Ăn no ngủ kĩ, lại quay về câu chuyện còn chưa kể xong.
Chúng ta cùng quay ngược thời gian, trở về lần tương phùng của Khương Minh Trân và Hà Ngọc sau thời ấu thơ.
Dì Phạm đưa Hà Ngọc về quê, trải qua những ngày tháng gian khổ. Vì tiền nên dì phải bôn ba khắp chốn, Hà Ngọc không được đến trường. Đến khi khoản tiền bồi thường cuối cùng cũng về đến tay thì mấy năm đã qua rồi, dì cũng không còn liên hệ được với nhà họ Khương nữa.
Tới khi cuộc sống của hai mẹ con khấm khá dần lên thì Hà Ngọc đã vào cấp 3. Dì Phạm kiên trì bắt con trai vào thành phố để được giảng dạy tốt hơn. Kinh nghiệm làm vú em cho nhà họ Khương từ trước đã khiến dì nảy sinh quan niệm: Cái gì trong thành phố cũng là tốt nhất.
Trụ cột trong nhà không còn, dì Phạm không định tái giá. May mà từ nhỏ thằng con mình đã thông minh hiểu chuyện, dì gửi gắm hết tất cả hi vọng vào cậu. Dì phí rất nhiều công sức vì sự học của Hà Ngọc, gửi cậu vào học trường cấp 3 tư thục đắt đỏ nhất, tốt nhất trong thành phố.
Hà Ngọc học cấp 3 đến lớp 11 ở nơi này, thì đã trở thành nhân vật có số có má mà cả trường, thậm chí cả các trường xung quanh, không ai là không biết.
Thành tích giỏi, vẽ vời cao siêu, rất được người ta yêu quý, đây là những ưu điểm chẳng đáng nói tới của cậu.
Hà Ngọc nổi danh chủ yếu là bởi vì gương mặt của cậu, quá là đẹp.
Mấy đứa bạn văn thơ lai láng ngầm khen cậu: “Mặt như ngọc tạc, mày kiếm mắt sáng. Những vần thơ con chữ người xưa dùng để miêu tả mỹ nhân, tròng lên người cậu ấy, chính là cách giải thích tốt nhất.”
Mặt như ngọc tạc thì thật ra không được chuẩn cho lắm, vì Hà Ngọc không trắng.
Vào mùa hè, cậu cũng như những thằng con trai khác, thích ra ngoài vận động.
Làn da của cậu thuộc kiểu khỏe mạnh, nét đẹp của cậu cũng không hề pha trộn chút nữ tính ẻo lả nào. Cậu đẹp theo một kiểu tươi mát sảng khoái, như nắng gió rạng rỡ của ngày Xuân tháng Hai vậy.
Khai giảng năm lớp 12, mẹ Hà Ngọc tự đưa cậu đến trường.
Lúc đi đến gần cổng trường, dì bỗng nhiên tóm lấy tay cậu, bắt cậu nhìn qua một hướng.
“Này, A Ngọc, kia có phải là bà chủ nhà họ Khương không nhỉ?”
Đầu óc Hà Ngọc ngưng trệ mấy giây vì cái xưng hô xa xôi này, cậu nhìn về chỗ mẹ chỉ.
Thấy dáng vẻ hưng phấn của mẹ, cậu còn tưởng là mẹ mình thấy vị khách quen nào của cửa hàng quần áo. Cậu quét mắt một vòng trong đám người, không tìm thấy người kia.
“Ai vậy ạ?”
“Nhà họ Khương, nhà họ Khương mở nhà hàng ăn ấy,” thấy cậu không có ấn tượng, dì sốt ruột bổ sung: “Khi con còn nhỏ, mẹ đưa con đến nhà bên ấy làm vú em. Cô chủ nhỏ nhà đấy rất thích chơi với con, hai đứa còn cùng đi học lớp vỡ lòng. Con bé ấy toàn quấy không ăn cơm, làm hỏng bút dạ màu của con…… Con không nhớ sao?”
“Nhớ ạ.”
Bấy giờ, Hà Ngọc nhớ ra rất nhanh: “Bạn ấy tên là, Khương Minh Trân à?”
“Đúng rồi! Hình như vừa nãy mẹ nhìn thấy mẹ con bé.”
Mẹ cậu rướn cổ nhìn tới nhìn lui.
“Nếu là chị ấy thì cũng chẳng có gì lạ. Trường của con là trường tư thục tốt nhất thành phố này, với gia cảnh như nhà đấy, đưa con đến đây học cũng là quá bình thường. Mười mấy năm không gặp, nếu là chị ấy thật, mẹ phải tới chào hỏi mới được.”
Cổng trường quá đông người, bóng dáng thoảng qua kia đã không còn thấy đâu nữa.
Hà Ngọc cũng không tìm thấy.
Mắt cậu tinh hơn mắt mẹ cậu, nhưng lúc mẹ cậu đi làm thuê cho nhà họ Khương, cậu mới 6 tuổi. Nói đến bà chủ nhà họ Khương, cậu còn chẳng nhớ rõ bà ta trông như thế nào nữa.
“Nếu chị ấy là phụ huynh học sinh, thì con còn có cơ hội gặp được đấy.”
“Vâng.”
Nói phát linh liền.
Trước khi dì Phạm gặp lại bà chủ Khương ở cổng trường, Hà Ngọc đã gặp được Khương Minh Trân ở trong trường.
Một tuần sau khi khai giảng, vào giờ nghỉ trưa, cậu đến canteen ăn trưa với bạn. Cậu tìm bừa một vị trí ngồi xuống, mấy cô gái ngồi bàn kế cậu đang nói chuyện rất to.
“Đi học nhàm chán quá, nhớ kỳ nghỉ hè thân yêu ghê.”
Giọng điệu của cô bé này kéo thật dài, thật yếu ớt.
“Tao muốn ở nhà dì bé tao cả đời, biệt thự to nhà dì ấy siêu xịn, có thể nằm trên sân thượng ngắm sao nữa.”