Thánh chỉ từ hôn vừa ra, cha con Lưu Ngỗi Lưu Tuy ngỡ ngàng, Giang Hải chỉ cách nhau một chữ nhưng lại kém xa nhau nghìn dặm. Lưu Ngỗi ý thức được là do Vương Đạo đứng giữa gây khó dễ, từ công chúa Lâm Hải biến thành công chúa Lâm Giang là kết quả hòa giải và thỏa hiệp của hai bên.
Ý nghĩ của Lưu Ngỗi cũng giống như ý của Thừa tướng Tôn Tú trước kia của Đại Tấn khi nghe tin Hoàng Đế tứ hôn công chúa Hà Đông cho cháu trai Tôn Hội: Tứ cũng tứ rồi, còn có thể “trả lại hàng” sao? Ít nhất đều là công chúa Đại Tấn, đối thủ của ta rộng khắp triều đình, ăn bữa nay lo bữa mai, lấy công chúa về nhà, ít nhất có thể giữ được một chút huyết mạch, chỉ lãi chứ không lỗ gì.
Vì thế Lưu Ngỗi kéo con thứ hai đang ngây ra như phỗng vào cung tạ ơn.
Công chúa Lâm Giang ở góa chạy đến Đài Thành, tìm ca ca Hoàng Đế hung hăng đòi một phần của hồi môn, “Gả vào Lưu gia cũng được, về sau người Lưu gia phải cung phụng ta, cũng đừng năm ba bữa lại tiến cung tìm ca ca tố cáo, nói ta không hiền huệ. Thứ bọn họ muốn chính là thanh danh công chúa của ta chứ không phải một hiền thê. Ta ở phủ công chúa của ta, hắn ở phủ phò mã của hắn, ngày lễ ngày tết cùng ngồi xuống ăn bữa cơm, đi lại với nhau bằng một bữa cơm mà thôi, đừng nói đến chuyện tình cảm hay trách nhiệm gì đó.”
Phụ nữ nhà Tư Mã thẳng thắn như vậy đấy.
Vương Duyệt giải quyết xong chuyện này thì tới biệt viện Lâu Hồ. Oi bức mấy ngày liền, rêu xanh cũng bò lên trên vách tường, ông trời cuối cùng cũng chịu nể mặt, đổ mưa tí tách, lượng mưa không lớn, còn ngắt quãng, giống như ông trời cũng bước vào giai đoạn trung niên, chức năng của tuyến tiền liệt xuất hiện vấn đề.
Guồng nước ì ạch tự chuyển động kéo theo bàn đá hình tròn, Thanh Hà dùng hai tay đỡ đất bùn, đang làm một bình gốm.
Vương Hi Chi dùng bút lông chấm nước lã viết chữ lên phiến đá bóng loáng như gương, viết đến phần sau, hàng chữ phía trước cũng khô, cậu bé cứ viết đi viết lại liên tục, cũng không ngại phiền, bên người có ống đựng bút bằng gốm, trong ống đựng ba chiếc bút lông đã viết đến mức đầu bút trọc lốc.
Trời sinh Vương Hi Chi cẩu thả không tập trung, chỉ có lúc viết chữ mới nghiêm túc đến mức quên cả bản thân.
Một chuỗi lục lạc buộc dưới mái hiên, lắc lư theo gió, phát ra tiếng leng ca leng keng như một cái chuông gió.
Thanh bình yên ả, tránh xa những tranh chấp, Vương Duyệt che dù, đứng từ xa nhìn Thanh Hà và Vương Hi Chi đang tập trung làm việc của mình.
Vương Duyệt dừng bước chân, lẳng lặng thưởng thức, hắn bận bận rộn rộn, đấu đá lẫn nhau, chính là để nàng có thể thỏa sức nghịch bùn đất trong tay, không cần phải xen vào những trận gió mưa dữ dội ngoài kia.
Trong lúc vô tình Thanh Hà ngẩng đầu nhìn thấy hắn, nàng hiểu ý cười một tiếng, rửa sạch tay, ra cửa đi đôi guốc gỗ Dương Hiến Dung tặng, cũng không bung dù mà cứ thế đi ra.
Guốc gỗ phát ra tiếng va chạm lanh lảnh trên con đường lát đá, Vương Duyệt vội vàng nâng ô đi đón nàng, hai người tản bộ trên trúc hàng trong hồ, Vương Duyệt hờ hững nói cho Thanh Hà nghe chuyện Thái Hưng Đế “bán nàng” nhưng chưa thành, “… Thời gian này nàng cứ lấy cớ thời tiết nắng nóng nên ra cung tránh nóng làm lý do không về Đài Thành. Ta có thể không sử dụng thủ đoạn hèn hạ để đối phó bọn họ, nhưng bọn họ có thể sẵn sàng dùng thủ đoạn bỉ ổi gì đó để tính kế nàng, ta không dám cầu may, để nàng gặp phải nguy hiểm.”
Thanh Hà suýt nữa bị Hoàng Đế “ép bán”, dù là ngày mưa cũng có ba phần tức giận, “Một đám người này cả ngày ầm ĩ gây chuyện xấu, đầu tiên là muốn phế mẫu thân ta, xong lại muốn phế địa vị công chúa của ta, bây giờ lại muốn bán ta với giá cao. Chàng xé rách mặt với Hoàng Đế, không cần giả vờ quân thần gì nữa, có gì cứ nói hết ra. Trong cái rủi có cái may, ta cũng không muốn giả vờ giả vịt đóng vai bác họ hiền từ và cháu gái ngoan ngoãn gì đó với Hoàng Đế, ông ta cũng không thèm hỏi ta một tiếng đã muốn tứ hôn —— mẹ ruột ta còn sống sờ sờ đấy. Qua mùa hè này, ta cũng không trở về Đài Thành, nếu Hoàng Thượng còn mặt mũi phái người tới đón, ta sẽ nói thẳng là không dám đi vì sợ bị ông ta bán mất.”
Vương Duyệt cười nói: “Nàng sẽ nói như vậy thật hả?”
Thanh Hà cười nói: “Chàng còn dám chặn thánh chỉ giữa đường thì ta đương nhiên dám nói, có chỗ dựa tại sao không lấy ra khoe? Đến cả thể diện mà Hoàng Thượng cũng không cần thì ta còn sợ ông ta khó chịu sao?”
Thật ra lúc Thanh Hà chuyển vào Đài Thành cũng không quá bất mãn với Thái Hưng Đế, dù sao trước kia cả nhà nàng đều là con rối, nàng hiểu rõ cảm giác thân ngồi trên vị trí tối cao của đất nước nhưng lại bị quyền thần khống chế giống như con rối, tất cả mọi chuyện đều không làm chủ được là như thế nào.
Cảm giác đó khá là khó chịu.
Nhưng khi cả nhà Thanh Hà làm con rối cũng chưa bao giờ làm ra chuyện hy sinh người khác để cướp đoạt quyền hành, cả nhà bọn họ cũng biết Hoàng Đế là người ngu ngốc, không hy vọng xa vời với chuyện nắm giữ hoàng quyền, tất cả đều lấy sự yên ổn của Đại Tấn làm trọng, nỗ lực tự bảo vệ mình, không muốn chủ động gây chuyện khiêu khích hay lăn lộn mù quáng.
Cho dù Thái Hưng Đế có một chút khả năng điều hành đất nước thì cũng được! Nhưng ông ta không có, không chỉ không có tài, mà ngay cả đức hạnh cũng không kham nổi —— nhìn xem ông ta đối xử như thế nào với Tuân thị đã sinh năm con trai cho mình, đã không chịu trách nhiệm còn trốn tránh trách nhiệm, dưới cơn thẹn quá thành giận, thậm chí còn muốn giết Tuân thị, thật sự khiến người ta cười chê.
Mưa lớn dần, Vương Duyệt nghiêng dù về phía Thanh Hà, sợ nàng bị ướt, “Được, nàng nói không đi thì không đi, bên phía Hoàng Thượng cứ để ta lo.”
Thanh Hà thấy nửa bả vai Vương Duyệt đều bị ướt thì vội vàng rảo bước nhanh hơn, kéo hắn chạy vào trong đình trúc giữa hồ tránh mưa, “Ta nghe Hoán Nương nói chàng cởi áo khẩu chiến với quần thần ở Đài Thành, sao chàng có thể làm như vậy?”
Vương Duyệt vội giải thích: “Bọn họ nhục mạ mẫu thân nàng, còn ầm ĩ kêu gào phế hậu, thậm chí muốn phế nàng, sao ta có thể nhịn được.”
Thanh Hà phụt cười: “Sao chàng có thể tùy tiện c0i quần áo ra chứ —— ta còn chưa nhìn thấy, thế mà một đám người không liên quan lại nhìn thấy hết, ngay cả Chu Phủ cũng biết bụng chàng có tám múi, trên ngực có một vết sẹo dài như tia chớp. Đi, đi thay bộ quần áo khác, ta phải nhìn thật kỹ xem trên người chàng rốt cuộc có bao nhiêu vết sẹo. Dù sao ta cũng phải “hiểu biết” chàng nhiều hơn văn võ bá quan mới được.”
Thanh Hà kéo Vương Duyệt vào buồng trong.
Sau khi Thanh Hà nhìn xong thì nghi ngờ sâu sắc về thứ làm cho các đại thần trong triều á khẩu không trả lời được không phải tài ăn nói của Vương Duyệt mà là cơ thể hắn, từng vết sẹo phơi bày trên thân hình như tạc ngọc, giống như từng nét vẽ chấm phá, khắc họa ra hình ảnh binh đao ngựa chiến ở trên người hắn.
Đẹp đến tận cùng, ngay cả vết sẹo cũng có thể thuần phục đến mức ngoan ngoãn vâng lời.
Cứ như vậy, Vương Duyệt ở bên trong thay quần áo cũng tốn mất gần nửa canh giờ, thiếu chút nữa là mất người, lần thay quần áo này thật sự lỗ
(lãi) lớn.
Dự kiến sẽ lại là một mùa hè nóng rực lửa.
Ngày hôm sau, Vương Duyệt tới Đông Cung, Thái Tử lại đang rắc gạo kê cho gà con ăn, hỏi: “Hôm nay Thái Tử Hữu rảnh à?”
Vương Duyệt nhìn Thái Tử:
Hình như ta làm việc ở chỗ ngươi mà.
Thái Tử cười nói: “Nếu rảnh thì đi cùng ta tới Giang Bắc tìm Si Giám —— ta đã xin cho hắn chức quan Đô đốc Duyễn Châu, ta đến đưa quan bàn, mũ quan và thư bổ nhiệm cho hắn. Ta không dám đi một mình, sợ bị dân chạy nạn chặn đường cướp bóc.”
Đầu óc vị Thái Tử này không dùng được, nhưng đã nói là phải làm, nói nuôi gà cho Vương Duyệt là thật sự nuôi gà, nói kiếm cho Si Giám một chức quan là sẽ lập tức thực hiện, nhưng —— Vương Duyệt cạn lời một lát, “Duyễn Châu ở Trung Nguyên, từ lâu đã là địa bàn của nước Triệu, đã thế còn không thuộc Giang Bắc, ngươi phong hắn làm Đô đốc Duyễn Châu thì có ích gì?”
Thái Tử ngươi tỉnh táo một chút đi! Vẽ cái bánh nướng này cũng vượt quá phạm vi trang giấy rồi!
Thái Tử xòe hai tay, tung hết gạo kê ra ngoài, “Ta không quyền không thế, thật sự không tìm được chức quan thực tế nào cho Si Giám, Đô đốc Duyễn Châu chỉ là hư danh, nhưng ít ra là quan nhất phẩm được triều đình thừa nhận, ngươi biết bên ngoài có bao nhiêu người muốn tiêu tiền mua cái chức Đô đốc Duyễn Châu này không? Ta có thể tìm cho Si Giám một chức quan suông như
thế này cũng là dốc hết sức lực rồi. Đương nhiên, nếu Si Giám có thể giành được Duyễn Châu, hắn chính là Đô đốc Duyễn Châu danh chính ngôn thuận.”
Thái Tử ngốc thì ngốc thật, nhưng ít nhất hắn chịu để tâm.
Vương Duyệt nói: “Được, ta đi cùng ngươi một chuyến.”
Thái Tử nhảy nhót hoan hô.
Dưới sự sắp xếp của Vương Duyệt, hai người thuận lợi qua sông, gặp được Si Giám, Thái Tử trao quan bào và thư bổ nhiệm “như thật” cho Si Giám.
Vừa nghe thấy chức quan Đô đốc Duyễn Châu, Si Giám không hề vui mừng mà chỉ cảm thấy buồn cười, nhưng Vương Duyệt điên cuồng nháy mắt ra hiệu với hắm, Si Giám nể mặt Vương Duyệt, cẩn thận tiếp nhận ý tốt “chuyện lạ như thật” của Thái Tử.
Si Giám mời Thái Tử ngồi ghế trên, Thái Tử hết lòng khen ngợi Si Giám bằng một loạt từ ngữ như “Rường cột nước nhà”, lúc đang nói hăng say, thuộc hạ ở bên ngoài báo có việc gấp.
Si Giám cáo từ đi ra ngoài, lúc quay về, sắc mặt rất xấu.
Vương Duyệt hỏi: “Đã xảy ra chuyện gì?”
Si Giám thở dài, “Lưu Côn và Tổ Địch đều bị Thạch Lặc tiêu diệt, Thạch Lặc xưng bá ở Tây Bắc, tự lập mình làm vua, quốc hiệu là Triệu.”
Đại Tấn mất đi Trung Nguyên, chỉ có huynh đệ tốt văn kê khởi vũ Lưu Côn và Tổ Địch một mực không chịu đầu hàng, tổ chức phòng tuyến chiến đấu địa phương, thậm chí liên kết với người Tiên Bi cùng nhau chống lại, một khi hai người bọn họ chết, ngọn lửa cuối cùng của Đại Tấn ở Trung Nguyên cũng bị dập tắt.
Lưu Côn là thầy của Vương Duyệt và Tuân Hoán, trước kia lúc ở Trung Lĩnh Quân cũng từng dẫn dắt Si Giám, lúc Si Giám thống lĩnh dân lưu lạc ở Giang Bắc đã thường xuyên tận dụng mọi thứ để cung cấp lương thảo chi viện cho Lưu Côn và Tổ Địch, nhưng tất cả đều như muối bỏ biển, hai người Lưu Côn và Tổ Địch đã chiến đấu trong trận chiến gần như không có một chút hy vọng nào cho đến giây phút cuối cùng.
Vương Duyệt và Thái Tử lập tức qua sông trở về, báo tin dữ về hai vì sao băng đã rơi xuống cho Đài Thành.
Đất nước do Lưu Diệu lập nên gọi là nước Triệu, kinh đô ở Trường An. Thạch Lặc sau khi tiêu diệt liên tiếp Lưu Côn và Tổ Địch đã đóng đô ở Bình Dương, cũng gọi là nước Triệu.
Vùng đất Trung Nguyên có hai Triệu cùng tồn tại, cũng là thời điểm có một không hai trong lịch sử. Để phân biệt hai nước, lịch sử đã phân chia theo ngày tháng dựng nước, gọi nước Triệu của Lưu Diệu là Tiền Triệu, nước Triệu của Thạch Lặc là Hậu Triệu.
Sau khi Thạch Lặc lập nên nhà Hậu Triệu, cũng phái sứ giả tới Đại Tấn, tuyên bố Lưu Diệu tiêu diệt Đại Tấn, còn mặt dày vô sỉ cướp Dương Huệ Hoàng Hậu của Đại Tấn làm Hoàng Hậu, ta sẵn lòng thiết lập quan hệ ngoại giao với Đại Tấn và cùng nhau đối phó Lưu Diệu.
Thái Hưng Đế nóng lòng muốn thử, muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Triệu của Thạch Lặc, nhưng bị Thừa tướng Vương Đạo bác bỏ ngay lập tức, “Bệ hạ, tuyệt đối không thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Thạch Lặc, hiện nay Trung Nguyên hai Triệu cùng tồn tại và tranh đấu với nhau, Đại Tấn chỉ cần đứng quan sát từ xa là được, không nghiêng về phía nào hết. Nếu thiết lập quan hệ ngoại giao với bất kỳ bên nào, nhất định sẽ làm bên kia tức giận trái lại sẽ tấn công nước ta, dân chúng Trung Nguyên xuôi nam khó khăn lắm mới được sống yên ổn hai năm, tuyệt đối không thể tái diễn chiến tranh.”
Quan điểm của Vương Đạo là Trung Nguyên có loạn như thế nào cũng không liên quan tới chúng ta, chỉ cần Giang Nam bình yên thì chính là trời quang mây tạnh.
Đánh giặc? Không có tiền thì đánh cái gì?
Để thể hiện lòng quyết tâm, Vương Đạo đã đốt quốc thư Thạch Lặc gửi tới để thiết lập quan hệ ngoại giao ngay tại chỗ —— vì chuyện tứ hôn của công chúa Thanh Hà, Vương Đạo lo lắng Thái Hưng Đế lại làm ra chuyện tiền trảm hậu tấu như lén trao đổi quốc thư thiết lập quan hệ ngoại giao với Thạch Lặc, nên dứt khoát thiêu hủy quốc thư của Thạch Lặc ngay tại chỗ để Thái Hưng Đế không làm ra được chuyện gì xấu.
Sử ghi, “Thạch Lặc tới làm thân, bị đốt quốc thư ngay lập tức.”, Đại Tấn không chịu trao đổi sứ thần với Lưu Diệu và Thạch Lặc.
Lão cáo già Vương Đạo rất ít khi giương cờ bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng ở trên triều đình, chỉ cần ông mở miệng, chuyện này được quyết định tức thì, đa số quan viên trong triều đều đứng ra tán thành, ủng hộ Vương Đạo, từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước Triệu.
Thái Hưng Đế lại một lần nữa bị Vương Đạo vả mặt và bác bỏ ý kiến ngay trước mặt mọi người, ngay cả quốc thư cũng đốt, ông ta không thể làm gì, chỉ đành hừ lạnh một tiếng, phất tay áo bỏ đi.
Vua tôi xé rách mặt nhau ngay tại trận, Vương Đạo không rảnh quan tâm tới tâm trạng và thể diện của Thái Hưng Đế, giả vờ vua tôi hài hòa cái quái gì, nói: “Mọi người giải tán hết đi, tiễn sứ giả của Thạch Lặc về.”
Như vậy, Hậu Triệu của Thạch Lặc tới gõ cửa Đại cũng bị ăn canh bế môn*.
* Canh bế môn: đóng cửa, không cho khách vào nhà
Sau đó đúng như Vương Đạo dự đoán, trên đất Trung Nguyên, hai nước Triệu bắt đầu cấu véo lẫn nhau, đều không rảnh để ý tới Đại Tấn ở Giang Nam, Đại Tấn có được cơ hội nghỉ xả hơi, dung hợp nam bắc, dân số bùng nổ mạnh mẽ, kinh tế cũng phát triển nhanh chóng.
Trong chớp mắt, đào hồng lại là một năm xuân.
Tất cả đều đang phát triển theo chiều hướng Vương Đạo mong muốn, mâu thuẫn giữa quân và thần cũng ngày càng trở nên gay gắt, cuối cùng, Thái Hưng Đế thật sự không nhịn được nữa, ông ta đã làm con rối đủ rồi, đầu óc nóng lên, thúc giục Lưu Ngỗi xây dựng một đạo luật gọi là “Phóng Đồng Pháp*”.
* Luật giải phóng nô lệ
Đồng khách chính là đầy tớ trong nhà. Đây chủ yếu là tư binh bộ khúc* do sĩ tộc nuôi dưỡng, chính vì sự tồn tại của nhóm tư binh này đã bảo vệ các gia tộc lớn vượt qua vòng xoáy chính trị hết lần này đến lần khác, thậm chí thay đổi triều đại, là nền tảng để giới sĩ tộc được sống yên ổn.
* Tư binh bộ khúc: binh lính riêng trong các gia đình
Nhất là trong cuộc nổi loạn Vĩnh Gia, những sĩ tộc Trung Nguyên có thể xuôi nam đến Giang Nam ăn sâu bén rễ và phát triển một lần nữa đều nhờ vào sự liều mạng bảo vệ suốt chặng đường của tư binh bộ khúc.
“Phóng đồng pháp” quy định, số lượng đồng khách trong mỗi gia tộc không được vượt quá số lượng triều đình quy định, nếu vượt quá thì phải phóng đồng —— cũng chính là thả tự do cho đồng khách, từ nô lệ biến thành người tự do.
Nhưng đồng khách không có của cải, ngoài việc đánh giặc thì không có kỹ năng nào khác, đời đời đều dựa vào gia chủ nuôi sống cả nhà, đồng khách được tự do nhưng lại mất đi bát cơm, vậy phải làm thế nào?
Thái Hưng Đế muốn Lưu Ngỗi tiếp nhận toàn bộ số đồng khách kéo ra được từ các nhà sĩ tộc về dưới trướng mình, trở thành một nhánh Vũ Lâm Quân, do Hoàng Đế nuôi sống bọn họ.
Vương Duyệt vừa nghe mệnh lệnh này thì thật sự muốn bùng nổ, nói với cha Vương Đạo: “Người nhất định phải ngăn cản Lưu Ngỗi soạn dự thảo luật Phóng Đồng Pháp. Cái này không phải thả nô lệ mà là cướp bóc, Hoàng Thượng bị điên rồi. Lang Gia Vương thị chúng ta là nuôi nhiều tư binh bộ khúc nhất, Hoàng Đế và Lưu Ngỗi đang nhắm vào phụ thân, lấy thanh nghĩa thả nô lệ để cướp người, có chuyện dễ dàng như vậy chắc?”
Vương Đạo lại nhàn nhã thưởng thức cảnh hoa bay hoa rụng cả khoảng trời, “Mùa xuân ở Giang Nam thật đẹp, ta đã quên mất mùa xuân ở Trung Nguyên có dáng vẻ gì rồi —— ta sẽ không ngăn cản “Phóng Đồng Pháp”, trái lại, ta còn muốn tìm mọi cách đẩy mạnh bộ luật này, đây là cỗ quan tài mà Hoàng Thượng và Lưu Ngỗi tự tay đóng cho mình. Tự tay đào từng phần mộ, sao ta có thể không biết xấu hổ mà đi ngăn cản bọn họ chứ?”
Ánh mắt Vương Đạo chợt lạnh, “Bọn họ chịu đựng ta đủ rồi, ta cũng nhịn bọn họ đủ rồi! Ta không muốn tiếp tục nhẫn nhịn nữa!”
- -----oOo------