Editor: Na
Beta: Hoàng Lan
Thiếu nữ bừng tỉnh, trong miệng còn sót lại vị đắng của nước thuốc, bên cạnh giường đặt một cái bát không, trong lòng bát còn dư một tầng thuốc đen nhánh.
Tối hôm qua bệnh đau đầu của nàng tái phát, đau đớn muốn chết, cha mẹ mời thầy thuốc tới khám ngay trong đêm, rồi châm cứu và sắc thuốc cho nàng, giày vò đến nửa đêm về sáng, cơn đau đầu giảm dần mới miễn cưỡng ngủ được.
Khi tỉnh lại, nàng quên mất hơn nửa cảnh trong mơ, trong đầu chỉ còn lại hình ảnh hư vô mờ ảo của người làm nghề rèn.
Mưa lạnh gõ lên cửa sổ.
Đúng rồi, tối hôm qua độ ẩm cao, nàng bắt đầu đổ bệnh.
Hầu như mỗi lúc trời sắp mưa là nàng lại đau đầu, thật sự nàng chính là đồng hồ đo thời tiết hình người.
Đã sắp đến trưa, thiếu nữ hơi đói, nha hoàn xuống bếp nấu cơm, không có người hầu hạ, nàng tự mặc quần áo và đi giày, lúc đỡ cột giường đứng lên thì trời đất quay cuồng, não như thoát khỏi xương sọ, bay thẳng lên bầu trời.
Nàng đã quen với những cơn đau đớn kiểu này nên thuần thục nhắm mắt lại, lấy lại bình tĩnh. Chờ não bộ và xương sọ về cùng một chỗ lần nữa, không còn choáng váng như trước mới mở to mắt, ngồi trước bàn trang điểm rồi vén miếng vải phủ trước gương trên kệ ra.
Gương sẽ kéo tới những thứ không sạch sẽ, hơn nữa lại tiếp xúc thời gian dài trong không khí, để lâu sẽ không còn sáng bóng nữa, vì vậy gương đồng sẽ được phủ vải khi không sử dụng.
Gương đồng được mài sáng mới, hiện rõ dung mạo xinh đẹp mỹ miều của cô gái.
Quận Ngô Hưng vào mùa xuân đã rất ấm áp, một vài cô gái thích xinh đẹp đã thay áo kép* bằng áo đơn, lộ ra dáng người yểu điệu. Vì đau đầu nên thiếu nữ vẫn quyết định mặc áo kép bông. Nàng chải tóc, vốn định búi tóc song hoàn ở hai bên trái phải nhưng đôi tay lại tự có suy nghĩ riêng, hai búi tóc hai bên hoặc là không cân đối, hoặc là không thành hình.
* Áo kép: áo hai lớp Kiểu tóc bình thường nhất cũng không làm được, thiếu nữ dứt khoát gỡ tóc ra, dùng một miếng vải màu xanh lam quấn tóc lại rồi thắt nút ở sau gáy, như vậy búi tóc có lỏng lẻo hay lộn xộn cũng được giấu bên trong miếng vải, sẽ không nhìn thấy được.
Buộc tóc xong, thiếu nữ đi ra cửa phòng, nghe thấy tiếng ai đó nói chuyện trong phòng khách.
Là vì chuyện kia.
Thiếu nữ rón rén đi tới góc cửa, nghe cuộc nói chuyện của cha mẹ và bà mối qua lớp vải rèm.
Cha nói: “… Chuyện này tuyệt đối không thể được, chúng ta chỉ có một nữ nhi là A Bình, kỹ thuật làm ngói gia truyền hơn một trăm năm nay không thể chấm dứt trong tay ta, nhất định phải kén rể vào nhà, đến khi sinh con cũng phải mang họ nhà ta để kế thừa hương khói của tổ tiên nhà họ Trần. Đã nói rồi, chúng ta không gả nữ nhi, mà chỉ tuyển chàng rể biết điều và biết giữ bổn phận thôi.”
Mẹ nói: “Từ khi nữ nhi mười tuổi chúng ta đã bắt đầu bồi dưỡng con bé lo liệu việc nhà, con bé vừa biết viết lách vừa biết tính toán, kỹ thuật nung ngói của nhà ta cũng được giao lại cho con bé, vốn kỹ thuật này chỉ truyền cho nam không truyền cho nữ vì sợ cô nương gả cho người khác, từ đó mang kỹ thuật về nhà chồng, dạy cả nhà chồng rồi để mặc nhà mẹ đẻ chết đói. Hiện giờ nữ nhi đã học được tay nghề, nếu như ra ngoài lấy chồng thì món nghề an cư lạc nghiệp của tổ tiên Trần gia sẽ không còn nữa, mối hôn sự này tuyệt đối không thể được.”
Bà mối khuyên nhủ: “Nhà họ Tiền kia là nhà giàu chính gốc ở Tiền Đường, Tiền gia người ta hoàn toàn không thèm để mắt tới cái xưởng làm ngói bé xíu của nhà họ Trần các người đâu, Tiền gia vốn coi thường hộ tiểu thương như nhà hai người, nhưng ai bảo nữ nhi nhà hai người tốt, tài mạo xuất chúng nên được Tiền Nhị công tử coi trọng chứ? Người ta năn nỉ bà mối ta tới nói giúp đấy ——”
Mẹ ngắt lời: “Hôn nhân đại sự đâu phải là làm ăn mua bán, mua bán thì còn cò kè mặc cả, muốn mua cái gì cứ chê trước để dễ ép giá. Chúng ta tuy là gia đình bình dân nhưng đến từ thành Lạc Dương dưới chân thiên tử, xưởng nhỏ của tổ tiên nhà họ Trần chúng ta còn từng nung ngói hoa văn Long Ly dùng trong Hoàng cung, nếu không phải gặp cảnh loạn lạc, Trần gia sẽ không tới nơi chướng khí mù mịt man rợ này đâu, nhà họ Tiền ở quận Ngô Hưng thì tính là gì, có tiền thì cũng là nhà giàu mới nổi thôi, bà mối cũng là người gốc Trung Nguyên, sao vì chút tiền môi giới mà bán rẻ lòng tự trọng và buông lời chê bai, hạ thấp đồng hương mình thế?”
Bà mối đang muốn khuyên tiếp, cha mẹ đã không nghe nổi nữa, gọi lớn tiếng về phía phòng bếp: “Các ngươi điếc hết rồi hả? Trong nhà bẩn thỉu, còn không mau đến tẩy rửa sạch sẽ đi!”
Nha hoàn ở phòng bếp đáp một tiếng, đi về phía rèm cửa, thiếu nữ vội vàng khe khẽ về phòng, vờ như không nghe thấy.
A Bình không muốn lấy chồng, cũng không muốn kén rể, năm ngoái theo cha mẹ chạy nạn từ Lạc Dương đến Tiền Đường Quan của quận Ngô Hưng, nghe nói trên đường gặp phải thổ phỉ, nàng bị ngã vỡ đầu, sau khi tỉnh lại thì không nhớ rõ mình là ai, thậm chí còn không nhận ra cha mẹ.
Sau lần bị thương này đã để lại di chứng, hầu như mỗi khi trời sắp mưa to là nàng lại đau đầu, sau mỗi lần phát bệnh, tâm trạng đều chùng xuống, đã thế Giang Nam còn mưa nhiều vào mùa xuân, gần đây nàng vẫn luôn u uất, tâm trạng không tốt, hoàn toàn không có hứng thú gì với hôn nhân.
Nhưng nàng đã tới tuổi bàn chuyện cưới xin, cha mẹ lại sốt ruột kén rể vào nhà để kéo dài hương khói của tổ tiên Trần gia và khai chi tán diệp, bọn họ di cư từ Lạc Dương ngàn dặm xa xôi đến Giang Nam là để giữ gìn và bảo tồn cơ nghiệp tổ tiên Trần gia truyền lại. Hôn nhân đại sự là lệnh của cha mẹ, lời người mai mối, A Bình không muốn cưới xin, nhưng có cưới hay không, rồi cưới ai, nàng đều không làm chủ được.
Nha hoàn bưng một chậu nước từ dưới bếp lên rồi vẩy lau nhà, có ý đuổi khách, bà mối đành phải chào tạm biệt, “Hai vị cứ cân nhắc trước đã, Tiền gia thật sự thành tâm cầu hôn.”
Bà mối ra cửa, đi giày ra về.
Ông Trần vẫn còn tức, nói: “Sau này đừng để bà mối vào cửa nữa, làm ô uế hết tổ tiên Trần gia nhà ta. Tổ tiên Trần gia nhà ta đã truyền thụ tay nghề cả trăm năm nay, sao có thể nói đứt là đứt được? Tương lai chúng ta có mặt mũi nào mà xuống gặp tổ tiên nhà họ Trần ta? Đã nói rõ là muốn kén rể, muốn bà ta tìm một cậu con rể có phẩm chất đàng hoàng, gia thế trong sạch, tốt nhất là đồng hương từ Lạc Dương tới, bà ta lại cứ nhất định phải nói đến nhà muốn cưới vợ, lại còn là người gốc Giang Nam nữa chứ!”
Bà Trần thêm trà, “Thôi được rồi, đừng cáu nữa. Bà mối là như vậy, chỉ cần chịu đưa tiền thì dưa vẹo táo nứt gì cũng có thể nói thành thần tiên. Nhà ta còn cần bà mối từ từ hỏi thăm và tìm kiếm con rể tương lai, đừng xé toạc mặt nhau như thế.”
Ông Trần nói: “Tôi thấy hy vọng nhỏ nhoi lắm, hay là tôi để ý xem chọn một người xứng đôi ở trong xưởng nhà ta.”
Bà Trần nói: “Mấy tiểu tử trong xưởng có biết chữ nào đâu, lại còn cộc cằn thô lỗ, sao có thể xứng với A Bình nhà ta vừa biết viết vừa biết tính toán? Tôi không hài lòng đâu.”
Ông Trần nói: “Lấy đâu ra người thật sự có bản lĩnh, lại
còn biết đọc sách viết chữ mà đi ở rể chứ?”
Bà Trần nói: “Ngày nào cũng có công tử gặp nạn chạy trốn từ Trung Nguyên tới Giang Nam, gia tài bị cướp sạch, ăn bữa nay lo bữa mai. Vì miếng cơm manh áo, bọn họ bằng lòng đi ở rể, chúng ta phải có kiên nhẫn, chúng ta đã gặp được một người…”
Bà Trần đưa mắt ra hiệu với ông Trần, “Thì nhất định sẽ gặp được người nữa, nhà chúng ta có nghề làm ngói kéo dài cả trăm năm phải kế thừa, cũng không thể tùy tiện tìm kẻ phá gia chi tử, sau này xuống đất thì biết ăn nói thế nào với ông bà tổ tiên?”
Để kéo dài tổ nghiệp của nhà họ Trần, ông Trần cố nhịn rồi đi đến xưởng làm ngói ở ngoại thành. Nha hoàn sắc thuốc xong thì bưng tới phòng Trần tiểu thư.
“Để ta.” Bà Trần đỡ bát thuốc, đẩy cửa đi vào, thấy con gái đang ngồi ngơ ngác trước bàn trang điểm, “Con tỉnh rồi à? Đầu còn đau không? Mau uống thuốc đi con.”
“Đỡ hơn rồi ạ.” A Bình uống thuốc, bà Trần lại ân cần thăm hỏi: “Hôm nay muốn ăn gì? Mẹ bảo nha hoàn làm cho con.”
A Bình lắc đầu, không biết vì sao nhìn mẹ ở trong gương lại xa lạ như vậy, thậm chí trong lòng còn hơi có cảm giác mâu thuẫn.
“Con không muốn ăn.” A Bình nhìn mà sốt ruột, dứt khoát dùng vải che mặt gương lại, “Con cảm thấy bứt rứt khó chịu, muốn ra ngoài đi lại một chút.”
Bà Trần nói: “Ngoài trời đang mưa.”
“Con biết, nếu không tối hôm qua sẽ không đau đầu.” A Bình nói: “Con sẽ đi guốc gỗ và che dù, không sao đâu ạ.”
Bà Trần sợ con gái bị đói, dù sao cũng là huyết mạch duy nhất của nhà họ Trần, bà đưa cho nàng túi tiền, “Trên đường thấy thích ăn cái gì thì cứ mua, không được đi quá xa, chỉ dạo quanh Lạc Dương một chút thôi, ở đó đều là đồng hương, sẽ không ai lừa gạt con, còn những người Ngô Hưng ở bên ngoài rất xấu, nghe con nói giọng nơi khác sẽ ra giá trên trời để ức hiếp con.”
A Bình nói: “Giờ con đã học được tiếng Ngô Hưng rồi, không ai lừa được con đâu.”
Nét mặt bà Trần cứng đờ, sau đó cười nói: “Nữ nhi của ta vừa chăm chỉ hiếu học vừa thông minh, tương lai giao việc làm ăn trong nhà cho con, nhất định sẽ có chỗ đứng ở quận Ngô Hưng.”
A Bình muốn ra ngoài, bà Trần thấy con gái trang điểm thì hỏi: “Sao không đeo trâm vàng mẹ vừa đánh cho con? Chúng ta là nhà buôn bán từ Lạc Dương tới, quần áo và trang sức đều thể hiện năng lực tiền bạc, trên đầu con chỉ quấn một miếng vải xanh nom xuề xòa như thôn nữ ấy. Tới đây, mẹ chải đầu cho con.”
A Bình nói: “Không cần làm phiền mẫu thân. Con bị đau đầu, không chịu được gió, tấm vải xanh này trùm đầu rất tốt ạ.”
A Bình cảm thấy trong nhà ngột ngạt nên đi ra ngoài như chạy trốn, nàng hít sâu một hơi, bung dù, đi guốc gỗ đế dày, mũi guốc nện trên mặt đường lát đá tạo thành những tiếng cộc cộc vang dội.
Vốn guốc gỗ được chia thành kiểu nam và kiểu nữ, nữ giới đi guốc gỗ mũi tròn, nam giới đi guốc gỗ mũi vuông, nhưng khi người đã từng cầm quyền ở Đại Tấn là Hoàng Hậu Giả Nam Phong lên nắm quyền, để thể hiện sức mạnh hoàng quyền, bà thường xuyên cố ý đi lại bằng guốc mũi vuông. Để lấy lòng Giả Hoàng Hậu, người làm trong cung cũng sôi nổi noi theo, từ trong cung truyền tới dân gian, từ trên cao xuống dưới và dần trở thành trào lưu, chẳng mấy chốc phụ nữ ở thành Lạc Dương đều lấy việc đi guốc mũi vuông làm niềm tự hào.
Có điều phong tục này không còn hiệu nghiệm khi xa xôi cách trở, người Giang Nam bưng tai bịt mắt vẫn là nam vuông nữ tròn, năm ngoái Vĩnh Gia xuôi nam, một tốp người Lạc Dương chạy tới quận Ngô Hưng, bọn họ vẫn luôn lấy làm tự hào khi có nguyên quán là Lạc Dương, không chịu nhập hộ tịch Ngô Hưng, ngay cả ăn, mặc, ở, đi lại cũng cố hết sức duy trì phong cách Lạc Dương để thể hiện sự khác biệt của dân chúng dưới chân thiên tử —— những người dân tị nạn cũng chỉ thông qua những chi tiết này để bảo vệ lòng tự trọng yếu ớt khi bị mất đi nhà cửa và buộc phải tha hương đến nơi này.
Phần lớn nữ giới trên phố Lạc Dương đều đi guốc gỗ mũi tròn, khi nghe thấy hầu hết là giọng nói quê hương, cảm nhận được khói lửa nhân gian, hàng mày cau chặt của A Bình dần giãn ra.
Rất kỳ lạ là mỗi lần ở nhà đều thấy căng thẳng và áp lực không rõ lý do, nhưng mỗi khi ra phố, không hiểu sao A Bình lại có cảm giác an toàn và quen thuộc, những tiếng ồn ào huyên náo trên đường phố còn có tác dụng hơn thuốc nên mỗi khi bức bối khó chịu, A Bình luôn ra ngoài đi dạo phố.
Cứ đi về phía trước, A Bình đã tới cổng phố Lạc Dương, ban ngày cổng mở ra, buổi tối mới đóng lại. Đây là cánh cổng lớn ngăn cách dân chạy nạn phương bắc và người bản xứ phương nam, lúc mới đến, sự ngăn cách, căm thù và phòng bị giữa những người dân chạy nạn và người địa phương lớn hơn nhiều so với sự hòa hợp.
Dân chạy nạn cảm thấy người địa phương mưu mô xảo trá, lợi dụng ngôn ngữ và sự thiếu hiểu biết về giá cả thị trường ở địa phương để luôn ăn hiếp và lừa tiền của bọn họ.
Người địa phương thì cảm thấy dân chạy nạn không cần nộp thuế, không cần phục dịch, làm ăn buôn bán với chi phí thấp nhờ vào “Kiều Ký Pháp” mà Vương Đạo ban hành đã cướp không ít mối làm ăn và bát cơm của bọn họ, còn luôn có tỏ ra cao thượng, đẳng cấp rằng người Trung Nguyên chúng ta văn minh, hiện đại, ở tít trên cao để xem thường vùng Giang Nam man di mọi rợ. Rõ ràng là người đi ăn nhờ ở đậu, nhưng lại luôn coi thường người địa phương, đúng là đáng ghét.
A Bình là phụ nữ, lúc ra ngoài một mình, nàng rất hiếm khi vượt qua cánh cửa này mà vẫn luôn dừng chân ở khu bố trí cho dân chạy nạn ở phố Lạc Dương.
Cho nên A Bình xoay người đi về.
Một trận nam gió thổi qua, cuốn theo hơi nước ẩm ướt và mùi thơm của thức ăn xộc vào mũi A Bình.
Thơm quá!
Trong miệng A Bình theo phản xạ tràn ra chút ướt át, nàng nuốt nước bọt, lại xoay người, bung dù đi tìm mùi hương, guốc gỗ mũi tròn đã vượt qua cánh cổng.
Qua mười mấy cửa hàng, A Bình đã tìm được ngọn nguồn của mùi hương. Đây là một cửa tiệm vừa mới khai trương, tên là tiệm bánh Hồ Vương Ký.
Bánh Hồ vừa mới ra lò nên thơm ngào ngạt, hấp dẫn rất nhiều thực khách xếp hàng chờ mua.
A Bình xếp cuối cùng, bên cửa có một người gỗ ngây thơ chất phác, trên cổ đeo một chiếc bánh Hồ rỗng ở giữa.
Không hiểu sao A Bình lại cảm thấy thân thiết, không khỏi chìa tay sờ người gỗ.
“Cô nương đừng chạm vào.” Tiểu nhị bán bánh Hồ ở bên ngoài nói: “Thời tiết ẩm quá, nước sơn vẫn chưa khô.”