Lúc tàu chậm băng qua trạm Long Phụng, Vương Nhuệ ngồi đối diện một đôi nam nữ. Người phụ nữ được người nọ dìu đỡ, sắc mặt vàng vọt, hơi thở thoi thóp. Người đàn ông đỡ cô dáng vóc cao gầy, tướng cằm nhọn, miệng thở ra đầy mùi rượu.
Vương Nhuệ đoán họ là vợ chồng. Người phụ nữ kia tuy sắc mặt yếu ớt, nhưng nhan sắc vẫn diễm lệ như ánh trăng trên sông. Lúc ngồi xuống cô ta nhìn Vương Nhuệ với ánh mắt thương cảm, anh rất muốn mở lời chào hỏi.
Trong túi anh có ít quýt, hai chiếc bánh trung thu, còn có một chiếc khăn quàng cổ. Bánh trung thu để dành cho buổi thưởng trà ngắm trăng với Lâm Tú San, còn chiếc khăn quàng là quà anh tặng cô.
Mùa xuân ở Nhượng Hồ Lộ thường có gió lớn, Lâm Tú San đã muốn mua một chiếc khăn choàng cho ấm đầu từ lâu nhưng không nỡ bỏ tiền. Vương Nhuệ tới khu mua sắm dưới lòng đất, tìm được một chiếc khăn lụa nền xanh hoa tím tặng vợ.
Anh không dám đến trung tâm thương mại lớn vì đồ ở đó đắt cắt cổ, đồ ở khu mua sắm dưới lòng đất còn có thể mặc cả. Chiếc khăn này giá gốc 60 tệ, anh mua được với giá 35 tệ. Ban đầu anh định lấy chiếc nền xanh hoa trắng, trông vô cùng bắt mắt, nhìn một cái liền liên tưởng đến bầu trời trong xanh có mây trôi lững lờ.
Nghĩ đi nghĩ lại, sợ vợ choàng chiếc khăn đó quá thu hút ánh nhìn, ngộ nhỡ lúc cô đi nghe điện thoại họ hẹn nhau mỗi chạng vạng thứ Sáu hàng tuần bị tên đàn ông nào nhắm được thì sao? Thế là anh quyết định đổi sang cái nền xanh hoa tím, trông không quá bắt mắt nhưng cũng rất xinh xắn, như bông hoa nở rộ giữa đêm, mặc dù chỉ nhìn được lờ mờ, song lại gợi nên một vẻ đẹp trang nhã.
Cả khăn lụa và bánh trung thu đều không thể tặng cho người phụ nữ bệnh tật phía đối diện, Vương Nhuệ đành móc một quả quýt đưa cho cô: “Làm quả quýt giải khát này.”
Người phụ nữ đó cố nặn ra nụ cười, cô lắc lắc đầu. Người đàn ông ngồi cạnh liếc anh bằng con mắt thù địch, hắn lẩm bẩm với người phụ nữ: “Ốm yếu đến thế rồi mà vẫn đi câu dẫn người khác?”
Vương Nhuệ rất muốn nói vài câu với người đàn ông đó, vợ anh đã bệnh đến thế rồi mà vẫn châm chọc được? Tuy nhiên anh sợ người ta chửi mình lắm chuyện, thôi thì ngậm mồm lại, đồng thời bỏ lại trái quýt bị từ chối vào túi, tránh gây chuyện thị phi.
Người đàn ông kia vừa ngồi xuống liền châm lửa hút thuốc, hắn híp mắt nhìn Vương Nhuệ qua làn khói mờ ảo: “Người anh em đi đâu đấy?”
Vương Nhuệ không nói điểm đến, chỉ bảo: “Đi thăm vợ!”
Lúc này người phụ nữ kia giơ tay bảo người đàn ông: “Em vẫn chưa đỡ, lấy cho em viên thuốc.”
Người đàn ông kẹp điếu thuốc một tay, tay còn lại lục vỉ thuốc trong túi, trách mắng người phụ nữ: “Đã bảo từ đầu rồi, chạy trốn với nhân tình chẳng có kết cục hay ho gì đâu! Khi còn tươi tắn trẻ trung, xinh đẹp rạng rỡ hắn ta mới có hứng thú với em, cứ thử bệnh tật hay gặp nạn mà xem hắn có sút em ra khỏi nhà ngay không?! Chỉ cần em hứa sau này không bám theo gã tình nhân kia nữa, anh sẽ cai thuốc bỏ rượu, em có muốn trăng trên trời anh cũng bắc thang lên hái về cho em!”
Nói đoạn, hắn lôi ra viên thuốc đưa đến bên miệng người phụ nữ, với chai nước khoáng trong túi hành lý, vặn nắp chai, bón cô uống thuốc. Người phụ nữ có vẻ giận anh vì bóc mẽ cô trước mặt người lạ, uống thuốc xong liền nhắm mắt giả vờ ngủ.
Vương Nhuệ giờ mới vỡ lẽ, thì ra người phụ này này có tình nhân!
Sự đồng cảm ban đầu với cô trôi sạch, anh bỗng cảm thông cho người đàn ông phía đối diện. Anh nghĩ, nếu Lâm Tú San mà ngoại tình, anh còn lâu mới rộng rãi tiếp nhận thêm lần nữa.
Vương Nhuệ hỏi người đàn ông nọ: “Người anh em về nhà ăn rằm trung thu à?”
Người đàn ông đó đáp: “Ừ, về Nột Hà.”
Vương Nhuệ chỉ người phụ nữ, lại hỏi: “Vợ anh à?”
Hắn khạc một bãi đờm: “Hừ, vợ tôi đấy!”
Hắn trợn mắt nhìn người đàn bà, thở dài một tiếng, nói: “Chú em bảo đi thăm vợ, vậy tức là hai người sống xa nhau hả?”
Vương Nhuệ gật gật đầu. Người đàn ông hung hăng rít một hơi thuốc: “Không phải anh uống say đâm ăn nói hàm hồ đâu, nhưng chú em nghe anh, mau nghĩ cách mà dọn về cùng một chỗ đi, vợ chồng không ở với nhau mà không sinh chuyện mới lạ! Như anh đây này, một người Nột Hà, một người Long Phụng, chú em làm sao biết được hằng đêm nó nằm đếm sao với ai?”
Vương Nhuệ cười, anh nói khẽ: “Vợ em không phải người như vậy.”
Người đàn ông bĩu môi, anh nghiêm mặt, ngồi thẳng người truyền kinh nghiệm: “Người anh em chớ vội mạnh miệng, tự cổ chí kim thứ ta không nên đánh cược nhất chính là đàn bà của mình không nuôi trai bên ngoài!”
Nói đoạn, anh ta chép miệng. Cách nói chuyện quyết liệt đủ thể hiện anh ta đã uống quá chén. Vương Nhuệ nghĩ nếu không uống nhiều thế hẳn anh ta đã không vứt cả thể diện trước người lạ, phơi bày hết thảy chuyện xấu trong nhà.
Lâm Tú San từng nói rượu chính là “chất lỏng ma thuật”, một khi uống quá nhiều, con người sẽ không còn là chính mình, đàn bà điềm đạm đến mấy cũng ngả ngớn gió trăng, đàn ông hiền như cục đất cũng líu lo không ngừng. Vương Nhuệ nói đùa vợ: “Hôm nào anh cũng thử chuốc cho em ngả ngớn gió trăng xem thế nào!”
Lâm Tú San đáp: “Anh chê em không biết làm đỏm chứ gì?”
Vương Nhuệ nói: “Em mà học cái thói đua đòi đấy, anh ở công trường đêm nào cũng mất ngủ mất thôi!”
Lâm Tú San nghe vậy liền để lộ hàng răng vàng óng, nụ cười vừa hờn dỗi, vừa đắc ý, cũng ngọt ngào như đóa sen nở rộ.
Tiếng xe đẩy thức ăn cót két trên lối đi khoang tàu.
Người đàn ông kia dập tàn thuốc, biểu cảm phấn khích gọi to xe thức ăn nán lại mua hai chai bia, một túi lạc, hai cái xúc xích. Anh ta dùng răng mở nắp chai bia đầy dứt khoát, sau đó đưa Vương Nhuệ một chai: “Người anh em làm chai bia!”
Vương Nhuệ vội từ chối: “Em không uống bia rượu, chú anh cứ tự nhiên!”
Người đàn ông vừa xé gói lạc vừa nói: “Rượu bia là thức giải sầu, uống vào tâm trạng thoải mái!”
Nói rồi anh ta khẽ nhún vai: “Những lúc thấy tâm trạng rối bời, cứ dồn vào đấy thì khó chịu lắm, có khác gì tích đầy rác trong bụng, nhưng cồn vừa chảy xuống, chà, thoáng đãng cả lòng! Cồn giống như cây chổi quét một cái, dọn sạch đống ngổn ngang trong bụng!”
Anh ta dùng sức, gói lạc mở toang, tung tóe cả nửa, những hạt lạc lăn lóc khắp nơi trên sàn, người đàn ông chửi thề: “Mẹ tiên sư, có phải thiếu nữ mới lớn đâu, trời sinh số chúng mày phải vào bụng người ta, chạy đi đâu hả, chạy được ông đây rồi cũng phải vào bụng lũ chuột nhắt đấy thôi!”
Vương Nhuệ nghe mà bật cười. Đến người phụ nữ kia cũng hé mắt nhìn trộm chồng mình đang chửi bới mấy củ lạc trên sàn, khóe miệng khẽ nhếch lên nét cười khó phát hiện, sau đó lại nhắm chặt mắt.
Sắp đến trạm xe, Vương Nhuệ nhìn người đàn ông đối diện đang tu bia ừng ực. Rượu vào lời ra, anh ta chửi rủa mùi tanh hôi trong khoang tàu, chửi tên khốn kiếp nào mang cá chết lên xe; lại chửi nhà vệ sinh nặng mùi, chê nhân viên vệ sinh lười biếng không chịu cọ rửa nhà vệ sinh. Anh ta còn chửi con tàu chẳng khác nào ả kỹ nữ, hễ dừng chân vào trạm là lại lôi kéo khách. Anh ta nhanh chóng nốc cạn một chai bia, lúc cúi người đặt chai rỗng xuống sàn, anh than thở: “Hầy, nước nôi vợ nhà khác nào chai bia này, cống cho người ta nốc sạch sành sanh, thừa lại cho tôi cái chai rỗng! Ấy thế mà tôi vẫn không nhỡ vứt cái chai đi!”
Nói xong, anh đứng dậy, giơ tay xoa đầu người đàn bà kia đầy yêu thương. Hành động của anh ta suýt khiến Vương Nhuệ trào nước mắt, anh bỗng sinh ra hảo cảm với người đàn ông tuy trông th ô tục, mở miệng là càu nhàu trước mặt. Vậy nên lúc xuống trạm Nhượng Hồ Lộ, anh bắt chặt tay người đàn ông, nói: “Trung thu vui vẻ nhé!”
Người đàn ông lầm bầm: “Hầy, sao chú em xuống nhanh thế? Anh đây đã hết chuyện đâu!”
Lúc ra khỏi sân ga, Vương Nhuệ không khỏi cảm thấy thẫn thờ.
Anh nghĩ, ngộ nhỡ Lâm Tú San thích người đàn ông khác thì phải làm sao? Anh không muốn vợ mình tươi cười trong lòng kẻ khác. Lâm Tú San từng nói với anh, Lão Lý ở phòng thường trực xưởng dệt rất nhiệt tình đối đãi cô, có lần cô đến bốt điện thoại đợi anh gọi đến, trời bỗng đổ mưa, Lão Lý liền mang ô ra đưa cô về kí túc. Lâm
Tú San nói đó là lần đầu tiên cô đi chung ô với đàn ông, cô thấy rất căng thẳng, còn cố tình giữ khoảng cách với Lão Lý, kết quả dầm mưa cả nửa người, về đến nhà vẫn ướt như chuột lột.
Lúc đó Vương Nhuệ trêu cô: “Tên Lão Lý này cố tình hại em bị ướt đấy, để em lạnh cóng xong kiểu gì cũng đề nghị giúp em làm ấm người!”
Lâm Tú San thụi vào ngực anh, nói: “Em còn lâu mới để người khác làm ấm người nhé!”
Vương Nhuệ mới gặp Lão Lý một lần, trong trí nhớ của anh trông mặt mũi hắn cũng hiền lành. Anh nghĩ hôm nay gặp Lâm Tú San nhất định phải vào phòng thường trực ngồi một lúc, phải để Lão Lý thấy cảnh anh mua khăn quàng tặng vợ, để hắn biết anh yêu thương cô đến nhường nào. Nhưng anh cũng không biết hôm nay Lão Lý có ca trực không. Hai nhân viên trong phòng thường trực luân phiên thay ca, mỗi người trực một ngày, nghỉ một ngày.
Giờ là khoảng mười một giờ trưa, ánh nắng chói chang rọi vào mắt. Vương Nhuệ nhanh chân đến xưởng dệt. Ven đường đâu đâu cũng có người xách bánh trung thu và hoa quả, Vương Nhuệ biết họ đang chuẩn bị cho buổi tiệc ngắm trăng đêm nay. Ngày trước đón Trung thu ở thôn Hạ Tam, mẹ anh sẽ bày cỗ ở sân nhà, nào bánh trung thu, nào trái cây mang ra “tế trăng”. Sau khi bánh trung thu và trái cây đã được trăng chiếu rọi, mọi người mới bắt đầu thưởng thức.
Vương Nhuệ đi qua phòng thường trực, anh cố tình ngó vào trong, thấy người trực không phải Lão Lý, anh hơi thất vọng. Người nọ không biết Vương Nhuệ, thấy anh đi thẳng vào xưởng dệt liền gào lên: “Này, đứng lại! Anh tìm ai?”
Vương Nhuệ dừng bước, noi: “Tìm Lâm Tú San của tôi!”
Người nọ nói: “Sáng sớm nay Lâm Tú San đã xách túi rời khỏi đây rồi, không có trong xưởng đâu!”
Vương Nhuệ nói: “Sao có thể thế được!”
Người nọ: “Không chê thì mời nán lại, vào trong thử tìm mà xem!”
Anh ta làm đúng thủ tục, lấy ra một tờ đơn bảo Vương Nhuệ kê khai tên tuổi, còn kiểm tra cả chứng minh thư của anh, xong xuôi mới để anh vào. Vương Nhuệ cho rằng anh ta chắc chắn đã nhìn nhầm người, Lâm Tú San làm việc trong nhà ăn, sao có thể tự tiện ra ngoài cơ chứ? Anh nhanh chân chạy đến căng-tin, cửa bếp vừa mở liền ùa tới mùi thịt hầm thơm nức.
Vương Nhuệ nhìn thấy Vương Ái Linh đang thái củ cải, hai người còn lại đang nhặt đậu que. Vương Ái Linh vừa thấy Vương Nhuệ liền hoảng hốt: “Sao cậu lại đến đây?”
Vương Nhuệ nói: “Hôm nay Trung thu, ông chủ cho em nghỉ một ngày nên em về thăm Lâm Tú San.”
Vương Ái Linh vứt con dao, chị “giời ơi” một câu, nói: “Hôm nay chúng tôi cũng cho Lâm Tú San nghỉ phép bảo con bé đi thăm cậu, sáng sớm nó đã xuất phát đến Cáp Nhĩ Tân rồi! Cậu mau mau bắt xe ngược về!”
Vương Nhuệ đứng chôn chân tại chỗ, mãi một lúc sau mới bừng tỉnh, anh thốt lên: “Giời ơi là giời!”
Vương Nhuệ gần như xông ra khỏi xưởng dệt. Lúc băng qua phòng thường trực, nhân viên bảo anh: “Tôi nói phải chứ?”
Vương Nhuệ mặc kệ anh ta, anh chạy thẳng ra nhà ga. Đến nơi, anh lập tức mua vé nửa tiếng sau xuất phát đến Cáp Nhĩ Tân. Anh nghĩ, Lâm Tú San không tìm thấy anh nhất định sẽ đợi ở công trình.
Giữa trưa, bụng Vương Nhuệ sôi òng ọc. Anh bỏ một đồng mua hai chiếc bánh bao dưa chua nhân thịt. Bánh bao vỏ dày ít thịt, đã vậy còn nguội ngắt, khó ăn muốn ói. Vốn đang nóng lòng như lửa, nghe tiếng loa phát thanh thông báo tàu chậm sẽ đến trễ 15 phút, thực sự là đổ thêm dầu vào lửa.
Vương Nhuệ có một tật xấu, ấy là một khi sốt ruột, hệ bài tiết liền mất kiểm soát, anh sẽ chạy vào nhà vệ sinh liên tục. Năm xưa sinh con Lâm Tú San khó đẻ, nghe vợ mình khóc thét long trời lở đất, anh không kiềm được liên tục xông vào nhà vệ sinh, Khi con trai cuối cùng cùng cất tiếng khóc chào đời, anh đã tiểu tiện đến độ đầu choáng mắt hoa, cất bước cũng khó khăn.
Mỗi lần ra khỏi nhà vệ sinh, anh lại nhìn thông báo trên màn hình điện tử phía cổng soát vé, chỉ sợ tàu lại vào trạm đúng giờ, bỏ lại anh ở đây. Bằng kinh nghiệm của mình, tuy anh biết một khi tàu chậm báo lùi giờ vào bến, sẽ không đời nào có chuyện đến đúng giờ ban đầu. Bởi phạm vi vận hành của tàu chậm khá ngắn, thường xe còn chưa tăng tốc đã phải dừng lại ở các trạm.
Quả nhiên, chuyến tàu của anh không khác nào một gã say xỉn, chậm đến hẳn 20 phút mới ì ạch vào trạm. Có lẽ do Trung thu nên hành khách đông hơn bình thường, Vương Nhuệ không mua được vé có ghế ngồi, anh đứng ở khoang xe liền kề khoang pha trà. Ở đó cũng có mấy người không có chỗ ngồi như anh, có phụ nữ ôm con ngồi bệt ra sàn, không kiêng dè ai mà cho con bú. Vương Nhuệ nhìn thoáng qua vú sữa căng tròn lõa lồ, anh ngại ngùng cúi đầu, anh cảm thấy nhìn phụ nữ khác cho con bú chính là hành động bất trung với vợ.
Những người khác đứng đó, có người hút thuốc, có người dựa vào vách gỗ bẩn thỉu, mệt mỏi ngủ gà ngủ gật.
Lên tàu rồi, Vương Nhuệ thấy yên tâm hẳn. Anh đứng ở ngay cửa, qua ô kính vẩn đục ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài. Anh nghĩ, ngày nắng đẹp thế này, ánh trăng đêm nay chắc chắn cũng sẽ vô cùng tỏa sáng. Nhớ ngày xưa đón Trung thu ở thôn Hạ Tam, Lâm Tú San thường đổ nước vào chậu giặt quần áo, nhìn ngắm ánh trăng trong nước.
Vương Nhuệ hỏi cô vì sao không ngắm trăng trên trời? Lâm Tú San cười khì khì: “Trăng trên trời không chạm tới, trăng trong nước còn vớt lên được cơ.” Nói đoạn, cô giơ tay vớt trăng, ánh trăng trong chậu nước run run rẩy rẩy, chốc lát như biến thành ông già nhăn nheo.
Nghĩ đến Lâm Tú San, Vương Nhuệ thấy lòng ấm áp lạ thường.
Tiếng tàu chậm chuyển bánh như một người bệnh hen, phát ra cỗ âm thanh khò khè khiến người ta nghẹt thở.
Đứng một hồi, Vương Nhuệ thấy hơi tê chân. Anh quay người lại, phát hiện có mấy người đang lấy nước ở khoang trà, người cầm khay thức ăn dùng một lần màu trắng, người bưng cái ca còn đọng vài vệt nước. Bọn họ đều phàn nàn nước ở đây quá nguội.
Vương Nhuệ nghĩ, thay vì tốn thời gian ở đây, chi bằng lên khoang trước hỏi xem có ai sắp xuống xe, tìm một vị trí trống để ngồi. Anh khó khăn len qua những người đang đi lấy nước, cuối cùng phát hiện tối đi phía trước cũng kín người, cũng biết ý định của mình tám chín phần mười thất bại. Anh hỏi sáu bảy người, họ không xuống ở điểm cuối thì cũng đã có người đặt gạch trước. Vương Nhuệ chỉ đành hậm hực quay lại khoang trà, nghĩ thầm quãng đường hai ba tiếng đồng hồ cũng không xa, thôi thì đứng yên ở cửa xe cho xong. Nhưng cửa tàu chậm này chẳng khác nào bộ răng giả dễ rụng, chưa dựa được bao lâu, xe đã dừng lại ở các trạm.
Cửa xe mở ra, hành khách lên xuống xe lại chen vào, Vương Nhuệ đứng đó xoay mòng mòng, anh thấy mình giống hệt con quay, không tự chủ xoay tròn. Đợi đến khi cửa xe đóng lại, tàu hỏa tiếp tục chuyển bánh, anh đã choáng đến mồ hôi đầy đầu, miệng thở hồng hộc, tứ chi bủn rủn, sức cùng lực kiệt như vừa kết thúc một ngày lát gạch.
Vương Nhuệ ước giá mà Tôn Ngộ Không xuất hiện ngay lúc này, nhờ ngài thổi một sợi lông biến tôi bé lại bằng con ong con muỗi, thế là tất cả chỗ ngồi đều thênh thang.
Sau liên tưởng đó, anh thấy con người thật đáng thương, chim chóc đi đâu cũng chẳng cần mua vé, chỉ cần vỗ cánh, bầu trời liền trở thành đường đi của chúng.