Đáp Xuống Từ Độ Cao Mười Nghìn Mét

16: Radar


trước sau

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.


Đã từ rất lâu rồi, anh vẫn luôn nghĩ mình không còn có thể rung động như vậy nữa….



Sau khi nghỉ ngơi một ngày, Trần Gia Dư phải chấp hành nhiệm vụ bay từ Bắc Kinh tới Hồng Kông.

Bữa cơm với Thường Tân hôm đó khiến anh hơi bồn chồn, hai đêm liên tiếp trằn trọc không ngủ được.
Sáu giờ sáng, thời tiết có chút âm u, bầu trời Bắc Kinh buổi sớm thu mờ mịt bụi, Trần Gia Dư tới nhà bố mẹ.

Vì còn quá sớm nên mẹ anh chưa dậy, bố anh thì đã xuống nhà đi dạo.

Anh nấu cháo bí đỏ cho mẹ, bỏ các loại gạo, ngũ cốc cùng mấy lát bí đỏ vào trong nồi cơm điện rồi đặt hẹn giờ.

Sau đó, anh đi vào phòng ngủ, ngắm khuôn mặt ngủ bình yên của mẹ.

Mấy tháng gần đây, việc này như một nghi thức thầm lặng, mang đến cho anh một thoáng bình tâm.
Đồng hành cùng anh trong chuyến bay lần này là Nhạc Đạt Siêu – một cơ phó cùng sống tại Bắc Kinh giống anh, đã có kinh nghiệm hơn một ngàn giờ bay với tàu 737.

Vậy nên hai người họ một chặng đi, một chặng về, nhiệm vụ xem ra tương đối nhẹ nhàng.
Chặng đi Trần Gia Dư lái chính, cả chuyến hành trình rất suôn sẻ.

Những điều mà anh lo lắng đến mức trằn trọc mất ngủ đêm qua đã không thành hiện thực.

Thời tiết Thượng Hải rất đẹp, khi tiếp đất anh chơi hẳn nhấc mũi bánh trước[1], rất mượt mà và vững vàng.

Nhóm tiếp viên còn bảo lúc tiếp đất rất nhiều hành khách đã vỗ tay cho anh, đến Nhạc Đạt Siêu cũng phải kêu “woah”.
Thế nhưng chặng về lại gặp mưa lớn cục bộ.

Chặng này Trần Gia Dư ngồi ghế phó lái, hỏi Trung tâm kiểm soát đường dài khu vực Hoa Bắc về tình hình thời tiết trên kênh radio.

Trung tâm kiểm soát đường dài Bắc Kinh báo rằng tình hình thời tiết tại sân bay Đại Hưng vẫn ở mức ổn, tuy nhiên bên phía sân bay Thủ Đô có liên tiếp mấy tàu bay không hạ cánh được nên đều phải chuyển hướng hạ cánh Đại Hưng.
Nhạc Đạt Siêu tiếc nuối cho giải thưởng tiết kiệm nhiên liệu tháng này của mình.

Trần Gia Dư an ủi cậu ta: “Chỉ cần thời tiết cho phép, thêm vài tàu bay chuyển hướng hạ cánh cũng chẳng sao.

Phải để bọn họ xếp sau chúng ta.”
Nhạc Đạt Siêu tán thành: “Đúng rồi.

Dù sao giải tiết kiệm nhiên liệu của chúng ta cũng bay mất rồi, hãng hẳn là nên thương lượng nội bộ để bảo kê cho chúng ta.”
Trần Gia Dư mỉm cười, nhưng trong đầu anh lại nghĩ tới Phương Hạo.

Mấy bữa anh không gặp được cậu ấy ở sân bay.

Anh còn nghe được từ Trịnh Hiểu Húc nghe được từ Sở Di Nhu rằng dạo gần đây Cơ sở tiếp cận cực kỳ bận rộn.
Hôm nay đáng nhẽ ra là ca trực của Vương Triển Bác.

Thời tiết có hơi âm u, tầm nhìn chỉ đạt khoảng 900m, không thể tính là tốt nhưng cũng không đến nỗi tệ.

Sau khi nhận được báo cáo khí tượng về tình hình mưa lớn và đối lưu mạnh ở bên sân bay Thủ Đô, mấy người Phương Hạo đã chuẩn bị sẵn sàng – Một khi tình hình thời tiết như vậy thì các chuyến bay tới sân bay Thủ Đô chắc chắn sẽ chuyển hướng sang Đại Hưng, khả năng cao sẽ tạo nên một đợt cao điểm lưu lượng bay.
(Đối lưu: chỉ sự di chuyển theo chiều thẳng đứng của một nhóm chất lỏng hoặc chất khí.

Trong khí tượng, khi đối lưu phát triển mạnh, sự chênh lệch nhiệt độ theo chiều thẳng đứng lớn, làm cho áp suất thay đổi đột ngột, sẽ tạo nên hiện tượng dông lốc)
Hôm nay, Quách Tri Phương không đi làm, trong phòng Cơ sở kiểm soát tiếp cận chỉ có Phương Hạo là dày dặn kinh nghiệm nhất.

Chuyện như này không phải lần đầu xảy ra, Phương Hạo cũng đã quen rồi.

Những khi lưu lượng di chuyển tăng cao, anh và Vương Triển Bác sẽ đổi vị trí, Vương Triển Bác ngồi sau anh vừa theo dõi vừa ghi chú.
Trong căn phòng điều hòa, Phương Hạo kề sát bên micro, đưa ra từng câu huấn lệnh điều hành tàu bay.
“China Southern 1577, dừng chờ tại điểm JVN, giữ độ cao 5100, thời gian tiếp cận dự kiến là 31 phút.”
“Dừng chờ tại điểm JVN, giữ độ cao 5100, thời gian tiếp cận dự kiến là 31 phút.

China Southern 1577.”
“Shanghai Air 7318, giữ độ cao 3000, rẽ trái hướng 300, giảm tốc độ tới 180.”
“Giữ độ cao 3000, rẽ trái hướng 300, giảm tốc độ tới 180.

Shanghai Air 7318.”
“Capital Jet 4355, giữ độ cao 6300 qua điểm DULES.”
“Giữ độ cao 6300.

Capital Jet 4355.”
“Lianhang 2618, bay lên 1800.”
“Bay lên 1800, Lianhang 2618.”
“Hainan 6713, hãy trở về tự dẫn dắt thẳng đến điểm SOAS, bay lên và giữ độ cao 2100.”
“Thẳng đến SOAS, bay lên và giữ độ cao 2100.

Hainan 6713.”
“China Southern 3189, độ cao 4200, đang bật mã số 1010.”
(Lianhang: call sign của hãng China United Airline, một hãng hàng không giá rẻ trực thuộc hàng hàng không Đông Phương, có mã IATA là KN;
Mã số ở đây là mã squawk.


Mã squawk thường gồm 04 chữ số, được sử dụng để dễ dàng nhận diện tàu bay trên hệ thống radar hoặc để xác nhận tình trạng khẩn nguy của tàu bay)
“China Southern 3189, Bắc Kinh, hạ cách hệ thống ILS đường cất hạ cánh 02, trước tiên giảm và giữ độ cao 3600, giảm tốc độ đến 220.”
“Air Hongkong 439, contact Departure 124.5.

Good day.” (Air Hongkong 439, liên hệ tần số cất cánh 124.5.

Tạm biệt)
“…”
Tròn năm phút, Phương Hạo không di chuyển, không uống lấy một giọt nước, chỉ ngồi đó, vững như Thái Sơn.

Vương Triển Bác ngồi phía sau anh theo dõi tới mức ngẩn ngơ.

Bóng lưng Phương Hạo không thuộc dạng dày rộng, thậm chí anh chỉ mặc độc một chiếc áo sơ mi ngồi trong căn phòng điều hòa lạnh căm căm này trông rất phong phanh, thế nhưng Vương Triển Bác lại cảm thấy tấm lưng anh cực kỳ vững chãi.
Cậu ta ngồi ngẫm nghĩ cẩn thận, mô phỏng xem trong tình huống lưu lượng cao như này, nếu bản thân là mình đảm nhiệm thì nên điều hành như nào.
Đột nhiên, các màn hình radar chớp nháy liên tục.

Vương Triển Bác giật mình.

Cậu ta làm việc bao tháng rồi nhưng chưa từng bao giờ gặp phải tình huống như này.

Quả nhiên, sau vài lần chớp nháy, tất cả mọi màn hình radar đều tắt ngóm.
Vương Triển Bác bật dậy khỏi ghế, sổ và bút cùng rớt xuống đất.
Phương Hạo cũng hơi khựng lại.

Chỉ một giây sau, anh đã lập tức nối lại kênh liên lạc: “Tất cả đơn vị, lập tức dừng đàm thoại, bắt đầu chế độ kiểm soát theo thủ tục.” Kiểm soát theo thủ tục, tiền thân của kiểm soát qua radar.

Kiểm soát viên không lưu sẽ không nắm được vị trí chính xác của tàu bay, không thể kiểm tra các thông tin quan trọng như độ cao, phạm vi tàu bay di chuyển, mọi thông tin đều cần phi công báo cáo.
(Kiểm soát theo thủ tục (procedural control): là một phương thức kiểm soát hoạt động bay của tàu bay theo một hệ thống các quy định và thủ tục đã được thống nhất và công bố từ trước)
Tuy không thể thấy bất cứ gì trên radar nhưng Phương Hạo vẫn không chút hoang mang mà đưa ra từng huấn lệnh một:
“China Southern 1577, tiếp tục dừng chờ tại điểm JVN.”
“Shanghai Air 7318, giữ độ cao 3100.”
“Capital Jet 4355, báo cáo thời gian qua lộ điểm.”
“Lianhang 2618, bay lên 2100.”
“Hainan 6713, bay lên 2800, báo cáo thời gian qua lộ điểm.”
“China Southern 3189… Tiếp tục giảm và duy trì độ cao 3600, giảm tốc độ tới 200.”
Mỗi lần đưa ra huấn lệnh, Phương Hạo sẽ di chuyển băng phi diễn[2] của chuyến bay đó và dùng bút viết nhanh các thông tin liên quan.

Mồ hôi lạnh chảy dọc lưng Vương Triển Bác.

Cậu ta nhận ra bản thân không nhớ được gì cả.

Thế nhưng cậu ta biết, vào khoảnh khắc màn hình tối đen, vị trí, độ cao, hướng bay, tốc độ của tất cả các tàu bay đều đã được in sâu trong não bộ của Phương Hạo.
Giờ cao điểm cộng với việc các chuyến bay chuyển hướng hạ cánh từ sân bay Thủ Đô, độ khó có thể xếp hàng địa ngục.

Khi kiểm soát theo thủ tục, do kiểm soát viên không thể kịp thời nắm bắt được thông tin chính xác của tàu bay, vậy nên các tàu bay buộc phải cách nhau ít nhất mười phút.

Lúc mới đầu, khoảng cách giữa các tàu bay đã tiến vào khu vực vẫn đang được điều chỉnh theo khi radar hoạt động, vậy nên việc sắp xếp kéo giãn khoảng cách giữa các tàu bay là khó nhất.

Những tàu bay tới sau chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt trình tự và chờ ở trên là được.
Sau bốn phút, radar cuối cùng đã hoạt động trở lại.

Phương Hạo nhìn màn hình, vị trí hiển thị của mười tàu bay giống y hệt với những gì anh hình dung trong đầu khi cấp huấn lệnh.

Anh cuối cùng đã có thể thở phào nhẹ nhõm.
“Tất cả đơn vị, có thể khôi phục chế độ kiểm soát qua radar….

Shanghai Air 7318, giảm và giữ độ cao 2500, rẽ trái hướng 290.”
“Giảm độ cao 2500, rẽ trái hướng 290, Shanghai Air 7318.” Cơ trưởng hãng Thượng Hải nói xong không quên bổ sung: “Những cái khác không nói, người anh em, cậu quá đỉnh.”
Có cậu cơ trưởng trẻ tuổi chưa từng trải qua tình huống này nên hỏi: “Tiếp cận Bắc Kinh, vừa rồi… radar bị hỏng sao?”
Phương Hạo vẫn bình tĩnh trả lời như cũ: “Phải, màn hình radar đột nhiên tối đen.”
Một cơ trưởng khác không nêu chỉ danh nhưng giọng rất quen thuộc nói trên kênh radio: “Sếp Phương, hai chữ thôi, trâu bò.”
“Xin thả like cho cậu.

Thật đấy.

Tôi không hề nhận ra.” Một cơ trưởng khác nói.
Trong phòng Cơ sở kiểm soát tiếp cận, Vương Triển Bác thì thầm nói: “Thầy ơi, vừa rồi…”
Phương Hạo nhìn cậu ta, khẽ gật đầu: “Đây cũng là lần đầu của anh.”
Phương Hạo bị kích thích bởi adrenaline, bàn tay đang cầm băng phi diễn lúc này hơi run rẩy.

Anh nghĩ, anh biết, mà Vương Triển Bác cũng biết, bọn họ vừa trải qua bốn phút sống còn.
(Adrenaline: là chất dẫn truyền thần kinh được cơ thể sản sinh ra khi hưng phấn, sợ hãi hay giận dữ.

Adrenaline tác động vào hệ thần kinh giao cảm, tạo cảm giác kích thích hoặc phấn khích mạnh)
Khi Trần Gia Dư và Nhạc Đạt Siêu kết nối với tần số của Cơ sở tiếp cận Bắc Kinh thì nghe thấy cơ trưởng các chuyến bay đang cảm ơn Phương Hạo trên sóng radio.

Anh chờ một lúc rồi mới lên tiếng: “Air China 1588, độ cao 5000, đang bật mã số 3037, chờ chỉ huy.”
Phương Hạo nói: “Air China 1588, radar nhận dạng tốt, tiếp cận theo hướng GREDO-7, đường cất hạ cánh 17L.”
Sau khi Trần Gia Dư vào kênh, không còn ai nhắc tới chuyện vừa xảy ra trên sóng radio nữa.


Rốt cuộc vừa rồi xảy ra chuyện gì vậy? Nhẽ nào lại có tàu bay nổ lốp? Anh thậm chí còn không để ý tới việc Phương Hạo vừa rồi đã phân đường cất hạ cánh 17L cho mình.
Trần Gia Dư và cơ phó Nhạc Đạt Siêu hoàn thành xong việc kiểm tra theo checklist trước khi hạ cánh thì Phương Hạo chuyển bọn họ qua tần số của Đài kiểm soát.

Lúc này, Trần Gia Dư cũng không còn tâm sức để nghĩ tới chuyện vừa rồi nữa, anh phải chuẩn bị hạ cánh.
Bên phía Phương Hạo, vừa hay Phó Tử Tường – kiểm soát viên tới thay ca cho Phương Hạo – tới sớm hai mươi phút.

Anh thấy anh ta, bèn tháo bộ tai nghe kèm micro xuống: “Tử Tường, làm phiền cậu hôm nay nhận ca sớm một chút giúp tôi.”
Phó Tử Tường hơi ngạc nhiên rồi lập tức đồng ý.

Anh ta đã làm việc cùng Phương Hạo tại Cơ sở tiếp cận sân bay Đại Hưng hơn một năm, chưa từng thấy Phương Hạo nhờ vả ai bao giờ.

Hôm nay xảy ra chuyện gì sao?
Phương Hạo thấy Phó Tử Tường ngồi vào vị trí thay chỗ cho mình thì bèn đứng lên đi vào phòng nghỉ để rửa mặt.

Rõ ràng trong bụng anh chẳng có gì nhưng lại không kiềm chế được cảm giác buồn nôn.

Anh nôn khan một lúc, thật sự chẳng có gì, rồi vốc nước lạnh rửa mặt.
Bốn phút, mười tàu bay, nếu tính theo mức mỗi tàu bay chứa từ 100 tới 200 người thì cũng gần 2000 sinh mạng, vừa rồi đều nằm trọn trong bàn tay của một mình anh.

Sự thật ấy như một quả đạn pháo hạng nặng ập đến với anh có chút chậm trễ, mang theo cảm giác âm ỉ lan dần từ trước ngực ra sau lưng.

Các tổ lái đều cảm ơn anh trên kênh radio nhưng Phương Hạo lại không hề thấy tự hào, anh chỉ cảm thấy nghĩ lại mà khiếp.
Vương Triển Bác sau khi thấy Phương Hạo đã đi xa thì mới nhỏ giọng nói với Phó Tử Tường: “Anh Tường, vừa nãy toàn bộ radar của Cơ sở tiếp cận đều bị hỏng, phải tròn bốn phút ấy.”
Phó Tử Tường: “Đù má…”
Vương Triển Bác bổ sung: “Giờ cao điểm, lại còn đúng hôm bên sân bay Thủ Đô gặp vấn đề thời tiết nên một đống tàu bay chuyển hướng hạ cánh.”
Phó Tử Tường không nói gì, anh ta đã hiểu rồi.
Lúc Phương Hạo quay lại bàn điều hành, việc đầu tiên anh làm là gọi điện thông báo tình hình cho lãnh đạo, sau đó gọi thợ điện tới kiểm tra hệ thống thiết bị radar.

Nguyên nhân khiến màn hình vừa rồi tối đen trọn bốn phút không rõ là do thiết bị hay mạch điện, cho dù là nguyên nhân gì thì cũng đều là một mối nguy hiểm tiềm ẩn, cần được xử lý sớm.

Nhà thợ điện ở gần sân bay nhưng cũng phải nửa tiếng nữa mới tới nơi được.

Phương Hạo không yên tâm mấy người Phó Tử Tường và Vương Triển Bác nên định sẽ chờ thợ điện kiểm tra xong rồi tính tiếp.
Tại vị trí kiểm soát viên, Phó Từ Tường điều hành tàu bay đâu ra đấy.

Hiện tại đã vào ca chiều tối, lưu lượng có thấp hơn một chút, nhưng vì tình hình thời tiết tại sân bay Thủ Đô nên bên đây vẫn cứ tàu bay này nối tiếp tàu bay kia, cả bảy đường cất hạ cánh đều được đưa vào hoạt động.
Wechat của Phương Hạo sắp nổ tung rồi.

Đầu tiên là bên Đài kiểm soát biết chuyện, Sở Di Nhu không đi làm nhưng cũng nghe nói nên đã nhắn tin hỏi thăm với anh.

Sau đó là Quách Tri Phương hỏi anh tình hình như thế nào.

Anh không dám lơ là, trả lời hết từng người một.
Tiếp theo là nhóm chat công việc của cơ quan kiểm soát không lưu sân bay Đại Hưng mà anh có tham gia.

Nhóm chat có thêm cả các phi công làm việc thường trực tại sân bay Đại Hưng, vốn được lập ra để thông báo một và thông tin nên bình thường không ai nhắn tin vào đây cả.

Kết quả mấy cơ trưởng lúc nãy có mặt trên kênh radio lần lượt tag tên anh, cảm ơn sự chỉ huy trong lúc hoạn nạn ngày hôm nay của anh.

Tuy Phương Hạo không cảm thấy có gì đáng tự hào nhưng biết tổ lái công nhận phần việc mình làm thì trong lòng cũng được an ủi phần nào.
Trần Gia Dư cũng trong nhóm chat này, đọc tới đây thì cuối cùng không nhịn được nữa, bèn nhắn tin qua Wechat cho Phương Hạo:「 Vừa nãy có chuyện gì vậy? 」
Vài giây sau, lại nhắn thêm:「 Tôi tới muộn nên không bắt kịp.


Phương Hạo:「 Không bắt kịp là anh may đấy.


Trần Gia Dư:「 ? 」
Phương Hạo:「 Radar Tiếp cận ngừng hoạt động.


Trần Gia Dư:「 Đệch 」
Phương Hạo muốn nhắn trả lời nhưng không biết nên nói gì, chỉ đành gửi một cái emoji đập đầu vào tường.
Trần Gia Dư nhìn chằm chằm điện thoại, phì cười.
Nhạc Đạt Siêu đang xem tài liệu chuyến bay ở bên cạnh, gọi anh: “Anh Gia, chuyến này của chúng ta vẫn đạt mức tiết kiệm nhiên liệu này.

Mỗi lần được hạ cánh tại đường băng 17L đều như trúng số độc đắc vậy.”
Trần Gia Dư không đáp.

Thật ra anh từ sớm đã không còn quan tâm việc có tiết kiệm được nhiên liệu hay không nữa rồi, có điều Nhạc Đạt Siêu nhắc anh nhận ra Phương Hạo đã để đường cất hạ cánh tốt nhất cho anh, anh phải thực hiện lời hứa của mình.
Anh gửi tin nhắn cho Phương Hạo một cách hết sức tự nhiên: 「 Để tôi mời cậu đi uống chút gì cho đỡ sợ nhé? 」
Phương Hạo vốn dĩ muốn ở một mình để cân bằng lại tâm trạng.

Thế nhưng Trần Gia Dư đã có lời mời, Phương Hạo nghĩ thấy đợi thợ điện qua kiểm tra cũng phải hơn nửa tiếng nữa nên cũng không từ chối.

Hai người rất ăn ý, lại một lần nữa hẹn nhau tại Koza.

Trần Gia Dư rảo bước đi tới, liếc ngang liếc dọc, không thấy bóng dáng Phương Hạo bên quầy bar mà thấy cậu ấy đã đang ngồi ở một bàn nhỏ bên cạnh quầy.

Phương Hạo ngả người dựa vào tường, trên bàn trước mặt có ly nước lọc cỡ lớn, ánh mắt thì nhìn về một nơi xa xăm như thể đang ngẩn người.
“Lần này cậu tới sớm rồi,” Trần Gia Dư để túi phi công xuống, cởi áo khoác vắt lên lưng ghế rồi hỏi Phương Hạo: “Cậu muốn gọi món gì?”
Lúc này Phương Hạo mới nhận ra Trần Gia Dư đã tới, gượng gạo mỉm cười với anh, bảo: “Latte thường thôi, loại nóng, cỡ nhỏ….

Sữa yến mạch, không thêm đường.”
Trần Gia Dư nhìn cậu ấy nói hết mỗi chuỗi không khác gì cấp huấn lệnh, cũng tiếp lời một cách tự nhiên: “Latte nóng, cỡ nhỏ, thêm sữa yến mạch, không thêm đường.”
Phương Hạo vẫn chưa nhận

ra, hỏi: “Sao vậy? Có gì… kỳ quặc sao?”
Trần Gia Dư tủm tỉm cười, nói: “Tôi nhắc lại đúng rồi chứ, Bắc Kinh.”
Phương Hạo có chút câm nín, nhìn Trần Gia Dư đi ra quầy gọi đồ, rồi mới chợt nhận ra – Trần Gia Dư vừa rồi thấy anh không vui nên cố ý trêu anh sao?
Trần Gia Dư mua cho bản thân một ly cà phê đen thường, rồi còn tự quyết mua thêm hai chiếc bánh muffin việt quất.
“Cậu một chiếc, tôi một chiếc, ăn chút đi.” Anh ngồi xuống, duỗi đôi chân dài rồi đẩy bánh muffin tới trước mặt Phương Hạo.
Tiệm cà phê ở sân bay có không gian hạn chế, nội thất cũng được giữ ở mức đơn giản, đều là những chiếc ghế tròn nhỏ cũng bàn tròn cỡ mini, kiểu chỉ đặt vừa một chiếc laptop của nhân viên công sở ấy.

Cả quán Koza cũng chỉ có bốn, năm chiếc bàn, vị trí trong góc hiển nhiên vô cùng chật chội.

Sau khi Trần Gia Dư ngồi xuống, cẳng chân anh có thể chạm tới chỗ đầu gối của Phương Hạo.
Phương Hạo cảm ơn anh, bảo: “Để tôi chuyển tiền qua Wechat cho anh.

Bánh thì thôi, hôm nay tôi thật sự không muốn ăn gì.”
Trần Gia Dư tỏ vẻ trách móc: “Sao cậu khách sáo thế.

Hơn nữa không phải đã nói nếu cậu để 17L cho tôi thì tôi sẽ đãi cậu sao.”
Phương Hạo bị anh nói vậy thì sững người: “Tôi để anh…?”
Trần Gia Dư cũng sửng sốt: “Lúc hạ cánh hôm nay, là cậu điều hành bọn tôi mà.

Air China 1588.”
Phương Hạo nhíu mày, dường như đang cố gắng nhớ lại nhưng cuối cùng vẫn phải bỏ cuộc: “Xin lỗi, tôi không nhớ được.”
Vậy tức là Phương Hạo không nhận ra anh nhưng vẫn tốt bụng xếp cho bọn họ hạ cánh ở 17L.

Việc sắp xếp đường cất hạ cánh như vậy thật sự chỉ là tình cờ? Khi ý thức được điều này, Trần Gia Dư có chút thất vọng.
Tuy nhiên hiện tại, Trần Gia Dư cũng có thể nhìn ra Phương Hạo không như lúc thường nên an ủi ngược lại cậu: “Không sao, hôm nay bận quá mà.”
Song Phương Hạo lại không cảm thấy được an ủi, nói: “Tôi chưa từng quên bao giờ cả.

Lúc trước…”
Lúc trước, mỗi chuyến bay của Trần Gia Dư hoặc của người quen mà do anh chỉ huy, sau khi tan ca nếu có người hỏi tới, anh đều sẽ nhớ rõ số hiệu chuyến bay.

Vậy mà hôm nay, không chỉ số hiệu chuyến bay mà anh thậm chí còn không nhớ đã nghe thấy giọng Trần Gia Dư trên sóng VHF.
“Mấy anh hạ cánh hạ cánh phút thứ bao nhiêu vậy?”
Phương Hạo vẫn thấy vướng mắc với việc không nhớ ra chuyến bay của Trần Gia Dư.

Anh muốn chắc chắn là bọn họ hạ cánh lúc anh đang làm việc chứ không phải sau khi Phó Tử Tường tiếp quản.
Trần Gia Dư đáp: “Tôi hạ cánh phút 33.”
Phương Hạo bất đắc dĩ nói: “Vậy thì đúng là tôi rồi.

Có lẽ tôi… đã không để ý.”
Lúc nói lời này Phương Hạo có hơi ủ rũ.

Trần Gia Dư ngồi phía đối diện trông được, chỉ cảm thấy nét mặt và phản ứng này của cậu có gì đó quen thuộc, dường như cậu ấy đã bị dọa sợ rồi.
Trần Gia Dư hỏi dò: “Radar hỏng có lâu không? Không có hệ thống dự phòng sao?”
Phương Hạo trả lời: “Ừm, hỏng trọn bốn phút.

Hệ thống dự phòng cũng treo toàn bộ, đều tối đen, không có một chút thông tin nào cả.”
Trần Gia Dư bắt đầu ăn bánh muffin việt quất, vừa ăn vừa nói: “Đáng sợ thật.

Chỉ nghe cậu kể thôi đã thấy sợ rồi.”
Phương Hạo gật đầu, bảo: “Ừ, nghĩ lại mà sợ.

Chỉ cần nhớ sai một vị trí, chỉ huy sai một độ cao… Tôi cũng không dám nghĩ nữa.”
Trần Gia Dư lại cố an ủi cậu: “Vạn bất đắc dĩ thì trên tàu bay cũng có TCAS mà.”
(TCAS – Traffic collision avoidance system: hệ thống cảnh báo va chạm tàu bay.

TCAS sẽ hiển thị thông tin vị trí, khoảng cách độ cao giữa các máy bay, cảnh báo nguy hiểm, đưa ra yêu cầu về hành động để phi công thực hiện nhằm tránh nguy hiểm)
Phương Hạo đương nhiên biết điều ấy, anh có thể nói là thuộc làu làu thông số, tính năng của các loại tàu bay: “Ừm, nếu thật sự cần tới TCAS thì đời này tôi đừng nghĩ cầm tới micro nữa.

Hơn nữa… nếu tôi cấp một huấn lệnh, TCAS lại cấp một huấn lệnh ngược lại, vậy phi công sẽ nghe ai đây?” Nếu thật sự tới mức đó thì có lẽ đã bước một chân vào vụ tai nạn hàng không lớn rồi, bi kịch tại Uberlingen[3] xảy ra cũng là vì vậy.
Trần Gia Dư nhìn vào mắt Phương Hạo.

Không rõ vì sao, trong ánh mắt cậu mang một nét điềm tĩnh.
Một lúc lâu sau, anh nói: “Tôi phát hiện, Phương Hạo, con người cậu bi quan thật đấy.”
Phương Hạo nhỏ tiếng đáp: “Vậy sao?”
Trần Gia Dư: “Phải.”
Phương Hạo không đáp lại ngay.

Anh bi quan sao? Kiểm soát viên không lưu là một nghề thử thách mức độ thành thạo trong khả năng kiểm soát.

Phương Hạo là một người thích cảm giác có thể kiểm soát được tình hình.

Anh điều hành tàu bay trên trời bay theo đúng thứ tự; cầm máy ảnh và nhấn màn trập để bắt lấy khoảnh khắc; hoặc chạy bộ từ 20 tới 30 km sẽ kiểm soát nghiêm ngặt nhịp tim dưới mức 150.

Anh thích nắm giữ vận mệnh trong lòng bàn tay mình.

Anh chỉ ghét sự mất kiểm soát mà thôi.
Qua một lúc, Phương Hạo mới nói: “Anh Gia, cảm giác sợ hãi sau khi sự cố xảy ra, thật ra không đến lượt tôi nhắc tới, những gì tôi được trải nghiệm còn chưa được bằng một phần mười.”
Tất nhiên Trần Gia Dư hiểu cậu đang nói tới vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông của anh.

Anh biết bản thân không muốn nhắc tới chuyện này nên đã khéo léo trả lời: “Cảm giác áp lực và khổ sở đâu có phân cấp độ, cũng không thể so sánh được.

Nếu thật sự phải tính, số sinh mạng mấy cậu nắm giữ phải gấp mười lần phi công ấy.”

Phương Hạo cũng nhìn anh, ánh mắt không chút tránh né: “Thế, anh từng sợ sao?”
Trần Gia Dư trả lời, cũng không chút do dự: “Đương nhiên rồi.”
Phương Hạo nói: “Chúng tôi từng tập dượt rất nhiều tình huống khẩn nguy đặc biệt, 7700, 7500… Thế nhưng lại hoàn toàn chưa tập dượt qua tình huống radar ngừng hoạt động.

Thế nhưng khi nó thật sự diễn ra… Tôi phát hiện, ngoài việc tiếp tục làm, tiếp tục cấp huấn lệnh, dường như không còn lựa chọn nào khác.”
Trần Gia Dư cảm thấy những lời này của cậu đã nói trúng suy nghĩ trong lòng anh: “Cậu biết đấy.

Là một phi công, trong bài kiểm tra định kỳ hàng năm đều phải mô phỏng tình huống một bên động cơ hỏng rồi hạ cánh khẩn cấp.

Đây là môn thi bắt buộc.

Thế nhưng chẳng có ai mô phỏng tình huống một bên động cơ hỏng, bên còn lại không thể điều chỉnh giảm lực đẩy.

Nên hạ cánh thế nào, kết cấu cánh tà ra sao, bắt tín hiệu Đài Glidepath như nào, góc bao nhiêu, dùng phương thức nào để hạ cánh.

Đến lúc tình huống thật sự xảy ra, tất cả mọi người đều nhìn cậu, cậu chỉ có thể tiếp tục mà làm thôi.”
(Cánh tả (flap): là một phần cánh nằm mép trong phía sau cánh, sát thân máy bay.

Cánh tà có thể được mở rộng để tăng diện tích bề mặt cho cánh, giúp tăng lực nâng trong giai đoạn cất cánh hoặc hạ cánh, ngoài ra cũng có tác dụng đổi hướng khi bay (mở một bên cánh tà) và làm thắng khi máy bay đã chạm đường băng)
Kể từ sau vụ việc tại Hồng Kông, dù là lúc nào, ở đâu hay trong bất kỳ một chương trình hoặc bài phỏng vấn nào, anh đều chưa từng bao giờ nói ra những lời này.

Thế nhưng, khi nhìn vào mắt Phương Hạo, con ngươi đen láy ấy dường như chứa đựng ánh sáng, khiến anh nói ra hết tất cả.
Xung quanh Trần Gia Dư có rất nhiều người.

Có cha mẹ, lãnh đạo, giáo viên tự hào về anh, rồi có những người muốn nịnh nọt anh, muốn theo đuổi anh hoặc nhờ vả anh làm việc này việc kia.

Thế nhưng trong số đó, có rất ít người có thể thật lòng tâm sự cùng anh.

Có người vì ngại làm phật lòng anh, lại có người vì muốn giữ hình tượng của Trần Gia Dư trong lòng họ.
Sau vụ việc tại Hồng Kông, anh có sợ không? Một câu hỏi như vậy, chưa từng có ai hỏi anh cả.

Vì tất cả mọi người đều thầm cho rằng anh không sao, anh làm được, anh là siêu nhân, những gì người khác không làm được thì anh vẫn nhất định có thể thực hiện.

Thế nhưng, một câu hỏi đơn giản luôn có câu trả lời đơn giản.

Anh sợ, khi ấy sợ, sau này sợ, ngay giây phút này đây anh cũng sợ.
Phương Hạo nâng ly latte sữa yến mạch nóng của mình lên, uống một hớp, như thể đang cân bằng lại cảm xúc.

Anh không ngờ Trần Gia Dư lại đột ngột kể cho anh nghe về chuyện xảy ra năm ấy.

Càng không ngờ, hai người bọn họ lại có nhiều điểm chung hơn là điểm khác biệt.
Trần Gia Dư nhìn Phương Hạo chăm chú.

Phương Hạo đẹp trai, điều này không có gì phải nghi ngờ, ngay từ đầu anh đã biết rồi.

Sự đẹp trai của cậu ấy mang cảm giác thiếu niên cũng chút bướng bỉnh.

Khi nói chuyện với anh, cằm cậu sẽ hơi vênh lên, mọi tâm tư, suy nghĩ đều không hề che đậy, được bộc lộ một cách thẳng thắn.
Ban đầu, anh xin thông tin liên lạc của Phương Hạo là để xin lỗi.

Kể cả việc tiện đường chờ cậu về nhà sau bữa tiệc tối hôm đó cũng là trong tầm khả năng làm được nên tiện thì làm, để tạo mối quan hệ tốt với người bên sân bay hoặc kết giao bạn bè, không có ý gì khác.
Thế nhưng hôm nay, cảm giác ấy đã thay đổi.

Trần Gia Dư cảm thấy có một sợi dây trong tim mình dao động.

Nhận thức được điều này khiến bản thân anh cũng ngạc nhiên – Đã từ rất lâu rồi, anh vẫn luôn nghĩ mình sẽ không còn có thể rung động như vậy.

Vậy nên, khi khoảnh khắc này tới, anh vẫn chưa thật sự sẵn sàng.
Tác giả: Tình huống radar ngừng hoạt động được tham khảo từ bài viết “Bảy năm làm kiểm soát viên không lưu của tôi”Chú thích:[1] Nhấc bánh mũi trước: Bản gốc tiếng Trung là “拉飘” – tiếng Anh là “ballooning”.

Nghĩa chuẩn xác nhất thì cụm từ này là chỉ một tình huống khi hạ cánh sai của phi công: trong nhiều trường hợp khi hạ cánh, phi công tính toán sai tốc độ hạ độ cao của tàu bay và cho rằng tàu bay đang lao xuống quá nhanh, họ sẽ có một phản ứng bản năng là gia tăng góc chao dọc.

Hành động này sẽ không làm giảm tốc độ hạ cánh của tàu bay mà khiến tàu bay góc đầu lên, dẫn tới tình trạng không thể tiếp đất được mà buộc phải bay lên rồi vòng lại mới có thể hạ cánh một lần nữa.

Tình huống này được gọi là “ballooning.” Tham khảo hình dưới để dễ hình dung:

Tuy nhiên, trong truyện không có ý chỉ về tình huống “ballooning” này mà là chỉ một thói quen hạ cánh của phi công hãng Air China: Khi hạ cánh, phi công sẽ không cho bánh lốp trước chạm đất, mà để nó ngóc lên.

Vì tư thế máy bay giống với tình huống ballooning bên Trung hay dùng thuật ngữ “拉飘”.

Trong truyện mình dịch hẳn ra là “nhấc bánh mũi trước” cho dễ hiểu nhé.

[2] Băng phi diễn: Những mẫu giấy nhỏ được kiểm soát viên không lưu sử dụng để theo dõi tình hình di chuyển tàu bay

[3] Tai nạn tại Uberlingen: Vụ tai nạn xảy ra vào tháng 7/2002, do sai sót của nhân viên kiểm soát không lưu.
Tại thời điểm xảy ra tai nạn, chỉ có một kiểm soát viên không lưu trực tại tháp chỉ huy và phải kiểm soát không lưu của 2 vùng không phận trên 02 radar khác nhau.

Vì cùng lúc theo dõi quá nhiều tàu bay nên kiểm soát viên này đã không kịp thời nhận ra có 2 tàu bay (chiếc Tupolev Tu-154M thực hiện chuyến bay mang số hiệu 2937 của hãng hàng không Bashkirian Airlines (Nga) và chiếc Boeing 757 thực hiện chuyến bay mang số hiệu 611 của hãng DHL) đang nằm trên cùng một đường bay, cùng một cao độ, vì thế không thể đưa ra các chỉ dẫn an toàn kịp thời cho hai tàu bay này.
Chỉ chưa đầy 1 phút trước khi tai nạn xảy ra, kiểm soát viên nhận ra nguy cơ va chạm và lập tức liên lạc với chuyến bay 2937, yêu cầu phi công giảm độ cao để tránh chống lẫn đường bay với chuyến bay 611.

Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, hệ thống TCAS trên 611 cũng phát cảnh báo tương tự, yêu cầu phi công giảm độ cao.

Cả hai phi công đều tuân theo huấn lệnh được cấp.

Do lúc đấy kiểm soát viên đang bận giải quyết vấn đề với tổ bay 2937 nên phi công chuyến 611 không thể thông báo ngay việc giảm độ cao cho kiểm soát viên.
Nghe theo hướng dẫn của kiểm soát viên, phi công chuyến bay 2937 đã ngắt hệ thống TCAS vốn đang cảnh báo phải tăng độ cao.

Trong khi đó kiểm soát viên cũng phớt lờ cảnh báo từ TCAS, lặp lại yêu cầu giảm độ cao đối với 2937, đồng thời cung cấp thông tin sai lệch về vị trí của 611 cho tổ bay 2937.
Kết quả bi kịch đã xảy ra, hai chiếc tàu bay lao vào nhau tại độ cao 10.630m.

Vụ va chạm khiến 71 hành khách cùng toàn bộ phi hành đoàn của hai chuyến bay thiệt mạng..


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện