Trong xe ngựa trên đường về Tây phủ, Đậu
Chiêu có hơi trầm mặc. Tố Tâm và Tố Lan đều đã về châu Thực Định làm giỗ đầu cho phụ thân nên đi cùng nàng là Cam Lộ, một tiểu cô nương khá hoạt bát. Nàng cười hỏi Đậu Chiêu: “Tứ tiểu thư, người có chuyện gì ạ?”
“À, không có gì.” Đậu Chiêu lơ đãng đáp, “Ta đang nhớ lại mấy chuyện ngày xưa cũ thôi.”
Tứ tiểu thư mới ngần này tuổi, chuyện xưa cũ ư? Trước kia thì có chuyện gì được nhỉ? Cam Lộ học theo nha hoàn nhà Kỷ thị nhếch miệng cười.
Đậu Chiêu mải chìm đắm vào tâm tư của riêng mình, không chú ý tới sự khác thường của Cam Lộ.
Kiếp trước, vào năm mình mười bốn tuổi,
Lục bá mẫu vừa lên kinh liền mua ngay một căn nhà hai phòng ở ngõ Miêu
Nhi cạnh chùa Tịnh An cho Đậu Chính Xương lấy vợ.
Đậu Chính Xương lấy vợ là Hàn thị, cháu
gái bên nhà mẹ đẻ của chị dâu Lục bá mẫu, xuất thân từ một gia đình giàu có ở Giang Nam, tuy không giỏi nội trợ nhưng học vấn lại cao, cứ khi
nào viết lách Đậu Chính Xương lại thảo luận cùng vị Thập nhất tẩu này.
Về sau, Đậu Chính Xương trở thành một nhà sách lược lớn rất nổi tiếng,
mọi văn bản phê bình của y đều bán chạy khắp nam bắc. Hai vợ chồng cùng
chung chí hướng, ân ái vô vàn.
Cũng chính vì vậy, để tiện coi sóc cho
cuộc sống hàng ngày của Lục bá phụ và vợ chồng Đậu Chính Xương, Lục bá
mẫu ở lại kinh đô mãi cho đến trước khi Đậu Chiêu sống lại cũng chưa
từng về Thực Định.
Lẽ nào nàng phải xa cách Lục bá mẫu ư? Nghĩ đến đây, mắt Đậu Chiêu cay xè, nước mắt chực trào.
Mấy ngày liền, tinh thần của Đậu Chiêu vẫn không tốt.
Tổ mẫu thấy Đậu Chiêu mệt mỏi thì dặn
nàng gắng nghỉ ngơi nhiều hơn: “… Dù gì cũng chỉ có ba người đón năm mới với nhau, thiếu sót gì cũng không cần gấp gáp quá.”
Đậu Chiêu cười khì, nhân dịp đó lười
biếng một chút, giao hết việc cho Tố Tâm đã về phủ xử lý, bản thân thì
trốn trong phòng may vá thêu thùa.
Kiếp này nàng nhất quyết không quay về
kinh thành, nếu Lục bá mẫu ở lại đó thì chắc hai người khó có cơ hội gặp lại nhau. Lục bá mẫu chăm sóc nàng mấy năm nay không khác gì mẹ đẻ, giờ sắp phải chia xa, nàng muốn đích thân làm vài bộ quần áo tặng Lục bá
mẫu để thể hiện tấm lòng.
Mọi người trong nhà đồn nhau rằng nàng không khỏe.
Đậu Minh đi đi lại lại trước cửa phòng Đậu Chiêu một lúc lâu, cuối cùng vẫn quay người bỏ đi.
Đậu Chiêu khẽ lắc đầu. Nàng thấy hơi thất vọng. Nàng luôn tin rằng bản tính của con người là thiện, tiếc là Đậu
Minh không tốt số.
Đầu tiên là Vương Ánh Tuyết lấy nàng ra
để đối phó với phụ thân, lợi dụng thì nhiều mà tình mẹ con thì ít; tiếp
đến là Vương Hứa thị nuôi dưỡng nàng như một sủng vật, chỉ biết chiều
chuộng mà không nghĩ đến tương lai của nàng; giờ lại đi theo mình… Mình
đâu phải người có khả năng giáo dục người khác, ba đứa con từ kiếp trước chính là bằng chứng. Số khổ thì tự chịu thôi vậy!
Bên Đông phủ vừa nghe được tin, Kỷ thị liền qua hỏi han.
Đậu Chiêu đành an ủi: “… Tại trời lạnh nên con thích ngủ nhiều ấy mà!”
Kỷ thị thấy sắc mặt nàng hồng hào, tinh
thần sáng láng thì biết không phải nàng nói cho qua chuyện, trò chuyện
đôi câu với nàng rồi mới về phủ.
Dù vậy, Nhị thái phu nhân vẫn phái Liễu
ma ma sang thăm, Nhị phu nhân và Tam phu nhân đích thân đến, Nhị đường
tẩu và Tam đường tẩu dắt theo Nghi thư nhi, Thục thư nhi, con dâu của
Đại phu nhân Hoàng thị, vợ của Đậu Phồn Xương và Đậu Hoa Xương, vợ của
Đậu Khải Tuấn Thích thị cùng tới, ồn ã náo nhiệt đến độ trong phòng
không đủ chỗ đứng.
Đậu Chiêu phải giải thích luôn miệng rằng mình không có gì đáng ngại, chỉ là thi thoảng thấy mệt một chút. Thế
nhưng Đậu Thế Hoành vẫn sai quản sự mang thuốc đến.
Cứ thế, Đậu Tú Xương và Đậu Ngọc Xương chắc cũng sắp sai người sang hỏi thăm. Đậu Chiêu không thể không “khỏe lên”.
Việc này khiến chị em Biệt thị lén cười
suốt. Tố Lan còn nói: “Tôi chỉ biết làm Hoàng Thượng không dễ, nếu có
ngày Hoàng Thượng nổi cơn lười biếng không lên triều, chưa nói các phi
tần trong hậu cung, chỉ mấy vị tướng gia đã đủ khiến Người sống không
yên rồi.” Tố Tâm cũng trêu: “Có thể thấy không phải ai cũng ‘tranh thủ
lười biếng’ được đâu.”
Đậu Chiêu thấy tâm trạng hai chị em họ
tốt thì cũng đùa lại: “Tiểu Tường và Triệu Lương Bích của Biệt quán chủ
có giúp được việc gì không?”
Lúc chị em Biệt thị về quê, Triệu Lương
Bích dùng cách Đậu Chiêu chỉ cho là lấy lông gà làm lệnh tiễn, nói cái
gì mà “Đây là theo lời dặn của tiểu thư”, chị em Biệt thị đều là nữ lưu, việc bên ngoài cứ giao cho hắn là được rồi, xong liền theo họ về châu
Thực Định.
Tố Tâm và Tố Lan không biết là không nhìn ra tâm tư của Triệu Lương Bích hay vốn không hiểu ý của Đậu Chiêu,
phóng khoáng cười đáp: “Sao lại không ạ, sắm sửa vật tế, sắp xếp tiệc
rượu, tiếp đãi khách khứa, đều nhờ Triệu chưởng quỹ cả.” Trái lại khiến
Đậu Chiêu không biết nói gì hơn.
Kiếp trước không xuất hiện chị em Biệt
thị, Triệu Lương Bích và Cam Lộ thuận lợi kết duyên vợ chồng, hai người
họ tương kính như tân, cũng đáng để mơ ước. Nay Triệu Lương Bích gặp
được Tố Tâm rồi, liệu còn chuyện gì sẽ xảy ra nữa đây?
Đậu Chiêu vừa băn khoăn lại vừa mong đợi.
Kỷ Vịnh cho người hầu mang sang hai cây nhân sâm năm mươi tuổi biếu nàng.
“Thiếu gia nhà chúng tôi nói rằng, nhân
sâm đem cắt thành miếng nhỏ, hàng ngày trước khi đi ngủ ngậm một miếng
sẽ giúp an thần bổ khí.”
Kỷ gia không hổ là gia tộc giàu có lâu năm, đồ mà người khác có tiền cũng không mua được, hắn lại tùy tiện tặng nàng thế này.
Đậu Chiêu thật lòng cảm tạ: “Nói với
thiếu gia của các ngươi, rất cảm ơn nhân sâm của hắn, ta đã khỏe rồi.”
Nghĩ kĩ, đây là loại thuốc có thể cứu mạng người, nàng không từ chối,
bảo Tố Tâm nhận lấy rồi thưởng cho tên hầu hai bao đỏ nặng trịch.
Hắn cung kính tạ ơn.
Đậu Chiêu hỏi hắn Kỷ Vịnh sẽ đón năm mới ở Đậu gia hay về Nghi Hưng.
“Vốn lão thái gia nhà chúng tôi muốn
thiếu gia ở lại kinh thành cùng hai vị lão gia đón năm mới, nhưng thiếu
gia nói ở kinh thành chẳng có gì vui rồi cùng biểu thiếu gia đến Thực
Định.” Gã người hầu mồm mép lanh lợi, nói năng gãy gọn, “Đến đầu xuân
thiếu gia mới cùng cô nãi nãi nhà chúng tôi về kinh.”
Vậy đợi dịp Tết sẽ đưa quà đáp lễ sang. Chỉ là hắn chẳng thiếu thứ gì, không biết nên tặng món gì thì tốt đây?
Đậu Chiêu đang khó xử, Kỷ Vịnh lại cho
người đến mời nàng qua giúp viết câu đối: “… Ta vốn đang rảnh rỗi, muốn
giúp đỡ, nào biết người nào người nấy đều nói
mình có việc phải làm, năm trăm câu đối chúc phúc đều đẩy hết cho ta. Muội có lòng thì tới giúp
một tay nhé! Nếu không chỗ câu đối này không biết phải viết tới khi nào
mới hết.”
Đây là trách nhiệm của học trò Đậu gia,
liên quan gì đến nàng? Kể cả viết không xong cũng không tới phiên nàng
ra tay. Nhưng nghĩ đến hai cây nhân sâm kia, Đậu Chiêu quyết định đi một chuyến.
Đang chuẩn bị đi, Cao Hưng đến bẩm báo: “Ngày mai Hà công tử muốn khởi hành về An Dương.”
Đậu Chiêu hỏi: “Đông phủ tặng bao nhiêu bạc tiền đi đường?”
“Năm trăm lượng.”
“Nhiều thế!” Đậu Chiêu rất ngạc nhiên,
nàng đã xem sổ sách của Đậu gia, tiền đi đường nhiều nhất cũng chỉ ba
trăm lượng, hồi nàng làm Hầu phu nhân tiền còn ít hơn, chỉ hai trăm
lượng.
Xem ra Đậu gia không tiếc công sức nịnh bợ Hà gia.
Nàng dặn Cao Hưng: “Cứ làm theo Đông phủ, cũng tặng năm trăm lượng.”
Cao Hưng vui vẻ cho người đem bạc theo
Đậu Chiêu tới Đông phủ. Hắn tới phòng khách tặng bạc cho Hà Dục còn Đậu
Chiêu đến chỗ Kỷ thị.
Hà Dục đang đọc sách trong phòng, nghe
ngoài sảnh có tiếng người của Đậu Thế Anh mang tiền đi đường sang tặng
mình nói chuyện với quản sự, loáng thoáng nghe thấy “Tứ tiểu thư nói”
thì không khỏi thắc mắc, không đợi được liền ra cửa phòng hỏi người hầu: “Mọi việc trong phủ các người đều do Tứ tiểu thư chủ trì à?”
“Tất nhiên rồi ạ.” Cao Hưng luôn tự hào
về Đậu Chiêu, kính cẩn trả lời, “Thất lão gia và Thất phu nhân ở kinh
thành, mọi việc trong nhà đều do Tứ tiểu thư của chúng tôi lo liệu. Tứ
tiểu thư rất giỏi giang, việc chi tiêu ăn mặc của người trên kẻ dưới
trong phủ, việc mua bán, việc xã giao của các phòng, có việc nào không
đến tay Tứ tiểu thư đâu. Thường ngày tiểu thư còn theo tiên sinh đọc
sách, viết chữ. Vẫn chưa hết. Kỷ gia biểu thiếu gia viết câu đối không
xong còn đặc biệt mời Tứ tiểu thư sang giúp nữa.” Cuối cùng cảm khái
nói, “Nếu không thì sao Thất lão gia lại đưa Ngũ tiểu thư về đây, giao
cho Tứ tiểu thư quản giáo chứ.”
Hà Dục nghe thế thì lấy làm lạ, hỏi:
“Chuyện viết câu đối xuân là thế nào?” Giọng điệu có vẻ thiết tha mà
chính hắn cũng không nhận ra.
Cao Hưng kể lại truyền thống này của Đậu
gia một lượt, xong còn liên tục nhấn mạnh: “… Bất kể tuổi tác, chỉ cần
là học trò Đậu gia và chữ đẹp đều có thể viết giúp.”
Hà Dục “ồ” một tiếng, bảo người hầu
thưởng cho Cao Hưng hai bao đỏ lớn, rồi về phòng ngồi ngơ ngẩn cả buổi.
Mãi sau mới dặn người hầu: “Thay quần áo cho ta, ta cũng nên đi chào Kỷ
công tử một câu mới phải.”
Tên hầu cung kính đáp vâng rồi giúp Hà
Dục thay một bộ áo bào sợi gai màu đỏ đậm, cài trâm vàng, đeo mấy thứ
túi hương, túi tiền lên người.
Chợt Hà Dục nghĩ đến Kỷ Vịnh, tiểu tử đó
chắc hẳn lại mặc áo vải đây, rồi sai người hầu: “Không cần đeo trâm
vàng, dùng trâm đồng là được rồi.”
Gia đinh lại giúp hắn thay trâm.
Hắn hài lòng rồi mới đi sang viện chỗ Kỷ Vịnh.
Kỷ Vịnh không ở đó. Tùy tùng của hắn nói với Hà Dục: “Công tử nhà tôi đang ở chỗ cô nãi nãi.”
Hà Dục bật cười. Sao mình lại nghĩ Đậu Chiêu đang ở cùng với Kỷ Vịnh nhỉ?
Rồi hắn đi tới chỗ Kỷ thị.
Vừa vào cửa đã thấy Kỷ Vịnh đang trách
móc Đậu Chiêu: “… Ai đặt ra cái quy củ tốn kém này đấy, Kỷ gia nhà ta
kéo dài hơn trăm năm nay cũng chẳng có việc này. Viết câu đối xuân sẽ
làm cho mọi người hòa thuận sao? Ta thấy thà lúc Giao thừa thưởng cho
mỗi người mấy đồng còn khiến bọn họ cảm động phát khóc…”
Thưởng tiền, đấy là việc những gia đình thương nhân hay làm phải không?
Đậu Chiêu tức tối nói: “Mỗi nhà đều có quy củ riêng, nhà chúng tôi đã có ai phê phán Kỷ gia các huynh hay chưa?”
Kỷ Vịnh không lên tiếng.
Đậu Chiêu chưa hết giận, tỏ vẻ nghi ngờ nhìn hắn: “Huynh có thật là con cháu Kỷ gia không vậy? Sao có thể hàm hồ thế chứ!”
Kỷ Vịnh bực bội giậm chân: “Muội muốn giúp thì giúp, không muốn thì đi đi, con gái con đứa sao lại ăn nói như vậy được?”
Đang nói nàng miệng lưỡi chanh chua sao? Đây chính là một trong bảy tội lớn.
Đậu Chiêu đương nhiên không để hắn lấn
át, bèn đáp: “Huynh lại đang ra vẻ ta đây trước mặt người Đậu gia chúng
tôi đấy phải không? Không thì sao cả nhà không hẹn mà đều bận bịu? Đậu
gia chúng tôi năm nào cũng tặng hàng xóm láng giềng ngần này câu đối,
chưa từng nghe có ai không viết xong. Đủ thấy người vừa thông minh vừa
tháo vát thì không thể khiến mọi người tức giận được…”
“Đậu Chiêu!” Kỷ Vịnh nghiến răng nhét cây bút vào tay nàng, “Muội có viết hay không hả?”
“Không viết!” Đậu Chiêu dứt khoát đặt bút lên thư án.
Có tiếng bước chân từ xa tiến tới.
Hai người không hẹn mà cùng nhìn theo
hướng có tiếng chân, không chỉ thấy công tử giàu có Hà Dục đang mỉm cười nhìn họ mà còn thấy cả Tống Viêm cuống quít chạy lại. “Tứ tiểu thư,”
Hắn quệt mồ hôi trên trán, có vẻ nhút nhát nói, “Tôi giúp Kỷ cử nhân
viết câu đối được không?”