Hai ba con đến trạm tàu điện ngầm, Chúc Chu quét mã bằng điện thoại, Quan Quan cũng cầm thẻ thân phận của mình quẹt một cái lên máy soát vé, vừa cười vừa chạy qua cửa soát vé đã mở, vọt tới bên người Chúc Chu, nắm lấy tay anh.
Thẻ thân phận có luồn một sợi dây, Chúc Chu đeo thẻ lên cổ cho Quan Quan, lát nữa ra khỏi ga tàu anh sẽ cất đi, miễn cho Quan Quan đánh rơi mất.
Bên trong tàu điện ngầm, Quan Quan yên tĩnh dựa vào bên người Chúc Chu, không nói gì cả, cùng lắm chỉ ngó nghiêng hai bên một chút hoặc nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ.
Bé ngồi tàu điện ngầm cùng baba nhiều lần rồi, biết khi đi tàu điện mọi người đều không lớn tiếng nói chuyện, cũng không ăn uống trên tàu. Những quy tắc bày baba đã dặn mấy lần, bé đều nhớ kỹ, cũng tạo ra thói quen không cười đùa chạy loạn khi đi tàu điện ngầm.
Tàu đi rất nhanh, qua bốn năm trạm là tới nơi. Ra khỏi ga tàu, Chúc Chu sợ Quan Quan đi mệt nên bế bé vào tiểu khu.
Vào nhà Thời Đường, Chúc Chu lấy đôi dép lê nhỏ đã chuẩn bị cho Quan Quan ra đi vào cho bé, sau đó lại để con ngồi trên salon trong phòng khách giống như lần trước vậy.
Chúc Chu phát hiện nếu bé ngồi trên ghế salon thì Quan Quan không thể nằm nhoài ra bàn vẽ được, để Quan Quan đợi một chút, anh vào bếp lấy cái ghế nhỏ mình thường ngồi lúc nhặt rau ra phòng khách cho Quan Quan. Ghế nho nhỏ, vừa vặn để Quan Quan ngồi rồi nhoài ra bàn vẽ tranh.
Chúc Chu nói với Quan Quan: “Vẽ mệt thì ngồi trên ghế salon tự xem hoạt hình nhé. Con biết cách tìm phim xem rồi chứ?”
Quan Quan kiêu ngạo nói: “Vâng ạ, con biết hết rồi. Baba đi hoàn thành nhiệm vụ của ba đi! Con phải làm nhiệm vụ bé ngoan đây!”
Chúc Chu và Quan Quan có một trò chơi, gọi là bé ngoan phiêu lưu, mỗi lần hoàn thành một nhiệm vụ bé ngoan có thể nhận được một phần thưởng nho nhỏ, hoặc có thể đưa ra một yêu cầu nhỏ, ví dụ như bình thường không thể ăn kem nhưng nếu bé hoàn thành tốt nhiệm vụ thì có thể đưa ra yêu cầu được ăn, Chúc Chu sẽ căn cứ vào thời tiết rồi mới quyết định phê chuẩn hay không. Bé cũng có thể xin mua một món đồ chơi mới, một hộp màu vẽ mới hay truyện cổ tích bé thích. Nếu như số lượng nhiệm vụ hoàn thành đạt đến một mức nhất định thì có thể đổi được một chuyến đi chơi! Thậm chí còn có thể được đi đạp nước khi trời mưa nữa!
Hai ba còn đều thích thú, đặc biệt là Quan Quan, bé vô cùng yêu thích các nhiệm vụ bé ngoan.
Bởi vì trong lòng vẫn còn chút áy náy nên Chúc Chu biến cảm giác đó thành động lực làm thật tốt từng món ăn một.
Mỗi món đều được chế biến thật khéo sao cho Thời Đường ăn thật thư thái, vui vẻ, an tâm.
Gần đây anh mới học thêm mấy món mới, tự thử nghiệm ở nhà mấy lần, còn thêm vào chút tâm tư của mình, khéo léo làm riêng cho hợp với khẩu vị của Thời Đường.
Tối nay ăn mỳ sợi, mỳ thịt bằm chua cay (1), canh là canh vịt om củ cải (2), thịt vịt hầm mềm, da mềm thịt mọng, không có mùi tanh, nước canh trong và thanh, lại thêm hai món chay dung hợp khẩu vị nam bắc, có vị thanh đạm, có vị tê cay sảng khoái.
Chỉ bốn món ăn nhưng cũng được chế biến rất tỉ mỉ, có tâm.
Món mỳ này cũng được chú trọng, là mỳ cán tay, Chúc Chu tự mình trộn bột cán mỳ, cẩn thận cắt mỳ thành từng vắt vừa vặn để cho vào nồi. Bởi vì Thời Đường còn chưa về nên anh chỉ mới hoàn thành các món ăn kèm, chờ Thời Đường về, tắm xong ngồi xuống ăn canh thì anh sẽ tiếp tục, như vậy mỳ sẽ không bị vón cục vào nhau, ăn lúc nào nấu lúc ấy.
Thời Đường biết hôm nay Chúc Chu sẽ đưa con trai qua, cho nên khi hắn mở cửa nhà, thấy trong phòng khách có một nhóc con đang cầm bút màu nghiêm túc vẽ vời hắn cũng không bất ngờ, có thể bé quá chăm chú nên không để ý thấy có người lại gần, hoặc có thể bé nghe được tiếng nhưng muốn vẽ tiếp quá nên cũng không dừng tay.
Thời Đường còn tưởng bé con sẽ ngẩng mặt lên nhìn hắn, nhưng đến lúc hắn đổi giày xong đi qua cũng không thể làm đối phương hiếu kỳ nhìn sang.
Thời Đường thu mắt lại, yên lặng vào phòng ngủ của mình.
Chúc Chu đi từ bếp ra, hỏi Thời Đường: “Thời tiên sinh, anh tắm trước hay thay đồ xong ăn cơm luôn?” Hôm nay Chúc Chu hỏi vậy vì muốn áng chừng thời gian luộc mỳ, không để các sợi mỳ bị dính vào nhau.
Thời Đường biết Chúc Chu không chỉ hỏi cho có, anh có dụng ý của mình, đáp: “Tắm xong mới ăn.”
“Được được.” Sau khi thấy Thời Đường về phòng ngủ, Chúc Chu chậm rãi bừng đồ ăn ra bàn, canh cũng dọn lên.
20 phút sau, Chúc Chu mới bắt đầu nấu mỳ sợi, mỳ chín thì Thời Đường cũng vừa vặn ngồi xuống ăn canh.
Chúc Chu bưng mỳ nấu trong nước dùng ngọt thanh lên, phía trên còn thêm thịt bằm chua cay, món thịt này là anh tự mình xào, phối hợp thêm vị chua cay, ăn xong một bát chắc chắn sẽ muốn ăn bát thứ hai.
Nếu trước đây là những món ăn nhà làm thì đồ ăn hiện tại đã đạt đến cấp bậc nhà hàng, dù là hình thức trình bày hay hương vị thì đều khiến người ta thèm nhỏ dãi, kích thích vị giác.
Nếu không phải Thời Đường có thói quen ăn canh trước thì hắn đã muốn nhấc đũa lên ăn mỳ ngay rồi.
Ung dung thong thả uống hết canh, canh này cũng rất ngon. Không phải Thời Đường chưa từng uống canh vịt hầm bao giờ, nếu đây không phải món Chúc Chu mới nghiên cứu ra thì hắn sẽ không uống đâu, bởi vì trước kia hắn không thích mùi lạ trong canh vịt hầm, từ đó về sau mỗi lần thấy vịt hầm hắn đều thứ lỗi xin kiếu. Nhưng món canh ngày hôm nay rất thơm ngọt thanh đạm, không hề có mùi lạ, chỉ thấy ngon, khiến người khác không nhịn được muốn thêm một chén nữa, nhưng Thời Đường càng muốn ăn món mỳ hơn.
Món mỳ này chỉ ngửi hương thơm thôi đã khiến hắn phải nuốt nước miếng rồi.
Thời Đường gắp một đũa mỳ, vừa cho vào miệng đã cảm thấy sợi mỳ dai ngon mướt mịn.
Tô mỳ này khiến Thời Đường ăn liền một mạch, hắn không kiềm được phải liếc mắt về hướng nhà bếp. Lúc này Chúc Chu đã quay về bếp, đang cầm khăn lau chỗ này một chút, chùi chỗ kia một lát, trả lại vẻ sạch sẽ cho căn bếp.
Quan Quan tô nốt cái tai còn lại cho thỏ con,
bé thỏa mãn đặt bút xuống cầm tranh của mình lên ngắm nghía.
Trên tranh có trời xanh mây trắng, còn có ông mặt trời năm màu, mặt đất có bãi cỏ màu xanh, có cây táo cao cao, quả táo nào cũng đỏ tươi chín mọng, dưới tán cây là baba và bé, còn có rất nhiều động vật nhỏ.
Có một con gà con vàng óng, có vịt con, còn có chim non nữa.
Vẽ tranh và tô xong màu, Quan Quan cất gọn bút vẽ bút màu vào hộp, cầm tranh của mình đứng dậy. Vốn bé định chạy đi tìm Chúc Chu nhưng nhớ ra đây là nhà người khác, không thể chạy loạn, bé thu cánh tay đang duỗi ra lại, nắm thành một quả đấm nhỏ, cẩn thận cứng nhắc tiến lên từng bước mới dần tìm được cảm giác.
Vẽ xong mới để ý sao mà thơm thế nhỉ!
Đến khi đi ngang qua bàn ăn, Quan Quan ngó lên bàn ăn theo bản năng, sau đó thấy ngay Thời Đường liếc mắt nhìn bé.
Quan Quan không ngờ Thời Đường lại nhìn bé, trưng ra một khuôn mặt tươi cười, đây là một nụ cười lễ phép theo phản xạ.
Đặc biệt xán lạn, còn có chút ngượng ngùng.
Biểu tình thẹn thùng này giống y đúc ba của bé, có chút rụt rè bất an, giống như muốn tìm một chỗ trốn rồi ló đầu ra xem tình hình bên ngoài.
Thời Đường cũng nở một nụ cười nông.
Quan Quan cầm tranh, dừng chân, chủ động chào hỏi Thời Đường.
“Chào chú ạ.” Khi nói mấy chữ này, trong đầu bé chỉ nghĩ: baba làm cho chú món ngon gì vậy, thơm quá đi!
“Ừm.” Giọng điệu Thời Đường có chút cẩn thận, nhàn nhạt.
Quan Quan chào hỏi xong lại tiếp tục quay người đi vào bếp, đi nhanh mấy bước đến cửa phòng bếp rồi nhón chân cố gắng nhìn trên bàn bày món gì, nhưng vóc dáng bé quá nhỏ, kiễng chân hết cỡ cũng không nhìn ra được.
Quan Quan không thấy được gì, như một chú sóc con xông lao vào bếp như một làn khói, thấy Chúc Chu thì nhào vào trong lồng ngực của anh, nhỏ giọng gọi baba.
“Baba!”
“Hả? Vẽ xong chưa?” Chúc Chu cũng hạ thấp giọng đáp lại.
Quan Quan đưa tranh cho Chúc Chu: “Vâng, vẽ xong rồi ạ, ba xem con vẽ có đẹp không?”
Chúc Chu nhìn thấy tranh của Quan Quan, khen: “Thật xinh đẹp, ba thích đám mây này nhất, con còn vẽ thêm mấy nét màu lam hả?” Bên ngoài đám mây trắng còn có đường viền màu lam, rất đáng yêu.
Quan Quan ưỡn ngực, nhếch cằm nói: “Vâng ạ! Cô giáo dạy con! Cô dạy gì con đều nhớ kỹ!”
Chúc Chu xoa xoa đầu Quan Quan: “Quan Quan nhà ta giỏi quá.” sau đó chỉ vào một lớn một nhỏ trong tranh hỏi “Hai người này là ai đây?”
Quan Quan giới thiệu từng người trong tranh một.
“Đây là baba, đây là con.” Nói xong còn chỉ chỉ chính mình.
Chúc Chu ngồi xổm xuống, ôm Quan Quan một cái nói: “Chúng ta tay trong tay! Thật tốt!”
Quan Quan cười thật tươi: “Tay trong tay đi cùng nhau, sẽ không bị lạc nha!”
“Ừ, con muốn ở đây với ba không?”
“Muốn ạ!”
“Vậy con nhẹ chân nhẹ tay lấy cái ghế nhỏ vào đây, con ngồi trong bếp nhìn ba làm việc. Đợi chú ăn xong, baba dọn dẹp chỗ này một lát rồi chúng ta có thể về nhà. Bảo bối, con đói chưa?”
Quan Quan sờ sờ bụng, lộ ra vẻ mặt ngượng ngùng, gật gật đầu, gật thật khẽ.
Chúc Chu đến chỗ cất túi của mình, lấy gói ăn vặt mình làm ra đưa cho Quan Quan.
“Con ăn tạm cái này trước đi, đợi lát nữa về nhà con muốn ăn gì thì baba sẽ làm cho con.” Quan Quan nhận đồ, thấy con bắt đầu chậm rãi ăn vặt, Chúc Chu lấy giấy thấm nước lau khô nồi niêu xoong chảo.
“Baba, con muốn ăn cá.”
“Được thôi, tối về baba làm cá vược hấp (3) cho con. Nãy con thấy chú đã chào chú chưa?”
“Chào rồi ạ, chú còn cười với con nữa.”
“Cho con một dấu khen.” Chúc Chu giơ ngón cái lên với Quan Quan.
Quan Quan vừa ăn vặt vừa nhỏ giọng nói với Chúc Chu: “Baba, cơm ba làm thơm quá, con ngửi thấy được nha, cực kỳ cực kỳ thơm.” Bé vừa nói xong bụng đã kêu lên rột rột.
Quan Quan lập tức đưa tay ôm bụng, biểu tình như đang nói: Ai da, sao bụng bụng của con lại kêu ra tiếng vậy!
Hai ba con vẫn ngồi trong bếp thủ thỉ liên hồi, Thời Đường ăn xong một bát mỳ, ăn xong một bát đúng là muốn thêm bát nữa, hắn cầm bát đứng lên, đi vào bếp hỏi: “Còn nữa không?”
Chúc Chu nhìn thấy Thời Đường đi tới, lập tức để đồ trên tay xuống, đáp: “Còn, tôi chuẩn bị hai phần lớn, giờ làm thêm.”
Thời Đường không nhìn Quan Quan, nói với Chúc Chu: “Làm thêm nửa phần là được, hai phần lớn thì no quá không ăn được món khác nữa, nửa phần còn lại thì…cho trẻ con ăn đi, nếu không đổ đi phí.”
Chúc Chu là một người quen tiết kiệm, cũng không thích xa hoa lãng phí, khi làm cơm cho Thời Đường cũng đề cao việc làm tinh nhưng ít, tuy một người ăn bốn món có hơi nhiều, nhưng lượng mỗi món không nhiều, cố gắng làm vừa đủ cho Thời Đường ăn thôi, cùng lắm chỉ thừa lại chút ít, sẽ không nấu quá nhiều, không ăn hết phải đổ đi thì quá lãng phí.
Nghe lời đề nghị của Thời Đường, Chúc Chu còn định cự tuyệt vì nó không hợp quy tắc của anh, nhưng trong quy tắc còn có mục cố gắng thỏa mãn yêu cầu của chủ thuê, việc này là chủ thuê đề nghị, hơn nữa… Anh nhìn Quan Quan đang ngồi ăn vặt trên băng ghế nhỏ.
Không ăn thì phí quá.
Món mỳ sợi này, hơi khó khống chế số lượng, ít nhiều gì cũng sẽ thừa ra, cho con ăn một phần thì sẽ bớt đi một phần bị bỏ phí.
Thời Đường không để Chúc Chu do dự nữa, nói thẳng: “Cứ quyết định như vậy, anh tiếp tục đi.” Nói xong hắn quay người rời đi.