Sau khi tới thôn, vì chúng tôi đã tại ngoại một thời gian tương đối dài nên giờ nhất định phải về nhà một chuyến, với lại chúng tôi cũng cần thời
gian để lên kế hoạch, Bàn Tử phụ trách việc chuẩn bị quân tư trang, còn
tôi tiếp tục công tác thu thập tư liệu của mình.
Lúc về tới Hàng Châu, tôi bắt tay ngay vào việc thực hiện kế hoạch.
Tôi có cùng Bàn Tử hạn định thời điểm lập kế hoạch, vì chưa nghĩ ra cách
thu thập tư liệu tiếp theo thế nào, sau ngẫm lại thì thấy phải biết được gia cảnh Muộn Du Bình trước đã, có khả năng là phải làm lại từ đầu.
Trước hết xác minh xem những người kia anh ta có biết không, có thể là
vào những năm tám mươi thế kỷ trước họ đã từng tham gia đội khảo cổ, tổ
chức đội năm đó hẳn phải có ghi chép lại. Năm đó, người tham gia nghiên
cứu đều phải có lai lịch rõ ràng, vậy tôi có thể tìm trong đống hồ sơ cũ ở Trường Sa chút manh mối, ít nhất là thấy được quan hệ giữa anh ta và
tổ chức kia, tiếp theo là tìm một hai người biết anh ta, hoặc là bất kỳ
dấu vết nào khác. Tính thế rồi tôi bắt tay ngay vào chuẩn bị.
Có
điều là phòng hồ sơ của thành phố, đặc biệt là hồ sơ nhân sự, đều được
bảo mật, càng là hồ sơ cũ đóng dấu đỏ thì càng khó xem, đội khảo cổ này
thành lập vào những năm 1980, rất có thể còn trong phạm vi bảo mật, muốn xem không phải dễ dàng.
Mặt khác, muốn tìm hồ sơ, biện pháp tốt
nhất là tra từ sở nghiên cứu đã phái đội khảo cổ năm đó, đến bây giờ đã
được hơn hai mươi năm, không phải quá dài nên chắc vẫn còn lưu lại.
Tôi cũng không biết cụ thể là ở sở nghiên cứu nào tại Trường Sa, có điều
khi đó chưa có nhiều tên gọi như ngày nay, liên quan tới khảo cổ thì chỉ có thể là một sở nghiên cứu.
Phần lớn trong đó đều là sinh viên, vậy khả năng là trong một trường đại học, chắc cũng không khó kiểm chứng.
Qua mấy lần tìm kiếm, quả nhiên đúng như tôi nghĩ, có một sở nghiên cứu
trùng khớp với tình hình bên tôi, hiện đã bị sát nhập, địa chỉ cũ ngay
trong khuôn viên một trường đại học nổi tiếng.
Trường đại học kia
sắp bị di dời, lúc tôi và Vương Minh tới, mấy hàng chữ bên ngoài đều đã
rụng xuống đất, ở đây chắc đã bán lại cho công ty địa ốc, nếu tới trễ
vài ngày chắc chỉ còn thấy một khu đất bằng phẳng.
Đây xem như
cũng là một manh mối, sở nghiên cứu sát nhập rồi thì hồ sơ chắc đã được
chuyển sang sở nghiên cứu mới, cũng có thể là còn lưu lại trong phòng hồ sơ của trường đại học cũ. Mấy cơ quan đơn vị đó tôi đều biết, chỉ là
không quá hi vọng vào việc những bộ hồ sơ từ hơn hai mươi năm trước còn
có người để tâm đến.
Có điều chuyện này không tiện để hỏi thăm,
tôi nhờ vào quan hệ, trong mấy người quen cũ của chú Ba có một người làm công tác quản lý sở nghiên cứu, người kia họ Đỗ, tên lại rất hay, gọi
là Quyên Sơn. Mời hai bao thuốc Trung Hoa rồi tiện dò la tin tức, anh ta liền nói đúng là trụ sở có di chuyển, nhưng hồ sơ vẫn còn lưu lại trong trường đại học, sở nghiên cứu và trường vẫn còn bám lấy nhau, trong bọn họ có nhiều người đang làm giáo sư trong trường, nếu tôi muốn xem thì
để anh ta đưa tôi vào xem. Ngoại trừ cửa ngoài có hơi bất tiện còn đâu
bên trong vẫn rộng rãi lắm, khả năng hồ sơ cũ rất khó tìm thấy, cũng
khuyên tôi đừng ôm hi vọng quá lớn.
Đàm đạo cũng không lâu, đêm đó chúng tôi liền hành động.
Khu nhà cũ của trường đại học nhìn qua vẫn thấy được là từ bệnh viện xây
lên, hồ sơ trong phòng lớn dưới tầng trệt, rộng cả trăm mét vuông, quả
thực giống một kho hàng, cũng không phí công. Tôi và Đỗ Quyên Sơn từ
trên cái hiên vừa hẹp vừa bé bước xuống, phía dưới đèn đóm không có,
xung quanh một khoảng tối đen như mực. Dùng đèn pin trong tay soi, tất
cả đều là từng tầng từng tầng giá gỗ, trên đặt đầy những túi hồ sơ bằng
giấy, có dày có mỏng, có nguyên vẹn có cả rách nát, chồng nằm ngang
chồng lại dựng thẳng đứng, phần lớn đều bị bụi phủ dày một tầng mặt,
ngửi qua thấy mùi ẩm mốc đầy trong phòng.
Đỗ Quyên Sơn nói với
tôi, hồ sơ bình thường sau năm 1995 đều đã bị dọn đi rồi, còn lại chỗ
này quanh năm suốt tháng không hề có ai động gì tới, đoán chừng tới tận lúc mang đi tiêu hủy cũng chẳng người nào buồn lật ra xem.
Tôi
nhìn tình hình đó, cảm giác rất u ám. Có điều là cũng vẫn tốt chán vì
tháng Tám Trường Sa khá nóng nhưng buổi tối lại mát mẻ đi
ít nhiều, hơn
nữa nơi này lại dưới lòng đất, cái lành lạnh này cũng rất thoải mái. Tôi cắn đèn pin, quạt quạt vài cái rồi bắt đầu tiến tới giá gỗ phía trước
tìm kiếm.
Lại nói là tôi biết đại học Thanh Hoa có một ngành là
quản lý thư viện, lúc ấy còn cảm giác rất quái, quản lý thư viện là cái
gì mà phải học? Nhưng khi nhìn quy mô của phòng hồ sơ này, tôi mới hiểu
được, người có thể quản lý được tất cả đống này thì mình phải gọi họ một tiếng thiên tài mới phải, nhìn bao nhiêu giá sách đó, người thường chắc chắn mắt đã tối đen đi rồi. Đấy là mới chỉ nói một phòng hồ sơ của sở
nghiên cứu, nếu là phòng hồ sơ của quốc gia, số lượng lên tới cả triệu
thì phải cần tới bao nhiêu người mới có thể quản hết được?
Đỗ
Quyên Sơn sợ tôi gặp rắc rối lại vạ lây tới anh ta nên luôn luôn đứng
bên cạnh quan sát, giúp tôi tìm tòi, cũng hỏi tôi vài chi tiết của vấn
đề, để hỗ trợ sàng lọc hồ sơ.
Vì có nguyên nhân đặc biệt nên quy
định hồ sơ Trung Quốc rất chi tiết, chỉ cần dựa vào một quy luật nhất
định, miễn là nó còn tồn tại thì nhất định sẽ tìm ra. Tiếc là tôi hiện
đang như ruồi mất đầu, chỉ biết chung chung thời gian, ngay cả số đội
khảo cổ tôi cũng không biết, đành phải lật từng phần từng phần một.
Tìm tới nửa ngày cũng không thu hoạch được chút gì. Ý của tôi là tìm theo
năm, toàn bộ tài liệu ở đây đều được sắp xếp theo trình tự thời gian,
như vậy chỉ cần trong khoảng từ năm 1980 đến 1985 là có thể tìm ra hồ sơ của đội khảo cổ, có thể tra cứu được chút tin tức bên trong. Ở sở
Trường Sa, tuy đội khảo cổ hoạt động tương đối nhiều nhưng số lượng
tuyệt đối không có bao nhiêu, một đội có thể chịu trách nhiệm nhiều hạng mục. Không ngờ lật hết cả từng ấy năm hồ sơ, cũng không thấy bất kỳ túi hồ sơ nào có liên quan tới đội khảo cổ Tây Sa.
Tôi lấy làm lạ, hỏi Đỗ Quyên Sơn, còn để ở chỗ nào khác không?
Anh ta lắc lắc đầu, nói cơ bản là không có, trừ khi nó lưu ở trong phòng hồ sơ mật, vậy mới không có ở đây, còn không nữa thì chắc đã bị tiêu hủy
rồi.
Tôi thầm nói không thể nào, đội khảo cổ dù có cơ mật thì cũng không tới mức phải làm như thế.
Anh ta an ủi tôi, nói là chuyện này cũng thường xảy ra, có lẽ như tôi nói,
sau khi đội khảo cổ kia mất tích, sự tình cũng xem như một việc hệ
trọng, vì để giữ bí mật nên người ta đã đem hồ sơ đi xử lý rồi.
Chúng tôi đem những bộ hồ sơ vừa rồi đặt ngăn nắp lại, trong lòng rất chán
nản, có điều là cũng đã sớm tiên liệu được chuyện không dễ dàng như vậy.
Có chút tức tối khi bước ra khỏi phòng hồ sơ, vừa mất toi hai bao thuốc,
vừa nghĩ tiếp theo phải làm sao đây. Nếu cách này không thể dùng được,
vậy đúng như Muộn Du Bình nói, anh ta là một người chưa bao giờ thuộc về thế giới này.
Lúc đó tôi chợt thấy trước cầu thang còn có một
đường dẫn xuống dưới nữa, hình như là phòng hồ sơ không chỉ có một tầng. Cửa cầu thang làm bằng sắt, mặt trên xích sắt có ổ khóa rất to, trên
cửa còn dán cả giấy niêm phong từ năm nào.
“Dưới kia là nơi nào vậy?” tôi hỏi.
“Đó là phòng hồ sơ của những năm trước 1950. Thời điểm cách mạng văn hóa,
sợ phái phản động gây chuyện nên bị khóa lại, phải tới vài chục năm rồi
không có ai mở cánh cửa này.”
“Có thật vậy không?” tôi cầm đèn pin soi vào trong, rõ ràng thấy xích sắt kia đã bị người ta cắt đứt, chỉ
còn treo hờ bên trên cửa, nếu như không nhìn kỹ thì không dễ phát hiện
ra.