Ngày 28 tháng 5 năm 2013, tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Hàng Châu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trương Siêu gϊếŧ hại Giang Dương.
Phiên tòa lần này nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Toàn bộ vụ án mang đậm tính tranh luận – yếu tố hàng đầu của việc đưa tin thời sự.
Ngay từ đầu, sau khi xảy ra vụ việc đưa xác chết đến ga tàu điện ngầm đã gây xôn xao cả nước, trên mạng có rất nhiều ảnh được cư dân mạng chụp được ở hiện trường đưa lên, hình ảnh Trương Siêu khua múa chiếc vợt bóng bàn trong tay bị chê thành đủ loại biểu tượng, giai điệu gây sốt "Bạn có sợ không" với nhịp điệu rap cũng được lan truyền rộng rãi, thông tin về vụ án nhiều ngày liền liên tục chiếm giữ vị trí đầu tiên trên các phương tiện truyền thông, thậm chí một số minh tinh muốn đăng thông cáo cũng đành tránh mấy ngày vô đối này ra.
Sau khi cảnh sát công bố tình tiết vụ án cho toàn xã hội, lại dấy lên một chủ đề tranh luận mới. "Bạn có người bạn nào vay tiền mà không trả không?", "Bạn thân của bạn vay tiền để đánh bạc, bạn có cho vay không?" Hầu hết mọi người đều đã từng trải qua tình cảnh bị người ta vay tiền nhưng không trả, cho dù là không thể nhớ được hình dáng của tình đầu, mọi người cũng không bao giờ quên mặt mũi kẻ vay tiền không trả. Thế là, dư luận bàn ra tán vào sôi nổi, thao thao bất tuyệt.
Người bị hại là Giang Dương tiếng tăm vô cùng xấu xa, nào là ăn hối lộ, cờ bạc, gái gú, lại từng vào tù ra tội, thậm chí khi truyền thông phỏng vấn, vợ cũ của anh ta cũng không hề nói đỡ cho anh ta câu nào, điều này càng khơi gợi được sự cảm thông của đại đa số mọi người, họ cho rằng Trương Siêu gϊếŧ người chỉ vì nóng giận nhất thời, nên xử nhẹ.
Sau khi tòa án công bố thời gian mở phiên tòa xét xử, tin thời sự trước đây lại sục sôi một lần nữa, rất nhiều trang mạng cho đưa tin trên trang chuyên mục. Phóng viên các cơ quan truyền thông lớn trên toàn quốc ồ ạt xin được dự thính, sánh ngang với các sao gây án – mà còn là đẳng cấp của sao hạng A.
Ngoài thu hút được đông đảo công chúng ra, vụ án này còn giành được sự chú ý của giới luật trong cả nước, vì luật sư bào chữa mà Trương Siêu mời quá đẳng cấp.
Bản thân anh ta chính là luật sư bào chữa hình sự, có thể coi là có chút tiếng tăm trong phạm vi thành phố Hàng Châu, không ít bạn bè nghĩ rằng lần này anh ta sẽ tự bào chữa cho mình, nhưng cuối cùng người nhà anh ta đã mời hai luật sư bào chữa hình sự rất nổi tiếng cho anh ta.
Một vị là giáo sư Thân – giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh của Trương Siêu trước đây, giờ đã hơn sáu mươi tuổi, đã về hưu nghỉ ở nhà, giáo sư Thân là người đứng đầu trong giới luật, là ủy viên ủy ban dự án sửa đổi luật hình sự Quốc hội. Vị kia là đại luật sư Lý – sư huynh cùng thầy hướng dẫn của Trương Siêu, đệ tử tâm đắc của giáo sư Thân, được phong danh là anh cả trong giới luật sư bào chữa hình sự chiết Giang.
Giáo sư Thân đã nhiều năm không ra tòa bào chữa cho ai, đại luật sư Lý vẫn rất mẫn cán ở đẳng cấp bào chữa hình sự hàng đầu, có điều mức thu phí của ông ta rất cao, không nhiều người đủ tiền để mời ông ta, Trương Siêu mời được ông ta, hiển nhiên là nhờ giáo sư Thân. Hai vị luật sư đẳng cấp cùng xuất hiện trước tòa để bào chữa cho Trương Siêu, sự kiện như vậy rất hiếm, rất nhiều nhân vật trong giới luật đều xin tòa án cho phép dự thính, để học tập cách bào chữa của hai vị đại luật sự trong vụ án này.
Tình tiết vụ án vốn rất đơn giản, không liên quan đến những chuyện cá nhân không tiện công khai, tòa án đã trưng cầu ý kiến của người nhà Trương Siêu và Giang Dương, cả hai bên đều đồng ý công khai xét xử, vì vậy tòa án đã chuẩn bị riêng một phòng xét xử lớn để có thể đáp ứng tối đa số lượng người xin dự thính.
Trước khi mở phiên tòa xét xử, công tố viên và luật sư bào chữa của bị cáo đã trao đổi chứng cứ trước khi xét xử, tòa án đã tiến hành xét xử thực nghiệm ba lần, Trương Siêu đều không có bất cứ ý kiến gì khác.
Sau khi phiên tòa bắt đầu, rất nhanh chóng, kiểm sát viên đọc cáo trạng, đưa ra chứng cứ luận tội, hỏi bị cáo có thắc mắc gì về nội dung bản cáo trạng hay không. Tất cả mọi người đều biết rằng thái độ nhận tội của anh ta rất thành khẩn, tình tiết toàn bộ vụ án đơn giản, quá trình phạm tội rõ ràng, tất nhiên đều cho rằng anh ta sẽ không có ý kiến gì. Đây chẳng qua là tiến hành cho đủ các bước theo hình thức mà thôi, mấu chốt là lát nữa luật sư và công tố viên sẽ bào chữa thế nào đối với mức độ ác ý chủ quan của Trương Siêu, là cố ý gϊếŧ ngưòi hay vô ý gϊếŧ người.
Lúc này, Trương Siêu ho lên một tiếng, cầm chiếc kính mấy hôm trước vừa xin trại giam cho đeo, từ từ bình thản đeo kính vào, tiếp đó kéo lại chiếc áo tù màu vàng để bộ trang phục tù nhân ngay ngắn hơn, người trông cũng khí thế hơn.
Anh ta hơi nhắm mắt lại, mấy giây sau, lại mở mắt ra, thẳng lưng lên, chậm rãi lên tiếng: "Về nội dung định tội của công tố viên, cá nhân tôi rất không tán đồng."
Mọi người bắt đầu cảm thấy hiếu kỳ, hai vị luật sư nổi tiếng của anh ta nhìn nhau, nhưng cũng đều cho rằng anh ta định phản bác nội dung định tội của kiểm sát viên về mức độ ác ý chủ quan trong việc gϊếŧ người, chỉ có điều lời mở màn của anh ta nghe có vẻ hơi kì quặc.
"Mời bị cáo nói rõ." Quan tòa nói.
Trương Siêu cúi đầu, không ai nhận thấy nét cười thoáng hiện nơi khóe miệng anh ta, anh ta khẽ sờ tay lên trán, sau đó từ từ ngẩng đầu lên, đảo mắt nhìn một lượt tất cả những người dự thính phía sau, rồi nói: "Hôm nay đứng ở đây, tôi rất sợ, nhưng phần nhiều là không hiểu, tôi không biết tại sao tôi phải đứng đây để chịu xét xử. Bởi vì tôi chưa bao giờ gϊếŧ người."
Vẻ mặt anh ta đầy sự vô tội, như thể đang phải mang "nỗi oan nàng Đậu Nga*" , nhưng tiếp sau đó, toàn bộ phiên tòa bị bao trùm bởi sự kinh ngạc và những tiếng xì xào xôn xao, quan tòa gõ đến suýt gãy búa.
(*) "Nỗi oan nàng Đậu Nga" là vở ca kịch nổi tiếng của nhà văn Quan Hán Khanh đời nhà Nguyên, tác phẩm được sáng tác dựa trên câu chuyện oan khuất "Đông Hải Hiếu Phụ" trong "Liệt Nữ truyện". Truyện kể Đậu Nga bị bọn vô lại hãm hại, lại bị thái thú Đào Ngột phán tội chém đầu một cách oan uổng.
"Cái gì... Bị cáo không gϊếŧ người?" Kiểm sát viên hơi sốc, không kịp phản ứng. Kiểm sát viên đã ứng phó với việc định tội trong rất nhiều vụ án cố ý gϊếŧ người, bị cáo thường cũng chỉ có thể đưa ra lời biện hộ từ góc độ cố ý hay là vô ý, chưa từng gặp bị cáo nào không hề có bất cứ ý kiến phản đối nào đối với chứng cứ luận tội, nhưng lại đột ngột phủ nhận hoàn toàn tội gϊếŧ người.
Vị giáo sư già vội khẽ lên tiếng nhắc: "Anh làm cái gì thế! Chứng cứ xác đáng, bây giờ anh phản bác lại toàn bộ lời khai thì không kịp nữa rồi, chỉ có làm hình phạt nặng thêm! Chúng ta chẳng đã bàn bạc xong đối sách rồi sao, anh chỉ có thể biện hộ từ góc độ phạm tội chủ quan, tôi và luật sư Lý sẽ giúp