Tôi không biết đây là loài động vật gì,
hình như là một loại kỳ nhông cỡ lớn, hồi xưa tôi từng ăn kỳ nhông ở
dưới quê rồi, nhưng chưa thấy con nào to như này, trông phát khiếp. Về
phần chiếc đèn pin nọ, tôi vừa nhìn thấy liền giật mình, đây chính là
chiếc đèn pin màu vàng cũ kỹ mà bọn tôi dùng khi trần truồng lặn xuống
lần đầu đây mà.
Đây nhất định là do Bàn Tử mang xuống,
xem sợi dây buộc trên mình kỳ nhông, chắc chắn là do có người buộc vào,
chẳng lẽ là kiệt tác của bọn Bàn Tử?
Tôi suy nghĩ một chốc, liền hiểu ngay.
Không ai tự dưng mà làm một việc như thế, rất có thể Bàn Tử muốn người
khác phải chú ý đến con kỳ nhông này.
Lẽ nào bọn họ đang mắc kẹt trong một nơi nào đó, mà chỉ có duy nhất cách này để cầu cứu với bên ngoài?
Có đánh chết tôi cũng không thể ngờ được, ánh sáng xanh lục là từ thứ này phát ra. Cứt thật, ánh đèn pin thế quái nào mà lại biến thành màu xanh lè được nhỉ?
Tôi liền trấn tĩnh lại, toàn thân tức thì thả lỏng, xụi lơ ra. Xem ra tôi đoán không sai, bọn họ thực sự gặp kỳ
ngộ ở dưới nước, hiện giờ rất có thể vẫn còn sống, chỉ là đang bị kẹt ở
một nơi, phải dùng đến cách này để cầu cứu. Rất có thể nơi đó vẫn có
không khí, chỉ là không biết vì sao lại thế thôi.
Tuy không biết Bàn Tử với Muộn Du Bình đã trải qua chuyện gì ở dưới nước, rồi làm sao mà lại đến được rồi kẹt lại ở chỗ kia, nhưng rất có khả năng bọn họ vẫn còn sống, thật tốt quá!
Với cái tính ranh như ma của Bàn Tử, trên mình con kỳ nhông kia chắc hẳn còn có manh mối nào đó liên quan đến
tình trạng hiện giờ của bọn họ, xem ra phải bắt nó mới được. Nhưng ở
dưới nước tay chân không linh hoạt, hơn nữa nhìn tốc độ bơi của con vật
kia, chỉ e không bắt nổi.
Kỳ nhông là trùm dưới nước, cắn người rất kinh, chưa kể con này to quá, nó cắn cho một phát chỉ e đi tong luôn cả ngón tay của tôi.
Kệ! Có thế nào cũng phải thử xem đã.
Tôi giơ dao găm lên, chậm rãi bơi qua, cố gắng bơi chậm hết cỡ, nhưng chỉ đến gần được hơn một mét, vèo một cái,
con vật kia quẫy đuôi thật mạnh một cái, ngay lập tức đã bắn đi đến sáu
bảy mét nhanh như chớp vậy, rồi dừng lại ở đống gạch đá bên kia.
Khốn khiếp thật! Cái thứ này, cho dù tôi
có ngồi trên bờ cầm xiên cá xọc xuống có khi cũng chẳng xiên trúng được, huống hồ hiện giờ tôi còn ở dưới nước, bắt bằng tay không. Cũng may
trông nó có vẻ hiền hiền, không có ý định tấn công.
Tôi còn muốn thử tiếp, tiếp tục chầm chậm bơi tới. Lúc này đã đến rất sát nó rồi, nhưng ngay trong chớp mắt khi
tôi chìa tay ra thì nó đã nhanh chóng vọt đến chỗ khác.
Tôi lập tức nhận ra, ở dưới nước tôi
không có khả năng bắt được con vật này. Phần đuôi của nó chuyển động tạo ra luồng nước có lực đẩy rất mạnh, không khó tưởng tượng được sức bật
lớn đến mức nào, cho dù có chộp trúng được, thì với sức của tôi, cũng
chẳng bắt nó lại nổi.
Đèn dưỡng khí nháy lên cảnh báo, tôi liền luống cuống soi đèn pin khắp xung quanh, tìm xem có công cụ gì có thể
sử dụng được không. Nhưng xung quanh chẳng có gì cả, tượng sắt kia thì
nặng muốn chết, dù có dùng được tôi cũng chẳng khênh đi được.
Vừa suy nghĩ, lập tức nhớ ra con dao găm
trong tay mình. Có thể nói nó chính là trụ cột tinh thần của tôi, tuy
rằng cho tới giờ vẫn chưa dùng lần nào.
Tôi thực sự không muốn làm con kỳ nhông
bị thương, dù thế nào cũng là một sinh mạng. Nhưng đến lúc này, đã gấp
quá rồi, không quan tâm được nhiều thế. Một khi tính ác trong con
người
đã nổi lên, thì tất cả những cái gì mà thương xót cảm thông đều hóa lời
nói suông cả.
Tôi lại bơi đến lần nữa, giơ dao găm lên
như muốn xiên chết nó, cho dù xiên một cái không chết, thì cũng làm nó
bị thương, không bơi nhanh được nữa.
Nó dừng lại dưới chân tượng sắt, nằm sấp
trên nền gạch xanh. Tôi nín thở, từ từ bơi qua như xác chết trôi vậy,
tới gần từng tí từng tí một. Mắt thấy chỉ cách nó có nửa cánh tay, tôi
giơ dao găm lên cực kỳ chậm, như một cảnh quay slow motion trong phim
vậy, giơ đến một vị trí khá tốt, lập tức đâm xuống thật mạnh.
Có thể do con kỳ nhông cảm nhận được sát ý của tôi, nó vọt lên phía trước mấy centimet, nhưng cũng đúng lúc ấy,
trong tôi nổi cơn hung đồ, dao găm xuống một nhát, găm trúng đuôi nó.
Con vật kia đuôi toàn thịt, đau đến cuộn
cả mình mẩy lại. Sức nó rất lớn, dao găm suýt tuột khỏi tay tôi. Tôi
đuổi theo, túm lấy cái đèn pin phía trên, nhưng lực cản dưới nước lớn
quá, tay túm không trúng, con kỳ nhông trực tiếp giằng đứt đuôi mình,
bơi ra xa khoảng sáu bảy mét nhanh như bay, không dừng lại nữa mà bỏ
chạy đến đầu bên kia của căn hầm gạch.
Không có đuôi, tốc độ của nó chậm lại rõ ràng.
Tôi khua chân vịt đuổi theo, mấy lần suýt bắt được nó. Nhưng ở dưới nước, thật sự rất khó để nhắm chính xác được, lúc nào nó cũng thoát khỏi tay tôi vào đúng những khi tôi chắc mẩm có
thể đắc thủ nhất. Cứ đuổi bắt như thế suốt mấy chục mét, tôi trước đấy
đã lặn dưới nước một lúc lâu, thể lực không đủ để bắt kịp/
Tôi nghiến chặt ống thở, tay kéo giựt lấy giá sắt, mượn lực mà đẩy mình lên, miễn cưỡng đuổi theo. Ánh sáng xanh
đột nhiên ngoặt một cái, tôi cũng bổ nhào theo, chỉ thấy trên nền gạch
xanh của vách tường có một cái hang, thò tay vào, lập tức mò đúng được
cái đèn pin, nhưng rút mãi mà không ra được.
Con kỳ nhông nhất định là đã bám chặt bên trong tường gạch này rồi.
Tôi đạp cả hai chân lên hai bên vách
tường mà kéo ra, dùng toàn bộ sức nặng cơ thể mà kéo thật mạnh. Bỗng
nhiên hẫng một cái, đèn pin bị rút ra. Cả người tôi bắn ra ngoài, đập
vào giá sắt đằng sau.
Vất vả lắm mới đứng vững lại được, nhìn
vật cầm trong tay, hóa ra sợi thừng buộc đèn pin là sợi thừng nilon
trong ba lô hành lý của Bàn Tử, sợi dây không chịu được lực mạnh, nên đã đứt rồi.
Lại dùng đèn pin chiếu vào trong hang,
con kỳ nhông vẫn rúc ở bên trong, xem ra không chịu thò mặt ra ngoài nữa rồi, tôi cũng không buồn quan tâm nữa, vội vàng soi chiếc đèn pin dưới
ánh đèn, để xem Bàn Tử có động tay động chân cái gì nữa không.
Bên trên quả nhiên có khắc vài chữ: “SOS, đi theo ống siphon.”
Lật mặt sau, còn một hàng chữ nhỏ nữa, nhưng không nhìn rõ được.