Dịch: lumos
Đình Miên Dương (đình cừu non), ngoại ô kinh thành.
Có mấy chiếc xe ngựa xa hoa đỗ bên cạnh đình. Gió ở vùng ngoại ô lạnh thấu xương. Những dãy núi liên miên chập chùng phía chân trời hiện lên màu nâu nhạt. Mặt trời lấp ló phía xa mang lại cho người ta chút ấm áp ít ỏi trong những ngày đầu đông lạnh buốt.
Tử Dương cư sĩ của Thư Viện Vân Lộc ra làm quan.
Đây là một việc rất đáng mừng đối với Thư Viện Vân Lộc, vốn đang dần suy thoái trong chốn quan trường.
Các tiên sinh trong Thư Viện vỗ tay ăn mừng, học sinh cũng vô cùng phấn khởi. Ai cũng thấy hãnh diện, rốt cuộc thì thời điểm xuất đầu lộ diện cũng sắp đến.
Trong đình có ba ông già ngồi uống trà đối diện nhau, trong đó có một người mặc áo bào màu tím, hai bên tóc mai bạc trắng. Ông ta chính là nhân vật chính trong buổi đưa tiễn ngày hôm nay.
Dương Cung, tự Tử Khiêm, hiệu là Tử Dương cư sĩ, trạng nguyên của năm Nguyên Cảnh thứ 14. Năm sau ông ta về lại Thư Viện Vân Lộc nguyên cứu học vấn. Trong 22 năm, học trò của ông ấy phủ khắp thiên hạ, trở thành bậc đại nho nổi danh.
Vốn là tiền đồ của ông ta còn tốt hơn nữa, nhập các bái tướng là điều chắc chắn, nhưng ở thời điểm huy hoàng nhất lại phải rời khỏi quan trường một cách ảm đạm. Về sự kiện này, giới sĩ lâm đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Có người nói vì ông ta đã đắc tội với bệ hạ, nên không thể không rời đi.
Người thì nói là ông ta đã đắc tội thủ phụ đương triều, thủ đoạn không bằng người ta, nên đành phải cuốn gói rời đi.
Nhưng mặc kệ lý do gì, sau 22 năm, rốt cuộc ông ta cũng xuống núi lần nữa, đến Thanh Châu nhậm chức Bố Chính Sứ, là quan lớn một phương thật sự.
Thân phận của hai vị còn lại cũng không thấp, không bàn về địa vị ở trong Thư Viện Vân Lộc, chỉ riêng danh tiếng ở bên ngoài, đã chẳng kém gì Tử Dương cư sĩ.
Vị mặc áo bào xám, để râu dê gọi là Lý Mộ Bạch, đã từng được xưng là thiên hạ đệ nhất kỳ đạo (kỳ: đánh cờ). 5 năm trước, ông ta từng đánh 3 ván cờ với Ngụy Uyên Ngụy Công, thua hết cả 3, tức giận đập nát bàn cờ, từ đó không bao giờ đánh cờ nữa.
Vị mặc áo bào màu xanh biển gọi là Trương Thận, bậc thầy binh pháp, đã soạn ra ‘Binh Pháp Lục Sơ’ đến nay vẫn là tác phẩm phải đọc của các tướng lĩnh, võ quan Đại Phụng.
Ông ta là người duy nhất ở Đại Phụng có thể sánh với Ngụy Uyên về binh pháp.
Đám học sinh đưa tiễn đứng ở ngoài đình đều là những học sinh khá tiềm năng của Thư Viện Vân Lộc.
Hứa Tân Niên cũng ở trong đó.
“Cuối cùng thì Tử Dương tiên sinh cũng xuống núi. Nếu như có thể được ông ấy chú ý thì con đường làm quan sau này của chúng ta chắc chắn sẽ rất thênh thang.” Một người quen biết cùng trường thấp giọng nói: “Từ Cựu, ngươi đã chuẩn bị thơ chưa?”
Ca của ta chuẩn bị cho ta… Còn là nửa bài thờ bảy chữ… Hứa Tân Niên nhìn vào trong đình, lạnh nhạt nói: “Làm đại được nửa bài. Vĩnh Thúc, ngươi quá thực dụng rồi.”
Thơ bảy chữ có quy luật chặt chẽ, yêu cầu về số từ số câu phải chỉnh tề như một. Bài thơ phải tạo thành từ 8 câu, mỗi câu 7 chữ, cứ 2 câu làm thành 1 liên, tổng cộng 4 liên.
Bài thơ bảy chữ Hứa Thất An đưa cho y chỉ có 2 liên. Sau khi ăn xong, Hứa Tân Niên hỏi cho bằng được 2 liên còn lại, nhưng đường ca lại ấp úng đổi chủ đề, vẫn không cho 2 liên sau.
“Đó không phải là thực dụng, quan trường cũng giống như biển học vậy, phải khổ công làm thuyền mới có thể cập bờ, chịu khó luồn cúi là vì tương lai tươi sáng.” Người bạn tốt kia nói, dường như biết là Hứa Tân Niên không giỏi làm thơ, nên không hỏi nữa.
“Vĩnh Thúc nói không sai, hiện nay không khí quan trường hủ bại, quan lại trên dưới cấu kết ức hiếp bách tính, thiên tai liên miên, nếu như muốn thay đổi cục diện, tâm tư phải linh hoạt một chút.” Một học sinh khác tham gia đề tài.
Học sinh tên là Vĩnh Thúc gật gù, nhìn qua Hứa Tân Niên: “Ngươi luôn nói thi từ là tiểu đạo, coi như văn chương của ngươi làm cực hay đi chăng nữa, mấy chục năm sau có ai còn nhớ đến ngươi? Chỉ có thi từ mới có thể lưu truyền mãi mãi.”
Thi từ chính là tiểu đạo, không thể trị quốc, không thể lợi dân, chỉ là thứ màu mè hoa lá… Hứa nhị lang định nói như thế, nhưng nghĩ lại thấy mình cũng đang chuẩn bị dùng cái thứ màu mè hoa lá đó để lấy lòng lão tiền bối, nên đành đem lời định nói nuốt xuống, ậm ờ ừ một tiếng.
Vĩnh Thúc nhìn y đầy kinh ngạc, vậy mà không phản bác!
Đại kỳ thủ Lý Mộ Bạch thở dài: “Dương huynh, nếu như năm đó huynh có một nửa sự linh hoạt như bọn chúng, chắc đã không uổng phí hơn hai mươi năm rồi.”
Tử Dương cư sĩ cười nhạt.
“Nói vậy cũng không đúng.” Bậc thầy binh pháp Trương Thận đang uống trà thì phì cười: “Dương huynh làm thế là để trải đường cho ‘Lập Mệnh’ đấy.”
Nghe thế, Tử Dương cư sĩ thở dài: “Chung quy vẫn là bị người ta gạt khỏi quan trường.”
“Đây đâu phải là lỗi của huynh, cái đám người đi ra từ Quốc Tử Giám kia sẽ chẳng để yên cho Thư Viện Vân Lộc chúng ta trở mình đâu.”
“Hừ, một đám chỉ biết nịnh trên hiếp dưới, tiểu nhân chỉ biết mưu mô. Chưa đến 200 trăm năm mà đã biến thiên hạ trở nên tệ hại như thế này.”
Việc này có liên quan đến một sự kiện lịch sử rất thú vị.
Nho gia bắt nguồn từ Thánh Nhân, Thư Viện Vân Lộc là học viện do đại đệ tử của Thánh Nhân khai sáng, tự xưng là Nho gia chính thống, sự thực cũng đúng như thế.
Nhưng vào 200 năm trước, bởi vì sự kiện tranh quyền thừa kế ngai vàng mà bị Hoàng Đế tại vị lúc đó ghét
bỏ.
Lại thêm đúng lúc này, Thư Viện Vân Lộc xuất hiện phản đồ, Thư Viện Vân Lộc tự nhận định như thế.
Kẻ phản đồ kia vốn là một tiên sinh dạy học của Thư Viện Vân Lộc, đã nhân cơ hội này để tự lập môn hộ, dùng triết lý ‘Tồn thiên lý, diệt nhân dục’ (1) để lấy lòng Hoàng Đế, thành lập Quốc Tử Giám dưới sự nâng đỡ của Hoàng Đế, trở thành một đại tông sư.
Cứ như thế, Quốc Tử Giám đã hoàn toàn thay thế Thư Viện Vân Lộc, trở thành nơi đào tạo quan viên chủ yếu của triều đình.
Cuộc tranh cãi về Nho gia chính thống cũng từ đó kéo dài hơn 200 năm.
Tử Dương cư sĩ trầm giọng nói: “Lần này ta đi là để mở đường cho Thư Viện Vân Lộc, đặt nền móng vững chắc trong quan trường. Nhưng muốn khôi phục lại phong thái năm đó của thư viện thì chỉ một mình ta là không đủ, cần phải có sự đồng tâm hiệp lực của chúng ta, và đặc biệt là có thêm nhiều người trẻ tuổi ưu tú.”
Lý Mộ Bạch và Trương Thận nhìn nhau cười, sau đó quay sang nhìn về phía những học sinh ở ngoài đình: “Có ai nguyện ý làm một bài thơ để đưa tiễn Tử Dương cư sĩ không?”
“Ngâm thơ phải có tặng vật, nếu không sẽ rất vô vị.” Tử Dương cư sĩ lấy từ bên hông ra một cái ngọc bội màu tím: “Người xếp thứ nhất sẽ được tặng ngọc bội.”
Ánh sáng màu tím lưu chuyển trên thân ngọc bội đầy vẻ bất phàm.
Đôi mắt của những học sinh ở ngoài đình đồng loạt sáng lên. Ngọc bội tùy thân của bậc đại nho được tài hoa gột rửa, ẩn chứa những điều huyền diệu. Nếu như bọn họ có thể lấy được nó, nhất định sẽ có được rất nhiều lợi ích.
Hơn nữa, Tử Dương cư sĩ dùng ngọc bội tím làm tặng phẩm còn có ẩn ý khác.
Vật tùy thân của trưởng giả chỉ tặng vãn bối và học sinh. Nói cách khác, có được chiếc ngọc bội này, chú em, chú chính là người… Học sinh của ta.
“Học sinh nguyện làm một bài thơ để đưa tiễn Tử Dương cư sĩ.” Một học sinh mặc áo nho màu xanh mạnh dạn bước ra, chắp tay với ba vị đại nho trong đình.
Lý Mộ Bạch cười nói: “Đây là Chu Thối Chi, học sinh của ta, có một chút thi tài.”
Tử Dương cư sĩ gật đầu mỉm cười.
Đợi khi học sinh tên Chu Thối Chi kia ngâm xong bài thơ đưa tiễn, nụ cười trên gương mặt của Tử Dương cư sĩ càng sâu hơn, dễ nhận thấy là ông ta cực kì hài lòng.
“Không tệ.” Bậc thầy binh pháp Trương Thận khen một câu, không có lời bình nào khác, hai vị đại nho đang ngồi đây đều có tài làm thơ hơn ông ta.
Nhưng khởi đầu tốt, chưa hẳn phần sau cũng tốt, tình huống tiếp theo có thể dùng từ ‘chắp vá’ để hình dung.
Những bài thơ sau đó chỉ ở mức tạm được, miễn cưỡng hợp lệ.
Lý Mộ Bạch nói một cách cảm khái: “Từ khi Quốc Tử Giám tập trung điển tịch của Thánh Nhân lại một lần nữa, ‘tồn thiên lý diệt nhân dục’, học sinh trong thiên hạ đều đắm chìm vào kinh điển, vùi đầu vào văn chương. Cứ thế mà rơi vào cảnh ‘Văn chương tù túng, rườm rà rời rạc’ không thể thoát ra được. Văn chương thi từ không có linh tính.”
Nói đến đây, ông ta biểu lộ ra vẻ vô cùng đau đớn.
Đây cũng là nguyên nhân của sự suy thoái Nho gia cận đại. Nếu là 200 năm trước đây, danh ngôn của Nho gia là: Phật môn rất tốt, Đạo môn rất khá… y da, Thuật sĩ cũng không tệ, Cổ sư Vu sư cũng khá hay ho, rất đáng khen… Ý, kẻ luyện võ thô lỗ mời đi ra, đây là nơi tụ hội của những người văn nhã, tiện tay dắt bọn Yêu tộc dị hợm kia ra dùm luôn. Còn những vị ngồi ở đây, thứ cho ta nói thẳng, đều là rác rưởi!
Trước đây Nho gia phách lối như thế đấy.
Còn bây giờ thì sao?
Các hệ thống tu luyện lớn: Gì đấy chú em?
Nho gia run cầm cập: con mẹ nó.
Tử Dương cư sĩ thở dài: “Thôi, đừng nói về những thứ này nữa. Chư vị học sinh, còn ai nguyện ý làm thơ không?”
Không ai đáp lại.
Chu Thối Chi nhìn chằm chằm vào chiếc ngọc bội màu tím bằng ánh mắt nóng rực, chắc mẩm đây là vật trong túi mình rồi.
“Tiên sinh, ta có một bài thơ.” Hứa Tân Niên bước ra từ trong đám học sinh, đi đến cạnh đình.
Y cố tình im lặng đến bây giờ vì y là người khiêm tốn biết điều, sợ tung bài thơ này ra sớm quá sẽ khiến bạn cùng trường lúng túng, tuyệt đối không có dính dáng chút nào đến việc y từng cãi nhau với Chu Thối Chi.
… …
(1) Tồn thiên lý diệt nhân dục: Đây là một quan niệm trong Lí học của Chu Hi. Chu Hi chủ trương “Tồn Thiên lý, diệt nhân dục” tức giữ mình trong tình trạng Thái cực hay Thiên lý và diệt cái Nhân dục đi. Nhân dục làm che chướng Thiên lý. Con người trong Thái cực hay Thiên lý thì tự nhiên sẽ giữ lấy trật tự của các mối quan hệ gia đình và xã hội, tức tam cương ngũ thường, nên phải diệt Nhân dục vì Nhân dục có thể làm cá nhân vi phạm trật tự đó, đây là điều mà các đế vương cảm thấy có thể lợi dụng triệt để nơi học thuyết này.