Air China 1558, muốn về nhà sao?
Tới đầu tháng Mười Hai, Trần Gia Dư và Phương Hạo có thể nói là gặp nhau thì ít mà xa nhau thì nhiều.
Tào Tuệ đã chọn phương pháp điều trị bảo tồn nhưng tình trạng sức khỏe của bà không mấy lạc quan, có lần nửa đêm phải lên xe cấp cứu.
Đêm hôm ấy Trần Gia Dư chỉ ngủ năm tiếng.
Hôm sau, sau khi tự đánh giá tình hình sức khỏe của bản thân, anh vẫn kiên quyết thực hiện hai chuyến bay sáng, còn chuyến tối hôm đó thì anh từ chối, chuyển sang ngày hôm sau.
Đổi qua đổi lại, chính bản thân Trần Gia Dư cũng thấy nhức đầu với lịch trực của mình.
Nếu nói tới điểm tốt duy nhất thì hẳn là những hôm phải bay liên tiếp ca tối hôm trước và ca rất sớm sáng hôm sau thì về cơ bản Trần Gia Dư đều sẽ ngủ lại nhà Phương Hạo.
Dù sao bình thường với lịch trực như vậy, anh cũng không thể về nhà bố mẹ vì cần tranh thủ thời gian để nghỉ ngơi.
Mà thực tế thì đây cũng là nhằm mục đích thuận tiện.
Trần Gia Dư có thể tiết kiệm được một tiếng rưỡi cả đi cả về nếu từ nhà Phương Hạo tới sân bay, có thể ngủ thêm một tiếng rưỡi nữa.
Cùng vì chuyện này, Phương Hạo đã đánh hẳn một chiếc chìa khác cho Trần Gia Dư, cũng cho anh biết mật khẩu vào cửa.
Thẻ gửi xe tạm thời thì đã đưa cho Trần Gia Dư từ hôm sinh nhật Phương Hạo tháng trước rồi, vẫn chưa lấy lại.
Trần Gia Dư vận dụng trí thông minh, nhân hôm có mặt ở hãng thì rủ Vương Tường đi ăn, thuyết phục anh ta cố gắng sắp xếp lịch trực của anh sát nhau một chút, kiểu ca tối hôm trước đi liền với ca sáng hôm sau ấy.
Như vậy một tuần anh có thể dành ra hai tối để ở bên Phương Hạo, những ngày trọn vẹn còn lại thì có thể ở Lệ Cảnh cùng bố mẹ.
“Ông cố nhà tôi ơi, nếu chuyến tối hôm trước của ông bị delay, hôm sau không phải công việc lại đổ lên đầu tôi sao.”
Vương Tường không vui vẻ cho lắm.
Hầu hết các chuyến bay của Trần Gia Dư đều là tổ lái một người.
Nếu như số giờ bay trong một ngày vượt quá 14 tiếng hay chuyến bay vượt quá 8 tiếng, tuân theo quy định hàng không dân dụng thì phi công nhất định phải nghỉ đủ 24 tiếng, như vậy chuyến sáng hôm sau sẽ phải tìm tổ lái khác thay thế.
Trần Gia Dư tự biết mình đuối lý, vội bảo: “Cháu trai ông không phải sắp thi buồng lái giả lập sao? Cuối tuần này tôi có thể dẫn thằng bé đi bay.”
Lúc sau Trần Gia Dư còn phải móc hầu bao mời Vương Tường một bữa thì mới bàn bạc ổn thỏa được chuyện này.
Vương Tường trêu: “Ông như này là sao đấy? Kim ốc tàng Kiều à?”
(Kim ốc tàng Kiều: nghĩa là “nhà vàng giấu giai nhân”.
Câu nói này xuất phát từ giai thoại về vua Hán Vũ Đế và Trần Hoàng Hậu – Trần A Kiều)
Trần Gia Dư đáp: “Đâu có.
Còn không phải do sức khỏe mẹ tôi đang yếu đó sao.” Anh trước có kể chuyện của mẹ mình với Vương Tường.
Vương Tường lập tức cảm thấy câu đùa của mình không thích hợp: “Ôi chao, xin lỗi người anh em nhé.
Tôi quên mất.”
Đây đương nhiên là sự thật.
Song, Vương Tường có lẽ dùng đầu ngón chân cũng không thể ngờ Trần Gia Dư “kim ốc tàng Kiều” thật, chẳng qua căn hộ tại khu Kiến Hội – Đại Hưng là của Phương Hạo và nói đúng ra thì Trần Gia Dư mới là người được “cất giấu”.
Hai tuần nay, đa số các buổi tối Phương Hạo đều ở nhà.
Cứ ba ngày là anh lại có một ca trực muộn, thi thoảng phải trực ca đêm thì gần như không ở nhà, bèn bảo Trần Gia Dư cứ ngủ lại nhà mình như nhà anh ấy.
Về sau, hai người họ luân phiên ngày đêm, khi Trần Gia Dư vào cửa thì Phương Hạo ra ngoài, đến lúc anh ấy đi thì Phương Hạo lại về.
Thế nhưng, Phương Hạo không có nhà thì Trần Gia Dư ngủ cũng không được ngon giấc.
Lúc trước khi ở nhà của mình anh vẫn luôn ngủ một mình, không gặp vấn đề này.
Có lẽ do đã quen ngủ chung với Phương Hạo khi ở nhà cậu ấy nên thành ra khi ngủ một mình, anh không sao ngủ được.
Song, Trần Gia Dư chưa từng nhắc tới chuyện này với Phương Hạo.
Với anh mà nói, vào thời điểm giao ca buổi sáng, có thể được gặp Phương Hạo trở về nhà sau khi hoàn tất ca trực đêm thì cũng rất xứng đáng để anh trằn trọc thêm nửa tiếng đồng hồ.
“Lực đẩy cất cánh.”
“Đã thiết lập lực đẩy.”
“80!”
“Kiểm tra.”
“Duy trì lực đẩy.”
“V1.”
“Nâng càng.”
“V2.”
“Đang tốc độ lên cao.”
“Thu càng.”
(V2: mức tốc độ mà dù động cơ ngừng hoạt động thì tàu bay vẫn có thể bay lên, hay còn được gọi là tốc độ an toàn để cất cánh;
Tốc độ lên cao: tiếng Anh là “rate of climb”, chỉ tốc độ theo chiều thẳng đứng của tàu bay – mức độ cao mà tàu bay có thể đạt được trong một đơn vị thời gian, đơn vị tính thường là mét/giây hoặc mét/phút)
Trần Gia Dư điều khiển chiếc Boeing 737-800 nâng càng cất cánh từ sân bay Phổ Đông – Thượng Hải.
Nếu chỉ xét cảm giác cầm lái thì Trần Gia Dư và Trần Chính đều rất nệ cổ, thích những mẫu máy bay có thể cảm nhận được khí động lực như 737.
Thế nhưng tính năng tự động hóa của 737-800 kém, quy trình vận hành cũng rườm rà, so với rất nhiều mẫu tàu bay mới đều do máy tính vận hành thì cần thực hiện checklist một cách thủ công, nội dung chuẩn bị trước chuyến bay dày tới gần mười trang.
Một ngày bay bốn chặng, tất cả các thao tác đều phải lặp lại bốn lần, lượng công việc yêu cầu đối với phi công là rất lớn.
Lúc đang xếp hàng bên ngoài đường lăn trước khi cất cánh, bọn họ bắt gặp một tàu bay của hãng Sơn Đông nghe nhầm huấn lệnh của Đài kiểm soát sân bay Phổ Đông, rời khỏi đường băng ở sai ngã rẽ, dẫn tới việc thoát ly bị chậm mất mấy giây, chỉ cách thời điểm tàu bay phía sau đáp xuống ở đầu còn lại của đường băng có vài giây.
Đài kiểm soát sân bay Phổ Đông là nơi Lư Yên làm việc, thế nhưng hôm nay không phải buổi trực của cô.
Kiểm soát viên trực Đài kiểm soát có vẻ như là một vị lãnh đạo, giọng điệu vô cùng dữ dằn, mắng phi công của hãng Sơn Đông trên tần số Đài kiểm soát gần một phút, hơn nữa còn rất nghiêm túc muốn báo cáo lên hãng.
Mọi người trong kênh radio cũng biết ai đúng ai sai.
Trong thoáng chốc bầu không khí trở nên nghiêm túc, những phi công có mặt đều không khỏi cảm thấy căng thẳng, Trần Gia Dư cũng không ngoại lệ.
Vì chuyện này cộng thêm việc lúc làm thủ tục nhận được thông báo rằng thời tiết Bắc Kinh có mưa dông, Trần Gia Dư không khỏi thở dài.
Anh biết hôm nay Phương Hạo cũng đang trực ở cơ sở Tiếp cận.
Trần Gia Dư trước đó có kế hoạch sau khi xuống khỏi máy bay sẽ cùng Phương Hạo về nhà làm món cá vược hấp[1], vậy nên anh chỉ hy vọng rằng tình hình thời tiết sẽ không tệ hơn nữa.
Khoảng thời gian này vì bận rộn nên đã gần ba tuần rồi anh không nấu nướng.
Lần trước Phương Hạo bảo anh dạy cậu ấy cách nấu món thịt kho tàu, Trần Gia Dư đã gửi công thức cho cậu ấy rồi nhưng chưa có thời gian để đích thân làm mẫu.
Hai người họ một khi đã mệt thì việc lấp đầy bụng quan trọng hơn, chẳng ai còn tâm trạng để nấu nướng.
Huống hồ, bọn họ giữ sức cũng là để làm chút chuyện khác nữa.
Trần Gia Dư chuyển sang tần số của cơ sở Tiếp cận sân bay Đại Hưng – Bắc Kinh, nghe thấy giọng nói quen thuộc của Phương Hạo.
Giọng điệu cậu ấy vẫn như lúc thường nhưng tốc độ cấp huấn lệnh rất nhanh chóng.
“Xiamen Air 818, bay lên độ cao 3000, khí áp tiêu chuẩn.”
“China Southern 8177, chuyển sóng liên lạc Đài kiểm soát 120.25, tạm biệt.”
Bên này vừa dứt lời thì đã lập tức có người lặp lại: “Đài kiểm soát 120.25, tạm biệt.
China Southern 8177… Á, 8718.”
Phi công không những đọc nhầm số hiệu chuyến bay của mình mà còn nghe sai huấn lệnh.
Hai chiếc tàu bay của hãng Nam Phương, một chiếc 8177 đã kết thúc quá trình tiếp cận, một chiếc 8718 thì vẫn đang thực hiện tiếp cận.
Kiểm soát viên không lưu sợ nhất những tình huống kiểu này.
Hai tàu bay của cùng một hãng, có số hiệu quá đỗi tương tự, gọi sai một cái, nghe sai một cái là hậu quả cực kỳ phiền phức.
Thế nhưng việc xử lý tình huống số hiệu chuyến bay hóc búa này lại không quá khó đối với Phương Hạo.
Anh ngay lập tức gọi giữ China Southern 8718 lại: “China Southern 8718, tôi không gọi anh.” Sau đó lặp lại huấn lệnh vừa rồi: “China Southern 8177, China Southern 8177, chuyển sóng liên lạc Đài kiểm soát 120.25, tạm biệt.” Phương Hạo cố ý nói bốn chữ “bát yêu quải quải” thật rõ ràng, các chữ tách biệt nhau.
(bát yêu quải quải: cách đọc số 8177 theo bảng chữ cái đàm thoại vô tuyến hàng không)
Lần này, cơ trưởng của chuyến 8177 đã lặp lại chính xác.
Phương Hạo cúi đầu nhìn màn hình radar, thấy có thêm một dấu “x” màu cam.
CA1558 kèm theo số hiệu chuyến bay, độ cao và thông tin hướng bay đang di chuyển về phía sân bay.
Bản thân Phương Hạo không ý thức được nhưng trên môi anh đã nở một nụ cười rất ấm áp.
Anh nói vào micro: “Air China 1558, tiếp cận Bắc Kinh, radar nhận dạng tốt.
Bay lên độ cao 4500, khí áp tiêu chuẩn.
Bay chờ vòng quanh ngoài PZW-112.
Thời tiết hiện tại mưa dông lớn.” Cách đọc chính xác của ba chữ cái PZW trong đàm thoại không – địa là “Papa-Zulu-Whiskey”.
Không hiểu vì sao nhưng giọng Phương Hạo khi nói ra mấy chữ này lại cực kỳ gợi cảm.
Trần Gia Dư trước tiên lặp lại huấn lệnh về độ cao này, sau đó di chuyển tới vị trí được chỉ định và bắt đầu bay vòng quanh.
Lúc tiếp cận, radar thời tiết tại máy bay của anh cũng là một vùng màu vàng lớn.
Bay vòng quanh tầm mười lăm phút, Trần Gia Dư chứng kiến hai tàu bay của hãng Nam Phương có một chiếc phải hạ cánh ở đường cất hạ cánh khác, một chiếc thì chuyến hướng hạ cánh sang sân bay Tân Hải – Thiên Tân[2]; một chiếc tàu bay của hãng Air China Cargo phải bay lại vòng hai; một chiếc của hãng Hải Nam cùng một chiếc của hãng Thủ Đô phải chuyển hướng hạ cánh tới sân bay Thủ