Mùa xuân năm Gia Ninh thứ mười tám, trận chiến Tây Bắc của quân Đông Khiên Bắc Tần xâm lược quốc thổ cuối cùng đã kết thúc.
Sau trận chiến thành Vân Cảnh, thiết kỵ Bắc Tần đã thiệt hại không ít, trong vòng ba năm không còn sức để chiến đấu, cùng lúc đó, Đông quân do Thi Tranh Ngôn thống lĩnh đuổi Đông Khiên ra khỏi quốc thổ Đại Tĩnh, lập nên chiến công ở biên giới phía Đông.
Nhưng đối với Đại Tĩnh, đây là một chiến thắng bi thảm. Hai trăm ngàn tướng sĩ và tám mươi ngàn dân chúng đã chết trong trận chiến này, hàng chục thành trì chìm trong chiến hỏa, sau vài năm mới có thể khôi phục. Nguyên soái Thi Nguyên Lãng trấn thủ biên cương hai mươi năm tử trận khi bảo vệ thành Quân Hiến, Đại công chúa An Ninh tử trận khi thủ thành Thanh Nam, Thái tử Hàn Diệp tử trận khi đoạt thành Vân Cảnh.
Đây là trận đại chiến mà Đại Tĩnh khiến lục địa Vân Hạ chấn động, cũng là trận chiến bi thảm nhất kể từ khi Đại Tĩnh lập quốc.
Binh đao chiến loạn, dù thắng hay thua, trận chiến này, trong ba nước không có kẻ thắng cuộc.
Sau trận chiến thành Vân Cảnh, Bắc Tần Đông Khiên gửi tới thư hàng, bằng lòng cắt thành trì để dập tắt chiến hỏa. Cuối xuân, ba nước nghị hòa tại thành Quân Hiến Đại Tĩnh, Thi Tranh Ngôn được lệnh nhận thư hàng hai nước, với thắng lợi của trận chiến này, biên giới của ba nước đã được phân chia lần nữa.
Lúc này, Tĩnh An Hầu quân của Đại Tĩnh danh chấn Vân Hạ với trận chiến Tây Bắc đã quay về Trung Nguyên.
Tin tức chiến tranh kết thúc và trữ quân tử trận cùng lúc được gửi về đế đô, kể từ ngày đó, cả vương triều dường như chìm vào trầm mặc vô tận.
Người kế thừa vương triều Đại Tĩnh không còn nữa, với uy danh của Thái tử Hàn Diệp trong lòng dân chúng và tình trạng tử tự điêu linh của hoàng thất, nỗi lo tiềm ẩn của hiện thực này có thể sánh với suy yếu của hai nước, sụp đổ của giang sơn.
Mưa to như trút nước suốt ba tháng, bao trùm toàn bộ đế đô.
Thắng lợi lớn nhất kể từ khi lập vương triều Đại Tĩnh và tang lễ của trữ quân đều trải qua trong cơn mưa dường như vô tận này.
Ngoài dự đoán của mọi người, tang lễ của trữ quân lại do Tề vương đức cao vọng trọng nhất trong tông thất chủ trì, lại thiếu đi hai người đáng lẽ nên có mặt nhất.
Thiên tử vua Gia Ninh, Tĩnh An Hầu quân Đế Tử Nguyên.
Tĩnh An Hầu quân từ ngày khải hoàn trở về đã lấy lý do bệnh cũ trên chiến trường tái phát, tịnh dưỡng trong Hầu phủ, không vào triều, không bái phỏng, không tiếp khách, không rời phủ, tang lễ của Thái tử cũng vậy.
Về phần Thiên tử, ngày tin tức Thái tử tử trận được đưa đến, Thiên tử đau buồn quá độ ngất đi trong hậu cung, Thái y viện bận rộn suốt ba ngày mới cứu được vua Gia Ninh. Từ ngày đó, Thiên tử bệnh liệt giường trong điện Càn Thanh, cả buổi thượng triều ba ngày một lần cũng do Hữu tướng chủ trì.
Thiên tử bệnh nặng, trữ quân tử trận, trong hoàng thất chỉ còn một Thập tam hoàng tử Hàn Vân vừa tròn ba tuổi không có ngoại thích chống đỡ, đối với những ngoại thích cao quý đang nắm quyền mà nói, công lao phò tá lúc này quả là cơ hội hiếm có, nhưng triều đình Đại Tĩnh vốn nên gió giục mây vần lại bình yên an tĩnh ngoài dự đoán của mọi người.
Không gì khác, trước khi vào Tây Bắc, Đế Tử Nguyên đã được văn nhân ca tụng, sau trận chiến Tây Bắc, quân Đế gia cứu nước cứu dân càng được ba quân ủng hộ, hiện giờ văn võ cả triều nhắc tới Tĩnh An Hầu không so đo hiềm khích trước kia, phái binh nghênh địch đều hết lời ca ngợi kính phục. Nếu không có Thái tử Hàn Diệp anh dũng bảo vệ quốc gia, e là thanh thế của Đế gia sớm đã vượt qua hoàng thất.
Hơn nữa, sau trận chiến Tây Bắc, tướng sĩ trấn thủ biên cương đã tử trận hơn hai trăm ngàn người, không ít thành trì ở biên cương thiếu binh phòng thủ, hai trăm ngàn đại quân Đế gia ngoài một trăm ngàn trở về phòng thủ Tấn Nam, một trăm ngàn còn lại vẫn ở các thành trì Tây Bắc. Đế Tử Nguyên đã hạ quân lệnh này ở thành Quân Hiến trước khi về triều, động thái này đồng nghĩa với việc nắm giữ binh quyền của các thành trì Tây Bắc Đại Tĩnh trong tay, lúc tin tức truyền về đế đô, vua Gia Ninh đã bệnh liệt giường, cả triều đình náo động, lại không có ai dám động đến uy thế của Tĩnh An Hầu trong chuyện này, huống chi Thiên tử từ đầu đến cuối cũng chưa chỉ trích chuyện này nửa câu, thậm chí trong lúc đang dưỡng bệnh còn hạ một đạo thánh chỉ duy nhất.
Tĩnh An Hầu quân trung thành bảo vệ quốc gia, có công với xã tắc, thưởng vạn hộ lương thực, vạn lượng hoàng kim, có thể thấy hoàng tộc không cần quỳ.
Đế gia đã là nhất đẳng hầu tước, quyền vị không còn gì để phong, chỉ dụ cuối cùng này càng khiến người khác suy nghĩ xa xôi.
Trong lịch sử thành lập vương triều Đại Tĩnh, có được quang vinh đặc biệt như vậy chỉ có hai người. Đế Thịnh Thiên đã cùng Thái tổ thành lập Đại Tĩnh hai mươi năm trước, Đế Tử Nguyên trấn thủ biên cương, đánh lui Bắc Tần hai mươi năm sau.
Đế chế Vân Hạ có thứ bậc nghiêm ngặt, quân thần khác biệt, có thể thấy hoàng tộc không quỳ, rõ là muốn nói với chúng thần, đối với hoàng thất Hàn gia, Tĩnh An Hầu quân đã không còn là triều thần bình thường.
Độc chiếm Tấn Nam, nắm giữ binh quyền Tây Bắc, được văn thần võ tướng kính phục, dù Đế gia hiện tại không còn cần vua Gia Ninh thừa nhận, nhưng thánh chỉ này của Thiên tử vẫn đẩy thanh thế của Đế gia lên đỉnh cao.
Trong tình cảnh uy thế hoàng thất không bằng Đế gia như mặt trời ban trưa, tuy Đế Tử Nguyên nói dưỡng bệnh trong phủ, nhưng nếu nàng không có hành động khác thường, sẽ không ai dám vượt qua Đế gia vọng ngôn về ngôi vị Thái tử.
Huống chi, e là bất cứ ai cũng biết Thái tử đối với Tĩnh An Hầu quân mà nói, không chỉ đơn giản là trữ quân.
Năm đó cả thiên hạ nhìn quốc hôn của hai nhà, Thái tử cố chấp giữ trống ngôi vị chủ nhân Đông cung mười năm, Tĩnh An Hầu quân lúc còn là Nhậm An Lạc kiêu ngạo cầu thân, kề vai tác chiến ở trận chiến Tây Bắc, dây dưa những năm qua, chỉ cần nhìn vào ba tháng đóng cửa không rời phủ của Tĩnh An Hầu quân, đã có thể hiểu được tầm quan trọng của Thái tử đối với Tĩnh An Hầu quân.
Vì kiêng dè Thiên tử và Tĩnh An Hầu quân, Thái tử Hàn Diệp tử trận trong trận chiến thành Vân Cảnh gần như trở thành điều cấm kỵ mà cả triều không thể nhắc tới.
Lại qua nửa tháng, mưa to dần ngừng, hạ chí, đế đô chỉ còn những cơn mưa nhỏ rả rích, tiết trời cũng ấm dần lên.
Tĩnh An Hầu phủ.
Uyển Cầm vừa tiễn đi một đám đại thần đến bái phỏng, tình cờ thấy Ôn Sóc đang cưỡi ngựa tới. Nàng nhìn thiếu niên mày kiếm sáng ngời cách đó không xa, vẻ mặt có chút phức tạp.
Dưới chân Thiên tử, hoàng thành trọng địa, cả hầu tước bình thường cũng không dám cưỡi ngựa. Sau khi từ Tây Bắc trở về, Ôn Sóc tài năng lộ rõ, với khí thế mạnh mẽ, không chút kiêng kị thu phục hết thuộc thần Đông cung về dưới trướng. Thiếu niên hào hoa phong nhã vốn chỉ biết cưỡi ngựa làm thơ dưới sự che chở của Thái tử hai năm trước, không còn thấy được nữa.
Tuấn mã rít một tiếng dài, Ôn Sóc ném roi ngựa cho thị vệ ở cửa, mang theo một hộp bánh ngọt đi về phía Uyển Cầm.
"Đây, Chiết Vân cao ở lầu Tụ Hiền, vừa mới ra lò, Uyển Cầm, mau