- Hoàng tổ phụ, tôn nhi dâng sớ cho người vì sao..
Chu Doãn Văn vừa tiến vào cửa điện đã vội vàng mở miệng.
Chu Nguyên Chương trìu mến nhìn hắn, giơ tay cắt ngang câu nói, cười khẽ:
- Tôn nhi, đừng nóng vội, cứ ngồi xuống uống ngụm trà rồi từ từ mà nói.
Vẻ mặt của Chu Doãn Văn có chút ủy khuất, cúi đầu vâng dạ, thái giám dâng trà. Chu Doãn Văn nhẹ nâng chén nhấp một ngụm.
Chu Nguyên Chương tràn đầy vui mừng nhìn Chu Doãn Văn, ánh mắt dần mông lung. Hắn nhìn Chu Doãn Văn mà như thấy lại hình ảnh của đứa con trai trưởng đã sớm khuất núi Ý Văn thái tử Chu Tiêu. Đứa con này sinh ra trong thời loạn, lớn lên trong khói lửa chiến tranh, nhận vô số đau khổ, đáng tiếc là vượt qua được núi đao biển lửa nhưng vẫn không có phúc kế thừa giang sơn của hắn, cuối cùng vì bệnh mà thác.
Chu Doãn Văn lớn lên chẳng những giống phụ thân hắn Ý Văn thái tử về dung mạo mà ngay cả tính tình cũng cực kỳ giống. Giống từ tính không quả quyết, giống đến nhân nghĩa khoan hậu, giống cả sự yếu đuối thiện lương không hề có chút lòng dạ và khí phách của kẻ làm vua.
Đây là điều mà Chu Nguyên Chương lo lắng nhất.
Hoàng tổ phụ tuổi tác đã cao, dù cho thần tử miệng hô “Vạn tuế”, nhưng hắn vẫn chưa hồ đồ đến mức cho rằng mình có thể vạn tuế, thọ là trời ban, sớm hay muộn gì thì hắn cũng phải chết. Hắn sợ nếu sau khi mình chết đi, đứa cháu yếu đuối này không biết sẽ ra sao? Nếu không khống chế được văn võ toàn triều, không thống trị được ngàn vạn con dân trong thiên hạ, bị người đoạt lấy giang sơn thì biết làm sao?
Cả đời của Chu Nguyên Chương chỉ dồn vào hai việc, đấu tranh giành thiên hạ và giữ vững giang sơn. Hắn giết vô số người, làm vô số chuyện ác bị hậu nhân lên ác, tất cả vì hai việc này. Vì giang sơn xã tắc này, hắn trả giá quá nhiều, hắn tuyệt đối không cho phép ai cướp nó đi. Thiên hạ này là do Chu Nguyên Chương hắn một đao một thương tắm trong máu lửa liều mạng mà có, từ nay cho đến trăm ngàn năm sau, giang sơn này chỉ có thể là của họ Chu mà thôi.
Chu Doãn Văn nhu thuận ngồi bên cạnh Chu Nguyên Chương, khẽ trề môi, lúc này tâm tình hắn cũng không mấy vui vẻ.
Nhìn thần sắc ủy khuất của cháu mình, Chu Nguyên Chương không khỏi nở nụ cười.
- Tôn nhi, kẻ làm vua dù cho núi Thái Sơn có sụp đổ trước mắt cũng không được thay đổi định lực và khí độ, ngươi cứ nóng nảy như vậy, sau này sao có thể làm Hoàng đế thống trị thần dân?
Chu Nguyên Chương từ tốn dạy bảo.
Sắc mặt của Chu Doãn Văn trở nên nghiêm túc đáp:
- Hoàng tổ phụ, tôn nhi biết sai rồi
Chu Nguyên Chương cười nói:
- Đã sắp đến xuân, đầu năm các Vương phòng thủ các nơi đều muốn vào kinh lên triều, các hoàng thúc của ngươi người nào cũng trấn thủ một phương, muốn tụ hội lại với nhau một lần cũng không dễ dàng. Bọn họ thủ giang sơn là vì ngươi, nếu các thế hệ con cháu Chu gia ta cứ làm tròn bổn phận như vậy thì Đại Minh ta sao không thể trường tồn ngàn năm vạn năm cơ chứ? Ha ha..
Chu Nguyên Chương cười tràn đầy tự tin, về điểm này, Chu Nguyên Chương và Hán Cao tổ Lưu Bang đều có cách nhìn như nhau. Nhà Tần sớm bị diệt vong là vì Tần hoàng không chia đệ tử phòng thủ khắp nơi. Do đó một phương nổi loạn thì thiên hạ đều phản. Hắn có được bài học xương máu từ Tần hoàng nên phân phong cho con cháu Chu gia ở khắp nơi như vậy mới đảm bảo giang sơn này là của họ Chu. Sách lược phiên Vương là một trong không nhiều bút tích đắc ý nhất trong đời hắn.
Chu Doãn Văn cúi đầu không nói, trong mắt thoáng hiện lên một chút sầu lo. Nhưng sầu lo này hắn không dám nói thẳng, hắn biết quyết tâm thực hiện sách lược phiên Vương của Hoàng tổ phụ kiên định đến mức nào.
- Hoàng tổ phụ, chư Vương đều muốn vào kinh à?
Chu Doãn Văn nhẹ nhàng hỏi.
- Đúng rồi, kể cả hoàng tứ thúc Yến Vương của ngươi cũng muốn hồi kinh lên triều.
Chu Nguyên Chương cười nói:
- Trong những hoàng tử của trẫm, tứ thúc Yến Vương của ngươi là trấn thủ biên cương đắc lực nhất, nhiều lần truy đuổi tàn quân nhà Nguyên, lập vô số chiến công, vì biên giới phía Bắc của Đại Minh ta mà ra sức không nhỏ. Ha ha, nếu hắn không phải là hoàng tử thì cũng xứng đáng là một đại danh tướng.
- Tôn nhi nhất định sẽ khoản đãi các vị hoàng thúc.
Chu Doãn Văn không dám thể hiện cảm xúc, chỉ là biết phụ họa theo.
Nhìn khuôn mặt tuấn tú ngày càng thành thục của tôn nhi, trong lòng của Chu Nguyên Chương dâng lên một tình yêu thương che kín nét tang thương trên mặt.
- Hôm nay tôn nhi đến chắc là vì bản tấu cho thương nhân của ngươi?
Chu Doãn Văn ngẩng đầu thấy Chu Nguyên Chương cười hiền từ, lập tức ủy khuất nói:
- Hoàng tổ phụ, tôn nhi khó khăn lắm mới dâng được sớ bàn việc nước. Nếu người không hài lòng thì bác bỏ, còn nếu người vừa lòng thì lệnh cho chính sử ty ban hành khắp thiên hạ, chứ sao lại tuyên hai chữ “Hoãn nghị”? Tóm lại là sớ mà tôn nhi dâng lêm, người đáp ứng hay không đáp ứng vậy?
Chu Nguyên Chương cười ha hả:
- Tôn nhi dâng sớ, ắt hẳn có liên quan đến Tiêu Phàm ở Giang Phổ hả?
Chu Doãn Văn cả kinh, lập tức nghĩ đến việc trong thiên hạ không có gì là hoàng tổ phụ không biết, vì vậy thở phào nhẹ nhõm. Chu Doãn Văn cười nói:
- Lời nói và việc làm của Tiêu Phàm có chút kỳ dị, ngôn ngữ để lộ những ý tưởng không giống người thường. Bởi vậy việc định danh cho thương nhân là do hắn gợi ý cho tôn nhi.
Ánh mắt của Chu Nguyên Chương dần trở nên sâu xa, chậm rãi nói:
- Tôn nhi, Hoàng tổ phụ đã nói với ngươi, việc thiên hạ đều không phân biệt đúng sai. Bất luận một quốc sách nào muốn thi hành đều phải thuận theo lòng người, thuận lòng người thì thuận lòng trời. Như lúc trẫm lập quốc, thiên hạ đại loạn, rối loạn nơi nơi, phải dùng nặng bỏ nhẹ mà trị, lấy nghiêm pháp trị dân, dân có sợ thì mới có an phận, thiên hạ mới ổn định. Lòng người cũng như thời thế, như Hồ, Lam mưu phản năm đó, trẫm lệnh Cẩm Y vệ lùng khắp thiên hạ, liên lụy mấy vạn người, cuối cùng trong ngoài cũng trong sạch, vì con cháu Chu gia mà dọn sạch chướng ngại, đối với thần dân thiên hạ bày tỏ hoàng uy hiển hách. Lúc đó đã có thể thu đao vào vỏ, Cẩm Y vệ không cần tồn tại, nên trước mặt văn võ đại thần, trẫm cho đốt hình cụ của Cẩm Y vệ, dẹp bỏ Cẩm Y vệ, bày tỏ ân đức với thần dân, đó cũng là thế.
Chu Nguyên Chương nhìn tôn nhi đang ngẩn tò te, cười nói:
- Thi hành quốc sách phải hợp thời, hợp thế, thiếu một thứ cũng không được. Doãn Văn à, ngươi dâng sớ về thương nhân, nếu muốn trẫm đánh giá, thì quả thật cũng không tệ, chỉ là chưa phù hợp, thời thế chưa tới. Năm đó trẫm lập Đại Minh, vì sao trăm nghề đều hưng thịnh duy chỉ có thương nhân bạc bẽo? Thứ nhất, thương nhân, thường hay ngược lại với lời dạy của thánh nhân, bất luận trẫm có đồng ý với lời của thánh nhân hay không thì khẳng định là người đọc sách khắp thiên hạ đều đồng ý. Trẫm thuở đầu lập quốc phải lo lấy lòng sĩ tử thiên hạ, bởi trẫm dùng võ lập quốc nên phải dùng văn giữ nước, dù sao thiên hạ này cũng nên để cho người đọc sách đến phụ tá trẫm thống trị. Do đó trẫm có thể nào vì thương nhân mà đắc tội người đọc sách? Như vậy há chẳng phải bỏ gốc lấy ngọn sao? Thứ hai, thương nhân không sản xuất mà thu lợi lớn đó là sự thật, nếu không hạ thấp địa vị của thương nhân, trẫm sợ dân chúng thiên hạ tranh nhau noi theo, cả nước đều thành thương nhân thì lấy ai mà chăn nuôi trồng trọt? Lấy ai mà làm thợ làm thầy? Trẫm không thể vì thương nghiệp mà phế trăm nghiệp. Thứ ba, năm đó trẫm quyết chiến với Trương Sĩ Thành ở Bình Giang, thương nhân phú hào ở đất Giang Chiết đều cho trẫm là quân phiến loạn, cho Trương Sĩ Thành là chính thống, sôi nổi quyên lương quyên vật cho hắn, còn đối với trẫm thì căm thù, trẫm hận đám thương nhân này đến thấu xương. Bởi vậy sau khi lập quốc trẫm nhiều lần miễn giảm thuế ruộng thuế đất nhưng riêng đất Giang Chiết chưa hề giảm thuế lần nào mà còn tăng thuế. Hơn nữa trẫm còn không phê chuẩn người Giang Chiết làm quan, trừng phạt họ vì cái tội có mắt không tròng. Trẫm xem thương hộ là nghề ti tiện, nói cho cùng cũng có liên quan chút ít đến ân oán năm xưa với thương nhân Giang Chiết.
Nhắc lại nợ cũ năm xưa, trên mặt Chu Nguyên Chương hận ý tràn đầy, sát khí bốc mờ cả khuôn mặt già nua.
Nhưng ngay lập tức hắn cười nói:
- Thôi, đã là chuyện cách đây vài chục năm, hận ý của trẫm cũng phai nhạt đi nhiều. Doãn Văn à, thiên hạ đã định, thời thịnh trị cũng đến. Ngươi nói đến việc của thương nhân cũng rất đúng. Lợi ích của thương nhân đối với quốc gia, chẳng lẽ trẫm lại nhìn không ra? Nếu có thể nắm chắc thời điểm thích hợp thì việc nâng cao địa vị của thương nhân cũng không phải là không có thể. Nhưng ở thời điểm này ngươi không nên nói ra, đó là lý do vì sao trẫm hoãn nghị.
- Hoàng tổ phụ, thời điểm nào thì trình lên mới thích hợp?
Chu Nguyên Chương cười nói:
- Là lúc sau khi trẫm chết, ngươi đăng cơ xưng đế, hãy tái thi hành chủ trương của ngươi, như vậy mới có thể đạt được hiệu quả làm ít mà công nhiều.
Chu Doãn Văn ngơ ngác hỏi:
- Vì sao lại như vậy?
- Ngươi là người đưa ra chính sách định danh cho thương nhân chính là vì nền chính trị nhân từ. Nếu bây giờ trẫm đồng ý ban hành thiên hạ như vậy trong lòng thần dân thiên hạ sẽ nhớ rõ đó là lợi ích do trẫm ban, nhân tình này sẽ thuộc về trẫm. Ha ha, trẫm đã già, huống hồ tiếng ác trên lưng cũng đã nhiều năm, sao lại có thể lĩnh tấm nhân tình này? Ngược lại, lúc ngươi đăng cơ, toàn dân thiên hạ sẽ nhìn vào tân hoàng đế, bọn họ sẽ chờ xem tân hoàng đế có thi hành nhân chính hay không, nếu lúc này ngươi vì thương nhân mà định danh nghĩa là báo trước sẽ thi hành nhân chính, thần dân sẽ thật tâm xem ngươi là chủ, giang sơn của họ Chu ta sẽ được củng cố, hoàng uy sẽ ghi sâu vào lòng dân, thời thế sẽ thuộc về ngươi, Đại Minh dưới thời của ngươi sẽ mở ra một thời kỳ thịnh vượng huy hoàng rạng danh thiên cổ.
Chu Doãn Văn nghe vậy liền cảm động vạn phần. Bất luận người bên ngoài nghĩ gì về hoàng tổ phụ nhưng ít nhất trong cảm nhận của hắn, hoàng tổ phụ thật vô cùng vĩ đại. Hoàng tổ phụ dốc tâm kiệt lực làm tất cả cũng vì lót sẵn đường cho hắn đi, tình cảm yêu thương dẫu không nói thành lời nhưng tất cả những việc làm đều xuất phát từ đó mà ra.
Chu Nguyên Chương nhìn Chu Doãn Văn đang lệ hoen khóe mi, cười hiền từ.
- Doãn Văn, người bằng hữu mới tên Tiêu Phàm của ngươi, đổi nhân xử thế cũng không tệ. Trẫm để lại cho ngươi văn võ cả triều, đều là hạng người già nua, đặc biệt là quá nhiều người hủ nho, ngoại trừ Phương Hiếu Nhụ, Hoàng Tử Trừng, Tề Thái ra đều khó có người phò tá, Tiêu Phàm kia năm nay chưa kịp làm lễ đội mũ, phẩm cách làm người cũng khá, lại còn quen biết với ngươi, tương lai cũng có thể làm phụ tá cho ngươi ..
Chu Doãn Văn cao hứng nói:
- Vậy tôn nhi xin thay mặt Tiêu Phàm cầu xin Hoàng tổ phụ ban cho chức quan, để hắn hàng ngày nói chuyện với Tôn nhi, sau này phụ tá tôn nhi làm Hoàng đế tốt.
Chu Nguyên Chương lắc đầu cười nói:
- Quan hệ cá nhân và việc nước phải tách bạch rõ ràng. Nếu Tiêu Phàm thật sự có bản lĩnh thì trẫm nào có tiếc quan to lộc hậu. Nhưng nếu hắn không có bản lĩnh, thì giữa các ngươi chỉ có thể là quan hệ bằng hữu riêng tư, không thể à quan hệ vua tôi, ngươi hiểu chưa?
Chu Doãn Văn vội la lên:
- Hoàng tổ phụ, ngài phải tin tưởng tôn nhi, Tiêu Phàm quả thật có bản lĩnh.
Chu Nguyên Chương cười ý nhị:
- Có bản lĩnh hay không, ngươi nói cũng chưa đủ, hải để trẫm tận mắt chứng kiến mới được.
************************************************** *******
Còn Tiêu Phàm đầy bản lĩnh đang phát rầu vì miếng ăn cho ngày mai.
Một đồng tiền cũng đủ bức tử anh hùng hảo hán, đáng tiếc Tiêu Phàm còn không phải anh hùng hảo hán. Không có tiền lấy gì mua đồ ăn? Không lẽ phải đi cướp sao? Vất vả lắm kiếp sau mới được làm người, Tiêu Phàm cảm thấy phải tỏ ra văn nhã một chút, còn không thì phải giả bộ là người văn nhã, dạo này hành động thô lỗ dễ bị mất miếng ăn lắm, người văn nhã chí ít cũng được sống lâu hơn một chút. Nguyên thủ quốc gia là Chu Nguyên Chương, cả đời chém giết, dùng hình phạt nghiêm khắc mà trị quốc, so thô lỗ với hắn, Tiêu Phàm cảm thấy mình cũng rất có khả năng.
Nhưng, ngoại trừ ăn cướp ra, mình đâu còn cách nào? Tiêu Phàm vô cùng hối hận, lẽ ra kiếp trước nên học một chút gì đó, ví dụ như phát minh thủy tinh, nước hoa, máy hơi nước v.v và v.v đến thời cổ đại này khoe khoang một hồi, tài phú tự động ùn ùn kéo tới, sao có thể sợ chết đói được.
Đây chính là trẻ ham chơi, già ân hận a!
Thái Hư xoa xoa bụng, nằm dài thượt trên đống cỏ khô, đói muốn trắng mắt. Sau khi ba người ra sức tu sửa, miếu Sơn thần cũng có thể che mưa che gió, vấn đề ở cũng coi như tạm ổn còn vấn đề ăn thì làm sao bây giờ? Tiểu khất nữ cũng xoa xoa bụng, mặt ủ mày chau nhìn Tiêu Phàm. Ba người nhóm lại coi như là một gia đình nhỏ, giờ xem Tiêu Phàm là chủ nhà.
- Sư phụ, năm đó việc xem bói của người trúng thời điểm không làm ăn được thì có cách nào lấp đầy bụng không?
Tiêu Phàm quyết định học hỏi từ sư phụ chút kinh nghiệm kiếm cơm.
Thái Hư buồn cười hừ hừ đáp:
- Ngoại trừ xem bói, dĩ nhiên là hóa duyên. Bần đạo là người xuất gia nhưng có tín đồ, cũng có thể kiếm chút cơm thừa lót dạ.
Tiêu Phàm nói:
- Hóa duyên? Thì có khác gì
xin cơm đâu chứ?
Thái Hư nhảy dựng lên, cả giận nói:
- Sao gọi là xin cơm ? Là hóa duyên. Tín đồ theo đạo thật tình dâng bố thí cho người xuất gia đều là từ thành ý. Bọn họ thờ phụng Lão Quân gia gia, bố thí cho người xuất gia như ta để tích công đức, sao lại giống đi xin cơm được hả ?
Tiêu Phàm à à ra vẻ đã hiểu:
- Sư phụ cho ta mượn đạo bào của người dùng một chút?
- Để làm chi?
- Hóa duyên!
************************************************** *******
Hành động xin cơm này chỉ cần phủ lên một lớp áo choàng tôn giáo liền trở thành hóa duyên. Đó là ý của Tiêu Phàm.
Nhưng rồi một khi ba người nhịn đói đến xanh mắt, ai da, hóa duyên thì hóa duyên. Cùng lắm thì kiếm cái khăn bịt mặt, coi như là bịt tai trộm chuông (1) cho rồi.
Trời trở rét căm căm, trên đường cái Giang Phổ xuất hiện ba bóng người co rúm ró, có già có lớn có bé, ba người dìu nhau lang thang khắp hàng cùng ngõ hẻm rồi mới dừng bước trước cửa nhà của một phú hộ nghe đồn rất giàu có.
- Ngươi đi hóa duyên?
Thái Hư liếc xéo Tiêu Phàm.
Tiêu Phàm mặc đạo bào dơ bẩn lôi thôi của Thái Hư, gương mặt bôi trét đầy bùn màu ngăm đen nhìn qua trông giống như Đường lão bị xơi lựu đạn. Trông bộ dạng kia đừng nói quen, ngay cả thân sinh ra hắn có đội mồ sống lại sợ cũng nhận không ra hắn là ai. Tiêu Phàm vốn là người coi trọng mặt mũi, bây giờ lại phải làm như vậy, hắn thấy cái kiểu bịt tai trộm chuông của Thái Hư này thật là hèn mọn. Hắn không hiểu hóa duyên sao lại mất mặt đến thế.Đúng là sự chênh lệch nhau cả trăm tuổi rất khó để vượt qua.
Tiêu Phàm hít sâu một hơi rồi gõ cánh cửa đóng chặt của nhà phú hộ.
"Thùng thùng thùng."
Tiếng đập cửa nhẹ nhàng như Hồng hạnh nữa đêm trèo tường gặp gian phu (2).
Cánh cửa không chút phản ứng.
"Thùng thùng thùng."
Cánh cửa cũng vẫn không phản ứng.
Thái Hư nổi giận:
- Gõ cửa như ngươi thì có tới sáng mai cũng không ai để ý, tránh ra!
Thái Hư xắn tay áo, ra sức phá cửa.
“Rầm rầm rầm!”
Cánh cửa nhanh chóng bật mở. Một lão già mặc trang phục gia đinh nổi giận đùng đùng xuất hiện trước cửa trừng mắt nhìn ba người.
- Các ngươi tìm ai?
Ông lão giận dữ hỏi.
Khí thế hung hăng của Thái Hư lúc phá cửa lập tức biến mất như bong bóng xì hơi, vội đẩy Tiêu Phàm ra trước mặt:
- Hắn tìm ngươi.
- Tìm làm gì?
Tính tình ông già này rất nóng nảy.
Tiêu Phàm khó nhọc nuốt nước miếng, bày ra một bộ mặt tươi cười, rồi làm bộ làm tịch chắp tay nói:
- Vô lượng thọ phật, xin chào lão thí chủ, bần đạo từ Đông thổ Đại Đường.. à không! Bần đạo từ núi Võ Đang đến đây, định đi Tây thiên.. à, lại nhầm nữa, định lên kinh tìm kiếm đạo hữu, khẩn cầu lão thí chủ bố thí cho mấy đồng..Ai da! Lão thí chủ! Lão thí chủ ngài mau mở cửa! Lão thí chủ! Mẹ nó!
... ...
... ...
Liên tục đi vài nhà đều bị sập cửa vào mặt, Thái Hư cười hô hố sung sướng khi người khác gặp họa:
- Xú tiểu tử, bây giờ ngươi đã biết thế nào là gian nan đường đời chưa? Ngươi tưởng là nhét đầy bụng dễ lắm sao? Hừ, đã nói ngươi là đồ mau quên, mấy chục lượng bạc cũng quên, giờ đã biết mùi chưa!
Tiêu Phàm hung hăng trợn mắt, chùi sạch bùn đen trên mặt, trầm giọng nói:
- Cứ tiếp tục thế này là không được, chúng ta sẽ chết đói mất! Sở trường của ta là cướp, việc hóa duyên này ta làm không quen, phải nghĩ cách khác thôi..
Thái Hư hỏi:
- Ngươi có cách nào tốt không?
Tiêu Phàm liếc mắt nhìn lão, đột nhiên mỉm cười, trọng nụ cười ẩn hiện vẻ xấu xa quen thuộc.
Da đầu Thái Hư tê rần, cảnh giác hỏi:
- Ngươi cười như thể bức người, có ý đồ gì?
Tiêu Phàm ôn tồn nói:
- Sư phụ à, kỳ thật bản thân người là một tòa kim sơn rồi..
Thái Hư tuyệt vọng:
- Ngươi muốn bán bần đạo sao?
Tiêu Phàm lau mồ hôi:
- Không phải, sư phụ hiểu lầm rồi.. Không phải người biết công phu sao? Lại còn biết rất nhiều loại..
- Thì sao hả?
- Thì lấy đại một loại võ công nào đó, viết ra giấy, biên thành một bí tịch võ công rồi bán nó đi..
Thái Hư giận dữ nhảy lên:
- Ngươi.. tên nghiệt đồ này! Võ công của bản môn là bí mật bất truyền, ngoại trừ người trong bản môn không ai được luyên tập.. Vậy ..vậy mà ngươi muốn đem bán nó đổi bạc? Không được! Cho dù bần đạo có chết đói cũng không thể nào làm cái việc khi sư diệt tổ này!
Tiêu Phàm thở dài ra vẻ rèn sắt không thành thép, đau đớn nói:
- Sư phụ, tính giác ngộ của người quá thấp!
- Là sao??
- Võ công dùng để làm gì?
Thái Hư buột miệng đáp:
- Đương nhiên là dùng để đánh người. Khụ khụ, à không, võ công là trên thuận thiên đạo dưới theo nhân đạo, theo thiên địa tự nhiên, giúp cho người luyên tập có thân thể khỏe mạnh, nâng cao tuổi thọ, hợp nhất thiên, địa, nhân thành một thể, đạt tới cảnh giới nhân ngoại hợp nhất..
- Tốt, tốt. Những chổ thừa thì thôi bỏ đi, khỏi nói. Nói đơn giản võ công là để giúp thân thể khỏe mạnh, đúng không?
Thái Hư miễn cưỡng gật đầu.
Tiêu Phàm nói tiếp:
- Nếu đã vậy thì tại sao chỉ để người trong bản môn luyện tập mà thôi? Còn nói là người với tự nhiên là một thể, chẳng lẽ bá tánh bình dân không phải là người sao? Nước Trung Hoa chúng ta, tại sao lại để võ học của tiền nhân thất truyền? Chính là vì các môn phái có tính bè phái, bảo thủ cứ giữ khư khư công phu của mình không chịu truyền bá cho người đời, dẫn đến thất truyền, võ lâm môn phái là tội nhân với con cháu đời sau!
Thái hư ngây cả người, rồi khuôn mặt già nua ánh lên vẻ xấu hổ.
Tiêu Phàm thở dài nặng nhọc:
- Bi ai a! Sư phụ à, bi ai a!
Vẻ xấu hổ trên mặt Thái Hư càng lúc càng đậm, lúng túng cả nữa ngày mới nói:
- Vậy ngươi nói đi, chúng ta bán công phu nào bây giờ?
Tiêu Phàm đã định trước liền đáp:
- Thái Cực quyền!
Thái Hư cả kinh nói:
- Không được! Thái Cực quyền là tinh hoa võ học của cả đời sư huynh Trương Tam Phong ta, dốc hết tâm huyết mới biên soạn được, là bảo bối trấn phái của phái Võ Đang ta…
Lời còn chưa dứt, Tiêu Phàm đau xót thở dài:
- Bi ai a!!
Thái Hư hung hăng dậm chân, ra vẻ quyết tâm, nói:
- Thôi được, thôi được! Vậy bán Thái Cực quyền, nhưng mà ta muốn chỉnh sửa lại một chút chỉ truyền bá phần rèn luyện thân thể, sát chiêu tấn công phải bảo mật.
Biểu tình đau lòng của Tiêu Phàm vụt trở thành vui vẻ:
- Đồng ý!
Thái Hư chớp chớp đôi mắt già đục ngầu, hai hàng nhiệt lệ chảy xuống:
- Nếu sau này sư huynh ta phát hiện người nào trên đường cũng luyện Thái Cực quyền, chắc đánh ta chết quá..
- Sư phụ cố nén bi thương, đây đều là kiếp số a!!
-…
******************************************
Mượn một quầy sách của một thư sinh chán nản nào đó, Thái Hư ròng ròng nước mắt từng bút từng bút viết ra một quyển Thái Cực quyền phổ. Vì sợ sư huynh tìm hắn tính sổ nên cố ý viết ngoài bìa: “Nguyên tác: Trương Tam Phong”.
Ba người cầm quyền phổ vội chạy đến chợ phía đông Giang Phổ vốn rất phồn hoa. Mượn được đâu đó bộ đồng la, Tiêu Phàm ra sức gõ loảng xoảng. Chợ phía đông lắm người qua kẻ lại, Tiêu Phàm mới gõ vài cái đã thu hút được sự chú ý của mọi người.
- Ai đi qua chớ đừng bỏ qua! Hôm nay ba thầy trò chúng ta đi ngang qua đây, tiền bạc hết sạch, rơi vào đường cùng, đành phải đem tinh hoa võ học cả đời của sư bá ta là Trương Tam Phong khổ công vài chục năm mới soạn được thành Thái Cực quyền phổ bán cho mọi người. Quyển sách này vẽ rất đẹp, thực dụng giúp mọi người rèn luyện thân thể, người già luyện sẽ tăng thêm tuổi thọ, người trẻ tuổi luyện sẽ hấp dẫn người khác phái, con nít sẽ cứng xương cứng cốt…
Dân chúng vây xem châu đầu rỉ tai.
- Ủa, đây không phải là Trần cô gia sao? Sao lại thành “đi ngang qua đây”?
- Ồ! Ngươi còn chưa biết à? Hắn đã không còn là con rể của Trần gia rồi.
- Hả? Xảy ra chuyện gì vậy? Mau kể xem..
- Nghe nói, hắn với Trần Tứ Lục bất hòa, nên việc hôn nhân với Trần gia cũng dẹp luôn rồi…
- Chậc chậc, hèn gì hắn mặc đạo bào. Tiểu tử đáng thương này nghĩ quẩn nên mới xuất gia..
... ...
... ...
Ở giữa sân, một ông lão khoảng trăm tuổi đang miễn cưỡng diễn luyên Thái Cực quyền, trong miệng lầm rầm tụng niệm:
- Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, Tứ Tượng sinh bát quái, bát quái... sinh bát quái mới.. (bó tay tác giả)
Tiểu khất nữ dường như bị nhập cũng vui vẻ bắt chước Thái Hư, khoa chân múa tay y hệt. Một già một trẻ chậm rãi luyện Thái Cực quyền, hỗ trợ nhịp nhàng tạo nên cảnh đẹp vô cùng.
Tiêu Phàm lại càng ra sức chào hàng:
- Thường nói người ngoài xem náo nhiệt, người trong nghề mới hiểu rõ vấn đề. Các vị đại thúc đại ca chắc hẳn đều là người hiểu hàng, đây rõ là võ công độc môn bất truyền của Trương tiên nhân Trương Tam Phong. Hôm nay đấu giá công khai cho mọi người, ra giá năm mươi lượng bạc, mọi người nhanh nhanh ra giá, bí tịch chỉ có một quyển, sau này không có nữa đâu!
Trong dân chúng đang bu xem quả nhiên có người biết hàng.
Một thương nhân qua đường lập tức nhận ra điểm trân quý của bộ quyền vì thế cao giọng quát:
- Năm mươi lượng bạc, ta mua!
Một thương nhân khác hô giá:
- Ta trả năm mươi lăm lượng!
Tiêu Phàm vô cùng cao hứng, ồn ào nói:
- Vị nhân huynh trắng trắng mập mập này hô giá năm mươi lăm lượng bạc, còn ai trả cao hơn không?
- Ta trả sáu mươi lượng!
- A! vị nhân huynh thiên đình đầy đặn này ra giá sáu mươi lượng, sáu mươi lượng! Còn ai trả giá cao hơn sáu mươi lượng không?
- Ta trả bảy mươi lượng!
- Ta trả tám mươi lượng!
- Ta trả một trăm lượng!
Tiêu Phàm cảm thấy vui sướng đến hoa cả mắt:
- Một trăm lượng! Có ai trả cao hơn một trăm lượng không?
- Một trăm lượng lần thứ nhất, một trăm lượng lần thứ hai, một trăm lượng lần thứ ba!
"Xoảng!"
Đồng la gõ vang lừng.
- Thành giao!
Thái Cực quyền nổi tiếng cả mấy trăm năm ở kiếp trước, được định giá một trăm lượng bạc, cứ như vậy qua tay Tiêu Phàm mà thông dụng hậu thế.
(1) Bịt Tai Trộm Chuông: Ở nước Tấn có nhà quý tộc họ Phan, lúc việc binh bị bại thì bỏ chạy, có người lợi dụng thời cơ ăn cắp của họ Phan một cái chuông. Anh ta muốn vác lên để chạy, nhưng cái chuông rất lớn và nặng nên vác không nổi. Thế là anh ta bèn dùng cây sắt để đập bể chuông, chuẩn bị bê những mảnh sắt vụn đem về nhà.Cái chuông lớn kêu lên "tang tang...", anh ta sợ có người nghe được âm thanh thì đến cướp lại cái chuông, liền vội vội vàng vàng dùng hai tay bịt tai của mình lại. (Lữ thị xuân thu)
(2) Lấy ý từ bài thơ Du Viên Bất Trị游园不值 (Đến thăm vườn không gặp) của Diệp Thiệu Ông 葉紹翁 đời Tống:
Nguyên văn:
應憐屐齒印蒼苔
小扣柴屝久不開
春色滿園關不住
一枝紅杏出墻來。
Phiên âm:
Ưng lân kịch xỉ ấn thương đài,
Tiểu khấu sài phi cửu bất khai,
Xuân sắc mãn viên quan bất trú,
Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai.
(Guốc quê lần lối rêu mòn,
Vườn hoang cửa đóng người còn phương nao,
Nàng Xuân ai dễ ngăn rào,
Vượt tường hạnh thắm ra chào khách quen).
紅杏出墻 Hồng hạnh xuất tường ngoài nghĩa tuổi đương xuân còn chỉ chuyện vợ ngoại tình