này? Nghĩ vậy, đôi mắt sáng rực như đèn la de nào đó bắt đầu lia từ đầu đến chân của Thập Tam a ca.

(*) Yukimura Seiichi, nhân vật trong Hoàng tử tennis. “Xá” đọc là “shè”, “Thị” đọc là “shì” nên Thục Lan nghe nhầm.

“Là Hạnh-Thôn-Tinh-Xá.” Giọng nói Dận Chân trầm xuống, hắn không thể nào thích nổi ánh mắt Đông Thục Lan dùng để đánh giá Thập Tam – nó quá nghiêm túc!

“À ừm…Tứ ca…thật ra thì cái tên ‘Hạnh Thôn Tinh Thế(*)’ mà thứ phúc tấn đặt cũng không tồi, lại còn hợp với hoàn cảnh nữa, nông dân sau khi kết thúc một ngày làm việc thì đến quán Hạnh Hoa thôn uống rượu, đây chẳng phải là cảnh tượng thường thấy nhất ư? Ý nghĩa sâu xa, đúng là tên hay!” Dận Tường tán thưởng, xem ra không bị hai tia sáng kia quấy nhiễu một chút nào.

(*) “Thế” cũng phát âm là “shì”.

“Khụ, khụ, thì chọn ‘Hạnh Thôn Tinh Thế’ đi.” Dận Chân gật gù rồi dẫn đầu rời đi trước, xuyên qua “Hạnh Thôn Tinh Thế” mới được đặt tên là có thể tới khu vườn mà Hoàng thượng mới ban cho Thập Tam bối lặc.

Đông Thục Lan nghe Thập Tam giải thích xong thì vừa thất vọng lại vừa an tâm. Mặc dù hồi trước lúc đọc truyện nàng ghét nhất là nhiều người cùng xuyên không nhưng sự thật là sau khi tự thân trải nghiệm, khoảng cách về tư tưởng khổng lồ khiến cho nàng luôn ao ước có một người đến từ cùng thời đại để có thể thoải mái nói chuyện phiếm, thế nhưng, nếu thật sự gặp được người như vậy, nàng dám bước đến nhận thức sao? Thục Lan vô cùng mâu thuẫn.

Mọi người vừa đi đến phủ đệ mới của Thập Tam, Dận Tường đã cười bắt Tứ ca phải nghĩ cho hắn một cái tên nào hay ho để dùng làm tên viện. Để gỡ gạc cho lần mất thể diện vừa rồi (lúc trước khi Niên thị đặt tên, Thập Tam bối lặc đến một chữ tốt cũng không nói), Niên trắc phúc tấn liền tranh nói trước: “Xuân nhật trì trì, huy mộc thê thê. Thương canh kề kề, thái phiền kỳ kỳ(*). (Kinh Thi/Tiểu Nhã/Xuất Xa) Cảnh sắc nức lòng người như vậy, lại đang là đầu mùa xuân, sao không lấy tên là ‘Di Xuân viên(**)’?”

(*)

Ngày xuân dùng dắng chân đi,

Thanh bông thảo mộc xanh rì tốt tươi.

Con oanh ríu rít hót chơi,

Kìa ai tới tấp hái mùi đồng quê.

(st)

(**) “Di” là vui vẻ, sung sướng đó *hé hé hé* Ở đây là “viên” không phải “viện” nhá, không phải ta gõ sai đâu.

Di Xuân Viện? Đông Giai Thị Thục Lan ngay lập tức tưởng tượng ra hình ảnh kỹ viện. Chẳng phải kỹ viện thích nhất là lấy mấy chữ như “xuân” như “hồng” làm tên sao. Xem ra Niên trắc phúc tấn này không phải là quá ngây ngô thì là quá to gan lớn mật, thậm chí có phần vô pháp vô thiên. Nghĩ tới đây bạn học Thục Lan liền len lén đánh giá xung quanh, có vẻ…ừm….mọi người không có phản ứng đặc biệt gì với đề nghị của Niên thị. Ngẫm lại cũng phải, những tiểu thư khuê các này chắc hẳn không có cơ hội nghe nhiều những chuyện về kỹ viện, bình thường đây cũng chỉ là chủ đề nhạy cảm giữa nam nhân với nhau, chỉ khi nào có chuyện tày đình thì mới trở thành chuyện để người ta bàn tán khi trà dư tửu hậu.

“Thứ phúc tấn nghĩ ra tên gì rồi sao?” Triệu Giai Thị thấy hai mắt Đông Thục Lan đang vụng trộm nhìn quanh quất thì trong lòng sinh chút nghi hoặc.

“Niên trắc phúc tấn tài trí hơn người, tục nhân như ta sao có thể bì kịp. Chỉ có điều vườn này là nơi Thập Tam bối lặc ở, thiếp thân thấy tên viện vẫn nên để Thập Tam bối lặc cùng phúc tấn tự mình đặt thì hơn.” Chút nữa nàng phải vào thư phòng lật sách đọc mới được, nói không chừng có thể xem được cái gì hay ho.

Mấy lời này bề ngoài là khích lệ nhưng chẳng hiểu sao nghe kĩ lại giống như châm chọc. Điều này không khỏi khiến cho Triệu Giai Thị phải suy nghĩ thêm. Đông Giai Thị là người nói thiêng nổi tiếng khắp kinh thành, nàng nói như vậy chắc vì không muốn làm mất thể diện của Niên thị, phải biết rằng đặt tên viện là một việc rất quan trọng, Triệu Giai Thị thà tin phong thủy còn hơn tin phong hoa tuyết nguyệt. Vì vậy Triệu Giai Thị liền tỉnh bơ bỏ qua việc đặt tên cho khu nhà chính, về những khu viện nhỏ khác thì đương nhiên là để cho nhóm thê thiếp của Thập Tam phát huy sở trường, nhà Tứ Tứ cũng không tiện biến chủ thành khách.

Cuộc dạo chơi ban ngày coi như kết thúc trong không khí hòa hảo của hai nhà.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện