Trong trí nhớ của Đậu Chiêu, Đậu phủ ở ngõ Hòe Thụ là một ngôi nhà bốn cửa, ba gian, mỗi gian hai phòng, sân trước trồng lựu, sân sau trồng trúc, dưới giàn nho đặt một bộ bàn ghế đá. Cả nhà Ngũ bá phụ sống ở đây hơi chật nhưng lại khiến người ta cảm nhận được không khí ấm áp.
Nhưng ở kiếp này, vừa xuống xe ngựa, Đậu Chiêu liền phát hiện căn nhà của Đậu gia rộng lớn gấp đôi so với ấn tượng của nàng.
Đậu Thế Xu không chỉ mua lại căn nhà ba cửa, ba gian ngay bên cạnh, mà còn mua cả căn nhà hai cửa, ba gian ở phía sau, rồi sửa cho ba căn thông nhau, trùng tu một lượt thành ngôi nhà của Đậu các lão ở ngõ Hòe Thụ hiện nay, không còn vẻ nhường nhịn, thận trọng mà thêm khoe khoang rêu rao.
Có thể vì ở kiếp trước, Ngũ bá phụ bị Vương Hành Nghi áp chế một thời gian dài, mà kiếp này lại vào Nội các trước hắn ta.
Cánh nam giới như Đậu Thế Xu, Đậu Thế Hoành, Đậu Thế Anh đứng đằng trước, cánh nữ giới như Ngũ phu nhân Phàn thị, Lục phu nhân Kỷ thị thì ở sau, nha hoàn, ma ma cả phủ hầu như đều chạy ra, đứng quanh người nhà họ Đậu đã đứng đợi ở cửa từ sớm, chỉ duy mình Vương Ánh Tuyết là không thấy đâu.
Nhìn thấy Nhị thái phu nhân, Đậu Thế Xu tiến lên vài bước rồi quỳ trước mặt Nhị thái phu nhân, rưng rưng nước mắt gọi một tiếng “Mẹ ơi”.
Nhị thái phu nhân chợt nước mắt vòng quanh, muốn đỡ Đậu Thế Xu đứng dậy, nhưng Đậu Thế Xu lại dập đầu lạy Nhị thái phu nhân ba cái, bụi đất dính đầy trên trán.
Đám Đậu Thế Hoành cũng vội dập đầu hành lễ như Đậu Thế Xu.
Nhị thái phu nhân mắt đẫm lệ, tràn đầy vui sướng.
Đậu Chiêu đi sau Nhị thái phu nhân, nhìn thấy Đậu Minh đứng trong đoàn người có vẻ do dự một chốc rồi mới quỳ xuống theo dáng người cao ráo, da trắng, tướng mạo duyên dáng của Kỷ phu nhân.
Đậu Chiêu nhận ra phụ nhân nọ chính là thê tử của Đậu Chính Xương, Hàn thị. Nàng bất giác nhìn người đó kĩ hơn. Hàn thị có mối quan hệ rất xấu với trước là chị dâu, sau là với Kỷ Linh Tắc, em dâu của nàng ta, vì vậy, sau này vợ chồng Đậu Đức Xương bắt buộc phải chuyển đến sống ở phố Tây gần chùa Vĩnh Quang ở phường Tuyên Bắc, ngoại thành kinh đô.
Hàn thị cảm nhận được Đậu Chiêu đang nhìn mình thì quay sang gật đầu chào nàng.
Đậu Chiêu mỉm cười.
Đậu Minh vội khoác tay Hàn thị, lườm sang với ánh mắt lạnh như băng như muốn chứng tỏ gì đó.
Đậu Chiêu coi như không thấy, nhìn sang Quách thị và Thái thị đang đứng cạnh Hàn thị.
Quách thị trông vẫn như nàng nhớ: nhỏ nhắn dịu dàng, da dẻ trắng trẻo, đôi mắt đen láy đáng yêu như nai con, chứ không như lần cuối gặp nhau: tinh thần uể oải, nước da vàng vọt như người ốm nằm trên giường bệnh đã lâu, có vẻ trầm cảm, khó chịu.
Tính ra thì sang năm Bạch thị sẽ được gả về. Đậu Chiêu thầm thở dài, nhớ tới Kỷ Linh Tắc.
Từ sau lễ cập kê, Kỷ Linh Tắc và Đậu Chiêu thi thoảng có qua lại với nhau. Đậu Chiêu nhân dịp Nhị thái phu nhân mời chân nhân ở núi Long Hổ về xem số, len lén nhờ chân nhân đó xem cho mình và Kỷ Linh Tắc một quẻ, quẻ nói trong hai năm tới đây Kỷ Linh Tắc sẽ gặp một quẻ Khảm, nếu vượt qua được thì về sau luôn khỏe mạnh, thuận lợi, nếu không được thì nửa đời sau sẽ vất vả, tốt nhất nên tránh việc náo nhiệt, giữ mình trai giới hai năm.
Tình bạn giữa Đậu Chiêu và Kỷ Linh Tắc không được ấm nồng lắm. Sau khi gửi thư đi, nàng còn lắc đầu cười gượng, ai ngờ chẳng bao lâu sau Kỷ gia và Hàn gia lùi hôn sự lại. Qua vài hôm thì truyền ra tin tức Hàn công tử ốm nặng, Đậu Chiêu chợt thở phào. Ngay khi nàng tưởng rằng Kỷ Linh Tắc có thể sẽ phải ở góa thì hai nhà Kỷ-Hàn lại vội vã định ngày kết hôn rất đột ngột. Kỷ Linh Tắc gả vào Hàn gia coi như một hình thức xung hỉ. Ba tháng sau, Hàn Lục công tử ốm nặng qua đời.
Đậu Chiêu nghe tin liền thức trắng đêm viết thư an ủi Kỷ Linh Tắc.
Từ đó, hai người thường thư đi tin lại. Kỷ Linh Tắc chưa từng đề cập đến chuyện xung hỉ. Vì tôn trọng nàng ta, Đậu Chiêu cũng không hỏi hoàn cảnh cụ thể ngày đó.
Lần này lên kinh, kiểu gì nàng cũng phải đi thăm Kỷ Linh Tắc, chỉ là không biết giờ nàng ta đang ở Kỷ gia hay vẫn ở Hàn gia.
Nàng không nghĩ lan man nữa, đợi những người khác chào hỏi Nhị thái phu nhân xong liền bước lên, quỳ gối hành lễ với phụ thân Đậu Thế Anh.
Đậu Thế Anh đã lâu không gặp Đậu Chiêu nên rất kích động, kéo tay nàng lại hỏi han nào là đi đường có bình an không, bình thường ở nhà làm những việc gì, Thôi di thái thái khỏe chứ… nói mãi không thôi như cây sen giằng không đứt, đến độ Đậu Thế Hoành phải cười ngắt lời: “Con bé mới đến nơi, có gì để nói sau đi, Thọ Cô cũng đâu có chạy mất.”
Nói rồi bản thân lại hỏi: “Có mệt không? Để ta bảo Lục bá mẫu làm cho con bình trà bưởi uống cho mát nhé.” Ai thấy cũng phải cười.
Đậu Chiêu liền hành lễ với Đậu Thế Hoành, vừa cười vừa gọi lớn “Lục bá phụ”, rồi khoác tay Lục bá mẫu, chào Đậu Chính Xương và Đậu Đức Xương là “Thập nhất ca” và “Thập nhị ca”, cứ như là con gái ruột của Kỷ thị, có chút vô lễ nhưng lại càng thân thiết làm cho Kỷ thị thêm vui sướng, ôm vai Đậu Chiêu cười nói:
“Đừng nghe Lục bá phụ của con, ra chào hỏi Ngũ bá mẫu đi.” Nói rồi dắt nàng đến trước mặt Ngũ phu nhân.
Ngũ phu nhân không đợi Đậu Chiêu chào trước đã cầm tay nàng nói: “Đúng là nghe danh không bằng gặp mặt, Tứ tiểu thư nhà chúng ta càng lớn càng xinh đẹp, không hổ là được Thái phu nhân đích thân nuôi lớn.” Câu sau là nói với Nhị thái phu nhân.
Nhị thái phu nhân cười vui vẻ nhận lời khen của con dâu.
Đậu Chiêu cũng cười, khom gối hành lễ.
Ngũ phu nhân gọi hai cô con dâu và các cháu trai, cháu gái tới: “Lại đây chào hỏi Tứ muội
đi.”
Quách thị và Thái thị dắt các con tới hành lễ chào hỏi với Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu ra hiệu cho Tố Tâm mang quà gặp mặt đã chuẩn bị sẵn tới và tặng cho các cháu.
Quách thị thấy Đậu Chiêu tặng con gái một chiếc vòng tay Như Ý nhỏ xinh bằng vàng ròng thì cảm thấy quá quý giá, không ngừng nói cảm ơn với vẻ ngại ngùng. Còn Thái thị thì quan sát miếng ngọc bội mà Đậu Chiêu tặng cho hai con trai mấy lần mới cười cảm ơn.
Thái thị vẫn thực dụng y như kiếp trước, Đậu Chiêu thầm tặc lưỡi rồi bước lên hành lễ với Đậu Thế Xu.
Đậu Thế Xu mỉm cười nói: “Lần trước gặp cháu, cháu vẫn chỉ là một cô bé con, ấy thế mà nháy mắt một cái đã trở thành một đại cô nương rồi, đúng là thời gian không tha ai cả!” Giọng điệu cảm khái.
Đậu Chiêu thấy Đậu Thế Xu hơi béo ra, hai bên tóc mai đã điểm bạc thì hơi buồn lòng.
Kỷ thị giới thiệu Hàn thị với Đậu Chiêu.
Hàn thị từng gặp Đậu Chiêu, lại biết nàng gần như là con nuôi của Kỷ thị nên đối xử với nàng như em chồng, vừa kính trọng lại vừa thân mật, khiến người ta có cảm tình tốt.
Đậu Thế Anh khiển trách Đậu Minh: “Tỷ con đến sao con không ra chào?”
Đậu Chiêu cứ tưởng con bé sẽ giận dỗi hay làm mặt lạnh, không ngờ nó lại cười hì hì hành lễ với Đậu Chiêu rồi nói: “Ai bảo con nhỏ tuổi nhất, bối phận cũng thấp nhất, con phải xếp sau cùng.”
Cả nhà cười vang làm Đậu Thế Anh như có phần ẩu thả, cũng may từ trước tới nay ông luôn yêu thương cả hai cô con gái, cũng cười bất đắc dĩ, răn dạy mấy câu “nhớ nghe lời” bình thường.
Mọi người đưa Nhị thái phu nhân vào chính phòng.
Đậu Chiêu được sắp xếp cho ở Tây sương phòng.
Tố Lan và một tiểu nha hoàn cùng hầu Đậu Chiêu rửa mặt chải đầu, Tố Tâm thì chỉ đạo nhóm người cùng đi từ Chân Định tới mang những vật dụng của Đậu Chiêu lên.
Tiểu nha hoàn và các ma ma được Ngũ phu nhân phái sang bên này hầu hạ trông vậy thì không khỏi chậc lưỡi, túm tụm nói: “Vị Tứ tiểu thư đến từ Chân Định này phô trương thật đấy.”
Một tiểu nha hoàn đáp lời: “Thế này đã là gì? Nghe nói Ngũ tiểu thư còn phô trương hơn nhiều, trong phòng trừ những người hầu bình thường còn có bảy, tám hộ vệ, hai ma ma giặt giũ, hai bà bếp, bốn nha hoàn may vá… Trong số các lão gia thì Thất lão gia là người giàu nhất đó.”
Có tiểu nha hoàn nghe xong liền tính tính, nói: “Tứ tiểu thư chỉ dẫn theo bốn hộ vệ, bốn nha hoàn, hai ma ma, đúng là không phô trương bằng Ngũ tiểu thư.”
Quách thị tới mời Đậu Chiêu ra ăn cơm nghe được thì quát ngay: “Còn ở đây nói vớ vẩn cái gì? Mau đi giúp một tay đi!”
Các nha hoàn lập tức giải tán.
Tố Tâm nghe động tĩnh liền ra đón, hành lễ cẩn thận rồi chào: “Lục thiếu phu nhân.”
Quách thị đối xử với người khác khá lành, dịu dàng hỏi: “Tứ muội rửa mặt xong rồi chứ?”
Tố Tâm đưa Quách thị vào phòng, vui vẻ mời nàng ta ngồi. Trà chưa kịp dâng thì Đậu Chiêu mới vừa sửa soạn xong đã đi ra.
Quách thị vội đứng lên, nói: “Tứ muội, Nhị thái phu nhân đã đến rồi, chỉ còn chờ muội nữa thôi là ăn cơm được rồi.”
Đậu Chiêu cười cảm ơn rồi đi cùng Quách thị đến phòng ăn.
Cùng lúc đó, Tống Mặc đang ngồi khoanh chân, nhắm mắt dưỡng thần trên ghế ở Di Chí đường, nghe Cố Ngọc và quản sự Kiều An của hắn tính toán:
“… Đến lúc đó năm vạn lượng bạc của Hộ Bộ đã vào sổ, bạc đến không lo, ăn mảnh thế này có gấp gáp quá không?” – Kiều An có vẻ lo lắng.
Cố Ngọc cười lạnh: “Đây sao tính là ăn mảnh được? So với Thẩm Thanh thì chúng ta còn kém xa. Hắn đến tiền thuê người giúp còn chẳng muốn chi, bắt lính dọc đường giúp chuyển vật liệu. Chúng ta thì đích thân chiêu đãi mấy chủ sự bên Công Bộ đi uống hoa tửu còn gì.”
Nói tới đây, hắn không khỏi ấm ức: “Uông Thanh Hoài quá ư là kĩ tính. Như ta nói, việc chúng ta làm chính là mua bán không giấy tờ, ngươi còn khách sáo thì không tạo được quan hệ, người ta sẽ không giao việc cho ngươi. Ngươi không khách sáo liền tạo được quan hệ, họ cũng đành nhịn thôi…”
Chưa nói dứt lời, Tống Mặc bỗng mở mắt nói: “Ở đây có bao nhiêu tiền của Ngụy gia?”
Cố Ngọc giật mình rồi bình tĩnh đáp: “Có hai vạn.”
Tống Mặc lại nói: “Tính cho bọn họ bao nhiêu?”
Cố Ngọc bĩu môi trả lời: “Con dâu của Trương Nguyên Minh có lòng quá lớn, lần kết toán đầu tiên, ta làm theo lời dặn của huynh đưa lại phần vốn của nhà họ cho nàng ta. Ai ngờ nàng ta lại giao trả, bảo là coi như góp vốn… Ta nghĩ cũng chẳng đáng bao nhiêu, cùng lắm lấy một phần trong phần của ta chia cho nàng ta là được nên không nói với huynh. Trong hai vạn lượng này đã gồm cả ba nghìn lượng tiền vốn của Ngụy gia.”
Tống Mặc gật đầu, nói một cách bình thản: “Giữ lại toàn bộ số bạc này cho ta. Khi nào ta nói đưa cho họ ngươi mới được kết toán.”
Cố Ngọc há hốc mồm, mãi lâu sau mới nói lớn tiếng “Quá chặt chẽ!”, trong giọng nói không giấu được sự hứng khởi.
Tống Mặc cúi đầu uống trà, nhớ đến hôm quay về, Nghiêm tiên sinh nói hắn nghe chuyện xảy ra ở chùa Đại Tướng Quốc.