Ánh trăng ảm đạm chiếu lên sườn núi, bốn bề tăm tối mịt mùng, chỉ
nghe vô vàn âm thanh kỳ lạ phát ra từ cánh rừng rậm sâu thẳm dưới khe
núi. Cái hố này dọa cho đám A Quý ngớ người, bọn họ coi đây là điềm gở,
quay ra liếc nhìn nhau. A Quý không hiểu gì cả, lẩm bẩm: “Đêm hôm khuya
khoắt nhìn thấy quan tài, về nhà phải rửa mắt mới được.”
Một người khác nằm bò ra nhìn xuống dưới đó, hỏi: “Mộ ai thế nhỉ, sao lại đào trong cái chốn rừng sâu núi thẳm này?”
Không ai đáp lời, Vân Thái hoảng sợ trốn ra sau lưng Muộn Du Bình.
Tôi dám chắc đây là một ngôi mộ hoang, không phải mộ nhà giàu, niên
đại chắc là từ thời Minh Thanh, vì với dạng quan tài thô sơ thế này, nằm trong khu vực mưa dầm quanh năm mà có thể lưu giữ được đến bây giờ thì
niên đại không thể quá sớm. Bùn đất trong quan tài cũng có cỏ mọc, vậy
là nó đã bị mưa xối trơ ra đó ít nhất một năm trời, thi cốt bên trong
nhất định đã bị hủy hoại.
Cái hố không lớn, chúng tôi chiếu đèn
pin vào nhưng không tìm thấy tung tích của lão Bàn Mã. Người chắc chắn
không thể ở trong hố, nhưng tôi cảm thấy đây có thể chính là nơi Bàn Mã
giấu đồ, bởi vì nó đúng là rất thích hợp. Cục sắt mà con trai lão Bàn Mã nói có thể được giấu ngay bên dưới.
Lũ chó vẫn đang sủa ầm ĩ, nghe mà phát bực. A Quý kéo chúng ra xa,
thả cho chúng lang thang khắp nơi, kế đó nhặt cành cây chọc xuống hố dò
dẫm.
Họ cũng không dám leo xuống, trong hố có quan tài, người thường đều
kiêng kỵ, nhưng phản ứng của lũ chó cho chúng tôi biết trong hố chắc
chắn có vật gì, tìm kiểu này có khướt mới thấy.
Tôi ngắm nghía thế núi ở đây, tuy chỉ là kẻ gà mờ về phong thủy nhưng tôi vẫn có thể nhận ra chỗ này tuyệt đối không hợp để chôn cất. Đây là
sơn khẩu, nước từ trên núi dồn cả về đây, chôn người chết vài hôm là
thối, mộ này ắt hẳn không phải ngôi mộ lớn trong núi Dương Giác mà Bàn
Tử phỏng đoán, có thể chỉ là mộ cổ núi hoang bình thường, hẳn không có
gì nguy hiểm. Tôi liền bảo A Quý đừng chọc nữa, để mình xuống đó lục lọi với Muộn Du Bình.
Tôi trộm mộ đã thành quen, mở một cái quan tài thì có là gì, huống
chi Muộn Du Bình còn ở bên cạnh, cho nên cũng không hề lúng túng. A Quý
lại kinh ngạc vô cùng, thắc mắc cớ sao người thành phố như tôi lại to
gan đến vậy, còn Vân Thái thì tròn mắt nhìn tôi đầy chờ mong, dường như
còn chưa kịp phản ứng.
Hai người một trước một sau nhảy xuống hố, do cái hố nằm trên sườn
dốc nên có bên thấp bên cao, có thể thấy rõ vách đá dựng đứng hình thành từ triền núi sạt lở, một nửa quan tài còn kẹt trong đó, phần đầu không
nhỏ, qua lớp còn sơn sót lại trên bề mặt, có thể thấy đây là một cỗ một
quan tài cũ bằng gỗ sơn đen. Bùn lỏng tràn vào mộ đến nửa thước, nếu
không phải do đất nơi này dễ lún thì là do cỗ quan tài quá nặng.
Tuy cách chôn cất khá thô sơ, nhưng người dân bình thường cũng không
thể làm được. Quan tài trông na ná mấy cái được bày bán ven đường, có lẽ là của địa chủ thời trước. Quan tài đã cũ nát tả tơi, bên trong rặt bùn loãng.
Chẳng biết có phải bị lây từ Bàn Tử hay không mà nhìn thấy quan tài
tim tôi cũng bắt đầu đập rộn, nhưng lúc này tôi phải giả vờ lơ ngơ một
tí, bằng không rất dễ bị hội A
Quý hoài nghi.
Muộn Du Bình nhận lấy cây đèn pin, vén đám cỏ dại, nhìn khắp một
vòng, chúng tôi đã thấy có vết máu ở một góc khuất trên quan tài. Muộn
Du Bình nhờ tôi soi đèn giúp, còn hắn đưa tay ra ước lượng, dấu tay trên quan tài hẳn là in lên khi người kia cúi xuống lấy thăng bằng. Bên dưới chính là khe hở của quan tài, Muộn Du Bình ngồi xổm xuống, không hề
nghĩ ngợi đã thò tay vào trong đó, bắt đầu đào bới trong lớp bùn.
Nghe tiếng khuấy nước bùn, tôi hơi rợn tóc gáy. Hắn chỉ mò mẫm vài
vòng rồi rút tay ra, cầm theo một vật dính đầy bùn. Muộn Du Bình vẩy vẩy bùn bám bên trên, thì ra đó là một cái bịch nilon dính máu, nhưng hắn
rũ rũ vài cái, chúng tôi mới phát hiện trong bịch trống không.
“Quái nhỉ?” Tôi lấy làm lạ hỏi. “Đồ bên trong đâu mất rồi?”
“Vết máu còn mới, ông ta đã tới đây mang đồ đi trong vòng vài tiếng,” Muộn Du Bình nhìn quanh bốn phía, bình thản nói tiếp: “Chắc chắn ông ta chỉ quanh quẩn đâu đây thôi.”
“Ông ta đến lấy đồ sau khi đã bị thương?” Vậy là lão đã bị thương từ
trước khi đến đây. Tôi thở phào, từ chỗ bị thương đến nơi này cũng khá
xa, đã lết được đến tận đây chứng tỏ vết thương cũng không nặng lắm.
Muộn Du Bình lại mò thêm lần nữa nhưng không tìm được gì, sau đó chúng tôi trèo lên, tôi kể sơ qua tình hình cho A Quý biết.
Khả năng Bàn Mã gặp báo không cao lắm, một tay thợ săn không mang
theo súng, dù dũng mãnh và và lão luyện đến đâu, cũng tuyệt đối không
thể tránh thoát đòn tấn công của một con báo. Mà khó hiểu hơn là sau khi bị thương vì sao lão còn muốn đến đây, đáng ra lão nên quay về thôn
ngay lập tức mới đúng. Lão chảy một đống máu còn đến đây mang cục sắt
kia đi làm gì mới được chứ, lẽ nào lão cảm thấy để nó ở đây sẽ gặp nguy
hiểm?
Chúng tôi gọi lũ chó về, lấy ngôi mộ cổ làm mốc, chia ra mấy nhóm tìm kiếm xung quanh. Hai người chúng tôi đi theo cha con A Quý, tôi bèn hỏi Vân Thái, trong rừng ngoài báo ra thì còn con gì có thể tấn công người?
Vân Thái nói trước kia nhiều lắm, chứ bây giờ đều bị thịt hết rồi.
Hồi trước đến cả con trăn cũng hay gặp, nhưng lâu lắm rồi không thấy
nữa, có thể tấn công người chắc chỉ còn lợn rừng thôi.
Tôi thầm nghĩ cũng có thể, nhưng vẫn không tài nào giải thích được
nguyên nhân lão Bàn Mã đến đây mang đồ đi. Lúc này trong lòng tôi mơ hồ
có linh cảm, phải chăng mối nguy hiểm mà lão Bàn Mã gặp không phải động
vật, phải chăng mấy kẻ đốt nhà bí ẩn đã úp sọt lão?
Đang suy nghĩ, chợt nghe xa xa từ một hướng khác có tiếng chó sủa dồn dập. Thế rồi, một tiếng súng nổ cắt ngang khe núi tĩnh mịch, dọa lũ
chim bay nháo nhác.