Editor: Cơm Nắm Nướng Chảo
Beta: Earl Panda
.
.*****
Lúc mở cánh cửa ngầm ra đã giật mình gào
ầm lên, lại thêm mặt đối mặt với cái “thứ” này cũng chỉ trong có chừng
nửa giây, bị hù cho một trận chết khiếp như thế, chú không quan sát kỹ
được dáng vẻ diện mạo của nó, trong đầu chỉ có một ấn tượng chung chung
mà thôi. Nhưng bây giờ, trong tình thế cò cưa kéo xẻ căng thẳng vô cùng, dưới ánh lửa bập bùng, bộ mặt đó hiện lên rõ mồn một như tạc vào trong
mắt chú Ba.
Chú Ba vừa nhìn liền cảm thấy khiếp sợ.
Trước giờ có con bánh tông nào là chú chưa từng gặp qua cơ chứ, ướt có
khô có, không đầu có hai đầu cũng có, bình thản có mà dữ tợn cũng có
luôn. Chú thuộc loại trời sinh thần kinh thép, từ sau năm mười lăm tuổi
dù có thấy cũng chưa bao giờ sợ hãi trước ba cái thứ này, thế nhưng,
riêng cái bộ mặt này thì, bà mẹ nó chứ, quá tà môn rồi.
Khuôn mặt con quái vật kia có màu đồng
thau, da thịt nhăn nhúm, toàn bộ lớp da nứt toác thành hình vảy cá, một
bên mặt bị bóc tróc hết cả. Hai con mắt không có đồng tử, nhưng vẫn
khiến người ta cảm thấy ớn lạnh như thể đôi mắt ấy đang nhìn chòng chọc
vào mình.
Chú Ba suy nghĩ mãi, cảm thấy thứ này
không giống bánh tông chút nào. Bánh tông dù trông có xấu xí khó nhìn
thế nào đi nữa, ít nhất cũng vẫn phải ra hình người. Còn thứ này, không
hiểu sao nhìn kiểu gì cũng giống một con rắn! Vậy chẳng phải đây chính
là yêu quái hay sao?
Vả lại, điều khiến chú Ba càng thêm buồn
bực chính là, càng nhìn vào bộ mặt này, trong lòng lại càng dấy lên một
cảm giác quái gở, nhưng là cái cảm giác gì thì chú thật sự không thể tả
nổi. Cứ thế, mồ hôi bất chợt tứa ra đầm đìa khắp cổ chú.
Bế tắc trong một chốc vẫn chưa xuống tay
được, mà bản thân hai cánh tay của chú càng ngày càng kiệt sức. Con quái vật kia nét mặt không đổi, cứ thế tìm cách lách lên trên. Chú Ba biết
trong giờ phút này không thể đoán mò lung tung được nữa, lập tức quăng
bật lửa vào thẳng cái mặt kia. Phừng một cái, lửa cháy bùng lên ngay lập tức.
Rượu mà chú Ba thích là một loại rượu
Thiêu Đao Tử có màu xanh biếc, hình như người Thượng Hải còn gọi nó là
Lục Đậu Thiêu. Rượu chú Ba uống là do chính dân quê tự cất lấy, toàn là
rượu nền[1] có nồng độ cồn rất cao, châm một cái là bắt lửa ngay. Loại
rượu này đến giờ chú vẫn thích uống, mỗi tội đến cái tuổi này rồi, uống
rượu nặng chả khác nào uống thuốc độc mãn tính cho chết từ từ.
Chẳng mấy chốc, bộ mặt kia đã chìm trong
ngọn lửa , không còn thấy rõ nữa, chỉ thấy khắp cung quanh khói trắng
bốc lên mù mịt, da thịt nó bắt đầu chảy nhớt ra, một thứ mùi cực kỳ khó
ngửi xông thẳng vào mũi.
Đồ bồi táng trong quan tài phần lớn đều
được trùm một lớp tơ lụa rữa nát ẩm ướt, giờ bị nướng âm ỉ nghe cháy xèo xèo, nhưng lại không hề trực tiếp bén lửa.
Chú Ba ráng hết sức nhịn thở. Được khoảng sáu bảy phút, cồn trong rượu đã cháy sạch, chú Ba mới phát hiện chiêu
này bắt đầu có tác dụng. Lực đẩy từ dưới lên trên dần dần yếu đi. Theo
thế lửa ngày càng nhỏ lại, bộ mặt kia cũng ruỗng ra đến gần như tan
biến, chỉ còn lại cái đầu lâu đã bị đốt cháy đen thui.
Lửa vẫn tiếp tục thiêu đốt thêm khoảng
hơn mười phút nữa mới hoàn toàn tắt lụi, bấy giờ chú Ba mới nới lỏng
chân, lực đẩy bên dưới đã biến mất rồi.
Chú Ba sợ có biến, vẫn chưa thả lỏng hoàn toàn cơ bắp dưới chân, một tay vẫn tiếp tục tì lên thành quan tài, tay
kia rút con dao quắm bên hông, thò xuống khều thử cái đầu lâu kia.
Khều khều vài cái, thấy nó không có phản
ứng gì, chú Ba liền dùng sức nhắm cổ nó chém hai phát, chém đứt xương cổ nó xong mới thở phào một hơi, xác định rằng thứ đồ chơi này đã thực sự
đi đời.
Vừa được thả lỏng, toàn thân chú lại mất
hết cả hơi, sức lực trên hai cánh tay biến mất tiêu, chân cẳng mềm nhũn
ngã phịch vào trong quan tài hớp hớp từng hơi hổn hển. Cũng may mà mình
nhanh trí, trở về lại có cái để ba hoa rồi.
Cơ mà rốt cuộc đó là cái thứ gì nhỉ? Xác
chết mà trông đáng sợ đến thế, nó thật là huyết thi sao? Chú vốn cho
rằng đã là huyết thi thì hẳn khắp mình mẩy phải đầm đìa máu me, nhưng
cái thứ ban nãy đâu có giống thế.
Nghĩ đoạn, chú nhặt cái đèn pin nằm lăn
lóc một bên lên, kẹp giữa hai hàm răng, lại ì ạch kéo phiến đá đậy cửa
ngầm dưới đáy quan tài đá một lần nữa.
Con bánh tông máu không đầu nằm thẳng
cẳng trong căn hầm dưới phiến đá, đó là một cái xác ướt[2] của nam giới, vóc dáng cao lớn. Quần áo rữa nát gần hết, chỉ còn lại một đống sợi vải dính vào người, toàn thân có màu đồng thau rỉ sét lốm đốm. Điều kinh
khủng nhất là khắp mình mẩy nó mọc đầy những nếp da nhăn nheo trông như
những con mắt.
Chú Ba ấn một cái xuống lồng ngực cái
xác, cảm thấy rắn đanh như sắt, không khỏi lấy làm mừng. Nếu vừa rồi sức mình chống không lại, để cho nó chui tọt ra ngoài thì súng ống cũng
chưa chắc đã trị nổi nó, khi ấy đảm bảo mười phần thì chín phần cầm chắc cái chết.
Chú nhảy vào trong, đạp chân sang hai bên cho vững, toan lôi con huyết thi ra để nhìn kỹ thử xem. Nhưng đúng lúc
đó, chú Ba đột nhiên thất thần. Một cơn ớn lạnh khủng khiếp bỗng chốc
chạy từ giữa gan bàn chân xông thẳng lên gáy.
Chú chợt phát hiện ra, cánh tay phải của
con bánh tông máu ở trong căn hầm dưới phiến đá kia, ấy vậy mà lại chỉ
còn có một khúc! Cẳng tay và bàn tay tính từ khuỷu tay trở xuống đã
không cánh mà bay từ bao giờ.
Chú Ba nghe tim phổi đập bình bịch trong
lồng ngực, đầu óc nhất thời loạn cào cào. Chú lập tức cúi xuống nhìn
cánh tay bị chặt đứt kia thì thấy da thịt ở vùng bị chặt rối tung lên
như sợi bông, giống như là bị nổ tung nên đứt lìa vậy. Chú Ba bỗng thấy
toàn thân mềm oặt, ngã ngồi xuống đất.
Tôi vẫn đang cảm thấy lời kể của chú Ba
rườm rà quá đi mất, nhưng vừa nghe đến chuyện con bánh tông máu ấy chỉ
còn có một cánh tay, tôi lập tức hiểu ra ngay lý do vì sao chú Ba lại
phải miêu tả kỹ càng đến vậy.
Miệng vết thương có tình trạng bị nổ đứt, da thịt lưa tưa như sợi bông chỉ có thể là do súng bắn phá ở cự ly
ngắn. Nói cách khác, cánh tay của con bánh tông máu này đã bị súng bắn
đến mức đứt lìa.
Dựa trên tình huống này, cộng thêm những
ghi chép trong bút ký của ông nội và cả nét mặt của chú Ba, tôi đại khái cũng đoán ra được sự việc rồi. Ngay lúc ấy, tôi cũng cảm thấy một cơn
ớn lạnh đến sởn tóc gáy chạy khắp lưng.
Nhưng nếu sự việc quả thực là như vậy,
thế thì toàn bộ chuyện này cũng thật khó có thể tưởng tượng nổi, nghe
như tình tiết trong tiểu thuyết liêu trai ấy, tôi cảm thấy không tin cho lắm.
Chú Ba lần mò trên người, toan tìm thuốc
hút, nhưng dĩ nhiên là trên người chú chả có điếu nào. Tôi lục lọi trong cái túi quần sau mông, thấy còn nửa bao Vân Yên [Vinataba :v], mua lúc ở quán bar Happy với Bàn Tử, bèn đưa luôn cho chú Ba.
Chú Ba châm thuốc, rít mạnh một hơi, rồi
mới nói tiếp: “Khi tìm thấy cái bánh tông máu kia, chú mới hiểu ra, ông
già nhà chú, cũng tức là ông nội mày ấy, mấy thứ ổng ghi trên cuốn sổ
rách nát đó có lẽ còn có ẩn tình chi đây. Cũng chợt hiểu ra, vì sao khi
chú hỏi năm ấy đã có chuyện gì xảy ra, ổng lại không muốn nhắc tới.”
Hồi đó, về những thứ được ghi trong cuốn bút ký, dù chúng tôi có gặng hỏi thế nào đi nữa ông nội cũng chỉ nói có một câu, rằng đây không phải chuyện con nít nên nghe. Lúc ấy chúng tôi không biết vì sao, nhưng giờ cuối cùng cũng đã hiểu, chỉ có điều, không ngờ sự thật là khủng khiếp đến vậy.
Chú Ba liếc tôi một cái rồi nói: “Thằng
cháu cả, mày thông minh lanh lợi đến thế, chắc chắn là không cần chú nói mày cũng biết tỏng chuyện gì xảy ra rồi.”
Tôi không dám gật đầu, vì chuyện tôi vừa nghĩ đến thật sự chẳng dám nói ra lời.
Đọc bút ký của ông tôi thì biết, trước
khi ông tôi giựt sợi thừng ra được một cánh tay đứt đang nắm chặt quyển
sách lụa Chiến quốc, trong cổ mộ từng vang lên một tràng tiếng súng pạc
hoọc. Nói cách khác, lúc ở trong cổ mộ, ông trẻ tôi có lẽ đã bị nguyên
một băng đạn pạc hoọc bắn cụt tay phải.
Mà con bánh tông máu trong hầm tối ở ngôi cổ mộ kia cũng không có cánh tay phải, hơn nữa miệng vết thương cũng có dạng lưa tưa như sợi bông vì bị nổ. Như vậy chỉ có một khả năng rất
cao, đó là con bánh tông máu kia vốn không phải một cái xác cổ, mà chính là ông trẻ tôi thi biến mà thành!
Theo suy đoán của tôi, mọi chuyện có lẽ đã xảy ra như thế này:
Khi mấy người bọn họ chui vào trong đạo
động, tất nhiên là cũng phát hiện ra căn mật thất ẩn dưới quan tài đá
giống như chú Ba. Dựa vào tính cách của ông trẻ được miêu tả lại trong
bút ký, chắc chắn ông sẽ giành làm người đi tiên phong, nhất định phải
đi trước người khác bằng được, do vậy, ông hẳn chính là người đầu tiên
chui xuống mật thất dưới đáy quan tài.
Mà cũng lại trong gian mật thất kia, ông
trẻ đã phát hiện ra cuốn sách lụa Chiến quốc. Ngay khi ông cầm lấy sách
lụa, định rời khỏi mật thất thì đột nhiên xảy ra một biến cố gì đó rất
hãi hùng.
Lúc biến cố mới phát sinh, có lẽ ông vẫn
còn có cơ ứng phó, vốn vẫn còn có thể thò tay ra khỏi mất thất được,
nhưng chờ đến khi ông nghĩ ra được điều này thì đã quá muộn. Trong tình
huống bất đắc dĩ, có lẽ tự bản thân ông, hoặc là cụ cố tôi, đã nổ súng
cắt phăng cánh tay ông trẻ.
Cánh tay đứt được ông nội ở bên ngoài
dùng con chuột đất kéo ra khỏi cổ mộ, còn ông trẻ bị nhốt ở bên trong
mật thất, cuối cùng biến thành một con quái vật vô cùng đáng sợ.
Cụ cố và kỵ tôi ở ngoài gian mật thất đã
cố gắng hết sức để cứu ông trẻ ra, cuối cùng cũng bị liên lụy, chết ở
bên cạnh quan tài.
Tuy nhiên, còn cái thứ đỏ như máu đuổi
theo ra ngoài mộ thất lúc cuối cùng và cái xác khổng lồ với gương mặt to bè quái dị kia là gì? Trong này giải thích không rõ ràng cho lắm. Tôi
cảm thấy có khả năng cái thứ đỏ như máu kia chính là ông trẻ tuy gặp nạn nhưng vẫn còn sót lại chút ý thức, có điều, lúc bấy giờ ông nội tôi
không thể tưởng tượng nổi đến điều này, cho nên cứ tưởng ông trẻ là quái vật trong mộ cổ.
Đương nhiên, sự việc có chính xác là như
vậy hay không thì chỉ có người trong cuộc mới biết. Chứ bây giờ cứ ngồi
phỏng đoán, cho dù có giải thích được hợp lý đến mấy thì cũng vẫn chỉ là phỏng đoán mà thôi.
Tôi lựa lời mà nói suy nghĩ này của mình ra cho chú Ba nghe. Chú nhìn tôi với vẻ mặt phức tạp, rồi khẽ gật đầu.
Bấy giờ, tôi nghĩ đến một vấn đề, bèn hỏi: “Nhưng mà, ông nội đã từng nói ‘đây không phải chuyện con nít nên nghe’, chứng tỏ ông cũng biết lúc đó có thể mình đã nổ súng bắn chính anh trai mình. Đáng ra ông không thể biết được chuyện này mới đúng, như vậy, có
khi nào về sau ông nội đã từng trở lại ngôi một cổ đó một lần nữa rồi
chăng? Mà trong bút ký lại không thấy ghi những chuyện xảy ra tiếp theo, có phải chính là bởi vì sự thật quá khủng khiếp?”. Chú Ba nhíu mày đáp: “Chú mày cũng thắc mắc tương tự, nhưng điều này không thể nào kiểm
chứng được nữa. Ông già chết rồi, chúng ta vĩnh viễn không bao giờ có
thể biết được năm ấy đã thật sự xảy ra chuyện gì.”
Tôi hỏi: “Vậy còn tiếp đó? Chú có xuống
mật thất dưới đáy quan tài không?” Chú Ba lại rít mạnh một hơi khói,
cháy hết gần một phần năm điếu thuốc rồi hỏi lại: “Nếu mày là chú thì có chịu nhịn, không leo xuống được không?”
Tôi thầm cười khổ, tự nhủ nếu cháu mà là
chú thì đã sợ chết ngắc ngay từ lúc mở cửa ngầm rồi, làm gì còn cơ hội
nào để cân nhắc xem có nên xuống dưới hay không nữa. Tôi lắc đầu bảo:
“Thôi thôi làm sao mà cháu so với ngài được ạ, lá gan của thằng cháu
ngài ngài biết tỏng rồi còn giả bộ. Mà thôi chú đừng lấp la lấp lửng
nữa, nói mau đi xem nào, rốt cuộc trong mật thất kia có cái gì thế?”
Chú Ba thở dài nói: “Chú cho mày xem thứ
này trước đã, rồi hẵng từ từ kể cho mày nghe.” Nói xong, chú lôi ba lô
của mình ra khỏi chiếc
tủ cạnh giường bệnh, rồi lấy từ trong đó ra một
cái hộp ngà voi nhỏ.
Tôi cầm lấy, nhìn thử thì thấy đó là cốt
một cái hộp tráng men triều Thanh, còn ở dạng bán thành phẩm, chưa tráng men màu lên trên, rất nặng. Tôi mở ra xem thì thấy trong hộp có một
viên đá cuội màu đen xấu xí, trông cứ như loại đá cuội ta thường bắt gặp trong mấy đống cát ở các công trường xây dựng thời nay ấy.
“Đây là cái gì?” Tôi lấy làm kỳ lạ, bèn hỏi.
“Hòn đá đó là thứ chú lấy ra từ trong gian mật thất kia.” Chú Ba trả lời.
Tôi “a” lên một tiếng: “Chính là thứ này
sao?” rồi cẩn thận xem xét viên đá, nhưng nhìn mãi vẫn không thấy có gì
kỳ lạ hết. Tôi vừa định nhón tay cầm lấy thử xem thì chú Ba đã đậy cái
hộp lại. “Đừng động vào, thứ này nguy hiểm đấy.” Chú bảo.
Tôi trả lại cái hộp cho chú, nói vẻ khó
hiểu: “Đây hình như chỉ là một hòn đá bình thường thôi mà, trong cái mật thất quỷ quái đó mà lại có cái này à?”
Chú Ba thở dài. Hình như người lên đến
tầm tuổi của chú rất thích thở dài thì phải. Chú nói: “Mày đừng có khinh thường nó, lúc ấy chỉ vì lấy cái thứ này mà chú suýt nữa mất mạng đó.”
Sau khi đoán ra chân tướng của huyết thi, chú Ba sợ đến thất thần, ngồi đờ ra dưới đất một lúc rất lâu mới từ từ
hồi lại được, lòng dạ rối bời như mớ bòng bong. Nhìn cánh cửa vào mật
thất cách có hơn hai bước, chú tự hỏi trong bóng tối kia rốt cuộc có sức mạnh thần bí gì mà có thể biến một con người trở thành cái bộ dạng như
thế.
Chú Ba cũng giống tôi, là kiểu người mệnh phạm Thái Cực, tuyệt đối chịu không nổi đòn tra tấn của sự tò mò. Chỉ
có điều lá gan tôi quá nhỏ, thường xuyên chịu cả lòng hiếu kỳ lẫn sự sợ
hãi dằn vặt tra tấn, còn chú Ba thì không như thế. Chú chỉ hơi do dự một chút, rồi ngay lập tức quyết định xuống dưới mật thất xem xét để biết
cho thấu đáo mọi sự.
Giờ ngồi ngẫm lại mới thấy đây thực ra là một quyết định cực kỳ không sáng suốt, chắc cũng chỉ có người như chú
Ba mới có thể ra ra cái quyết định như trên trong tình cảnh này.
Ông nội tôi sở dĩ không chịu dạy cho chú
Ba quá nhiều bản lãnh, cũng là vì chú làm việc quá manh động. Sự thật
chứng minh ông tôi nhìn người hơi bị chuẩn, mỗi tội là trước những kinh
nghiệm của bậc lão luyện, đám trẻ trâu lại thường bỏ ngoài tai.
Nghỉ ngơi một lát rồi chú Ba liền bắt tay vào chuẩn bị. Trước tiên chú thu nhặt lấy hài cốt của mấy vị tiền bối,
cởi áo khoác, xé toang ra rồi gói hai bộ xương nằm bên cạnh quan tài vào chiếc áo. Sau đó chú đeo bao tay vào, dùng thừng trói xác luồn qua hai
nách của huyết thi, kéo ra khỏi quan tài, cung kính đặt ở một bên, rồi
đem cái đầu lâu bị chặt cụt đặt trở lại. Chú quay về phía ba cỗ thi hài, dập đầu ba cái thật dứt khoát rồi khấn: “Thằng cháu bất tài Ngô Tam
Tỉnh, đầu óc ngu dốt, đã mạo phạm di thể tổ tiên, xin các ngài thứ lỗi.”
Dập đầu xong, chú gài lại con dao quắm
lên hông, lại lấy kíp nổ ra giắt vào đai lưng, nhìn tổng thể toàn thân,
xác định tất cả không có sơ hở gì.
Chú tập trung tinh thần, đi đến chỗ quan tài, lại kéo cánh cửa ngầm lên một lần nữa, cẩn thận xem xét bên trong.
Đằng sau cánh cửa ngầm quả nhiên là một
con đường hầm dốc nghiêng xuống dưới. Có điều, không ngờ là trần đường
hầm này rất thấp, thấp đến độ gần như chỉ có thể nằm rạp xuống bò vào.
Cửa vào đường hầm kích cỡ chỉ bằng cỡ cái quan tài. Con “bánh tông máu” kia trước đây cũng nằm trong đường hầm
này. Cũng may dưới này không gian chật hẹp, con “bánh tông máu” kia dù
trời sinh rất khỏe cũng không thể vận dụng được hết sức mạnh, bằng
không, chỉ với sức của chú Ba thì lấy cửa gì mà đòi chặn lại được nó?
Trước hết, chú Ba mở bật lửa ném vào
trong. Ánh lửa lăn lông lốc một đường, rơi thẳng vào sâu trong đường
hầm, cuối cùng dừng lại, trở thành một nguồn sáng nho nhỏ chiếu sáng một khoảng.
Tiếp đến, chú sờ sờ lên con dao quắm bên
hông, nói một tiếng xin tổ tiên phù hộ rồi hít một hơi, cẩn thận từng ly từng tí nâng người lên, từ từ chui vào bên trong đường hầm.
Trong đường hầm tràn ngập một mùi tanh
hôi khó mà dùng lời mà tả được. Chú Ba nhoài người nằm rạp xuống, không
thể không nhịn thở, di chuyển vào bên trong. Đợi khi thân thể lọt vào
toàn bộ rồi, chân kéo cửa ngầm ở phía trên một cái, cửa ngầm tự đóng sập xuống.
Trong chốc lát bốn phía yên tĩnh khác
thường, chỉ còn tiếng bật lửa cháy leo lét ở phía trước. Chú Ba có chút
căng thẳng không rõ nguyên nhân, mồ hôi hột chợt tứa ra ướt đẫm khắp
thân người. Chú cố gắng trấn tĩnh lại một lát, lấy đèn pin bật lên chiếu sáng trước mặt.
Ánh đèn pin so với bật lửa thì mạnh hơn
nhiều, trong chốc lát đã chiếu đi rất xa. Chú thấy đường hầm này do
những phiến đá màu đen xếp thành, đại khái cứ ba mét một phiến, từng
phiến từng phiến liền kề nối tiếp nhau, thông thẳng một mạch vào sâu tít phía trong. Toàn bộ đường hầm sạch sẽ khác thường, những phiến đá đen
bốn phía cũng được giữ cho cực kỳ trơn nhẵn, không trang trí bất cứ thứ
gì, thoáng nhìn trông giống đường ống thông gió của loại điều hòa trung
ương kiểu cũ.
Độ lớn và màu sắc của ngọn lửa phát ra từ chiếc bật lửa phía trước đều rất bình thường. Không khí trong đường
ngầm chắc hẳn là có lưu thông với bên ngoài, nên việc hít thở không
thành vấn đề.
Chú Ba lấy lại bình tĩnh, cắn đèn pin lên miệng, bắt đầu bò vào sâu trong đường hầm.
Tôi cùng từng có kinh nghiệm bò trong
đường hầm chật hẹp, nên biết đó hoàn toàn không phải việc nhẹ nhàng. Tuy chú Ba khỏe hơn tôi rất nhiều nhưng mới bò lên vài bước đã thấy thở hổn hển, cộng thêm thỉnh thoảng còn phải đề phòng xung quanh nên bò lại
càng thêm vất vả.
Bò được chừng mười phút đồng hồ thì phía
trước có chỗ ngoặt, chú Ba bèn vòng qua. Chú cứ tưởng phía sau vẫn là
đường ngầm tương tự, nhưng vừa ngoặt một cái, chú liền phát hiện trước
mắt hiện ra một bức tường đá đen có khắc phù điêu.
Mới đầu, chú Ba rất sững sờ, ngây ngẩn một lúc lâu mới ý thức được, hóa ra đã đến hết đường hầm rồi.
Thế này là thế nào? Chú choáng váng, vốn
tưởng rằng phía cuối của đường ngầm sẽ có một cánh cửa, sau đó có một
gian mật thất nữa, mà tất cả mọi bí mật có lẽ sẽ đều nằm trong gian mật
thất đó.
Thế mà bây giờ lại chẳng có cái gì cả. Đường hầm chỉ hơi dài một chút, rồi có một bức tường đen lớn chặn kín lối đi.
Không lẽ nữa xưa khi ông trẻ vào trong đã động chạm phải cơ quan nào đó, khiến đường hầm bị bịt kín hay sao?
Chú Ba gõ lên tường đá, thấy hình như
phía sau tường đều đặc kín, lại xem xét mối nối ở bốn phía, phát hiện
tường đá đã được gắn chặt vào chỗ này. Nói cách khác, đây chẳng phải là
cơ quan gì cả, mà đúng là cuối của đường hầm thật rồi. Năm đó ông trẻ
chui vào chắc cũng đã bò được tới đây.
Thế thì kỳ lạ quá. Nếu chỗ này là điểm
cuối của đường hầm, vậy thì đây nhất định là chỗ ông trẻ trộm được cuốn
sách lụa mang ra. Nhưng ở đây làm gì có cái gì đâu? Sách lụa chiến quốc
năm đó đã được đặt ở chỗ nào? Không lẽ lại quăng trên mặt đất à?
Chú Ba đánh một vòng, xem xét bốn phía phần cuối đường hầm, rồi quan sát kỹ bức tường đá chặn đường kia một lúc.
Đúng lúc ấy, bức phù điêu trên tường đá đã thu hút sự chú ý của chú.
Đó là một vị thần mặt người mình chim,
thân chim tựa loài cú đêm, mà mặt người thì cực kỳ cổ quái. Thủ pháp
điêu khắc vô cùng cường điệu, gương mặt lớn như cái chậu rửa chân, miệng há hốc, tóc mai bồng bềnh, nét mặt vô cảm, chẳng biết là nam hay nữ.
(Tôi nghe đến đó liền ‘a’ lên một tiếng.)
Chú Ba chú ý thấy trên miệng bức phù điêu có một chỗ hơi lõm vào, so sánh bằng hình ảnh một chút thì có thể thấy
ngày trước cuốn sách lụa có lẽ đã được cuộn lại, đặt trong miệng phù
điêu.
Có điều miệng của phù điêu lại đúc đặc. Nói cách khác, sau khi lấy cuốn sách lụa ra sẽ không có cơ quan nào được khởi động.
Chú ngẩng đầu nhìn xem các bộ phận khác
trên mặt phù điêu, mũi, tai, mắt, cuối cùng, ánh mắt chú dừng ở lại ở
con mắt của bức phù điêu, nhìn chòng chọc.
Phù điêu mặt người thân chim có bốn con
mắt, còn chạm trổ đồng tử hình tròn, nhưng kỳ quái ở chỗ đồng tử của hai con mắt bên trên lồi lên, còn đồng tử của hai con mắt phía dưới lại lõm vào. Có thể nói, đây chính là hai phương pháp chạm khắc phù điêu, là
khắc âm và khắc dương.
Chú Ba xưa nay chưa bao giờ gặp phải
chuyện như thế này. Không chỉ là chú mà ngay cả tôi cũng biết điều này
tuyệt đối là không thể xảy ra được. Tất cả các loại phù điêu nếu không
khắc kiểu dương hết thì là khắc kiểu âm hết, không thể sử dụng lộn xộn
xen lẫn ở cùng một nơi.
Chú Ba tiến đến ghé sát vào nhìn, không
khỏi “a” lên một tiếng. Chú phát hiện, hóa ra hai đôi đồng tử kia không
hề chạm khắc gắn liền thành chỉnh thể với bức phù điêu, mà chỉ là ở vị
trí mỗi con mắt đều có một viên đá cuội xấu xí màu đen được khảm vào
trong hốc mắt. Điều kỳ quặc chính là, hai viên đá của hai con mắt phía
trên vẫn còn, nhưng hai viên đá của hai con mắt phía dưới đã bị người ta cạy ra, chỉ còn lại hai hốc mắt hình cầu.
Chú Ba ngắm nghía hai con mắt kia, cảm
thấy mọi thứ bắt đầu dần dần sáng tỏ, một phỏng đoán cực kỳ táo bạo xuất hiện trong đầu chú.