Bàn Tử cảm thấy giả thiết của tôi rất mơ hồ, nhưng cũng phải thừa nhận đây là khả năng hợp lý duy nhất.
Hắn ta vốn tích cực ủng hộ phương án vào
chơi trong núi Dương Giác một ngày, thấy tôi nói muốn đi thì đương nhiên là đồng ý nhiệt tình. Sau đó chúng tôi bàn bạc cụ thể về công việc, vì
chuyến này coi như đi du lịch, chẳng mang theo đồ nghề gì nên vấn đề
trang bị cũng hơi khó nhằn. Lỡ đâu phải đào mồ quật mả cần có đồ nghề
mà mang theo hai bàn tay trắng thì chỉ còn nước trơ mắt mà nhìn.
Nhưng ở những nơi thế này lại không có sẵn trang bị để mà mua, Bàn Tử nói có vài thứ cũng không khó giải quyết, chúng ta có thể mua cái khác
bù vào, tuy không thuận tay cho lắm, nhưng lần này không đi xa thôn lắm
nên cũng không cần đòi hỏi quá cao.
Hắn bảo, thợ săn nào mà chẳng có những vật dụng để sinh tồn nơi hoang dã, chúng ta cần gì phải vác theo nhiên liệu rắn và lò không khói.
Nhưng chứng kiến độ hung hãn của dã thú rồi, tôi cảm thấy vẫn nên chuẩn
bị vũ khí cho chu đáo thì hơn.
Tôi gọi A Quý tới để thương lượng về những chuyện này. Bản thân A Quý cũng đi săn, có ba khẩu súng săn đều là súng cũ không rõ tên tuổi được
sửa sang lại, niên đại cũng không đồng đều. Khẩu cũ nhất được A Quý lấy
ra từ chuồng gà, tuy nòng súng vẫn còn nguyên vẹn nhưng bên trong đã
hoen gỉ cả rồi, chẳng ai dám xài đến, vả lại cũng không biết đào đâu ra
đạn. Hai khẩu còn lại vẫn bắn được, xem ra là di vật từ thời chiến
tranh.
Mấy năm trước có lệnh cấm súng, nhưng người vùng này sống bằng nghề
săn thú, đã là cần câu cơm thì dễ gì giao ra. Cấp trên hiểu chuyện nên
cũng mắt nhắm mắt mở cho qua, có điều bây giờ đạn là hàng hiếm, A Quý
phải nhờ cán bộ thôn lên tận huyện mới mua được.
A Quý cũng chỉ là thợ săn nghiệp dư nên không giữ nhiều đạn trong
nhà. Bàn Tử kiểm tra hai khẩu súng rồi nói: “Súng của A Quý tuyệt đối
không có vấn đề gì, một khẩu đã lâu không đụng đến nhưng được bảo dưỡng
tốt lắm, phải bắn thử một phát mới biết có xài được không.”
Chúng tôi trả cái giá cắt cổ năm mươi đồng một viên đạn, mua được bốn năm mươi viên từ mấy nhà hàng xóm của A Quý. Tôi nhìn viên đạn hình trụ bằng đồng thau, biết ngay đây hàng thủ công làm ra trong xưởng nhỏ.
Cái của nợ này mà mua mất năm mươi đồng, mẹ kiếp đúng xót ruột. Bàn Tử
bèn khuyên đừng có bủn xỉn như vậy, năm mươi đồng mà cứu được mạng cậu
thì cũng đáng chứ.
Nhà A Quý đã có sẵn dao phát, anh ta mài lại cho sắc; những món đồ
khác chúng tôi viết ra giấy rồi bảo A Quý đi quanh thôn tìm xem có vật
thay thế hay không. Thiếu dây thừng leo núi thì xài dây gầu dưới giếng,
thiếu đèn pin công suất lớn thì mượn mấy cái đèn pin nhỏ buộc lại, thiếu dao găm thì xài tạm lưỡi liềm.
A Quý bảo chúng tôi giờ đang vào mùa mưa, trong núi nhiều muỗi kiến
độc, đặc biệt là vùng ven hồ, muỗi ở đấy to bằng con ong vò vẽ; đề nghị
phải mang theo nhang muỗi và màn, quây quanh đống lửa, bằng không mấy
người thành phố chúng tôi nhất định sẽ không chịu nổi. Tôi lại thầm
nghĩ, có Muộn Du Bình ở đây còn lo gì nữa?
Sắp xếp ổn thỏa, A Quý liền nói mấy món đồ này sẽ phải mất một hai
ngày để chuẩn bị. Dù sao thợ săn vào đó cũng chưa ai trở về, nên chuẩn
bị cho chu đáo rồi hẵng xuất phát.
Trong lúc này, Bàn Tử lại hỏi có thể nghĩ cách dùng acid sunfuric
mình mang về để xem trong khối sắt kia chứa vật gì không? Việc này cần
những thao tác tinh vi, phải kiếm bãi đất nào khá khẩm hơn một chút.
Tôi nghĩ đến câu chuyện Bàn Mã kể, thấy không ổn cho lắm. Từ khối sắt này tản ra một thứ mùi, hơn nữa cái mùi này còn nhạt dần đi theo thời
gian, cho thấy bên trong chứa một loại vật chất bay hơi, có quỷ mới biết loại vật chất này có gây hại cho cơ thể người hay không. Tôi cảm thấy
vẫn chưa đến lúc dùng acid hòa tan vật này, tốt nhất là chờ đến khi tra
được chút manh mối rồi mới phán đoán xem có cần thiết phải mạo hiểm như
thế hay không.
Bàn Tử tò mò muốn chết đi được, nhưng lời tôi nói cũng rất có lý.
Nghĩ đến chuyện có thể ảnh hưởng đến những người khác, hắn cũng chỉ còn
cách từ bỏ.
Sau đó Bàn Tử tỏ ra hết sức hào hứng, thứ nhất hắn tin chắc vào giả
thiết cổ mộ của mình, thứ hai hắn đã lâu không đi săn nên chân tay ngứa
ngáy lắm rồi, bất chấp khuôn mặt nở toe toét như hoa loa kèn (1), cả đêm không ngừng ba hoa về chuyện mình đi săn thú hồi xưa. Tôi cũng đang cao hứng, trong đầu nảy ra một vài giả thiết; còn Muộn Du Bình vẫn ngậm hột thị, tôi thấy anh ta cứ nhìn đăm đăm vào ngôi nhà A Quý nằm kế bên,
nhìn cái cửa sổ kia đến xuất thần.
Tôi nhớ lại cái bóng mình nhìn thấy trong căn nhà đó vào đêm hôm
trước, nhưng bây giờ khung cửa sổ kia tối om om, chẳng nhìn thấy gì. Con trai A Quý hình như không thích gặp người, ít khi giao du. Tôi hoài
nghi không biết có phải cậu ta mắc bệnh gì nên mới phải ru rú trong nhà, ở nông thôn thường có chuyện như thế.
Một đêm thức trắng, cộng thêm một ngày nghĩ ngợi căng thẳng, chẳng
bao lâu đầu óc tôi đã mơ màng không nghe rõ Bàn Tử đang nói gì nữa. Muộn Du Bình thì tựa vào đâu đó ngủ gà ngủ gật, ngoài này mát mẻ hơn trong
nhà nhiều, xung quanh Muộn Du Bình không có lấy một con côn trùng, chúng tôi cứ thế nằm xuống ngủ mê mệt.
Ngày thứ hai ai nấy đều tự chuẩn bị hành lý phần mình, sang ngày thứ ba mọi việc đã xong xuôi, A Quý dẫn chúng tôi lên đường.
Chuyện khiến tôi bực bội nhất là không thấy người dẫn đường trong
truyền thuyết đâu cả; người đi cùng lại chính là A Quý và Vân Thái.
Tôi hỏi có chuyện gì thế, A Quý không phải anh đã nói mình chưa đến đó bao giờ sao? Cớ gì anh lại đích thân dẫn chúng tôi đi.
A Quý đáp dạo này thợ săn vào núi chẳng biết gặp phải trở ngại gì mà
mấy đội đi không một ai trở lại. Những người khác đều chưa từng đến đó,
anh ta đành nhờ con gái Vân Thái dẫn đi; trước kia Vân Thái từng theo
ông nội vào đó vài lần nên biết rõ đường. Anh ta dẫn theo chúng tôi cộng thêm Vân Thái biết đường, vả lại còn có chó nên chắc không có vấn đề gì lớn đâu.
Tôi thầm nghĩ thôi tiêu rồi, chắc mình trả giá quá cao nên A Quý
không nỡ để đống tiền
lọt vào tay người khác đây mà. Bàn Tử lập tức phản đối, nói chúng tôi đi làm công chuyện, có phải trò đùa đâu mà mang theo một con bé, lỡ bị thương kẻ làm cha như ông không đau lòng thì chúng
tôi cũng đau.
A Quý vẫn khăng khăng nói không sao đâu mà, con gái ở đây lên năm lên sáu đã chơi súng, vào trong núi nó còn được việc hơn các anh. Với lại
nó cũng thuộc đường trong núi hơn tôi, các anh đừng lo lắng.
Nói đến đây thì Vân Thái từ trong nhà bước ra, tôi và Bàn Tử vừa nhìn đã lóa mắt. Chỉ cảm thấy Vân Thái dương như đã biến thành con người
khác, cô bé mặc trang phục đi săn của người Dao, dao săn buộc sau eo,
lưng đeo một khẩu súng săn ngắn. Con gái người Dao vốn có dáng vóc đẹp,
khoác bộ đồ này lên lại khoe trọn bắp chân và những đường cong trên thân thể, quả là đẹp mắt.
Thêm vào đó là vẻ mặt vừa tươi tắn lại vừa mạnh mẽ tinh anh, cộng
thêm khí thế khiến người ta không thể chối từ của tuổi mười bảy mười
tám, loáng cái đã chinh phục được Bàn Tử.
Cô bé lại gần chúng tôi, nhìn Bàn Tử đầy khiêu khích: “Ông chủ nói vậy là có ý xem thường người ta phải không?”
“Đâu có đâu có!” Bàn Tử chối lia lịa: “Em gái à, chớ có hiểu lầm,
chẳng qua anh sợ em phải chịu khổ thôi, chứ thật ra em mới đúng là lựa
chọn tốt nhất.”
Tôi đá cho Bàn Tử một cú, khẽ mắng: “Sao ông anh trở mặt nhanh như
chong chóng thế, ông anh đã đến tuổi này rồi còn muốn làm trâu già gặm
cỏ non hay sao?”
“Đến tuổi này thì đã làm sao, tôi đây gọi là người đến tuổi tráng niên, cùng lắm thì làm tráng ngưu.”
Tôi thở dài: “Ông anh nghĩ mà xem, người ta là đêm động phòng dưới
chăn uyên ương, một nhánh hoa lê áp hải đường (*). Ông anh thì hay rồi,
đúng là một con heo mập áp hải đường, nếu ông anh dám làm bậy, tôi sẽ
đại diện cho trai tráng cả tộc Dao bắn chết tươi.”
(*) Đây là hai câu thơ trong bài Nhất
thụ lê hoa của Tô Đông Pha làm ra để trêu chọc một cặp chồng già lấy vợ
trẻ. Cây lê sống lâu, vốn là biểu tượng của tuổi già; hoa lê màu trắng
như mái tóc bạc phơ. Hải đường lại tươi tắn rực rỡ, tượng trưng cho cô
gái trẻ. Nhưng Bàn Tử không hợp với hình tượng cành lê thanh mảnh nên
đổi thành heo mập hợp hơn =))
Cười đùa một hồi, tôi cũng đành phải chấp nhận. Nhìn khí phách của
Vân Thái, tôi cảm thấy A Quý nói không sai, vả lại tôi đoán chuyến đi
này cũng không gặp nguy hiểm gì quá lớn.
Điều duy nhất khiến tôi bận tâm là khi chúng tôi gói ghém đồ đạc, Bàn Tử luôn trêu đùa Vân Thái, chọc Vân Thái cười khanh khách. Nhưng để ý
thì thấy Vân Thái thỉnh thoảng lại len lén nhìn Muộn Du Bình, nhìn rất
cẩn thận, chỉ liếc mắt một cái rồi quay đi ngay, nhưng tôi vẫn nhìn ra
được chút manh mối từ đôi mắt trong veo ấy.
Chúng tôi xuất phát, đi dọc theo còn đường đi tìm lão Bàn Mã lần
trước. Tôi cũng lờ mờ nhớ đường, chuyến đi này vui vẻ hơn lần đi tìm
người kia nhiều. Bàn Tử quả thực đã bị mê hoặc rồi, cứ lượn lờ quanh Vân Thái suốt, chỉ thiếu điều bò bằng bốn chân làm ngựa cho cô cưỡi; mà Vân Thái cũng thật dễ thương và sôi nổi.
Cô hỏi chúng tôi rốt cuộc làm nghề gì, nhất định không phải hướng dẫn viên du lịch rồi vì làm gì có hướng dẫn viên du lịch nào lại đến cái
chốn này chứ. Bàn Tử liền ra vẻ thần bí, nói tụi anh là nhân vật lớn đi
làm nhiệm vụ bí mật, nếu em chịu hôn anh một cái thì anh sẽ tiết lộ cho
em biết.
Tôi còn sợ Vân Thái hôn hắn ta thật, vậy cũng quá lãng phí rồi, may
mà Vân Thái vẫn còn mắt thẩm mỹ, cương quyết không mắc mưu. Nhưng Muộn
Du Bình vẫn dửng dưng trước bầu không khí náo nhiệt của chúng tôi, sắc
mặt hắn không hề thay đổi khiến tôi cảm thấy có gì đó khác thường.
Đêm hôm ấy chúng tôi đến sơn khẩu nơi có ngôi mộ cổ, đi sâu thêm một
vài km nữa rồi nghỉ ngơi, đến hửng sáng lại lên đường, đi suốt hai ngày
trong núi là đến được mép hồ kia.
Tôi đứng trên triền núi, từ xa đã thấy cái hồ kia. Có lẽ là vì mấy
ngày mưa to liên tiếp nên mặt hồ cũng lớn tưởng tượng của tôi một chút,
dĩ nhiên bốn phía vẫn là đá tảng như lời Bàn Mã nói. Chúng tôi đi đến
ven hồ, hoàn toàn không nhìn ra dấu vết có người đã từng đóng quân ở đây năm nào.
Nước hồ trong veo in bóng mây trên trời thành một cảnh tượng đẹp đẽ.
Chúng tôi bỏ đồ đạc xuống, đến bên hồ rửa mặt. Nước hồ lạnh băng cho
thấy đáy hồ thông với mạch nước ngầm trong đất, vào ngày tam phục (*)
chạm tay vào mặt nước lạnh lẽo khiến người ta run rẩy toàn thân.
(*) Tam phục: chỉ thời kỳ nóng nhất
trong năm, gồm sơ phục, trung phục mà mạt phục. Sơ phục là khoảng thời
gian từ ngày thứ 21- 31 sau hạ chí; trung phục là 10 ngày nối tiếp sơ
phục (trong năm nhuận thì là 20 ngày nối tiếp sơ phục); mạt phục là 10
ngày kể từ lập thu.
Rửa mặt xong, tôi ngẩng đầu nhìn lên bốn phía, nhìn mặt nước in bóng
bầu trời và núi non xung quanh, chợt nhận ra nơi này dường như đã từng
quen thuộc. Tôi liếc sang bên cạnh, thấy Muộn Du Bình cũng đang nhìn
phong cảnh núi non bốn bề với vẻ nghi hoặc.