Gió núi mùa hè thổi qua ngọn đèn treo trước nhà, chao đèn lắc lư kéo
theo cả lũ côn trùng bám xung quanh, in hình một cái bóng loang lổ. Ban
đầu tôi còn tưởng mình nhìn lầm, nhưng gió đã ngừng thổi mà cái bóng ấy
vẫn ở nguyên chỗ cũ.
Tôi nhìn nó, ban đầu còn chưa có cảm giác gì, sau càng nhìn càng ớn lạnh sống lưng, chẳng lẽ trong nhà A Quý có người treo cổ?
Bèn cố nén cảm giác hoảng loạn mà ngồi dậy, dụi mắt nhìn cho kỹ.
Nhìn lại lần nữa thì cái bóng đó đã biến mất, sau cửa sổ tối đen như mực, chẳng có cái khỉ gì hết.
Là ảo giác? Tôi ra sức nhíu mày, hỏi A Quý: “Bên kia là phòng ai vậy?”
A Quý ngó sang rồi đáp: “Là phòng con trai tôi.”
“À,” Tôi ngẫm nghĩ nhưng chẳng nghĩ được gì, chỉ cảm thấy đầu óc váng vất, tự nhủ nhất định là con anh ta đang
nhìn qua bên này rồi, tôi uống hơi nhiều nên mới nhìn lộn thôi.
Sắc trời cũng đã tối, A Quý nhìn sang phòng mình rồi nói phải về nghỉ ngơi.
Bàn Tử thanh toán phí tin tức ba mươi đồng một ngàn chữ, chúng tôi
chào anh ta rồi cũng vào phòng. Bàn Tử bực bội nói: “Đệch, chỉ nói vài
ba câu mà thằng rùa con này moi hết ba trăm đồng của tôi rồi, trí tuệ
của nhân dân lao động đúng là vô biên.”
Tôi nói: “Ai bảo anh thích ra vẻ giàu có, khoe của ở cái chỗ khỉ ho
cò gáy này rõ là dở hơi, mẹ kiếp lại còn hối hận, đúng là dở hơi trong
những thằng dở hơi mà.”
Bàn Tử lẩm bẩm mấy câu, bảo tôi đạo đức giả, ngụy quân tử, tôi cũng
chẳng hơi đâu mà để ý. Người bình thường đến Quảng Tây đều khó ngủ, mấy
đêm trước chúng tôi đều ngủ không ngon giấc, nhưng tối nay có men rượu,
đầu óc mơ mơ màng màng, nhanh chóng thiếp đi, lại còn ngủ rất say, đến
quá mười một giờ hôm sau mới dậy. Ăn xong bữa trưa A Quý làm, chúng tôi
đi theo con gái anh ta đến địa chỉ mà tay họ Sở cho, chưa đầy mười phút
đã tới nơi.
Đó là một ngôi nhà sàn cũ kỹ, tường đất màu vàng lợp ngói đen, chỉ có một tầng, trông nhỏ hơn những căn nhà sàn khác – mà hình như nhà cửa
nơi đây đều cùng một kiểu dáng này – thoạt nhìn như bỏ hoang, không hề
bắt mắt, nằm lẫn vào những căn nhà khác trong thôn.
Con gái A Quý rất tò mò về mục đích đến đây, nên chúng tôi đành giả
bộ chụp ảnh. Bàn Tử cho cô gái ít tiền đuổi khéo đi chỗ khác, thấy bốn
bề vắng tanh, chúng tôi liền thử trèo vào.
Nhà sàn dựng trên sườn dốc, dựa lưng vào núi, cửa sổ đã hư hỏng hoàn
toàn, cửa chính đóng kín như bưng, trên dán tranh môn thần đã phai màu,
đẩy hai lần mà đến cái kẽ cửa cũng chẳng thèm hé ra.
“Có ấn tượng gì với căn nhà này không?” Tôi hỏi Muộn Du Bình.
Hắn chạm tay vào cột và cửa nhà, lắc đầu. Tôi thở dài, lúc này Bàn Tử đã mở được cửa sổ bên hông nhà, vẫy tay gọi bọn tôi: “Mau lên, lối này
vào được.”
“Sao mà thành thục thế, mẹ kiếp có phải hồi trước anh từng đi đào tường khoét vách rồi không?” Tôi mắng.
“Bàn gia đây là nhân vật cỡ nào, cái này tôi suy luận mà ra đó hiểu
không? Trộm mộ với trộm cướp chỉ khác nhau có một chữ thôi.” Bàn Tử vừa
nói vừa giục chúng tôi.
Chúng tôi để một người trông chừng rồi lén trèo vào từ đường cửa sổ,
sau đó đóng kỹ lại. Vào trong rồi tim lại đập thình thình, cảm thấy cực
kỳ kích thích, đến cả quần cũng bị móc trúng, suýt nữa thì phơi mông ra, nghĩ bụng trộm của người sống còn căng thẳng hơn trộm của người chết.
Trong nhà hơi tối, có điều kết cấu rất đơn giản. Đầu tiên tôi thấy
một gian phòng ăn lớn kèm bếp lửa như của nhà A Quý, trên tường treo rất nhiều công cụ, đều đã rỉ sét cả.
“Tiểu Ca, thật không ngờ cậu vốn là nông dân.” Bàn Tử vơ bừa lấy một
cái cuốc: “Cày đồng đang buổi ban trưa, cậu là dân cày, tôi là ban
trưa.” (*)
(*) Trích từ bài Mẫn nông của Lý Thân.
Nguyên văn: “Sừ hoà nhật đương ngọ/Hãn trích hoà hạ thổ/Thuỳ tri bàn
trung xan/Lạp lạp giai tân khổ.” Bản dịch bài này
chính là bài ca dao
nổi tiếng: “Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng
cày/Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
Chúng tôi phớt lờ hắn, thấy một bên có tường gỗ ngăn cách, đằng sau
hẳn là gian phòng mà gã họ Sở nói mình đã tìm ra. Nhà sàn kiểu này chỉ
có một gian phòng, chắc chắn không sai được.
Không có cửa, chỉ có một tấm mành cũ kỹ loang lổ bụi bặm. Muộn Du
Bình cau mày nhìn quanh một vòng, dường như hơi do dự, nhưng chỉ vài
giây sau đã vén mành đi vào. Tôi hơi căng thẳng, cái con người gần như
lơ lửng trong hư không này rốt cuộc đã tìm được một điểm dừng chân thuộc về mình, vậy mà lại chẳng nhớ ra, không biết có phải ông trời đang đùa
giỡn với hắn hay không. Nhưng chẳng còn thời gian ngẫm nghĩ, Bàn Tử đã
đẩy tôi vào.
Vừa vào phòng, mùi ẩm mốc đã xộc đến, bên trong tối om, không nhìn rõ được gì. Tôi thấy Bàn Tử muốn đi mở cửa sổ, rồi lại phát hiện phòng kín như bưng.
Không ngờ đến tình huống này nên chẳng ai mang đèn pin, chúng tôi chỉ còn cách cột rèm lại để ánh sáng bên ngoài chiếu vào. Nương theo ánh
sáng mờ mờ, có thể thấy gian phòng rất chật chội, sát tường kê một cái
giá trống không. Chúng tôi thấy vài quyển sách và mấy cái hộp, mặt đất
rơi đầy bùn, trừ mấy thứ này ra thì còn một tấm phản và một cái bàn gỗ,
là loại bàn học sinh cũ kỹ. Bề mặt các đồ vật đều phủ một lớp bụi mỏng.
Không khí trên núi rất trong lành nên bụi bám không dày lắm, nếu là ở thành phố lớn thì chỉ e bụi ở đây có thể xúc đi trồng cây chứ chẳng
đùa. Điều này cũng cho thấy nơi đây rất lâu không có ai vào.
“Đây là nhà anh à?” Tôi hơi giật mình, nhìn căn phòng này, cảm thấy
bình thường quá, đây là nơi Muộn Du Bình ở ư? Loại người như hắn, đáng
ra nhà cửa phải quái quái một tí mới đúng chứ?
Nhưng ngẫm lại thì tôi cũng không tưởng tượng ra được cụ thể là phải
cổ quái như thế nào, suy cho cùng hắn vẫn là một con người, mà người thì phải ngủ trên giường chứ chẳng lẽ trèo vào quan tài ngủ. Manh mối cũng
không thể viết lên vách tường, mà hẳn là nằm trong mấy món đồ bài trí
này.
Chúng tôi bước vào trong, Bàn Tử đến gần cái giá, phát hiện nó căn
bản là trống không, lẩm bẩm: “Chẳng ngờ cậu còn là một nông dân nghèo
mạt rệp.”
Đồ đạc trong phòng tuy không nhiều, nhưng khá lộn xộn, nào sách nào
hộp vứt bừa bãi, dễ chừng đã bị gã họ Sở lục lọi. Tôi tiện tay vớ đại
một quyển sách lên, thấy nó ngấm nước, là một quyển sách đóng gáy bằng
chỉ cũ lắm rồi, giở vài trang thì thấy bên trong đã hơi mốc. Trong lòng
lấy làm lạ, tại sao lại có loại sách này?
Thứ duy nhất còn coi được là giường và bàn, nghĩ đến đây tôi lập tức
lại gần cái bàn, tìm những tấm ảnh mà tay họ Sở nói. Tấm thủy tinh phủ
trên mặt bàn bám đầy bụi, bên dưới có thể thấy loáng thoáng rất nhiều
ảnh, xem ra gã không lừa tôi.