Chu Thế Tông Sài Vinh quét qua ánh mắt lạnh lẽo, tất cả tướng lĩnh quỳ bên dưới đều cúi rạp đầu xuống. Lời của lão Nguyên soái Tôn Huyền Đạo khiến chúng tướng lĩnh rất đồng tình. Đúng vậy, thân là quân nhân, hy sinh nơi chiến trường mới là kết cục mà bọn họ mong đợi nhất. Từ xưa đến nay chinh chiến sa trường có được mấy người toàn thây trở ra?
Sài Vinh hừ lạnh một tiếng: – Cũng thế, tạm thời giữ lại cái mạng của tên này. Nếu hắn công phá được Ngọc Châu, Trẫm sẽ xem xét lại tội trạng của hắn. Nếu hắn vùi thây trên sa trường, Trẫm sẽ miễn đi tội của hắn, cho hắn được xuống mồ trong sự trong sạch!
Tôn Huyền Đạo dập đầu tạ ơn: – Ta ơn Bệ hạ không giết! Bệ hạ độ lượng khoan dung!
Sài Vinh lạnh giọng nói: – Độ lượng khoan dung? Độ lượng khoan dung sẽ chỉ khiến các ngươi trở thành một lũ chết nhát. Độ lượng khoan dung sẽ chỉ khiến các ngươi đánh mất ý chí tâm huyết. Độ lượng khoan dung sẽ chỉ khiến các ngươi quên đi bản thân mình là một người lính! Trẫm độ lượng khoan dung, đối với các ngươi mà nói chính là một loại độc dược! Trẫm hy vọng các ngươi nhớ cho kỹ, trên chiến trường, đối với kẻ địch, đối với bản thân khoan dung hay độ lượng, đều là trí mạng!
– Tôn Huyền Đạo, Trẫm đáp ứng ngươi không phải vì Trẫm khoan dung hay độ lượng gì, mà là Trẫm muốn giữ cho linh hồn của một người lính được trong sạch! Chỉ cần hắn chết trận… Hắn vẫn sẽ là tướng quân dưới trướng của Trẫm, vẫn là tướng quân của Đại Chu!
Trong lòng tất cả mọi người đều chấn động, lời này của Sài Vinh, làm cho bọn họ nhớ tới một câu danh ngôn của Chu Thái Tổ Quách Uy: “Thân là một viên Đại tướng, khi còn sống phải rong đuổi sa trường tung hoành thiên hạ, lấy xương thịt của địch làm thức ăn, lấy máu tươi của địch giải khát, dù có chết trận sa trường, thì cũng phải hy sinh sao cho oanh oanh liệt liệt.”
Có lẽ người như vậy, mới là một quân nhân tận cốt tủy.
Quân nhân chính là quang vinh, bọn họ xả thân bảo vệ quốc gia, dùng máu thịt thân thể mình để bảo vệ tôn nghiêm của tổ quốc và vinh dự của người lính. Bọn họ chết trận sa trường là cái chết có ý nghĩa. Phận quân nhân cũng xót xa nhường nào, một tướng công thành vạn cốt khô, thây phơi khắp đồng, máu chảy thành sông. Sau khi chết đi thây về hoàng thổ, đến một cái mộ bia cũng không có. Quân nhân nhất định phải chiến đấu, chết trong chiến đấu, sống cũng phải trong chiến đấu.
Sài Vinh hiểu được đạo lý này sâu sắc, cho nên mới cho Tống Nghị một cơ hội. Kỳ thật khi y nói ra lời này, trong lòng mọi người đều hiểu rõ. Mặc kệ Tống Nghị có đánh hạ được Ngọc Châu hay không, đều khó lòng thoát chết. Cho dù thành Ngọc Châu phá được, kết cục cuối cùng của hắn cũng là chết trận sa trường. Chẳng qua, chém đứt đầu hắn không phải là lưỡi đao của địch, mà là một đạo thánh chỉ của Bệ hạ! Hắn còn sống, vĩnh viễn cũng sẽ không rửa được vết nhơ lâm trận bỏ chạy, chỉ có chết rồi, mới có thể trả lại một thân trong sạch.
Sài Vinh lạnh lùng nói: – Để hắn mang theo Nhuệ Kim doanh, Trẫm lại cho hắn mười ngàn người ngựa, trong vòng hai canh giờ mà không đánh hạ được Ngọc Châu, thì đừng trách Trẫm vô tình. Tôn Huyền Đạo lãnh binh hỗ trợ, đốc thúc đội ngũ tiến công! Trẫm tự mình tọa trấn, muốn tận mắt xem xem tòa thành Ngọc Châu này có phải là một cái thùng sắt hay không, mà có thể năm lần bảy lượt ngăn chặn được gót sắt của đại quân ta!
Các tướng lĩnh đồng loạt hô: – Bệ hạ vạn tuế, quân Đại Chu tất thắng!
Sắc mặt Sài Vinh hơi dịu xuống, nói: – Trẫm sẽ ở trước trận quan sát, các ngươi đều là tinh anh của Đại Chu ta, quân đội Đại Chu ta là đệ nhất thiên hạ, một cái thành Ngọc Châu nhỏ nhoi này chẳng qua là hòn đá cho các ngươi đặt chân đạt được công thành danh toại mà thôi. Chờ đạp bằng Ngọc Châu, tiêu diệt Bắc Hán, Trẫm sẽ ban cho các ngươi vinh hiển ngất trời!
– Các tướng quân, hãy đến đây, dùng thanh gươm sắc bén trong tay các ngươi, theo Trẫm gầy dựng giang sơn vĩ đại!
Sài Vinh nói: – Trẫm đã mang đến cho các ngươi ba trăm vò rượu ngon, vô số mỹ thực. Trẫm sẽ ở ngay trước trận chờ các ngươi, chờ các ngươi đánh phá được Ngọc Châu rồi, lại cùng Trẫm nâng cốc ngôn hoan!
Sài Vinh quả là một tay thủ đoạn, ân uy dùng cả. Đầu tiên là lấy uy chấn nhiếp đám thủ hạ mà mấy ngày qua vì không phá được Ngọc Châu mà sinh lòng thoái ý, lại dùng danh lợi để hứa hẹn, còn có nào là rượu ngon món ngon, cùng bọn chúng uống rượu chúc mừng. Những thủ đoạn liên tiếp này tuy rằng không xem là cao minh, nhưng lại có thể hoàn toàn nâng lên sĩ khí của đám tướng lĩnh thủ hạ.
Nhìn tới đám tướng lĩnh đã bắt đầu xoa tay xắn áo, Sài Vinh hiểu ý cười.
Y muốn chiếm lấy Bắc Hán là bởi tình thế bắt buộc, cho dù Bắc Hán có được sự ủng hộ của Đại Liêu, cho dù Tây Hạ đang rình rập ở một bên như hổ vây mồi, Bắc Hán y nhất định phải lấy! Khi Chu Thái Tổ Quách Uy đăng cơ, phong y là Thái Nguyên Quận hầu, sau lại tấn phong y làm Tấn Vương, hàm nghĩa trong đó lòng dạ Sài Vinh hiểu rõ!
Thái Nguyên Quận hầu? Thái Nguyên là Đô thành Bắc Hán, là nơi thiên tử Bắc Hán tọa trấn. Cái chức Thái Nguyên Quận hầu của y, căn bản là hữu danh vô thực! Sau đó được phong hiệu Tấn Vương, càng là việc làm hữu ý của Quách Uy. Ngụ ý trong đó chính là hy vọng một ngày nào đó Sài Vinh có thể đánh hạ mười hai châu giang sơn Bắc Hán, nhập vào lãnh thổ Đại Chu!
Một khi tiêu diệt được Bắc Hán, thâu tóm mười hai châu, về phía Bắc có thể kháng Liêu, chờ đợi thời cơ phát binh phạt Bắc, thu phục mười sáu châu Yến Vân. Hơn nữa có mười hai châu của Bắc Hán làm bình chắn, sẽ có thể cho Đô thành Đại Chu- Biện Châu được an ổn. Về hướng Tây, thì có thể tiên phong trực chỉ Tây Vực, chỉ cần chiếm được thành Hắc Thủy, khống chế con đường tơ lụa, từ đó của cải sẽ không ngừng chảy vào Đại Chu.
Tây Hạ chiếm cứ thành Hắc Thủy, ngăn cản các quốc gia Tây Vực cùng Trung Nguyên qua lại giao dịch, đây chính là tổn thất cực lớn đối với Trung Nguyên và Tây Vực! Tuấn mã, hương liệu, trang sức, da lông Tây Vực đều là những vật phẩm được đòi hỏi ở Trung Nguyên. Còn Trung Nguyên có lá trà, tơ lụa, đồ sứ, vân vân đều có thể từ Tây Vực thu về được số lượng vàng bạc dồi dào. Có thể nói ai chiếm cứ con đường tơ lụa, người đó sẽ có được vô số của cải!
Đối với Tây Hạ, mười hai châu Bắc Hán chẳng qua là gân gà, lấy hay không lấy cũng không khác gì nhau. Đối với Đại Liêu, có mười hai châu Bắc Hán làm nơi giảm xóc, uy hiếp của Hậu Chu sẽ giảm bớt rất nhiều. Đứng ở góc độ bất đồng, cách xử lý vấn đề đương nhiên không giống nhau. Cho nên, trong mắt Hậu Chu Sài Vinh mười hai châu Bắc Hán là nhất định phải nắm giữ được, còn ở trong mắt Quốc chủ Tây Hạ- Ngôi Danh Nẵng Tiêu và Hoàng đế Đại Liêu- Da Luật Hùng Cơ, sự tồn tại của Bắc Hán sẽ có lợi hơn xa so với bị diệt vong.
Nhưng đối với Hậu Chu, khối gân gà trong mắt Tây Hạ và Đại Liêu, lại là một khối thịt heo béo mập chảy mỡ! Còn đối với bản thân Sài Vinh, cũng là một mộng tưởng đã ôm ấp mười mấy năm!
Ba tiếng trống trận rền vang, sáu vạn đại quân tập kết. Ở phía sau đại doanh Chu quân, mười hai vạn Chu quân theo ngự giá mà đến đang trong quá trình dựng doanh địa giản đơn, xem ra cũng không tính ở lại đây quá
lâu. Kỳ thật mệnh lệnh mà tướng lĩnh cầm binh đưa xuống cho chúng binh sĩ chính là: chôn nồi nấu cơm, dựng doanh trại thô sơ, hôm nay phá được Ngọc Châu rồi sáng sớm mai sẽ xuất phát, đại quân đi qua Ngọc Châu, thẳng tiến Nam đại môn của Bắc Hán, Ứng Châu!
Mười hai vạn nhân mã đi theo Chu Thế Tông Sài Vinh, từ trên xuống dưới đều không ai nghĩ qua sẽ trú đóng lâu ở Ngọc Châu này. Thiên tử ngự giá thân chinh, đại quân lên đến mười tám vạn, làm gì có chuyện công phá không được một tòa thành Ngọc Châu nho nhỏ chứ?
Chỉ cần khai thông Ngọc Châu, Ứng Châu đã là vật trong tầm tay!
Huống chi, ở Tấn Châu, còn có mười lăm vạn đại quân đã trong trận thế sẵn sàng đón địch, chỉ đợi một đạo mệnh lệnh của Hoàng đế Bệ hạ đại quân sẽ lập tức xuất phát. Lúc này đây, bề ngoài Sài Vinh chỉ suất lĩnh có hai mươi vạn nhân mã tiến công Bắc Hán, kỳ thực là ba mươi lăm vạn! Đây là chưa tính đến mười lăm vạn đại quân để lại phòng Tây Hạ thừa cơ xâm nhập. Hậu Chu vì lần Bắc phạt này, đã tập kết tròn năm mươi vạn đại quân!
Chu Thế Tông tiến Bắc phạt Hán, nhìn như hành động gấp gáp, kỳ thực không phải. Vì lần Bắc phạt này, Sài Vinh đã chuẩn bị rất lâu rồi! Toàn bộ đều nằm trong lòng bàn tay của y, bao gồm cả việc đăng cơ xưng Đế!
Đừng quên, Sài Vinh thân là Tấn Vương, chưởng quản mọi yếu vụ của cả quân đội và quốc gia Đại Chu. Toàn bộ quân đội Hậu Chu thật ra đã sớm chịu sự khống chế của y rồi. Chín mươi tám châu, bảy mươi hai doanh binh mã, trước khi y đăng cơ cũng đã nắm vào trong tay. Đăng cơ, chẳng qua là một bậc thang để y dấy binh tiến Bắc Hán mà thôi.
Ngày Sài Vinh đăng cơ, y đã hỏi Tả Gián Đại Phu- Vương Phác: – Trẫm có thể làm được Hoàng đế bao lâu?
Vương Phác tinh thông quẻ số hồi đáp:
– Vi thần sở học hữu hạn, chỉ có thể nhìn đến ba mươi năm sau. Ba mươi năm sau Bệ hạ tuổi xuân đang độ, còn về sau đó được bao lâu, vi thần coi không ra được.
Lời này phần lớn chỉ là lời nịnh bợ, Sài Vinh khi đăng cơ đã là ba mươi chín tuổi, ngồi trên ngôi Hoàng đế ba mươi năm thì tức là đã sáu mươi chín tuổi, ở thời cổ đại này xem như là trường thọ. Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm thấy, lời này chính là lời miêu tả lão nhân thời cổ đại hết sức chân thật. Từ một số liệu không chính thức cho thấy, vào thời Đường hưng thịnh người có tuổi thọ trung bình chừng bốn mươi, chứ đừng nói tới ở thời loạn thế Ngũ Đại Thập Quốc, tuổi thọ bình quân càng thấp hơn.
Sáu mươi chín tuổi, đã là tương đối tuổi hạc rồi.
Hợp lại tất cả các vị Đế Vương trong lịch sử, từ Tần Thủy Hoàng bắt đầu tính lên: Tần triều có hai vị, Hán triều ba mươi mốt vị, Tam quốc mười vị, Tấn triều mười sáu vị, Ngũ Hồ thập lục quốc bảy mươi tám vị, Nam Bắc triều năm mươi chín vị, Tùy triều ba vị, Đường triều hai mươi hai vị, Ngũ Đại Thập Quốc năm mươi lăm vị, Tống triều mười tám vị, Kim, Liêu, Tây Hạ tổng cộng ba mươi lăm vị, Nguyên triều mười tám vị, Minh triều mười sáu vị, Thanh triều mười hai vị, còn có Nam Minh, Bắc Nguyên, số khác như Lý Tự Thành, Trương Hiến Trung cùng với cha con Hồng Tú Toàn Thái Bình Thiên quốc, còn thêm Hồng Hiến hoàng đế Viên Thế Khải làm vua gần được hai tháng, tổng cộng là bốn trăm lẻ tám vị Hoàng đế.
Nếu như tính luôn cả Vương, Công, Hầu trong tám trăm bốn mươi năm thời kỳ Đông Chu, Tây Chu, Xuân Thu chiến quốc trước Tần Thủy Hoàng, có thể nói số người nắm quyền Đế Vương của Trung Quốc có tám trăm hai mươi chín vị.
Trong đông đảo các vị Đế Vương như thế, người sống được quá tám mươi tuổi chỉ có năm người. Thọ nhất chính là vị Hoàng đế phong lưu Càn Long triều Thanh, ông sống được đến tám mươi tám tuổi. Xếp sau ông là Lương Vũ Đế Tiêu Diễn, vị nữ Hoàng đế duy nhất Võ Tắc Thiên, Tống Cao Tông Triệu Cấu và Ngô Việt Vũ Túc Vương Tiền Khẩu. Sống quá bảy mươi chỉ có mười, ở thời Ngũ Đại Thập Quốc loạn lạc như vậy mà cho ra được một Ngô Việt Vũ Túc Vương Tiền Khẩu sống tới tám mươi tuổi đã là hiếm thấy lắm rồi.
Cho nên, nói sau ba mươi năm làm Hoàng đế chỉ vừa vặn tới độ tuổi xuân chín muồi tuyệt đối là nói dối, hoa ngôn nịnh bợ. Sài Vinh đương nhiên biết lời này không đáng tin, thật sự làm được ba mươi năm Hoàng đế đã là yêu cầu xa vời, sau đó còn có thể làm được bao nhiêu năm càng là chuyện không thực tế.
Vị Quân chủ hùng tài đại lược này đối với cái kết quả ba mươi năm thống trị đã hết sức thỏa mãn, y mặc sức tưởng tượng:
– Nếu Trẫm có thể thống trị ba mươi năm, sẽ dùng mười năm mở mang bờ cõi, mười năm tu dưỡng dân chúng, mười năm cho thiên hạ thái bình, cuộc đời này đã đủ viên mãn!
Sài Vinh xua quân trực chỉ Bắc Hán, chẳng qua là bước đầu tiên trong đại chí bình thiên hạ của y.
(Chú thích của tác giả: Miêu tả của Sài Vinh trong truyện, và trong lịch sử thực tế không khớp nhau. Trong lịch sử Sài Thế Tông là một người hùng tài đại lược, được xưng tụng là đệ nhất minh quân thời Ngũ Đại. Thái Tổ Quách Uy và người nhà Sài Vinh, đều bị Hậu Hán Ẩn Đế tàn sát tại Khai Phong. Thân nhân của Quách Uy đã chết sạch, chỉ còn duy nhất một nghĩa tử làm bạn bên mình, giang sơn Hậu Chu không truyền cho y thì truyền cho ai? Chỉ tiếc, Sài Vinh tại vị không tới sáu năm thì chết bệnh.
Trong lúc y tại vị từng có một lần hỏi Tả Gián Đại Phu Vương Phác: – Trẫm sẽ tại vị được bao năm?
Vương Phác tinh thông thuật số, đáp rằng: – Thần ngu dốt sở học có hạn, theo thuật tính của thần chỉ có thể phỏng đoán đến khi Bệ hạ tại vị ba mươi năm thân thể vẫn tráng kiện, chính là mặt trời lúc ban trưa, xa hơn nữa thần bói không ra rồi.
Lời này vỗ mông ngựa hết sức khéo léo, Sài Vinh nghe xong rất vui mừng.
Y nói: – Nếu thật như lời ái khanh, Trẫm có thể cai quản thiên hạ ba mươi năm. Trẫm sẽ lấy mười năm mở rộng giang sơn, mười năm nuôi dưỡng dân chúng, mười năm tạo nên thái bình, cuộc đời này coi như mãn nguyện!
Trong hơn năm năm y tại vị, đầu tiên là phạt Hậu Thục, chiếm được bốn châu Tần, Phượng, Thành, Giai. Rồi sau đó ba lượt ngự giá thân chinh Nam Đường, đánh hạ được mười bốn châu Hoài Nam Giang Bắc.
Đáng tiếc, vị đệ nhất minh quân hùng tài đại lược thời Ngũ Đại này, khi tại vị đến năm thứ sáu thì Bắc phạt Liêu quốc, liên tiếp thu phục ba châu Doanh Châu, Mạc Châu, Dịch Châu và ba cửa ải Ngõa Kiều, Ích Tân, Ứ Khẩu. Đúng ngay lúc đại thắng, Sài Vinh thân đổ bệnh nặng, không trị được mà bỏ mình.)