Ngọn nến trong phòng đã lụi tàn từ lâu.
Những lúc không có trăng, đêm khuya ở Trường An là một mảng tối đen, dù Lưu Ly có mở to hai mắt thì cũng chỉ có thể nhìn thấy đường viền cửa sổ mờ mờ.
Xa xa vọng đến tiếng mõ điểm canh cốc cốc, một tiếng, hai tiếng, ba tiếng, có lẽ đã canh ba rồi mà nàng vẫn chưa ngủ được.
Thực ra Lưu Ly không thường bị mất ngủ, đặc biệt là sau khi đến nhà họ An, nằm trên chiếc giường khắc hoa dài rất thoải mái, nàng vẫn luôn ngủ rất ngon.
Có điều sáng hôm nay nghe thấy ba chữ kia, quả thật có chút chấn động, còn cả những lời Sử Chưởng quầy nói sau đó nữa, thật sự rất ly kỳ, phía sau đó còn ẩn chứa những gì, càng khiến nàng không thể hiểu nổi.
Theo những gì Sử chưởng quầy nói, các thế gia quan viên Đại Đường dường như không ai là không biết đến cái tên Bùi Hành Kiệm này, ông ấy cũng là nghe được vài ba lần trong những lúc tán gẫu với các quản gia khác.
Nhưng nguyên nhân cái tên này nổi tiếng lại chẳng phải là vì tài thư pháp, cũng không phải vì mưu trí, mà là vì biệt danh bốn chữ: "Thiên sát cô tinh".
Còn về nguồn gốc biệt danh này, Lưu Ly đại khái cũng nắm được nửa phần đầu: Bùi Hành Kiệm vốn là con dòng đích của họ Bùi ở Lạc Dương, cha là một vị quan danh tiếng, anh trai là một tướng quân thần dũng vô địch, lúc này họ Bùi trấn thủ Lạc Dương, đương nhiên trở thành thuộc hạ dưới trướng của Vương Thế Sung đang xưng đế ở Lạc Dương.
Ở Lạc Dương, cha con họ Bùi căn cơ vững chắc, danh tiếng lại cao nên bị Vương Thế Sung nghi ngờ cố kỵ, thế nên đành âm thầm đến nương nhờ bạn cũ là Lý Uyên, chẳng ngờ bị bán đứng.
Vương Thế Sung giận dữ tàn sát Bùi gia tam tộc, chỉ còn duy nhất một Bùi Hành Kiệm côi cút sống sót giữa gia tộc lớn mạnh ấy.
Còn về nửa phần sau của câu chuyện, nàng lần đầu tiên nghe thấy, mười lăm tuổi, Bùi Hành Kiệm mất mẹ, mười tám tuổi tốt nghiệp học viện dành cho quý tộc lớn nhất Đại Đường - Hoằng Văn Quán, rồi ra làm quan, năm đó cưới con gái của Binh Bộ Thị Lang họ Lục làm vợ, kết quả hai năm sau con trưởng chết yểu, hai năm sau đó nữa Lục thị vì sinh khó mà một xác hai mạng.
Từ sau chuyện này, hắn trở thành thiên sát cô tinh nổi tiếng nhất Đại Đường.
Cả nhà, thậm chí là cả tộc đều bị hắn khắc chết, còn có ai cao số hơn hắn nữa không?
Nghĩ đến những lời đồn hoang đường này, lại nghĩ đến gương mặt ôn hòa nhưng xa cách ấy, Lưu Ly chỉ cảm thấy vừa hoang mang vừa bất bình: Chuyện của họ Bùi ở Lạc Dương là bi kịch thời loạn, sao có thể đổ hết lên đầu một đứa trẻ còn chưa được sinh ra chứ? Còn việc phụ nữ sinh khó, con trẻ chết yểu cũng là việc thường thấy ở thời đại này mà, sao lại trở thành bằng chứng biến hắn thành thiên sát cô tinh? Hiện nay hắn chẳng phải một nhân vật lớn gì, lời đồn này sao có thể truyền đến mức người qua đường cũng biết vậy? Dựa vào câu nói "không ngờ hắn lại có dáng vẻ ôn hòa đến vậy" của Sử chưởng quầy là biết lời đồn đó đã truyền đến mức độ nào rồi! Còn nữa, vào thời đại xem trọng xuất thân này, tám chín năm trước hắn đã ra làm quan bằng con đường chân chính tươi sáng nhất, vậy tại sao đến nay vẫn chỉ làm chức quan cửu phẩm?
Vô số câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu Lưu Ly, trước khi mơ màng ngủ thiếp đi, nàng đột nhiên nhớ ra đã từng đọc ở đâu đó rằng, Bùi Hành Kiệm có vợ có con, có người con trai hình như sau này còn làm cả Tể Tướng.
Hắn không phải thiên sát cô tinh, thế gian này có một loại người, trải qua đau khổ đắng cay lại càng thêm mạnh mẽ kiêu ngạo.
Nàng thở phào một hơi, yên tâm đi ngủ.
Hôm sau, vừa đến phòng vẽ, Lưu Ly lập tức tìm mấy tờ giấy mà Bùi Hành Kiệm để lại hôm trước, quan sát trái phải một lúc, chọn ra hai tờ, rồi bảo Tiểu Đàn mang đến tiệm tranh chữ quen biết trang trí đơn giản một chút.
Bùi Hành Kiệm sớm muộn gì cũng kiến công lập nghiệp, đến lúc đó chữ của hắn ta chẳng phải rất đáng tiền sao? Cứ cho là không bán, giữ lại làm bảo vật giữ nhà cũng không tệ.
Đợi đến lúc nàng già rồi có thể đắc ý nói với đám cháu chắt: "Bà nội của mày năm đó từng may áo cho Nữ Hoàng Bệ Hạ, vẽ bình phong cho Cao Tông bệ hạ, còn nhờ Bùi Đại tướng quân viết chữ đấy..." Cuộc đời như thế cũng tốt lắm!
Lưu Ly còn chưa ảo tưởng xong, ngoài cửa đã vang lên tiếng bước chân, rèm được vén lên, Võ phu nhân tươi cười dịu dàng vào phòng, nói: "Ôi, cuối cùng cũng tìm được tráp bình phù hợp rồi! Mấy hôm nay ta không ngừng tìm kiếm, cuối cùng vẫn là mẹ ta tìm ra được một cái tráp bình bằng gỗ lim tơ vàng, trân quý vô cùng, cao hơn năm xích, khung và bệ liền không mối nối, điêu khắc cũng rất tinh xảo, bốn mặt đều khắc chìm hoa sen, ta đã đo lại kích thước cả rồi, cô xem này!" Nói rồi rút từ trong ống tay áo ra một cuộn giấy.
Lưu Ly vừa nhìn, trên giấy ghi là cao ba xích chín tấc, rộng hai xích ba tấc năm phân, kích thước này cũng là bình thường.
Nàng nghe Võ phu nhân hỏi: "Phải vẽ mất bao lâu mới xong?"
Lưu Ly nghĩ một lúc, cảm thấy vẫn nên thận trọng một chút thì hơn: "Khoảng chừng mười mấy ngày là được."
Võ phu nhân cười nói: "Vậy sau ngày Phật Đản được không? Lúc đó cũng là ngày tốt.
Cô định vẽ gì, rồi viết chữ gì lên đó?"
Lưu Ly đã nghĩ sẵn cả rồi: trong bức bình phong này, tranh vẽ chỉ là phụ, quan trọng là thơ và chữ viết đề thơ trên đó.
Nhưng nàng nghĩ tới nghĩ lui, bài thơ dài nàng có ấn tượng nhất cũng chỉ có bài "Xuân giang hoa nguyệt dạ" mà thôi.
Ở kiếp trước, nàng cũng từng mô phỏng một bức tranh thủy mặc tương tự, cũng từng nét từng nét phỏng theo bài thơ trên bức họa.
Tuy Lưu Ly không mấy thích thú thơ ca, nhưng ý cảnh của bài thơ trên bức tranh đó đã để lại cho nàng ấn tượng rất sâu đậm, đến nay nàng vẫn còn nhớ được mười mấy câu, cũng không được tính là nửa bài, xem ra đủ dùng rồi.
Nay nàng định sẽ sao chép lại bức tranh và bài thơ đó.
"Xuân giang hoa nguyệt dạ" lúc này còn chưa xuất hiện, còn nhớ mang máng là lai lịch của bài thơ này bất minh, vậy mà lại hay.
Lưu Ly cười nói ra suy nghĩ của mình, Võ phu nhân gật đầu nói: "Xuân giang hoa nguyệt dạ, một cái tên thật là hay, bài thơ mà cô nói nghe